Chương 7

Cũng may khi lăn đến bậc thứ hai thì tôi túm vào được tay vịn cầu thang, cả người đang lăn như quả bóng bị kéo lại, toàn thân va hết chỗ này đến chỗ khác, đau đến mức không nói được nên lời.

Chiếc giỏ đựng đồ nặng trịch của mẹ chồng tôi rơi xuống tầng một, vỡ tan tành, tiếng động to đến mức bà đang ở ngoài sân cũng vội vã chạy vào:

– Có chuyện gì thế? Quỳnh Chi, cô làm gì mà ném cả giỏ đồ của tôi thế này?

Lúc này, tôi mới lồm cồm bò từ cầu thang dậy. Mẹ chồng nhìn thấy lại tưởng tôi tự ngã nên tru tréo mắng:

– Có mỗi cái giỏ đồ cũng xách lên sân thượng không xong, chẳng biết cô làm được cái tích sự gì nữa. Cái giỏ này tôi phải đặt mua tận trong miền nam đấy, cô làm tan nát cả thế này, cô muốn phá đồ nhà tôi đúng không?

– Không ạ. Vừa rồi không may bị Su Su đυ.ng phải nên con mới làm rơi giỏ đồ.

Thằng nhóc Su Su thấy tôi nhắc đến tên mình thì lại hét to, rủa tôi c.hế.t đi, mẹ chồng nghe xong thì vẻ mặt bỗng dưng sầm xuống. Còn chị chồng tôi thì chẳng biết từ nơi nào phi vào, không rõ mô tê gì đã cãi:

– Này nhé, thằng Su Su nó mới tý tuổi, nó nhỏ như thế thì đυ.ng vào cô kiểu gì? Có mà tự cô ngã, làm vỡ giỏ đồ rồi đổ tội cho con tôi ấy. Lòng dạ cô rắn rết vừa thôi, đến cả đứa trẻ con cũng không tha. Tự làm thì tự chịu nhé, đừng có vu oan cho con tôi.

Sẵn đang đau, còn bị mắng nên tôi tức. Khi ấy tôi cũng chẳng thèm nể mặt nữa, đốp luôn lại:

– Chị ơi, Su Su nó là trẻ con, lại là cháu của bố mẹ, trong khi em mới chỉ chân ướt chân ráo về đây, em vu oan cho Su Su làm gì để bố mẹ thêm ghét em. Em chỉ có gì nói nấy thôi.

– Ôi nói thì hay lắm. Loại người lừa đảo như cô thì chuyện gì chẳng nghĩ ra được. Tôi thấy cô muốn đổ tội cho Su Su để mẹ tôi không những không mắng được cô, mà còn phạt con tôi thì có. Cái ngữ miệng nam mô bụng một bồ dao găm như cô thì tôi lạ gì.

Tôi cười, trong lòng khó chịu nhưng tỏ vẻ tức tối thì chỉ đúng ý chị ta, thế nên tôi vẫn bình thản đáp:

– Vâng, em thấy hình như ở trên cầu thang có camera đấy, nếu chị không tin hay là thử mở lại xem xem.

Nhà chồng tôi giàu, lắp camera khắp nơi, ban nãy cảnh thằng bé Su Su đẩy tôi chắc hẳn camera cũng quay lại được. Chị chồng có lẽ cũng biết con mình ngỗ nghịch, đuối lý nhưng vẫn cứng mồm cứng miệng nói:

– Tôi không thừa hơi đâu mà xem. Mà cứ cho là Su Su nó va phải cô đi, nhưng nó là trẻ con, làm gì đi đứng được như người lớn. Chắc con tôi vô tình thôi chứ có gì mà cô phải sồn sồn lên như sắp c.hế.t đến nơi thế. Ngã tý thì có sao.

– Vâng, ngã tý thì không sao cả, em cũng không trách Su Su. Nhưng nếu hôm nay trong bụng em đang có con của anh Thành thì …

Tôi nói đến đó thì cố ý ngừng lại, không tiếp tục vế sau nữa, chỉ liếc sang nhìn mẹ chồng. Quả nhiên, mỗi lần nhắc đến con trai là thái độ của bà thay đổi ngay tức thì, nhất là đối với chuyện nhạy cảm thế này, sắc mặt mẹ chồng tôi ngay lập tức tái xanh:

– Thế cô đang có bầu à? Vừa rồi ngã có sao không?

– À, không ạ. Con chưa có bầu nên lần này ngã không sao cả mẹ ạ.

Nghe thế, mẹ chồng tôi mới nhẹ nhàng thở hắt ra một tiếng. Rõ ràng bà cũng cảm thấy con và cháu mình sai, nhưng lại không muốn hùa theo tôi nên chỉ bảo:

– Thôi được rồi, cô không sao là được rồi. Chuyện cũng không có gì to tát, không cần phải đứng đây đôi co nữa.

– Vâng.

Chị chồng tôi không được bênh nên càng tức đ.iên, l*иg lộn lên:

– Mẹ, cô ta vu oan cho Su Su đấy, Su Su bé tý thế biết gì mà đυ.ng vào cô ta, mẹ đừng có tin lời cô ta.

– Con cũng thôi đi. Có thời gian thì lo mà dạy dỗ thằng Su Su cho tử tế vào, đang còn nhỏ mà không biết học ai, toàn nói mấy câu c.hế.t chóc. Nói gở mồm quen đi.

– Nhưng mà…

– Lên dẫn thằng Su Su xuống đi.

Thấy mẹ mình kiên quyết thế, chị chồng không dám cãi nữa, đành bất mãn đi lên kéo thằng nhóc Su Su xuống, lúc ngang còn không quên lườm tôi một cái cháy mắt. Tôi thấy nhưng giả vờ tỏ ra như không biết, vẫn bình thản như không, chị ta tức quá không làm gì được nên lẩm bẩm bảo con trai:

– Mày đấy, lần sau tránh xa cái con hồ ly tinh này ra, không có ngày nó ăn thịt mày đi đấy.

– Mẹ, lấy súng bắn c.hế.t hồ ly tinh đi. Con đẩy nó ngã nhưng nó không c.hế.t.

– Im mồm đi.

– Thật mà, lúc nãy con đẩy hồ ly tinh xuống đấy.

– Xuống nhà tao cho mày một trận.

Sau khi hai mẹ con họ đi rồi, tôi định xuống nhặt lại giỏ đồ mang đi giặt, nhưng mẹ chồng lại bảo:

– Thôi, để đấy tôi gọi giúp việc làm, để cô làm tý nữa lại phải mất công đi theo sau dọn lại cũng hết hơi. Lên phòng đi.

– Vâng.

Lúc tôi lên phòng, cởϊ áσ ra soi gương mới thấy cả bả vai bên phải bị trớt rất nhiều chỗ, máu bắt đầu tụ lại, từ đỏ dần dần chuyển sang tím, chắc tối sẽ thành đen thui.

Đau quá nhưng khóc cũng chẳng có tác dụng gì, mà những vết thương thế này cũng chưa đến mức phải đi viện nên theo tính tôi mà nói, tôi sẽ cắn răng cố chịu. Mỗi tội, hình như bị đau và còn bị bắt nạt nên tôi tủi thân, tự nhiên lại muốn nghe giọng ông nội nên mới gọi cho ông một cuộc.

Ông tôi nhấc máy rất nhanh, giọng khàn khàn nghi hoặc:

– Quỳnh Chi à?

– Vâng. Ông nội, con đây.

– Ừ. Có chuyện gì thế con? Sao tự nhiên lại gọi vào giờ này?

Có lẽ, ông nội cũng biết hôm nay tôi được nghỉ, ở nhà chồng mà gọi cho ông thế này thì không tiện lắm. Một người từng hô mưa gọi gió trên thương trường như ông mà lại phải vì cháu gái nhún nhường đến mức độ này, khiến tôi càng thương và day dứt vì ông nhiều hơn.

Tôi gượng gạo nặn ra một nụ cười bảo:

– Tự nhiên con nhớ ông mà. 3 hôm rồi con chưa về thăm ông, ông có nhớ con không?

– Nhớ cái gì mà nhớ, mới có 3 ngày thì nhớ gì. Cái con bé này, giờ đi lấy chồng rồi chứ có phải như ngày trước nữa đâu mà đòi về thăm ông suốt ngày.

– Kệ, lấy chồng thì lấy chồng chứ. Vẫn phải về ăn vạ ông, uống ké trà Kim Qua Cống của ông.

Đầu dây bên kia vang lên tiếng cười rất nhẹ của ông nội, tôi biết, ông cũng nhớ tôi, chỉ là cố ý nói như vậy để tôi ở bên này yên tâm thôi. Ông bảo:

– Ừ, đợi hôm nào rỗi rỗi rồi về. Thế hôm nay thằng Thành hôm nay có được nghỉ không?

– Không ạ, anh ấy bận lắm. Sáng sớm hôm nay anh ấy lại đi Tam Đảo rồi. Đợi khi nào xong dự án, con bảo anh ấy đến thăm ông nhé?

– Ừ, bận rộn thì thôi, ông nghe nói dạo này công ty ôm thêm nhiều dự án lắm. Con chăm sóc nó cho tốt, một mình nó gồng gánh vất vả, mệt lắm đấy.

Nói đến đây, ông lại thở dài:

– Nếu ông mà khỏe thì tốt rồi, san sẻ được với nó. Ông ốm thế này, công ty chỉ có thể giao cho mình nó thôi.

– Vâng, ông đừng lo, anh ấy vẫn khỏe mà. Vẫn 72kg, cao to khỏe mạnh, không sút lạng thịt nào.

– Ừ, cao to khỏe mạnh thế sau đẻ con ra cũng cao to như bố.

– Vâng. Đẹp gái như mẹ nữa chứ.

– Ừ. Đẹp gái như mẹ.

Tiếng cười của ông tôi càng lớn hơn, nói chuyện với tôi thêm một lúc, ông mới hỏi tôi:



– À mà ông nghe nói bố thằng Thành cũng định giao công ty cho nó à?

Nhắc mới nhớ, từ lúc đến đây tôi mới biết gia đình anh cũng có một công ty kinh doanh đồ nội thất, quy mô không bằng công ty của ông nội tôi, nhưng cũng không nhỏ. Giờ gia đình họ nhận con, tất nhiên tài sản sẽ phải giao về cho con trai duy nhất, nhưng đây là chuyện riêng của gia đình Thành nên tôi không hỏi.

Tôi bảo:

– Con cũng không biết, nhưng nhà anh ấy chỉ có mình anh ấy, chị gái lại đi lấy chồng rồi, nên chắc sau này anh ấy sẽ kế nghiệp thôi ông ạ.

Ông tôi trầm ngâm suy nghĩ một lúc, giọng nói không còn mang theo ý cười mà trở nên rất nghiêm túc:

– Quỳnh Chi, con cũng chuẩn bị quay về Hằng Phong làm việc đi.

– Con biết mà, nhưng đợi con một thời gian nữa nhé. Sắp tới công ty con có một dự án lớn, xong dự án này con sẽ quay về Hằng Phong.

– Ừ, quay về giúp Thành. Hoặc sau này nếu nó có rời bỏ Hằng Phong, con cũng đủ lông đủ cánh để kế nghiệp.

– Ông nội…

– Quỳnh Chi, cả đời ông chỉ tin tưởng mình con và Thành thôi. Nếu nó nhất quyết ra đi, ông vẫn còn hy vọng được vào con.

Tôi hiểu, cuộc đời ông đã trải qua quá nhiều biến cố và thăng trầm, con trai duy nhất không còn, hai đứa con gái lại không tốt đẹp gì, cuối cùng chỉ có thể đặt hy vọng vào cháu gái. Mà vì gìn giữ Hằng Phong, vì thỏa ước nguyện của tôi, ông mới ép Thành phải cưới tôi, để chúng tôi mãi mãi là người nhà, mãi mãi không rời bỏ Hằng Phong.

Nhưng bây giờ có nhiều thứ đã thay đổi, ông sợ anh sẽ vì ân oán cũ mà từ bỏ Hằng Phong và cả tôi, cho nên mới sốt ruột thúc giục tôi quay về.

Tất nhiên, tôi cũng muốn quay lại Hằng Phong làm việc cho ông yên lòng, dù gì, đó cũng là cơ nghiệp cả đời của ông, tôi không thể vì ước mơ được tung bay của mình mà ở Kiến Vũ mãi. Tôi nói:

– Vâng, con biết mà. Con sẽ cố gắng, ông nội đừng lo.

Đúng là nghe được giọng ông, tâm trạng bức bách của tôi cũng dịu đi rất nhiều. Mỗi tội vừa cúp máy xong thì lại nghe tiếng gõ cửa. Tôi lồm cồm bò xuống giường rồi chạy ra mới thấy mẹ chồng đang đứng bên ngoài.

Mẹ thấy áo xống tôi xộc xệch mới cau mày:

– Làm gì lại khóa cửa?

– À… con đang định thay quần áo. Mẹ tìm con ạ.

– Ừ, định đưa cho cô cái này.

Mẹ chồng chìa tay một hộp cao màu vàng toàn chữ Trung Quốc, hình như lần đầu đối xử tốt với tôi nên bà không được tự nhiên, hắng giọng một cái mới nói:

– Người có chỗ nào đau thì bôi vào. Loại dầu này làm tan máu bầm tốt đấy.

– Vâng ạ, con cảm ơn mẹ.

Tôi mỉm cười, nhận lấy hộp dầu từ tay mẹ chồng. Nhưng còn chưa kịp cười lâu thì mẹ chồng tôi mới nói đến vấn đề chính:

– Thầng Su Su còn nhỏ, trẻ con nghịch ngợm là chuyện bình thường, cháu tôi hư thì tôi sẽ bảo mẹ nó dạy lại nó.

– Vâng.

– Trong nhà xảy ra những việc như thế này cũng chẳng hay ho gì, mà thằng Thành đi làm cả ngày mệt, tốt nhất đừng để nó suy nghĩ. Cái gì có thể bỏ qua được thì bỏ qua, cô là người lớn thì đừng nên chấp một đứa con nít.

Tôi biết trên đời chẳng có bữa cơm nào miễn phí cả, lần này cũng vậy. Mẹ chồng tự nhiên mang cho tôi lọ cao thế này cũng chẳng phải tốt với tôi, mà đơn giản bà ấy chỉ muốn bịt miệng tôi mà thôi.

Dù sao quan hệ của tôi với Thành cũng không phải như bà ấy nghĩ, tôi không có ý định nói với anh chuyện này, nên chỉ cười:

– Vâng, con biết rồi, mẹ yên tâm, con không nói lại với anh Thành đâu ạ.

– Biết thế là tốt. Thôi, cầm cao bôi vào đi, đừng để thằng Thành thấy rồi lại tưởng nhà tôi bạc đãi cô.

– Vâng.

Sau khi mẹ chồng xuống nhà, tôi cũng thử bôi dầu lên bả vai bị đau, chỗ nào với được thì bôi, chỗ nào không với được thì mặc kệ. Nhưng chắc do dầu xoa không hiệu nghiệm, hoặc vết thương đã nặng đến xương nên chẳng có cảm giác đỡ đau gì.

Nhưng tôi hiểu rõ ở cái nhà này sẽ chẳng có ai thương xót tôi, thế nên có tỏ ra đau đớn cũng chẳng tác dụng gì, thậm chí còn bị cạnh khóe là tiểu thư dẫm phải gai mồng tơi, cho nên tôi vẫn tỏ ra bình thường như không vấn đề gì, thậm chí trong bữa cơm ngày hôm ấy vẫn vui vẻ ăn tận hai bát cơm.

Tôi nghĩ cứ chịu đựng thì vài hôm sau tự khắc sẽ khỏi, nhưng vết thương càng ngày càng nặng thêm thì phải, đến hôm thứ ba thì tôi đau không nhấc tay lên được. Định đi khám nhưng công việc thời gian ấy bận quá, bù đầu bù óc từ sáng cho đến tận khi tan làm lại tất tưởi về nhà cơm nước, thành ra lần lữa đến tận hôm thứ 4, anh Khoa thấy tôi đánh máy mà mặt nhăn mày nhó mới hỏi:

– Quỳnh Chi sao thế? Lại đau bụng hả em?

– À… không, em nghe nói tập trung làm việc sẽ phải nhăn trán nên đang thử học theo đấy.

Sếp tôi cười cười, cầm ly trà đào đặt lên trên bàn tôi:

– Con gái mà nhăn trán sớm là nhanh già lắm đấy nhé. Công việc bận rộn thì vẫn cứ phải tươi tỉnh lên, da đẹp mới trẻ dai được.

– Hôm nay em mới biết sếp có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc da phụ nữ đấy nhé. Sếp khai thật với em đi, sếp mới có người yêu rồi phải không?

– Làm gì có, theo đuổi mãi một người mà chưa được đồng ý đây này.

Tôi hiểu ý của anh Khoa, nhưng vẫn tỏ vẻ ngu ngu đáp:

– Không biết em nào mà không có mắt nhìn thế. Sếp em phong độ thế này kiểu gì cũng có nhiều em khác xinh hơn thích sếp. Ở ngoài không thiếu hoa thơm cỏ lạ sếp ạ.

Nụ cười trên môi sếp tôi nhạt đi một ít, nhưng anh Khoa luôn là người kiên trì, cũng rất tinh tế nên không nói đến cùng chuyện này, chỉ liếc qua màn hình máy tính của tôi rồi lảng sang vấn đề khác:

– Em đang xem dự án ở đảo Phú Quý à?

– Vâng. Lô đất sắp đấu giá đẹp thật anh ạ. Ở đó đang còn hoang sơ, nếu công ty nào giành được lô đất đó, xây một khu nghỉ dưỡng sinh thái thì chắc sẽ rất đông khách.

– Ừ, vấn đề là nhiều công ty sẽ nhảy vào tranh giành, mình muốn tranh được cũng phải cố gắng thôi. Lần này giao hết cho Quỳnh Chi đấy nhé, đặt ngôi sao hy vọng chỗ em đấy.

– Có được tăng lương không sếp?

– Gấp hai nhé?

– Lô đất này giá trị thế, em nghĩ sếp nên tăng lương cho em gấp ba đi.

Anh Khoa cười cười, đối với một kẻ tham tiền như tôi thì anh ấy quen rồi, cũng chẳng buồn để bụng mà còn nói đùa lại:

– Thưởng một món quà thật to luôn.

– Thật nhé sếp?

– Ừ, ngoắc tay để làm tin.

Tay tôi đau, nhưng sếp đã nói thế cũng vẫn phải chìa ra ngoắc tay. Mỗi tội, ngoắc xong thì đau đến toát mồ hôi hột.

Được cái tôi giả vờ rất giỏi nên anh Khoa cũng không nhận ra, chỉ bảo để chắc chắn thì tối nay mời tôi đi ăn một bữa cơm, coi như trả công trước. Nhưng hôm nay là một ngày rất quan trọng với tôi, cho nên tôi chỉ mỉm cười từ chối, thậm chí còn xin anh Khoa về sớm nửa buổi.

Tôi lái chiếc xe cà tàng của mình rời khỏi công ty, đi mua một bó hoa hướng dương rất lớn, mang đến đặt lên ngôi mộ đôi của bố và mẹ tôi.

Mọi năm, cứ đến ngày này ông nội tôi sẽ làm một mâm cơm thắp hương, sau đó sẽ cùng tôi và Thành quây quần bên nhau ăn cơm. Nhưng bây giờ chúng tôi đã kết hôn rồi, ông không muốn làm ảnh hưởng đến tôi nên bảo sẽ về nhà thờ tổ làm giỗ cho bố mẹ tôi, ở quê đông anh em ấm cúng hơn nhiều. Cuối cùng, chỉ còn mình tôi lên mộ cha mẹ thắp hương thế này.



Tôi lấy khăn ra, dùng tay trái lau sạch từng bia mộ, vừa lau vừa lẩm bẩm nói:

– Bố, mẹ. Hai người ở bên ấy có khỏe không?

– Con vẫn đang sống rất tốt, bố mẹ đừng lo nhé. Ông nội bảo con về Hằng Phong làm việc, chắc đợi xong đợt đấu giá ở đảo Phú Quý con sẽ về. Bố mẹ nhớ phù hộ cho công việc của con thuận buồm xuôi gió nhé.

– Bố mẹ cũng nhớ phù hộ cho ông thật mạnh khỏe nữa. Ông năm nay mới hơn 70 thôi, bố mẹ đừng để ông đi sớm quá nhé.

– Anh Thành đối xử với con tốt lắm, bố mẹ chồng con cũng tốt, bố mẹ ở bên ấy cứ yên tâm.

Gió thổi lên triền đồi, làm xào xạc tán cây mẫu đơn trồng trên mộ của bố mẹ tôi. Chẳng biết sao lúc này tự nhiên tôi thấy lòng mình trống trải và cô đơn vô cùng, nhớ cha mẹ và thèm khát một vòng tay ôm lấy mình vô cùng.

Nhưng ở nghĩa trang rộng lớn này không có người nào cả, chỉ có mỗi gió lạnh ôm lấy bờ vai đang nhói đau của tôi thôi, ngay cả cha mẹ cũng lặng yên không đáp lại lời tôi. Cuối cùng, mỗi riêng tôi mệt mỏi ngồi tựa lên bia mộ, lặng lẽ tưởng tượng ra mình đang quây quần bên cha mẹ, lặng lẽ tự kiếm tìm sự ấm áp từ bia mộ lạnh lẽo, an ủi trái tim mình.

Không biết đã qua bao lâu, khi gió trên đồi bắt đầu ngừng lại, tôi mới loáng thoáng nghe được một tiếng lao xao rất khẽ ở ngay bên cạnh. Mở mắt ra thì thấy một người đàn ông đang ngồi xổm trước mộ bố mẹ tôi, anh đặt một giỏ hoa quả và một bó hoa hướng dương giống hệt như của tôi vào khay đá cẩm thạch. Ánh chiều tà chiếu lên sườn mặt nghiêng nghiêng đẹp đẽ của anh, trong ánh mắt người đàn ông ấy là một sự kính cẩn và nghiêm túc không thể che đậy.

Vì không nghĩ anh sẽ đến đây nên tôi hơi giật mình:

– Anh đến đấy à?

– Gọi cho em mấy cuộc nhưng không được.

Mấy hôm nay không thấy anh nhắc gì đến chuyện giỗ bố mẹ tôi, tối hôm qua thì anh về muộn, tôi ngủ rồi nên cũng không có cơ hội nói chuyện với nhau. Không ngờ anh vẫn còn nhớ, thậm chí còn mang đồ đạc đến tận đây thắp hương cho bố mẹ tôi.

Tôi gượng gạo nở nụ cười:

– Điện thoại em hết pin từ sáng, đêm qua em ngủ quên nên không sạc. Em cứ nghĩ anh bận nên không gọi điện.

– Quỳnh Chi.

– Dạ.

– Bố mẹ em bây giờ cũng là bố mẹ tôi.

Nghĩa là chúng tôi đã kết hôn, anh lấy tôi thì bố mẹ tôi cũng là bố mẹ anh, ngày giỗ của hai người, anh dù bận đến mấy cũng không thể không đến.

Một câu rất đơn giản thôi nhưng lại khiến tôi xúc động hơn cả ngàn lời nói, với một người sống nội tâm như anh, có lẽ phải dùng tim để cảm nhận mới hiểu được rất nhiều chuyện.

Tôi hít một ngụm gió trời lạnh buốt, ngoan ngoãn gật đầu:

– Vâng. Em biết rồi.

– Em đến từ lúc nào?

– Mới thôi, 4h em mới đến.

– Ừ.

Thành lặng lẽ thắp ba que hương cho bố mẹ tôi, xong xuôi mới quay lại nhìn tôi:

– Đừng tựa vào bia mộ nữa, em đứng gọn sang một bên đi.

– Vâng.

Lúc này, tôi mới phát hiện khói hương nghi ngút đã làm cay mắt mình từ khi nào, đành phủi quần áo đứng lên, dịch người gọn ra một góc rồi nhìn anh.

Thành tự tay nhổ cỏ xung quanh mộ của bố mẹ tôi, xếp lại gọn gàng mấy chiếc ly, sau đó rút khăn ra lau lại di ảnh của bố mẹ tôi một lần nữa. Anh trước giờ vẫn luôn cẩn thận và sạch sẽ như thế, khác hẳn một đứa luộm thuộm lại thích tùy hứng là tôi. Tôi quen rồi, nhưng lần đầu tiên “con rể” của bố mẹ tôi làm những điều như thế, tôi vẫn cảm thấy trái tim mình như được vỗ về, ấm áp đến nao lòng.

Một lúc rất lâu sau, khi hương tàn hết rồi anh mới đứng lên, cởϊ áσ vest của mình khoác lên người tôi:

– Tắt nắng rồi, về thôi.

Áo vest của anh hơi nặng, khi chạm vào bả vai tôi khiến cơn đau của tôi lại dội lên. Tôi bất giác nhăn mặt, chỉ là một cái nhíu mày rất nhẹ thôi nhưng không thể nào thoát nổi ánh mắt anh:

– Sao thế?

– À… hình như em bị chuột rút.

Nói xong, tôi còn cố ý duỗi chân mấy cái. Thành thấy thế cũng không nói gì, chỉ kiên nhẫn chờ tôi đến khi “hết chuột rút” mới lặng lẽ men theo con đường nhỏ đi xuống khỏi nghĩa trang.

Bình thường, chân anh dài nên bước nhanh, tôi có chạy may ra mới đuổi theo được. Thế nhưng hôm nay chẳng hiểu sao anh lại đi rất chậm, rất chậm, tôi đau vai như thế cũng chẳng phải tốn bao nhiêu sức, vẫn có thể lẽo đẽo đi ngay sau lưng anh.

Lúc xuống dưới chân đồi, tôi đang định lên xe của mình đi về thì bỗng dưng tay bị anh kéo lại. Lần này, anh vẫn kéo đúng tay bị thương nên tôi đau toát mồ hôi hột, tuy nhiên, vẫn cố tỏ vẻ cười bảo:

– Sao thế hả anh?

– Đi xe của tôi về cũng được.

– Em có đi xe đến mà. Đi xe anh lại phải để xe ở đây, rồi phải quay lại lấy nữa. Thôi, cứ để em đi xe em cho tiện.

– Xe em hỏng rồi.

Nghe thế, tôi nhìn về xe mới phát hiện ra lốp bên trái đã hết sạch hơi từ khi nào, mà Kia Morning là dòng xe đời thấp, không như các xe xịn khác, hỏng một lốp muốn rời khỏi nghĩa trang cũng khó.

Tự nhiên khi ấy lại nghĩ không biết số mình đen hay đỏ nữa, đen vì hỏng xe ở nơi đồng không mông quạnh này, hay đỏ vì anh cũng đến đây và cho tôi đi nhờ xe về nhỉ?

Trong lúc đang còn ngẩn ra nghĩ ngợi thì Thành đã gọi điện cho bên cứu hộ xe, sau khi nói địa chỉ xong xuôi, anh mới quay sang tôi:

– Cứ để xe ở đây, tý nữa đội cứu hộ sẽ đến đưa về.

Tôi dè dặt nhìn anh:

– Để ở đây có mất không ở anh?

Anh liếc tôi bằng ánh mắt quái dị, giống như một người mới rơi từ hành tinh khác xuống:

– Bình thường không có ai đến đây. Mà dù có người lấy đi nữa, họ cũng không lái nổi xuống đến chân dốc đâu.

Đúng thật, ở chỗ này ngoài mộ ra thì không có người nào, với cả xe tôi vừa cà tàng vừa hết hơi như thế, trộm có lấy cũng không thể lái nổi. Nghĩ thế nên tôi mới cười hì hì:

– À vâng. Thế cũng được ạ.

– Đi thôi.

Trên đường trở về, anh lái xe, còn tôi ngồi nhìn đường. Dọc tuyến đường từ nghĩa trang trở về rất hay gặp mấy hàng ngô nướng, khoai nướng, nhất là thịt xiên nướng, mà tôi mỗi lần trông thấy mấy món ăn vặt này thì hai mắt tôi sẽ sáng rực lên, thèm nhỏ dãi nhưng ngại, không dám bảo anh dừng lại để mua.

Trong đầu tôi cứ mải mê tưởng tượng ra mình đang được ăn khoai nướng nên không để ý con đường đang đi không phải cung đường về nhà, mãi sau, khi xe dừng lại, tôi mới giật mình phát hiện ra đây không phải là nhà chồng mà là bệnh viện thành phố, người ra người vào tấp nập khắp nơi.

Tưởng anh có việc gì đến đây nên tôi ngây ngô hỏi:

– Anh đến bệnh viện thăm ai à?

Anh không đáp, chỉ bình thản tháo dây an toàn, xong xuôi mới lặng lẽ dời mắt về phía bả vai tôi:

– Xuống xe đi, tôi đưa em đến gặp bác sĩ.