Suốt cả quãng đường anh không hề hỏi gì, tôi cứ nghĩ Thành sẽ không đoán được tôi bị thương, nhưng cuối cùng anh vẫn đưa tôi đến đây, không cần phải truy vấn vẫn biết tôi cần gặp bác sĩ.
Lúc ấy, trong lòng tôi bất giác thấy cảm kích, cũng rất ngượng vì mình cố ý nói dối nhưng vẫn bị anh thầm lặng vạch trần. Cuối cùng cũng chẳng dám đôi co nhiều mà chỉ gật đầu, lẽo đẽo theo anh đi đến gặp bác sĩ.
Sau khi kiểm tra và chụp XQ xong, bác sĩ cau mày nhìn phim một hồi rồi quát tôi:
– Trật xương bả vai, phần mềm dập nhiều thế này mà cô cậu để đến bây giờ mới đến à? Nhà cũng ngay Hà Nội này mà có mỗi chuyện đi khám cũng không làm. Cô này cũng chịu đau giỏi thật đấy. Sao không đợi thịt hoại tử đi rồi hãy đến?
Tôi ngượng quá, mà chỉ yếu là xấu hổ với anh nên lí nhí đáp lời:
– Cháu cứ tưởng bị nhẹ, mấy hôm là sẽ hết nên mới để đến tận bây giờ ạ.
– Thế cô không cảm thấy đau à? Nhìn đây xem, xương bả vai trật hẳn ra khỏi khớp đấy, tôi làm bác sĩ bao nhiêu năm nay, chỉ thấy người ta vừa bị trật khớp ra đã la oai oái vì đau không chịu nổi, còn cô để đến tận thế này mới đến bệnh viện thì tôi phục cô đấy. Thế này thì cô vận động kiểu gì mà để đến tận bây giờ?
Vị bác sĩ già này rất khó tính, nhưng nghe nói rất giỏi, còn là trưởng của khoa phẫu thuật chỉnh hình. Ông ấy mắng đúng nên tôi không dám cãi, chỉ mặt mày méo xệch đứng im nghe. May sao, lúc ấy Thành lại lên tiếng đỡ lời cho tôi:
– Trật xương bả vai thế thì phải điều trị làm sao hả bác sĩ?
– Còn làm sao nữa, dùng kháng sinh liều cao điều trị chấn thương phần mềm, còn xương bả vai thì nắn lại. May cho cô cậu, chưa tổn thương sụn viền khớp vai nên chưa phải phẫu thuật đấy. Nhưng liều thêm vài ngày nữa thì dây thần kinh, mạch máu bị tổn thương, cộng với hoại tử thịt thì cắt tay đi là vừa.
Bác sĩ đẩy gọng kính lên cao, lúc này mới để ý đến anh nên quay lại nhìn:
– Cậu là chồng cô này à?
– Vâng ạ.
– Chồng mà để vợ bị trật vai thế này cũng không biết à? Biến dạng cả cái bả vai thế này, ban ngày mặc áo không nhìn thấy thì tối ôm ngủ cũng phải sờ thấy chứ. Vợ cậu liều thì tôi không nói, nhưng cậu là chồng mà cũng vô tâm với vợ mình thế thì tôi cũng thấy lạ đấy.
Thật ra tôi với anh có ngủ chung với nhau đâu mà biết. Thành hơi mất tự nhiên, hắng giọng đáp:
– Mấy hôm nay cháu hơi bận nên không để ý. Giờ có thể nắn lại khớp luôn không hả bác sĩ?
– Đi đóng tiền viện phí đi, tôi viết chỉ định cho cô cậu đến phòng A12 nắn xương. Mà tôi nói trước, nắn xương này đau lắm đấy, chuẩn bị tinh thần sẵn đi.
– Vâng.
Tôi không nghĩ bị nghiêm trọng như vậy nên thành ra cũng hơi bối rối, nhưng đằng nào cũng phải nắn, có lo lắng cũng chẳng tác dụng gì. Tôi chỉ bận tâm mỗi đến việc về nhà muộn, không cơm nước lại bị mẹ chồng càm ràm cho điếc tai thôi.
Đang ngồi nghĩ xem phải nói thế nào với nhà chồng thì Thành đi đóng tiền viện phí về, thấy tôi mặt nhăn mày nhó ngồi ngoài hành lang mới hỏi:
– Đau lắm à?
– Không ạ. Em đang nghĩ tý nắn xương kiểu gì ấy mà. Anh đi đóng tiền viện phí xong rồi à?
– Ừ, y tá bảo khoảng 1 tiếng nữa mới nắn xương được. Giờ đi ăn gì đó trước đã.
– Hay là về nhà ăn cơm đi anh. Tự nhiên đến bệnh viện nắn xương mà chưa nói với bố mẹ, bố mẹ lại chờ. Với cả nắn xương chắc là thủ thuật đơn giản ấy mà, tý nữa ăn cơm xong, em nói dối ra ngoài có việc rồi đến bệnh viện nắn, xong chắc được về ngay thôi.
Anh khẽ liếc nhìn tôi:
– Nếu không được về ngay thì em định làm sao?
– Em sẽ trốn viện.
Tôi cười hì hì:
– Anh yên tâm, buổi tối bệnh viện không quản bệnh nhân đâu. Mà họ có quản thì em cũng trèo tường trốn về được.
Ngày trước tôi toàn đợi ông ngủ trưa rồi trèo tường đi chơi, bị ngã rách đầu gối mấy bận nhưng vẫn chưa chừa. Sau này có một lần ông bắt được, nhưng không đánh tôi mà lại phạt Thành phải quỳ trong từ đường một tiếng vì không quản được tôi, cho nên, tôi vì áy náy với anh mà từ đó về sau không bao giờ dám trốn đi chơi nữa.
Bây giờ, tình huống bắt buộc thì tôi vẫn có thể trèo tường được như thường. Mỗi tội tường cao 2 mét của bệnh viện không làm khó được tôi, nhưng người đàn ông cao gần mét chín trước mặt thì lại khác.
Anh cau mày bảo:
– Tôi không muốn đến khi em ngã gãy chân, ông lại hỏi tội tôi đâu. Tốt nhất em cứ ở đây nắn xương đi, đợi xong xuôi, bác sĩ chỉ định gì thì tính tiếp.
– Tường chỉ cao hơn đầu em tý thôi, có ngã cũng không gãy chân đâu mà.
Thành không đáp, chỉ liếc tôi bằng ánh mắt sắc lạnh, tôi sợ anh mắng nên không dám kỳ kèo nữa, đành im miệng, ngoan ngoãn đi theo anh đến căn tin ăn cơm.
Lúc đồ ăn được mang ra, anh đẩy đĩa thịt đến chỗ tôi rồi nói:
– Ăn đi, lát nữa tôi sẽ gọi cho mẹ.
Lúc này, tâm trạng tôi mới được thả lỏng, tôi lén lút thở phào một hơi, mỉm cười:
– Vâng ạ.
Cơm ở bệnh viện rất chán, chúng tôi ăn qua loa vài miếng rồi vào phòng chờ nắn xương. Các bác sĩ bảo tôi phải cởi hết áo, nhưng ở đây toàn con trai, hơn nữa lại có mặt Thành nên tôi ngại.
Đang xấu hổ không biết có nên bảo anh ra ngoài rồi cởi không thì Thành bảo:
– Ngồi yên, tôi cắt áo cho em.
– Dạ?
Mùa đông trời lạnh, tôi không chuẩn bị cho việc đi việc nắn xương nên mặc một chiếc áo khoác bên ngoài và một lớp áo giữ nhiệt dài tay bên trong. Có lẽ anh cũng biết tôi xấu hổ nên mới lấy kéo cắt một vòng áo trước ngực tôi, chiếc áo giữ nhiệt cao cổ lập tức biến thành một chiếc áo quây. Vừa đủ hở vai để bác sĩ nắn xương, vừa đủ để che những phần nhạy cảm trên cơ thể tôi.
Bác sĩ thấy anh cắt áo cho tôi thế mới nói đùa:
– Gớm, cái cậu này giữ vợ thế. Bọn tôi ở đây ngày nào chẳng nhìn thấy đủ loại bệnh nhân, đối với ai cũng chỉ quan tâm đến mỗi việc nắn xương thôi, không để ý chỗ khác đâu mà sợ.
Thành mỉm cười, bình thản đáp một câu:
– Trời lạnh, ban nãy tôi nghe nói co cơ khó nắn xương hơn thì phải.
Nghĩa là nếu để tôi lạnh, cơ trên người co lại thì sẽ khó di chuyển khớp vai. Ban nãy có vài bác sĩ nói loáng thoáng thế nên anh nghe được.
Bác sĩ thấy anh nói đúng nên cũng không trêu nữa, chỉ cười bảo:
– Ừ, đúng rồi. Co cơ khó nắn. Được rồi, giờ chuẩn bị nắn xương đây, bạn nữ kia lấy áo cắn vào miệng đi.
Nắn lệch khớp xương là cảm giác không cần nói chắc ai cũng hiểu, đau đến mức chỉ muốn c.hế.t luôn đi cho xong. Tôi đã cắn chặt áo trong miệng rồi nhưng khi bác sĩ bắt đầu xoay xoay phần khớp bị trật, vẫn đau tới độ muốn bật ra một tiếng hét.
Số tôi đen nên sau lần đầu khớp vẫn chưa vào, bác sĩ nắn không được mới toát hết mồ hôi bảo:
– Khớp lệch ra ngoài nhiều, lại để lâu nên giờ hơi khó nắn. Đau thì cứ kêu lên nhé, muốn khóc thì cứ khóc thoải mái, không cần phải nhịn.
Thực ra lúc đó cũng nên khóc, nhưng tôi nghĩ nước mắt không giúp mình đỡ đau, ngược lại còn làm người khác cười mình yếu đuối, thế nên dù đau đến mấy tôi cũng vẫn cắn răng nhịn.
Tôi hít sâu vào một hơi, miệng ngậm áo nên không nói được, chỉ có thể gật gật đầu với bác sĩ. Đang chuẩn bị tinh thần để nắn lần thứ 2 thì bỗng dưng có một bàn tay ấm áp đặt lên khuỷu tay trái mình, cúi xuống mới thấy đó là bàn tay anh.
Thành cúi đầu nhìn tôi, ánh mắt rất bình đạm và điềm tĩnh:
– Chịu khó một chút, một lần nữa là được thôi.
Tim tôi bất giác như bị một thứ gì đó dội vào, nỗi đau đớn tựa như có thể vì ánh mắt của anh mà vơi đi, lòng có cảm giác được trấn an chưa từng có. Tôi nhìn anh, muốn nói “Em biết rồi”, nhưng không thể thốt ra miệng được cho nên chỉ có thể dùng một ánh mắt kiên định nhìn anh.
Cùng lúc này, bác sĩ ở phía sau đột nhiên kéo mạnh bả vai tôi một cái, một tiếng “Rắc” thô cứng vang lên. Trong cơn đau như muốn đòi mạng, tôi vẫn hề rên lên một tiếng, chỉ nghe một tiếng thở phào nhẹ nhõm của bác sĩ:
– Được rồi, vào khớp rồi.
– …
– Xoay xoay thử tay tôi xem nào.
Tôi vẫn nâng tay lên theo lời bác sĩ, nhưng khi đó vì đau nên hai tai tôi ù đi, tri giác cũng gần như mất sạch. Thứ duy nhất tôi nhìn thấy chỉ là mỗi ánh mắt của anh, vẫn lặng im như thế, bình tĩnh và đáng tin cậy như thế, lặng lẽ ở bên tôi.
Anh không đưa cho tôi cắn hay ôm tôi giống như trong truyện ngôn tình, nhưng với tôi, chỉ cần sự có mặt của anh ở đây là đã đủ cảm thấy vững tâm, đau đớn thế nào tôi cũng chịu đựng được.
Ngay cả bác sĩ cũng bảo tôi:
– Vợ anh đúng là gan lì thật đấy, đau thế mà không kêu, cũng không khóc. Mọi lần tôi nắn xương cho bệnh nhân khác, chưa kịp nắn đã kêu oai oái rồi. Nước mắt nước mũi tèm lem nữa chứ.
Y tá đứng cạnh cũng gật đầu hùa vào:
– Gan lì thế này chẳng trách để xương trật mấy ngày mới đến bệnh viện.
– Cô ấy gan lì từ nhỏ, càng lớn thì gan càng to ra.
Anh mỉm cười, dời mắt khỏi tôi rồi nhìn bác sĩ:
– Cảm ơn bác sĩ.
– Không có gì. Tý nữa ngoài kháng sinh ra thì mua thêm giảm đau cho vợ, nhớ mua loại tốt ấy. Nắn khớp xong thế này các cơ sẽ bị tổn thương, kết hợp với phần mềm đang bị dập sẵn nữa, rất đau đấy, cứ uống giảm đau vào.
– Vâng.
Khi rời khỏi bệnh viện, nói thật, dù khớp đã vào nhưng tôi vẫn cảm thấy đau vô cùng. Mỗi tội, tôi không muốn Thành phải bận lòng vì mình nên từ đầu đến cuối vẫn tỏ ra như không có gì hết. Thậm chí lúc trèo lên xe, anh định cài dây an toàn giúp tôi nhưng tôi đã nhanh nhảu đáp:
– Em tự cài được mà. Vào khớp rồi nên không đau mấy nữa, hoặc là đang tê nên chưa có cảm giác đau. Em cài được.
– Bác sĩ bảo tạm thời đừng cử động nhiều. Em ngồi dịch vào.
Anh vừa nói vừa cài dây an toàn cho tôi, xong xuôi mới vòng qua ghế lái, nổ máy chở tôi về nhà.
Vì nhà thuốc bệnh viện không có một số loại thuốc nên trên đường về, anh phải dừng lại ở một tiệm thuốc tây để mua thuốc cho tôi. Khi quay lại, ngoài túi thuốc, trên tay anh còn cầm theo một túi khoai nướng còn đang tỏa khói thơm lừng.
Sẵn đang thèm từ lúc chiều, giờ tôi ngửi thấy thì thèm nhỏ dãi, nhưng ngại nên không dám hỏi, phải đợi đến khi anh đưa cho mình rồi mới ngơ ngác bảo:
– Anh mua ở đâu thế?
– Có quầy bán ngay cạnh tiệm thuốc, họ mời mãi nên tôi mua ủng hộ.
– Vâng, cảm ơn anh.
– Khỏi cảm ơn, cái này coi như đền áo cho em.
Hôm nay anh đã làm rất nhiều việc cho tôi, từ đến mộ thắp hương cho cha mẹ đến đưa tôi đi bệnh viện, thậm chí ngay cả việc cắt áo cũng vẫn là giúp tôi. Trong lòng tôi cảm thấy rất biết ơn, nhưng bởi vì anh không thích nghe mấy lời khách sáo này nên tôi chỉ cười:
– Cái áo đó em mặc sắp rách rồi, đổi được 3 củ khoai thế này là lời to rồi đấy.
Tôi chìa nửa củ khoai đã được bóc sẵn ra trước mặt anh:
– Anh ăn không?
– Không, phần lãi đổi áo của em, em ăn đi.
Có lẽ vì tôi đói, hoặc có lẽ vì đây là đồ anh mua nên tôi có cảm giác khoai nướng lề đường hôm nay ngon hơn hẳn bình thường. Ăn một củ lại muốn ăn thêm củ thứ hai, cuối cùng vèo một cái, ba củ đã sắp sửa chui hết vào bụng tôi.
Đang nhồm nhoài nhai nốt củ thứ ba thì anh hỏi:
– Tay làm sao lại bị thương.
Tôi chột dạ nên lập tức mắc nghẹn, miếng khoai to tướng kẹt ở họng không nuốt xuống được, mà nhổ ra cũng không nổi, cuối cùng chỉ có thể trợn mắt ra sức nuốt xuống.
Đang loay hoay không thở được thì Thành chìa một chai nước đã mở nắp đến, tôi không kịp nói cảm ơn đã vội vàng cầm lên tu ừng ực, uống vội vàng đến mức mất sạch cả thể diện. Mãi sau khi miếng khoai đã trôi xuống bụng mới ra sức thở hổn hển:
– Ôi, suýt nữa thì nghẹn c.hế.t em.
– Ăn từ từ thôi.
Tôi cười hì hì, tất nhiên là không dám ăn nữa mà chỉ lén lút liếc sang anh. Lúc này, Thành vẫn tập trung lái xe, sắc mặt không biểu cảm, nhưng tôi để ý thấy đầu mày của anh vẫn chưa hề giãn ra.
Sống cùng nhau đã lâu nên tôi biết, thái độ của anh như vậy nghĩa là vẫn đang chờ đợi câu trả lời của tôi, cuối cùng không câu giờ được nữa nên tôi lại giở bài nói dối:
– À… Hôm trước em bị trượt chân, ngã cầu thang. Lúc ấy chỉ thấy hơi đau đau thôi, xong thấy nhức lại nghĩ dư chấn nên không đi khám.
– Em không sờ thấy khớp xương bị lệch à?
– Em có soi gương, nhưng chỗ vai đó sau lưng nên em không thấy được.
Tôi biết tiếp theo kiểu gì cũng sẽ bị ăn mắng nên nói xong, không đợi anh trả lời đã nhanh nhảu bảo:
– Tại em cứ tưởng không sao nên không để ý, lần sau em không thế nữa. Anh đừng lo.
– Không phải về sau không thế nữa, mà về sau có làm sao thì em phải nói với tôi. Tôi không chịu đau được thay em, mà cũng không có ý định chịu đau thay em, nhưng nếu em muốn chúng ta diễn hạnh phúc trước mặt người khác thì ít nhất khi gặp chuyện cũng nên nói để cả hai cùng tìm cách giải quyết.
Cuối cùng, anh vẫn là người đàn ông đầy trách nhiệm giống như năm xưa, đối với tôi tốt như một người anh trai đối với em gái. Bây giờ dù chỉ là cùng diễn một vở kịch để thiên hạ thấy, nhưng vẫn là anh suy nghĩ chu toàn, vẫn là anh muốn giải quyết mọi chuyện cùng tôi.
Tôi cảm nhận được lòng tốt của anh, nhưng chẳng hiểu sao trái tim vẫn không thể vui được. Tôi gật đầu, ngoan ngoãn đáp:
– Vâng, em biết rồi. Về sau có chuyện gì em sẽ nói với anh.
– Ăn hết chỗ khoai đó rồi uống thuốc giảm đau đi. Bác sĩ nói tối nay sẽ đau hơn mọi hôm đấy.
– Vâng.
Lúc về đến nhà thì bố mẹ chồng tôi chưa ngủ, hình như Thành đã gọi điện thông báo với mẹ chồng từ trước nên khi bước vào, bà không mắng tôi mà chỉ hỏi:
– Về rồi đấy à?
– Vâng. Bố mẹ vẫn chưa ngủ ạ?
– Chưa. Thế tay làm sao rồi? Đã nắn được khớp chưa?
Tôi cười cười, biết mẹ chồng chỉ quan tâm mình vì Thành đang đứng ở đây, cho nên cũng chẳng mất công kể lể đau đớn làm gì, chỉ đáp:
– Con đỡ rồi ạ. Bác sĩ bảo nắn khớp được rồi, về uống thuốc vài hôm là khỏi thôi.
– Ừ. Thế là được rồi. Thế hai đứa đã ăn gì chưa? Thành chắc mệt lắm rồi phải không con?
Anh vẫn điềm đạm như thường, dù là tôi hay ai hỏi, câu trả lời của anh mãi vẫn là:
– Cũng bình thường ạ. Bọn con ăn ở ngoài rồi, bố mẹ ngủ sớm đi.
– Ừ. Thôi hai đứa lên phòng đi, có đói hay muốn ăn gì thì bảo mẹ nhé.
– Vâng ạ.
Cũng may là sau khi nắn khớp xong, tôi về nhà uống thuốc vài ngày thì dần dần cũng khỏe lại, tay cũng không còn đau nhiều như trước nữa. Mấy hôm đầu thì Thành có bảo tôi nghỉ làm nhưng công việc quá bận, tôi không thể nghỉ được nên vẫn phải đến công ty, anh không nói được tôi nên hàng ngày phải đưa tôi đi làm, hết buổi lại đến đón về.
Tất nhiên tôi không muốn phiền anh như vậy, lúc đầu bảo đi taxi nhưng mấy hôm đó tự nhiên ngay gần nhà lại có một vụ tài xế sàm sờ khách nữ ngay trên xe. Có lẽ bố chồng tôi sợ tai tiếng nên nói:
– Đằng nào thằng Thành cũng tiện đường, con cứ đi cùng nó đi. Tay chân chưa lành hẳn, lái xe nguy hiểm, với cả đi taxi cũng phức tạp.
Mẹ chồng rõ ràng không vui, nhưng vẫn nể mặt hai bố con anh nên cũng không nói. Tôi thì từ chối mãi không được, cuối cùng đành để anh đưa đi đón về.
Mỗi tội, tôi sợ anh xuất hiện ở công ty mình sẽ trở thành ngôi sao sáng chói, rồi lại mất công mấy nhân viên nữ trong tòa nhà hâm mộ anh, thế nên tôi dứt khoát giấu phứt anh đi. Hôm nào cũng bảo Thành dừng xe cách công ty 50 mét để tôi tự chạy vào.
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thâm thúy, không hỏi, nhưng rõ ràng đang muốn dò xét xem tôi suy nghĩ cái gì. Tôi thì chỉ biết cười hì hì:
– Sau này ly hôn em còn phải kiếm mấy anh người yêu nữa chứ, giờ để mọi người thấy anh đưa đi đón về lại tưởng anh là người yêu của em, xong mấy anh đẹp trai lại bỏ chạy mất dép.
– Ừ.
Thành khẽ cười, nụ cười rất nhạt, chẳng mang theo ý vị gì:
– Thế từ giờ tôi sẽ đỗ xe ở đây. Khi nào tan làm thì em cứ ra đây là được.
– Vâng, em biết rồi. Anh đi làm đi. Tan làm em nhắn tin nhé.
– Ừ.
Bốn ngày đầu tiên chẳng có gì đáng nói, anh đưa tôi đi rồi đón về, đỗ xe ở địa điểm đã hẹn trước nên không có đồng nghiệp nào của tôi trông thấy, mà cũng chẳng có bà cô nào phát hiện ra tôi có một anh trai đẹp đón đưa.
Nhưng đến hôm thứ 5 lại khác.
Hôm ấy tôi bận đến vắt chân lên cổ, về muộn hơn bình thường mười lăm phút. Tôi sợ anh chờ lâu nên chạy vội chạy vàng, vừa mới mở cửa ghế phụ thì đột nhiên lại nhìn thấy một người ngồi trong đó.
Tất nhiên, người này tôi đã gặp rồi, nếu theo lẽ thường thì chị ấy hẳn phải là tình địch của tôi. Tuy nhiên, bởi vì tôi với anh thực sự không phải là vợ chồng nên tôi không ghen với chị ấy, càng không có tư cách để ghét chị ấy.
Chị Uyên thấy tôi thì nở một nụ cười rất dịu dàng:
– Chào Quỳnh Chi.
Tôi cũng gật đầu chào lại:
– Em chào chị ạ.
– Ngại quá, hôm nay chị có việc phải ra ngoài mà không có xe, anh Thành bảo tiện đường đến đón em nên chị xin đi cùng. Mà chị bị say xe nên xin phép Quỳnh Chi cho chị ngồi ghế phụ một hôm nhé. Nếu không được thì để chị xuống dưới.
Tất nhiên, chị ấy đã nói thế thì tôi cũng sẽ không từ chối, thứ nhất vì tôi không say xe, thứ hai là vì chị Uyên ăn nói rất thông minh, tôi bày ra bộ dạng ghen tuông rồi từ chối trước mặt anh thì ngu quá.
Thế nên tôi chỉ cười bảo:
– Vâng, chị cứ ngồi đi. Em không say xe, em ngồi ghế sau cũng được.