Chương 5-2: Hết

Anh quay sang quỳ xuống trước Cậu Mợ Bảy:

"Xin chú thím cho phép con nhận Lành làm em của mình và suốt đời nầy con nguyện có trời đất là thương em ấy như tình thâm huyết nhục " Cậu Mợ Bảy cũng như tao thật bất ngờ, nhưng tao cảm động lắm... vậy tụi bây đã biết vì sao tao lại thứ Ba rồi chứ gì hì hì...

Cô Tư Én phụng phịu:

- Nhưng tới giờ chú Ba vẫn chưa nói cô Ba Hạnh sau nầy ra sao?

Chú Ba Lành cười cười:

- Thì họ làm đám cưới và sống rất hạnh phúc bên nhau chứ còn gì nữa mà hỏi.

Tôi buột miệng:

- Vậy những chữ bùa anh luyện thì sao?

- Sau nầy khi tao theo Tổ sư gia, ổng nói là ổng đã biết hai người có duyên nợ với nhau nên khi trả lại chiếc túi bùa hộ mạng của anh Hai Định lúc đến cứu ảnh, ổng đã giải căn hết cho ảnh rồi, nên anh có thể lập gia đình và không còn xữ dụng bùa được nữa...

Chú Ba Lành bổng đứng dậy bước đến chiếc tủ duy nhứt trong nhà lấy ra một chiếc hộp gổ mun lên nước đen bóng:

- Tao cho tụi bây coi cái nầy nè...

Mở chiếc hộp gổ, chú Ba đưa chúng tôi xem tấm ảnh màu chụp bán thân hai người trung niên, một nam một nữ. Người nam khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị mái tóc chớm hoa râm, còn người nữ thật âu yếm tựa đầu vào vai người nam, miệng cười mĩm thật dễ mến với khuôn mặt hiền lành xinh đẹp... Chúng tôi cùng buột miệng kêu lên:

- Hình của anh Định và cô Ba Hạnh phải không chú Ba?

Chú Ba Lành gật đầu:

- Đúng vậy, tụi bây nhìn thấy họ có xứng đôi không?

Chúng tôi chưa có ai trả lời thì chú Ba Lành đã nói tiếp:

- Tấm hình nầy ảnh chỉ mới gởi về cho tao hơn tháng nay thôi...

Dù đã đoán biết gia đình của Định hiện đang ở Mỹ qua lời nói lúc đầu của chú Ba Lành, nhưng tôi cũng tò mò:

- Anh... í mà ông Định hiện đang ở Mỹ hở chú Ba, tiểu bang nào vậy?

Chiến cũng xen vào:

- Họ đi trước hay sau năm 75 vậy chú Ba?

Cô Tư Én cũng tiếp lời Chiến:

- Họ có con không vậy chú Ba?

Chú Ba Lành trước những câu hỏi của chúng tôi, chú cười hì hì, đặt chun trà vừa uống xuống ván, nhìn Hấu mà lúc nầy đang cầm tấm ảnh của Định và cô Ba Hạnh trên tay:

- Còn mầy, muốn hỏi gì thì hỏi luôn đi?

Rồi thấy khuôn mặt thộn ra của Hấu, chú Ba Lành vuốt vuốt chòm râu dưới càm:

- Tao biết chơi nhạc cổ truyền là do Cậu Bảy Thọ đã mở ngón (*) cho tao, anh Hai Định chỉ dạy cho tao được 3 Nam 6 Bắc thì anh tình nguyện vào trường Vỏ Bị Đà Lạt, nên vốn liếng nhạc tài tử của tao phần lớn là học từ Tổ sư gia Hiệp Ẫn... hà hà... tụi bây ngạc nhiên lắm phải không... tao cũng không ngờ là mấy năm theo Tổ sư gia, tao luyện bùa thì ít chuyên tâm mà luyện đờn thì tao hăng lắm, thét rồi Tổ sư gia cũng chìu tao hà hà hà...

Giọng chú Ba Lành đột nhiên trầm xuống:

- Tổ sư gia không có gì mà không biết, tánh tình thật là hào sảng, tao nghĩ trên đời nầy không có người thứ hai như ông...

Tôi lại nổi tánh tò mò:

- Tổ sư gia bây giờ ở đâu chú Ba có biết không?

Chú Ba Lành cười mĩm:

- Nếu biết được ổng ở đâu thì còn nói gì nữa... rồi chú hắng giọng:

- Lần chót khi ổng cho tao về, ổng nói ổng sẽ đi qua Miên thăm bạn của ổng rồi sau đó có thể ổng sẽ qua Lào hay Thái Lan gì đó... Ổng nói đất nước sẽ có nhiều thay đổi... tao còn gặp được ổng không cũng tùy vào chữ duyên...

Chiến xen vào nhắc lại:

- Còn anh Định sao hở chú Ba...?

- Anh ấy sau nầy là Thiếu Tá Biệt Động trong quân đội ở đây, chiến công anh lừng lẫy, anh với cô Ba Hạnh có hai con 1 trai 1 gái... Sau khi mấy ông ngoài kia vào, gia đình đã mất tin tức của anh, gần 3 năm sau mới nhận được tin anh đang ở trong trại tỵ nạn bên Thái Lan chờ đi Mỹ... Cô Ba Hạnh cùng cậu Hai Long lúc nầy đã là bác sĩ đang làm việc trong bệnh viện Saigon liền thu xếp đem hết gia đình đi vượt biên bán chánh thức... và cuối cùng họ đã đoàn tụ lại bên Mỹ... họ ở chổ nầy nè, mầy biết không...?

Chú Ba Lành lại lấy trong chiếc hộp gổ ra một phong bì đưa trước mặt tôi tay chỉ vào góc đề tên người gởi... Tôi liếc qua thấy Trần Hữu Định.... xxx xxxx Ave xxxxxx NJ xxxxx USA... nên cười:

- Họ ở cách cháu một bề dài của nước Mỹ đó chú Ba... và tôi nhìn chú Ba Lành:

- Sao lúc đó chú không cùng đi với cô Ba Hạnh?

- Tao qua bên đó làm gì, ai chơi đờn ca với tao... hì hì tao là người đầu trần chân đất, ngay cả Saigon tao cũng không ưa... nên tao bán căn phố trước chợ Tân Định mà Cậu Mợ Bảy trước khi đi đã cho tao, về ở đây thật ung dung nhàn hạ, còn muốn gì nữa chứ...

Chiến bỗng nhìn tôi nháy mắt và nó hỏi chú Ba Lành:

- Rồi chú Ba phải ở một mình như vậy hoài sao...?

Chú Ba Lành bật cười ha hả:

- Mầy thiệt tình mà, hổng để cho tao có một chút riêng tư nào sao... mầy muốn nghĩ như thế nào thì nghĩ đi...

Rồi chú nhìn tôi:

- Chữ duyên trong đời người thật hiếm, vì dễ mấy khi cùng sở thích... cặp Lưu Thủy Bắc Oán Ai và Phú Lục Bắc Hạ Nam Oán là kỷ niệm trong đời đi chơi đờn ca tài tử của tao, tặng cho mầy coi như là duyên gặp mặt... Tao hy vọng lần sau mầy về gặp ngày giổ Tổ mình cùng nhau đi quậy mấy ông già trên nhà thờ Tổ hì hì...

Tư Én vừa cất lại mọi thứ vào trong chiếc hộp gổ cho chú Ba Lành vừa lên tiếng:

- Con có được đi không?

Chú Ba Lành trả lời cô, một câu mà không biết do chú cố ý lạc đề hay ám chỉ điều gì khi chú lại nhìn tôi:

- Phải coi mầy có chữ duyên không đây....

* mở ngón: trong giới chơi cổ nhạc, người đầu tiên dạy cho mình đờn gọi là mở ngón...

*** ***

Chiếc Boeing 737 của hảng hàng không Cathay Pacific lướt nhanh trên phi đạo phi trường Tân Sơn Nhất trước khi lao vυ"t vào khoảng không chói chang nắng gắt của Saigon. Nhìn ra khung cửa kiến, mọi vật bên dưới đều nhỏ lại... vậy mà sao đôi mắt tự tin kiêu hảnh của người con gái "thất thập nhị huyền công" lại lớn dần lên trong cảm nghĩ của tôi. Trong số các bạn chơi đờn ca, ra phi trường tiển tôi hôm nay Tư Én đã nổi lên như một hiện tượng vô hình vừa được khám phá. Chiếc áo dài trắng bình dị, mái tóc cột đuôi gà cao cao... vậy mà sao tôi thấy mình cứ mãi nao nao, và tôi lại ước mình là Ô Hắc Lợi để được ai kia làm Phi Long dâng rượu tiển, để rồi tự mĩm cười khi chợt nhớ lời hứa không kịp suy nghĩ là giổ Tổ năm sau tôi sẽ về VN... Phi cơ đã bình phi, nhìn ra chỉ còn mây trắng, mọi việc rồi sẽ quay vòng như cũ khi cuộc sống nơi xứ người dù muốn dù không vẫn là một trùng lập khắt khe, nhưng trong tôi từ nay có thể những định kiến chủ quan về nền văn minh khoa học kỷ thuật không còn là duy nhứt nữa và có phải một thế giới siêu hình vẫn tồn tại đâu đây... với những gì tôi chứng kiến tại nhà chú Ba Lành.

Tôi mở chiếc túi đeo vai, lấy bài nhạc Lưu Thủy Bắc Oán Ai mà cô Tư Én đã chép lại thật cẩn thận ra xem... nhìn nét bút nhẹ nhàng uyển chuyển ký âm những chữ hò, xự, xang, xê, cống... tự nhiên sao một nguồn hứng khởi cuồn cuộn trong tôi... và tôi muốn vẽ lại tấm gương anh thư hào kiệt của Nữ tướng Bùi Thị Xuân trước kẻ thù qua dòng nhạc hùng tráng bi ai giống như cuộc đời của người nghĩ ra nó: Chú Ba Lành.