Văn hào vĩ đại người Anh William Shakespeare đã từng sáng tác một vở hài kịch rất nổi tiếng có nhan đề “Người lái buôn thành Venice”. Nhân vật chính của câu chuyện là một thương nhân Do Thái có tên là Shylock, một con người cực đoan, bủn xỉn và đầy lòng báo thù.
Con người ấy chuyên cho vay ăn lời cắt cổ, chẳng bao giờ chịu bỏ ra một đồng để giúp không cho ai. Do bị một tín đồ Cơ Đốc giáo là Antonio nhiều lần chỉ trích, ông ta đã đem lòng thù oán.
Một lần, nhân lúc Antonio cần gấp một số tiền để kinh doanh, Shylock đã bắt anh ký kết một gian ước, nói rõ đến kỳ hạn mà không trả được tiền, Antonio phải chịu cắt một miếng thịt nơi đầu lưỡi của mình để bồi thường cho số tiền 3.000 bảng mà anh đã mượn.
Kết quả, do tàu chở hàng liên tiếp gặp phải sự cố, Antonio không thể trả nợ theo đúng hạn kỳ. Trước pháp đình, bất chấp mọi người can gián thế nào, Shylock vẫn cương quyết đòi lấy miếng thịt trên đầu lưỡi của Antonio mà không màng tới số tiền bồi thường nhiều gấp mấy lần số tiền ông ta đã cho mượn.
Rất may, người yêu của Antonio đã nảy ra một ý tưởng độc đáo, yêu cầu Shylock chỉ được cắt một miếng thịt trên đầu lưỡi của Antonio nhưng không được để chảy ra một giọt máu nào, nếu không sẽ bị xử cực hình. Yêu cầu độc đáo và “hợp pháp” này đã khiến Shylock không dám xuống tay, chỉ có thể chấp nhận bồi thường từ phía Antonio.
Cuối cùng, các tín đồ Cơ Đốc giáo không chỉ bắt tội vi phạm giao ước – nói cắt thịt mà lại không cắt thịt – trừng trị Shylock, phạt ông ta một số tiền rất lớn, mà còn buộc ông ta phải đồng ý gả con gái của mình cho một tín đồ Cơ Đốc giáo, bên cạnh đó còn phải dành cho cô con gái một số của hồi môn rất lớn và quyền được kế thừa tài sản của mình.
Trong tác phẩm của mình, thông qua ngôn ngữ của các nhân vật, Shakespeare thanh minh rất nhiều cho người Do Thái, nhưng một cách vô thức lại phản ánh thái độ kỳ thị, bất lực và đố kỵ của dòng văn hóa chủ lưu đương thời đối với người Do Thái – bức người Do Thái chỉ có thể làm bạn với những đồng tiền và ngành nghề dơ bẩn; không thể không mượn tiền của người Do Thái mà cũng không thể ngăn cản vận may cứ liên tục đổ vào túi của họ, tìm đủ trăm phương ngàn kế để đoạt lấy tài sản và con cái của người Do Thái.
Điều bất công nhất là đặt lòng báo thù gần như cố chấp, không tiếc từ bỏ tiền bạc của những tín đồ Cơ Đốc giáo lên mình Shylock. Hơn nữa, Shylock cùng với lòng báo thù lấy 3.000 bảng đổi một miếng thịt dường như đã được Shakespeare xây dựng thành một hình tượng điển hình cho người Do Thái.
Thực ra, biến Shylock thành một hình tượng điển hình chứ không phải một hình tượng cá biệt là một cái nhìn hết sức sai lầm và thiếu hiểu biết về người Do Thái. Bởi vì, liên quan đến vấn đề tiền bạc, nếu người Do Thái có giữ lòng báo thù, thì nó cũng chỉ có thể tập trung biểu hiện ở việc đòi lại tiền bạc, chứ tuyệt đối không cần đến “một miếng thịt người” vô giá trị để làm vật thay thế.
Ở Nhật, có một công ty do người Do Thái thành lập. Lần nọ, một nhân viên đã lấy cắp một số tiền lớn của công ty rồi trốn đi mất. Sau khi nhận được tin, tổng giám đốc vô cùng tức giận, lập tức yêu cầu cấp dưới báo tin cho phía cảnh sát xử lý. Một người của công ty lập tức chạy đến gặp vị Giáo sĩ đại diện cho cộng đồng Do Thái ở đây để thương lượng.
Sau khi nghe xong sự việc, vị Giáo sĩ thẳng thắn nói với ông ta:
“Trước tiên nên điều tra rõ xem anh ta có phải là người lấy tiền bỏ trốn hay không. Nếu đúng là như vậy, hãy đến báo với phía cảnh sát. Anh ta sẽ phải chịu khởi tố, tống vào nhà ngục. Nhưng đó không phải là cách làm của người Do Thái”.
Chiếu theo pháp luật Do Thái, nếu có người trộm tiền, nhất định phải bắt người này đem tiền giao nộp trở lại. Một khi đã ngồi tù, tiền sẽ không thể quay trở lại.
Vị Giáo sĩ đề nghị, thay vì bắt kẻ trộm tiền tống giam vào ngục, chi bằng nghĩ cách tự mình đến gặp anh ta, yêu cầu giao nộp tiền lại, sau đó phạt tiền anh ta.
Kết quả, công ty đã tìm ra được người nhân viên đã bỏ trốn đó, đồng thời chứng minh anh ta đích thị là người đã trộm tiền của công ty.
Sau đó, phía công ty cho người đưa anh ta đến gặp vị Giáo sĩ.
Chiếu theo pháp luật Do Thái, vị Giáo sĩ yêu cầu anh ta phải bồi thường số tiền đã lấy cắp. Anh ta thành khẩn trình bày mình đã lỡ xài hết số tiền lấy từ công ty, và xin được tiếp tục quay về làm việc cho công ty để bồi hoàn số tiền đã lấy, khẩn cầu công ty đừng đem việc này ra trước pháp luật. Cuối cùng, vị Giáo sĩ phán quyết, cho phép anh ta tiếp tục làm việc trong công ty (đương nhiên là anh ta sẽ không có cơ hội ôm tiền công ty trốn đi một lần nữa), lấy tiền lương trừ vào số tiền đã lấy cắp, đồng thời còn phải đóng tiền phạt với tỉ lệ nhất định. Tiền bồi thường do công ty thu, tiền phạt được giao cho vị Giáo sĩ để cho vào quỹ từ thiện của cộng đồng.
Rõ ràng, với đầu óc hết sức thực tế, người Do Thái tuyệt đối không để cho số tiền có thể quay về túi mình lại tan thành bọt nước chỉ vì cơn tức giận, vì lòng “báo thù” của mình gây ra.
Có thể nói, trong việc xử lý những vấn đề như chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, người Do Thái dường như đã đi trước lịch sử. Thế giới hiện nay không phải đang ngày càng trở thành một xã hội “lấy tiền phạt thay thế hình phạt” đó sao?