Chiêm Đài cũng bị quẳng ra ngoài và ngã bên cạnh Phương Lam. Cửa phòng đã đóng chặt, cậu lập tức bật dậy, xông đến trước cửa và gào to: "Đang yên đang lành, sao tự nhiên lại nổi giận thế?"
"Ơ kìa, bà già, tôi đến đây cũng chẳng dễ dàng, dù thế nào cũng cho tôi ít đồ ăn chống đói chứ. Trong nhà không có nổi một quả dưa để ăn, bà nỡ lòng nào nhìn tôi nhịn đói, gầy còm sao?" Chiêm Đài áp cả người lên cánh cửa, đập cửa ầm ầm với dáng vẻ xỏ lá, quyết đạt được mục đích mới thôi.
Trong phòng, bà Đạo Đồng đoán được cậu sẽ không để yên, nên hừ nhạt một tiếng: "Cậu vốn không nên nhúng tay vào chuyện đó. Cậu chán sống muốn đi làm bạn với bà già này hay sao mà lại lo chuyện bao đồng hả?"
"Nếu cậu nhất quyết muốn điều tra thì đến trụ cầu thứ ba theo hướng Bắc Nam của cầu Thiên Tư Môn ấy. Tự đi tìm đi."
Hai người chạy xe điện ra về, Phương Lam im lặng suốt đoạn đường, không còn tâm trạng vui đùa như lúc đến nữa. Những câu nói của bà Đạo Đồng không ngừng lặp lại trong đầu cô.
Bà hỏi cô có phải đang tìm người không, còn hỏi cô để lạc mất người đó ở đâu?
Phương Lam đã thoáng ngập ngừng khi được hỏi như vậy, nhưng sau vài giây đắn đo, cô vẫn giữ kín miệng như bưng.
Không thể nhận bừa Chiêm Đài là bạn hay kẻ thù được. Cô còn chưa tin tưởng cậu đến thế.
Chiêm Đài tưởng Phương Lam vẫn không vui vì chuyện bà Đạo Đồng, bèn ngồi thẳng lưng, hơi nghiêng người và an ủi cô: "Bà Đạo Đồng buồn vui thất thường, lúc thì ghét người ta ăn mặc luộm thuộm, bộ dạng xấu xí. Khi thì ghét người ta có suy nghĩ bất chính, nói năng mập mờ."
"Tôi đến mười lần, mà gặp được bà ấy chưa tới năm lần. Đến khi gặp được thì 80, 90% sẽ bị bà ấy tống cổ. Cô bị bà ấy ném ra ngoài cũng chẳng phải chuyện gì to tát, đừng để bụng."
Phương Lam nhẹ giọng đáp ‘ừ’, lại hỏi: "Bà Đạo Đồng tính tình quái đản là vậy, sao cậu lại quen biết bà ấy?"
Chiêm Đài lập tức sôi nổi hẳn lên. Cậu nghiêng đầu kể lại chuyện cũ cho cô nghe: "Mấy năm trước ở Thành Đô, tôi đã giúp một nhà nghỉ dành cho thanh niên* giải quyết vấn đề ma quỷ lộng hành khó nhằn lắm. Ông chủ rất mừng nên đã giữ tôi ở lại."
*Nhà nghỉ dành cho thanh niên là một dạng khách sạn dành cho khách du lịch và những người trẻ tuổi, đề cao tính tự lập, tương trợ lẫn nhau, giá cả phải chăng, không lãng phí và nổi tiếng với cuộc sống cộng đồng và giao lưu văn hóa.(Theo Wiki)
"Ở lại thì ở lại, dù sao cũng miễn phí. Thế là tôi ở đó gần một năm. Một sáng nọ, trước cửa nhà trọ nhốn nháo cả lên, tôi đến xem thì mới biết có người đã bỏ lại một đứa trẻ sơ sinh trên bậc cửa nhà nghỉ vào đêm qua."
"Cả đám người xúm xít xung quanh, nhưng không ai dám bế đứa bé lên. Họ chỉ trỏ bàn tán. Song chẳng có mấy ai dám động vào."
"Đến khi tôi chen vào nhìn đứa bé thì mới rõ là vì sao."
"Đứa bé bị bỏ rơi có đôi mắt giống như bị phủ một lớp sương trắng, gầy yếu đến nỗi sắc mặt trắng bệch, hơi thở mong manh, trông chẳng khác gì bị bệnh nặng sắp chết."
Phương Lam liền hiểu ra.
Một số gia đình nghèo khó quanh năm, khi đứa con mắc bệnh nặng, họ sẽ lựa chọn vứt bỏ đứa trẻ trước áp lực kinh tế.
Cách làm cha mẹ vốn dĩ không có chuẩn mực đạo đức để đánh giá, có người sẵn lòng tán gia bại sản chỉ để con cái họ có một cơ hội sống sót. Tuy nhiên, lại có người suy xét thiệt hơn để đưa ra lựa chọn, để rồi cuối cùng lại từ bỏ tính mạng của con mình.
Cô từng biết một gia đình trung lưu bị phá sản vì chi phí điều trị quá nhiều, nên nghe vậy cũng chỉ thở dài mà không đưa ra bình luận.
Chiêm Đài trẻ tuổi thẳng tính, lòng đầy căm phẫn: "Có cha mẹ nào lại như thế chứ? Ngay cả việc đưa con đến bệnh viện khám xem là bệnh gì, có cơ hội cứu chữa hay không mà cũng không muốn làm, cứ để mặc con gái của mình chờ chết."
Phương Lam hỏi: "Sau đó thì sao?"
"Tôi vội vàng bế đứa bé, đi cùng với một bác gái hơn năm mươi tuổi đến bệnh viện." Chiêm Đài tránh nói vào chủ đề chính, chỉ đáp qua loa: "Chuyện về sau thì cô biết rồi đấy. Vẻ ngoài của bà Đạo Đồng khiến người ta sợ hãi, lại giống đứa bé yểu mệnh. Nhưng thật ra lại không có bệnh nặng, suy nghĩ cũng chín chắn, đầy tháng là có thể nói chuyện. Bề ngoài là đứa bé, nhưng linh hồn là một bà lão. Bệnh viện nào từng gặp đứa bé như thế?"
"Sau đó, tôi đã nghĩ rất nhiều cách, tìm người đón bà ấy ra ngoài chăm sóc. Ngặt nỗi, không thể tiếp tục ở lại Thành Đô, chỉ có thể lặn lội đến Trùng Khánh."
Chuyện của bà Đạo Đồng thật rắc rối, nhưng cậu lại không hề thấy phiền hà. Giúp một lần là đủ, đây lại còn ‘đã giúp thì phải giúp cho trót’.
Phương Lam trầm tư giây lát. Những lời của Chiêm Đài đã gợi lại chuyện xưa trong cô, cô cất giọng bùi ngùi: "Cậu với bà Đạo Đồng không thân không thích, nhưng lại bỏ ra biết bao công sức để cứu bà ấy. Cậu thật sự giống hệt như lời bà ấy nói, đó là rất thích lo chuyện bao đồng."
Chiêm Đài ngẩn người, không rõ Phương Lam đang khen hay đang mỉa mai mình. Cậu nhìn thẳng vào mắt cô, không biết nên đáp lại thế nào.
Phương Lam ngẩng đầu mỉm cười với cậu, lúm đồng tiền lấp ló bên má: "Người có suy nghĩ tốt và đầy tình thương, mới tình nguyện làm việc thiện, lo chuyện thiên hạ. Bà Đạo Đồng mắng cậu, nhưng trong lòng lại đang lo cậu bị người lạ làm hại đấy thôi."
Nghiêm túc mà nói, đây là lần đầu Phương Lam cười với Chiêm Đài.
Đây cũng là lần đầu tiên cô khen cậu một cách thẳng thắn như vậy.
Chiêm Đài hơi lúng túng, không biết vì sao cô lại thay đổi thái độ. Chỉ là, cậu vẫn không khỏi cảm thấy tự hào, nhưng lại có phần thấp thỏm. Cậu di di đầu ngón chân trên đất, ngượng ngùng nói: "Có gì đâu, xem như tích phúc cho mình ấy mà."
Phương Lam mỉm cười, không nói thêm lời nào. Nhưng, một lớp sương rất mù mỏng hiện lên trong mắt cô.
Cầu Thiên Tư Môn bắc ngang qua sông Gia Lăng, nối liền hai quận Du Trung - Giang Bắc. Buổi tối, đi dạo trên cầu dọc theo hướng Bắc Nam, có thể ngắm cảnh đêm tuyệt đẹp của Động Hồng Nhai.
Thế nhưng, vào buổi chiều hè nóng nhất, không có lấy một ngọn gió, hai người lại đi "tìm manh mối" trên cây cầu màu đỏ bắc ngang qua sông này. Lúc bước đi trên cây cầu sắt được phơi dưới nắng, cứ như thể đang đi trên chảo dầu nóng.
Chiêm Đài mặc quần áo dài, lúc này mới cảm thấy mình chẳng khác gì con tôm luộc, từng chân tơ kẽ tóc như đang bốc khói, cho nên chỉ có thể vừa tìm manh mối vừa oán thầm bà Đạo Đồng hàng nghìn lần.
Phương Lam khom người đi phía sau cậu, muốn dán cả người lên mặt cầu để xem xét từng tí một. Hai người tìm kiếm ba lần bốn lượt quanh cột trụ thứ ba của cây cầu, nhưng không thấy bất cứ manh mối đáng ngờ nào.
Chiếc áo thun Phương Lam đang mặc đã ướt đẫm mồ hôi, ôm sát vào thân hình với những đường cong thướt tha của cô. Qua lớp áo thun ngắn tay màu xanh nhạt, thậm chí còn thấy được cả đường viền của chiếc áσ ɭóŧ ôm lấy khuôn ngực cô. Thời tiết rõ ràng là nóng bức kinh khủng.
Chiêm Đài vội dời ánh mắt, không dám ngoảnh đầu nhìn cô nữa mà giả vờ nhìn xuống dưới cầu, đồng thời cất lời khuyên nhủ: "Nếu không tìm thấy thì cứ đi về trước đã, Phương Lam ạ. Đợi đến tối, trời mát rồi lại đến."
Phương Lam đi đến bên cậu, cũng nhoài nửa người ra, nhìn xuống dưới cầu: "Bên dưới có gì không?"
Chiêm Đài lơ đãng, thuận miệng đáp: "À, không, tôi chỉ nhìn thử..."
Cậu còn chưa nói hết câu thì bỗng nhiên im bặt, sau đó nheo mắt nhìn xuống dưới cầu. Phương Lam cũng nhìn theo.
Dưới cầu Thiên Tư Môn là bãi đá của sông Gia Lăng. Trải khắp bờ sông là vô số những hòn đá trắng lớn nhỏ. Mà, ngay dưới trụ cầu lại có một đống đá đen có hình thù kỳ lạ, hệt vầng trăng khuyết màu đen, nổi bật giữa bờ sông trắng xóa.
Hai người vội vã chạy xuống bờ sông, tránh tầm mắt của người đi đường và men theo bãi đá, đi đến chỗ đống đá màu đen kia.
Chiêm Đài lật từng viên đá lên. Tuy Phương Lam không biết phải tìm cái gì, nhưng vẫn bắt chước cậu, giúp cậu kiểm tra từng viên đá một.
"Tìm được rồi." Chiêm Đài nói với giọng điềm tĩnh, không hề tỏ ra kinh ngạc.
Phương Lam đi tới gần thì thấy cậu đang cầm viên đá màu đen vừa mới nhặt từ dưới đất lên. Bên dưới viên đá là một chiếc răng nanh dài màu trắng, hình trăng khuyết.