Lịch sử ghi công những người xuất chúng theo những cách cũng không bằng phẳng như con đường đi của chính họ. Câu chuyện về ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (sau là Vĩnh Phú) gập ghềnh, trắc trở như câu chuyện của những nhân tài tuy đi qua cõi đời không dài nhưng đã để lại dấu ấn ngoạn mục. Điều mà lịch sử có thể làm được là gắn tên ông với danh xưng vì con người – “cha đẻ của khoán hộ” – người đã mạnh dạn cho ra đời phương thức sản xuất nông nghiệp cứu sống cả hàng chục triệu người Việt Nam.
Tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy dựa trên nguyên mẫu cuộc đời ông Kim Ngọc, tái hiện lại quãng thời gian vài năm ra đời, phát triển và kết cục của khoán hộ, tiền thân của khoán 10 sau này. Đây cũng là quãng đời của nhân vật Bí thư Hoàng Kim cùng những đồng chí của ông đi tìm phương thuốc chữa căn bệnh nghèo đói của người nông dân.
Để bạn đọc ngày nay có được một cái nhìn đối chiếu xác thực, xin giới thiệu đôi nét về ông Kim Ngọc.
- 10-10-1917: Kim Ngọc sinh ra tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên thật là Kim Văn Nguộc.
- 1939: Tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam.
- 1954: Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc.
- 1958: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc.
- 10-9-1966: Nghị quyết 68 - nghị quyết “khoán hộ” ra đời.
- 1968: Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, tiếp tục giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú cho đến năm 1978.
- Giữa tháng 12-1968: Ban bí thư yêu cầu Tỉnh ủy Vĩnh Phú chấn chỉnh việc khoán hộ.
- 26-5-1979: Kim Ngọc mất tại Vĩnh Phúc.
- 8-1979: Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết chấp nhận khoán hoa màu.
- 1980: Tỉnh ủy Vĩnh Phú cho khoán với cây lúa. Khoán 10 trở thành phổ biến.
- 1995: Kim Ngọc được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
- 1996: Tên Kim Ngọc được đặt cho hai ngôi trường quê hương ông.
- 2005: Tên Kim Ngọc được đặt cho đường chính của thành phố Vĩnh Yên.
- 2009: Kim Ngọc được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Từ những sự kiện phong phú đó và các tư liệu khác, nhà văn Vân Thảo đã xây dựng nên cuốn tiểu thuyết về một nhân vật Bí thư Tỉnh ủy, giới thiệu một người cộng sản chân chính, suy nghĩ và hành động trên cơ sở lý tưởng của Đảng và thực tiễn đời sống nhân dân chứ không phải trên giấy tờ hành chính. Bên cạnh câu chuyện Khoán hộ, những bài học về nhân cách, đạo đức và dũng khí của một người lãnh đạo là những bài học đáng suy ngẫm như lời nhân vật Hoàng Kim đã khẳng khái:
“Tôi đã quyết định thà chịu tội với trời còn hơn là mắc tội với đất. Tôi tin rằng lịch sử sẽ chứng minh cho việc làm của tôi”.
Ngoài nhân vật trung tâm Hoàng Kim lấy từ nguyên mẫu ông Kim Ngọc, những nhân vật liên quan chủ yếu có tính hư cấu. Nhà xuất bản tôn trọng ý tưởng nghệ thuật của tác giả về một con người có tầm vóc lớn.
Tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy có lời giới thiệu của Giáo sư Đặng Phong và lời bạt của tác giả. Giáo sư Đặng Phong là tác giả của hàng chục ngàn trang sử kinh tế Việt Nam như Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nhật ký thời bao cấp, Phá rào trong kinh tế cũng như bộ Năm đường mòn Hồ Chí Minh (NXB Tri Thức). Ông từng là Tổng biên tập tờ Vật giá của Ủy ban Vật giá Trung ương. Ông giảng dạy ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và là chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường Đại học ở các nước như Pháp, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc, Cuba… Lý do ông nhận lời viết lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết này là “tôi viết vì ông Kim Ngọc”.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bằng tấm lòng tri ân của thế hệ sau.
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ