Chương 7: Un-Sa-Cơ nghe ngóng
Việt Kim buông người phịch xuống một tấm nệm sát cạnh Á Minh, thở một hơi dài:
- Cho chị ly nước trà, Á Minh! Uống cho đỡ bực mình một chút!
- Sao vậy chị Kim? Chị có điều gì khó chịu thế?
- Không, khó chịu gì đâu? Có điều đầu óc chị cứ rối bung lên thôi! Nhiều cái khó hiểu quá!
Hà Khâm bưng ly trà đặt trước mặt em:
- Kỹ sư Hoàng khi nghe chị Kim báo tin là bà Hoàng Mỹ sớm muộn cũng được trả tự do chắc mừng lắm?
Việt Kim nhấm nháp nước trà thơm:
- Đúng! Có đều khi được báo tin là vợ bị bắt giữ, ông ta đã điếng cả người lên.
Hà Khâm ngạc nhiên:
- Ủa! Vậy ra kỹ sư Hoàng không biết bà Mỹ bị giữ sao?
Việt Kim nhếch mép:
- Tôi cũng nghĩ như vậy!
Đúng lúc đó, Un Sa Cơ lại xuất hiện. Lão ta tiến đến bàn của ba người, cúi thấp lưng, dáng điệu lễ phép, khách sáo rất giả tạo: một nụ cười xã giao để lộ hàm răng trắng bóng nhọn hoắt như răng chó sói. Lão ngũ đoản hướng về Á Minh:
- Trại chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp cô cùng quý hôn phu! Dạ, kính thưa ái nữ của Lư thủ tướng, quý vị tới đột ngột quá thành thử chúng tôi không kịp tổ chức nghênh tiếp. Kính xin... dạ... dạ...
Chưa nói hết câu, tay ngũ đoản họ Un đã quay sang Việt Kim:
- Còn cô đây là con gái yêu của ký giả lừng danh thế giới, Hải Âu! Mong cô tha lỗi cho nếu vừa rồi chúng tôi có điều gì sơ sót. Cứ buổi sáng dậy là công việc ở trại bề bộn ghê lắm. Trong lúc vội vàng, e có điều thất lễ, mong cô...
Việt Kim nghiêm nét mặt, lịch sự ngả đầu thật lễ phép và cũng thật... lạnh lùng.
Un Sa Cơ lại thao thao:
- Tôi sẽ cố gắng hết sức để thời gian thăm viếng của quý vị tại đây được muôn phần hào hứng. Kỹ sư Hoàng đề nghị và tôi cũng rất tán đồng là sẽ tổ chức một cuộc đi thăm khu vực khảo cổ ở xa đây một chút. Tại đó có nhiều cái lạ vô cùng, chắc chắn quý vị sẽ được hài lòng... Hề, hề! Và tôi xin xung phong làm hướng đạo để toàn quyền quý vị... sai phái... hề, hề!
Á Minh bản tính trẻ nít, vỗ tay reo lên:
- Ồ! Vậy thì thích quá! Hà Khâm chịu đi! Đi nghe anh, chiều em chút nghe! Chúng mình có gì cần phải quay về Ba-ga-ra gấp đâu. Chịu nghe, Hà Khâm!
Việt Kim nhìn thẳng mắt Un Sa Cơ:
- Kỹ sư Hoàng cũng cùng đi chứ?
Lão Un lùn khẽ lắc đầu:
- Có lẽ ông không đi được. Ông phải ở lại trại viết phúc trình và chờ bà vợ. Nhưng xin cam đoan với quý vị rằng tôi đây cũng là một nhà khảo cổ và có thể giải đáp tất cả mọi thắc mắc của quý vị.
Hà Khâm nhìn Việt Kim từ tốn:
- Xét kỹ ra thì cũng là một cái hay, phải không chị Việt Kim? Chị là tai là mắt của ký giả Hải Âu mà! Cuộc thăm viếng khu vực đào bới này hẳn sẽ có nhiều điều bổ ích cho thiên phóng sự của ông nhà.
Việt Kim gật đầu:
- Hà Khâm nói đúng! Vậy bao giờ đi?
Un Sa Cơ:
- Ngay bây giờ!
Dứt lời, ông ta hăm hở bước ra dẫn đầu. Việt Kim theo sát gót, còn Á Minh và Hà Khâm vừa nô giỡn ở phía sau.
Việt Kim gợi chuyện với Un Sa Cơ:
- Đã đào được cái gì hay chưa hả ông?
- Cũng kha khá! Mới đầu chúng tôi chắc mẩm sẽ tìm được những di tích kinh thành cổ của Du-Ráp, nhưng những thứ đào bới được lại mang đầy dấu tích của một nếp sống thời thái cổ. Kỹ sư Hoàng đã thâu góp được những cục đá toại thạch (đá lửa) những mảnh vật dụng bằng đất nung và một cái lưỡi cầy rất cổ quái. - Và ông kết luận đó là những di vật còn sót lại của một thời nông tang xa xưa lắm, có tới khoảng 11.000 năm rồi.
Việt Kim đưa ra câu hỏi trên không phải là không có dụng ý. Em được đọc một cái thơ kỹ sư Hoàng viết cho ký giả Hải Âu báo tin đã đào được một số cổ vật rất bổ ích cho cuộc nghiên cứu, đồng thời cho ba em biết rằng việc thu hoạch quý báu đó được hoàn toàn giữ bí mật chưa hề tiết lộ. Vậy mà không hiểu sao, tay Un Sa Cơ này lại biết được. Thiệt lạ!
Con người khó hiểu nói luôn miệng:
- Chỗ chúng ta tới đây tuy xa một chút nhưng có nhiều cái hay lắm. Rồi quý vị sẽ thấy, và tôi dám chắc rằng không một ai sẽ phải thất vọng, tiếc công đi đâu. Cố lên một chút nữa, chúng ta sẽ dừng chân khi mặt trời nắng to.
Khoảng giữa trưa, bốn người ngồi xuống nghỉ mệt. Việt Kim phải ngầm công nhận Un Sa Cơ quả là một tay hướng đạo hết sức lành nghề. Ông ta nói chuyện rất hấp dẫn, kể cho mọi người nghe những cuộc du lịch, những xứ sở kỳ lạ ông đã đặt chân tới. Đối với sa mạc mênh mông cát bỏng, tay lùn mập này cũng tỏ ra rất sành. Dẫn chứng cụ thể: nơi bốn người ngồi nghỉ chân, một cái lều vải thật chắc chắn, tươm tất, mà chỉ cần mấy cái gậy chống và hai, ba tấm "chador" nhẹ nhàng, trong nháy mắt, Un Sa Cơ đã dựng xong. Ông ta lại còn chu đáo, đem theo cả nước uống và trái cây cho mọi người giải khát nữa.
Hà Khâm và Á Minh có vẻ hoàn toàn tin tưởng ông họ Un này lắm. Riêng Việt Kim, em vẫn phấp phỏng chẳng yên, nhưng ngoài mặt vẫn vờ thản nhiên nói cười bắt chuyện vui vẻ. Thỉnh thoảng liếc nhanh mắt, em lại bắt chợt những tia nhìn lạnh lẽo của tay "ngũ đoản" chiếu lên mặt mình thật lẹ. Rồi những giây phút không ai để ý, lão ta, ngồi thần mặt ra, khoé mép đôi lúc nhếch lên coi thật dữ tợn, khác hẳn với sắc diện niềm nở khi cùng nhau đối thoại. Việt Kim lên tiếng:
- Có phải kia là những giếng dầu hỏa không, ông Un?
- Đúng đó cô Việt Kim! Úi chà! Mắt cô tinh thật! Nhiều người, hễ cứ ra tới đây là không còn nhìn xa được như thế nữa đâu. Nơi sa mạc bao giờ cũng có hiện tượng phản xạ ánh sáng mặt trời. Và hiện tượng này nó nguy hiểm ở chỗ khiến người ta "trông thấy" được những sự vật chỉ có... trong tưởng tượng. Bị khát chẳng hạn, ta nghĩ ngay đến một giòng suối nước trong vắt. Óc tưởng tượng làm việc ngay và ta trông thấy rõ ràng con suối đang lững lờ chảy qua những khe đá mát rượi. Thế là mắt ngó đăm đăm, chân hăm hở bước tới để chỉ thấy cát, toàn là cát và... ánh nắng mặt trời như thiêu đốt... Hà, hà! Cát và ánh nắng sa mạc không buông tha những kẻ dại khờ bao giờ...
Mấy phút sau, bốn người đã đặt chân tới một dẫy lều vải bạt dựng theo hình bán nguyệt vây quanh một cái hố lớn đào sâu vào trong cát. Miệng hố há hốc như miệng quái vật che sơ sài một tấm vải quét nhựa thông. Không thấy bóng dáng một công nhân nào làm việc. Quang cảnh hoang vắng vô cùng.
Như đoán được ý nghĩ thầm kín của Việt Kim, Un Sa Cơ giải thích:
- Trong khu vực chính của Can Pác, bữa qua đã lộ ra một vài dấu vết hứa hẹn lắm. Thành thử hôm nay thợ và các cai đều tập trung ở đó cả.
Mọi người xuống ngựa bước theo Un Sa Cơ, nghe ông ta giảng giải cách thức đào bới các di tích cổ ra sao và nâng nhẹ các vật đó ra khỏi cát như thế nào cho khỏi vở bể nát vụn.
Việt Kim ngấm ngầm nhận xét thì thấy Sa Cơ có ý dẫn ba người đi xa dần chỗ cắm lều; lừa một phút không ai để ý, em tách khỏi đoàn lẻn đứng khuất sau một căn ngay gần đó.
Khi mắt đã quen với bóng tối bên trong, em đưa mắt quét một vòng ngó chung quanh. Trong lều có vẻ ngổn ngang đồ đạc tuy chỉ có một cái sập bằng gỗ, một cái bàn nhỏ và một cái ghế loại xếp lại được và một cái kệ. Tia mắt em đυ.ng tới một tấm mền dạ lớn treo rủ nơi cuối lều như có vẻ che dấu một cái gì đó. Đưa tay kéo lẹ, vẹt ra một bên. Một khoảng trống lộ ra chất những trục lớn quấn đầy dây điện. Một góc xếp những bình chứa điện (ắc quy) có giây truyền ra một dụng cụ gì kỳ cục lắm nằm lù lù ở giữa. Trên một tấm kệ thấp rất chắc chắn nằm xếp hàng những hòm điện từ thiết (nam châm phát điện) rồi một mặt "đồng hồ" lớn bên ngoài có hộp kiếng sáng trong vắt bao kín. Mặt "đồng hồ" có một lỗ vuông lớn cũng bao mặt kính để lộ một cuốn giấy trắng quay chầm chậm. Quay tới đâu, mặt giấy trắng lại in hình một đường đen biểu diễn do một ngòi bút đặc biệt chạy từ từ trên cuốn giấy.
Đang mải mê ngắm nghía, bỗng tiếng chân đi trên cát nghe lạo xạo khiến em giật mình quay lại. Việt Kim chỉ đủ thời giờ buông lẹ tay cho tấm mền dạ lại buông rủ xuống như cũ, đồng thời đứng ngay người giữa căn lều giả vờ đưa mắt thản nhiên nhìn vơ vẩn chung quanh. Un Sa Cơ đã sừng sững giữa cửa lều vải. Ông ta đưa tay mở rộng thêm tấm bạt che cửa để cho ánh mặt trời soi sáng rõ thêm bên trong.
- À cô nhỏ tò mò coi kỹ quá nhỉ!... Đó cô thấy không, anh em chúng tôi ở đây, sống như Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo vậy đó! Thiếu thốn đủ mọi thứ, vất vả lắm cô à! - Miệng nói tía lia làm ra bộ vô tư vui vẻ, nhưng Việt Kim nhận ra ngay tính chất giận dữ trong âm thanh giọng nói của Un Sa Cơ và bắt chợt tia mắt lo lắng của lão liếc rất nhanh lên tấm mền buông kín phía cuối lều.
Việt Kim chưa kịp bắt chuyện đã nghe tiếng Á Minh gọi lớn ở bên ngoài:
- Ông Un ơi, tôi mới đào được cái này hay lắm! Ra mà coi này.
Thời gian mấy giây đồng hồ mà Việt Kim tưởng như dài có tới một thế kỷ, Un Sa Cơ chiếu tia mắt nhìn thẳng mặt em. Tia nhìn lạnh lùng, thật kỳ dị, rất dữ dội, nhưng chỉ chớp mắt đã lại biến ngay để nhường chổ cho một cái cười. Cái cười giả tao, âm thanh không chân thực mà Việt Kim vẫn ghét cay ghét đắng:
- Chúng ta chạy ra xem cô Á Minh khảo cổ được cái gì đi, cô Việt Kim!
Phút sau, Việt Kim đã cúi nhìn ngắm nghía cái vật Á Minh lượm được. Thì ra chỉ là một miếng giấy mạ kim nhũ có chữ S nằm trên, in hình nổi rất đẹp. Un Sa Cơ ngửa đầu ra phía sau. Lại tiếng cười rỗng tuếch: "Hề, hề!" - Việt Kim cũng mỉm cười vui vẻ bảo Á Minh:
- Em biết cái này là cái gì không? Đây chỉ là một cái nắp hộp kẹo mè sửng, thổ sản của Việt Nam, kẹo mè sửng sản xuất tại Huế, kinh đô cũ của xứ sở chị, làm bằng mật mía, trộn với đậu phụng, trên mặt rắc hột vừng ăn ngon lắm. Loại ngon nhất được sắc thành từng miếng vuông vức đựng trong những hộp giấy cứng xinh xinh trên đậy bằng cái nắp nầy. Chữ S là hình thể nước Việt Nam, quê hương chị đó.
Un Sa Cơ xen vào:
- Cám ơn cô Á Minh nhé! Cái này của tôi vô ý để lọt túi đấy. Chẳng có gì đáng giá nhưng là một kỷ niệm nên quý lắm. Xin cô cho lại.
Việt Kim nhìn tay lùn mập:
- Ông cũng đã ở Việt Nam?
- Dạ không! Một người bạn tôi ở bên ấy lâu năm, lúc về đem theo cho tôi đó!
Rồi lão Un ba hoa nói mãi, Việt Kim vờ chăm chú nghe, ừ ào cho qua chuyện trong khi đầu óc em cứ mãi vấn vương vì số dụng cụ kỳ quái bắt gặp trong lều của Un Sa Cơ hồi nãy.
Chợt một tia sáng loé lên trong bộ não thông minh: "Máy địa chấn kế! A đúng rồi! Đúng là một cái máy đo địa chấn các nhà thám hiểm đi tìm giếng dầu hỏa vẫn dùng! Không sai! Máy đo địa chấn để dò mỏ ngầm dầu hỏa... hừ!" - Em nhớ đích là đã được một đôi lần coi qua trong sách báo.
Quay ra, Việt Kim đưa tay nhắc một góc tấm vải dầu che cái lỗ to đào sâu vào trong cát:
- Những cái gì đây hả ông?
- À, đây là những dụng cụ máy khoan để đào giếng lấy nước ăn đó mà...! Cô cũng... tò mò khϊếp nhỉ!
Câu nói vui vẻ gượng gạo kèm theo một tiếng cười giả dối nhưng tia mắt lão Un nhìn nhanh Việt Kim lạnh lùng dữ dội như mắt rắn hổ. Em vờ như không biết gì, cất tiếng bảo hai bạn:
- Á Minh, Hà Khâm! Đứng ra đây cho tôi chụp mấy tấm hình hai người cùng với quang cảnh đào bới đồ cổ ở đây đi. Chịu khó đứng chút, lẹ lên, kẻo sắp hết ánh sáng rồi. Cả ông Un nữa, phiền ông cho phép, xin ông một "pô" về dán album làm kỷ niệm ghi nhớ mãi vụ đi chơi thú vị này. Tiếp theo câu nói là cái cười thật tươi, rất lịch sự khiến ông "ngũ đoản"... khó nghĩ:
- Tôi không ăn ảnh, chụp uổng phim của cô đi. Mà đứng bên hai bạn của cô thì thật quả đúng là cú đứng cạnh tiên, xấu mất ảnh đi.
- Ối chà! Ông cứ nói vậy! Phiền ông chút xíu thôi mà, chẳng mấy khi được có dịp như thế này! Dạ mời ông... Xin ông đứng ngay trước cửa lều giùm cho.
Nhếch miệng cố nở nụ cười vui, nhưng giọng nói của lão Un đanh lại:
- Thôi, không tiện đâu cô! Cô cứ chụp cô Á Minh cùng vị này đi, còn tôi thì... xin miễn cho. À, đây, cô lấy cảnh sa mạc mênh mông làm "phông" có phải đẹp hơn không.
Miệng nói, tay ông ta chỉ phía trước mặt chỉ có cát trắng một màu phẳng lì buồn tẻ, đối diện với căn lều.
Việt Kim không muốn tranh luận lôi thôi mãi liền sửa soạn máy hình, bấm liên tiếp mấy cái, đôi chân di động trên mặt cát không ngừng mắt ngó đăm đăm vào mặt kiến phản chiếu rõ phong cảnh. Em muốn có ý thu vào hình đủ mọi góc cạnh quang cảnh khu trại khảo cổ này.
Un Sa Cơ liếc đôi mắt sằc theo dõi đăm đăm. Và Việt Kim thì cố gắng xoay sở sao cho hình ông lùn mập lọt vào tấm kính ngắm. Em nói to bảo Á Minh:
- Chờ một phút, nghe Á Minh! Chờ chị thay cuốn phim đã! Hai "pô" nữa thôi!
Rồi quay lưng về phía mặt trời, em thủ máy ảnh kín vào trong tấm chador, mở nắp thay phim Việt Kim nhấc cuốn phim chụp rồi ra, thè lưỡi thấm nước miếng lên mép giấy có keo sẵn rồi dán lại thật chắc.
Bỗng một bàn tay thân mật vỗ vào vai em... khá mạnh. Cái vỗ đột ngột khiến cuốn phim em đang cầm nơi tay rớt ngay xuống cát. Tên Un Sa Cơ đứng sát bên cạnh Việt Kim từ lúc nào. Và cái vỗ vai thân mật "quá trớn" vừa rồi đúng là do lão.
- Ối chà! Xin lỗi cô bé! Chậc! Chậc!... Để tôi lượm giùm!
Việt Kim chưa kịp làm gì, chưa kịp nói gì, tay lùn mập đã quỳ lẹ gối xuống cát đưa tay bới loạn lên để lượm cuốn phim. Chưa đầy mấy giây đồng hồ, ông ta đã reo lớn:
- Đây rồi!...Và Un Sa Cơ đứng dậy. Cuốn phim xổ tung, dài thượt theo gió đu đưa, lủng lẳng thảm hại nơi đầu ngón tay lão "tóc bàn chải" Miệng lão tía lia:
- Ấy, ấy! Ôi chà! Cô không dán kỹ, sổ tuột ra hỏng hết rồi. Rõ thật phí quá.
Việt Kim đứng lịm người, không nói một tiếng. "Không dán kỹ"! Hừ! "Không dán kỹ để cuốn phim sổ tuột ra!" Vô lý! Em biết rõ là lão lùn nói láo. Và chính lão đã chủ trương phá hỏng, lợi dụng lúc cúi lượm, lẹ tay bóc tuột đầu giấy dán keo cho cuốn phim sổ ra, trắng lốp hết.
Em rít qua kẽ răng, nhưng vẫn cố dịu giọng:
- Thôi được, không sao! Để tôi lắp cuốn này vào chụp lại, cố chụp lấy vài "pô" khác vậy!
Un Sa Cơ gạt ngay đi:
- Trễ rồi đó cô bé! Chiều xế rồi kìa. Ta liệu ra về kẻo bị tối giữa đường mất.
Quả vậy, mặt trời biến đâu mất. Trên mấy ngọn cồn cát cao đã thấp thoáng những bóng tối đen buồn thảm.