Chương 1: Quán Liều Ổ Bượm

Đêm 13 tháng Chạp năm 1838, trời mưa lạnh. Một người vạm vỡ mặc áo khoác ngắn đã cũ, đi qua cầu Change, vào sâu trong khu Nội Thành của Cung Tư Pháp đến nhà thờ Đức Bà. Khu Tòa Án, khu được quản lý và canh phòng nghiêm ngặt, vẫn là chỗ ẩn nấp, hò hẹn của bọn lưu manh Paris – kỳ lạ thật – hay do định mệnh thì đúng hơn – một sự thu hút không cưỡng nổi luôn luôn lôi cuốn bọn tội phạm tụ tập quanh tòa án – một nơi chuyên xét xử, tống giam, tù đày hoặc đưa chúng lên máy chém.

Đêm đó, hun hút gió thổi vào các ngõ hẻm của khu phố, ánh sáng nhợt nhạt, chập chờn của những chiếc đèn cây, run rẩy trong gió bấc, hắt xuống những rãnh nước đen sì chảy trên nền đường lát đá lầy lội.

Nhà một dãy xám xịt, thỉnh thoảng trổ một vài cửa sổ, khung cửa mọt rỗng, phần lớn đều không có kính. Các lối đi hôi hám, tối tăm, dẫn đến những cầu thang tối tăm, hôi hám hơn, lại còn dốc đứng, phải vịn vào sợi thừng cột chắc vào đinh sắt đóng trên tường mới trèo lên được.

Tầng trệt của một vài ngôi nhà là quán bán than, bán lòng, bán thịt loại kém chất lượng. Mặc dù hàng họ chẳng đáng mấy, mặt trước những quán tối tăm đó đều có chấn song sắt vì người bán hàng vẫn sợ các tay bợm liều mạng quanh đấy.

Đến phố Hàng Đậu, giữa Nội Thành, nhân vật nói trên bước chậm hẳn lại, y thấy mình đang đi trên mảnh đất làm ăn quen thuộc.

Trời tối như mực, mưa như trút, gió đập mạnh vào tường. Đồng hồ Cung Tư Pháp văng vẳng điểm mười giờ khuya. Nhiều phụ nữ nấp dưới những vòm cửa tối om, sâu hun hút như hang động, khe khẽ hát một vài điệp khúc dân ca. Một người trong bọn họ, ý chừng có quen biết người chúng ta vừa nói tới, nên bị y đột ngột dừng lại, nắm lấy tay.

– Chào “Chọc Tiết”. – Người này có tiền án, lúc ngồi tù đã mang biệt hiệu như vậy.

– Mày đấy ư, Sơn Ca? Khao tao một chầu rượu ngay đi, nếu không muốn tao riềng cho một trận.

– Tôi không có tiền. – Cô gái run sợ trả lời. Cả khu này, ai cũng khϊếp y.

– Nếu cô em rỗng túi thì mụ Quỷ Cái chủ quán ngại gì mà chẳng cho ký nợ.

– Trời ơi! Tôi còn nợ mụ tiền thuê bộ quần áo đang mặc đây này!

– Mày lại văn với tao rồi! – Từ trong bóng tối, Chọc Tiết quát to và bất thình lình cho cô gái một quả đấm thật mạnh khiến cô thét lên đau đớn.

– Không phải chỉ thế thôi đâu, con ạ. – Vừa nói xong, y đã chửi thề và quát to. – Ái chà chà! Mày dám lấy kéo làm xước da tao hả? – Rồi y hung hăng rượt theo cô gái trong ngõ tối.

– Đừng đυ.ng đến tao, nếu không tao sẽ lấy cái kéo này móc mắt mày. – Cô gái nói giọng quả quyết. – Tao không làm gì mày, sao mày lại đánh tao?

– Tao sẽ cho mày biết tay. – Y vừa nói vừa sấn lại trong bóng đêm. – A, tao tóm được mày rồi, mày sẽ phải ăn đòn. – Y vừa nói vừa dùng bàn tay hộ pháp của mình bóp mạnh cổ tay thanh mảnh của cô gái.

– Chính mày sẽ nếm đòn. – Một giọng đàn ông cắt ngang.

– Thằng nào đấy? Có phải thằng Cánh Tay Đỏ không? Trả lời đi và đừng siết chặt tay tao thế! Tao đi vào ngõ nhà mày, vậy thì chắc là mày chứ còn ai nữa!

– Đếch phải!

– Được, đã không cùng cánh thì cho nhau tí tiết. – Chọc Tiết quát to. – Ơ! Cái giò bé nhỏ tao nắm đây là của đứa nào đấy?

– Nó cũng giống cái này này! Ngay lúc đó Chọc Tiết cảm thấy một bàn tay thon nhỏ nhưng rắn như thép nguội siết chặt cổ họng mình.

Nấp ở cuối con hẻm, Sơn Ca đã kịp bước vội lên mấy bậc thang, dừng lại và nói to với vị cứu tinh không quen biết:

– Ôi! Cảm ơn ông đã bênh vực cháu. Thằng này đánh cháu vì cháu không có tiền cho y uống rượu. Cháu đã đánh lại, nhưng cái kéo nhỏ của cháu thì làm được trò trống gì! Bây giờ cháu đã thoát nạn, kệ xác y thôi, ông ạ. Mà ông phải coi chừng đấy. Y là Chọc Tiết, không phải tay vừa đâu. Ông không nghe cháu nói sao? Cháu đã bảo là tay Chọc Tiết đấy!

Người lạ mặt đáp:

– Là dân chơi thì sợ gì chứ!

Rồi tất cả lại im lặng. Sau đó vài giây lại có tiếng đánh nhau huỳnh huỵch.

– À, mày muốn tao khử mày sao? – Tên côn đồ vừa thét lên, vừa cố sức vùng ra khỏi đối thủ mà y thấy khỏe ghê gớm. – Được! Mày sẽ phải trả nợ cho con bé kia và cả cho mày nữa. – Y nghiến răng nói thêm. – Đúng! Tao sẽ trả bằng những quả đấm này.

Chọc Tiết hổn hển:

– Nếu mày không buông tay ra, tao sẽ đập nát mặt mày.

– Mặt tao ấy à? Cứ thử xem nào, anh bạn!

– Vậy thì hãy đến dưới cây đèn kia.

– Được, đến đây sẽ biết tay nhau thôi. – Người lạ mặt trả lời, tay vẫn siết chặt cổ y.

Ông ta đẩy lùi Chọc Tiết đến tận đầu ngõ, và lăn mạnh y ra giữa đường, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn. Chọc Tiết loạng choạng, nhưng vừa đứng vững y đã điên cuồng lao vào người khách lạ có thân hình mảnh dẻ, khó tin là ông ta có sức mạnh khác thường như vừa thấy.

Mặc dù có thân hình hộ pháp và giỏi ẩu đả vào bậc nhất, Chọc Tiết cũng phải thừa nhận đã gặp phải đối thủ trên tài. Người khách lạ dùng chân ngáng rất hiểm, quật ngã y hai lần liền. Hình như không nhận thấy sự vượt trội của đối phương, Chọc Tiết gầm lên, lại giận dữ lao vào. Lập tức người bảo vệ Sơn Ca thay đổi cách đánh, ông ta giáng mạnh xuống đầu gã Chọc Tiết những cú đấm như mưa, nặng như búa bổ, những mánh võ mà ngay đến cả Jack Turner, võ sĩ giỏi nhất London cũng phải bái phục, khác hẳn lối tỉ thí thông thường khiến y lảo đảo. Đến lần đo ván thứ ba này, Chọc Tiết gục xuống như một con bò trên vỉa hè, rêи ɾỉ.

– Thôi! Tao xin thua.

Liều đứng xem cuộc ẩu đả từ trên thềm nhà Cánh Tay Đỏ, Sơn Ca can ngăn:

– Y đã chịu nhún, đừng gϊếŧ y, hãy tha cho y. – Rồi Sơn Ca ngạc nhiên hỏi thêm. – Nhưng ông là ai vậy? Trừ lão Thầy Đồ, thì từ phố Saint-Éloi đến nhà thờ Đức Bà chưa ai địch nổi Chọc Tiết. Ôi! Cháu rất cảm ơn ông, không có ông thì chắc y đã đánh chết cháu rồi.

Người khách lạ không trả lời nhưng lại chú ý đến giọng nói dịu dàng, thánh thót của Sơn Ca, ông ta cố gắng nhìn rõ mặt cô gái nhưng đành chịu vì trời rất tối mà ánh sáng cây đèn lại quá yếu. Sau mấy phút nằm bất động, Chọc Tiết cựa quậy chân tay rồi ngồi dậy.

– Hãy coi chừng! – Cô gái vẫn nấp trong lối đi, vừa la to, vừa kéo tay người bảo vệ mình. – Coi chừng y trả thù đấy!

– Hãy yên tâm, cô bé ạ! Nếu y còn muốn ăn đòn, ta sẽ cho y xơi đủ.

Nghe những lời đó, Chọc Tiết nói với người khách lạ:

– Tôi đã bị đánh nhừ tử, hôm nay thế là đủ, lần khác gặp lại, ta sẽ tính chuyện với nhau.

– Mày chưa vừa ý sao? Mày còn phàn nàn gì nữa? – Người khách lạ quát to, giọng hăm dọa. – Tao đánh trộm mày à?

– Không, không đâu! Tôi không phàn nàn gì, ông thật đáng mặt đại ca. – Tên côn đồ khá thô lỗ nhưng lại tỏ ra tôn trọng đối thủ như tất cả đồng bọn cảm thấy khuất phục trước vũ lực. – Ông đã cho tôi một trận ra trò, ngoài lão Thầy Đồ khỏe như vâm, chưa đứa nào dám khoe hạ nổi tôi đâu đấy.

– Sao nữa?

– Sao à? Tôi đã tìm được tay trùm thổ, thế thôi! Nhưng sớm muộn gì thì ông cũng sẽ gặp người trên tài. Nếu không có ai, còn có Chúa, như bọn “áo chùng thâm”linh mục hay nói. Có điều bây giờ ông đã hạ được Chọc Tiết, chắc chắn ông có thể tung hoành trong thành phố. Tất cả bọn gái làm tiền sẽ quỳ dưới chân ông, Quỷ Đực và Quỷ Cái chẳng đứa nào dám từ chối không cho ông ghi sổ nợ. Nhưng chà chà! Ông là ai vậy? Ông nói tiếng lóng như người trong hội. Nếu ông là “dân đập hộp”dân trộm cướp thì tôi đếch chơi đâu. Tôi đã đâm một gã đàn ông, đúng như thế, vì khi đã nóng mắt, tôi chỉ còn thấy máu. Nhưng tôi đã phải trả giá bằng mười lăm năm khổ sai. Mãn hạn, tôi chẳng còn nợ nần gì bọn “tọc mạch”quan tòa và không bao giờ tôi đập hộp nữa, ông cứ hỏi con Sơn Ca mà xem.

– Đúng đấy, ông đây không phải là dân đập hộp.

– Vậy thì hãy cùng đi “mổ” rồi anh sẽ biết tôi là ai. – Người lạ mặt nói. – Đi nào! Xí xóa mọi chuyện nhé!

– Thật đáng mặt đại ca, ông là đại ca của tôi, tôi chịu đấy! Tay quyền của ông sao mạnh gớm! Nhất là trận mưa đấm cuối cùng. Cực kỳ mạnh mẽ! Cứ như búa máy. Hẳn là miếng võ mới. Ông phải truyền nghề cho tôi đấy.

– Tôi sẽ làm lại khi anh muốn.

– Không phải với tôi! Không phải với tôi! Tôi vẫn còn nảy đom đóm mắt đây này. Nhưng ông quen biết Cánh Tay Đỏ à? Ông đi vào ngõ nhà hắn mà.

– Cánh Tay Đỏ! – Người lạ mặt ngạc nhiên vì câu hỏi ấy. – Tôi không hiểu anh muốn nói gì, hẳn là chỉ có mình Cánh Tay Đỏ trong nhà này sao?

– Đúng vậy. Cánh Tay Đỏ có lý do để không ưa có hàng xóm. – Chọc Tiết vừa nói vừa mỉm cười ranh mãnh.

– Thôi được, mặc nó, – người khách lạ như không muốn nói tiếp chuyện đó nữa – tôi chẳng biết Cánh Tay Đỏ hay Cánh Tay Đen nào cả. Trời mưa, tôi vào ngõ này một lát để tránh mưa. Anh ăn hϊếp cô bé đáng thương này, tôi đã trừng phạt anh, có thế thôi.

Chọc Tiết vẫn nói:

– Đúng thế! Vả lại công việc của ông chẳng liên quan gì đến tôi, tất cả những ai cần đến Cánh Tay Đỏ chẳng bao giờ nói thật. Thôi, đếch nói nữa. – Rồi y quay sang Sơn Ca. – Thật tình mày là gái ngoan, tao thụi mày một quả, mày trả lại tao một nhát kéo, đúng luật chơi thôi. Nhưng được cái tốt là mày không đổ thêm dầu vào lửa. Thôi, đi nhậu với bọn này đi, ông đây sẽ bao mà! Nếu như thế, ông anh ơi, – y quay sang người lạ mặt – đáng lẽ cho đi “nốc”, chúng ta đi “mổ” ở nhà mụ Quỷ Cái, chủ quán Thỏ Trắng, một ổ bợm đấy.

– Được! Tôi sẽ bao bữa tối, đến chứ Sơn Ca?

– Ôi! Cháu đói lắm, nhưng cứ thấy ẩu đả là cháu đã nôn nao chẳng thiết ăn uống gì nữa.

– Không sao! Không sao! Cứ ăn, sẽ thấy ngon miệng thôi. Quán Thỏ Trắng nấu tốt chứ! – Chọc Tiết nói.

Cả ba người vui vẻ đi về phía quán ăn. Trong khi người lạ mặt đánh nhau với Chọc Tiết thì một người bán than, to như hộ pháp, nấp trong một ngõ khác, hồi hộp theo dõi nhưng không vào hỗ trợ bên nào cả. Khi thấy ba người đi về phía quán ăn, người ấy liền đi theo. Chọc Tiết và cô gái bước vào trước, người lạ mặt theo sau, lúc đó người bán than tiến lại gần và nói thầm bằng tiếng Anh, vừa lễ phép, vừa như nhắc nhở:

– Xin Đức ông cẩn thận cho.

Người lạ mặt nhún vai và bước đi. Người bán than không rời cửa quán, dỏng tai nghe ngóng, chốc chốc lại nhìn qua lỗ hổng khoét ở mặt kính cửa sổ quét bột trắng.