Quyển 1 - Chương 18

Vừa bước vào phòng ông Kim, Đình hỏi:

- Anh cho gọi tôi?

Chờ Đình ngồi xuống, ông Kim rót chén nước đẩy về phía Đình:

- Chè Hồng Đào đấy nhưng chắc không ngon bằng chè Tân Cương ông biếu cho ông Ẩn đâu.

- Sao anh biết tôi biếu chè cho anh Ẩn?

- Hôm qua, qua làm việc ông ấy rót chè mời, thấy ngon quá hỏi mua đâu, ông ấy bảo ông biếu.

- Cậu Lai ở Ban tôi quê ở Thái Nguyên có mẹ ốm xin về thăm. Khi lên cậu ấy biếu tôi mấy lạng chè Tân Cương, tôi đưa qua cho anh Ẩn mấy ấm uống cho vui.

- Nghe nói chè này mang ra khỏi nơi trồng khó lắm, không biết có đúng không?

- Chẳng riêng gì chè Tân Cương. Chè hiện nay được coi như mặt hàng chiến lược. Các loại chè muốn ra khỏi đất Thái Nguyên từ một cân trở xuống phải có giấy phép của chủ tịch huyện. Mang quá một cân phải xin phép chủ tịch tỉnh. Cậu Lai ở Ban tôi mang một cân chè Tân Cương không dám đi đường cái, phải vòng hết đường làng này qua huyện khác mới về được đây an toàn.

- Chẳng biết ai đề ra cái chủ trương quái đản này không biết. Nói những chuyện ấy càng thấy tức anh ách. Vào công việc nhé. Tớ định họp Thường vụ bàn mở một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho các đảng viên trong toàn đảng bộ về tình hình và nhiệm vụ đối với nông nghiệp nói chung, Hợp tác xã nói riêng trước tình hình mới. Tớ cho mời ông sang giao cho ông khẩn trương biên soạn tài liệu cho đợt sinh hoạt này để thông qua Thường vụ.

- Anh cho hướng chỉ đạo.

- Theo tớ thì tài liệu có những phần sau đây. Trước hết nêu đặc điểm tình hình chung, trong đó nổi bật nhất là Mỹ ráo riết đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ra trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Với miền Bắc thì chuyển toàn bộ nền kinh tế vào thời chiến. Nêu lên những khó khăn thuận lợi chung. Phần thứ hai: Đánh giá tình nông nghiệp cũng như tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh nhà hiện tại. Đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của Hợp tác xã. Phần thứ ba là trách nhiệm của đảng bộ các cấp và đảng viên đối với nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh nhà trước tình hình mới. Đấy là tớ nói những nét chính, còn lại là phần của trưởng ban tuyên huấn. Khi đánh giá tình hình của Hợp tác xã, ông cần tham khảo thêm ý kiến của các đồng chí phái viên của Ban nông nghiệp Trung ương. Các anh nằm mấy tháng nay ở tỉnh ta, chắc các anh ấy hiểu chính xác tình hình của các Hợp tác xã.

- Nếu phái viên của Ban nông nghiệp Trung ương đánh giá tình hình Hợp tác xã khác với tỉnh ủy thì nên lấy ý kiến của ai?

- Theo ông?

- Theo tôi là ta nên đánh giá tình hình Hợp tác xã theo quan điểm đánh giá của trên.

Ông Kim chăm chú nhìn Đình rồi vớ lấy cái điếu cày rít một hơi, nói bằng giọng châm biếm nhưng đầy vẻ kiên quyết:

- Theo quan điểm đánh giá của ai tùy ông. Nhưng nói phải chính xác, phải có sức thuyết phục người nghe. Hỏi đảng viên dưới cơ sở người ta gật đầu bảo ông nói đúng, hỏi nông dân, nông dân bảo ông nói như vậy là chính xác. Còn nếu như người ta bảo ông nói bậy, lừa mị dân, tuyên truyền láo toét thì thà đừng viết còn hơn.

Đình hơi bất ngờ trước thái độ của ông Kim:

- Sao anh lại nổi nóng với tôi? Anh bảo tôi tham khảo mấy anh phái viên Ban nông nghiệp Trung ương, tôi hỏi anh nếu các anh ấy nhận định khác với ta thì sao chứ tôi có nói gì đâu mà khiến anh phật lòng nào.

- Có lẽ tớ hơi nóng – Ông Kim nhận ra mình nóng vô lí nên dịu giọng – Thôi, về làm việc đi. Ba hôm nữa thông qua thường vụ có được không?

- Tôi sẽ cố gắng.

Bà Thường gặp Đình đi ra với bộ mặt cau có nên vừa bước vào phòng đã hỏi ông Kim:

- Hai người vừa cãi nhau à?

- Bực quá nổi cáu một tí chứ có cãi nhau gì đâu.

- Hôm qua máy bay Mỹ vẫn tiếp tục đánh phá trạm ra-đa Phú Bình hay còn đánh đâu nữa không?

- Tiếp tục và còn đánh vào cả một trận địa cao xạ bảo vệ cầu Gia Liễn. Tình hình căng quá. À, chị có suy nghĩ gì về việc làm ăn của Hợp tác xã Hồng Vân không?

- Không ngờ quần chúng lại nhiều sáng kiến như vậy.

- Theo chị có nên nhân rộng việc này ra toàn tỉnh không?

- Chưa nên.

- Sao thế?

- Hiện tại tổ phái viên của Ban Nông nghiệp Trung ương đang nằm cạnh ta. Việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân về phương diện nào đó nó vi phạm những nguyên tắc của tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa. Nếu mở rộng ra các ông phái viên biết mà yêu cầu đình lại thì coi như ngọn lửa vừa được nhen nhóm đã bị dập tắt. Không có cơ hội làm lại nữa đâu.

Ông Kim lặng yên suy nghĩ một lát rồi bảo:

- Chị nói đúng. Phải nâng niu ngọn lửa cho thật chắc chắn trước khi dùng nó đốt lên thành đám cháy. Mà khi đã thành đám cháy rồi thì chẳng có ai dập tắt nổi.

- Chú có nhớ tuần sau là giỗ ông cụ không? – Bà Thường chuyển câu chuyện.

- Vẫn nhớ đấy chị ạ. Còn những mười ngày nữa cơ mà.

- Thế chú định tổ chức giỗ như thế nào?

- Tình hình thời chiến làm đơn giản thôi chị ạ.

- Không được đâu. Thời chiến thì thời chiến chứ đừng tính chuyện sơ sài. Bố mẹ khi sống, con cái có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Khi về với tổ tiên phải lo cúng giỗ đàng hoàng. Đó cũng là hiếu nghĩa. Biết rằng bố mẹ chẳng ăn được nhưng cái lẽ ở đời phải theo.

- Vâng, vâng. Xin nghe lời chị.

Bà Thường cầm điếu cày vê thuốc cho vào nõ rít một hơi thật dài. Ông Kim cười:

- Chị bảo qua trao đổi với tôi việc gì?

- Tôi muốn qua trao đổi với chú về vụ kỷ luật của đồng chí Hạp, bí thư huyện ủy Linh Sơn.

- Đã thống nhất trong ban thường vụ là xử lí kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ghi lí lịch rồi mà?

- Sau khi họp ban thường vụ về, tôi cứ phân vân thấy không yên lòng. Với trách nhiệm của một trưởng ban thanh tra tỉnh ủy, tôi đã đọc đi đọc lại các tài liệu báo cáo về những sai phạm của đồng chí Hạp cũng như bản tự kiểm điểm của đồng chí ấy. Tôi thấy xử lí hình thức kỷ luật bằng cảnh cáo ghi lí lịch thì nhẹ quá.

- Ý kiến của ban thanh tra thế nào?

- Theo tôi, ngoài việc cảnh cáo ghi lí lịch thì nên để đồng chí Hạp thôi giữ cương vị bí thư huyện ủy.

Ông Kim ngồi trầm ngâm, lát sau nói:

- Kể ra một bí thư huyện ủy hủ hóa đã là khuyết điểm rồi. Đằng này lại đi hủ hóa với vợ của người đang đi chiến đấu thì quá tệ. Nhưng xét cho cùng người đàn bà kia cũng phải chịu một phần trong đó. Trong khi chồng đi chiến đấu, ở nhà lại đi tằng tịu với người khác. Hơn nữa đã nói hủ hóa có nghĩa là có sự đồng tình của cả hai người, mà biết đâu người đàn bà kia tấn công trước thì sao. Vậy tại sao lại đổ hết trách nhiệm lên người đàn ông là thế nào?

Bà Thường:

- Chú làm bí thư mà đi lập luận đến hay.

- Nghe hai tiếng hủ hóa thấy nó ghê gớm quá chứ chẳng qua chỉ là sinh hoạt giữa đàn ông và đàn bà. Tội của tay Hạp so với tội của mấy thằng Chủ nhiệm Hợp tác xã để cho dân đói chẳng thấm vào đâu. Có kỷ luật nặng, phải kỷ luật những thằng này. Tay Hạp là một trong những bí thư huyện ủy rất có năng lực lãnh đạo. Kiểm điểm, kỷ luật thì cứ việc. Nhưng đừng vùi dập khi tội của người ta chưa đến mức phải khai trừ, cách chức.

- Dư luận quần chúng thì sao? Liệu đồng chí Hạp còn đủ uy tín để lãnh đạo nữa không?

- Quần chúng ác khẩu nhưng không ác tâm. Người ta nhìn vào những gì tay Hạp đã làm cho huyện Linh Sơn để đánh giá tư cách của hắn ta. Tôi nghĩ thường vụ huyện ủy Linh Sơn đề nghị lên tỉnh ủy mức kỷ luật như vậy chắc họ cũng đã cân nhắc rồi. Chị khỏi phải lăn tăn. Nếu chị thấy chưa thoải mái thì ta trao đổi lại trong thường vụ trước khi gửi quyết định kỷ luật xuống cho huyện ủy Linh Sơn.

- Tôi thấy phân vân nên trao đổi lại với chú thế thôi.

_________