- 🏠 Home
- Làm Giàu
- Sách Hay
- Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái
- Chương 56: George Soros: Kẻ Khuấy Lên Cơn Bão Tiền Tệ Châu Á Thái Bình Dương
Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái
Chương 56: George Soros: Kẻ Khuấy Lên Cơn Bão Tiền Tệ Châu Á Thái Bình Dương
George Soros, một người Mỹ gốc Do Thái, được giới doanh nghiệp và tiền tệ thế giới xưng tụng là “thiên tài tiền tệ”. Từ khi thành lập “Ngân quỹ song ưng” vào năm 1969 cho đến nay, ông đã xây dựng được một cơ nghiệp đáng kinh ngạc. Với mức tăng trưởng bình quân 35% mỗi năm, các đồng nghiệp của ông ở thị trường phố Wall đều phải cúi đầu thán phục. Dường như trong ông có một nguồn siêu năng lực, phủ trùm lên cả thị trường tiền tệ thế giới. Một câu nói của ông có thể khiến tình hình giao dịch của một thương phẩm hay một loại tiền tệ phải chịu biến động lớn, giá cả thị trường cũng lên xuống theo những lời bình luận của ông.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, các quốc gia phát triển ở châu Âu đang trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế, trong khi đó, nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á lại tăng trưởng như một kỳ tích. Trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng kinh tế, mô thức phát triển kinh tế của Đông Nam Á là một tấm gương cho các quốc gia đang phát triển học tập. Các quốc gia Đông Nam Á đều hết sức lạc quan đối với tình hình kinh tế nước mình, để đẩy mạnh bước tăng trưởng kinh tế, tất cả đều đua nhau mở rộng chế độ quản lý và thúc đẩy tự do hóa thị trường tiền tệ, với hi vọng có thể trở thành một trung tâm tiền tệ mới của thế giới. Nhưng có lẽ vì quá ngất ngây trong ánh sáng rực rỡ của tăng trưởng kinh tế, nên họ đã sơ suất bỏ qua một vài nhân tố hết sức quan trọng. Chủ yếu chỉ dựa vào sự tăng trưởng ở đầu tư vòng ngoài chẳng khác gì việc xây lâu đài trên cát, khiến thị trường tiền tệ quốc gia phơi mình ra giữa cuộc chơi đầu tư quốc tế mà không có lấy một vật gì làm bảo đảm, rất dễ nếm đòn công kích của các đối thủ trên thế giới. Thêm vào đó, với tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đầu tư quá độ vào địa ốc, đánh giá cao quy mô xí nghiệp và nhu cầu thị trường, nguy cơ phát sinh một cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng.
Kinh tế Đồng Nam Á xuất hiện một lỗ hổng lớn đến như vậy, tất nhiên không thể thoát khỏi cặp mắt của Soros.
Soros quyết định tập kích vào đồng bath Thái, sau đó sẽ quét sạch toàn bộ thị trường tiền tệ Đông Nam Á. Tháng 3 năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố 9 công ty tài vụ và một công ty cho vay nhà ở có giá trị tài sản không cao, nguồn vốn lưu động không đủ. Nhận định cơ hội ngàn năm có một đã đến, Soros lập tức bán đổ bán tháo đồng bath Thái, khiến nó liên tục rớt giá. Vào thời điểm thấp nhất, 1 đô la Mỹ có thể đổi được 26,7 bath. Trong tình thế cấp bách, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã sử dụng rất nhiều biện pháp ứng cứu, như huy động 12 tỉ đô la ngoại hối để mua vào đồng bath Thái.
Những hành động mạnh tay của chính phủ Thái khiến cho giá thành giao dịch đang tăng của Soros bỗng chốc phải chịu tổn thất 300 triệu đô la, nhưng ông vẫn tin tưởng vào nhận định ngay từ ban đầu của mình, dù chính phủ Thái có dốc toàn lực phòng vệ, họ cũng không thể chống được sự công kích của ông.
Hạ tuần tháng 6, Soros đã tập trung đủ nguồn vốn cần thiết, tiếp tục mở một đợt tấn công lớn khác vào đồng bath Thái. Các cuộc giao dịch lớn rơi vào tình trạng hỗn loạn, đồng bath Thái rớt giá thảm hại, mọi người tranh nhau bán. Chính phủ Thái điều động 30 tỉ đô la dự trữ ngoại hối và 15 tỉ đô la vốn nước ngoài, cố gắng cứu vãn tình hình, nhưng con số 45 tỉ đô la đó chẳng thấm vào đâu so với nguồn tiền đang ồ ạt đổ ra thị trường Thái.
Đến ngày 2 tháng 7, chính phủ Thái không còn đủ sức chống cự với Soros, đành phải thay đổi chế độ tỉ giá hối đoái đã duy trì trong 13 năm qua, thực hiện chế độ tỉ giá hối đoái trôi nổi. Đồng bath Thái càng rớt giá thậm tệ, Trong phút chốc, chính phủ Thái đã bị các nhà đầu cơ quốc tế ẳm đi 4 tỉ đô la, túi tiền của rất nhiều người Thái cũng bị móc sạch. Chiến dịch bước đầu đã thành công, Soros quyết định tấn công toàn bộ Đông Nam Á, đánh một mẻ lưới thật lớn. Cơn bão “Soros” nhanh chóng ập vào Indonexia, Philippines, Myanmar, Malaysia. Đồng tiền của các quốc gia này cũng lập tức giảm giá mạnh, tạo nên một cảnh tượng kinh tế vô cùng ảm đạm, công xưởng đóng cửa, ngân hàng phá sản, vật giá leo thang… Cơn bão “Soros” đã cuốn đi hơn 10 tỉ đô la của khu vực kinh tế còn đang khốn đốn này. Nhưng cơn bão ấy vẫn tiếp tục ập đến một trong những thị trường mạnh nhất của khu vực Đông Á là Hong Kong nhưng thất bại.
Thất bại trong cuộc tập kích vào thị trường tiền tệ Hong Kong đã giúp Soros rút ra được một kinh nghiệm: Không nên đánh giá quá cao năng lực của mình trong thị trường tiền tệ thế giới. Nếu không, đến một lúc nào đó, thị trường tiền tệ sẽ khiến bạn phải nếm mùi đau khổ.
Soros xứng đáng được xem là nhà đầu tư số một trên thế giới. Từ lúc bước chân vào thị trường tiền tệ quốc tế đến nay, những thành tích mà ông đạt được không ai có thể sánh bằng. Tuy cũng từng phải nếm trải vị đắng của thất bại, nhưng ông luôn biết cách vượt qua, mạnh mẽ vươn lên từ chính nơi mình đã ngã xuống. Ông tựa như một thân cây “trường xuân” trên thị trường tiền tệ thế giới, thu hút được rất nhiều “nhà đãi vàng” luôn ấp ủ một khát vọng vươn đến thành công.
Có người gọi Soros là “sát thủ tiền tệ”, là “ma quỷ”. Nguồn vốn đầu cơ do ông sở hữu và chi phối đã gây nên những trận sóng gió cho thị trường tiền tệ thế giới, cuốn đi biết bao tài sản của các quốc gia, vét sạch túi tiền của hàng vạn người, khiến họ bỗng chốc trở thành những kẻ trắng tay. Ông từng biện giải cho chính mình rằng, ông đầu cơ tiền tệ, chỉ vì mục đích kiếm tiền. Trong giao dịch, một số người được lợi, một số khác lại chịu tổn thất, đó là chuyện hết sức bình thường, ông hoàn toàn không có ý làm hại ai. Ông không bao giờ cảm thấy mình phải gánh vác tội lỗi đối với bất kỳ người nào đã chịu tổn thất trong thị trường đầu cơ, vì chính bản thân ông cũng đã từng gánh chịu những tổn thất nặng nề. Quan niệm kinh doanh ấy càng cho chúng ta thấy rõ huyết thống Do Thái trong con người ông.
Bất kể thái độ yêu ghét như thế nào, tài năng trong lĩnh vực tiền tệ của Soros luôn được mọi người công nhận. Theo tính toán, tài sản của ông thậm chí còn cao hơn tổng giá trị tài sản quốc nội của 42 quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Quốc. Giàu hơn 42 quốc gia, đó là một con số quá đủ để khẳng định tài năng siêu phàm trong lĩnh vực tiền tệ của Soros.
- 🏠 Home
- Làm Giàu
- Sách Hay
- Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái
- Chương 56: George Soros: Kẻ Khuấy Lên Cơn Bão Tiền Tệ Châu Á Thái Bình Dương