Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 32: Warren Buffett: Nguồn Gốc Của Thiên Tài Là Không Ngừng Học Tập

« Chương TrướcChương Tiếp »
Đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát, thị trường tiền tệ phố Wall cũng rơi vào cảnh tiêu điều xơ xác. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, ngày 30 tháng 8 năm 1930, tại Nebraska miền Trung nước Mỹ, một thiên tài đầu tư vĩ đại của thế kỷ 20 đã chào đời, một tấm gương điển hình cho thành công của các thương nhân Do Thái, đó chính là Warren Buffett.

Đối với những người đã giành được thành tựu huy hoàng vĩ đại, tài năng của họ thường được bộc lộ ngày từ tuổi còn thơ. Ngày Warren Buffett “kết duyên” với cổ phiếu, có lẽ phải được tính từ khi ông mới bắt đầu bập bẹ học nói.

Nói đến lĩnh vực đầu tư cổ phiếu, Warren Buffett rõ ràng đã được kế thừa những điều kiện ưu việt từ người cha. Howard là một người môi giới cổ phiếu, đồng thời còn là một nghị viên quốc hội, những sách vở liên quan đến cổ phiếu được chất thành đống trong nhà. Điều này khiến cho Warren Buffett ngay từ nhỏ đã cảm nhận được không khí của hoạt động đầu tư cổ phiếu. Ông có một niềm hứng thú đặc biệt với các con số. Năm 8 tuổi, Buffett bắt đầu say mê đọc những loại sách này. Cả ông nội và cha của Warren Buffett đều mở tiệm kinh doanh tạp hóa khi còn trẻ. Từ năm 8 tuổi, Warren Buffett cũng bắt đầu học buôn bán. Ông mua Coca Cola từ cửa hàng của gia đình rồi bán lại cho bạn bè với giá cao hơn 5 cent. Trong vòng hơn một năm, ông đã trở thành “ông chủ nhỏ” nổi tiếng nhất trong khu phố. Năm 11 tuổi, ông trở thành người ghi chép bảng giá cổ phiếu cho công ty Cities Service Preferred (nơi làm việc của cha ông). Công việc này càng giúp ông hiểu rõ hơn về mối quan hệ “mua vào thấp, bán ra cao”, hứng thú của ông cũng chuyển hướng từ buôn bán nhỏ sang kinh doanh cổ phiếu.

Năm 13 tuổi, Warren Buffett cùng với cha mình (mới đắc cử nghị viên quốc hội) chuyển đến sinh sống tại thủ đô Washington. Tuy cuộc sống gia đình hết sức khá giả, nhưng do đã tự lập ngay từ nhỏ, ông xin làm công việc phát báo cho tờ Bưu điện Washington và tờ Tiền phong thời đại. Điều thú vị là, sau này ông đã trở thành đại cổ đông của tờ Bưu điện Washington, có người còn cho rằng, phải chăng ngay từ khi còn là một cậu bé phát báo, đã có một số tiền lớn được chuyển vào để chuẩn bị cho việc làm chủ báo Bưu điện Washington của ông sau này.

Cũng trong thời gian này, ông đã bắt đầu dùng số tiền tích lũy trước đây, tiến hành hoạt động đầu tư đầu tiên của mình. Ông bỏ ra 50 đô la để mua về hai máy bắn đạn cũ, mượn một khoảng trống trong một tiệm hớt tóc làm nơi bày bán; sau đó ông lại tiếp tục mua thêm 5 máy, rồi 7 máy. Mỗi tháng ông có thể thu vào khoảng 200 đô la. Sau đó, ông lại hợp vốn làm ăn với một người bạn trung học, bỏ ra 350 đô la mua về một chiếc xe hơi Rolls-Royce cũ, rồi cho thuê lại với giá 35 đô la một ngày. Tính đến thời điểm vừa tốt nghiệp trung học (năm 16 tuổi), công việc đầu tư này đã giúp ông kiếm được 6.000 đô la.

Cùng với sự trưởng thành về tuổi tác và kinh nghiệm, hoạt động đầu tư của Warren Buffett cũng tiến thêm một bước. Mặc dù vẫn còn non nớt, nhưng năng lực tiềm ẩn của một thiên tài đầu tư đã bắt đầu tỏ hiện.

Năm 17 tuổi, Warren Buffett theo học bộ môn quản lý xí nghiệp tại trường đại học Nebraska.

Trong một lần ngẫu nhiên, ông đọc được cuốn “Đầu tư thông minh” của Benjamin Graham. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, cuốn sách ấy đã có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng của ông.

Kể từ đó, được gặp Benjamin Graham trở thành khát vọng lớn nhất của cậu thanh niên Warren Buffett. Vì vậy, ngay sau khi nhận được bằng tốt nghiệp đại học Nebraska, ông đã một mình tìm đến New York, nộp đơn vào Trường Đại học Colombia, trực tiếp nghe những bài giảng của thầy Benjamin Graham. Trong suốt cuộc đời mình, Warren Buffett luôn cảm thấy tự hào với quyết định này của mình. Năm 68 tuổi, tức tháng 5 năm 1998, nhận lời mời của Đại học Colombia, ông cùng với Bill Gates đã có một buổi nói chuyện trước đông đảo sinh viên của trường. Và đây là một đoạn trong cuộc nói chuyện của ông:

“Thành công là đạt được điều mà bạn muốn có, hạnh phúc là theo đuổi điều bạn muốn đạt tới. Tuy tôi không biết hạnh phúc cụ thể chỉ về điều gì, nhưng tôi tuyệt đối không bao giờ làm bất kỳ chuyện gì không vui. Khi các bạn rời khỏi trường học, tôi đề nghị các bạn hãy đến làm việc cho người mà các bạn kính ngưỡng. Như thế, tương lai các bạn cũng sẽ trở nên giống như họ vậy”.

Những lời tâm sự, khuyên nhủ trên đây là sự tổng kết kinh nghiệm từ chính bản thân ông. Vì ngay sau khi tốt nghiệp đại học, lựa chọn đầu tiên của ông là đến với giáo sư Benjamin Graham, học tập những kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị bước chân vào thị trường cổ phiếu.

Rồi bằng cách đầu tư vào cổ phiếu của công ty bảo hiểm của thầy Graham, ông đã có được một nguồn thu nhập đáng kể, học được rất nhiều kinh nghiệm đầu tư trong ngành bảo hiểm.

Sau này, khi đã lấy được học vị thạc sĩ kinh tế học của Đại học Colombia, ông lại nghiền ngẫm những cuốn sách liên quan đến thị trường tiền tệ. Sau đó, ông đích thân kiểm nghiệm lý luận của Benjamin Graham bằng cách liên minh với công ty Graham – Newman. Điểm nổi bật trong phong cách đầu tư của Benjamin Graham chính là không dễ dàng thốt ra tiếng “không”. Đó là một phương pháp đầu tư lý tính chứa đầy trí tuệ. Phong cách ấy đã thu hút và ảnh hưởng rất lớn đến chàng thanh niên Warren Buffett.

Warren Buffett từng phát biểu, ông có hai người cha tinh thần – ngoài Benjamin Graham, người kia chính là Philip Fisher. Warren Buffett nói, trong hoạt động đầu tư của ông, có 85% giống Benjamin Graham, 15% giống Philip Fisher. Lần đầu tiên đọc được cuốn “Cổ phiếu bình thường và lợi nhuận bất thường” của Philip Fisher, ông như đυ.ng phải một cục nam châm, bị hút chặt vào nó. Cũng từ lúc đó, ông bắt đầu tìm hiểu về Philip, mong ước được “bái sư học đạo”.

Philip Fisher rất vui mừng đón tiếp người học trò này, truyền thụ tất cả đạo lý kinh doanh, đặc biệt là phương pháp đầu tư vào thị trường cổ phiếu mới nhất và hiệu quả nhất mà ông vừa mới khổ công nghiên cứu được. Mặc dù có lúc quan điểm lý luận của Philip Fisher và Benjamin Graham gần như đối lập nhau, nhưng tất cả tinh hoa của hai người đều được Warren Buffett hấp thu một cách trọn vẹn, đồng thời còn được dung hòa vào trong thực tiễn đầu tư, sáng tạo nên kỳ tích trong quá trình đầu tư của mình.

Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu có, cuộc sống dư dật, hạnh phúc, nhưng Warren Buffett lại có một hoài bão và chí hướng lớn, có khát vọng mãnh liệt đối với tri thức, chủ động tìm kiếm cho mình những người thầy lỗi lạc và đáng kính. Với tinh thần say mê học tập, phấn đấu cho một mục tiêu cao xa, lại có được một năng lực lãnh hội vượt trội đối với tri thức, say mê thực tiễn, không ngừng hoàn thiện chính mình, Warren Buffett đã hội đủ các yếu tố của một bậc thầy vĩ đại trong lĩnh vực đầu tư kinh tế thế giới.
« Chương TrướcChương Tiếp »