Biệt Ly Ơi Chào Mi


Bảo Lâm không biết làm gì khác hơn, nàng cùng ông Tạ Thắng bước dọc theo con đường trải sỏi. Hai bên đường là hoa: hoa phù dung, hoa nhài, hoa hồng... đang tỏa hương thơm ngát. Vườn hoa này có nhiều loại hoa quá.

Ông Tạ Thắng chợt nói:

- Cô định hỏi tôi điều gì?

Bảo Lâm giật mình quay lại:

- Muốn nói với ông điều mà ông muốn hỏi.

Ông Thắng nhìn Bảo Lâm với nụ cười:

- Cô Lâm này, tôi nghĩ là cô chọn nghề luật thì hay hơn làm cô giáo đấy. Nhạy bén như cô sẽ dễ thành luật sư giỏi thôi.

Bảo Lâm đề cập thẳng vấn đề:

- Tôi nghĩ là ông khoan nói về phản ứng nhạy bén. Tôi biết ông cần gặp tôi là vì chuyện khác. Có phải ông định hỏi tôi về sự tiến bộ của Trúc Vỹ sau hai tháng học, phải không? Gần kề ngày thi rồi, khả năng thi đậu của Trúc Vỹ được bao nhiêu chứ? Triển vọng thi đậu như thế nào?

Ông Tạ Thắng gật gù:

- Thôi được, cô đã giúp tôi đặt câu hỏi rồi, thế cô thấy sao?

Bảo Lâm nhìn lên:

- Ông cần Trúc Vỹ thi đại học lắm ư? Ông đã biết cô ấy rất khó đậu, tại sao cứ bắt cô ấy phải đối đầu với sự thất bại mãi thế?

Ông Tạ Thắng đứng lại, nhìn thẳng vào mắt Bảo Lâm:

- Cô nói sao? Đó là câu trả lời của cô đấy ư? Ý cô muốn nói trình độ nó quá kém, không đủ khả năng vào đại học? Tất cả công lao bấy lâu nay dạy kèm của cô cũng chỉ có nghĩa là vô ích thôi sao?

Bảo Lâm nói:

- Trình độ nó không kém, nhưng mà việc dạy kèm của tôi rõ là vô ích, không tác dụng.

Nàng đứng lại tựa người bên bụi trúc:

- Ông Thắng, tôi nghĩ là ông hiểu con gái ông hơn tôi.

Ông luật sư nói nhanh:

- Đương nhiên là tôi hiểu! Nếu ý cô muốn nói là cháu nó ngu thì tôi được xin phép trả lời là cháu nó không kém lắm, trái lại, nói không phải khen, nó còn thông minh nữa là khác.

Bảo Lâm cắt ngang:

- Không! Không. Ông hiểu lầm rồi! Đúng, Trúc Vỹ rất thông minh, không những thông minh thôi mà còn nhạy cảm. Cô ấy hiền lành, trong trắng, ngây thơ một cách dễ thương. Tôi dạy ở trong trường cũng có rất nhiều học trò giỏi và dễ thương như vậy, nhưng thú thật chưa thấy ai dễ thương như nó. Một cô bé đơn giản, thật thà. Tôi bị lôi cuốn trước sự trong trắng đến độ ngây thơ của cô ấy. Thú thật với ông, đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác như vậy.

Ông luật sư nhìn thẳng vào mắt Bảo Lâm, ông e dè:

- Cảm ơn lời khen ngợi của cô! Tôi mong rằng những lời vừa nói của cô là thật.

Bảo Lâm gật đầu:

- Tôi đã nói thật đấy chứ.

Ông Tạ Thắng đứng lại nhìn nàng, thắc mắc:

- Vậy thì tại sao cô lại cho là cháu nó không thể vào đại học?

Bảo Lâm quả quyết:

- Bởi vì cô ấy không muốn như thế!

Ông Tạ Thắng có vẻ ngạc nhiên:

- Không thể được. Tôi đã nói chuyện với nó rồi cơ.

Bảo Lâm hỏi ngay:

- Ông đã nói hay ông ra lệnh? Ông có biết không, trong lúc nói chuyện, ông hay vô tình ra lệnh hơn là tâm tình, vì vậy với Trúc Vỹ cũng thế. Nhiều khi ông tưởng là ông đã nói chuyện với con gái, thật ra là ông đã ra lệnh. Tính của Trúc Vỹ thì yếu đuối, rụt rè. Nó lại sùng bái ông, kính nể ông nên không bao giờ dám phản kháng. Mặc dù Trúc Vỹ không thích học nhưng vẫn phải vì ông mà học. Không muốn thi vẫn phải thi. Cô ấy có đủ cả cá tính riêng, nhưng trước mặt ông vẫn không dám bộc lộ cá tính.

Luật sư Thắng nhíu mày:

- Cô định trách tôi ư?

Bảo Lâm lắc đầu:

- Không dám.

- Không dám à? Thế cô vừa nói gì thế? Cô mới vừa kết án tôi là ngược đãi con gái tôi bằng tinh thần.

- Ông Thắng, nhiều lúc quá yêu cũng có thể tạo nên sự ngược đãi.

- Hở?

Ông Tạ Thắng lại chau mày, ông có vẻ giận nhưng rồi đôi mày kia lại giãn ra thật nhanh.

- Thôi được rồi, coi như là tôi ra lệnh cho con gái tôi phải thi đại học đi, nhưng cô cho tôi biết chuyện ra lệnh kia tốt hay xấu? Xấu lắm ư?

- Đương nhiên đó là vì muốn tốt cho con.

- Và chuyện đó cũng đâu ngoài trình độ của nó.

- Vâng.

- Cô cũng cho là nó thông minh kia mà?

- Vâng.

- Thế tại sao nó lại học là vì tôi? Nó chịu học chứ?

- Vâng.

- Nó vừa thông minh vừa chịu học, tại sao cô bảo là cô có dạy cũng vô ích?

Bảo Lâm nhìn ông Tạ Thắng rồi chợt cười phá lên.

- Tại sao cô cười?

Bảo Lâm nói:

- Xin lỗi ông luật sư nhé! Trúc Vỹ đầy thông minh và chịu học thật, nhưng cô ấy không nhớ bài vở đâu. Thật tôi không biết phải giải thích với ông chuyện đó ra sao? Tôi nghĩ ông là cha Trúc Vỹ, đương nhiên bằng trực giác ông nắm được điều đó.

Ông Tạ Thắng có vẻ suy nghĩ:

- Tôi phần nào hiểu được ý cô. Nhưng cô Lâm ạ, con tôi dù sao rồi nó sẽ lớn, nó sẽ phải sống một cách độc lập, tôi muốn nó vào đại học, học nên người, nó có thể sống một cách tự chủ như cô vậy.

- Như tôi?

Ông Thắng nói:

- Vâng. Tôi rất quý cô. Tôi thích cô, nhất là bản tính độc lập, cứng cỏi. Cô biết nhiều thứ. Cô nói năng khéo léo, phản ứng nhanh nhẹn.

Bảo Lâm lắc đầu nói:

- Ông đã lầm rồi! Tất cả những thứ đó, tôi nào có học được ở đại học đâu mà là học ở trường đời, một trường đời đầy đau khổ, đầy trắc trở.

Bảo Lâm hướng mắt về phía cành trúc trên cao.

- Ông đừng bao giờ để Trúc Vỹ giống tôi. Thế giới của cô ấy là thơ mộng, là tờ giấy trắng, là thần thoại, là cổ tích. Nó đẹp lắm. Ông cần phải trân trọng nó và nhiệm vụ của ông hãy giúp Trúc Vỹ hưởng được cuộc sống hạnh phúc đó.

Ông Tạ Thắng chăm chú nhìn Bảo Lâm. Lần đầu tiên ông hiểu được nhiều thứ về Bảo Lâm. Ngoài những khó khăn về vật chất, Bảo Lâm còn có một quả tim yêu, đầy tình người, nhưng tình cảm dễ làm cho con người khổ hơn vui thôi. Ông không biết Bảo Lâm quý Trúc Vỹ cỡ nào, nhưng ông hiểu là không thể tiếp tục về đề tài học của Trúc Vỹ nữa. Ông nắm lấy tay Bảo Lâm hướng về phía nhà nói:

- Thôi chúng ta đừng nói chuyện đó nữa nhé. Bây giờ vào nhà, chúng ta đã đến giờ ăn. Cô cũng cần phải mập ra một tí. Tôi mong là sẽ được cô đến đây dùng cơm luôn.

Bảo Lâm không lên tiếng phản đối. Nàng lẳng lặng đi theo ông luật sư vào nhà. Nàng đi dật dờ như một chiếc bóng.

Hai tháng nay, nhờ số tiền lương hậu hĩnh của luật sư Thắng trả cho việc dạy kèm ở tư gia, Bảo Lâm đã kiếm được người làm phụ công việc cho cha. Bà này, mỗi buổi sáng tám giờ đến và mãi tám giờ tối mới rời nhà. Bà lo công việc lặt vặt trong nhà. Sáng nay bà đến trễ, Bảo Lâm tự pha sữa cho mẹ bịnh, không ngờ cái ly bị vỡ cứa vào tay nàng một cái.

Bước vào phòng tắm, Bảo Lâm mở vết thương ra. Vết cứa vừa sâu lại vừa rộng, nàng lấy bông và băng vải ra quấn vội vết thương, xong thay áo bước ra ngoài. Hối hả vậy mà cũng gần tám giờ sáng.

Rời nhà, Bảo Lâm thẳng bước về phía trạm xe buýt.

Trời nóng quá. Mùa hè ở đây vừa mới sáng là mặt trời đã leo lên tận mái nhà. Cái nắng như muốn thiêu đốt mọi vật. Nắng chói chang đã làm Bảo Lâm hoa mắt. Nàng sửa lại chồng sách trong tay, tựa lưng vào cột đèn nghỉ một chút cho đỡ mệt. Có một cái gì đó làm đầu như nặng ra, làm cơ thể như chao đảo, toàn thân nàng mệt mỏi một cách lạ kỳ.

Bảo Lâm chưa lấy lại được thăng bằng thì chợt có tiếng rú của tiếng xe tăng tốc độ. Quay lại, nàng đã thấy chiếc xe gắn máy lái bởi một người đàn ông trẻ đang lao thẳng về phía nàng. Bảo Lâm giật mình muốn tránh, nhưng không kịp. Thôi rồi! Hôm nay quả là một ngày xui xẻo, Bảo Lâm nghĩ. Chiếc xe thắng két một tiếng, rồi nó dừng lại chỉ cách Bảo Lâm có mấy phân. Bảo Lâm bàng hoàng chưa kịp nhìn kỹ thì có tiếng cười:

Thêm Bình Luận