5
Nghiền kẹo chanh
♦
Chim không bay, giếng không nước
Ăn sáng và rửa bát xong, tôi đạp xe đến tiệm giặt là gần nhà ga. Chủ tiệm, một người đàn ông gầy gò xấp xỉ năm mươi tuổi, trán hằn sâu những nếp nhăn, đang nghe băng hòa tấu Phiên chợ Ba Tư phát từ một chiếc máy nghe nhạc đặt trên giá. Đó là một chiếc JVC to đùng có thêm vài chiếc loa trầm, bên cạnh là một đống băng cátxét. Dàn nhạc đang chơi Chủ đề Tara, phần tráng lệ nhất của nhóm đàn dây. Chủ nhân đang ở sâu trong tiệm, vừa huýt sáo theo điệu nhạc vừa là sơ mi bằng một chiếc bàn là hơi, động tác của ông ta vừa sắc gọn vừa mạnh mẽ. Tôi đến gần quầy, vừa thông báo vừa xin lỗi cho đúng phép rằng hồi cuối năm ngoái tôi có mang đến tiệm một chiếc cà vạt nhưng quên lấy. Với cái thế giới nhỏ bé bình yên của ông ta lúc 9 giờ rưỡi sáng thế này, lời thông báo của tôi chẳng khác nào sự xuất hiện một sứ giả mang theo hung tin trong bi lịch Hy Lạp.
- Chắc không còn biên lai phải không? - ông ta nói bằng giọng là lạ, xa vắng. Ông ta không nói với tôi mà hướng về phía tấm lịch trên tường bên cạnh quầy. Trên trang lịch tháng Sáu là dãy Alpes - thung lũng xanh, đàn bò gặm cỏ, một đám mây trắng sắc cạnh đang trôi qua đỉnh Mont Blanc, đỉnh Matterhorn hay đỉnh gì gì đó. Thế rồi ông ta nhìn tôi, vẻ mặt như muốn nói: "Đã quên bẵng cái cà vạt chết giẫm kia lâu đến thế thì sao không quên phứt luôn cho xong!". Cái nhìn đó thẳng thừng và thật hùng hồn.
- Từ cuối năm ngoái kia à? Gay đấy. Hơn sáu tháng rồi còn gì. Thôi được, tôi sẽ tìm xem, nhưng không chắc là có đâu.
Ông ta tắt bàn là, đặt lên giá là, rồi vừa huýt sáo theo giai điệu Một chốn hè vừa lục lọi ở phòng trong.
Bộ phim Một chốn hè tôi đã xem cùng bạn gái từ hồi trung học. Diễn viên chính là Troy Donnahue và Sandra Dee. Chúng tôi xem một suất chiếu kép - ngoài phim kia ra còn xem cả Đuổi theo bọn trẻ của Connie Francis. Phim thì làng nhàng thôi, song lúc này đây, mười ba năm sau, nghe lại bản nhạc trong bộ phim, tôi chỉ nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào ngày đó.
- Cà vạt xanh dương chấm hạt đỗ phải không? Tên là Okada.
- Đúng rồi, - tôi nói.
- Ông gặp may đấy.
Về nhà xong tôi gọi ngay cho Kumiko. - Tìm ra cái cà vạt rồi, - tôi nói.
- Thật không thể tin được! Anh cừ lắm, - nàng nói.
Lời khen nghe khá máy móc, kiểu như bà mẹ khen con trai đi học về khoe điểm cao. Điều đó làm tôi thấy không thoải mái. Lẽ ra tôi đợi đến giờ nghỉ trưa hẵng gọi thì hơn.
- Em nhẹ cả người. Nhưng em đang nói chuyện dở với người khác. Xin lỗi nhé. Trưa anh gọi lại được không?
- Ừ, anh sẽ gọi, - tôi nói.
Gác ống nghe xong, tôi cầm tờ báo ra ngoài hiên. Cũng như mọi khi, tôi nằm sắp, trải rộng trước mặt các trang quảng cáo tuyển dụng, nhẩn nha đọc từ đầu chí cuối, các cột báo đầy những mật mã và ký hiệu lạ lùng. Còn thứ nghề nào mà trên đời này không có! Mỗi nghề đều được phân một ô giữa những hàng chữ đều tăm tắp của trang báo, cứ như trong bản đồ nghĩa địa.
Cũng như mỗi sáng, tôi lại nghe con chim vặn dây cót đang vặn dây cót đâu đó trên ngọn cây. Tôi gấp báo, ngồi tựa lưng vào một thanh cột hàng hiên, nhìn ra vườn. Chẳng mấy chốc con chim lại cất tiếng kêu ken két lần nữa, từ trên ngọn thông nhà hàng xóm. Tôi căng mắt nhìn qua những cành cây, nhưng chẳng thấy chim đâu, chỉ nghe thấy tiếng kêu. Cũng như mọi khi. Vậy là thế gian đã được lên dây cót cho ngày mới.
Ngay trước 10 giờ, trời đổ mưa. Mưa không to. Những hạt mưa mịn đến nỗi khó lòng biết chắc có mưa hay không, nhìn kỹ mới thấy mưa. Thế giới tồn tại dưới hai trạng thái: mưa và không mưa. Giữa hai trạng thái đó hẳn phải có đường phân giới. tôi ngồi ngoài hiên thêm một lát mà nhìn chăm chăm vào đường phân giới đó, cái đường lẽ ra phải có ở đây.
Tôi nên làm gì từ giờ đến trưa nhỉ? Đi bơi ở hồ bơi gần nhà hay ra ngõ tìm con mèo? Tựa vào cột hàng hiên, nhìn mưa rơi trong vườn, tôi cứ phân vân giữa hai đằng.
Hồ bơi.
Con mèo.
Con mèo thắng. Kano Malta đã nói con mèo không còn lai vãng quanh hàng xóm nữa. Nhưng sáng hôm đó tôi cảm thấy một nỗi thôi thúc khó cắt nghĩa rằng mình phải tới đó tìm con mèo. Lùng con mèo đã thành một phần cuộc sống hàng ngày của tôi. Hơn nữa Kumiko hẳn sẽ hài lòng nếu biết tôi đã thử tìm thêm lần nữa. Tôi khoác chiếc áo mưa nhẹ. Tôi quyết định không cầm ô. Tôi mang giày tennis rồi ra khỏi nhà, trong túi áo khoác là chìa khóa nhà với mấy cái kẹo chanh. Tôi băng qua khoảnh sân, nhưng khi tôi đặt một bàn tay lên bức tường bê tông thì điện thoại reo. Tôi đứng yên, căng tai nghe, nhưng không thể nhận ra đó là điện thoại nhà mình hay nhà hàng xóm. Ngay khi mình ra khỏi nhà thì điện thoại nào reo nghe cũng như nhau. Tôi phẩy tay chịu thua và trèo qua tường.
Tôi cảm thấy mặt cỏ mềm mại qua lớp đế mỏng của đôi giày tennis. Ngõ tĩnh mịch hơn mọi khi. Tôi đứng yên một lát, nín thở lắng nghe, nhưng chẳng có âm thanh nào. Điện thoại đã ngừng reo. Không nghe tiếng chim, cũng chẳng nghe tiếng động ngoài phố. Bầu trời trên đầu tuyền một màu xám. Vào những ngày như thế này, những đám mây dường như nuốt chửng mọi âm thanh từ mặt đất. Không chỉ âm thanh mà cả mọi vật. Cảm giác chẳng hạn.
Thọc hai tay vào túi áo mưa, tôi luồn vào ngõ hẹp. Chỗ nào những chiếc sào phơi quần áo nhô ra giữa lối đi thì tôi lách mình giữa các bức tường. Tôi băng qua ngay bên dưới mái hiên những căn nhà khác. Cứ thế tôi lặng lẽ lần theo cái lối đi tựa như con kênh bị bỏ hoang. Đôi giày tennis của tôi bước trên mặt cỏ không một tiếng động. Âm thanh duy nhất tôi nghe thấy trong đoạn hành trình ngắn của mình là tiếng radio phát ra từ nhà nọ. Đài đang phát một chương trình kiểu như "gỡ rối tơ lòng" cho những người gọi điện đến. Một ông trung niên than phiền với người dẫn chương trình về bà mẹ vợ của mình. Tôi nghe câu được câu chăng, đâu như bà ta đã sáu mươi tám tuổi nhưng vẫn máu mê đua ngựa. Khi tôi đã đi qua căn nhà đó, tiếng radio nhỏ dần đến khi không còn gì nữa, dường như cái đang dần dần biến vào hư vô kia không chỉ là tiếng radio mà cả ông trung niên và bà mẹ vợ nghiền đua ngựa của ông ta, cả hai phải đang tồn tại ở đâu đó trên thế giới này.
Cuối cùng tôi cũng đến chỗ căn nhà trống. Nó vẫn đứng nguyên đấy, lặng ngắt mọi khi. Trên nền trời xám trĩu nặng, căn nhà hai tầng với những cánh cửa đóng im ỉm trồi lên đen thẫm. Nó trông như một con tàu chở hàng khổng lồ đâm vào đá trong một đêm bão táp đã từ lâu lắm và bị thủy thủ đoàn bỏ rơi cho đến mục rữa dần. Nếu không có lớp cỏ mọc cao hơn kể từ lúc tôi tới đây lần trước thì có thể tin rằng riêng tại nơi này thời gian đã ngừng lại. Nhờ mưa rơi liên tục nhiều ngày qua, những nhánh cỏ óng ánh màu xanh thẫm, dậy lên mùi hương hoang sơ rất đặc trưng cho những gì cắm rễ sâu vào đất. Ngay giữa cái biển cỏ này là bức tượng chim, trong chính cái tư thế tôi đã thấy trước đây, dang rộng cánh như sẵn sàng bay vυ"t lên. Dĩ nhiên, đây là con chim không bao giờ có thể cất cánh. Tôi biết điều đó, con chim cũng biết. Nó sẽ còn phải đứng đó đợi cho tới ngày bị lôi đi nơi khác hoặc đập ra thành từng mảnh. Không còn khả năng nào khác để nó rời bỏ được khu vườn này. Vật duy nhất chuyển động nơi đây là một con bướm nhỏ màu trắng lượn trên cỏ, một con bướm ra đời hơi muộn, mấy tuần sau khi mùa bướm đã qua. Nó tiến về phía trước một cách ngập ngừng, như một người đang tìm kiếm mà chẳng nhớ mình tìm gì nữa. Sau năm phút săn tìm không hiệu quả, con bướm bay đâu mất.
Tôi mυ"ŧ một cái kẹo chanh, tựa lưng vào hàng rào mắt cáo mà ngắm khu vườn. Chẳng có dấu hiệu gì của mèo. Chẳng có dấu hiệu của bất cứ cái gì. Chốn này như một cái ao tù mà dòng chảy đã bị một sức mạnh to lớn nào đó hãm lại.
Tôi cảm thấy có ai đó sau lưng, liền ngoái lại. Nhưng nào thấy ai. Chỉ có hàng rào bên kia ngõ, cái cổng nhỏ trong hàng rào, nơi cô gái kia đã đứng. Nhưng lúc này cổng đóng, trong sân không một bóng người. Mọi vật ẩm ướt và câm lặng. Chỉ dậy mùi. Mùi cỏ. Mùi mưa. Mùi áo mưa tôi. Mùi cái kẹo chanh đã tan một nửa trong miệng. Tôi hít một hơi dài, thế là tất cả các mùi nhập vào nhau làm một. Tôi quay lại kiểm tra xung quanh mình lần nữa, nhưng chẳng có ai. Lắng tai nghe, tôi bắt được tiếng đùng đυ.c của cánh quạt trực thăng ở xa xa. Ai kia đang ngồi trên đó, bay trên những đám mây. Nhưng ngay cả âm thanh đó cũng lặng dần, tĩnh mịch lại bao trùm.
Rào mắt cáo bao quanh ngôi nhà không người ở có một cánh cổng cũng mắt cáo. Tôi thử đẩy. Nó mở ra dễ dàng đến mức hầu như khiến mình mất hứng, như thể nó giục tôi vào vậy. "Không sao đâu, cứ đi thẳng vào", dường như nó bảo tôi thế. Tuy nhiên, không cần phải học luật tám năm trời tôi cũng biết rằng đường đột vào nhà người khác, cho dù nhà không người ở, là phạm pháp. Nếu một người hàng xóm phát hiện thấy tôi trong căn nhà không người ở và báo cảnh sát, họ sẽ xộc tới tra hỏi ngay. Tôi sẽ nói rằng tôi đi tìm mèo; nó đi đâu mất, tôi đang tìm nó khắp các nhà hàng xóm. Họ sẽ yêu cầu cho biết địa chỉ và nghề nghiệp. Tôi sẽ phải bảo họ tôi đang thất nghiệp. Họ sẽ chỉ càng nghi ngờ hơn. Gần đây cảnh sát đang lo sốt vó về những tên khủng bố cánh tả; họ đinh ninh rằng chúng nhan nhản khắp nơi ở Tokyo, chúng giấu hàng kho súng và lựu đạn tự chế. Họ sẽ gọi điện đến văn phòng Kumiko để kiểm chứng những gì tôi nói. E rằng Kumiko sẽ rất buồn phiền.
Thế nhưng tôi vẫn vào. Vào rồi khép cổng lại sau lưng. Chuyện gì tới, cứ tới. Nếu chuyện gì đó muốn xảy ra, cứ để nó xảy ra.
Tôi băng qua vườn, nhìn kỹ xung quanh. Đôi giày tennis của tôi giẫm lên cỏ vẫn êm ru như mọi khi. Có vài cây ăn trái thâm thấp mà tôi không biết tên, và một bãi cỏ khá rộng. Cỏ đã mọc qua cao, trùm lấp mọi thứ. Những dây trường xuân xấu xí bò kín lên hai trong số các cây ăn quả như thể muốn siết cho chết ngạt. Hàng cây bụi dọc bờ rào đã biến thành màu trắng ma quái do bị phủ một lớp trứng côn trùng. Một con ruồi nhỏ ngoan cố kêu vù vù bên tai tôi hồi lâu.
Băng qua bức tượng đá, tôi đi đến chỗ một chồng ghế nhựa trắng dưới mái hiên. Chiếc ghế trên cùng bụi đóng dày, nhưng chiếc ngay bên dưới thì không đến nỗi quá bẩn. Tôi lấy tay phủi bụi rồi ngồi lên. Cây dại mọc um tùm giữa nơi này với hàng rào khiến người ta không thể nhìn thấy tôi từ ngoài ngõ, hàng hiên thì cho tôi trú mưa. Tôi ngồi, vừa huýt sáo vừa ngắm khu vườn đang hứng cơn mưa lâm thâm. Thoạt tiên tôi không biết mình đang huýt sáo bản gì, nhưng rồi tôi nhận ra đó là giai điệu vở Chim ác là ăn cắp của Rossini, chính giai điệu mà tôi đang huýt sáo khi người đàn bà kỳ lạ nọ gọi điện lúc tôi đang nấu dở món spaghetti.
Ngồi trong vuờn thế này, chung quanh không có một ai, nhìn bãi cỏ và con chim đá, huýt sáo (tồi) một giai điệu, tôi có cảm giác mình trở lại thời thơ ấu. Tôi đang trốn ở một nơi không ai nhìn thấy được. Điều đó khiến tôi yên lòng. Tôi thấy như mình vừa ném một hòn đá- nhỏ thôi cũng được - vào cái đích nào đó. Con chim đá hẳn là một cái đích tốt. Hòn đá sẽ đập vào con chim vừa đủ mạnh để nghe một tiếng "cạch" nhỏ. Hồi nhỏ tôi rất hay chơi một mình như vậy. Tôi dựng một cái hộp rỗng, lùi lại, ném đá vào cho đến khi hộp đầy. Tôi có thế chơi như vậy hàng giờ. Tuy nhiên, lúc này dưới chân tôi chẳng có hòn đá nào. Thì thôi vậy. Trên đời này có chốn nào để mình cần gì là có nấy đâu.
Tôi co chân lại, gập đầu gối, kê cằm lên bàn tay. Rồi tôi nhắm mắt. Vẫn tuyệt không tiếng động. Bóng tối đằng sau đôi mí mắt khép lại của tôi giống như một bầu trời đầy mây, chỉ có điều màu xám sẫm hơn. Cứ mỗi năm phút ai đó lại đến tô lên màu xám đó một màu xám có sắc độ khác đi một chút, pha chút vàng, xanh lục hoặc đỏ. Tôi ngạc nhiên thấy màu xám lại có nhiều sắc độ đến vậy. Chỉ cần ngồi yên nhắm mắt khoảng mười phút thôi là sẽ mở ra vô vàn sắc độ màu xám ấy.
Trong khi lần giở cuốn sách gồm các mẫu màu xám ấy, tôi lại bắt đầu huýt sáo, trong đầu không nghĩ đến một điều gì.
- Này, - ai đó nói.
Tôi mở bừng mắt. Tựa người lên một tay, tôi nhổm dậy cố nhìn thấy cánh cổng qua ngọn các bụi cây. Cổng mở. Mở toang. Ai đó đã theo tôi vào vườn. Tim tôi đập thình thịch.
- Này, - ai đó lại lên tiếng. Giọng nữ. Người đó bước ra từ sau bức tượng và bước về phía tôi. Đó à cô bé đã tắm nắng trong sân phía bên kia ngõ. Cô bé vẫn mặc áo phông hiệu Adidas màu xanh nhạt và quần soóc. Và cô ta vẫn đi hơi khập khiễng. Điều duy nhất khác lần trước là cô ta đã gỡ kính râm.
- Anh làm gì ở đây? - cô ta hỏi.
- Đi tìm con mèo, - tôi đáp.
- Thật không đấy? Em có thấy thế đâu. Anh chỉ ngồi đây mà huýt sáo, mắt thì nhắm tịt lại. Ai lại đi tìm con mèo kiểu ấy?
Tôi cảm thấy mình đỏ mặt.
- Với em thì thế nào cũng được, - cô nói tiếp, - nhưng nhỡ ra ai đó không biết anh mà nhìn thấy anh, họ sẽ nghĩ anh là một tên đồϊ ҍạϊ . Anh không phải là kẻ đồϊ ҍạϊ chứ?
- Chắc là không, - tôi đáp.
Cô bé lại gần, săm soi rất kỹ chồng ghế nhựa rồi chọn một chiếc không quá bẩn, lại nghiên cứu cẩn thận thêm hồi nữa rồi mới đặt nó xuống cỏ mà ngồi lên.
- Mà anh huýt sáo thì thật kinh quá, - cô nói. - Em không biết là bản gì, nhưng chả có giai điệu gì sất. Anh không phải là gay ấy chứ?
- Chắc là không. Sao em hỏi vậy?
- Có người bảo em dân gay huýt sáo rất tồi. Có đúng không?
- Ai biết được?
- Nhưng dù anh có là gay hay kẻ đồϊ ҍạϊ thì với em cũng thế thôi. Mà này, tên anh là gì? Em chả biết gọi anh thế nào cả.
- Okada Toru.
Cô bé nhẩm lại cái tên tôi mấy lần.
- Tên cũng làng nhàng thôi phải không?
- Nói thế nào nhỉ? Lúc nào anh cũng nghĩ tên mình nghe như tên của ông Bộ trưởng Ngoại giao thời trước chiến tranh: Okada. Đúng không?
- Chuyện đó có nói em cũng chẳng hiều gì đâu. Sử là môn em chúa ghét; em học môn ấy kém nhất mà. Nhưng thôi. Mà này, anh có biệt danh nào không? Cái tên nào dễ hơn là Okada Toru ấy?
Tôi không nhớ nổi mình đã bao giờ có biệt danh hay chưa. Cả đời chưa một lần nào. Sao thế nhỉ?
- Anh chả có biệt danh nào cả, - tôi đáp.
- Không hề cơ á? "Gấu" chẳng hạn? Hay "Ếch"?
- Không.
- Thôi thì nghĩ ra cái tên nào đó vậy?
- Chim vặn dây cót, - tôi nói.
- Chim vặn dây cót? - cô bé há hốc mồm nhìn tôi. - Nó là giống gì vậy?
- Con chim vặn dây cót ấy mà, - tôi nói. - Sáng nào nó cũng vặn dây cót trên ngọn cây. Nó vặn dây cót mùa xuân thời gian.Két...két...
Cô bé vẫn nhìn tôi trân trân.
Tôi thở dài.
- Chợt nảy ra trong đầu anh thế thôi, - tôi nói. - Chẳng nghĩ được gì hơn. Con chim ấy ngày nào cũng bay qua nhà anh rồi đậu lên ngọn cây nhà hàng xóm mà kêu Kétkéééét. Nhưng chẳng ai nhìn thấy nó cả.
- Thôi cũng được. Em sẽ gọi anh là Chim vặn dây cót. Gọi cũng líu lưỡi chứ chẳng không, nhưng so với Okada Toru thì vẫn tốt chán.
- Cám ơn em.
Cô kéo chân lên ghế, tựa cằm lên hai đầu gối.
- Còn em tên gì? - tôi hỏi.
- Kasahara May. May... như là tháng Năm trong tiếng Anh ấy mà.
- Em sinh vào tháng Năm à?
- Còn phải hỏi! Có ai sinh vào tháng Sáu mà tên là tháng năm, thiên hạ họ cười cho.
- Em nói có lý. Chắc em vẫn chưa đi học?
- Em ngắm anh từ lâu lắm rồi, - cô đáp, lờ đi câu hỏi của tôi. - Từ phòng em. Em dùng ống nhòm. Em thấy anh đi qua cổng. Em luôn có một cái ống nhòm trong tầm tay, để quan sát những gì xảy ra trong ngõ. Chắc là anh không biết: ở đây có đủ loại người lai vãng. Mà không chỉ người. Cả thú vật nữa. Nãy giờ ở đây một mình anh làm cái gì vậy?
- Có gì đâu? Thư giãn một chút. Ngẫm ngợi về quá khứ. Huýt sáo.
Kasahara cắn móng tay.
- Anh lạ lắm, - cô nói.
- Anh chả có gì lạ cả. Ai người ta cũng làm vậy.
- Có thể, nhưng chẳng ai lại đi sang nhà hàng xóm để làm việc ấy ngoài anh ra. Nếu muốn thư giãn, nhớ về quá khứ và huýt sáo thì ngồi ở vườn nhà mình cũng được mà.
Cô ta hoàn toàn có lý.
- Này, thế Wataya Noburu vẫn chưa về nhà à?
Tôi lắc đầu.
- Chắc là sau hôm trước em cũng không thấy nó lần nào phải không?