- 🏠 Home
- Linh Dị
- Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
- Chương 45: Người Con Gái Váy Xanh
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
Chương 45: Người Con Gái Váy Xanh
Tôi đã thỉnh được Phật Bà từ trên chùa làng về, được bọc trong một miếng vải màu đỏ nho nhỏ mà ông sư cho tôi, tôi không biết tại sao ông sư lại cho tôi miếng vải nhưng dù sao thì cũng tốt vì tôi không muốn ai thấy. Khi tôi lớn lên đi mua ông Thần Tài thì cũng được cụ sư ở trong một ngôi chùa cho một miếng vải đỏ, sau tôi đi hỏi thì có người nói với tôi rằng làm như vậy là để che mắt ông Thần Tài, không cho ông ấy nhìn con gái đẹp trên đường, tôi cho là đúng vì ông Thần Tài rất là mê con gái đẹp, tôi hay bảo vợ tôi mặc đẹp mà khấn, phụ nữ khấn có khi được phù hộ hơn là đàn ông, nhất là đàn ông không ăn ảnh như tôi. Còn miếng vải màu đỏ bọc kín tượng Phật Bà thì tôi không được biết rõ cho lắm nhưng tôi chú ý thấy nhiều người cũng làm như vậy. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cầm trên tay một bức tượng Phật, sau này rất nhiều biến cố của cuộc đời tôi đều gắn liền với Phật Bà, thường là lúc tôi khó khăn nhất.
Tôi rủ thằng Sơn, một thằng nhỏ nhất trong ba anh em siêu nhân Lâm Hùng Sơn, nó cầm truyện đọc đi cùng tôi và một trưa Chủ nhật, buổi trưa ngồi đọc truyện ven bờ mương, dưới bóng tre rì rào thì thật là lý tưởng, nhìn trước mặt thì là con đường xe cộ đi qua lại, cũng có thể xem là cảnh vật nên thơ. Tôi không dám rủ mấy đứa lớn hơn đi cùng vì bọn nó hay hỏi, còn thằng Sơn mới 8 tuổi và mải mê với tập truyện Teppi Siêu Quậy sẽ chả quan tâm đến tôi làm gì, tôi không biết bơi nên tôi phải rủ đứa khác đi cùng nhỡ đâu còn có đứa nó hô hoán. Nhà thằng H. Chắc Gạo cũng chỉ ngay ở kia, hô lên nó sẽ nghe thấy, rồi sẽ có người đến giúp, đấy là tôi phòng xa như vậy chứ người sợ nước như tôi nhất định phải cẩn thận từng li từng tí một.
Đến gần chỗ mà lần trước tôi gặp Mẹ Chẽ, tôi lén rút một cái dép ném nhẹ xuống ven bờ mương gần mấy lùm cây. Kỳ này đi ra ngoài có công việc đặc thù mà dép xăng-đan thì mất một cái, chưa lên Hồ mua được.
- Thôi ngồi đây đọc truyện luôn mày, anh làm rơi dép rồi!
Thằng Sơn ấy vẫn dán mắt vào truyện, tôi cũng ngồi cạnh đọc lướt vài trang rồi bắt đầu lần mò từng bước xuống mé con mương, tay phải tìm những chỗ rất chắc chắn như bụi cây, dây cuốn để làm chỗ bám rồi trèo xuống, sau một hồi vất vả thì tôi cũng bắt đầu xuống được sát mép nước. Tôi không chính xác lúc này là mấy giờ, chỉ thấy mặt trời treo trên đỉnh, đoán chừng đã giữa trưa, có lẽ cũng khoảng “Giờ ngọ ba khắc”.
Ngay sát mép nước là cỏ và bùn, tôi lấy trong túi quần ra mấy cái gương rồi dúi một cái vào mấy chỗ cỏ lẫn bùn ấy, những tấm còn lại tôi lia ra con mương rồi nhìn nó chìm.
- Anh làm gì đấy?
Thằng sơn nghe tiếng động trên mặt mương lên tiếng hỏi.
- Tao ném đá thôi không có gì, mày đọc đến đâu rồi?
Trong khi nghe nó huyên thuyên kể lại câu chuyện Teppi thì tôi bắt đầu lấy từ trong người ra bức tượng Phật Bà mà từ ban đầu tôi phải dùng cuốn truyện che trước bụng, tôi nghĩ sơ-vin thật sự là có tác dụng rất lớn. Tôi nhìn bức tượng trong giây lát rồi từ từ thả xuống con mương, đợi đến khi cái bóng trắng của tượng không còn nhìn thấy, đoán chắc đã ở lòng mương thì tôi leo lên. Quần áo lấm lem hết cả nhưng vẫn ngồi chờ thằng Sơn đọc xong quyển truyện thì mới đứng lên rủ nó về. Trưa nay lại ăn cơm với trứng, ruốc và mấy quả trám, cơm nấu thì 4 lần đều ra kết quả khác nhau, lúc thì bị khê, lúc thì nhão, lúc thì thiếu nước nên khô, thậm chí còn sống nhưng cũng ăn được, phải ăn thôi.
Một chậu quần áo, tôi sắp hết quần áo mặc rồi, tính ra cũng hơn một tuần rồi không lười mãi được nên tôi phải giặt, chia quần áo thành 2 phần, bỏ vào cái chậu nhôm đổ bột giặt lên sau đó đứng lên dẫm, dẫm đi dẫm lại một hồi thì cũng muốn vò nhưng đôi tay nhỏ bé chỉ giỏi bày trò của tôi có vẻ không hợp để dùng sức, vậy nên là cứ đứng lên dùng chân thôi, lúc phơi quần áo thấy cái ống quần vẫn còn dính bùn lại phải giặt cái quần ấy, chả hiểu sao hồi đấy tôi lại cứ thích mặc quần dài sáng màu, chắc nghĩ nhìn như vậy cho lịch sự.
Tôi không biết tác dụng của bức tượng Phật Bà và mấy tấm gương tròn tới đâu nhưng một dạo sau đó tôi không thấy có chuyện gì bất thường xảy ra, duy nhất có một lần có chiếc xe như xe công nông bị mất lái đâm sập một phần tường nhà của một nhà ở gần khúc cua ngay đầu làng vào buổi khuya, thật may không có thiệt hại nào về người nhưng chủ nhà cũng được một phen hú vía.
....
Chiều muộn tôi lại lên nhà bà ngoại, bản tính ăn sẵn lười lao động đã khiến tôi quyết định đi ăn chực thêm một bữa nữa, đi qua cây quéo hôm trước nhìn thấy một cái bóng đen xì và có cái lưỡi dài đỏ lòm tôi dừng xe lại nhìn chằm chằm nhưng chả thấy gì lại đạp xe đi tiếp vào cái ngõ nhỏ heo hút không có nổi một ánh đèn đường. Khoảng đến năm 2007 thì họ nội tộc nhà tôi đông con nhiều cháu nên xây nhà thờ Họ, mỗi suất đinh góp Ba trăm nghìn đồng, nhà tôi ba suất dĩ nhiên bố tôi cũng đóng góp đầy đủ, nhưng hơn mười năm qua tôi chưa vào làm lễ ở Nhà thờ tổ lần nào mặc dù đi qua nhiều lần, tôi không hiểu nữa, nhưng tôi thật sự không có cảm giác gần gũi hoặc là vì khi nhà thờ Tổ được xây dựng lên, người ta nhắc đến bố tôi đa phần là những chuyện “Đáng ra...” “Tôi đã bảo rồi ....”, tuy tôi không trực tiếp ngồi đấy nhưng bà tôi có nói lại với tôi tất cả, tôi nghe và im lặng. Có lần bố tôi cũng bảo tôi rằng sau này con làm ăn có tiền của thì cung tiến vào nhà thờ họ một cái gì đấy để thể hiện tấm lòng thành, tôi vâng lời nhưng đó là chuyện của tương lai. Sẽ có một ngày tôi cung tiến nhà thờ Tổ, và đó nhất định phải là một cái cổng thật đẹp, là một cái cổng chứ không phải cái gì khác, nhất định là như thế.
Mấy hôm trước, tôi gặp bố mẹ khi Covid tràn đến, bố tôi lại nhắc một chuyện là các bác ở quê có gọi vào nói rằng đã đi xem ở vài nơi, các thầy đều bảo rằng con cháu nên góp tiền đi làm lễ để chuộc các bậc tiền nhân đời xa xưa ra, do các cụ thời đó quậy lên phải chết trong lao tù, các bác không nói đóng góp là bao nhiêu, cái này tùy tâm, tôi nghe xong xuôi có nói với bố mình:
- Bố cũng biết là xưa kia tình hình chung là người Việt mình đều không hiền lành gì, có rất nhiều hủ tục và cực kỳ bướng bỉnh, nếu hiền lành thì người Tàu họ nuốt chửng từ bao đời rồi chứ mình không còn nói tiếng Việt được đâu. Chuyện các cụ nhà mình xưa kia có thể chết trong lao tù, rất có thể, nhưng bao nhiêu năm nay không có ai đề cập đến việc này, mấy cụ cao niên xưa còn sống cũng chưa bao giờ đề cập tới mà bây giờ mới đề cập, thì cũng được. Nhưng tuyệt đối bố không được tham gia ý kiến gì, không được động tay làm cái gì, còn tiền khi nào cần đóng góp bố cứ bảo con. Mình nghèo quen rồi nhưng phải cẩn thận.
Bố tôi im lặng, tôi biết ông suy nghĩ nhiều.
- Không phải con có vấn đề gì về tiền bạc nhưng bố phải nhớ lại những gì đã xảy ra trước đây, khi đó con còn nhỏ và không thể làm được cái gì nhưng bây giờ chuyện nó khác. Con có thể quyết định được việc gia đình nhà mình nên tham gia như thế nào, bố phải nghe con.
Mẹ tôi đang bán hàng nghe thế cũng nói chen vào.
- Tôi thấy con nó nói đúng đấy, chuyện cúng bái động mồ động mả với làm lễ gì đó cũng không nên tham gia nữa, ông già rồi an phận đi để bọn trẻ nó tính.
Bố tôi suy nghĩ hồi lâu rồi cũng quyết định sẽ báo với các bác rằng sẽ tham gia và gửi tiền về đóng góp nhưng do Covid và bận rộn nên các bác cứ tùy ý, bố tôi không ý kiến.
....
Bà ngoại chưa về, chỉ có mỗi cậu Út tôi đang ngồi băm bèo cho mấy con lợn nuôi ở phía sau nhà, tôi không có mấy kỹ năng thành thục của một đứa bé nông thôn, tôi từng nghĩ rằng mình thuộc dạng gì, sau cùng tôi tự định nghĩa rằng mình thuộc nhóm “Gần thành thị, xa nông thôn” vì ra Thủ Đô thì được xem như thằng "nhà quê" còn về làng thì được xem như đứa có tư tưởng thành phố, nhưng đúng là như vậy thật.
Tôi lang thang hết nhà trên rồi lại xuống nhà dưới, nhà bà ngoại đất rộng và xây hai cái nhà ngói, một cái sẽ để cho bác cả để sau này làm nơi thờ tự và một cái để dành cho cậu Út vì ở nhà với U, cậu tôi vẫn gọi bà ngoại là U. Hai căn nhà được xây nối liền nhau theo hình chữ Nhất, nhưng mọi người gọi là nhà trên, nhà dưới nên tôi cũng gọi theo như thế.
Đầu hồi của căn nhà dưới là hướng Tây có một bức tường ngăn cách ngoài vườn với trong sân, phía ngoài bức tường là một khoảnh đất rộng lưa thưa vài cây ổi, táo rồi mới đến lũy tre, ngay sát bức tường, sát đầu hồi nhà là chuồng trâu và nhà vệ sinh. Từ cái cột đầu bức tường này nhìn hướng 2 giờ sẽ là gò đất có cái miếu cũ. Tôi không hiểu vì sao thời đó rất nhiều gia đình lại xây nhà vệ sinh cạnh chuồng trâu nữa, tôi thấy ở mấy nhà, sau này tôi còn thấy xây ngay gần cổng, thật kì lạ. Phía sau hai căn nhà bà ngoại tôi trồng rất nhiều khoai lang, khoai tây, thi thoảng tôi cũng ra mót khoai, mặc dù chả ăn nhiều nhưng cái cảm giác lần mò rồi đào lên từng củ khoai khiến tôi thích thú.
Trời nhá nhem tối, tôi thơ thẩn đi tận góc vườn nhà bà đứng nhìn cánh đồng phía sau lũy tre, vẫn thấp thoáng xa xa có bóng người đang đi trên những bờ thửa, khi định bụng quay vào nhà thì tôi thấy mắc tiểu, kể ra cũng lý tưởng khi đứng gần bụi tre và tạo ra vòi rồng, tôi cũng từng tham gia một vài cuộc thi nhỏ như “Đái xa, đái bắn, đái ba bước” nhưng ít khi chiến thắng, đúng hơn là chả mấy khi chiến thắng vì tôi hay mặc quần dài đi chơi, ướt quần dài thì rất khó coi.
Đang cố vẽ những vạch ngang dọc gần bụi tre thì tôi bị quát giật bắn người, dính cả thứ nước diệu kỳ ấy vào tay.
- Ai cho mày đái ở đây?!
Tiếng phụ nữ trong trẻo quát lên.
- Dạ...
Tôi như kẻ trộm đang làm việc mờ ám bị bắt gặp, tôi lúng túng quay sang phía bên trái để xem là ai, tôi tưởng sẽ là bạn của cậu Út, có thể là một bà mợ tương lai nào đó đến chơi, nhưng không phải. Trong ánh sáng của chiều tối nhọ mặt người tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi xếp bằng tròn, hai tay khoanh trước ngực đang nhìn tôi chằm chằm, tôi đứng ngây như phỗng, chớp mắt nhìn mấy lượt ngạc nhiên, trân trân nhìn người phụ nữ đó. Cô ta đang ngồi ở kia, khoảng cách xa khiến tôi không nhìn được rõ nhưng vị trí ngồi rất gần gò đất, phía sau là cái miếu và cây duối cao cao um tùm. Trang phục mặc trên người cũng thướt tha, tôi thấy màu sắc cũng sặc sỡ, nhưng chủ yếu có vẻ như là màu xanh nõn chuối nên hơi tiệp màu với xung quanh, cô ta vấn khăn tròn trên đầu, khuôn mặt thì tôi không nhìn thấy rõ ràng, cứ mờ mờ.
- Tại sao mày lại đứng đái ở đó thằng bé kia?
- Dạ...dạ thưa...cháu... cháu...
Tôi lắp bắp không thành tiếng.
- Mày có tin là ta sẽ xẻo con giống của mày đi không?
- Cô ơi, cháu... cháu không biết ạ!
- Ta không phải là cô của mày, hừ...
Tôi thấy cô ta đứng lên, mà sao cái dáng đứng lên đó rất nhẹ nhàng và tao nhã, như kiểu không cần phải dùng đến một chút sức lực nào.
- Mày là đứa lạ mặt, thằng nhóc kia, mày đến đây làm gì?
- Cháu... cháu...đây là nhà bà ngoại cháu ạ!
- Bà ngoại à? Sao ta thấy mày rất lạ. Được, bây giờ mày mau đi lấy nước dội sạch cái chỗ mày vừa làm ô uế kia mau lên nếu không ta sẽ xẻo ngay con giống của mày biết chưa?
- Vâng...vâng...
Tôi ù té chạy vào trong sân, chạy qua chỗ cậu Út tôi đang băm bèo, đến giếng nước và múc từng gàu nước lên, đổ vào cái xô gần đấy.
- Mày làm gì đấy?
Cậu tôi ngẩng đầu lên hỏi.
- Cháu múc nước rửa chân ạ!
Rồi cậu không hỏi thêm, ngồi nghêu ngao hát những bài nhạc vàng, còn tôi thì mau chóng xách xô nước mang ra phía lũy tre. Thời gian gấp gáp nhưng cũng đủ cho tôi hiểu ra cái người phụ nữ đó nhất định là ở miếu rồi, chắc là Thần giữ miếu giống như chị Ma ở nhà tôi, phải cẩn thận mới được, đây không phải đất nhà tôi, người này cũng có vẻ khó tính nữa. Xách xô nước đi khuất sau bức tường tôi thấy cô đó đang đứng khoanh tay nghiêm nghị nhìn tôi, tôi cúi đầu không dám nhìn thẳng, hơi nghiêng nghiêng đầu xách cái xô lướt đi mau, vẹo cả một bên người. Tôi hắt nước vào chỗ mình vừa đứng giải quyết nỗi buồn, vừa làm vừa sợ và tìm cách đối phó. Đổ xong tôi để cái xô xuống, đứng khép người và cúi đầu nhìn xuống đất.
- Cô ơi, cháu xin lỗi, cháu không biết, cháu lỡ dại...
- Ta không phải là cô, mày nhìn cái kiểu gì mà gọi là cô?
- Dạ thưa bác?
“Cốc!” Tôi bị gõ đầu một cái đau điếng nhưng không thấy cô gái đó đến gần.
- Mày đừng có giả ngây, ta mới 18 tuổi sao lại gọi bằng bác, ta rạch miệng mày bây giờ!
Ờ, đúng rồi, tại lúc nãy lờ mờ nhìn thấy đội khăn trên đầu nên tôi nghĩ lớn tuổi, thế ra cũng còn trẻ.
- Dạ thưa chị, em không... không nhìn rõ ạ!
- Đúng, gọi bằng chị là đúng rồi, lần sau không được đái bậy ở đây nghe chưa?
- Vâng, cháu...À em không dám ạ, nhất định không dám ạ!
- Tên gì?
- Dạ em tên N. ạ!
- Tao đang ngủ yên mà mày làm mất giấc ngủ, giờ nên trị tội như thế nào?
- Chị ơi, chị tha cho em...
Tôi khẳng định rồi, đây nhất định là bà cô ở cái miếu này rồi, không khôn khéo là rước họa vào thân như chơi, phải tỏ ra biết ăn năn hối cải, phải biết nhận lỗi thành khẩn.
- Chị ơi, chị giơ cao đánh khẽ tha cho em, em biết lỗi rồi, em nhất định sẽ cúng lễ để tỏ lòng biết ơn ạ!
- Thằng này cũng dẻo mỏ nhỉ?!
- Dạ không, em nói thật ạ!
- Ngẩng cái đầu lên ta xem nào?!
Tôi ngẩng đầu lên, chị ta đang đứng từ phía xa tôi mà chớp mắt đã đứng gần rôi, cúi đầu xuống nhìn ngó tôi, tôi tròn mắt nhìn không chớp lấy một lần, nhân cơ hội xem mặt luôn. Đó là một chị đẹp, da trắng môi đỏ, lông mày lá liễu, sống mũi cao, cái khăn đội trên đầu có màu xanh, có một búi tóc và phía sau cũng phất phơ tóc dài xõa xuống. Không gian xung quanh như dừng lại, yên ắng lạ thường, trí thông minh của tôi hoạt động hết công suất và cuối cùng tôi đã thốt lên.
- Chị ơi, chị là ai mà sao đẹp thế ạ?
Trúng phóc! Cậu Út tôi hay mấy anh thanh niên làm ở nhà tôi ngoài Hà Nội đều nói rằng con gái rất thích khen đẹp, tôi không biết có đúng hay không nhưng cũng phải thử. Khi nghe tôi nói như vậy, chị đẹp đó ngưng nhìn tôi, đứng thẳng người lên hai tay vẫn khoanh trước ngực rất là nghiêm nghị. Tôi tranh thủ nói tiếp.
- Chị ơi, chị đẹp thế sao em ở làng này lâu rồi không thấy chị?
Tôi đứng ngó lên, thấy rõ trong chút ánh sáng yếu ớt cuối ngày ấy, một bên khóe miệng của chị đẹp ấy hơi nhếch lên, có vẻ hài lòng, tôi đoán là mình đã đúng rồi, phải tiếp tục nếu không mà bị xẻo mất của quý thì toi, tôi sẽ không còn là cháu đích tôn nữa, sẽ thành thái giám.
- Ta bận ngủ!
Trong thanh âm đã có phần bớt nghiêm nghị.
- Chị là một trong những người đẹp nhất em từng thấy ạ, em xem phim thấy rất nhiều các cô đẹp nhưng chưa gặp ai đẹp mà lại còn trẻ như chị.
- Lời con trẻ ta tạm tin, ở cái vùng này ta chính là người đẹp nhất, khá khen cho thằng bé có mắt nhìn người. Được, hôm nay ta tha cho vì tội nhỏ, lần sau mà còn thế thì đừng trách ta độc ác.
- Chị ơi, em thấy mấy người xinh đẹp rất tốt bụng, chị thật tốt ạ! Em đội ơn chị!
Chị đẹp không nói gì nhưng thấy rõ khuôn mặt xinh đẹp ấy không còn vẻ nghiêm nghị nữa, giống như vẻ hài lòng thì đúng hơn. Chị ta không nói thêm gì, cứ thế quay lưng bước đi rồi mờ dần khi tới gò đất. Tôi đứng im đó nhìn theo, giờ tôi mới phát hiện người mình mồ hôi toát ướt áo tự bao giờ.
- Thằng N. đâu rồi ấy nhỉ?
Tiếng bà ngoại gọi tìm tôi từ trong sân nhà vọng đến, tôi hô lên đáp lời rồi vội vàng xách cái xô đi vào, trời đã tối hẳn, vào đến sân tôi vẫn còn ngoái nhìn ngôi miếu thêm một lần nữa, kỳ này may mắn có cái miệng dẻo chứ không thì chả biết ra sao, phải tìm hiểu rõ hơn về lai lịch của cái miếu này mới được.
.....
65. Sau bữa cơm tối, tôi không vội về ngày mà ngồi trên bàn uống nước, tôi không sợ về muộn mặc kệ cái con ma thè lè lưỡi đỏ có thể lại xuất hiện và trêu tôi một lần nữa, tôi tò mò về ngôi miếu và cái chị đẹp đã nhìn thấy lúc chập tối.
- Bà ơi, cái miếu nhà mình đây có lâu chưa bà?
- Cái miếu ngoài vườn đấy hả?
- Vâng.
- Miếu đấy tao xây hồi năm 80.
- Không biết là thờ ai thế bà nhỉ? Từ hồi cháu về thắc mắc mấy lần mà quên không hỏi.
- Miếu này thấy bảo trước đây thờ một bà Cô, cũng chả biết thế nào.
- Bà kể cho cháu nghe với, cháu tò mò.
- Hồi xưa lúc tao mới về đây làm dâu thì đất này có cái miếu trên gò đấy rồi, hồi đấy có cái lối đi ngang qua miếu, dân làng đi làm đồng đi qua đều thấy bỏ mũ với hạ cuốc cày rồi đi, tao thấy bảo là cũng thiêng lắm nhưng tao có thấy gì đâu.
- Là cái miếu ngoài vườn đấy hả bà?
- Ừ, sau này cái miếu nó xuống cấp nên ông mày phá đi, xây lại ra cái bờ tre.
- Ơ cháu thấy nó trên gò chỗ cây duối cơ mà.
Bà ngoại tôi ngưng ăn, tay cầm đũa nhìn ra cửa nói.
- Xây cái miếu ấy xong thì ông mày cứ ốm đau suốt, cụ mày hồi đấy còn sống đi xem thì thấy người ta bảo phải xây trả chỗ cũ, mà cái chỗ cũ ấy có cái cây duối đấy. Tính ra xây cũng được gần hai mươi năm mà cây duối ấy nó bén rễ ăn sâu cả vào miếu.
- Làng mình cháu thấy có nhiều miếu mạo quá!
- Thì xưa đi mở đất chỗ nào đất dữ thì lập cái miếu thờ để yên ổn làm ăn, cái miếu này đi xem người ta bảo là Bà Cô trấn giữ thì biết như vậy. Cụ mày còn sống thì hay bảo là miếu thiêng chứ ông mày thì lại chả tin, ông ấy chả sợ cái gì sất!
- Cậu ở đây có thấy gì cái không cậu?
Tôi hỏi cậu Út đang ngồi đối diện tôi.
- Tao á? Thấy gì, chả có gì, người ta cứ đồn linh tinh!
Cậu Út tôi chả mấy khi tin vào tâm linh hay ma quỷ nhưng về sau có mấy lần cậu trải nghiệm vài thứ thì cậu cũng tin là có thờ có thiêng. Đợt sau khi cậu lấy vợ rồi ra Hà Nội lập nghiệp, chân ướt chân ráo và không muốn làm đậu phụ, mẹ tôi thuê được một chỗ trong chợ Nam Đồng cho cậu, cậu đứng bán thịt heo quay, dạo ấy mùa hè nên tôi cũng biết. Cậu mới mở hàng bán chưa quen khách nên ế, chả bán được bao nhiêu đâm ra nản, có người mách phải cúng nên cậu làm theo, nhưng được dặn là nhất định ngày Rằm và mùng Một phải nhang khói đầy đủ bái vọng. Quả nhiên cậu bán đắt hàng đến nỗi người ta xếp hàng mua từ sáng đến tối suốt hơn chục ngày, công việc bận rộn, mải buôn bán quá nên ngày Rằm cậu quên không thắp nhang bái vọng, hôm sau chả có khách nào mua cậu mới sực nhớ ra lời dặn thì vội đi mua hoa quả bánh trái để cúng nhưng không thay đổi được tình hình. Đi hỏi lại thì người ta chỉ nói đúng một câu:
- Số anh không có tiền, tôi dặn rồi, tìm nghề khác đi, xin lại không được!
Hơn nửa tháng sau cậu tôi đành bỏ nghề bán thịt heo quay và chuyển sang làm đậu phụ cho đến tận ngày hôm nay, mỗi lần nhắc lại chuyện đấy cậu cũng cười vui bảo là số tao chắc phải phát huy truyền thống của làng mình.
.....
Đêm ấy, tôi mắc võng nằm giữa nhà, tiếng đài vặn nho nhỏ nghe kể chuyện đêm khuya, tôi nhớ sắp đến ngày giỗ của chị Ma nên cũng lẩm bẩm tự nhắc mình phải mua đồ cúng đầy đủ thì lại nghe tiếng gọi.
- Này em trai, có lòng như vậy là tốt đấy.
Tôi ngồi dậy tắt đài, tắt đèn điện, châm đèn dầu rồi bước ra ngoài sân, khuya chỉ có sao không có trăng.
- Sao chị biết?
- Chị nghe thấy em nói còn gì?!
- Em thấy là có tai thính quá chắc không tốt đâu nhờ?
Tôi cười, nhìn chị Ma trong cái bóng váy đỏ thướt tha đang đứng trước sân nhà, cái bóng người như mờ mờ ảo ảo rất ma mị.
- Là do em nói to quá thôi, tối nay có chuyện gì vui đúng không?
- Chị tài thật, tối nay em mới thấy một chị đẹp ...
Tôi hơi khựng lại vì thấy chị Ma có vẻ chăm chú nhìn mình, tôi đổi lời nói lại.
- Hồi tối em có vô tình gặp một chị kia, ở trên nhà bà ngoại em đó, chị ấy chắc là ở trong cái miếu đấy, em sợ hết hồn.
- Nó cũng là Thần giữ của đấy!
- Ô!
- Con bé đó đến sau chị một đận, đận đó loạn lạc liên miên nhớ đâu là nhà Mạc làm vua thì bắt đầu có cái miếu đấy, chị nhớ xưa nó nằm trên một gò đất ngoài cánh đồng như chị đây, sau dân lấn dần đất ra thì thành trong làng đấy.
- Chị biết à?
- Rảnh thì chuyện gì chả biết nhưng chị không quan tâm, cũng không ảnh hưởng gì đến mình.
Tôi chạy tót vào nhà, nhanh tay mang ra gói bánh bích-quy rồi bóc ra.
- Chị ăn không?
- Lại muốn hóng hớt đúng không?
Tôi gãi đầu.
- Thì nếu được chị kể em nghe cũng có sao đâu, em biết mà phòng thân thôi.
- Gì mà phòng thân, con bé đó mà gặp chị vẫn phải nhận phận là em đấy, làng này chị nhiều tuổi nhất.
- Chị ta nói chị ta 18 cơ ạ.
- Chết rồi thì đứa nào chết lâu làm chị, em quên à?
- À. Em quên...
Tôi vỗ vỗ đầu mấy cái.
- Mà con bé đó có đẹp không? Thấy nó ít xuất hiện.
- Dạ đẹppp... À dạ cũng đẹp, em nghĩ chị được 10 điểm thì chị ấy cũng phải đến 5 điểm đấy ạ!
- Tất nhiên, cả cái vùng này chị là người đẹp nhất, chị đi nhiều nơi mà chưa gặp đứa nào đẹp bằng mình! – chị Ma thở dài - Nghĩ cũng buồn...
- Sao chị lại buồn?
- Em phải biết được rằng người đẹp thì luôn cô đơn.
Tôi nhăn mặt khó hiểu.
- Sao đẹp lại cô đơn?
- Vì không có ai đẹp bằng mình, em trẻ con thì hiểu làm sao được. Nhưng chị thấy bảo con bé đó ghê gớm lắm, đi qua cửa nhà nó mà không cúi đầu hạ mã nó phá cho chả làm ăn gì được. Nhưng em không phải sợ, nó chỉ là đàn em, gặp chị cũng phải nể đến ba phần.
- Ôi, em không dám gây sự với cái chị đấy đâu!
- Thì gây sự với nó làm gì, nó chỉ dọa em thế thôi chứ sao mà nó dám biến em thành thái giám được mà sợ!
- Wow, chị thính thật đấy!
- Hứ, chả cái gì giấu được chị này. Mà chị bảo, bánh đúc dạo này người ta làm không ngon, em tìm mua ở chỗ khác đi, không thì đổi món nhá!
- Vâng, vâng, em nhớ rồi!
- Ở một mình quen chưa? Mai là bà về đấy!
Tôi nghe thế rạng rỡ hẳn.
- Sao chị biết?
- Có người nói với chị thế.
- Ai thế chị?
- Thôi chị đi ngủ đây, chị báo với em thế thôi.
Chị Ma với cái dáng vẻ lười biếng, tay che miệng rồi biến mất trong khu vườn.
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
- Chương 45: Người Con Gái Váy Xanh