Theo logic, tôn trọng pháp luật thì phải tôn trọng mọi quy định của pháp luật, từ nội dung, phương thức, cho đến trình tự và đương nhiên là cả khe hở. Một là vì bản thân khe hở pháp luật cũng chính là một bộ phận không thể chia cắt trong một điều khoản nào đó; hai là một con người cứ dùng hết tâm trí để luồn lách khe hở pháp luật, bản thân vẫn là một người tôn trọng pháp luật, hành động của anh ta vẫn là chuyện “pháp luật không thể ngăn cấm”.
Có điều, theo yêu cầu pháp chế “phát luật đứng đầu, người người bình đẳng”, đứng trước một khe hở của pháp luật, cũng phải tuân thủ quan điểm người người bình đẳng. Bên cạnh đó, luồn lách khe hở luôn đòi hỏi một trí tuệ và đầu óc nhạy bén (tức phải có một hướng tư duy ngược với nhà lập pháp, hoặc nắm bắt được chìa khóa của vấn đề). Vì vậy, luồn lách khe hở pháp luật là cách nói dành cho những người thông minh, trong khi phần lớn những người còn lại chỉ có thể hành động theo kiểu bịt tai nhắm mắt trước một điều khoản pháp luật nào đó. Đối với những người Do Thái xem việc nghiên cứu pháp luật là một nghĩa vụ trong đời hoặc một nghề cha truyền con nối, bất kỳ pháp luật nào cũng có khe hở. Hơn nữa, có nhiều điều khoản mà khe hở của nó cũng to không kém gì cửa chính của tòa án, chỉ cần nắm được phương pháp đúng đắn, hành động gọn gàng là có thể tự do ra vào; đặc biệt là đối với những hệ thống pháp luật được xây dựng dưới cái nhìn kỳ thị đối với người Do Thái, họ nhất định sẽ càng xem xét kỹ, tìm kiếm cho ra những khe hở của nó.
Có điều, so với hành động phá lưới leo rào của những người không chịu tuân thủ pháp luật, thói quen luồn lách khe hở pháp luật một cách êm ái nhẹ nhàng của người Do Thái vừa không khiến người khác chú ý, lại không gây cảm giác bất an, có thể giữ cho khe hở được trường tồn, giúp người sau vẫn có thể luồn lách dễ dàng.
Trong thời gian nổ ra đại chiến thế giới thứ 2, đất nước Ba Lan đã rơi vào tay của phát xít Đức, quốc gia nhỏ bé lân cận là Lithuania cũng lâm vào tình thế sắp bị thôn tính. Rất nhiều người Do Thái tranh nhau rời khỏi Lithuania, quá cảnh vào Nhật Bản để đến các nước khác lánh nạn.
Một hôm, nhân viên kiểm tra điện tín của chính phủ Nhật Bản đến gặp vị đại diện của Hội đồng Do Thái là ông Sayow Anan, yêu cầu ông phiên dịch và giải thích một bức điện tín chuyển đến thủ đô Vilnius của Lithuania.
Trong bức điện có một câu như sau: “shish Omiskad-shimb, talisehad.”
Ông Anan lúc đó đã giải thích rằng, đây là một bức điện báo do giáo sĩ Kalisz gởi cho một người đồng sự ở Lithuania, bàn về một số vấn đề liên quan đến nghi lễ của Do Thái giáo, ý nghĩa là: “Sáu người có thể đội chung một chiếc khăn để tiến hành nghi thức cầu nguyện”.
Nhân viên kiểm tra thấy lời giải thích có lý, nên đã đồng ý phát bức điện tín ấy đi.
Kỳ thực, bản thân Anan cũng không hiểu, câu nói trong bức điện tín là có ý nghĩa gi, sao tự nhiên lại nhắc đến câu “sáu người có thể đội chung một chiếc khăn để tiến hành nghi thức cầu nguyện”.
Sau này, ông đã được gặp giáo sĩ Kalisz và đưa ra thắc mắc của mình về vấn đề kể trên.
Giáo sĩ Kalisz nhìn ông bằng một ánh mắt buồn bã thâm trầm, tựa như đang nói: “Một người Do Thái làm sao có thể không hiểu câu cách ngôn ‘Talmud’ nổi tiếng này cơ chứ!”
“Ông thực sự không hiểu sao? Ngụ ý của nó là sáu người có thể dùng chung một giấy chứng nhận để đi lại”.
Bấy giờ, Anan mới hiểu ra vấn đề. Giáo sĩ Kalisz vừa mới rời khỏi châu Âu chuyển đến Nhật Bản, điều mà ông quan tâm nhất trong lúc này chính là những đồng bào Do Thái còn đang kẹt lại ở Lithuania. Ông biết, visa quá cảnh mà chính phủ Nhật cấp tại thủ đô Vilnius của Lithuania được tính theo đơn vị gia đình. Thế là, ông đã bí mật kiến nghị những người Do Thái ở đây, dù sáu người không có quan hệ thân thuộc với nhau, cũng hãy cứ tập hợp thành một đơn vị gia đình để cùng nhau đến xin visa quá cảnh. Bằng cách đó, sẽ có nhiều người Do Thái có được cơ hội rời khỏi đất nước Lithuania đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh.
Thực ra, bình tâm suy xét, người Nhật chưa từng nghiên cứu ngụ ngôn “Talmud”, không biết rằng rất nhiều quy định xem ra hết sức rõ ràng chính xác khi đặt riêng rẽ với nhau, nhưng khi đặt vào trong một hoàn cảnh cụ thể, hoàn toàn có thể xuất hiện rất nhiều góc độ “không rõ ràng chính xác”. Vì vậy, khi từng “gia đình sáu người” Do Thái từ Lithuania cứ lần lượt đặt chân lên các hòn đảo của nước Nhật, chính quyền sở tại chỉ còn biết ngạc nhiên trước sự thống nhất cao độ trong tổ chức gia đình của người Do Thái.
Gia đình tỉ phú dầu mỏ Rockefeller cũng có rất nhiều câu chuyện luồn lách khe hở pháp luật.