Từ xưa đến nay, dân tộc Do Thái nổi tiếng thế giới một phần cũng nhờ vào hệ thống “thanh quy giới luật” đa dạng của mình. Họ luôn cảm thấy tự hào và tôn kính đối với 613 điều luật của dân tộc mình. Có thể các dân tộc khác sẽ cảm thấy thắc mắc: “Lấy dây tự buộc mình, có gì mà tự hào kia chứ?”
Thắc mắc đó chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về dân tộc Do Thái. Trong hiện thực cuộc sống, dân tộc Do Thái là dân tộc ít muốn chịu sự bó buộc nhất. Bởi vì, quy định càng nhiều, càng tường tận, trên một ý nghĩa nào đó, điểm không bị hạn chế cũng càng nhiều. Ngược lại, một hạn chế mới xem qua dường như không có gì rõ ràng, nhưng thế này cũng không được, thế kia cũng không xong, khiến con người không biết phải cư xử như thế nào cho thích đáng. Vì vậy, khi đem ra so sánh, người Do Thái lại dành cho mình rất nhiều tự do. Sự tự do đó được biểu hiện trong thương nghiệp chính là thương nhân Do Thái dường như không có khu vực cấm trong hoạt động làm ăn.
Người Do Thái không ăn thịt heo, vì đó là một điều cấm kỵ được ghi chép rõ ràng trong luật định của người Do Thái. Có điều, chỉ cần có thể kiếm được tiền, người Do Thái vẫn rất hăng hái trong việc… buôn bán thịt heo. Tại thành phố Chicago, có một người Do Thái chuyên nghề nuôi heo. Số heo trong trang trại của ông lên đến hơn 70 triệu con, 10% thị phần thịt heo của nước Mỹ bị khống chế bởi người Do Thái này. Qua đó có thể thấy, luật định liên quan đến thịt heo không hề có sức ràng buộc đối với hoạt động buôn bán thịt heo của người Do Thái. Bởi vì luật pháp chỉ ngăn cấm sự tiếp xúc giữa miệng và hệ thống tiêu hóa của người Do Thái với thịt heo, chứ không hề ngăn cấm một bộ phận nào khác trên thân thể tiếp xúc với heo.
“Talmud” không đánh giá cao vai trò của rượu khi nói rằng: “Khi ma quỷ muốn đến làm quen một người nào đó mà không có cơ hội, nó sẽ phái rượu đi thay cho mình”, cách nói ấy cũng rất phù hợp với danh từ “ma rượu” mà chúng ta vẫn hay sử dụng – người say rượu chẳng khác gì ma quỷ.
Vì vậy, “Talmud” dặn dò người Do Thái rằng: “Tiền nên được dùng vào công việc mua bán, chứ không nên dùng vào việc rượu chè”.
Vậy “tiền để dùng vào việc mua bán… rượu” thì thế nào? Tất nhiên đó sẽ là một công việc kinh doanh hoàn toàn hợp pháp và kiếm được nhiều tiền. Một mặt phải nghĩ cách không để tiền của mình chui vào thùng rượu của người khác, mặt khác phải tìm cách để tiền của người khác chui vào thùng rượu của mình.
Công ty sản xuất rượu Scotland là công ty sản xuất rượu lớn nhất thế giới được thành lập bởi người Do Thái. Năm 1971, công ty có 57 xưởng sản xuất rượu, phân bố ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới, sản xuất 114 loại rượu khác nhau.
Người Do Thái không chỉ coi trọng việc thiết lập và tuân giữ giao ước, mà còn thần thánh hóa nó đến mức cao độ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đưa tờ hợp đồng lên trên bàn thờ để cúng bái mỗi ngày. Ngược lại, chỉ cần có bên bán, bên mua, bản thân hợp đồng cũng trở thành một thương phẩm có thể đem ra mua bán. Đương nhiên, hợp đồng đó cần phải hợp pháp, đáng tin và có thể đem lại nguồn lợi.
Trong các thương nhân Do Thái, có một nhóm người được gọi là “factor”, nghĩa là “đại lý thương nghiệp”. Thực ra, cách dịch ấy không thực sự chính xác. Công việc chuyên môn của các factor là mua hợp đồng. Họ mua lại hợp đồng đã được ký kết của một công ty, xí nghiệp nào đó, thay thế bên bán thực hiện hợp đồng, qua đó tìm kiếm lợi nhuận cho mình.
Ví dụ, bạn đã ký kết một hợp đồng cung cấp hàng trị giá 2 triệu đô la cho một công ty nào đó. Sau đó có một factor nhận thấy có thể tìm được nguồn lợi bên trong hợp đồng này, anh ta sẽ tìm cách thương thảo giá cả, mua lại hợp đồng. Sau đó, đích thân anh ta sẽ cung cấp hàng cho bên cần mua, phần lợi nhuận kiếm được tất nhiên phải cao hơn rất nhiều so với số tiền anh ta đã bỏ ra để mua lại hợp đồng từ công ty của bạn.
Hợp đồng là thương phẩm, công ty cũng là thương phẩm.
Người Do Thái rất thích thành lập công ty, đặc biệt là các công ty có thể kiếm được lợi nhuận. Có điều, phương thức được họ ưa chuộng nhất có lẽ là thành lập các công ty có lợi nhuận cao, sau đó lại bán công ty để kiếm được lợi nhuận cao hơn nữa.
Có thể thấy rằng, “buôn bán không có khu vực cấm” không chỉ là không có khu vực cấm trong nội dung giao dịch, mà còn là không có khu vực cấm đối với đối tượng giao dịch.
Người Do Thái là công dân thế giới. Nhưng bất luận thế giới ngày nay đã phân chia thành bao nhiêu hình thái ý thức, người Do Thái vẫn chỉ có một hình thái ý thức – Thiên Chúa Jehovah và pháp luật của Người.
Vì vậy, ngay cả thời điểm cuộc chiến tranh lạnh đang phủ trùm và bóp nghẹt bầu không khí hòa bình trên toàn thế giới, các thương nhân Do Thái ở Mỹ và Liên Xô vẫn tiến hành buôn bán với nhau. Chính phủ các quốc gia sao có thể can dự vào công việc nội bộ của một gia đình?
Đối với câu nói “buôn bán không có khu vực cấm”, cách lý giải tốt nhất sẽ là: “Nó thể hiện được bản lĩnh của người Do Thái trong hoạt động buôn bán, tức khả năng vượt qua những ảnh hưởng và cản trở từ cái nhìn thiên kiến hoặc một hình thái ý thức thuần túy nào đó. Thông qua đó, tạo ra cho mình một mức độ tự do hoạt động lớn nhất”.