Khi mới vào đại học, sau khi trang điểm xong, Tô Tiêu thường ẩn hiện ở những lớp học của các khoa khác. Tại sao lại như vậy? Bắt đầu nói rõ về tình hình của lớp chúng tôi, lớp khoa Văn. Tỉ lệ nam nữ là 1:10. Mà người đẹp cũng nhiều, "ếch xanh" cũng lắm, gần như có thể chiếm 60% đối với mỗi giới tính. Kì thực nếu nam sinh bị gọi là ếch xanh thì đa phần nên xem lại cách ăn mặc của mình. Nữ sinh khen nam sinh đẹp trai thường chỉ vì nam sinh đó có vẻ hào nhoáng mà thôi. Đẹp tựa Phan Nhạc (1) từ cổ chí kim có được mấy người? Đàn ông được gọi là đẹp trai phải là người có khí chất, tôi cảm thấy cái phong độ khoáng đạt, lịch sự ưu tú của đàn ông chủ yếu là đẹp ở khí chật. Không nên mặc u phục, đặc biệt là loại kém chất lượng, nhăn nhăn nhúm nhúm, bên trong còn mặc bộ đồ thu xanh xanh đỏ đỏ, dưới chân là đôi giày da rởm hoặc giày thể thao. Nếu không bạn sẽ bị các nữ sinh âm thầm hoặc công khai chê cười một cách cay nghiệt. Các nam sinh thực tình là không có tiền, mặc đồng phục hay mặc hãng Lining, Nike giả cũng được. Nhưng đừng có mặc kiểu nửa dơi nửa chuột. Không nên đánh giá thấp mức độ cay nghiệt của nữ sinh khi cười nhạo nam sinh. Nếu một nam sinh chưa cao đến 1m60 thì chúng tôi gọi cậu ta là "bán tàn phế", còn nữ sinh bên cạnh cậu ta, chúng tôi gọi cô ta là "chủ tịch hội tàn phế". Nếu một nam sinh cực kì keo kiệt bủn xỉn, chúng tôi sẽ gọi là "ông gà sắt", còn nữ sinh bên cạnh cậu ta chúng tôi sẽ gọi là "nhân viên dọn chuồng gà". Nếu một nam sinh thường mượn gió bẻ măng, chúng tôi sẽ gọi cậu ta là "thổ phỉ", còn nữ sinh bên cạnh cậu ta chúng tôi gọi là "áp trại phu nhân".
Dưới nghịch cảnh ngang trái như vậy, các người đẹp chỉ còn cách mở cửa ra bên ngoài. Thông thường các nữ sinh khoa Văn không muốn tìm các nam sinh cùng khoa Văn. Họ hiểu mình là mặt hàng gì, nên không muốn tìm hàng cùng loại. Dưới cái nhìn của nữ sinh khoa Văn thì nam sinh khoa Văn đa phần đều có thể dùng hai chữ "chua" và "nghèo" để hình dung. Đó là ý kiến của tập thế, đừng mắng tôi.
Hồi năm thứ nhất, Tô Tiêu đã từng cưa cẩm một anh chàng khoa Toán, anh chàng mắc câu và đã tìm Tô Tiêu hỏi tên, hỏi số điện thoại. Các bạn nam ơi, nếu bạn nhìn thấy một người đẹp trong khuôn viên trường, nếu bạn đã để ý cô ấy thì hãy tiếp tục lân la bắt chuyện làm quen. Nghe tôi đi, không sai đâu. Hãy coi như phải đấu tranh không mệt mỏi để tìm ra chân lí, muốn có một số điện thoại quả thực là cực kì đơn giản. Nhưng có được số điện thoại không có nghĩa là cô ấy có ý với bạn, mà nghĩa là bạn sẽ phải tham gia vào một trận đấu võ tàn khốc, trong giây phút có được số điện thoại, người ngoài đều có thể nghe thấy tiếng súng vang lên sắc gọn như nói rằng: "Trận đấu bắt đầu!"
Cái để so sánh trong cuộc thi theo đuổi người đẹp này là tinh lực, tài lực, nghị lực, tâm lực và sự kiên trì. Cuối cùng, rất nhiều những chàng trai trẻ đều sức tàn lực kiệt, hao tổn tâm trí và tiền bạc, mệt mỏi về thể xác và tâm hồn. Theo đuổi người đẹp phải biết lượng sức mà làm, không thể phô tài được. Cứ coi như thắng lợi thì nhất thời cũng phải củng cố thành quả, phải "đấu tranh không biết mệt mỏi để tìm ra chân lí" như trước.
Anh chàng khoa toán ấy không hiểu những đạo lí này. Cho nên anh ta toàn giở những chiêu cũ rích như gọi điện thoại, hẹn đi ăn, viết thư tình, tặng hoa hồng, mua quà. Để lên kế sách với những nữ sinh có ý nghĩa với bạn, bạn chỉ cần giở một đến hai chiêu là có thể thấy hiệu nghiệm ngay, nhưng nếu bạn đều đã dùng hết mười tám chiêu võ nghệ mà cô ấy vẫn mặt lạnh, vậy thì hỡi người anh em, tôi có câu này "quay đầu là bờ", chúng ta tìm một người đẹp khác vậy. Trong trường đại học, không có một nữ sinh nào là khó theo đuổi, hễ gặp được ý trung nhân của mình thì chỉ cần một vài chiêu, tất cả sự đẹp đẽ và cao ngạo của nữ sinh ngay lập tức sẽ vỡ vụn. Con tim trẻ trung và nhạy cảm luôn sợ lạnh lẽo, sợ cô đơn. Có linh hồn nào muốn đơn độc nhảy nhót từng đêm đâu!
Nói rộng ra, theo đuổi bất kì một cô gái nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, kiểu chai lì, trơ mặt thớt đều là hạ sách. Từ trước tới nay, theo đuổi nữ sinh luôn là một việc rất đơn giản. Nếu bạn phải hao tâm tổn sức mới theo đuổi được một nữ sinh, vậy cũng còn hơn là hao tâm tổn sức mà không theo đuổi được cô ấy. Bởi vì phải gian khổ như vậy mới có được bạn gái, tình yêu của các bạn ngay từ đầu đã không bình đẳng cho nên cô ấy do dự không quyết, lần lữa không chấp nhận bạn, ngay từ đầu trong ý thức của mình cô ấy đã cảm thấy bạn không hợp với cô ấy.
Rất hiển nhiên, anh chàng khoa Toán ấy không phù hợp với yêu cầu khắt khe của Tô Tiêu và cũng không xứng với Tô Tiêu. Anh ta rất thấp còn Tô Tiêu lại khá cao. Anh ta cũng không có ông bố lái xe BMW. Chẳng qua anh ta cũng chỉ là một nam sinh rất bình thường, dáng vóc, tướng mạo, học thức và gia cảnh đều bình thường, vậy thì tốt nhất là nên tìm một nữ sinh bình thường. Nhưng hầu hết những nam sinh lại không hiểu được hiện thực này, những chàng trai trẻ hễ nhìn thấy người đẹp là cứ làm như lùa vịt không bằng, làm như vậy chỉ có trăm cái hại mà không được một cái lợi. Hãy nghe tôi phân tích. Đầu tiên, bạn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, vì là đàn ông thì đều thích gái đẹp. Thứ hai, làm như vậy sẽ càng khuyến khích sự cao ngạo của người đẹp, cơ hội lựa chọn của cô ấy nhiều nhan nhản thì khả năng cô ấy ngó ngàng đến bạn lại càng ít đi. Thứ ba, bạn có thể bỏ qua rất nhiều nữ sinh nhan sắc bình thường nhưng phù hợp với bạn. Phù hợp mới là điều đẹp nhất, tuyệt nhất.
___ ___
1. Phan An còn gọi là Phan Nhạc, người Tây Tấn, là chàng trai đẹp nổi tiếng Trung Quốc cổ đại.
Có khá nhiều người theo đuổi mĩ nữ trong phòng chúng tôi, vậy tại sao tôi lại phải nhắc đến mỗi anh chàng khoa Toán đó? Bởi vì anh ta là một người dai dẳng nhất. Cho đến khi tốt nghiệp anh ta vẫn dứt khoát không từ bỏ. Khi anh chàng tốt nghiệp đã làm tặng Tô Tiêu một bản Flash khiến cả phòng chúng tôi đều cảm động. Cảm động, à cảm động, nhưng cảm động không phải là cảm tình, lại càng không phải là cảm giác, trong lĩnh vực tình yêu, hai chữ "cảm động" là một từ không có công dụng gì lớn lắm.
Một hôm trăng thanh gió mát, anh chàng khoa Toán hẹn người đẹp ra ngoài nói chuyện lần nữa, anh ta nói muốn bày tỏ một lần cuối cùng, dù cho có bị cự tuyệt cũng muốn cô ấy nhìn thẳng vào mắt mình và nói không! Thật là dũng cảm! Dám đối mặt với cuộc đời ảm đạm, dám nhìn thẳng vào thất bại.
Người đẹp Tô Tiêu đến chỗ hẹn. Trước lúc đi, cô ấy dặn chúng tôi không được nói cho người yêu cô ấy biết cô ấy đi đâu, làm gì. Nhưng cô ấy đã đi một tiếng mà vẫn chưa thấy quay về, nói thật chúng tôi hơi sợ. Con người trong lúc tuyệt vọng rất dễ làm những chuyện liều lĩnh. Đúng lúc đó bạn trai của người đẹp gọi điện thoại đến hỏi người đẹp đã đi đâu. Trong lúc phân vân do dự, Trần Thuỷ đã nói ra nơi Tô Tiêu đến.
Câu chuyện tiếp theo chúng tôi được nghe từ chính miệng Tô Tiêu kể lại, có bổ sung thêm một vài chi tiết. Cô nói anh chàng khoa Toán ấy rốt cuộc cũng không phải là "dũng sĩ" thật sự, anh ta đã quỳ xuống ngay sau khi thấy cô nói ba chữ "không thể được". Hóa ra, vàng dưới gối nam nhi cũng chỉ đáng giá vậy thôi à. Đối với một cô gái không yêu bạn thì việc quỳ gối của bạn chỉ khiến cô ấy càng thêm coi thường bạn mà thôi. Anh chàng kia càng làm như vậy người đẹp Tô Tiêu càng thấy phản cảm, khẩu khí lại càng cứng cỏi. Đôi bên giằng co rất lâu, anh chàng khoa Toán ấy trông nho nhã vậy mà đã chạy tới ôm hôn người đẹp. Người đẹp liều mình phản kháng, nghiêm giọng quát. Trời, có thể gọi là rung động lòng người! Một buổi tối trăng không thanh gió mạnh trên tầng 19 của khu nhà học có một chàng trai cầu xin tình yêu không thành, vì tình yêu có thể làm liều. Bạn trai của người đẹp sau khi nghe được tin tình báo từ chúng tôi liền ba chân bốn cẳng chạy đến chế ngự anh chàng khoa Toán. Anh hùng cứu mĩ nhân, thật khiến người người cảm động rơi nước mắt.
Nói thực, những việc đã qua này không có gì đặc biệt. Có một người con trai đánh nhau vì mình thì con gái lúc nào cũng cảm thấy tự hào. Tôi cảm thấy chuyện này bốc đồng quá, nó đã thoát ly khỏi hiện thực cuộc sống. Hiện nay vào được đại học không phải là dễ dàng, chẳng nhẽ anh chàng khoa Toán đó không có lí trí như vậy sao? Sự ầm ĩ từ một chuyện nhỏ nhặt học đường làm thành chuyện đại sự của đời người.
Nhưng anh chàng khoa Toán đeo kính ấy cũng không còn tìm Tô Tiêu nữa, cũng không hề gọi điện thoại. Tô Tiêu đã mất đi một trận địa, đó là do chính miệng cô ấy thừa nhận
Khi anh chàng đó tìm gặp Tô Tiêu lần cuối cùng là khi anh ta sắp tốt nghiệp, anh ta tặng Tô Tiêu một cái đĩa mềm. Chúng tôi cùng nhau xem chiếc đĩa mềm đó. Đó là một bản Flash mà anh chàng tự tay làm cho cô ấy, bài Có em trọn đời của ban nhạc Thuỷ mộc niên hoa. Cả Flash đều bao trùm một màu xanh. Một bầu trời sao xanh thẫm, trên nóc của một toà nhà cao tầng không có ánh đèn, một chàng trai có mái tóc hơi dài đã đứng đó rất lâu, rồi hình ảnh dần hiện lên rõ ràng từng chút một, vẻ mặt u buồn của anh chàng khiến toàn bộ hình ảnh thương cảm vô cùng. Cuối cùng, trái tim của chàng trai vỡ tan ra từng mảnh từng mảnh thành những cánh hoa chầm chậm chầm chậm bay ra từ thân thể, rơi rụng, lụi tàn, khô héo, tất cả những cánh hoa từ những mảnh vỡ trái tim ấy tập hợp thành một bông hoa hồng màu đỏ. Màu đỏ của câu chuyện tình thê lương, màu đỏ của những giọt máu khiến ai xem cũng phải xót thương.
Bao nhiêu người từng ái mộ nhan sắc thời trẻ của em.
Nhưng ai có thể chấp nhận sự đổi dời vô tình của tháng năm.
Vài người đã từng đến rồi đi trong cuộc đời em.
Nhưng anh sẽ ở bên em trọn đời, chỉ có mình em thôi
Câu ca ấy được tua đi tua lại.
Ngày hôm đó, bản Flash ấy đã làm cảm động tất cả chúng tôi. Tô Tiêu đã khóc. Tôi nhìn thấy rõ ràng những giọt nước mắt lăn xuống từ khoé mắt cô. Cô dùng những ngón tay mềm mại của mình cố ngăn những giọt nước mắt nhưng dường như nó lại càng rơi mãnh liệt hơn.
Cho nên tôi luôn nhớ tới cậu nam sinh này. Tô Tiêu không yêu anh ta, nhưng Tô Tiêu đã rơi lệ vì anh ta. Trong ấn tượng của tôi, đó là một nam sinh nghiêm túc nhất đối với Tô Tiêu.