Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thể loại: Giả tưởng Dịch giả: Nguyễn Thị Tươi Cùng bạn mình là cha Andréi, người bị ám sát trên một chuyến tàu từ Rome đi Paris, cha Nil đã phát hiện ra một bí mật động trời về thân thế Jesus, một bí  …
Xem Thêm

Chương 15
Hai ngày đã trôi qua từ sau cái chết của cha Andrei. Cha Nil ngắm nghía bàn làm việc chất đầy giấy tờ, kết quả của nhiều năm nghiên cứu. Ông nghĩ đã làm sáng tỏ những tình tiết thực sự về cái chết của Judas: tất cả đều liên kết với nhau trong vòng vài ngày trước ngày Jesus bị đóng đinh câu rút. Sau đó Judas đã bị gϊếŧ, ông ta không treo cổ tự tử. Các sự kiện diễn ra tiếp theo chỉ có thể được giải thích bằng cách lục lọi trong các văn tự để nắm bắt không chỉ điều được nói ra trong đó, mà là những điều phải ngầm hiểu ra từ đó. Lịch sử không phải là một môn khoa học chính xác: sự thật của nó bắt nguồn từ việc đối chiếu các dấu hiệu tích lũy được.

Giờ đây, ông phải áp dụng đúng phương pháp này với vuông giấy bí ẩn phát hiện được trong bàn tay người bạn đã khuất. Để làm được điều đó, ông phải tiếp cận được thư viện lịch sử. Thủ thư mới của tu viện sẽ chỉ được bầu ra sau lễ tang, dự kiến diễn ra vào ngày mai.

Ông nhắm mắt lại, để mình chìm vào quá khứ.

- Cha Nil, tôi vừa được biết rằng trong khi trùng tu lại nhà thờ Germigny, công nhân đã phát hiện ra một bản khắc cổ. Tôi muốn được nhìn thấy bản khắc đó, cha có đi cùng tôi được không? Tôi phải chụp ảnh các bản thảo viết tay ở Orléans, đường đến đó có qua vùng Germigny-des-Prés…

Họ đậu xe tại quảng trường của ngôi làng nhỏ. Cha Nil thích thú được đến lại nhà thờ này: kiến trúc sư của vua Charlemagne đã muốn dựng mô hình thu nhỏ của thánh đường Aix-la-Chapelle, được xây dựng vào khoảng năm 800. Những cửa kính ghép màu quý giá bằng alêbát mang lại cho bên trong nhà thờ một bầu không khí thân mật và tĩnh tâm.

Họ bước vào cửa chính điện.

- Cha xem, dường như bí ẩn vẫn bao trùm nơi đây!

Tiếng thì thầm của cha Andrei lẫn trong tiếng búa đập vào bức tường phía cuối chính điện: để hạ những tấm kính ghép màu xuống, công nhân phải phá bỏ những phần vữa bao quanh. Giữa hai chỗ mở, ngay trong phần kéo dài của gian giữa, có thể thấy một cái hố há hốc miệng trong vùng tranh tối tranh sáng. Chan Andrei tiến lại gần.

- Xin lỗi các ông, tôi muốn xem qua một phiến đá mà hình như các ông đã tìm thấy trong khi tiến hành công việc.

- À, phiến đá à? Đúng vậy, chúng tôi đã thấy cái đó dưới một lớp vữa. Chúng tôi đã lấy nó ra khỏi bức tường và đặt trong gian cánh trái.

- Chúng tôi có thể xem được không?

- Không vấn đề gì, các cha là những người đầu tiên quan tâm đến phiến đá ấy đấy.

Hai thầy tu đi vài bước và nhận ra trên nền đất một phiến đá vuông, trên rìa vẫn còn dấu vết của lớp vữa gắn. Cha Andrei cúi người, rồi quỳ một chân xuống đất.

- A… rõ ràng là ngay từ đầu người ta đã gắn nó lên tường bằng vữa. Được gắn lên tường ở vị trí như vậy, phiến đá này sẽ nằm ngay trong tầm mắt của các tín đồ. Thế nghĩa là nó có một tầm quan trọng đặc biệt… Sau đó, cha nhìn xem, người ta đã che phủ nó bằng một lớp vữa có vẻ mới hơn.

Cha Nil cũng chia sẻ tâm trạng hưng phấn của bạn mình. Những người như hai ông không bao giờ đề cập đến Lịch sử như một thời đại đã trôi qua: quá khứ chính là hiện tại của họ. Đúng lúc này, họ nghe thấy một giọng nói vượt qua nhiều thế kỷ: giọng nói của vị hoàng đế đã ra lệnh khắc chữ lên phiến đá này, và muốn rằng nó được gắn lên một vị trí dễ nhận thấy như vậy.

Cha Andrei rút khăn mùi soa và nhẹ nhàng lau mặt phiến đá.

- Lớp vữa này cùng loại với vữa ở các nhà thờ La Mã. Như vậy, phiến đá này đã bị che phủ đi khoảng hai đến ba thế kỷ sau khi được gắn ở đây. Một ngày nào đó, người ta đã nhận thấy cần che giấu bản khắc này khỏi con mắt của công chúng. Nhưng ai có lợi trong việc che giấu này?

Những ký tự hiện ra dưới lớp vữa bị phủi đi.

- Chữ viết dưới thời Carolingien. Nhưng… chính là văn tự về Tín điều Nicée!

- Văn tự Tín điều Credo?

- Chính thế. Tôi đang tự hỏi tại sao người ta lại muốn nó được đặt một cách công khai, trong tầm mắt tất cả mọi người, trong nhà thờ hoàng tộc này. Nhất là, tôi tự hỏi…

Cha Andrei quỳ một lúc lâu trước bản khắc, sau đó đứng lên, phủi bụi và đặt một tay lên vai cha Nil.

- Bạn của tôi, trong bản sao lại Tín điều Nicée này có điều gì đó mà tôi không hiểu: tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó.

Họ nhanh chóng chụp một bức ảnh bề mặt phiến đá, và ra đi khi công nhân đóng cửa công trường để nghỉ trưa.

Cha Andrei lặng im cho đến tận Orléans. Khi cha Nil chuẩn bị máy ảnh cho buổi làm việc, ông ngăn lại:

- Không, đừng dùng cuộn phim này, đây là cuộn phim chụp phiến đá. Cha hãy để riêng nó ra, và dùng một cuộn phim khác để chụp các bản thảo này.

Chặng đường về buồn tẻ. Trước khi ra khỏi xe, cha Andrei quay sang cha Nil. Ông có vẻ đặc biệt nghiêm trang.

- Chúng ta sẽ in phim chụp ở Germingny ra thành hai bản. Tôi sẽ lấy một bản, và sẽ fax ngay cho một người làm việc ở Thư viện Vatican mà tôi có liên hệ: tôi muốn biết ý kiến của ông ấy, rất ít người có thể hiểu được những nét đặc thù của các bản khắc vào đầu thời kỳ Trung cổ. Bản thứ hai… cha hãy giữ gìn nó cẩn thận trong phòng của cha. Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Mười lăm ngày sau, cha Andrei gọi cha Nil vào văn phòng mình. Ông có vẻ lo lắng:

- Tôi vừa nhận được một lá thư từ Vatican: họ triệu tập tôi đến đó để báo cáo về việc dịch bản thảo tiếng Ai Cập cổ mà tôi đã nói với cha. Tại sao họ lại yêu cầu tôi đi chuyến này? Cùng với lá thư, còn có lời nhắn của người làm ở Vatican, nói với tôi rằng ông ấy đã nhận được bức ảnh chụp phiến đá Germigny. Không bình luận gì thêm.

Cha Nil cũng ngạc nhiên không kém gì bạn mình:

- Khi nào cha đi?

- Sáng nay, Cha tu viện trưởng đã đến đưa cho tôi một vé đi chuyến tàu Roma Express ngày mai. Cha Nil… xin cha, trong khi tôi đi vắng, cha hãy quay lại Germigny. Bức ảnh mà chúng ta đã chụp không được rõ, cha hãy chụp một bức khác ở góc ánh sáng chiếu là là.

- Cha Andrei, có thể nói cho tôi biết cha đang nghĩ đến điều gì không?

- Hôm nay, tôi không nói với cha nhiều hơn được. Hãy tìm một cớ nào đó để ra ngoài, và nhanh chóng chụp bức ảnh ấy. Chúng ta sẽ cùng xem xét khi tôi trở về.

Ngày hôm sau, cha Andrei lên đường đi Roma.

Và không bao giờ trở về tu viện nữa.

Cha Nil mở mắt ra. Ngay khi có thể, ông sẽ đi thực hiện ước nguyện cuối cùng của bạn mình. Nhưng không có ông ấy thì một phim mới chụp bản khắc sẽ dùng làm gì?

Tiếng chuông sầu thảm bắt đầu vang lên liên hồi, thông báo cho toàn thể thung lũng biết rằng ngày mai, một tu sĩ sẽ được trang trọng đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cha Nil hé mở ngăn kéo bàn và lùa tay xuống dưới chồng thư.

Tim ông bắt đầu đập mạnh. Ông kéo hẳn ngăn bàn ra: bức ảnh chụp ở Germigny đã biến mất, cả mảnh giấy của cha Andrei cũng vậy.

“Không thể! Không thể thế được!”

Ông rải hết những thứ đựng trong ngăn kéo lên bàn: không tác dụng gì, cả bức ảnh và mảnh giấy đều không thấy.

Các tu sĩ đều nguyện sống trong cảnh nghèo khổ: vậy nên họ tuyệt đối không sở hữu thứ gì, không được khóa kín bất cứ thứ gì, và không một phòng nào trong tu viện có ổ khóa. Trừ các văn phòng của thủ quỹ, văn phòng của Cha tu viện trưởng - và ba thư viện, nơi mà chìa khóa được phân phát với sự dè sẻn ta đã biết.

Nhưng phòng của một tu sĩ là nơi sự cô độc của người đó không bị xâm phạm: không ai được vào phòng khi chủ nhân vắng mặt, hoặc không được chủ nhân chính thức cho phép. Trừ Cha tu viện trưởng, người ngay khi được bầu lên đã thề danh dự là tôn trọng quy định không thể xâm phạm này, là điều bảo đảm cho sự lựa chọn của các tu sĩ: sống trong cộng đồng nhưng cô độc trước Chúa.

Không chỉ xâm phạm nơi riêng tư của cha Nil, mà người ta còn lục lọi và lấy cắp. Ông liếc nhìn những tập hồ sơ nằm rải rác, lộn xộn trên bàn. Đúng, người ta không bằng lòng với việc chỉ lục lọi trong ngăn bàn: tập dày nhất trong số các hồ sơ của ông, kinh Phúc âm theo Thánh Jean, không còn ở vị trí quen thuộc. Nó đã bị xê dịch đôi chút, và mở ra. Cha Nil, người đã dùng nó hằng ngày từ khi bắt đầu khóa học, nhận ra ngay rằng một số ghi chép của ông không còn ở đúng vị trí mà ông sắp xếp theo logic của riêng mình. Thậm chí hình như một số tờ đã biến mất.

Một nguyên tắc trong cuộc sống của tu viện dòng Benedict vừa bị xâm phạm, ông đã có bằng chứng hiển nhiên. Điều này hẳn phải do một nguyên cớ vô cùng nghiêm trọng. Ông lờ mờ cảm thấy có một mối liên hệ giữa những sự kiến bất thường xảy ra thời gian vừa qua, nhưng đó là gì?

Ông đã chống lại mong muốn của gia đình không theo đạo của ông để trở thành tu sĩ, ông nhớ lại hình ảnh mình khi còn là chàng thanh niên tập tu. Sự thật… ông đã mang cả cuộc đời mình để đi tìm nó. Có hai người hiểu ông: Rembert Leeland, bạn đồng môn của ông trong bốn năm học ở Roma, và cha Andrei. Leeland hiện đang làm việc ở đâu đó tại Vatican, cha Nil thấy mình đơn độc với những vấn đề mà ông không đủ khả năng giải quyết, và một nỗi lo sợ âm thầm vẫn không rời bỏ ông từ cuối mùa hè.

Ông đưa tay vuốt nhẹ lên tập hồ sơ dày về kinh Phúc âm theo Thánh Jean: tất cả là ở đây. Thật ra, cha Andrei đã không ngừng khiến ông hiểu ra điều đó, mặc dù vẫn từ chối nói hết mọi chuyện với ông hoặc cho phép ông tiếp cận thư viện cánh Bắc. Ông ấy không thể làm khác được: phải phục tùng. Nhưng cha Andrei đã chết, có thể là do sự phục tùng của ông ấy. Và căn phòng của chính ông đã bị lục lọi, một sự xâm phạm đến những quy định bất di bất dịch của tu viện.

Phải làm một điều gì đó.

Vẫn còn một giờ trước kinh chiều tối. Ông đứng dậy, đi ra hành lang, và cả quyết bước về phía cầu thang dẫn đến các thư viện.

Nhờ có trí nhớ hình ảnh tốt, ông đã ghi nhận những chi tiết nhỏ nhất trên mảnh giấy của cha Andrei. Bản thảo tiếng Ai Cập cổ (Apoc) chắc chắn là một bản thảo kinh Khải Huyền bằng tiếng Ai Cập cổ. Bức thư của Tông đồ, sau đó là ba ký tự bí ẩn M M M, và phiến đá Germigny. Sợi dây liên kết tất cả các yếu tố bí ẩn này còn đang nằm im đâu đó, trong những cuốn sách của thư viện.

Ông đến trước văn phòng của cha Andrei, nằm ngay bên thư viện Khoa học về Kinh Thánh. Cách đó mười mét là góc cánh Bắc và lối vào thư viện Khoa học lịch sử.

Cánh cửa văn phòng thủ thư cũng không có ổ khóa giống như bất cứ phòng nào khác trong tu viện. Ông bước vào, bật đèn, thả mình xuống chiếc ghế mà ông đã ngồi trong biết bao giờ phút hạnh phúc để trò chuyện với bạn mình. Không có gì thay đổi. Trên tường, những bộ ván giá chất đầy sách dán nhãn mới tinh: những cuốn mới được mang đến, đang chờ được sắp xếp vĩnh viễn vào một trong ba thư viện. Bên dưới là cái tủ bằng kim loại nơi cha Andrei xếp bản sao của các bản thảo viết tay ông đang nghiên cứu. Bản thảo kinh Khải Huyền bằng tiếng Ai Cập cổ hẳn đang nằm đâu đó trong tủ. Liệu có nên bắt đầu từ đó không?

Bỗng ông giật mình. Trên một giá sách, nhiều cuộn phim để lộn xộn: âm bản của những bản thảo viết tay… Trong số đó, ở hàng đầu tiên, ông nhận ra ngay cuộn phim ông đã dùng để chụp phiến đá Germigny. Cha Andrei đã để nó ở đó, không nghĩ đến nữa, trước khi đi Roma.

Người ta vừa đánh cắp bức ảnh của ông, nhưng không nghĩ đến phim âm bản, hoặc chưa có thời gian để khám xét văn phòng của viên thủ thư. Không ngần ngại, cha Nil đứng dậy, lấy cuốn phim trên giá và bỏ vào túi. Những ước nguyện cuối cùng của một người quá cố là thiêng liêng…

Ngay trước mặt ông, trên lưng ghế phô tơi, ông nhận ra áo vest và chiếc quần tu sĩ mà cha Andrei mặc lúc chết. Ngày mai, ông ấy sẽ được chôn cất trong lễ phục thầy tu: sẽ không bao giờ có ai mặc đến bộ quần áo này nữa, chúng đã trở nên vô ích cho việc điều tra. Mắt cha Nil bị một làn nước làm nhòa đi, rồi một ý nghĩ điên rồ bỗng lướt qua đầu ông. Ông cầm lấy chiếc quần, thọc tay vào túi bên trái: ngón tay ông nắm vào một vật bằng da. Ông vội rút nó ra khỏi túi: một túi đựng chìa khóa! Không ngần ngại, ông mở khuy bấm.

Ba chiếc chìa khóa. Chiếc dài nhất hoàn toàn giống với cái của ông, là chìa khóa thư viện cánh giữa: hai cái còn lại hẳn là chìa khóa cánh phía Bắc và cánh phía Nam. Chùm chìa khóa đặc biệt, chùm chìa khóa mà chỉ thủ thư và Cha tu viện trưởng mới có. Rối trí vì những sự kiện bi thảm xảy đến với tu viện của mình, Cha tu viện trưởng chưa kịp nghĩ đến việc lấy lại chùm chìa khóa này - chùm chìa khóa mà ông ấy sẽ trao lại cho người kế vị cha Andrei sau khi đã lựa chọn được ứng cử viên để bầu vào chức vụ tế nhị này.

Cha Nil lưỡng lự một lát. Rồi ông thấy lại khuôn mặt của bạn mình, ngồi đối diện với ông trên chiếc ghế phô tơi. “Sự thật, cha Nil ạ, chính là để biết được sự thật mà cha đã vào tu viện này!” Ông bỏ chùm chìa khóa vào túi, vượt qua mấy mét hành lang ngăn cách ông với cánh phía Bắc và thư viện của ông.

Khoa học lịch sử: nếu bước qua cánh cửa này, ông sẽ trở thành một kẻ phản nghịch.

Ông quay lại nhìn phía sau lưng: hành lang của cánh giữa và cánh phía Bắc vắng hoe.

Ông cả quyết tra một trong hai chiế chìa khóa nhỏ vào ổ khóa: ổ khóa xoay tròn không một tiếng động.

Cha Nil, giảng viên hiền hậu phụ trách môn chú giải Kinh Thánh, tu sĩ mẫu mực chưa bao giờ vi phạm quy định nào của tu viện, dù là nhỏ nhất, mở cửa và bước lên trước một bước: vào trong thư viện phía Bắc này là ông bước vào thế chống đối.

Thêm Bình Luận