Chương 3
Lão Hans trở thành “lái buôn bột”
Cả làng vẫn cứ xôn xao. Ai cũng nghĩ thật chẳng công bằng tí nào khi chỉ một mình lão Hans có món “bột mì vĩnh cửu”. Những người đánh cá họp nhau lại và quyết định tuyên bố “bột” là tài sản chung, cần trung dụng để chia đều cho cả làng. Song Sunster (thượng quan thấy quyết định đó là bất hợp pháp nên cự tuyệt việc thi hành nó. Ludwig và Fris phản đối ra mặt. Hai người thậm chí dám cả gan nói rằng chẳng cần đếm xỉa đến pháp luật, bởi vì khi làm luật, người ta đã biết “bột mì vĩnh cửu” là gì đâu. Tuy nhiên phần lớn mọi người sợ trở thành những kẻ phạm pháp, sợ chuốc vạ vào thân một khi chính quyền trung ương biết được kiểu làm ăn hết sức phi pháp này. Trong một buổi tụ tập như thế, có người đến báo tin rằng kẻ trộm đã hai lần đến đánh cắp một phần “bột” ở nhà lão Hans. Bọn trộm này xem ra cũng có đôi chút lương tâm, vì chúng chỉ lấy mỗi lần ba chục gam thôi.
- Bọn chúng thế mà khôn, - Fris nói - tớ thậm chí chẳng coi việc đó là trộm cắp. “Bột” ấy không thể chỉ thuộc về một người. Tớ đã khẳng định như thế từ lâu rồi mà.
Sau khi Ludwig biết chuyện “bột” mất cắp, hắn cương quyết định thó cho kỳ được một cục “bột” diệu kì ở chỗ lão Hans.
Một đêm tối trời, hắn thủ chiếc thừng vào người rồi đi đến chỗ cây đèn biển. Hắn ném được một đầu thừng có buộc móc câu vào một khe tường rồi bằng hai tay kẻo thừng leo lên đến tận buồng có để “bột”. Lúc hắn thò tay mò mẫm sờ chiếc giá để xuống “bột”, bỗng có con vật gì không biết gào lên một tiếng kinh rợn rồi lao thẳng vào người hắn mà cào vào mặt vào tay. Ludwig hoảng quá rú lên, lùi lại nên trượt chân ngã lăn xuống cầu thang. Thấy động lão Hans mới cầm đèn ra soi xem sao.
Chú làm gì ở đây thế, Ludwig? - Lão hỏi.
- Tôi... Tôi định tóm lấy cái thằng kẻ trộm vừa đánh cắp “bột” của lão. Nhưng hình như nó là quỷ sứ thì phải. Nó lấy móng vuốt cào toạc cả mặt tôi ra đây này.
Ludwig được cái không tin là có ma quỷ nên hắn đề nghị lão Hans đem đèn lên gác trên xem sự thể ra sao. Khi hai người lên đến nơi thì thấy một con mèo đen to tướng đang gầm gừ với họ.
- Kẻ trộm đây ư? - Ludwig kinh ngạc. - Chẳng lẽ lũ mèo cũng khoái món “bột” này à? - Và gã đau đớn nghĩ bụng: “Lũ mèo thì chắc chả phải tính đến thứ luật pháp ngu ngốc làm gì”. Nhưng vì suýt nữa thì bị bắt quả tang phạm tội nên từ đó gã không dám đánh cắp “bột” nữa. Vả lại, câu chuyện chẳng mấy chốc đã xoay sang hướng khác.
Lão Hans có món “bột” không bị đói khát. Nhưng đôi ủng của lão đã tã, bộ quần áo rách như tổ đỉa che sao kín cái thân hình đang ngày một đẫy ra; lão chẳng có củi đóm gì nên đành co ro chịu rét trong lòng cây đèn biển đổ nát. Tóm lại, lão vẫn là một kẻ nghèo hèn, tuy rằng có no bụng.
Bọn nhà giàu trong làng lợi dụng ngay cảnh đó. Họ bắt đầu tranh nhau quyến rũ lão đổi “bột” cho họ để lấy ủng mới, củi và áo lông ấm. Lão Hans khá lâu vẫn khăng khăng không chịu nghe lời phỉnh. Song đến giữa tháng chạp thì những cơn bão tuyết giá lạnh tràn về, lão không chịu đựng được nữa liền đem “bột” đi bán. Bản thân lão cũng đã ăn đẫy bụng rồi, vả lại cơ thể già nua cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều lắm. Mỗi ngày lão Hans không ăn hết một nửa hộp “bột” nên vẫn còn thừa chút ít. Lão bèn đem số “bột” ấy ra thị trường, mỗi ngày bán cho nhà nào đó một ít. Dần dần muốn mua “bột” của lão, người ta phải chờ chán mới tới lượt mình. Càng ngày việc buôn bán ấy càng làm cho lão Hans ham làm giàu. Lão cứ nâng giá lên cao dần, cò kè mặc cả như một tên cho vay nặng lãi thực thụ. Người ta nguyền rủa lão, nhưng vẫn mua của lão. Thế mới khỏi thua chị kém em.
Lão Hans đã say sưa làm giàu thật sự. Lão thậm chí giảm bớt cả khẩu phần ăn hàng ngày của mình để mở rộng việc buôn bán nên có phần gầy sút đi. Nhưng bù vào đó trong nhà lão đã có những chiếc hòm mới đầy quần áo rét quý giá, lò sưởi lúc nào cũng đượm than hồng và chiếc rương nhỏ đựng tiền ngay dưới gầm giường lão cứ ngày một nặng. Chưa đầy hai tháng sau, lão Hans đã trở thành kẻ giàu có nhất làng.
Người lão trẻ ra vì vận may bất ngờ. Bây giờ lão mới thấy sợ chết: lỡ cái tháp đèn biển cũ nát sụp xuống người lão thật sự thì hết đời. Lão bèn tậu một ngôi nhà mới tinh, dọn đến ở đó và thuê một người hầu gái để giặt giũ quần áo lo toan nội trợ và pha cà-phê cho lão uống như “một trưởng giả thực thụ”, bắt chước vị mục sư ở làng bên sáng nào cũng dùng cà-phê kem sữa. Lão Hans còn đặt mua từ ngoài thành phố một chiếc ra-đi-ô kèm theo loa mắc trong phòng, rồi suốt ngày lão chỉ ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành phè phỡn phả khói thuốc mà nghe mọi tin tức xảy ra trên đời. Lão chẳng hề thấy lương tâm cắn rứt tí nào. Thỉnh thoảng có nhớ đến giáo sư Broie thì lão lại nghĩ: “Ta có làm điều gì xấu đâu? Giáo sư nuôi ta ăn, nhưng không cho ta mặc. Vả lại cũng nên nghĩ đến dân làng nữa chứ. Đúng là để một người nắm giữ thứ ‘bột’ đó thì chả công bằng”.
Dân làng cũng lấy làm mãn nguyện. Quả “bột” có hơi ít, người ta phải ăn thêm bánh mì và cá mới đủ. Nhưng món “bột” ấy đúng là chỗ dựa quan trọng về kinh tế.
Chỉ mấy nhà quá nghèo là không đủ tiền mua “bột” mà thôi. Được nghe nói mãi là “bột mì vĩnh cửu” phải trở thành tài sản chung của cả làng, một bác cố nông định biến điều đó thành thực tế mới thò tay vào chiếc hộp đựng “bột” mà người ta vô tình đặt ở một chỗ sơ hở. Không may bác bị bắt quả tang, bị chủ là một gã đánh cá giàu có nện cho một trận nhừ tử và đưa ra tòa về tội ăn cắp. Bác rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những người đã mua thứ “bột” đó đều tỏ vẻ căm giận hành động của bác. Bác cố thanh minh bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng chính họ đã bảo bác “bột” là tài sản chung của cả làng. Nhưng bác chẳng thuyết phục được một ai.
- Bao giờ “bột” được phát không, - Người ta đốp vào mặt bác - thì nó sẽ là tài sản chung. Tại sao anh muốn xơi không cái thứ “bột” mà chúng tôi đã bỏ tiền ra mới mua được? Người ta phải chài lưới vất vả đầy nguy hiểm mới kiếm ra tiền mua “bột”. Anh đã đánh cắp công sức lao động của chúng tôi, chứ chẳng phải chỉ lấy trộm “bột” thôi đâu.
Và tên trộm đã bị pháp luật nghiêm trị thẳng tay. Cần nói thêm rằng, trong bản án, các vị quan tòa ở làng chài không nói rõ bác cố nông đã lấy trộm thứ “bột” gì. Đám dân chài vẫn cố giữ bí mật về món “bột mì vĩnh cửu” trong phạm vi làng mình. Họ muốn sống sung túc hơn dân chài các làng lân cận. Thêm nữa, họ hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa giáo sư Broie sẽ phát “bột” thỏa thích cho họ. Họ giấu không để giáo sư biết chuyện mua “bột” ở nhà lão Hans. Song chẳng mấy chốc giáo sư đã rõ mọi chuyện. Và cũng không phải riêng mình giáo sư.
Một hôm, Broie đang ngồi trong phòng thí nghiệm của mình thì được người đầy tớ báo cho biết là có một người trẻ tuổi “ăn mặc lịch sự theo kiểu thành thị” đến xin gặp ông. Giáo sư cau mặt. Ông vốn không thích bị quấy rầy khi làm việc. Thế mà bây giờ lại có người khách lạ mặc bộ com-lê hợp mốt nữa.
- Ra bảo tôi đi vắng. - Giáo sư bảo anh đầy tớ Carlo.
- Con đã nói thế. Nhưng anh ta đáp rằng sẽ đợi cho đến khi giáo sư về.
- Thế thì bảo anh ta rằng hôm nay tôi không về. - Giáo sư nổi cáu nói, rồi mải miết làm việc.
Sáng hôm sau, Carlo vào báo rằng người khách lạ hôm qua lại đến và xin được tiếp. Rồi Carlo chìa ra một tấm danh thϊếp.
Thấy không thể tránh mặt được người khách hay ám, giáo sư đành thở dài đi ra phòng khách. Một người trẻ tuổi, mày râu nhẵn nhụi, ăn mặc cực kỳ sang trọng, với chiếc kính tròn to tướng trên sống mũi, đứng dậy chào Broie.
- Thưa giáo sư kính mến, - Người khách vội nói - thứ lỗi vì đã quấy rầy sự yên tĩnh của ngài...
- Tôi rất bận nên chỉ có thể dành cho ông năm phút là cùng. - giáo sư đáp một cách lạnh nhạt.
- Tôi sẽ không phiền ngài lâu. Tôi là phóng viên một tờ báo ở Berlin... - Người trẻ tuổi nói tên một tờ báo lớn. Giáo sư hừ một tiếng khó chịu khi biết đang tiếp xúc với một ký giả. - Tòa soạn giao cho tôi phải trao đổi về phát minh hết sức vĩ đại của ngài...
- Phát minh nào? - Broie cảnh giác hỏi.
- Tất nhiên là phát minh “bột mì vĩnh cửu”. Vì nó sẽ mở ra những triển vọng vô cùng to lớn...
- Thế nào, cả anh cũng biết chuyện “bột mì vĩnh cửu” rồi ư? - Giáo sư đỏ mặt tía tai nói lớn - Làm sao anh biết? Tất cả chỉ là chuyện ngồi lê đôi mách nhảm nhí hết. Tôi chẳng phát minh ra thứ “bột mì vĩnh cửu” nào cả.
Người trẻ tuổi nghe lời nói nóng nảy ấy với một nụ cười bình thản khiến giáo sư càng thêm bực bội.
- Thưa giáo sư kính mến, - Phóng viên nói - có lẽ chúng tôi cũng chẳng hay biết gì về bí mật công trình sáng tạo của giáo sư, nếu không có một trường hợp tình cờ đã giúp chúng tôi. Chuyện ấy xảy ra bấu chấp chúng tôi thôi.
- Trường hợp gì vậy? - Giáo sư hỏi và cảm thấy bí mật của ông quả đã bị tiết lộ.
- Ngài cho lão Hans, một lão già làm nghề đánh cá một phần “bột mì vĩnh cửu” để thí nghiệm. Lão Hans bắt đầu bán thứ “bột” ấy cho dân làng ăn...
- Không thể có chuyện đó! - Giáo sư quát lên.
- Than ôi, đó là sự thật. Lão ta đã phụ lòng tin cậy của ngài. Vợ một người đánh cá đã không chịu nổi, gửi một cục “bột” ấy biếu bà mẹ nghèo đau ốm ở làng bên. Cô con gái thứ hai đang ở với bà cụ ấy viết thư kể cho cậu em mình làm việc ở Berlin biết thứ “bột” thần diệu đó. Người em trai ấy - tình cờ may mắn làm sao! - lại làm nghề chạy giấy ở tòa soạn chúng tôi.
- Thật là sự tình cờ bất hạnh cho tôi? - Giáo sư khẽ thốt lên.
- Bởi vậy tờ báo chúng tôi là tờ báo đầu tiên biết đến phát minh sẽ làm đảo lộn thế giới ấy. Tin đó làm cho mọi người sửng sốt đến mức thú thực rằng chẳng ai tin lời anh chạy giấy cả. Tòa soạn mới cử tôi đến kiểm tra tại chỗ xem sao.
Mọi lý lẽ phủ nhận lúc này đều vô ích. Giáo sư gục đầu xuống.
- Anh nói tiếp đi.
- Đến nơi tôi được biết - tuy thực tình có phải ranh ma đôi chút - rằng sự việc đúng như lời người chạy giấy kể. “Bột mì vĩnh cửu” quả đang tồn tại.
Broie lật đật chạy tới nắm chặt tay phóng viên:
- Anh nghe đây, - Giáo sư hổn hển nói - tôi tha thiết mong ông đừng viết gì cho các báo cả. Thí nghiệm chưa hoàn tất nên không thể công bố ngay được... Điều đó có thể gây ra những tai họa khó lường. Tôi hứa, tôi xin hứa rằng anh sẽ là người đầu tiên được biết phát minh của tôi, một khi tôi thấy có thể công bố nó ra. Tôi sẽ tự tay viết thư cho anh biết.
Người trẻ tuổi mỉm cười thông cảm nhưng lắc đầu từ chối:
- Tiếc rằng không thể như vậy được, thưa giáo sư kính mến. Chúng tôi đã cho đăng một bài. Làm sao chúng tôi có thể chờ đợi được. Các báo khác sẽ nẫng tay trên cái tin tức chấn động hoàn cầu ấy mất!
- Các anh thì chỉ nghĩ đến chuyện gây chấn động - Broie đau đớn nói - Anh chỉ việc viết một bài báo khác nói rằng, qua kiểm tra tại chỗ, đó chỉ là những tin đồn vô lý mà thôi.
- Bây giờ thì muộn rồi. Nhiều phóng viên khác sẽ đổ về đây. Thôi được, để tôi bàn với ông chủ bút và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Nhưng phải có đi có lại. Xin ngài cho tôi biết vắn tắt vài điều về thực chất phát minh của ngài cũng được. Không phải để đăng ngay lên mặt báo, mà đề phòng trường hợp không ỉm được chuyện này. Để ít nhất thì tòa soạn chúng tôi cũng đăng được đôi điều cụ thể đầu tiên về phát minh của ngài chứ.
Broie xúc động đi đi lại lại trong phòng. Để lấy lòng viên ký giả, ông quyết định thỏa mãn yêu cầu của anh ta. Và ông bắt đầu nói, y như trước đám đông cử tọa, giọng ông bất giác phấn chấn hẳn lên. Còn người phóng viên thì vội giở sổ tay và lấy bút ghi tốc ký những lời giáo sư đang nói.
- Chắc anh cũng biết rằng nhiều nhà bác học từ lâu đã nghĩ đến việc sáng chế ra thứ “bánh mì nhân tạo” trong phòng thí nghiệm. Nhưng tất cả các nhà khoa học đó đều đi theo một con đường sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có thể giải quyết được vấn đề ấy bằng sức mạnh của riêng môn hóa học thôi.
Hóa học là một khoa học vĩ đại và có sức mạnh phi thường, nhưng mỗi khoa học đều có giới hạn của nó. Chẳng hạn, ví thử các nhà hóa học có chế được protein theo lối hóa học, - mà sớm hay muộn tất nhiên người ta cũng sẽ thành công - thì vấn đề thức ăn vẫn chưa giải quyết được đâu. Vấn đề số một là ý nghĩa thực tiễn. Các nhà bác học đã chế được vàng bằng phương pháp hóa học, thực hiện ước mơ của các nhà luyện đan ngày xưa muốn biến kim loại thường thành kim loại quý Nhưng giá thành một gam vàng chế trong phòng thí nghiệm đắt bằng mấy giá thị trường so với một gam vàng tự nhiên. Về mặt khoa học thì đó là một phát minh vĩ đại, nhưng về mặt thực tiễn, chỉ là con số không. Vấn đề thứ hai là thức ăn của chúng ta, ngoài protein ra, còn phải có gluxit và lipid nữa. Về phương diện hóa học, chế ra mọi thứ cần thiết để nuôi sống cơ thể là vấn đề có thể giải quyết được nhưng cực kỳ khó khăn với trình độ hiểu biết hiện nay của chúng ta. Và thế là tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của khoa sinh học. Cơ thể sống cũng giống như một phòng thí nghiệm, nơi diễn ra những quá trình hóa học kỳ lạ nhất, nhưng đó là phòng thí nghiệm không cần sự tham gia của bàn tay con người. Mấy chục năm trước, tôi đã nghiên cứu việc cấy các sinh vật nguyên sinh, mong nuôi lớn một loại “giống” có đủ các chất cần thiết để sống. Tôi đã thành công việc đó đúng hai mươi năm về trước.
- Hai mươi năm? Và ngài im lặng hoàn toàn ư? - Phóng viên kinh ngạc thốt lên.
- Vâng, tôi im lặng vì cái đó mới giải quyết được một mặt của vấn đề. Các sinh vật nguyên sinh ấy của tôi là một món ăn tuyệt diệu. Thuộc loại đơn bào, chúng sinh sản theo kiểu phân chia tế bào, và về mặt này cũng là “bột mì vĩnh cửu”. Nhưng muốn bảo đảm sự sống “vĩnh cửu” cho chúng, phải hết sức săn sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Điều đó tốn kém bằng mấy chuyện nuôi lợn chẳng hạn. Tóm lại vàng điều chế trong phòng thí nghiệm của tôi đắt hơn vàng thường. Và hai chục năm qua tôi dành hoàn toàn cho việc tìm kiếm cách nuôi cấy sinh vật nguyên sinh không cần phải tốn kém gì hết.
- Thế ngài đã tìm ra chưa?
- Tìm ra rồi. Nhưng tôi nhắc lại rằng thí nghiệm chưa hoàn tất. Vì vậy, tôi khẩn khoản yêu cầu hoãn việc công bố lại ít lâu nữa. Tôi đã tìm ra và nuôi dưỡng bằng cách nhân tạo một “loại” đơn bào nguyên sinh có thể hấp thụ mọi chất cần thiết ngay trong không khí để tự sống.
- Ngay trong không khí! - Người trẻ tuổi không kìm được sự thán phục, lại thốt lên - Nhưng không khí thì cho ta được thức ăn gì? Nó chỉ có khí ni-tơ và ô-xy thôi mà...
- Cả argong lẫn hidro, - Giáo sư nói tiếp - cả neon lẫn kryton, cả helium lẫn xenon nữa chứ. Nhưng ngoài các nguyên tố cố định ấy ra, trong khí quyển còn có một lượng nhất định hơi nước, khí carbonic, axit nitric, ozon, clo, amoniac, brom, hidro peroxit, iot, hidro sunfua, clorua natri, các nguyên tố xạ khí như radi, thori và actini, rồi lại thêm bụi vô cơ và phải nhớ vững vàng trong khí quyển có bụi hữu cơ tức là vi khuẩn. Đó chính là “thịt” rồi. Có đúng không khí là món ăn ngon lành không nào.
Người phóng viên bỏ cả viết, ngạc nhiên nhìn giáo sư. Anh ta chưa bao giờ nghĩ rằng cái thứ không khí “trống rỗng” lại có thành phần phức tạp đến thế.
- Đúng là trong cái kho không khí quanh ta, không phải thứ gì cũng ăn sống được. Nhưng các sinh vật nguyên sinh của tôi sẽ hấp thụ những gì cần lấy, chế biến chúng trong cơ thể mình rồi cung cấp cho ta một món ăn tuyệt diệu.
Có lẽ giáo sư sẽ còn say sưa nói mãi nếu như chính người phóng viên không ngắt lời ông. Anh ta không nén được nữa, đứng vụt dậy, cất sổ tay vào túi và vừa vò đầu vừa chạy lung tung trong phòng.
- Kỳ lạ quá, thật không sao hiểu nổi? Đây là một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Không còn đói khát, nghèo khổ, hết cả chiến tranh, hằn thù giai cấp...
- Mong sao được như vậy - Giáo sư nói - Nhưng tôi chẳng hy vọng thế đâu. Người ta bao giờ cũng tìm ra được lý do để cãi lộn nhau. Ngoài bánh mì ra, người ta còn cần có quần áo để mặc, nhà cửa để ở, ô-tô để đi, rồi nghệ thuật, rồi danh vọng nữa chứ.
- Nhưng phát minh của ngài vẫn vĩ đại lắm! Thế ngài định sử dụng nó ra sao?
- Tất nhiên tôi sẽ không đem ra buôn bán đầu cơ như lão Hans. “Bột mì vĩnh cửu” phải trở thành tài sản chung của mọi người.
- Ồ tất nhiên! Ngài không chỉ là một nhà bác học. Ngài là một con người tuyệt diệu. Ngài... Ngài là ân nhân của loài người! Xin phép được bắt tay ngài.
Và người trẻ tuổi xiết chặt tay giáo sư Broie.
- Xin anh nhớ cho lời hứa của mình. - Giáo sư nói lúc chia tay.
- Ồ, tất nhiên rồi! Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể và không thể được.
Rồi anh ta chạy vυ"t ra khỏi phòng.
“Ôi biết bao triển vọng! - Anh ta nghĩ bụng khi vội vã ra bến tàu. - Và... có thể viết thành bao nhiêu dòng, bao nhiêu bài báo, kiếm được bao nhiêu tiền nhuận bút...”.
Còn giáo sư Broie lúc ấy ngồi trong phòng làm việc giữa vô số bình lọ thí nghiệm và nghĩ đến bao chuyện khó chịu đang đợi ông ở phía trước.