Bài viết này dùng một đoạn lớn và lối diễn đạt phô trương để mô tả cách mà đứa con trai nuôi đã từng bước tiếp nhận gia sản của gia tộc Klein, làm cách nào để lấy lòng ông bố Francis và lén lút vô hiệu hóa vị trí của ông trong gia tộc – như việc cố bán rẻ nhà máy sản xuất phụ tùng tàu thủy mà gia tộc Klein đã khởi nghiệp… Bài báo không chỉ bao gồm những tin đồn bên lề mà còn ám chỉ bằng những câu từ mờ ám rằng mối quan hệ cha con của Francis và đứa con trai này “không bình thường” và có những bí mật đạo đức đáng suy ngẫm.
Dường như chỉ có như vậy mới giải thích được tại sao Francis đến tuổi trung niên vẫn không lấy vợ sinh con, lại chọn nhận nuôi một cậu bé phương Đông tuấn tú từ trại trẻ mồ côi và đặc biệt xem trọng cậu ta.
Phần cuối bài báo còn có một đoạn ngắn đề cập đến một sự cố nhỏ trước khi con tàu khởi hành. Vì một vài lý do không rõ, trong quá trình kiểm tra định kỳ trước khi khởi hành, đầu tàu phát hiện bị thiếu mất chiếc đinh tán đầu tiên. Không chỉ vậy, nhóm kiểm tra còn cho rằng nếu không giải quyết các vấn đề còn lại, tàu sẽ không thể ra khơi đúng giờ.
Do đó, người phụ trách du thuyền đã mời một bà bói người Gypsy đến để xem bói và làm lễ cầu an cho con tàu. Rõ ràng người viết bài báo này không mấy coi trọng việc này, vì ông ta đã gọi người Gypsy này là “kẻ lừa đảo”, bảo chỉ có người giàu và những kẻ ngu ngốc mới tin vào mánh khóe của bà ta.
A Sầm đọc đến đây liền cảm thấy lạnh người. Ở cuối bài viết có một bức ảnh mờ nhạt, chú thích nói rằng đây là cảnh Felix Klein bước lên tàu.
A Sầm lấy chiếc kính lúp trên bàn soi dưới ánh sáng lờ mờ để nhìn bức ảnh đen trắng. Mặc dù khuôn mặt không rõ, nhưng cô chắc chắn rằng, bộ đồ đó, dáng người đó và biểu cảm đó chính là Lâm Cố! Felix Klein là tên tiếng Anh của Lâm Cố. Anh đã nói điều này khi ngồi bàn ăn tối.
Nhưng… tờ báo này là từ năm 1980! A Sầm không khỏi siết chặt mép tờ báo trong tay.
Ngay cả khi không nhìn vào ngày tháng, cô cũng biết du thuyền ‘Klein Vĩnh Hằng’ đã phục vụ gần bốn mươi năm cho đến năm nay, tờ báo nói rằng lần lên thuyền đầu tiên của Lâm Cố là khi ‘Klein Vĩnh Hằng’ ra khơi lần đầu. Tính ra thì Lâm Cố giờ đây đã gần bảy mươi tuổi, còn Francis không nói cũng biết, giờ chắc phải một trăm mười bốn tuổi rồi!