Hãy tìm việc gì đó để làm, vì cảm giác luôn bận bịu với công việc dễ chịu hơn nhiều và giúp chúng ta trở về với thực tại so với cảm giác chẳng có gì để làm và luôn lo nghĩ viển vông. Người ta chỉ có thể trưởng thành hơn trong trải nghiệm, trong công việc thực tế chứ không ai lớn lên nhờ vào những suy luận và lý thuyết suông.
Có lần một triết gia nghiệm ra rằng, con người khao khát sự bất tử nhưng đôi khi họ lại vô cùng nhàn rỗi trong những chiều mưa. Trung bình một ngày, chúng ta thường để vuột mất vài giờ trôi qua mà không làm gì cả. Thời gian là một loại hàng hóa lạ lùng và vô
cùng quý giá, bởi chúng ta thường nghĩ mình có quá nhiều, cho tới khi bỗng dưng thấy mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa.
Chúng ta thường phàn nàn rằng có quá nhiều việc phải làm. Nhưng có quá nhiều việc phải làm là mặt tích cực của sự “dư giả”, trong khi có quá ít việc để làm lại là mặt tiêu cực của sự thiếu năng lực và lười biếng.
Trung tâm Công nghệ Metro Plastics tại bang Indiana đã thử cắt giảm thời gian làm việc trong tuần của công nhân từ 40 giờ xuống 30 giờ. Và bạn có biết điều gì xảy ra sau sự thay đổi đó không? Chất lượng sản phẩm của công ty được cải thiện, và lợi nhuận của công ty cũng tăng theo. Ban quản trị nhận thấy rằng giao cho công nhân nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian ít hơn khiến họ làm việc hiệu quả hơn, năng động hơn và nhiệt tình hơn. Và như thế, họ có nhiều thời gian rảnh hơn sau giờ làm để tái tạo sức lao động và sáng tạo.
Theo những nghiên cứu trên các sinh viên đại học, những người có lịch học căng hơn lại hài lòng với cuộc sống hơn. Dù thời khóa biểu khá dày đặc, các sinh viên học nhiều lại thấy hứng thú và không căng thẳng hơn những sinh viên học ít giờ hơn họ.
- Bailey và Miller