Tôi lịch sự rót ra hai cốc nước đặt lên bàn, vừa định mở miệng mời mẹ chồng và chị chồng uống thì đã bị chửi như tát nước vào mặt.
Chị chồng ném một xấp tài liệu lên bàn, vênh váo quát:
– Nhìn đi, nhìn cho kỹ đi. Kết quả xét nghiệm ADN đấy. Thằng Thành là con trai của bố mẹ tôi, là em trai ruột của tôi. Nhìn xem các người đã làm gì với gia đình tôi mấy chục năm trời nay, các người đã gây ra tội lỗi tày trời gì.
Một tuần này, chúng tôi không ai nhắc đến chuyện gia đình anh. Đây là vấn đề nhạy cảm đối với tôi, anh và ông nội nên chẳng ai muốn đυ.ng đến. Tuy nhiên, tôi biết sớm muộn gì thì người nhà thật sự của anh cũng tìm đến tôi, cho nên tôi rất bình tĩnh cầm tài liệu lên, giở ra thấy bên trong là một dòng chữ đỏ chói: Đặng Hoàng Thành và Lê Minh Thanh có quan hệ Cha – con.
Chị chồng thấy tôi đọc xong lại nói:
– Sao? Thấy rõ chưa? Chừng ấy đủ bằng chứng để báo công an bắt các người vào tù chưa?
– Em biết gia đình em có lỗi với gia đình chị, nhưng bây giờ mọi chuyện đã thế này cũng không thay đổi được nữa. Nếu có thể làm gì để bù đắp lại cho gia đình chị thì em sẽ làm hết. Mong chị và bố mẹ tha thứ cho gia đình em.
– Chị và bố mẹ?
Chị chồng tôi bĩu môi, nhìn tôi bằng ánh mắt ghê tởm:
– Đừng có gọi như gia đình tôi với cô thân thiết lắm. Tôi nói cho cô biết, không chỉ có tôi mà cả nhà tôi đều sẽ không chấp nhận cô. Em trai tôi có cưới cô thì tôi cũng không chấp nhận.
Tôi hiểu rõ điều này nên cũng không muốn mất công giải thích hay lấy lòng làm gì, chỉ khẽ “vâng” một tiếng rồi im lặng. Mẹ chồng tôi thấy vậy mới lẳng lặng quan sát tôi từ đầu đến chân một lượt bằng ánh mắt dò xét, sau đó mới nói:
– Thằng Thành không yêu cô đúng không?
Bà ấy nói đến đây, cũng không đợi tôi trả lời đã nói thẳng:
– Trước khi nhận nó, gia đình tôi đã điều tra hết rồi. Con tôi làm gì, yêu ai, sống thế nào, tôi biết hết. Chuyện nó đang yêu người khác chắc hẳn cô và ông nội cô cũng phải hiểu rõ hơn tôi chứ? Nếu không thì các người làm sao ép nó cưới vội vàng như thế được. Các người biết nó là đứa sống có tình có nghĩa nên mới giở đủ thủ đoạn để bắt nó phải cưới cô, tôi nói có đúng không?
– Thật ra cháu và anh Thành từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau, cả hai ít nhiều cũng có tình cảm. Với cả cháu nghĩ gia đình cô đã điều tra về anh ấy thì chắc ít nhiều cũng sẽ biết được tính cách của anh ấy rồi, anh ấy đã không muốn thì không ai ép được cô ạ.
– Nghe nói ông cô bị bệnh ung thư?
– Vâng.
– Để tôi đoán nhé, thằng Thành không muốn thì không ai ép được, nhưng nếu ông cô bị bệnh, không còn sống được bao nhiêu nữa, nó sẽ vì tâm nguyện của ông cô mà đồng ý kết hôn với cô. Tôi nói có đúng không?
– Cháu…
Tôi còn chưa nói hết câu thì chị chồng đã đứng phắt dậy, lôi ra thêm một xấp ảnh dày ném thẳng vào mặt tôi:
– Cô còn cãi à? Nó không phản đối vì nghĩ đến mấy chục năm nay ông cô nuôi dưỡng nó, nó muốn trả ơn nên mới lấy cô. Nhưng bây giờ thì rõ rồi, ông cô là đồ cáo già bắt cóc, còn cô thì là đồ hồ ly tinh đội lốt người, cùng một giuộc xảo quyệt với nhau cả.
– …
– Đây, nó và người yêu nó đây. Hai đứa chúng nó đang hạnh phúc như thế mà các người tự dưng nhảy vào phá hoại chúng nó, bắt em tôi phải chia tay con bé kia. Nhìn xem, người yêu nó vừa xinh đẹp vừa hiền lành tử tế, người như thế mới xứng đáng là con dâu của nhà tôi, vợ của em trai tôi. Còn cô, sao không tự soi gương xem mình là cái dạng gì?
Ngay từ lần gặp đầu tiên, chị ta cứ hễ mở miệng là chửi, không chửi thì đánh. Ban đầu tôi nhẫn nhịn vì gia đình tôi sai, nhưng chị chồng càng ngày càng quá quắt khiến tôi bắt đầu khó chịu. Tôi nói:
– Em nghĩ chuyện ông nội em làm với anh ấy là sai với gia đình chị, còn chuyện cưới xin là quyết định của riêng anh ấy. Nếu anh ấy kiên quyết thì có là ai cũng không ép được. Với cả giờ bọn em đã cưới nhau rồi, nói đến ép hay không cũng không thay đổi được gì chị ạ.
Mẹ chồng tôi cười nhạt:
– Tôi thấy cũng thay đổi được khá nhiều thứ đấy.
Làn da mẹ chồng được chăm sóc rất cẩn thận nên dù hơn 50 tuổi, trông bà vẫn rất trẻ. Có điều, ánh mắt sắc bén và sự thâm thúy của bà thì lại khác hẳn chị chồng, luôn khiến người ta có cảm giác sợ hãi:
– Ông nội cô đã chia cắt gia đình nhà tôi hơn ba mươi năm, giờ đến lượt cô, cô muốn phá hỏng luôn đời con trai tôi hay sao?
– Không ạ. Cháu không bao giờ và cũng chưa từng muốn phá hỏng cuộc đời của anh ấy.
– Nếu như tôi là cô, chắc chắn khi biết ông nội tôi bắt cóc người khác, tôi sẽ không còn mặt mũi nào ở bên nó nữa. Với cả, nếu cô mà biết nghĩ cho nó, chắc hẳn cô sẽ hiểu, ngày ngày ở bên cạnh người mình không yêu sẽ rất đau khổ, còn con trai tôi, nó không những chỉ ở cạnh người nó không yêu, mà cô còn là cháu gái của người đã bắt cóc nó. Cảm giác này chắc không cần phải nói nữa đúng không?
Lần này, tôi chỉ nhìn họ, im lặng không đáp. Tôi biết rõ mục đích của mẹ chồng và chị chồng đến đây chỉ là muốn tôi buông tha cho Thành. Tôi cũng muốn vậy, nhưng vì chúng tôi đã thỏa thuận với nhau việc một năm sau sẽ ly hôn, tôi không thể đáp ứng yêu cầu của họ, cho nên chỉ có thể nói:
– Cháu hiểu ạ.
– Hiểu, tại sao còn chưa buông tha cho nó?
– Vì cháu không thể tự quyết định được cô ạ. Tính anh Thành chắc cô cũng biết, khi anh ấy chưa đồng ý, cháu cũng không thể tự ý ly hôn được.
Chị chồng tôi hậm hực chen miệng vào:
– Đừng có lắm lý do lý trấu. Cô muốn ly dị thì chẳng ai cản được.
– Ly hôn phải có sự đồng ý của người chồng, với cả hiếm người mới cưới nhau một tuần đã ly dị chị ạ. Việc này không những ảnh hưởng đến anh Thành, mà còn ảnh hưởng cả đến công việc của anh ấy nữa.
– Công việc của nó thì sao? Sao không nói thẳng ra ảnh hưởng đến công ty nhà cô đi. Không có nó, công ty nhà cô cũng sập từ lâu rồi, giờ nó về với gia đình tôi cũng chẳng cần cái công ty nát nhà cô.
Tôi không nói gì, chỉ cười, chị chồng có lẽ cũng thấy không thể thuyết phục tôi ly hôn, cho nên lại đổi giọng:
– Mà nếu không ly dị được thì cô đi chỗ khác là được. Quan trọng là cô có muốn không thôi. Tôi thấy cô muốn bám dính lấy em tôi, không muốn buông tha cho nó thì đúng hơn.
– Ông nội em ốm nặng, trong thời gian này, em sẽ không đi đâu cả.
Có lẽ vì giọng điệu của tôi lúc đó rất kiên quyết nên chị chồng hơi kinh ngạc. Chị ta sững lại vài giây, sau đó đang định mắng tiếp thì mẹ chồng lại xua tay, tỏ ý không cần phải nói nữa. Xong xuôi, bà ấy mới quay sang nhìn tôi:
– Được, cô không muốn li dị, không muốn đi khỏi đây cũng được thôi. Cô muốn bám lấy con trai tôi, tôi hiểu được. Nhưng sao cô không nhìn xem gia đình cô đã gây ra những gì. Ông cô làm mẹ con tôi lạc nhau bao nhiêu năm, bây giờ cô lại ngăn cản nó về chung sống với gia đình tôi là ý gì?
– Cháu ngăn cản anh ấy về chung sống với gia đình cô ấy ạ?
Tôi khẽ nhíu mày, đến nghĩ cũng không cần đã ngay lập tức lắc đầu:
– Không ạ. Cháu không ngăn cản anh ấy về chung sống với cô chú. Chắc cô hiểu nhầm rồi ạ.
– Hiểu nhầm? Tôi có thể hiểu nhầm à? Con trai tôi lớn lên thiếu tình yêu thương của cha mẹ nên bây giờ lẽ ra nó phải quay về ở với tôi để gia đình vun đắp tình cảm với nhau. Nhưng cô xem, hơn một tuần rồi nó vẫn ở đây là vì gì? Vì ông cô và cô ngăn cản nó. Không cần đoán cũng đủ biết rồi.
Lúc này, tôi mới hiểu ra rằng hóa ra Thành không về nhà bên ấy ở nên mẹ chồng tôi khó chịu, bà ấy nghĩ tôi tìm cách ngăn anh dọn về đó nên mới tới đây, trước hết ép tôi ly hôn, không được mới nói đến chuyện này.
Mặc dù tôi không thích họ, mà họ cũng không thích tôi, nhưng anh và gia đình đã thất lạc nhau mấy chục năm trời, tôi không ích kỷ đến nỗi ngăn anh về ở bên ấy, ngược lại, chính tôi cũng muốn anh dọn về sống cùng bố mẹ để đôi bên có thời gian vun đắp tình cảm với nhau.
Cuối cùng tôi không giải thích, chỉ nói:
– Đợi có thời gian thích hợp, cháu sẽ thử nói chuyện với anh ấy xem. Cháu cũng như cô, cũng muốn anh Thành được sống thoải mái vui vẻ. Nếu anh ấy muốn về bên đó, cháu chắc chắn sẽ ủng hộ chứ không ngăn cản đâu ạ. Cháu không ngu ngốc đến mức làm mấy việc lãng xẹt như vậy để anh ấy thêm ghét cháu đâu.
– Thế à?
Mẹ chồng nhìn chằm chằm, tất nhiên là bà ấy không tin nên chỉ cười khẩy:
– Cô nói thì hay lắm, vấn đề là cô làm được đến đâu thôi. Tôi thấy có những loại phụ nữ mồm thì nói một đằng, nhưng hành động thì lại một nẻo. Chẳng biết hôm nay con trai tôi về, cô sẽ nói gia đình tôi đến mắng chửi cô, hay là khuyên nó về ở với bố mẹ đâu. Kiểu người như cô, nói thật, muốn tin cũng không tin nổi.
– Vâng.
Tôi vẫn bình tĩnh mỉm cười:
– Nếu thế thì cháu nghĩ cứ để thời gian trả lời cô ạ.
– Cứ biết thế đã.
Nói đến đây, bà ấy cũng không muốn phí lời thêm với tôi nên xách túi đứng dậy, liếc qua chị chồng:
– Đi.
– Mẹ, mẹ định đi dễ thế à? Con bé này nói không tin được đâu.
– Cứ để xem cô ta định thế nào. Sống độc ác quá ắt sẽ gặp quả báo, cứ nhìn ông cô ta mà làm gương. Bắt cóc con trai nhà người khác nên giờ bị ung thư rồi đấy. Còn cô ta, muốn chia cắt gia đình mình thì cứ chờ gặp quả báo đi.
Chị chồng tôi nghe thế mới hậm hực đứng dậy, trước khi rời khỏi vẫn không quên đe dọa tôi:
– Tôi nói cho cô biết, chuyện hôm nay nếu cô hé răng ra cho em tôi biết thì đừng trách tôi. Tôi đã chuẩn bị sẵn một lá đơn kiện rồi đấy. Nếu không muốn ông nội cô sắp xuống lỗ đến nơi mà vẫn còn phải ngồi tù, nhục mặt với thiên hạ thì tốt nhất nên biết điều, im miệng vào.
Mấy lời móc mỉa sỉ nhục này giống như giọt nước rót vào chiếc ly sắp đầy, khiến máu của tôi như sôi sục lên. Nếu là tôi của vài năm trước, có lẽ đã nhảy đến túm tóc chị ta rồi ăn thua đủ một trận. Nhưng bây giờ vì chồng tôi, vì những điều mà ông tôi làm sai, tôi quyết định nhịn.
Tôi mím chặt môi không nói gì, đợi cho đến tận khi hai người bọn họ rời đi mới từ từ thở hắt ra một hơi, sau đó lại thêm một hơi, cứ thế đến khi có thể bình tĩnh lại mới cầm cốc nước, đưa lên miệng uống hết sạch cho xuôi cơn giận.
Trên sàn nhà vương vãi rất nhiều ảnh mà chị chồng vừa ném vào mặt tôi, tôi không muốn xem, sợ ngứa mắt, nhưng cuối cùng vẫn không nhịn được, nhặt từng tấm lên. Tất cả đều là ảnh chụp chồng tôi và chị Uyên trong thời gian gần đây.
Có cái chị ấy đứng ôm anh trong phòng làm việc ở công ty, có cái thì anh mặc bộ đồ chú rể đứng ở một góc trong trung tâm tiệc cưới nói chuyện với chị ấy, thậm chí, tôi còn tìm được một tấm hai người ngồi trong xe, bên cạnh là một khách sạn lớn. Tấm biển điện tử trước cửa khách sạn hiển thị 22h03 phút ngày 15/09/20xx.
Đây cũng chính là ngày cưới của chúng tôi!
Như thế có nghĩa là đêm tân hôn của chúng tôi biến thành đêm động phòng của người khác ở khách sạn, anh có người ở bên an ủi động viên, chắc hẳn sẽ bớt buồn đi nhiều. Như thế, lẽ ra tôi phải vui vì đỡ phải mất công tìm lời an ủi anh mới đúng, sao tôi lại thấy tim cứ nhói lên, khó chịu thế này nhỉ?
Có điều, được cái tôi giả vờ rất giỏi, dù trong lòng phiền muộn đến mấy thì tôi vẫn cứ tỏ ra như không biết gì cả. Tôi lẳng lặng đốt hết đống ảnh đó đi, đem tàn tro mang đổ ra gốc cây, chuyện mẹ và chị anh đến gặp tôi, tôi cũng không hé răng nói ra một lời nào cả.
Không phải tôi sợ họ, mà là quan hệ của tôi và anh vốn đã không tốt đẹp, tôi không muốn căng thẳng thêm, điều thứ hai mới là quan trọng nhất, khó khăn lắm anh mới có thể nhận lại người thân, bây giờ tôi nói mấy lời không hay về gia đình anh thì cũng chẳng vẻ vang gì.
Tôi cũng như người nhà của anh, đều mong anh được hạnh phúc, những chuyện gì có thể nhịn được thì tôi sẽ nhịn. Hơn nữa, tôi còn muốn khuyên anh về nhà bên kia sống, nhưng anh quá bận, đi làm tối ngày nên đến tận mấy hôm sau tôi vẫn chưa có dịp mở miệng.
May sao mấy hôm sau hình như dự án ở trên Tam Đảo đã vào giai đoạn giãn việc nên anh về sớm hơn mọi ngày. Buổi chiều khi tôi vừa tan làm thì nhận được điện thoại của anh. Đầu dây bên kia có tiếng còi xe ầm ỹ, loáng thoáng xen với giọng anh nói:
– Tan làm chưa?
– Em đang chuẩn bị tan làm, sao thế anh?
– Hôm nay tôi về sớm. Nếu em không bận gì thì ra ngoài ăn đi.
Nhắc mới nhớ, rất lâu rồi chúng tôi không ra ngoài ăn cơm. Trước đây khi còn đi học, mỗi lần được học bổng tôi sẽ mè nheo đòi anh đưa đi ăn buffet. Sau này khi sang Mỹ, khoảng cách quá xa nên không thể yêu sách, lúc tôi về nước thì anh bắt đầu tiếp quản công ty của ông nội, mà tôi cũng mới vào làm nhân viên quèn, ai cũng bận rộn, dần dần cũng quên béng đi việc ra ngoài ăn cơm.
Tôi mỉm cười đáp:
– Vâng, được ạ. Anh gửi địa điểm đi, em qua đó.
– Tôi đang ở gần công ty em, chắc 15 phút nữa đến nơi.
– Vâng. Thế thì em đứng ở trước cửa đợi anh.
– Ừ.
Cúp máy xong, tôi xách túi đứng dậy mới thấy có gì đó sai sai, nghĩ đi nghĩ lại mới phát hiện ra, tôi đi làm 2 năm này anh chưa từng đến đón tôi, sao lại biết địa chỉ công ty tôi nhỉ? Chắc anh phải biết rõ nên mới bảo đang ở gần công ty tôi chứ?
Mặc dù rất thắc mắc, nhưng tôi cũng lười hỏi, bởi vì anh xưa nay vẫn là con người vạn năng mà, muốn biết thì kiểu gì cũng có trăm nghìn cách biết thôi. Với cả có hỏi thì anh cũng chẳng thèm trả lời, đã thế tôi cũng chẳng lắm lời cho mất công.
Nhìn đồng hồ mới hơn 5h chiều, tôi nghĩ thời điểm này tắc đường nên phải 20 phút nữa anh mới tới, thế nên lúc xách túi đứng dậy còn rẽ qua phòng kế toán ăn mấy miếng xoài chấm muối, sau đó đến thang máy lại buôn chuyện với mấy bà chị công ty tầng trên, cao su đúng đến 20 phút sau mới vác mặt xuống.
Ai ngờ khi vừa ra đến sảnh thì đã thấy anh đứng chờ ở ngay trước cửa. Hôm nay anh mặc vest đen, bên trong áo sơ mi trắng để hở hai cúc, không tính đến dáng người ngon nghẻ mà chỉ nhìn mỗi khuôn mặt của chồng tôi thôi, cũng đủ làm cả đống con gái c.hế.t đứ đừ rồi. Tôi đã quen anh hơn 20 năm, gặp không ít lần, giờ đứng từ xa còn đang chảy dãi đây này.
Tôi nhìn anh một lúc mới chậm chạp lau nước miếng, sau đó bày ra vẻ mặt bình tĩnh, đi đến gần anh:
– Anh đến lâu chưa?
– Đến được 5 phút rồi.
– Thang máy giờ chiều đông quá, em phải chờ mấy lượt mới đi xuống được. Ngại quá, bảo xuống chờ anh mà lại để anh đợi.
Vừa mới nói xong thì tốp mấy bà buôn chuyện với tôi đi xuống, mồm các bà ấy thì khỏi phải nói. Thấy tôi đang đứng với anh thì lập tức ồ lên, thi nhau trêu chọc:
– Ơ Quỳnh Chi, đứng với ai mà đẹp trai thế này?
Tôi đã nháy mắt liên tục, nhưng các bà ấy thì dán mắt vào người anh nên làm gì còn tâm trí nào mà nhận ra ám hiệu của tôi. Người này vừa nói xong thì người kia chen miệng vào:
– Có trai đẹp đứng chờ thế này mà nãy giờ còn mải đứng buôn chuyện không chịu xuống. Mày đấy, đúng là chẳng biết thương trai tiếc ngọc gì cả, để người ta chờ ở dưới này. Gặp chị có mà chị phải xách dép xuống chờ sẵn người ta ấy chứ. Đằng này còn nhồm nhoàm miếng xoài chấm muối rồi buôn đủ chuyện mới chịu xuống.
– …
– Trai đẹp ở đâu thế, giới thiệu cho bọn chị xem nào.
Tôi nghĩ ông trời đúng là có mắt, vừa nói dối xong đã bị quả báo ngay tức thì. Tôi xấu hổ quá nên chỉ lén lút liếc nhìn anh, lòng thầm mong anh đừng tin mấy cái bà lắm lời ấy làm gì.
Thành đứng bên cạnh tôi thì rất lịch sự, bị trêu như vậy mà anh không khó chịu, thậm chí còn gật đầu, khẽ cười một cái coi như chào hỏi. Các bà bạn tôi thì được dịp ồ lên:
– Em đẹp trai ơi, em là bạn trai của Quỳnh Chi đấy à? Hay là đang tán Quỳnh Chi?
– Em đến đón Quỳnh Chi ạ.
– Ôi, phải là gì mới đến đón chứ. Quỳnh Chi là hot girl của cả tòa nhà chị đấy nhé. Vừa xinh lại vừa giỏi, dáng lại đẹp nên các anh zai ở đây thích lắm. Nhưng mà em yên tâm đi, chị cam đoan cả tòa nhà này không ai đẹp trai bằng em. Về khoản đẹp trai thì em ăn đứt luôn. Mà Quỳnh Chi thì nó chỉ có đúng một tật xấu là mê trai đẹp đấy em ạ.
Tôi ngượng chín cả mặt, chỉ muốn tìm một cái lỗ mà đâm đầu xuống. May sao lúc này có một chị cuối cùng cũng nhìn thấy tôi nháy mắt, biết tình hình không ổn nên kéo tay các bà còn lại đi.
Các bà ấy kiếm cớ chuồn mất xong, lúc chỉ còn mỗi tôi với anh, tôi càng xấu hổ, không dám nhìn thẳng. Cuối cùng chỉ ngượng ngập bảo:
– Các chị ấy thích đùa, anh đừng để ý.
Anh khẽ gật đầu, cũng chẳng thèm vạch trần chuyện tôi nói dối mà chỉ nói:
– Chìa khóa xe em đâu.
– Dạ?
– Chìa khóa xe của em.
Lúc này tôi mới để ý xung quanh, thấy không có xe anh ở đây. Ban nãy nghe tiếng ồn ào như vậy, chắc là anh đi taxi đến. Tôi ngơ ngác hỏi:
– Hôm nay anh không đi xe à?
– Không, xe để trên Tam Đảo rồi. Lười lái xe nên về chung với đồng nghiệp.
– À vâng. Thế thì anh đợi một tý, em đi lấy xe.
Hôm ấy, anh lái chiếc xe Kia Morning cà tàng chở theo tôi đi ăn. Bình thường, anh chỉ toàn đi mấy loại xe thể thao đắt tiền, giờ ngồi lên xe bình dân kiểu này tôi cứ thấy buồn cười.
Chân anh rất dài, dáng Kia Morning lại quá bé, thành ra anh cứ loay hoay như kiểu chân thừa thãi lắm. Tôi thấy thế mới bảo:
– Hay là để em lái cho. Anh lái xe này không quen, khó lái.
– Tôi vẫn lái được, em cài dây an toàn đi.
– Vâng.
Giờ ấy đường phố đông chật như nêm, xe phải nhích từng tý một. Lần này không đi Bungati đắt tiền nên chẳng xe nào nhường đường, chiếc Kia Morning cà tàng của tôi như bị vây chặt trong đám đông, chật vật hơn một tiếng mới đến được nhà hàng đồ Thái.
Tôi rất thích ăn mấy món như gỏi tôm sống, rồi bạch tuộc sống, mỗi tội bụng tôi xấu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nên lần nào cũng đau bụng. Lần này tôi quyết tâm không gọi đồ sống nữa, nhưng thấy bàn bên ăn thì thèm quá, không nhịn được, vẫn gọi một đĩa gỏi tôm.
Anh khẽ liếc tôi:
– Trời lạnh, ăn mấy đồ chín ấm hơn.
– Em chỉ ăn một tý thôi.
Tôi cười cười, hỏi ngược lại anh:
– Anh muốn ăn gì?
– Ăn gì cũng được, em cứ gọi đi.
– Ăn lẩu nhé?
– Ừ.
Lẩu rất nhanh được mang ra, thời tiết đầu đông rất lạnh, nhìn nồi lẩu bốc khói thơm nghi ngút, trước mặt có một người đàn ông đẹp trai, tự nhiên tôi cũng thấy ấm lòng vô cùng.
Tôi xì xụp ăn, mãi sau mới nhớ ra phải hỏi anh:
– Dự án ở Tam Đảo đến đâu rồi anh?
– Mới đào xong móng, ngày mai mới bắt đầu thi công bê tông cốt thép.
– À…
Tôi tranh thủ lúc anh không để ý, gắp một miếng tôm sống bỏ vào miệng. Thành rõ ràng nhìn thấy nhưng cũng không buồn mắng tôi. Có lẽ, đúng như anh nói, sau khi kết hôn mối quan hệ của tôi đã thay đổi rồi, tôi cũng đã trưởng thành, không còn là một con bé cần anh nhắc nhở khi ăn uống nữa.
Nghĩ thế nên tôi bắt đầu không cần e dè, ăn hết 5, 6 con tôm. Đang nhồm nhoàm thì anh nói:
– Công việc ở bên ấy thế nào?
– Công việc bên công ty ấy thế nào?
– Cũng ổn ạ. Đồng nghiệp đều giỏi cả nên học hỏi cũng được nhiều. Nhưng tất nhiên không thể bằng Hằng Phong được. Đồng nghiệp em vẫn hay nói Hằng Phong là tập đoàn lớn, bên Kiến Vũ xách dép chạy theo dài cũng không được.
Anh lặng lẽ kéo đĩa tôm về phía mình, bảo tôi:
– Nghe nói gần đây Kiến Vũ kinh doanh rất tốt, chuẩn bị lên sàn chứng khoán à?
Hai mắt tôi nhìn chằm chằm đĩa tôm, vẫn thòm thèm, nhưng không dám cướp lại, chỉ nói:
– Vâng. Sếp em đang có ý định đó, nhưng không biết khi nào mới lên được sàn.
– Ừ.
Đĩa tôm đã không còn, tôi mới bắt đầu nhớ đến vấn đề chính. Lâu rồi mới có dịp ngồi ăn cùng nhau thế này, cũng lâu rồi mới có thể trò chuyện với nhau thoải mái như hai người bạn bình thường. Tôi muốn tranh thủ nhắc đến chuyện anh dọn về với bố mẹ, nên mới bảo:
– Dự án ở Tam Đảo chắc lâu nữa mới xong anh nhỉ?
– Cũng không lâu lắm, chuẩn bị hết giai đoạn cần tôi tham gia giám sát rồi.
– Nhưng hết dự án này thì lại có dự án khác thôi mà.
Động tác gắp thức ăn của anh hơi sững lại, anh ngẩng đầu nhìn tôi, nhìn rất lâu, tựa như đang dò xét xem tôi có ý định gì.
Tôi gượng gạo cười bảo:
– Anh đi làm suốt ngày, em ở nhà một mình cũng buồn. Hay là dọn về ở cùng với bố mẹ anh đi.
Sự thâm thúy trong đáy mắt anh lại càng sâu thêm, Thành trầm mặc một hồi mới nhẹ nhàng đáp:
– Nếu em sợ buồn thì thuê một người giúp việc đi.
– Người giúp việc sao bằng đông người được. Với cả anh cũng biết đấy, từ nhỏ đến lớn em không có bố mẹ, giờ về ở với bố mẹ anh chắc là sẽ có cảm giác của gia đình. Nên em nghĩ mình dọn về bên ấy ở hợp lý hơn.
Nói đến đây, lại sợ anh không tin nên tôi còn cố ý khoa chân múa tay, bồi thêm một câu:
– Này nhé, lúc anh đi làm, em có về nhà cũng đỡ buồn. Rồi thỉnh thoảng cần gì cũng có bố mẹ giúp đỡ. Mâm cơm có cả bố mẹ, có anh với em đông vui hơn nhiều so với thuê một người giúp việc đến ở cùng chứ.
– Em không sợ bố mẹ tôi không thích em à?
Tôi cười hì hì:
– Sợ gì. Anh thấy đấy, em lắm mồm thế này, có ai ghét được em đâu. Về bên ấy ở, biết đâu sống chung bố mẹ lại thấy em có nhiều điểm tốt, xong lại không ghét em nữa ấy chứ.
– Em có điểm tốt gì?
– Điểm tốt của em là ăn cái gì cũng không chê, ở đâu cũng ngủ được. Người ta có ghét em, em cũng không để bụng.
Cuối cùng, khóe miệng anh mới khẽ cong lên, nở ra một nụ cười rất nhẹ:
– Điểm tốt này em biết giống gì không?
– Không ạ.
Vừa nói xong, thì tự nhiên trên màn hình tivi lại chiếu đến đoạn quảng cáo có con lợn con béo núc ních. Thành hơi liếc nó rồi lại liếc tôi, mặc dù không hề nói ra nhưng tự tôi cũng đoán ra được: ăn gì cũng không chê, ở đâu cũng ngủ được, người ta có ghét cũng không để bụng, … thực sự rất giống con lợn.
Tôi vừa ấm ức vừa xấu hổ, đã phải nhịn bị gia đình chồng mắng rồi tìm cớ khuyên nhủ anh, cuối cùng tự mình lại nhận mình thành con lợn.
Anh thấy mặt tôi đỏ bừng bừng vì xấu hổ, cuối cùng cũng tốt bụng không cười tôi nữa. Anh lặng lẽ đẩy đĩa tôm đã được nhúng chín đến trước mặt tôi:
– Em muốn ở đâu cũng được, tôi không vấn đề gì.