Có hai người đàn ông đến gặp một vị Giáo sĩ, một người nói:
“Anh bạn này của tôi là một người vong ân bội nghĩa. Lúc trước anh ta có việc cần gấp, tôi đã không ngần ngại cho anh ta mượn một số tiền lớn. Không ngờ đến kỳ hạn phải trả như đã thỏa thuận, anh ta lại nói chỉ mượn có 200 ngàn đồng, nhưng trước đây rõ ràng tôi đã cho anh ta mượn đến 500 ngàn đồng”.
Người kia lập tức phân minh:
“Tôi mượn anh ta có 200 ngàn đồng, anh ta lại cứ một mực nói là 500 ngàn đồng. Cả người cho vay ăn lời cắt cổ cũng không hành động giống như vậy”.
Đôi bèn cứ cương quyết là mình đúng, không bên nào chịu thua bên nào.
Vị Giáo sĩ bắt đầu nói chuyện lần lượt với từng người, sau đó ba người lại đối mặt với nhau. Vị Giáo sĩ chậm rãi nói:
“Sáng sớm ngày mai, hai người các anh hãy đến đây để nghe tôi phán quyết”.
Sau khi hai người rời đi, vị Giáo sĩ trở vào phòng và suy nghĩ: Nếu người đàn ông nói chỉ mượn 200 ngàn đồng là có ý trốn nợ, anh ta hoàn toàn có thể nói mình chẳng mượn đối phương một đồng nào cả. Còn người đàn ông kia, nếu đã không bỏ ra cho đối phương mượn 500 ngàn đồng, thì tại sao lại cứ một mực khẳng định người kia chỉ mượn 500 ngàn đồng mà không phải là 700 hay 800 ngàn?
“Talmud” có dạy: “Một người nói dối sẽ nói dối đến cùng”. Một người chấp nhận nói dối một vài điều bất lợi cho mình, lời nói của anh ta sẽ dễ được người khác tin hơn. Hơn nữa, bên trong nhất định sẽ có đôi phần thành thực. Khi hai đương sự đối mặt tranh luận với nhau, mức độ nói dối sẽ giảm nhẹ đi.
Vị Giáo sĩ lại suy nghĩ: Nếu người mượn tiền ban đầu đã mượn 500 ngàn đồng, nhưng đến kỳ hạn phải trả, trong tay chỉ có 200 ngàn đồng, nên cứ một mực nói rằng chỉ mượn 200 ngàn đồng, khả năng ấy là có thể xảy ra. Một khả năng khác là: Chủ nợ nhất thời hồ đồ, nhớ lầm 200 ngàn thành 500 ngàn.
Vị Giáo sĩ lại một lần nữa hỏi riêng người mượn tiền:
“Có thật là anh chỉ mượn 200 ngàn đồng hay không?”
Người mượn tiền gật đầu một cách cương quyết.
Vị Giáo sĩ ngồi trầm tư không nói, một lát sau lại hỏi tiếp anh ta:
“Người cho anh mượn 500 ngàn đồng là một cự phú, ông ta chẳng cần đến số tài sản không thuộc về mình, và cũng chẳng lưu tâm đến số tiền 300 ngàn đồng nhỏ nhặt ấy. Có điều, nếu bây giờ lại có một người khác vì một lý do nào đó cần mượn tiền ông ta, ví dụ như phải trở về Israel, thì chỉ vì sự bội tín của anh mà ông ta sẽ không cho người đó mượn tiền nữa. Anh nghĩ, trong trường hợp đó, anh có còn cương quyết là mình chỉ mượn 200 ngàn đồng hay không?”
Người mượn tiền vẫn cương quyết lập trường của mình.
Vị giáo sĩ lại hỏi dồn thêm một bước:
“Anh có dám đến Thánh đường, đặt tay trên cuốn “Kinh Thánh” mà thề chỉ mượn 200 ngàn đồng hay không?”
Người mượn tiền đột nhiên cúi đầu thừa nhận, rằng mình đích thực đã mượn đến 500 ngàn.
Đối với người ngoại tộc mà nói, đây là một điều không dễ lý giải, nhưng đối với người Do Thái, đến Thánh đường, đặt tay trên “Kinh Thánh” mà thề là việc nghiêm túc, trọng đại không gì sánh bằng. Trước mặt “Kinh Cựu Ước” và Thiên Chúa, nói dối mà mặt không biến sắc, tim không đập dồn, có lẽ chỉ bọn tội phạm chuyên nghiệp mới có thể làm được.
Trong tình huống thông thường, khi đặt tay trên cuốn kinh thánh, có đến hơn 99,7% người Do Thái không dám nói dối.