Một bà mẹ người Do Thái từng hỏi con trai mình:
“Nếu một ngày nào đó, căn phòng của con bị thiêu rụi, tài sản bị cướp sạch, con sẽ mang theo cái gì để chạy?”
Câu hỏi ấy đã bao hàm cả lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc Do Thái.
Đáp án của hầu hết các đứa trẻ sẽ là “tiền”, “vàng” hoặc “kim cương”.
Người mẹ lại hỏi thêm:
“Có một thứ không có hình dạng, màu sắc, mùi vị, con có biết đó là vật gì không?”
Đứa trẻ trả lời:
“Là không khí”.
Người mẹ nói:
“Không khí đương nhiên quan trọng, nhưng nó không hề thiếu. Con trai, vật mà con phải mang theo không phải là tiền, không phải là kim cương, mà chính là ‘tri thức’. Vì ‘tri thức’ là vật không ai có thể cướp được. Chỉ cần con còn sống, ‘tri thức’ sẽ vĩnh viễn theo con, bất luận đi đến nơi đâu, con cũng sẽ không đánh mất nó”.
“Tri thức” chính là trí tuệ, là sự cảm thụ đối với thế giới, sự nhận thức đối với đời sống. Lòng tôn sùng tri thức của người Do Thái có thể nói đã đạt đến một trình độ không thể cao hơn nữa.
“Một người đang đi trên đường, nếu phát hiện thấy một cuốn sách chưa từng xem qua, anh ta nhất định sẽ mua nó, mang về nhà và cho mọi người cùng thưởng thức”.
“Cuộc sống đầy cơ cực khốn khổ, không thể không cầm cố vật dụng để sống qua ngày. Vật đầu tiên mà bạn nên bán là vàng, kim cương, căn nhà và đất đai. Cho đến thời khắc cuối cùng, cũng không được bán đi bất kỳ một cuốn sách nào”.
“Dù đó là kẻ thù, nhưng khi anh ta đến mượn bạn sách, bạn cũng phải cho anh ta mượn. Nếu không, bạn sẽ trở thành kẻ thù của tri thức”.
“Biến sách vở thành bạn của bạn, biến giá sách thành tòa án của bạn. Bạn phải vui mừng trước vẻ đẹp của sách vở. Hái lấy những quả chín của nó, ngắt lấy những đóa hoa của nó”.
Pháp điển Do Thái quy định: Có người đến mượn sách, người nào không cho anh ta mượn sách sẽ bị phạt tiền. Ngoài ra, gia đình Do Thái còn có một truyền thống: Tủ sách phải được đặt ở đầu giường chứ không được đặt ở cuối giường. Không tôn trọng sách vở là một thái độ tuyệt đối không được chấp nhận.
Trong xã hội Do Thái, hầu hết mọi người đều cho rằng một vị học giả vĩ đại hơn một quốc vương, học giả mới là trung tâm tôn kính của mọi người. Qua đó có thể nhận thấy người Do Thái xem trọng tri thức đến mức nào. Có điều, người Do Thái xem trọng tri thức, nhưng không chỉ dừng lại ở tri thức, mà luôn muốn vươn đến giới hạn của trí tuệ. Những người “tri thức đầy bụng”, nhưng lại không biết vận dụng tri thức là thiếu trí tuệ. Những con người đó thường được ví von với hình ảnh của một “con lừa cõng trên lưng quá nhiều sách vở”. Tri thức phải được dùng ở mặt đúng của nó, tri thức tồn tại là để rèn luyện trí tuệ. Những người chỉ biết “đọc sách chết” hay “đọc chết sách” là hành động “ăn hoài không tiêu”, chẳng hơn gì đặt sách trên kệ mà chẳng bao giờ buồn lật ra xem, chỉ lãng phí thời gian vô ích mà thôi.
Một lần nọ, trên một chiếc thuyền, tất cả hành khách đều là những người giàu có, ngoại trừ một vị Giáo sĩ.
Những người giàu có tụ tập lại một nơi, người này kẻ nọ thi nhau khoe khoang tài sản của mình. Sau một hồi lắng nghe, vị Giáo sĩ bèn lên tiếng:
“Theo cách nhìn của tôi, tôi mới chính là người giàu có nhất. Có điều, bây giờ tạm thời không cần phô bày sự giàu có của tôi cho các vị xem”.
Giữa cuộc hành trình, chiếc thuyền bị bọn hải tặc tấn công, tất cả tài sản của những người giàu có đều bị cướp sạch. Sau khi bọn cướp bỏ đi, phải khó khăn lắm chiếc thuyền mới cập được vào một vùng đất xa lạ.
Vị Giáo sĩ học vấn uyên thâm lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhân dân trong vùng. Ông bắt đầu mở lớp, nhận học trò.
Không lâu sau, vị Giáo sĩ gặp lại những người giàu có trước đây đã đi cùng thuyền với mình, tất cả đều rơi vào tình cảnh thê thảm, đói rách. Bấy giờ, trông thấy vị Giáo sĩ được mọi người tôn kính, họ mới hiểu ra “của cải” mà ông đã nói ngày trước. Tất cả đều cảm khái thốt lên:
“Ngài đã hoàn toàn đúng, người có học thức sẽ có được một tài sản không bao giờ tận”.
Qua câu chuyện ấy, người Do Thái đưa ra kết luận:
“Vì tri thức không bị cướp đoạt và có thể mang theo bên mình, nên giáo dục là tài sản quan trọng nhất của nhân loại”.
Kết luận trên của người Do Thái là hết sức trực quan, hết sức thực tế. Trong xã hội ngày nay, tri thức chính là của cải, trình độ tiếp thu giáo dục (học vấn) tỉ lệ thuận với mức thu nhập gần như đã trở thành một quy luật hiển nhiên (ngoại trừ một số nơi cá biệt).
Trong một thời gian tương đối dài, người Do Thái luôn đặt mình trong đêm trước của “cuộc vượt biển”, mình buộc hành trang, sẵn sàng lên đường mọi lúc. Hơn nữa, trước khi lên đường, còn thường gặp phải những trận cướp bóc. Họ không thể mang theo bất động sản, có thể mang theo tiền bạc, nhưng thường đều bị cướp hết. Vật duy nhất không bị người khác cướp đoạt, có thể mang theo bên mình trong cuộc hành trình đó chính là tín ngưỡng, tri thức và trí tuệ của họ.
Sau nhiều thế kỷ phân tán, sở dĩ người Do Thái có thể nhanh chóng tìm được một vị trí cạnh tranh ưu thế, khôi phục nguyên khí, đứng vững trên đôi chân của mình, thậm chí phát triển hưng thịnh, là do tác dụng to lớn của “nguồn vốn đầu tư” tri thức này. Đất nước Israel của họ sở dĩ có thể phát triển mạnh mẽ trong một thời gian hết sức ngắn ngủi, trên một ý nghĩa nào đó, cũng là do tác dụng của “nguồn vốn đầu tư” này.
Tài nguyên của Israel hết sức nghèo nàn, đã thiếu nước lại không có dầu mỏ. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên con người của Israel lại vô cùng hùng hậu. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, thông qua con đường di dân, một đội ngũ rất lớn nhân tài Do Thái từ các quốc gia Âu Mỹ và Nga đã đổ về quốc gia nhỏ bé này. Họ trở về mang theo nguồn tri thức, kỹ thuật cũng như sở trường đặc biệt, giúp cho Israel ngay từ ngày lập quốc, đã nhanh chóng trở thành quốc gia có trình độ giáo dục cao nhất thế giới. Đến nay, Israel đã trở thành một quốc gia có dư đội ngũ giáo viên và bác sĩ. Với địa thế tiếp giáp sa mạc, chỉ 5% dân số là nông dân, mà Israel đã có đủ nguồn lương thực cho cả nước, thậm chí còn dư thừa cho xuất khẩu.
Tri thức quý giá hơn của cải. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người Do Thái xem trọng giáo dục hơn các dân tộc khác, giúp họ trở thành dân tộc ưu tú nhất trên thế giới, đồng thời còn là biểu hiện cho trí tuệ kiệt xuất của dân tộc này.