Mọi người đang vui vẻ trò chuyện, Thanh Thanh bỗng hỏi A Chín rằng:
- Cô Chín, hôm nọ chúng ta đang chém gϊếŧ quân binh sướиɠ tay, bỗng nhiên không thấy cô nữa. Chẳng hay cô đi đâu thế?
A Chín mặt đỏ bừng, ấp úng một lát rồi lảng sang chuyện khác, lên tiếng nói:
- Chị Thanh, nếu chị mặc lại phục sức phục nữ, chắc đẹp lắm đấy!
Thấy nàng nói lảng sang chuyện khác, Thanh Thanh định hỏi cho ra lẽ nhưng thấy Trình Thanh Trúc đưa mắt ra hiệu bảo không nên, nàng mỉm cười nói:
- Đi đường cát bụi phủ đây người như thế này nên tôi không muốn mặc nữ trang là tại thế đấy!
Mọi người thấy trời đã khuya nên ai nấy đều về phòng yên nghỉ.
Thừa Chí sắp ngủ bỗng thấy Trình Thanh Trúc bước vào và khẽ nói:
- Viên tướng công, tôi có một việc này muốn nói để Tướng công hay.
Thừa Chí ngồi nhổm dậy mời Trình Thanh Trúc ngồi, rồi hỏi:
- Có chuyện gì xin huynh cứ nói.
Trình Thanh Trúc liền rỉ tai nói:
- Câu chuyện khá dài, chúng ta ra ngoài kia nói thì hơn!
Biết câu chuyện của Trình Thanh Thanh muốn nói rất bí mật, Thừa Chí vội mặc áo ngoài vào. Rồi hai người cùng đi ra khỏi khách điếm, tiến thẳng lên ngọn đồi nhỏ ở ngoài thị trấn kiếm một tảng đá nhỏ ngồi xuống. Nhìn xung quanh không thấy một bóng người nào, Trình Thanh Trúc liền nói:
- Viên tướng công, đồ đệ của tôi là A Chín có một lai lịch rất đặc biệt. Lúc bái sư, tôi đã nhận lời giữ bí mật cho nàng, không cho ai biết thân thế của nàng. Thừa Chí nói:
- Tôi cũng nhận thấy cô ta không phải là một thiếu nữ tầm thường. Nếu lão huynh đã nhận lời giữ chuyện bí mật của cô ta thì không cần phải nói cho tôi biết nữa.
Trình Thanh Trúc nói:
- Những tùy tòng theo hầu nàng đều là nhân viên trong phủ cho nên tất cả cơ mưu của chúng ta phải giữ kín, đừng để cho bọn họ biết thì hơn.
Thừa Chí kinh hãi nói:
- Những người đó đều là nhân viên trong phủ nha đấy à?
Trình Thanh Trúc gật đầu nói:
- Tôi chắc đồ đệ của tôi không dám phản bội chúng ta đâu. Nhưng y trẻ người non dạ, nhỡ bị bọn kia dò hỏi, buột miệng nói rõ mưu cơ của chúng ta ra thì sao?
Thừa Chí nói:
- Nếu vậy, chúng ta phải đề phòng việc bí mật của chúng ta.
Hai người quyết định xong xuôi, thủng thẳng đi xuống chân đồi trở về khách điếm.
Sắp đi tới khách điếm, Thừa Chí trông thấy một đại hán tay cầm đèn l*иg ở phía Đông đi tới, nhanh nhẹn lẻn luôn vào trong khách điếm. Thấy mặt người đó rất quen thuộc, Thừa Chí nghĩ mãi không sao nhớ ra đã gặp y ở đâu. Cho tới khi về phòng ngủ, chàng vẫn cố nghĩ xem người đó là ai? Chàng nghĩ lại đại hội Thái Sơn ở Nam Kinh, ở Từ Châu, Thạch Lương, ở trong quân đội Sấm Vương, vân vân, đều không thấy mặt người đó. Đang lúc nghĩ ngợi, chàng bỗng nghe cửa phòng có tiếng gõ rất khẽ, vội khoác áo xuống giường, ra cạnh cửa hỏi:
- Ai đó?
Thanh Thanh đứng bên ngoài hỏi:
- Anh có ăn gì không?
Thừa Chí thắp đèn lên, Thanh Thanh tay bưng một mâm gỗ trên có hai bát, mỗi bát đựng ba cái trứng gà, chắc nàng vừa ở dưới bếp đi lên.
Thừa Chí cười nói:
- Cảm ơn chú nhé! Sao tới giờ này còn chưa đi ngủ?
Thanh Thanh khẽ nói:
- Em thấy cô A Chín kỳ lạ lắm nên không sao ngủ được. Chắc anh cũng đang nghĩ tới nàng nên không ngủ được phải không?
Nói xong, nàng tủm tỉm cười, Thừa Chí cười nói:
- Tôi nghĩ đến cô ta làm gì?
Thanh Thanh cười nói:
- Nghĩ về cái vẻ đẹp của nàng ấy! Anh bảo nàng có đẹp không?
Biết tánh Thanh Thanh hay ghen, Thừa Chí sợ nói A Chín đẹp thì nàng không vui, mà bảo A Chín không đẹp thì không đúng sự thật, nên không dám trả lời, cầm cái thìa múc trứng lên ăn, đột nhiên, chàng ném luôn cái thìa ra bên ngoài, và la lớn:
- Chính y, đúng rồi!
Thanh Thanh giựt mình, ngơ ngác hỏi:
- Anh nói gì thế? Có phải quả trứng bị hư hỏng không?
Thừa Chí cười nói:
- Không phải, đó là anh chợt nhớ ra cái người vừa rồi là ai, mau đi theo anh đi Thanh thanh ngạc nhiên hỏi:
- Đi đâu thế?
Thừa Chí lấy thanh kiếm của Hồng Thắng Hải đưa cho nàng. Lúc này nàng mới hiểu Thừa Chí gọi mình đi ra ngoài đánh giặc.
Thì ra trong khi Thừa Chí đang cắn quả trứng, liền nghĩ tới hồi nhỏ ở trọ nhà An đại nương, có người tới bắt cóc Tiểu Tuệ, chàng đã hăng hái phản kháng, đánh đến khi bị thương. May An đại nương vừa về kịp, dùng ba quả trứng gà ném vào mặt Hồ Lão Tam, mới đuổi được tên giặc ấy đi. Tới đây chàng mới hay người đó lẻn vào khách điếm hồi nãy là Hồ Lão Tam. Nhưng không hiểu y tới khách điếm lén lút như thế làm gì? Muốn biết rõ sự thể, Thừa Chí mới rủ Thanh Thanh đi tìm tên gian tặc nọ. Hai người rón rén đến từng căn phòng một lắng tai nghe trộm. Tới một căn phòng lớn, hai người nghe thấy trong phòng có tiếng nói của bảy, tám người. Họ đều dùng tiếng lóng giang hồ trò chuyện với nhau.
Một người nói:
- Chúng ta đi khỏi đây sao được? Nếu có việc gì xảy ra thì sao? Liệu chúng ta còn tánh mạnh hay không?
Một người khác nói:
- Việc đằng An đại nhân cũng quan trọng lắm. Bây giờ sai người lên Bắc Kinh điều động được người xuống đây, thì chúng đã lẻn trốn mất rồi, kịp sao được chớ? Như vậy, bỏ lỡ kỳ công này có đáng tiếc không?
Mọi người trầm ngâm giây lát, một người nói giọng khàn khàn lên tiếng:
- Hay là thế này vậy? Bây giờ chúng ta chia ra làm hai bọn, một bọn đến đằng kia để An đại nhân điều phái, một bọn thì ở lại đây, bất cứ bên nào lập được công, chúng ta cũng chia đều ra cùng hưởng.
Người lên tiếng trước tiên vỗ bàn lớn tiếng nói:
- Phải đấy, chúng ta có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nếu có chuyện gì không may xảy ra thì chúng ta cũng phải cán đáng cả.
Lại một người nữa nói:
- Bây giờ chúng ta rút thăm xem ai phải đi hay ở. Như vậy mới công bằng và không ai dám oán than nữa.
Mọi người vỗ tay phụ họa. Thừa Chí nghĩ thầm: “Ở đây có việc gì quan trọng đến nỗi mà chúng phải chia một nửa người ở lại thế này? Và còn An đại nhân nào với kỳ công gì thế nhỉ?”
Một lát sau, Thừa Chí và Thanh Thanh lại nghe thấy khí giới va chạm rất khẽ, chắc là chúng đã rút thăm xong rồi. Thừa Chí rỉ tai Thanh Thanh khẽ nói:
- Chú ra bảo Sa Thiên Quảng và mọi người chuẩn bị sẵn sàng. Để tôi theo dõi chúng xem sao.
Thanh Thanh gật đầu, rồi khẽ nói:
- Anh phải cẩn thận một tí nhé!
Lúc ấy cửa phòng vừa mở, nhờ có ánh sáng đèn, Thừa Chí trông thấy người đi đầu bước ra là Hồ Lão Tam, tám người theo sau tay đều cầm khí giới, nhìn kỹ lưỡng mới hay chúng toàn là tùy tòng của A Chín. Chúng hết thảy đều vượt ra đi, sau đó cửa phòng lại khép lại như trước.
Thanh Thanh khẽ nói:
- Ồ, ra là bọn chúng. Em biết trước con nhỏ không phải là người tử tế mà?
Thừa Chí cũng lấy làm kỳ lạ, nghĩ thầm: “Vấn đề này sẽ kết luận sau, ta hãy đi theo chúng xem rõ sự thể ra sao đã.”
Nghĩ đoạn, chàng giở khinh công ra vượt tường, lẳng lặng đuổi theo chín người kia.
Nhờ bản lãnh khinh thân đã tới chỗ tột mức, Thừa Chí đi theo bọn chín người không ai hay biết tí nào. Ra khỏi thị trấn, chín người kia đi hơn dặm đường nữa. Tới một căn nhà thật lớn, Hồ Lão Tam gọi cửa, rồi dẫn tám người nọ vào bên trong. Vòng ra phía sau nhà, Thừa Chí vượt tường vào trong, lần mò tới một căn phòng có ánh sáng đèn lóe ra ngoài cửa sổ, liền nhảy lên trên nóc nhà, khẽ lật một viên ngói ra xa, thấy dưới phòng có một đại hán ngót năm mươi tuổi ngồi chính giữa, thân hình vạm vỡ. Hồ Lão Tam và tám người tùy tòng của A Chín lần lượt bước vào, vái chào đại hán nọ. Hình như người nọ là quan trên của chúng vậy.
Hồ Lão Tam nói:
- Tiểu nhân gặp Vương chỉ huy phó ở trong thị trấn, mới hay các người vừa mới tới nơi, cho nên tiểu nhân mời mấy vị tới đây trợ giúp.
Người đó nói:
- Hay lắm, hay lắm! Vương chỉ huy phó nói sao?
Một người đáp:
- Vương chỉ huy phó nói, An đại nhân có việc cần sai muốn bảo tôi, thì anh em phải đi ngay lập tức!
Nghe thấy Hồ Lão Tam gọi người nọ là An đại nhân. Thừa Chí rùng mình liền nghĩ: “Thế ra là một viên võ quan khá cao cấp đấy! Không biết đêm khuya thế này, y còn có mưu đồ gì đây?”
Sau đó, chàng lại nghe An đại nhân nọ nói:
- Nếu lần này thành công, công lao này của chúng ta lớn lắm. Hà, hà…!
Lại một người nói:
- Chúng con đều đội ơn An đại nhân nâng đỡ cho.
An đại nhân nói:
- Anh em ta đừng có phân biệt Nội đình thị vệ và Cẩm y vệ gì cả, chúng ta đều phải tận lực và trung thành với Hoàng thượng!
Mọi người đồng thanh nói:
- An đại nhân dạy rất phải. Chúng con lúc nào cũng chờ đợi Đại nhân sai bảo. An đại nhân nói:
- Tốt lắm. Nào đi thôi!
Càng ngạc nhiên thêm, Thừa Chí nghĩ thầm: “Thì ra hai bọn này lại là Nội đình Thị vệ và Cẩm y vệ đây. Nghe nói, Cẩm y vệ hãm hại dân chúng luôn luôn, hễ ai bịbắt, là bị chúng chặt chân lột da ngay, tàn nhẫn vô cùng. Hôm nay không biết chúng lại đi đâu hãm hại ai đây. Nay ta đã gặp, không khi nào ta lại chịu để yên cho chúng hoành hành!”
Một lát sau, An đại nhân dẫn bọn chúng đi ra. Phục trên nóc nhà nhìn xuống, Thừa Chí điểm thấy tất cả mười sáu tên như vậy bộ hạ An đại nhân có sáu người thôi. Chờ chúng đi khá xa, Thừa Chí mới nhảy xuống đuổi theo sau.
Càng đi càng tới những nơi hoang vu, bọn An đại nhân đi được bảy, tám dặm đường, có người khẽ nói vài lời, cả bọn liền tản mác ra bốn bên, rồi lẳng lặng tới bao vây một căn nhà nhỏ chơ vơ ở chốn hoang vu này. Thừa Chí cũng bắt chước chúng cúi khom lưng từ từ đi tới gần căn nhà đó. Vì trời tối, bọn họ có người trông thấy hình bóng của chàng nhưng cứ tưởng là người trong bọn, chớ không ai nghi ngờ và để ý tới chàng cả. An đại nhân thấy đã bao vây chặt chẽ rồi, liền ra hiệu cho mọi người nằm phục xuống đất, rồi một mình đến gõ cửa.
Một lát sau, trong nhà có tiếng đàn bà hỏi vọng ra:
- Ai đó?
An đại nhân ngẩn người ra giây lát mới hỏi:
- Bà là ai thế?
Tiếng người đàn bà trả lời:
- Ồ, ra là ông! Đêm khuya thế này, ông tới đây làm gì?
An đại nhân ha hả cười nói:
- Thật là cố nhân dạy không sai, “Bất thị oan gia, bất tụ đầu.” Không ngờ bà lại ở đây, mau mở cửa đi!
Người đàn bà đáp:
- Tôi đã nói không gặp ông nữa, ông còn tới đây kiếm ta làm gì?
An đại nhân vẫn vừa cười vừa nói:
- Bà không muốn gặp tôi cũng không sao nhưng còn tôi rất thương nhớ người vợ của tôi!
Người đàn bà nổi giận nói:
- Ai là vợ của ông? Giữa hai ta tình duyên đã được cắt đứt bằng lưỡi dao sắc rồi. Nếu ông không chịu buông tha cho thì ông cứ việc phóng hỏa đốt cháy căn nhà này và tôi đi. Đành chết chớ tôi không muốn gặp lại con người vô lương tâm, chỉ tham phú quý như ông nữa!
Càng nghe, càng thấy tiếng nói của đàn bà nọ quen thuộc lắm, Thừa Chí lại nhớ và nghĩ ngay ra: “Ồ, phải rồi, bà ta là An đại nương! Nếu vậy, An đại nhân là chồng của bà ta, và là cha của cô An Tiểu Tuệ rồi!”
An đại nhân vẫn cười nói:
- Tôi kiếm bà khắp nơi không thấy, đau khổ biết bao, khi nào tôi lại nỡ thiêu đốt bà chớ? Thôi, mở cửa đi, để chúng ta tụ họp, nối lại tình cũ nghĩa xưa.
Nói xong, An đại nhân dùng chân đá cánh cửa đã mở toang. Nghe tiếng phá cửa, Thừa Chí biết võ công của y rất lợi hại. Trong bóng tối, ánh sáng chớp lên một cái, An đại nương đã múa đao xông thẳng ra.
An đại nhân cười nói:
- Giỏi lắm! Bà có muốn mưu sát thân phu phải không?
Y sợ trong nhà còn có người khác nên không dám xông thẳng vào, cứ tay không đứng bên ngoài chiến đấu với An đại nương. Từ từ bò tới gần, Thừa Chí dương đôi mắt quan sát cuộc đấu tranh.
An đại nhân võ nghệ quả nhiên phi phàm, vừa đánh vừa cười đùa. Thấy vậy, An đại nương càng tức giận, vừa đánh vừa lớn tiếng mắng chửi. Đấu được một hồi lâu, An đại nhân đột nhiên giơ tay xông vào vuốt má An đại nương một cái. Càng tức giận thêm, An đại nương đánh luôn thanh đao vào đầu đối phương. Cốt dụ nàng đánh miếng đó, An đại nhân né mình tiến lên một bước, nắm lấy tay kẻ địch, dùng sức vặn mạnh một cái, thanh đao rơi xuống đất tức thì. Rồi An đại nhân nắm chặt hai tay vợ đưa chân vào kê ngang đầu gối, thế là An đại nương không sao kháng cự được nữa.
Thừa Chí nghĩ: “Nghe giọng nói của tên họ An này, y chưa dám hãm hại Đại nương ngay đâu. Ta hãy dò thám thêm một lát nữa, rồi ra tay cứu giúp cũng chưa muộn.”
Thừa cơ An đại nhân đang đắc chí cả cười, An đại nương đang tức giận chửi mắng tơi bời, chàng len qua góc cửa, vào thẳng bên trong, lần mò tới chân tường, giở khinh công “Bích Hổ Du Tường” leo lên trên trần nhà.
Lúc ấy An đại nhân lớn tiếng gọi:
- Hồ Lão Tam, vào nhà thắp đèn đi.
Hồ Lão Tam móc túi lấy đá lửa ra và cầm đao hộ thân trước khi vào trong nhà, y ném một viên đá vào dò thử trước, thấy không có động tịnh gì mới từ từ bước vào, đi tới cạnh bàn chầm lửa vào ngọn nến để ở đó. An đại nhân đưa mắt ra hiệu, Hồ Lão Tam cởi cuộn dây thừng đeo bên hông ra, đoạn lại trói chặt chân An đại nương. An đại nhân cười nói:
- Em bảo không muốn gặp mặt anh nữa. Vậy bây giờ thì sao? Thử nhìn anh xem, đầu tóc anh đã bạc nhiều lắm rồi phải không?
An đại nương nhắm mắt không trả lời. Nằm trên trần nhà nhìn xuống, Thừa Chí trông thấy mặt An đại nhân rất rõ. Tuy đã qua tuổi trung niên, mặt mũi của y rất còn anh tuấn. Chắc hồi thiếu niên y rất đẹp trai, thật đáng đôi với An đại nương.
Vuốt mặt An đại nương, An đại nhân vừa cười vừa nói:
- Xinh thật! Mười mấy năm không gặp, bộ mặt trái xoan này vẫn trắng trẻo đẹp đẽ như xưa!
Nói tới đây, y quay lại nói với Hồ Lão Tam rằng:
- Đi ra ngoài kia!
Hồ Lão Tam vừa cười vừa lè lưỡi ra. Lúc đi ra còn thuận tay khép cánh cửa lại.
Yên lặng giây phút, An đại nhân thở dài một tiếng rồi nói:
- Con Tiểu Tuệ đâu? Bấy lâu nay, ngày nào anh cũng tưởng nhớ tới nó.
An đại nương vẫn làm thinh như trước. An đại nhân lại nói:
- Vợ chồng ta, hồi xưa trẻ tuổi nóng tánh mới cãi nhau bỏ nhau. Nhưng chúng ta cách biệt nhau mười mấy năm rồi, bây giờ nên hòa hảo thì hay hơn.
Không thấy An đại nương trả lời, y lại nói tiếp:
- Đấy em xem, bấy lâu nay, anh có lấy ai đâu? Và có bao giờ không nhớ em đâu? Chẳng lẽ em không còn một chút tình nghĩa nào nữa hay sao?
An đại nương lớn tiếng quát tháo:
- Ông có biết cha và anh tôi tại sao chết không?
An đại nhân thở dài một tiếng rồi đáp:
- Cha và anh của em bị Cẩm y vệ gϊếŧ hại thật nhưng em không thể vơ đũa cả nắm mà oán trách tất cả anh em Cẩm y vệ. Bất cứ hạng người nào có xấu nhưng cũng có tốt. Anh làm việc cho nhà vua, tất nhiên phải trung thành với triều đình. Cái đó cũng là việc làm vẻ vang cho tổ tiên…
Y chưa dứt lời, An đại nương đã nhổ ngay nước miếng xuống đất liên tiếp. Một lát sau, An đại nhân lảng sang chuyện khác nói:
- Anh nhớ con Tiểu Tuệ quá, cho người về đón nó. Tại sao em cứ đem nó trốn tránh, nhứt định không cho nói gặp anh?
An đại nương đáp:
- Tôi có nói cho nó hay, người cha tốt của nó đã chết từ lâu rồi! Cha nó rất tài ba, rất có chí khí nhưng chỉ đáng tiếc là chết yểu.
Lời nói của nàng chứa đấy phẫn uất. An đại nhân nói:
- Em hà tất phải lừa dối nó như vậy? Và em hà tất rủa tôi như thế?
An đại nương nói:
- Cha nói xưa kia là một người rất có chí khí. Mặc dầu gia đình phản đối, tôi vẫn lén lút đi theo anh ta. Ngờ đâu…
Tới đây nàng nghẹn ngào không thể nói tiếp được. An đại nhân móc túi lấy khăn tay ra lau nước mắt cho nàng, nhứt thời xúc động, ôm lấy nàng hôn hít. Y bỗng thét lớn một tiếng, nhảy lùi về phía sau, môi rơi giọt máu tươi. Thì ra y đã bị An đại nương cắn cho một cái nên thân.
Núp trên trần nhà trông thấy rõ lắm, Thừa Chí không thể nhịn được phải bịt miệng cười ngầm.
An đại nhân nổi giận hỏi:
- Tại sao em lại cắn anh như thế?
An đại nương trả lời:
- Ông đi gϊếŧ chết người chồng yêu quý của tôi, sao tôi lại không cắn ông? Tôi còn muốn hạ sát ông mới nguôi cơn giận!
An đại nhân nói:
- Ủa, sao em lại nói thế? Anh không phải là chồng của em hay sao? Tại sao em lại bảo tôi gϊếŧ hại chồng em?
An đại nương nói:
- Chồng tôi vốn dĩ là một trượng phu khí khái, không hiểu vì sao bỗng dưng bị lợi lộc mê hoặc, bỏ cả vợ con chỉ thích làm quan, muốn phát tài lớn. Người chồng khí khái mà tôi vẫn tin tưởng đã chết rồi, tôi không sao gặp được anh ta nữa.
Thấy nàng nói như vậy, Thừa Chí khen ngợi thầm và chắc An đại nhân thế nào cũng cảm động.
An đại nương lại nói:
- Chồng tôi tên họ là An Kiếm Thanh đã bị An đại nhân gϊếŧ chết rồi. Quyền sư Sở Đại Đạo là vị sư phụ đã ban ơn rất nặng cho chúng tôi cũng bị An đại nhân tham mê lợi lộc mà hãm hại chết rồi. Cả Sở phu nhân và con gái cũng bị An đại nhân này áp bức đến chết…
Giận quá, An đại nhân quát lớn:
- Im ngay, không được nói nữa!
An đại nương nói:
- Con người lòng lang dạ thú kia, thử tự nghĩ xem nói có đúng không?
An đại nhân nói:
- Phủ nha chỉ đòi Sở Đại Đạo lên hỏi qua loa thôi, ngờ đâu ở công đường ông ta lại múa đao định chém tôi? Còn vợ con ông ta tự tử chết thì việc gì đến tôi?
An đại nương nói:
- Đúng lắm. Ai bảo Sở Đại Đạo mù quáng, lại bảo thu nhận một môn đồ có lương tâm như thế. Trong khi tên môn đồ sắp chết vì đói rét, Sở Đại Đạo lại đem về dạy võ nghệ, nuôi cho thành người, rồi lại lấy vợ cho.
Đại nương càng nói càng hăng. An đại nhân đập mạnh xuống bàn một cái, quát lớn:
- Hôm nay, vợ chồng gặp nhau tại đây, sao em cứ nhắc nhở tới những người đã khuất làm gì?
An đại nương cũng la lớn:
- Tôi cứ thích nhắc đấy, ông muốn gϊếŧ tôi cứ việc ra tay đi!
Căn cứ lời đàm thoại của hai người, Thừa Chí nhận xét thấy câu chuyện như sau đây: An Kiếm Thành nhờ được Sở Đại Đạo nuôi nấng dạy bảo từ hồi còn thơ ấu. Tới trưởng thành vì tham mê phú quý, An Kiếm Thành đã gϊếŧ chết cả nhà sư phụ. Thấy hành vi khốn nạn quá, An đại nương liền quyết liệt với chồng. Trước kia, Hồ Lão Tam đến cướp Tiểu Tuệ, sở dĩ An đại nương cứ phải tránh Đông trốn Tây là cố ý lánh xa An Kiếm Thanh, người chồng lòng lang dạ thú. Thừa Chí nghĩ: “Tên này chết cũng đáng lắm rồi. Ta phải cho y một chưởng chết ngay tức thì nhưng không biết An đại nương có còn tình nghĩa vợ chồng với y nữa không?”
Nghĩ đoạn, chàng lại lắng tai nghe xem hai người còn nói chuyện gì nữa. Ngờ đâu, cả hai đều im lặng.
Một lát sau, đằng xa có tiếng vó ngựa đưa tới. An Kiếm Thanh đem cây nến ra đặt ở cạnh cửa sổ, rồi rút thanh đao ra, quát khẽ rằng:
- Nếu có ai tới, hễ em kêu la báo tin, đừng có trách anh độc ác đấy nhé?
An đại nương vẫn làm thinh. An Kiếm Thanh biết tánh nết của vợ không bao giờ chịu khuất phục cả, nên cắt luôn một mảnh màn, nhét vào mồm nàng. Lúc ấy tiếng vó ngựa càng ngày càng tới gần, An Kiếm Thanh đặt An đại nương nằm lên trên giường, buông màn xuống, rồi cầm đao đứng núp sau cánh cửa. Thừa Chí biết y định đánh trộm, mặc dầu chàng không biết người sắp tới kia là ai, nhưng chắc cũng là người tử tế thuộc phe An đại nương. Nghĩ vậy, chàng liền lấy chút cát bụi bám trên trần, hòa với tí nước miếng, vò thành một viên đất nho nhỏ, nhắm trúng ngọn nến ném xuống. Ngọn lửa tắt liền. An Kiếm Thanh lẩm bẩm chửi rủa. Nhân lúc y móc túi lấy đá lửa ra đánh, Thừa Chí nhanh nhẹn nhảy luôn ra ngoài cửa, vòng ra phía đằng trưóc, thấy một tên Cẩm y vệ tay cầm đao, đang nằm phục dưới đất chăm chú nhìn vào bên trong. Từ từ lại gần tên Thị vệ đó, Thừa Chí khẽ nói:
- Có người đã tới đây.
Tên Cẩm y vệ trả lời:
- Phải đấy, anh mau nằm phục xuống đi!
Y vừa nói dứt lời đã bị Thừa Chí điểm vào ngay huyệt câm. Lấy quần áo của y mặc vào, Thừa Chí còn xé một mảnh áo trong bịt mặt, để bọn Cẩm y vệ khỏi biết mình là ai. Xong đâu đấy, chàng ôm tên đó phục xuống đất, rồi từ từ bò tới cạnh cánh cửa.
Trong bóng tối, tiếng vó ngựa càng cần, giây phút sau, năm con ngựa đã phóng tói trước cửa, nhưng có bảy cái bóng người nhảy xuống. Một người tới gần cửa trước, khẽ vỗ tay ba cái, An Kiếm Thanh ở trong nhà cũng vỗ tay ba cái trả lời. Bật lửa châm sáng ngọn nến xong, y lại núp vào phía sau cánh cửa như trước. Vừa nghe tiếng cửa mở thật mạnh, một người vừa ló đầu ra. Y liền giơ đao chém liền, đầu lâu người nọ rớt sang một bên, máu cổ phun ra như vòi nước. Dưới ánh sáng ngọn nến, y nhìn kỹ cái đầu lâu, giựt mình thất kinh. Không ngờ cái đầu lâu đó lại là đầu của mình Cẩm y vệ bộ hạ của mình. Y đang định há mồm kêu la, thì có một bàn tay điểm luôn yếu huyệt của y, thế là y không sao cử động được nữa.
Nhanh tay, Thừa Chí đỡ luôn con dao của y, để khỏi rơi xuống làm náo động những người đứng bên ngoài. An Kiếm Thanh võ nghệ rất cao cường, sở dĩ Thừa Chí điểm được yếu huyệt của y dễ dàng như vậy vì y đang hãi sợ chém nhầm phải người cùng phe, không để ý đề phòng mà nên. Nhảy tới trước giường, Thừa Chí đỡ An đại nương ngồi dậy, giựt đứt dây thừng trói tay chân, rồi khẽ nói:
- Thím An, cháu tới cứu thím đấy!
Vừa mừng vừa sợ, An đại nương thấy chàng ăn mặc quần áo Cẩm y vệ nhưng lại bịt mặt, bán tín bán nghi, thím khẽ hỏi:
- Ngài là ai thế?
Đột nhiên bên ngoài có hai con lông lá xồm xoàm nhảy vào, mồm kêu “khạc khạc”, xông tới cạnh Thừa Chí định vồ. Giựt mình kinh hãi, chàng đang định giơ tay ra đánh bỗng nhận ra hai con đó là đười ươi,bèn nhún vai nhảy ngay lên trần nhà.
Năm người theo sau con thú vừa vào tới bên trong, người đi trước cúi chào An đại nương rồi ngẩn người ra ngạc nhiên vô cùng. Lúc này Thừa Chí đã nhận ra hai con thú nọ là con đười ươi của mình thu phục ở trên đỉnh núi Hoa Sơn, cả mừng kêu gọi:
- Đại Oai! Tiểu Oai!
Hai con thú ở bên ngoài đã ngửi thấy hơi của chủ nó rồi, nên vừa nghe thấy chủ gọi, chúng đều nhảy cả lên trên trần nhà, ôm chặt lấy Thừa Chí, hớn hở vô cùng.
Những người vừa vào trong nhà thấy dưới đất có một vũng máu, một cái xác chết, hai con thú lại tự dưng nhảy ngay lên trên trần nhà, đều ngạc nhiên kinh dị vô cùng.
Những Cẩm y vệ canh gác bên ngoài tưởng kẻ địch nhiều quá, sợ An Kiếm Thanh địch không nổi, đã có hai tên nhảy vào giơ đao định chém năm người vừa mới vào.
Thấy vậy, Thừa Chí liền gọi:
- Đánh!
Đây là khẩu lịnh của chàng thường hay dùng ở trên đỉnh núi Hoa Sơn. Hai con đười ươi đã lâu không được nghe thấy, nay bỗng thấy chủ ra lện, đều kêu la nhảy xuống đầu hai tên Cẩm y vệ. Chúng chỉ bẻ mạnh một cái, “cách, cách” hai tiếng, xương cổ của hai tên nọ đã gãy gục rồi. Kẻ địch ở bên ngoài liên tục tiến vào, Thừa Chí nhảy ngay xuống đất, nắm cổ từng tên địch một vứt ra bên ngoài. Cũng có tên nhảy vào đánh được mấy hiệp mới bị chàng đã đánh mười hai tên Cẩm y vệ và Thị vệ tối tăm mặt mũi, bỏ chạy tán loạn hết.
Thừa Chí lột áo tử thi năm đó ra úp vào đầu An Kiếm Thanh và trói tréo khuỷu tay lại để y khỏi trông thấy một tí gì. Sau đó chàng mới cởi miếng giẻ bịt mặt ra, nhìn người đứng phía trước của bọn năm người kia, cười nói:
- Lý tướng quân vẫn mạnh giỏi đấy chớ? Sấm Vương có tráng kiện không?
Người nọ ngẩn người ra giây phút, rồi cả cười nắm tay Thừa Chí cứ rung động lia lịa.
Thì ra người này là Chế Tướng quân Lý Nham đại tướng thủ hạ của Sấm Vương.
Không ngờ Thừa Chí lại cứu được cố nhân thoát nạn, vui mừng vô cùng, rồi quay lại nói với An đại nương rằng:
- Thím An, thím còn nhận ra cháu không?
Lúc ấy là tháng chín năm Sùng Chính thứ mười sáu, cách hồi Thừa Chí ở nhà An đại nương tỵ nạn đã mười một năm. Từ một thằng bé con, Thừa Chí nay đã trở thành một thiếu niên anh tuấn, thì An đại nương nhận sao được. Thấy nàng ngơ ngác, Thừa Chí vội móc túi lấy ra chiếc vòng vàng nhỏ nàng tặng cho hồi xưa, vừa cười vừa nói:
- Ngày nào cháu cũng mang theo trong người, không bao giờ dám quên ơn thím! An đại nương sực nhớ ra, liền kéo chàng đến ngọn nến, quả nhiên thấy lông mày bên trái của chàng có vết sẹo dao chém, nàng vừa mừng vừa kinh ngạc nói:
- Ồ, cháu đấy à? Cháu chóng lớn thật, và lại học được võ nghệ cao siêu đến thế rồi!
Thừa Chí nói:
- Cháu gặp em Tiểu Tuệ ở Triết Giang. Em ấy cũng lớn lắm rồi.
An đại nương nói:
- Thời gian đi chóng thực! Trẻ con đã trưởng thành cả rồi!
Nói xong, nàng đưa mắt nhìn chồng đang bị trói nằm ở dưới đất, thở dài một cái rồi nói:
- Không ngờ cháu lại tới cứu thím.
Lý Nham không biết hai người có chuyện ơn nghĩa xưa đó, cứ nghe An đại nương gọi Thừa Chí là cháu, còn tưởng hai người là họ hàng bà con với nhau, liền cười nói:
- Câu chuyện vừa xảy ra nguy hiểm thật. Tôi thừa lịnh Sấm Vương tới Hà Bắc để gặp mấy người. Không hiểu tại sao bọn Cẩm y vệ lại biết tin nhanh đến thế, và chúng đã cho người mai phục ở đây ngay rồi.
Thừa Chí nói:
- Bạn của Lý tướng quân sắp tới đây ư?
Chưa kịp trả lời, đằng xa đã có tiếng vó ngựa phi tới. Lý Nham cười nói:
- Họ chẳng tới là gì kia?
Tùy tòng mở cửa đi ra ngoài, không bao lâu đó ba người vào. Vừa thấy mặt, Thừa Chí nhận ngay ra ba người đó là những bạn đã gặp mặt ở nhà Mạnh Bá Phi, một người họ Lê, một người họ Phạm, và một người nữa họ Hầu. Bọn họ chào hỏi Lý Nham, liền quay lại cung kính vái chào Thừa Chí, và đồng thanh chào rằng:
- Minh chủ mạnh giỏi!
Lý Nham và An đại nương đều ngạc nhiên hỏi:
- Các người quen biết nhau đấy à?
Người họ Hầu đáp:
- Viên minh chủ là Tổng thủ lãnh bảy tỉnh, chúng tôi phải tuân theo hiệu lịnh của ông ta.
Lý Nham nói:
- Ồ, tôi bận công cán ở Sơn Tây không biết gì về tin tức ở Đông lộ, nên không được hay tin này, thật đáng vui đáng mừng!
Thừa Chí nói:
- Đó là hồi tháng trước, được mấy bạn hữu nể nang, ban cho cái danh hiệu đó, chớ sự thật hậu bối không đáng đảm đang chức vị ấy.
Người họ Phạm nói:
- Viên minh chủ võ công giỏi, nhiều mưu kế, lại thêm nhân nghĩa hơn người, trong võ lâm ai mà chẳng cảm phục được chớ!
Lý Nham vui vẻ nói:
- Thế thì hay lắm!
Nói xong y liền truyền hiệu lịnh của Sấm Vương cho mọi người hay. Thì ra quan sát đại thế của thiên hạ, Sấm Vương biết thời cơ tiến vào kinh đô đã đến, nên đã định trong nột nhật là đánh vào Đồng Quan, mới sai Lý Nham bí mật lên Hà Bắc liên lạc các anh hùng hào kiệt để hưởng ứng.
Người họ Lê hỏi:
- Thưa Minh chủ, Minh chủ định sao?
Thừa Chí đáp:
- Việc làm của Sấm Vương là một nghĩa cử, tự nhiên anh hùng hào kiệt khắp thiên hạ phải theo ngay. Và lúc này cũng là thời cơ của anh hùng hào kiệt bảy tỉnh ra lập công, tất nhiên tiểu đệ phải báo tin này cho tất cả anh hay biết tức thì.
Sáu người trò chuyện với nhau, càng nói càng phấn khởi. Lý Nham nói:
- Quân Minh hủ bại quá nổi, bên nghĩa quân ta tới là chúng tan rã ngay. Nhưng hiện giờ có một vấn đề khó giải quyết.
Thừa Chí hỏi:
- Vấn đề gì thế, Lý Tướng quân?
Lý Nham đáp:
- Vừa rồi tôi nhận được cấp báo cho hay, có mười khẩu đại bác của Tây phương đang chuyển vận lên Đồng Quan giao cho Tôn Truyền Đình. Tên già họ Tôn kia tuy biết dụng binh nhưng anh dũng sao bằng Sấm Vương được. Duy có oai lực của Hồng Y đại bác là khủng khϊếp thôi. Nên tôi rất lo ngại về vấn đề hỏa khí của người Tây phương…
Thừa Chí kinh ngạc nói:
- Ở dọc đường, đệ đã trông thấy mười khẩu đại bác đó, quả thật đáng lo ngại.
Nhưng đệ nghe họ nói, mười khẩu đại bác ấy định đem ra ngoài Sơn Hải Quan để trấn thủ bọn Mãn Thanh ở thành Kiến Châu cơ mà?
Lý Nham đáp:
- Đúng thế, những khẩu đại bác chuyển từ ngoài nghìn dặm tới là định đem ra ngoài Sơn Hải Quan để đánh quân Mãn Châu thật. Nhưng vua Sùng Chính hay tin Sấm Vương đã tụ họp đại binh mã, nên y đã hạ chỉ chuyển vận những khẩu đại bác ấy quay xuống Đồng Quan. Nghe nói, hiện giờ đội quan binh chuyển vận những võ khí ấy đã bắt đầu lên đường rồi.
Thừa Chí cau mày nói:
- Chỉ vì vua Minh xưa nay chú trọng phòng vệ nhân dân khởi loạn hơn là chế ngự ngoại xâm, nên cha tôi mới bị chết oan chết uổng như vậy. Lý tướng quân đã nghĩ ra kế gì để đối phó chưa?
Lý Nham đáp:
- Chưa, nhưng tôi định chờ tới lúc chúng vận chuyển những khẩu đại bác đó tới Đồng Quan là chúng ta bắt đầu tấn công dùng xá© ŧᏂịŧ cản trở lợi khí đó. Tuy chúng ta chưa chắc đã phải thua, nhưng vấn đề tổn hại rất nhiều không thể nào tránh khỏi…
Thừa Chí nói:
- Theo ý đệ, chúng ta nên đón đường đánh cướp những lợi khí thì hơn.
Lý Nham vỗ tay khen ngợi, rồi nói:
- Công lao to tát này nhờ tới chú Viên phụ trách mới xong.
Ngẫm nghĩ giây lát, Thừa Chí nói:
- Những võ khí của người Tây phương lợi hại lắm. Vậy muốn cướp được những khẩu súng đại bác đó, chúng ta phải đặt một mưu kế hoàn hảo trước. Còn thành công hay không, chưa dám quyết đoán ngay bây giờ được. Nhưng việc này có liên can đến vận mệnh của thiên hạ, dù sao tiểu đệ cũng phải tận lực ra làm và cũng phải nhờ vả hồng phúc của Sấm Vương nữa mới xong. Nếu nhứt cử mà thành công ngay, cái đó là phúc đức của dân chớ không phải là công lao của đệ.
Sau đó, Lý Nham bảo tùy tòng mở hành lý ra lấy thanh kiếm Kim Xà giao trả cho Thừa Chí, rồi nói:
- Chú Viên, từ khi gặp chú ở Thiểm Tây, tuy chưa có cơ hội được trò chuyện lâu với chú, nhưng tôi đã biết chú là một thiếu niên hào kiệt rồi. Thanh bảo kiếm chú nhờ tôi giữ, không giờ phút nào tôi không đem theo cạnh mình. Lúc đó, tôi quá lo xa, sợ chú trẻ người non dạ, võ nghệ chưa thành, kinh nghiệm còn thiếu, mà mang theo thanh bảo kiếm này với hai con đười ươi, chướng mắt người đời, có khi gieo họa đến mình, nhưng nay chú đã tạo nên bấy nhiêu đại sự rồi. Bây giờ tôi mới yên trí giao lại đười ươi và bảo kiếm cho cố chủ của nói. Hà, hà…
Thừa Chí cảm ơn xong liền đeo bảo kiếm vào bên hông. Lý Nam lại nói:
- Nhà tôi thấy tôi nói tới chú, chỉ muốn được gặp mặt chú ngay.
Thừa Chí nói:
- Thế nào tiểu đệ cũng thành tâm đến bái kiến.
An đại nương bỗng xen vào nói:
- Lý phu nhân là anh hào trong giới phụ nữ, được mọi người trên giang hồ tặng cho bà ta danh hiệu là Hồng Nương Tử. Không những người đẹp, phu nhân lại võ nghệ xuất chúng. À, cháu Thừa Chí, cháu đã có người yêu chưa?
Thừa Chí nghĩ tới Thanh Thanh, mặt đỏ bừng, mỉm cười không trả lời.
An đại nương thở dài nói:
- Nhân tài xuất chúng như cháu, không biết có tiểu thư nào có phúc được làm vợ cháu!
Nàng nghĩ tới Tiểu Tuệ liền thở dài một tiếng, rồi nghĩ thầm: “Con Tiểu Tuệ với y là bạn hoạn nạn từ hồi nhỏ. Nếu y làm rể của ta, con Tuệ có phải được nhờ vả suốt đời không? Nhưng con bé lại cứ thích cái thằng ngốc Thôi Hy Mẫn. Thật là duyên ai phận nấy không sai chút nào.”
Thấy Lý Nham, An đại nương và Thừa Chí nói chuyện tư, ba người họ Phạm, Lê, và Hầu liền cáo lui.
Người họ Phạm nói:
- Viên minh chủ, sáng sớm mai ba anh em chúng tôi sẽ đem thủ hạ tới đây để Minh chủ sai bảo.
Thừa Chí nói:
- Được.
Ba người xin cáo lui. Lý Nham và Thừa Chí thắp nên trò chuyện thiên hạ đại thế. Thật là anh hùng tương ngộ, càng nói càng ý hợp tâm đầu, chỉ hận biết nhau hơi muộn.
Cho tới khi gà gáy, mặt trời đã rạng đông, cả hai còn chưa muốn đi nghỉ. Lý Nham quay lại thấy An đại nương ngồi ngẩn người ra nhìn người chồng đang bị trói nằm dưới đất liền khẽ gọi:
- An đại nương!
An đại nương ngửng đầu lên nhìn. Lý Nham hỏi:
- Đại nương định xử trí người này như thế nào?
Trong lòng bối rối như mớ bòng bong, An đại nương chỉ lắc đầu không biết trả lời ra sao.
Lý Nham biết nàng không thể quyết định được nên quay lại hỏi Thừa Chí rằng:
- Tôi với chú chia tay ở đây phải không?
Thừa Chí đáp:
- Không, đệ còn muốn tiễn Lý tướng quân đi một quãng đường.
Hai người dắt tay nhau ra khỏi căn nhà đó, thủng thẳng ra đi vừa trò chuyện, các người tùy tòng và hai con đười ươi cũng đi theo độ bảy tám dặm, Lý Nham nói: “Tốn quân thiên lý, chung cư nhứt biệt!” (Tiễn chàng đi ngàn dặm, rốt cuộc cũng phải chia tay). Chú nên trở lại đi.
Hai người ý hợp tâm đầu, Thừa Chí vẫn muốn đi theo chuyện trò nữa.
Lý Nham lại nói:
- Tôi với chú mới gặp nhau đã trở nên tri kỷ. Nếu chú vui lòng, chúng ta cùng nhau kết nghĩa làm anh em nhé?
Thừa Chí cả mừng, hai người liền ngừng chân ở bên vệ đường, nặn đất làm hương nến, quỳ lạy trước trời đất, kết nghĩa kim lan. Lý Nham lớn hơn làm anh, hai người lại nói thêm một lát, rồi mới gạt lệ chia tay.
Dắt hai con đười ươi, Thừa Chí quay trở về khách điếm đã thấy ba người họ Phạm, Lê, và Hầu cùng mấy chục tên tráng hán túc trực tại đó rồi. Những người đó kẻ ngồi người đứng, chật ních cả nhà ngoài nhà trong khách điếm.
Thanh Thanh, chàng Câm, và Hồng Thắng Hải không biết đi đâu. Còn những tùy tòng của A Chín đều là thị vệ cả, thấy nhiều người lạ mặt ở cả trong phòng, không dám lộ diện. Thừa Chí liền nói với Phạm Phi Vân rằng:
- Phạm đại ca, anh dẫn mấy anh em đi về phía Nam điều tra hộ xem bọn quan binh Tây phương vận tải Hồng Y đại bác đi thẳng lên phía bắc, hay là chúng đã quay trở lại phía Nam rồi? Và hỏa tốc trở về cho tôi hay tin ngay.
Được lệnh, Phạm Phi Vân liền đem theo ba đại hán ra khỏi khách điếm phóng ngựa đi ngay.
Phạm Phi Vân vừa đi khỏi, Sa Thiên Quảng và Trình Thanh Trúc đã về tới khách điếm, trông thấy Thừa Chí đều cả mừng. Sa Thiên Quảng nói:
- Ồ, Viên tướng công đã về đấy à?
Thừa Chí chưa kịp trả lời, đã thấy Thanh Thanh, chàng Câm chạy xổ vào trong khách sảnh. Đầu tóc của Thanh Thanh bị gió thổi bù rối, hai má đỏ hồng lên. Nàng trông thấy Thừa Chí mừng quá, với giọng oán hờn nói:
- Tại sao đến giờ mới về thế?
Tới lúc này, Thừa Chí mới hay vì mình đi không dặn bảo trước, ai nấy thấy lâu không về, đều bủa đi các nơi tìm kiếm. Thấy mặt Thanh Thanh vẫn còn vẻ lo âu, chàng cảm động vô cùng, vào trong phòng liền kể hết sự thể cho nàng nghe. Thanh Thanh cúi đầu, không nói năng gì cả. Thấy sắc mặt nàng khác thường, Thừa Chí vội hỏi:
- Tại anh cả, làm em phải lo lắng thế này!
Thanh Thanh vẫn còn hờn giận, làm thinh như cũ. Không hiểu nàng giận mình vì lẽ gì, Thừa Chí nói lảng ra chuyện khác:
- Vừa rồi anh kết nghĩa với một vị đại anh hùng, chú lại có thêm một người anh rồi đấy.
Tuy là con gái, Thanh Thanh mặc giả trai luôn luôn, nên Thừa Chí cứ quen miệng gọi là chú.
Thanh Thanh nói:
- Anh mà vô lương tâm, thì lấy người anh ấy làm gì?
Thừa Chí nói:
- Thôi, anh xin lỗi chú, lần sau anh không làm cho chú phải lo lắng như thế này nữa.
Thanh Thanh nói:
- Lần sau đã có người khác lo lắng hộ cho rồi. Anh cần gì phải lo lắng hộ nữa.
Nói xong, Thanh Thanh luôn không thèm quay lại, hình như nàng đang giận dỗi một chuyện gì.
Thừa Chí đưa mắt nhìn theo Thanh Thanh khe khẽ lắc đầu, rồi trở về phòng mình nghỉ ngơi…
Chàng thức giấc, Thừa Chí sang phòng không thấy Thanh Thanh, chẳng hiểu nàng đã đi đâu rồi.
Thừa Chí lo sợ bước ra ngoài đi tìm Thanh Thanh. Đi được một quãng Thừa Chí nghe có tiếng la hét ở phía trước.
Thừa Chí chạy nhanh tới trước, trông thấy Thanh Thanh, Hồ Quế Nam, và Thiết La Hán đang đánh nhau với một người đàn ông và ả đàn bà phương Tây.
Thiết La Hán bị tên đàn ông phương Tây to lớn bắn trúng một phát đạn, vừa ôm tay vừa chạy, kêu la ầm ĩ.
Tên đàn ông phương Tây lại chĩa mũi súng ngay Thanh Thanh làm nàng cuống cuồng cả lên.
Thừa Chí kinh hãi phóng mìnnh tới, ném một quân cờ ngay khẩu súng ngắn trong tay gã đàn ông to lớn.
Rảng!
Khẩu súng ngắn rời khỏi bàn tay gã đàn ông phương Tây bay bổng ra ngoài xa, rơi trở xuống đất.
Thừa Chí bước tới, cản trước mặt Thanh Thanh, đưa mắt nhìn gã đàn ông phương Tây.
Hắn trợn mắt trỏ tay vào Thanh Thanh tuôn ra một loạt tiếng gì Thừa Chí không rõ.
Tên thông ngôn người Hán nói với Thừa Chí:
- Ông ta hỏi tại sao đương nhiên cô kia lại chận đường phá rối vợ chồng ông.
Biết Thanh Thanh tìm người chọc phá, Thừa Chí nhìn mọi người:
- Bọn chúng ta trở về thôi, ở đây sẽ có chuyện xảy ra lớn lao.
Bốn người trở lại, lui bỏ mặt vợ chồng người phương Tây và tên thông ngôn đứng đó.
Trở về dọc đường…
Vừa chạy, Thừa Chí vừa hỏi:
- Tại sao chú lại bị bọn chúng hành hung như thế?
Thanh Thanh đáp:
- Biết đâu đấy!
Thấy mặt nàng vẫn còn hậm hực, Thừa Chí mỉm cười không hỏi nữa.
Chạy được hơn hai mươi dặm, mọi người ngừng lại, xuống ngựa nghỉ ngơi. Hồ Quế Nam dùng dao lấy viên chì nằm trong thịt ra cho Thiết La Hán. Đau quá, Thiết La Hán kêu la và chửi mắng om sòm. Thấy vậy, Thanh Thanh bứt rứt trong lòng, kéo Thừa Chí sang một bên, khẽ nói:
- Ai bảo con ấy ăn mặc lố lăng, để hở hang hai cánh tay, không biết xấu hổ!
Không hiểu nàng nói gì, Thừa Chí ngơ ngác hỏi:
- Ai cơ chớ?
Thanh Thanh đáp:
- Con đàn bà Tây phương ấy!
Thừa Chí nói:
- Nó ăn mặc như thế thì việc gì đến chú nào?
Thanh Thanh cười nói:
- Trông chướng mắt quá, em bực mình dùng hai đồng tiền đồng ném gẫy đôi hoa tai của nói.
Thừa Chí không nhịn được cười, cười ồ rồi hỏi:
- Hà! Chú quấy nhiễu thật. Sao, rồi thế nào nữa?
Thanh Thanh cười đáp:
- Tên sĩ quan Tây phương thủa ngày nọ, nhận ra em, liền gọi bọn lính chĩa súng vào em. Không hiểu tiếng, em cứ tưởng chúng muốn thách em đấu kiếm. Sợ gì chúng mà em không dám đấu. Đang lúc ấy thì anh với các anh em vừa tới.
Thừa Chí hỏi:
- Tại sao chú bỏ ra đi một mình như thế?
Thanh Thanh đang hớn hở, thấy Thừa Chí hỏi như vậy, đổi ngay sắc mặt, vênh váo nói:
- Hừ, anh còn nói gì nữa? Anh đã làm gì, anh không biết hay sao?
Thừa Chí nói:
- Quả thật anh không biết anh đã làm việc gì mích lòng chú?
Thanh Thanh quay đầu đi không trả lời. Biết tánh của nàng, cứ giả vờ coi thường chuyện đó, không thèm hỏi, là nàng không nhịn được phải nói ra ngay. Thừa Chí liền nói sang chuyện khác:
- Chú Thanh, hỏa khí của lính Tây phương lợi hại lắm. Chú xem có cách gì đánh cướp được những khẩu đại bác của chúng không?
Thanh Thanh nổi giận nói:
- Ai nói chuyện ấy với anh?
Thừa Chí nói:
- Thôi được, để anh đi thương lượng với anh Sa Thiên Quảng vậy.
Nói xong, chàng đứng dậy định đi. Thanh Thanh vội kéo ngay vạt áo của chàng lại, và nói:
- Em chưa nói xong, cấm không cho anh đi.
Thừa Chí vừa cười vừa ngồi xuống. Một lát sau, Thanh Thanh mới nói:
- Cô em gái Tiểu Tuệ của anh đâu?
Thừa Chí đáp:
- Từ hôm chia tay đến giờ anh chưa gặp cô ta bao giờ. Và ai biết cô ta đâu cơ chứ?
Thanh thanh hậm hực nói:
- Thế còn người khác đâu?
Thừa Chí ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, chú nói người khác nào? Người khác là ai thế?
Thanh Thanh dậm chân một cái, quay luôn vào trong phòng cho tới bữa cơm trưa cũng không ra ăn. Thừa Chí gọi phổ ky bưng cơm nước vào trong phòng cho nàng dùng. Rồi chàng nghĩ thầm: “Không hiểu nàng giận ta việc gì? Chờ lát nữa cơm xong, ta vào trong phòng xin lỗi nàng vậy. Vì ta mà nàng phải lo sợ nửa ngày…”
Vừa nghĩ tới đó, chàng đã thấy phổ ky bưng cơm nước quay trở lại, liền hỏi:
- Cô nương không dùng ư?
Phổ ky đáp:
- Thưa Tướng công, đại cô nương không có ở trong phòng.
Giật mình kinh hãi, bỏ bát đũa xuống, Thừa Chí chạy xổ vào trong phòng, không thấy hình bóng Thanh Thanh đâu, mà cả khí giới lẫn túi dết cũng không thấy nốt.
Biết nàng đã bỏ đi, trong lòng lo lắng vô cùng, bề ngoài Thừa Chí vẫn bình tĩnh, nghĩ thầm: “Nàng giận dỗi bỏ đi. Đi đâu nàng không cho hay? Nàng tuy có võ nghệ thật, nhưng dễ gây nên tai họa lắm. Như thế này rắc rối cho ta không? Đang có công việc lớn phải thi hành, ta thân hành đi kiếm sao?”
Nghĩ đoạn, chàng sai Hồng Thắng Hải đi kiếm, hễ thấy tung tích nàng ở đâu, trở về cho hay tin ngay.
Chờ tới chiều tối, Phạm Phi Vân phi ngựa trở về, vừa vào tới cửa liền nói:
- Thưa Tướng công, quan binh Tây phương quả nhiên quay trở lại phía Nam thật. Chúng ta phải đuổi theo ngay mới kịp.
Thừa Chí nhảy phắt lên, dặn chàng Câm giữ hai con đười ươi ở lại khách sạn canh giữ những hòm sắt bảo vật. Rồi chàng dẫn Sa Thiên Quảng, Trình Thanh Trúc, Hồ Quế Nam, Thiết La Hán, bọn anh em Phạm Phi Vân, và các đại hán Hà Bắc phóng ngựa tiến thẳng về phía Nam. Đến sáng sớm ngày thứ ba, xuyên qua một thị trấn nhỏ, bọn Thừa Chí quả nhiên trông thấy mười khẩu đại bác xếp hàng một đều ở trước cửa một tửu quán nọ. Mỗi khẩu đại bác có sáu tên lính Tây phương bồng súng canh gác.
Thiết La Hán nói:
- Đói lắm rồi! Đói lắm rồi!
Thừa Chí nói:
- Chúng ta lên tửu quán này để tái ngộ hai viên sĩ quan ngoại quốc cũng hay.
Tám người cùng lên thẳng tửu lầu. Thiết La Hán đi trước, vừa lên tới trên lầu đã thất kinh là lớn. Thì ra lúc ấy mấy tên lính Tây phương cầm súng đang nhắm Thanh Thanh bắn. Tay chúng đã sửa soạn bóp cò, tình thế rất nguy hiểm. Còn phía bên kia, Bỉ Đắc, Lô Mông và cô gái Tây phương Nhược Khắc Lâm đang ngồi cạnh cái bàn. Thấy các vị anh hùng lên lầu, Lô Mông liền chỉ nói mấy câu tiếng Tây, lại có mấy tên lính ngoại quốc chĩa súng vào các người, quát lớn bắt giơ hai tay lên.
Nhanh trí không, Thừa Chí cầm luôn hai cái bàn bày ở đó ném luôn vào người bọn lính Tây, đồng thời phi thân tới cạnh Thanh Thanh, vít vai nàng cùng ngồi xổm xuống.
“Đoành, đoành…” mấy tiếng, khói bốc lên trần nhà, mấy khẩu súng đều nổ một lúc, những đạn chì bắn ngập cả vào mặt bàn.
Sợ hỏa khí lợi hại, Thừa Chí vội kêu gọi:
- Tất cả xuống hết nhà dưới.
Nắm tay Thanh Thanh, chàng cùng mọi người xuyên qua cửa sổ nhảy xuống dưới lầu. Lô Mông cả giận, rút luôn súng ngắn ra bắn xuống phía dưới.
Thiết La Hán kêu “ối chà!” một tiếng, mông đít đã bị bắn trúng một phát, đứng không vững sắp ngã. Sa Thiên Quảng vội chạy lại đỡ luôn. Các người nhảy lên mình ngưạ phóng về phía Nam. Hồi đó hỏa khí của ngoại quốc bắn xong một phát, phải nhồi thuốc và đạn vào mới bắn tiếp được. Nên tới khi bọn quan binh Tây phương sửa soạn bắn tiếp thì mọi người đã chạy mất dạng rồi. Thừa Chí và Thanh Thanh cùng cỡi chung một con ngựa.
Thừa Chí kề ngựa lại gần Thiết La Hán:
- Chuyện xảy ra như thế nào?
Thiết La Hán đáp:
- Lúc nãy chúng tôi theo bọn người Tây phương, tới chỗ trú ngụ của chúng để dò la tin tức.
- Rồi sao nữa?
- Tôi và anh Sa Thiên Quảng lẻn vô phòng nghe bọn chúng nói chuyện, nhưng toàn là tiếng lạ nghe không rõ, kế đó mấy tên này bỏ ra ngoài, tôi lẻn vào đánh cắp được mấy khẩu súng.
- Ồ! Mấy khẩu súng ở đâu rồi?
- Tôi cất một khẩu, còn một khẩu cô Thanh Thanh đòi lấy nên tôi đã trao cho cô ấy.
Thừa Chí day lại:
- Chú Thanh, khẩu súng đâu rồi?
Thanh Thanh cười cười:
- Khẩu súng tôi cất trong mình đây.
- Chú đưa tôi xem.
- Lát nữa rồi sẽ xem.
Thiết La Hán hỏi:
- Viên tướng quân, giờ chúng ta trở về khách sạn phải không?
- Phải! Chúng ta trở về khách sạn rồi mọi chuyện sẽ tính sau.
Thanh Thanh ngồi chung ngựa với Thừa Chí ra đường, nhắm khách sạn đi lại. Thanh Thanh bỗng bật cười như có điều gì thích thú lắm.
Thừa Chí quay lại:
- Chú Thanh cười gì đấy?
Thanh Thanh đáp:
- Lát nữa anh sẽ rõ.
Thừa Chí hoài nghi trong lòng nhưg không hỏi nữa vì biết Thanh Thanh tánh hay giận hờn, có thể phóng xuống ngựa bất ngờ và chạy đi.
Chàng cũng không hiểu tại sao mình lại chìu chuộng cô gái đến thế, nhưng vì còn nhiều chuyện bận rộn, chàng không có thời gian nhàn rỗi để suy tư.
Chợt nghe phía sau bọn người Tây phương đuổi theo rất gấp, Thừa Chí nói:
- Chúng ta hãy chạy mau, bọn chúng có hỏa lực nguy hiểm lắm!
Bọn người chạy nhanh hơn trước, dần dần tiếng người đuổi theo ở phía sau xa ra rồi mất dạng.
Lúc bấy giờ bọn Thừa Chí, Thanh Thanh mới cho ngựa đi chậm lại.
Tới khách sạn, mọi người ngồi quanh một cái bàn trò chuyện về hỏa lực của bọn người Tây phương.
Thanh Thanh cầm một khẩu súng lên chơi, sơ ý bấm phải cò, đoành một tiếng, khói tỏa ra khắp căn phòng. Sa Thiên Quảng, ngồi ở phía trước nàng, may nhanh nhẹn chui ngay xuống gầm bàn mới tránh khỏi tay bay vạ gió đó. Thanh Thanh sợ hãi, mặt tái xanh, vội xin lỗi luôn mồm. Sa Thiên Quảng lè lưỡi và nói:
- Lợi hại thật!
Mọi người đem hai khẩu súng kia ra xem xét, thấy trong nòng có nhồi thuốc súng và đạn chì.
Thừa Chí nói:
- Thứ thuốc nhồi trong nòng súng vốn của người Trung Quốc mình phát minh. Chúng ta chỉ dùng nó làm pháo đốt chơi, còn người Tây phương lại dùng thứ thuốc này làm võ khí gϊếŧ người. Đội hình Tây Âu này có hơn trăm người, hơn một trăm khẩu súng cùng bắn ra một lúc, hỏa lực mạnh vô cùng chớ không phải chuyện chơi đâu!
Mọi người đều nghĩ cách để đối phó. Hồ Quế Nam nói:
- Viên tướng công, đệ có một quỷ kế nho nhỏ này, không biết có thể dùng được không?
Thừa Chí hỏi:
- Kế gì thế? Anh cứ việc nói ra.
Hồ Quế Nam vừa cười vừa nói kế đó ra. Thanh Thanh vỗ tay khen ngợi. Sa Thiên Quảng công nhận kế đó rất thần diệu. Ngẫm nghĩ một lúc, Thừa Chí cũng nhận thấy cần phải mạo hiểm như vậy mới có kế quả, liền hạ lịnh bố trí.
Hãy nói, Lô Mông và Bĩ Đắc vì tranh dành nàng mỹ nhân Nhược Khắc Lâm mà đêm khuya đấu kiếm. Sự thật thì Nhược Khắc Lâm với Bĩ Đắc yêu nhau từ lâu rồi. Lô Mông tuy tự phụ là người phong lưu mã thượng, nhưng không có dịp may để xen chân vào, sau mới nghĩ ra cách đấu kiếm. Rốt cuộc đấu kiếm y cũng thua tình địch, liền sử dụng gian tế, lại bị Thừa Chí bỗng ở đâu tới phá bĩnh. Vì y là quan trên, Bĩ Đắc đành phải nghiến răng cam chịu, chỉ cẩn thận đề phòng, chớ không dám báo thù.
Ngày hôm đó, bọn quan binh Tây phương đi tới một làng nọ. Làng này tên Vạn Công thôn, chỉ có ba trăm nóc nhà thôi. Lúc ấy trời đã tối, bọn chúng đành phải vào nhà thờ của họ Vạn để nghỉ ngơi. Nửa đêm, bỗng nghe tiếng người ồn ào, lính canh gác vội vào báo cáo, trong làng có nhà cháy. Lô Mông và Bĩ Đắc dậy ngay tức thì, thấyngọn lửa rất gần nơi đó liền ra lịnh cho binh lính khuân hết các thùng thuốc súng ra để ngoài bãi cỏ.
Trong lúc bối rối, những người trong làng xách thùng nước cứu hỏa đến quây quần nhà thờ nọ và hắt nước khắp mọi nơi. Lô Mông quát hỏi nguyên nhân tại sao lại tạt nước tứ tung như vậy? Mấy chục người làng nói với Thông dịch viên Tiền Thông Tứ rằng:
- Nhà này là nhà thờ duy nhất của chúng tôi. Trong lúc cháy nhà chúng tôi phải đem nước tới tạt cho thật ước trước, để khỏi bị thần hỏa cháy lan tới.
Thấy lời nói rất có lý, Lô Mông đành phải để yên cho họ tạt nước. Ngờ đâu người làng tạt vào cả những thùng thuốc súng. Bọn binh lính thấy vậy vội dùng cán súng đánh đuổi. Nhưng đuổi sao cho xuể? Có người còn tạt cả vào người các binh lính Tây phương nữa. Không đầy chốc lát, xung quanh nhà thờ bịt tạt nước đẫm như hồ ao. Tất cả đại bác, thùng thuốc súng, và những khẩu súng của binh cũng bị ướt đẫm cả. Còn căn nhà bị cháy đã tắt dần.
Cho tới sáng ngày hôm sau, Lô Mông và Bĩ Đức ra xem xét, thấy thuốc súng bị ướt sũng hết thảy, liền nghi ngờ có người âm mưu, vội ra lện cho lên đường ngay. Đang sửa soạn khởi hành, bỗng có một tên tiểu quan quân tới báo cáo rằng:
Không hiểu tại sao đêm hôm qua, những lừa ngựa kéo đại bác đã chạy mất dạng hết cả. Giận quá, Lô Mông liền đánh cho tên tiểu quan quân một trận nên thân, rồi sai Tiền Thông Tứ dẫn các binh lính Tây phương vào trong làng trưng tập. Ngờ đâu, cả một cái làng to lớn như thế mà không co một con lừa con ngựa nào cả.
Sự thật thì người làng hay tin trước đã đem lừa ngựa dấu đi nơi khác rồi. Lô Mông đành phải sai Bĩ Đắc đi cùng Tiền Thông Tứ tới thành thị phía đằng trước mộ tập vậy.
Bĩ Đắc liền đem theo bốn tên lính và dắt Nhược Khắc Lâm đi theo. Lô Mông tức giận vô cùng, liền đốc thúc binh lính mở thùng lấy hết thuốc súng ra, đổ lên trên chiếu phơi. Cho tới chiều tối hôm đó, thuốc đã sắp khô hẳn, Lô Mông đang sai binh lính đổ vào thùng thì bỗng có mấy chục mũi tên lửa ở trên nóc nhà đầu làng bắn tới. Thuốc súng gặp lửa bùng cháy rất chóng. Bọn binh lính thấy vậy, mất cả hồn vía, bỏ chạy tán loạn.
Hò hét mãi, Lô Mông mới đốc thúc nổi binh lính xếp hàng thành đội ngũ và bắn một loạt súng vào các nhà của dân làng. Trong đám khói lan man, có mấy chục đại hán chạy trốn vào trong rừng. Kiểm điểm thuốc súng, Lô Mông thấy bị đốt cháy mất 80, 90 phần trăm, buồn bực vô cùng, chỉ có cách canh phòng cẩn thận thêm để khỏi bị cháy nốt chỗ còn lại thôi. Chờ tới ngày thứ ba, Bĩ Đắc mới trưng tập được mấy chục con lừa ngựa về để kéo đại bác.
Hôm sau, bọn quan binh Tây phương lại tiếp tục lên đường. Đi được bốn năm ngày, hôm đó đi tới khe núi, một con đường hiểm đạo, vừa dốc vừa chật hẹp. Lô Mông và Bĩ Đắc chỉ huy binh sĩ, mỗi chiếc đại bác dùng mười người ở phía sau lôi kéo, để khỏi bị bắn trượt xuống chân núi.
Đường núi càng đi càng nguy hiểm, trong lúc mọi người đang chăm chú vào lối đi, bỗng trong khe núi có mấy chục mũi tên bắn ra. Mười mấy mũi bắn trúng binh lính Tây phương và mười mấy mũi bắn trúng lừa ngựa. Đau quá, mười mấy con lừa ngựa cứ cắm đầu mà chạy thẳng, bọn lính Tây phương kềm giữ sao nổi. Khẩu đại bác nào cũng nặng mấy ngàn cân bị lừa ngựa lôi kéo xuống dốc, thế mạnh vô song. Chạy được vàitrăm thước, lừa ngựa bị sa xuống hố đào sẵn ở giữa lối đi, thế là hai khẩu đại bác lôi theo bị lật nhào, chỉ nghe thấy “ùm ùm” mấy tiếng, mấy tên lính bị đại bác đè bẹp như tương. Tiếp theo đó tám khẩu đại bác đi sau cũng bị sa hố lật đổ rồi lăn xuống hang núi hết cả.
Lô Mông và Bĩ Đắc sợ hãi mất hết hồn vía còn Nhược Khắc Lâm thì kinh hãi đến chết giấc. Chưa kịp ra tay cứu tỉnh nàng nọ, Bĩ Đắc đã phải ra lịnh cho binh lính phục xuống, để chống cự lại kẻ địch.
Đối phương núp trong hố đào sẵn ở bên sườn núi, nên súng đạn không sao trúng được. Mà những mũi tên của địch bắn xuống binh lính Tây phương không có chỗ tránh núp, nên chết khá nhiều.
Chiến đấu hơn hai tiếng đồng hồ, binh lính Tây phương không sao thoát khỏi vòng vây.
Lô Mông nói:
- Đạn dược của chúng ta còn rất ít, bây giờ có cách xông bừa đi mới được mong thoát chết.
Bĩ Đắc nói:
- Gọi Tiền Thông Tứ tiến lên hỏi xem, bọn thổ phỉ muốn đòi hỏi cái gì?
Lô Mông nổi giận nói:
- Với bọn thổ phỉ chỉ có cách xông pha thôi, chớ nói với chúng sao được? Nếu anh không dám xông thì để tôi xông trước vậy.
Bĩ Đắc nói:
- Cung tên của thổ phỉ lợi hại lắm. Hy sinh và mạo hiểm như vậy vô ích.
Lô Mông đưa mắt nhìn Nhược Khắc Lâm, rồi nhổ nước mắt xuống đất chửi đổng rằng:
- Hèn nhát!
Tức giận xanh cả mặt, Bĩ Đắc hạ thấp giọng nói:
- Bây giờ ta không thèm cãi vã với mi vội, chờ đánh lui được bọn thổ phỉ ta sẽ cho mi biết vô lễ như thế này sẽ phải trả giá đắt như thế nào?
Lô Mông nhảy lên lớn tiếng kêu gọi:
- Ai là anh hùng hảo hán thì theo ta!
Bĩ Đắc cũng lớn tiếng gọi:
- Đại tá Lô Mông muốn chết đấy à?
Bọn binh lính Tây phương cũng biết xông ra khỏi cái hố ấy là bị tên bắn chết ngay, nên không ai chịu theo Lô Mông cả. Quả nhiên, Lô Mông múa kiếm lên khỏi mặt hố, đi được vài bước, đã bị một mũi tên xuyên qua ngực nằm lăn ra chết liền.
Nhờ có súng ống lợi hại, kẻ địch không dám tới gần, Bĩ Đắc với bọn binh lính mới cầm cự được một ngày một đêm, chỉ mong có quan binh Triều đình tới cứu viện.
Ngờ đâu quan trường thời cuối Minh hủ bại vô cùng, muốn điều binh khiển tướng phải làm công văn thỉnh thị và thương nghị xuất binh, vân vân, ít ra năm bữa nửa tháng mới xuất binh được.
Đến chiều tối ngày thứ hai, bọn binh lính Tây phương đói và khát đến nỗi tối sầm mặt mày, đành phải giơ cờ trắng xin hàng. Tiền Thông Tứ lớn tiếng nói:
- Chúng tôi xin đầu hàng!
Trên sườn núi có một người lớn tiếng trả lời:
- Muốn hàng thì vứt hết súng ống ra ngoài hố trước!
Bĩ Đắc nói:
- Chúng ta không thể nào nộp hết súng ống cho chúng được.
Thấy bọn Tây phương không nộp súng, bên kia cũng không tấn công. Một lát sau, bỗng có mùi thịt rất thơm đưa tới. Những binh lính Tây phương đã nhịn đói hai ngày rồi, làm sao chịu được nữa. Ai nấy đều vứt cả súng ống lên trên mặt hố, rồi nhảy lên giơ tay đầu hàng. Thấy đại thế không còn, Bĩ Đắc đành phải hạ lịnh nộp súng đầu hàng. Bọn binh lính xếp súng thành một đống rồi kêu la đòi ăn uống.
Tiếng tù và ở sườn núi nổi lên, trong hàng có mấy trăm tên đại hán nhô ra, tay cầm cung tên chĩa vào bọn binh lính Tây phương. Tám, chín người thủ lãnh đi trước từ từ tiến tới. Nhìn rõ mặt, Bĩ Đắc mới hay người thủ lãnh của địch là thiếu niên đã cứu mình thoát nạn ở trong khách sạn bữa nọ. Bên cạnh y là người đàn bà mặt nam phục, mà bữa trước bị Lô Mông bắn rớt cái mũ xuống đất. Nhược Khắc Lâm lên tiếng nói trước:
- Ồ, ra là bọn người có phép thuật ma quỷ đấy!
Bĩ Đắc rút thanh kiếm ở bên hông ra, hai tay bưng ngang nộp Thừa Chí, tỏ vẻ đầu hàng thật sự. Y nghĩ thầm, thua người thanh niên tài ba này, cũng không đến nỗi nhục nhã lắm.
Thoạt tiên, ngẩn người giây phút, không hiểu đối phương làm như thế để làm gì? Sau Thừa Chí mới hay, đó là lễ nghi đầu hàng của người Tây phương, liền xua tay, rồi nói với Tiền Thông Tứ rằng:
- Thầy thông nói cho y hay. Binh lính Tây phương đem đại bác tới giúp chúng tôi bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, chúng tôi rất cảm tạ và coi y là người bạn tốt.
Tiền Thông Tứ thông ngôn lại cho Bĩ Đắc hay. Gật đầu tán thành, Bĩ Đắc giơ tay bắt lấy Thừa Chí. Giây phút sau, Thừa Chí lại nói tiếp:
- Nếu các người tới Đồng Quan, giúp nhà vua gϊếŧ hại nhân dân, chúng tôi tất nhiên không để cho yên đâu!
Bĩ Đắc nói:
- Thế ra là nhà vua bảo chúng tôi đi gϊếŧ hại nhân dân đấy à? Điều này tôi không hay biết gì cả.
Thấy vẻ mặt y thành thật, Thừa Chí biết y không nói ngoa, liền nói:
- Hiện giờ nhân dân Trung Quốc khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc, nên ai nấy đều mong mỏi co người đứng ra lãnh đạo, đánh đổ nhà vua để thoát khỏi bể khổ. Nhà vua hay tinLý tướng quân quật khởi, hướng dẫn cách mạng, liền ra lệnh cho các người đem đại bác đi gϊếŧ hại nhân dân.
Bĩ Đắc cảm động, liền nói:
- Tôi xuất thân cũng là người nghèo, rất hiểu đau khổ của giới đó như thế nào! Thôi tôi trở về nước tức thì.
Thừa Chí nói:
- Thế thì hay lắm! Ông nên cho binh lính đi theo một thể.
Bĩ Đắc liền tập họp bộ đội, xếp hàng chuẩn bị lên đường. Thừa Chí bảo bộ hạ đem rượu và thị ra thế đãi binh lính Tây phương ăn một bữa no say. Bĩ Đắc giơ tay lên kính chào Thừa Chí, rồi ra lịnh cho binh sĩ lên đường.
Thừa Chí lớn tiếng gọi:
- Tại sao ông không đem những súng ống này đi?
Tiền Thông Tứ thông ngôn lại, Bĩ Đắc ngạc nhiên nói:
- Những súng đó là chiến lợi phẩm của các ông. Chúng tôi được các ông buông tha mà không bắt nộp tiền chuộc mạng, đã cám ơn quý ông khoan hồng đại lượng lắm rồi!
Thừa Chí cười nói:
- Ông đã mất số đại bác mà không đem súng ống này đi, tôi chỉ sợ về tới nơi đại bản doanh, ông bị khiển trách nặng nề hơn. Thôi, đem đi cả đi!
Bĩ Đắc nói:
- Thế quý ông không sợ chúng tôi dùng những súng này bắn lại quý ông hay sao?
Thừa Chí cả cười:
- Đại trượng phu, nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Nam nhi hảo hán Trung Quốc chúng tôi rất trọng nghĩa khí, đã coi ông là hảo hán thì không bao giờ còn nghi ngờ ông nữa!
Bĩ Đắc thấy chàng trai như vậy, càng cảm động thêm, liền ra lịnh cho binh lính bồng hết súng ống, rồi xếp hàng ra đi.
Đi được một quãng đường, càng nghĩ càng kính phục Thừa Chí, Bĩ Đắc ra lịnh cho binh lính ngồi nghỉ ngơi, rồi cùng Tiền Thông Tứ quay trở lại móc túi lấy một gói đồ ra đưa cho Thừa Chí và nói:
- Thấy ngài hào hiệp như vậy, tôi xin tặng một vật này.
Mở gói đồ ra xem, Thừa Chí mới hay đó là bản đồ một hòn đảo. Trên đó có chú thích rất nhiều chữ Tây phương, không hiểu gì cao, ngửng đầu nhìn Bĩ Đắc với vẻ mặt nghi ngờ chất vấn.
Bĩ Đắc nói:
- Đây là một hòn đảo lớn ở về phía Nam, cách bờ biển độ hơn một nghìn dặm. Khí hậu trên đảo rất ôn hòa, các sản vật rất phong phú. Thật không khác gì một nơi thiên đường, khi đi qua đó, tôi đã lên quan sát rồi.
Thừa Chí hỏi:
- Chẳng hay ông tặng cho tôi bức địa đồ này để làm gì?
Bĩ Đắc trả lời:
- Quý ông ở đây chiến đấu vất vả như thế này, thà đem những người thiếu ăn thiếu mặc ra đó khai khẩn, còn sung sướиɠ hơn nhiều.
Thừa Chí cười thầm và nghĩ rằng: “Tâm địa của người ngoại quốc này cũng tốt đấy. Nhưng y có biết đất nước Trung Quốc chúng ta lớn rộng biết bao? Dân chúng có hàng ức, thì cái đảo nho nhỏ này làm sao đủ ở được?”
Nghĩ đoạn, chàng liền nói:
- Cái đảo này không có người ở hay sao?
Bĩ Đắc đáp:
- Đảo đó có khi giặc bể Tây Ban Nha tới ở ít lâu lại đi. Có khi không có một bóng người nào. Các vị anh hùng hảo hán như thế này thì sợ gì bọn giặc bể ấy?
Thấy y có lòng thành thật như vậy, Thừa Chí cảm tạ và nhận lấy. Bĩ Đắc vừa đi khỏi, Tiền Thông Tứ cũng đi theo. Thanh Thanh bỗng kéo tay tên thông ngôn đó lại và quát lớn:
- Lần sau, ta còn gặp ngươi tác oai tác quái, bắt nạt đồng bào thì liệu hồn nhé?
Bị kéo tai đau quá, Tiền Thông Tứ không dám kêu la chỉ năn nỉ nói:
- Tiểu nhân không dám ạ! Xin hảo hán tha cho…
Thừa Chí chỉ huy các người xem xét lại mười khẩu đại bác, thấy hư hỏng hết cả, liền ra lệnh cho lấp đất lên. Thế là những hỏa khí giới lợi hại ấy đều bị vùi chôn dưới hố, không còn tang tích gì nữa.
Thấy đại công đã hoàn tất, Thừa Chí cùng các hào kiệt và bọn Phạm Phi Vân liên hoan nửa ngày. Sáng sớm ngày hôm sau, chàng chờ chàng Câm và Hồng Thắng Hải tới mới khởi hành đi lên Bắc Kinh.
Lần này công của Hồ Quế Nam lớn nhất, tất cả kế hoạch làm ướt thuốc súng, đào hố đánh bẫy, vân vân, đều do y nghĩ ra. Từ đó mọi người đều kính trọng chớ không coi thường y như trước nữa.