Dân tộc Do Thái xưa nay xem trọng giao ước, đồng thời lấy việc tuân thủ giao ước làm căn bản cho việc lập thân. Đến cả quan hệ với Thiên Chúa cũng được xem là một dạng quan hệ giao ước, chứ không như các dân tộc khác, luôn xem mối quan hệ với thần thánh là một nghĩa vụ tuyệt đối, một mối quan hệ vô điều kiện giữa người thống trị với người bị thống trị. Có điều, giao ước một khi được thành lập, những hạn định cụ thể lập tức có tính “tuyệt đối” và “vô điều kiện”, không bao giờ có thể thay đổi. Rõ ràng, tính nghiêm túc này trong giao ước luôn thể hiện được sự công bằng. Trong tình huống đôi bên ký kết giao ước đều xuất phát trên nền tảng tự nguyện, đặc điểm này lại càng được thể hiện rõ hơn.
Tuy nhiên, sự công bằng này chỉ tồn tại trên hình thức, hoàn toàn không đồng nghĩa với sự công bằng trong nội dung giao ước. Trong bất kỳ giao ước nào, đôi bên tham gia lập ước cũng đều mang động cơ mưu cầu lợi ích lớn nhất cho bản thân mình, tìm đủ cách để tăng thêm những quy định có lợi cho mình. Trong trường hợp vừa nêu trên, một bên sẽ nằm ở thế yếu rõ rệt, nên không thể cự tuyệt yêu cầu do bên kia áp đặt.
Mười hai chi tộc của người Do Thái bắt nguồn từ mười hai anh em có quan hệ huyết thống với nhau. Cha của họ chính là Jacob.
Khi còn trẻ, Jacob từng qua phương Đông làm công cho người cậu của mình, sau đó kết hôn với hai người con gái vốn là hai chị em. Trải qua nhiều năm, theo lời hứa của Đấng tối cao, ông đã đưa vợ con về đất Canaan.
Trên đường đi, vào một đêm nọ, một người lạ mặt xuất hiện và đòi đấu vật với Jacob. Hai người giao đấu với nhau đến tận mờ sáng. Người lạ mặt thấy không thể thắng được Jacob, bèn đánh một cú vào đùi Jacob, khiến ông bị sái gân đùi.
Người lạ mặt nói: “Trời sáng rồi, hãy để ta đi!”
Nhưng Jacob không chịu: “Ngài không chúc phúc cho tôi, tôi sẽ không để ngài đi”.
Người kia bèn hỏi ông: “Ngươi tên là gì?”
Jacob bèn nói tên họ của mình cho người lạ mặt biết.
Người lạ mặt nói: “Tên của ngươi sẽ không còn là Jacob, mà sẽ đổi là Israel. Vì ngươi đã đấu thắng được cả thần linh”.
Israel là danh xưng sau khi lập quốc của người Do Thái. Nó có ý nghĩa là “người đấu vật với thần linh”.
Thiên Chúa thi đấu với con người, lại sử dụng một động tác không hợp lệ. Nhưng vì sao người Do Thái lại ghi chép tường tận câu chuyện ấy vào “Kinh Cựu Ước” – bộ sách thiêng liêng nhất của dân tộc mình? Phải chăng họ có thái độ không mấy tôn kính đối với Thiên Chúa?
Có thể là trong cách thức đấu vật của người Do Thái cổ, không có quy định “thành văn rõ ràng” về việc dùng tay đánh vào đùi của đối thủ. Trong trường hợp đó, Thiên Chúa chỉ đơn thuần là đã lách được kẽ hở của một quy định không mấy chặt chẽ. Còn chuyện con cái Thiên Chúa, tức dân Do Thái ghi chép lại câu chuyện Thiên Chúa lợi dụng khe hở, lý do xác đáng nhất có thể đưa ra là do nhu cầu thần thánh hóa hành động “luồn lách khe hở”, tức khả năng hành động phi pháp trong sự hợp pháp.