Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 2: Tuân Thủ Giao Ước Lại Biết Lách Luật - Trọng Chữ Tín, Giữ Giao Ước Tạo Nên “Thương Nhân Hàng Đầu Thế Giới”

« Chương TrướcChương Tiếp »
Tập quán trọng chữ tín, giữ giao ước của thương nhân Do Thái trong giao dịch quốc tế đã được mọi người biết đến. Các thương nhân trên thế giới khi làm ăn với người Do Thái đều rất có lòng tin đối với vấn đề tuân thủ giao ước của họ, vì người Do Thái luôn có một yêu cầu hết sức nghiêm khắc đối với bản thân về vấn đề này. Họ không cho phép có một tình huống không giữ đúng giao ước nào xuất hiện, dù có phải để cho những tình huống xấu khác xảy ra. Tố chất này của người Do Thái đã có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với giới thương nhân trên toàn thế giới.

Tại thành phố Tokyo của Nhật Bản có một thương nhân tên là Den Fujita, trong cuốn sách nhan đề “Kinh nghiệm làm ăn với người Do Thái” ông đã nhiều lần nhắc nhở giới thương nhân Nhật Bản không nên thất tín hoặc hủy bỏ giao ước với người Do Thái, nếu không, sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội làm ăn với họ.

Một ông chủ người Do Thái đã ký kết một giao kèo với người làm thuê, quy định mỗi tuần sẽ phát lương một lần, nhưng người làm thuê sẽ không nhận tiền mặt mà được tùy ý mua các vật dụng tương đương với số tiền lương được trả tại một cửa hàng gần công ty, sau đó người chủ cửa hàng sẽ đến thanh toán sổ sách với ông chủ người Do Thái này để nhận tiền mặt.

Một tuần sau, một người làm thuê hối hả chạy đến gặp ông chủ và nói: “Chủ cửa hàng nói, không đưa tiền mặt thì không được lấy đồ. Vì vậy, tốt hơn là ông hãy trả tiền mặt cho tôi vậy nhé!”

Chẳng ngờ, người chủ cửa hàng tìm đến thanh toán sổ sách cũng nói: “Người làm công của ông đã đến lấy những vật dụng cần thiết, xin ông thanh toán cho tôi!”

Ông chủ người Do Thái nghe xong câu chuyện bối rối không hiểu, lập tức tiến hành điều tra. Nhưng hai bên đều khăng khăng rằng mình nói thật, khiến ông không thể chứng minh được ai đã gian dối trong việc này. Kết quả, ông chủ người Do Thái đành phải trả tiền cho cả người làm công và ông chủ cửa hàng bởi ông đã có lời hứa với cả hai bên.

Điều đầu tiên mà người Do Thái ý thức đến chính là nghĩa vụ tuân thủ giao ước của bản thân. Hầu hết những người Do Thái đều rất xem trọng chữ tín, tuân thủ giao ước, khi làm ăn buôn bán với nhau, thường không cần đến văn bản hợp đồng, chỉ cần một lời hứa là đã đủ sức ràng buộc, bởi họ tin rằng: “Có Chúa nghe thấy”.

Việc xem trọng chữ tín, tuân thủ giao ước của người Do Thái đã mang đến cho họ một hiệu quả kinh tế tích cực.

Giới kinh doanh hiện đại hết sức xem trọng uy tín. Uy tín chính là nguồn vốn vô hình, là cơ sở tồn tại cho một công ty. Vì vậy, dùng uy tín để mời gọi hay giữ chân khách hàng là chiêu bài được rất nhiều nhà doanh nghiệp hiện nay sử dụng. Trong lĩnh vực kinh doanh, tập đoàn đầu tiên đã đưa uy tín kinh doanh lên vị trí cao nhất – “không hài lòng có thể đổi hàng”, chính là Công ty Bách hóa Sears Roebuck, do một thương nhân người Mỹ gốc Do Thái là Julius Rosenberg thành lập.

Quy tắc “không hài lòng có thể đổi hàng” mà công ty ông đã đưa ra vào đầu thế kỷ 20 có thể gọi là “chuyện lạ bốn phương” vào thời ấy. Quả thực, điều này đã hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi nghĩa vụ có thể quy định của một hợp đồng thông thường, thậm chí đã đặt khả năng “hủy ước” của đối tác thành nghĩa vụ vô điều kiện của mình.

Lợi thế của uy tín kinh doanh cao đã giúp cho các thương nhân Do Thái phát triển sự nghiệp của mình.

Ngay từ thời xưa, các thương nhân Do Thái đã bắt đầu kinh doanh các sản phẩm xa xỉ, và đến nay, người Do Thái vẫn giữ vững vai trò của mình. Đá quý là một trong những mặt hàng xa xỉ nhất, mà trong lĩnh vực này, từ việc khai thác, giao dịch, gia công cho đến khâu bán lẻ, hầu như đều nằm trong tay người Do Thái. Trang phục phụ nữ, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, là một mặt hàng tiêu dùng cao cấp rất dễ lỗi thời. Ở Mỹ, việc sản xuất và tiêu thụ một thời đã bị người Do Thái khống chế đến hơn 95% thị phần. Một số ngành nghề khác như túi xách, vali (lợi nhuận rất cao), cũng nằm trong tay của các thương nhân Do Thái. Công việc kinh doanh các loại sản phẩm xa xỉ đó đều có yêu cầu rất cao đối với vấn đề “chữ tín lâu dài”.

Một thương nhân chuyên kinh doanh đá quý người Do Thái là Hyman Matsuba từng nói: “Muốn kinh doanh đá quý, chí ít phải xây dựng được kế hoạch trăm năm, một đời người thì không thể hoàn thành được. Hơn nữa, người kinh doanh đá quý còn phải nhận được sự tôn trọng của mọi người. Cơ sở của việc buôn bán đá quý được quyết định bởi khả năng thu phục niềm tin của khách hàng”.

Cũng chính nhờ vào truyền thống “trọng chữ tín giữ giao ước”, các thương nhân Do Thái mới có thể giữ vững tay chèo, tung hoành ngang dọc trong đại dương kinh doanh, bước lên nấc thang cao nhất trong trật tự kinh tế thế giới.

Trong cách nhìn của người Do Thái, giao ước là thứ tuyệt đối không thể hủy bỏ, bởi vì giao ước bắt nguồn từ sự ước định giữa con người và thần linh. “Kinh Cựu Ước”, ngọn nguồn của tín ngưỡng Do Thái, chính là “giao ước cổ xưa” được ký kết giữa Thượng Đế và con người.

Giao ước xét về ý nghĩa hiện đại, trong hoạt động kinh doanh được gọi là “hợp đồng”. Hợp đồng là một loại văn bản được thực hiện trong quá trình giao dịch giữa đôi bên, được ký kết nhằm bảo vệ lợi ích của đôi bên, quy định trách nhiệm mà đôi bên cần phải thực hiện trong một thời hạn nhất định. Một hợp đồng hợp pháp, phải chịu sự bảo hộ của pháp luật.

Trong giới kinh doanh toàn cầu, vấn đề giữ đúng hợp đồng của các thương nhân Do Thái có thể nói là “chắc như đinh đóng cột”. Dưới ngòi bút của Shakespeare, thương nhân Shylock của thành Venice dường như đã trở thành một con quỷ bủn xỉn, tính toán chi li, xem tiền như mạng sống. Trên thực tế, có thể đó là do thái độ thành kiến hoặc lòng đố kỵ thái quá của Shakespeare đối với người Do Thái mà thôi. Hành động của Shylock là điều luôn được đề xướng trong tinh thần hợp đồng hiện đại, và cũng là một biểu hiện của truyền thống tuân thủ hợp đồng của người Do Thái. Những điều kiện mà ông ta đã đề xuất cho người đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản Antonio là hoàn toàn đúng theo giao ước ban đầu.

Lịch sử kinh doanh của người Do Thái có thể xem là có liên quan đến việc ký kết và tuân thủ hợp đồng. Một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của các thương nhân Do Thái là một khi họ đã ký kết vào hợp đồng thì nhất định sẽ chấp hành đến cùng. Dù có gặp phải những khó khăn và nguy cơ lớn hơn, cũng chấp nhận tự mình gánh vác lấy. Họ tin rằng, đối tác trong cuộc giao dịch cũng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành những quy định đã được ký kết trong hợp đồng. Bởi vì, sự tồn tại của họ được bắt nguồn từ việc ký kết một giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Nếu không tuân thủ giao ước, là đồng nghĩa với việc phá bỏ giao ước giữa người và Thiên Chúa, tất sẽ mang đến tai họa cho nhân loại, con người sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa.

Chính trên nền tảng nhận thức đó, người Do Thái rất ghét những người vi phạm hợp đồng, nhất định sẽ truy cứu trách nhiệm đến cùng, yêu cầu bồi thường tổn hại một cách không khoan nhượng. Đối với những người Do Thái không tuân thủ hợp đồng, mọi người đều sẽ nguyền rủa, đoạn tuyệt quan hệ với người đó, cuối cùng sẽ trục xuất người đó ra khỏi giới thương nhân Do Thái.
« Chương TrướcChương Tiếp »