Tôi trở lại Bến Nứa vào một ngày hè nắng gần cuối tháng Năm, sau hơn một tiếng ngồi xe khách Hải u, lần đi một mình này tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều, phần vì đã có kinh nghiệm, phần vì cảm thấy mình đã lớn hơn nên cảm thấy tự tin hơn. Cái nắng hè của Hà Nội gay gắt hơn ở quê, tôi thấy quá ít cây, cộng thêm sự pha trộn hỗn tạp của đủ các thứ mùi khiến cho bản thân tôi nhất thời chưa thể thích ứng ngay được. Chỉ đến khi xe xích lô rẽ vào đường Hoàng Diệu rợp bóng cây, với hai hàng cây cao chót vót hai bên thì tôi bắt đầu quen. Tôi vẫn luôn thích con đường Hoàng Diệu kể từ thời đó, cây cối che đi cái nắng gay gắt làm cho người ta cảm thấy dễ chịu và khi dễ chịu người ta sẽ yêu đời, kể như có tiền mua được một căn nhà ở con phố này thì tốt biết mấy, tôi đã từng nghĩ như vậy mãi cho đến khi biết rằng kể cả có tiền cũng khó mà mua được, đằng này mình lại chẳng có nhiều tiền đến thế.
Đường phố Thủ đô dĩ nhiên là tấp nập, ai đi cũng nhanh, chỉ có mỗi cái xe xích lô của tôi đang đi thì chậm, trời nắng mà tôi lại không có mũ nhưng có vẻ như đi bêu nắng ở quê nhiều cũng có cái lợi thế nhất định, tôi chỉ cảm thấy tóc trên đầu mình nóng ran thôi. Đi qua Ô Chợ Dừa, là sẽ gần về tới nhà, thời điểm này Ô Chợ Dừa là một cái ngã 5 không rộng như bây giờ, tôi thấy phía tay phải mình là đường Đê La Thành nhỏ xíu, tôi cũng muốn có dịp đi thử con phố đó xem nó sẽ dẫn đến đâu.
Xích lô dừng trước cửa nhà, đây là lần đầu tôi đến nơi ở mới của bố mẹ, suốt cả một năm học vừa qua tôi không có cơ hội ra Hà Nội lần nào nên cũng tò mò. Nơi này tuy không quá lạ đối với tôi, nhưng lần đầu tiên tôi đến chỗ này vào buổi tối nên quan sát mọi thứ cũng không được rõ ràng cho lắm. Trước mặt tôi bây giờ là một cái cổng với cột quét vôi màu trắng, hai cánh cửa sắt được thiết kế với những chấn song thẳng đứng, dày dặn và chắc chắn, phía trên là những mũi nhọn chĩa ra, có lẽ để đề phòng việc trèo vào ăn trộm. Đứng từ bên ngoài tôi có thể nhìn được vào bên phía trong khoảnh sân kia có mấy người thanh niên đang lúi húi làm gì đó, tôi không biết họ là ai nhưng chắc đang làm việc. Tôi đẩy cửa cổng bước vào, tiếng cửa sắt bị thiếu nhớt gây ra tiếng động đủ để mọi người nhìn ra, họ nhìn tôi khiến tôi lúng túng, tôi nhanh chóng lên tiếng hỏi thăm.
-Các chú cho cháu hỏi thăm nhà chú Kh. ạ?
-Ô! Thằng lớn nhà anh này anh Kh. ơi!
-Nhìn có vẻ không cao to nhưng đen hôi đấy nhỉ?!
Mấy người thanh niên lạ mặt đó vây lấy tôi, nhìn ngó tôi như một sinh vật lạ.
-Thằng này nhìn giống chị Th. hơn chúng mày ạ!
-Này em, ra nghỉ hè đúng không? Biết ngay, nhìn chú mày ở quê ra có khác, trông cứng cáp hơn thằng D., mỗi tội đen giống bọn anh.
Mấy người thanh niên cứ nhao nhao xung quanh, mãi một lúc sau tôi mới thấy bố tôi xuất hiện với cái quần kaki sáng màu đầy vết bẩn, cái áo kiểu công nhân màu tối và trên đầu đội một cái mũ lưỡi trai, bàn tay thì đen xì, chắc đang dở việc.
-Thôi mấy đứa chúng mày đừng có trêu nó nữa! - Bố tôi lên tiếng – Con lại đây, đi đường có mệt không?
-Dạ không, mẹ con với mấy đứa đâu rồi ạ?
-Mẹ con chở hai đứa đi chơi từ sáng, chắc tí nữa về bây giờ, mọi người biết con hôm nay sẽ ra đây.
Tôi đứng ngó nghiêng quan sát xung quanh, từ cổng vào ở phía tay trái là một dãy nhà được chia thành 5 phòng riêng biệt, còn nơi tôi đang đứng là một khoảnh sân khá rộng, phía trên được lợp bằng mái tôn nhưng nhìn đã cũ, phía tay phải tôi là một phần diện tích khoảng 15m2 được xây cao hơn mặt sân xi-măng chính là nơi bố mẹ tôi sử dụng để sản xuất đậu phụ, còn sữa đậu nành chắc sử dụng hai gian trong cùng của dãy nhà, nơi bố tôi vừa từ đó đi ra.
-Mấy anh kia là ai thế bố?
-À, là mấy người bố thuê về làm sữa, còn thêm một người nữa nhưng đang đi giao hàng chưa về, để bố giới thiệu qua với con cho biết.
-Dạ!
Bố tôi giới thiệu cơ bản cho tôi mấy người thanh niên đang ngồi hì hục cạnh một cái máy tròn tròn được để trên trụ đỡ là bốn thanh sắt.
Người cao to vạm vỡ có kiểu cười rất sảng khoái, da đen, tóc húi cua tên là Ba, về tính cách thì sau này tôi thấy anh Ba này là người hiền lành, an phận và tương đối chăm chỉ, anh ta thích hút thuốc lào và sống tiết kiệm. Một người khác có nước da sáng hơn, trông khá đẹp trai, tóc để ngôi giữa, cũng cao lớn tên là Hải. Anh Hải này là một gã rất khéo miệng và láu cá, đã có vợ con ở quê, sau này anh ta dụ được một chị làm cùng có tính hơi tưng tửng để làm chuyện trai gái. Sau này nghỉ làm ở nhà tôi thì anh Hải đến làm ở một quán cơm mà anh ấy quen trong quá trình làm việc ở Hà Nội. Trong quá trình anh ấy làm ở gia đình tôi, những lúc tôi có mặt ở Hà Nội thì tôi luôn chú ý quan sát, tôi nhận ra anh Hải này có tính cách không trung thực, hay tìm cách bớt xén tiền với những lý do như xe bị thủng xăm, hàng bị đổi… Mỗi lần khi đi giao hàng về, do việc ấy lặp đi lặp lại nên tôi chú ý rất kỹ. Tôi không có bằng chứng nhưng với trực giác của mình cộng thêm quan sát tôi đoán biết được phần nào cách mà anh ta dùng để lấy tiền chi tiêu vặt, đến khi tôi có đầy đủ bằng chứng về sự gian lận của anh ấy thì tôi đã cho nghỉ việc, anh ta phản ứng rất căng.
- Mày chỉ là thằng ranh con, biết cái gì?! Mày đừng có vu oan cho tao!
Anh Hải vừa nói vừa vung tay như có ý gạt đi lời tôi.
- Anh làm gì anh tự biết, em đã hỏi kỹ mấy nơi rồi, nếu anh cần em có thể nói với anh cụ thể ngày giờ, số tiền khách đã trả, thậm chí, anh em mình có thể tháo bánh xe ra kiểm tra thử xem cái săm là mới hay cũ.
- Này nhé, tao không bao giờ thèm lấy một đồng nào của nhà mày!
- Anh không muốn người khác biết thì tốt nhất anh đừng có làm, mà việc này đâu phải mới đây, chả phải nó được tính bằng năm rồi à?
Tôi nói và nhìn anh Hải, tôi biết anh ấy rất tức giận, muốn ăn tươi nuốt sống cái thằng đen đen nhỏ bé là tôi nhưng sau đó cũng phải cuốn gói ra đi, đấy là chuyện diễn ra năm 2001, còn hiện tại, anh Hải đó vẫn là một người khá xởi lởi và thân thiện.
Anh Hải, anh Ba và vài người khác là người dân tộc Sán Dìu, tôi nhớ là quê mấy anh đó ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Khi bố tôi có người quen chỉ, đã thuê và đưa các anh người dân tộc chưa bao giờ rời xa quê ấy xuống Hà Nội đi làm, những anh chàng chân chất thật thà rồi cũng bị Hà Nội phồn hoa biến thành những tay lọc lõi, tìm cách ăn bớt tiền, làm con nhà người ta có bầu nhưng không chịu trách nhiệm… Tôi không thích những người đàn ông như vậy. Trong quá trình làm việc, họ cũng dạy tôi một số câu của dân tộc Sán Dìu, đại khái như: “Nhí ba tiểu nhí bâm, nhí bâm hẩm a nồi…”, những câu mà tôi nhớ không có nghĩa tốt đẹp gì nhưng em trai tôi và đám bạn của nó lại rất thích. Trong khi làm việc, tôi chú ý mỗi khi có không vừa ý điều gì thì họ lại nói với nhau bằng tiếng đồng bào, chỉ họ hiểu, sau này tôi nhất quyết không sử dụng người đồng bào trong các công việc của gia đình nữa, nếu sử dụng người thì tôi phải biết rõ gốc gác của người ta tôi mới dùng, tôi thích mọi thứ phải thẳng thắn và minh bạch. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng, chính các anh như anh Ba, anh Hải đã giúp tôi hình thành những khái niệm đầu tiên về việc sử dụng và quản lý người lao động, các anh ấy luôn coi tôi là trẻ con nên ít quan tâm, thường hay nói hớ ra những điều không nên nói, rất tiếc các anh ấy không biết tôi với vẻ ngoài hiền lành lại thực chất chả hiền lành tí nào.
Người sau cùng tôi gặp cũng là một thanh niên khoảng 20 tuổi, dáng người thấp, khi đi hơi chúi đầu về phía trước, tóc húi cua, da cũng màu tối và rất hay cười, có đôi mắt giảo hoạt nhưng cố tỏ ra hiền lành. Tôi hơi bất ngờ khi người thanh niên này tôi sẽ gọi là chú, chú ấy tên là K., chú K. là cháu ruột của bà Trẻ, mẹ chú ấy chính là người phụ nữ trước đây đã chủ trì đấu tố ông nội tôi ở đầu làng, khi biết được điều này trong lòng tôi cảm thấy gợn gợn. Tôi dĩ nhiên sẽ không thích ai hại đến người thân của mình nhưng vào lần đầu hai chú cháu gặp nhau, mọi thứ đều tốt đẹp. Chú K. là em họ của bố tôi nên hiện tại lãnh phần đi giao hàng, thu tiền và thu gom các vỏ chai sữa đậu này thuỷ tinh mang về lại để sục rửa, vệ sinh và tái sử dụng thêm nhiều lần nữa. Sau này, chú K. thành thục và do công việc của gia đình tôi phát triển quá nhanh nên có thêm một người em của chú tên là chú Th. đến làm cùng, rồi rủ thêm cả một chú nữa nhờ bố tôi dạy nghề cho.
Trong quy trình sản xuất của bất cứ ngành nghề nào thì phần quan trọng nhất là việc pha chế các nguyên vật liệu với nhau trước khi đưa ra sản xuất hàng loạt, tạm gọi là bí quyết gia truyền cho dễ hiển, ban đầu việc pha chế các thành phần hương liệu như đường kính trắng, hương liệu tạo mùi…hay nơi mua hương liệu phụ gia chỉ có bố tôi hoặc mẹ tôi biết. Sau thì đến lượt tôi vì mỗi lần đi mua bố mẹ tôi đều chở tôi đi, đến khi tôi tự đi được xe máy thì đã nhận giúp bố mẹ việc này, thậm chí, bố tôi còn dạy tôi cách pha chế, tỉ lệ từng hương liệu trong mỗi một mẻ sữa như thế nào. Tôi học rất nhanh nhưng lại không nói với ai, đúng hơn là tôi tỏ ra mình chả biết gì, dù sao tôi cũng còn nhỏ, vẫn tuổi ăn tuổi học nhưng tôi được bố mẹ đẻ ra nên bố mẹ tôi hiểu tính cách của con mình, nhất là bố, ông muốn sau này tôi sẽ là người kế nghiệp.
Nhưng tôi không biết rõ lý do vì sao bố tôi dạy lại những thứ mà ông đã tốn rất nhiều thời gian và tâm sức cho chú K. và anh em của chú ấy, tôi nghe nói là có tác động của bà Trẻ do em gái bà nài nỉ, kêu than nghèo khổ nên nhờ giúp đỡ có cái nghề kiếm miếng cơm, khi những việc ấy diễn ra thì tôi ở quê đi học nên không rõ, tôi chỉ thấy khi đó các chú ấy đối xử rất tốt với mọi người trong gia đình tôi, thi thoảng về quê còn ghé thăm hai bà cháu tôi và mua quà bánh. Bố tôi sau đó còn nhiệt tình mua máy móc và chỉ cách lắp ráp để một chú tên Vinh mang về tận Tp. Yên Bái mở cơ sở sản xuất sữa đậu nành, tôi tin đó cũng là cơ sở đầu tiên tại nơi ấy sản xuất thứ nước đóng chai được làm từ hạt đậu nành. Tôi cũng vui mừng vì bố mình giúp được người thân, cái chuyện cũ đã qua quá lâu thì cũng nên gác lại, tôi nghĩ như vậy. Nhưng một ngày, chuyện vỡ lở ra, tôi được biết chính chú K. đã âm thầm bớt xén các vỏ chai thuỷ tinh để cất giấu tại một nơi đã thuê trước, việc bớt xén diễn ra trong gần một năm, thậm chí cả tem nhãn rồi các thứ khác nữa, gia đình họ chuẩn bị cho việc mở một cơ sở sản xuất ngay tại Hà Nội, bài bản hơn và đông nhân sự hơn. Mẹ tôi rất tức giận và chửi bới nhiều, bố tôi khi ấy vì bận việc khác nên chỉ thở dài lắc đầu, nhiều anh em người thân khác biết cũng ngã ngửa ra, nhưng chuyện rồi cũng qua đi.
Có một lần ở khoảng thời gian năm 2003, tôi có gặp chú K. tại một nơi giao hàng, chú ấy nói:
-Chú không phải người như mẹ mày nghĩ đâu...
-Chuyện của người lớn cháu không bao giờ tham gia đâu chú!
Tôi cười gạt đi, tôi không có quyền đánh giá cha chú của mình, trong suốt một thời gian dài tôi chưa bao giờ có một lời nói hay hành động nào tỏ ra bất kính, tôi biết quá nhiều nhưng lại không thể nói. Người ta cứ cố gắng mặc một chiếc áo đẹp để mọi người ngắm nhìn, tôi cũng ngắm nhìn nhưng tôi lại biết nhiều thứ ẩn sau cái lớp áo đẹp ấy.
Sau này, trong rất nhiều lần gặp gỡ tôi ở các đám hiếu hỉ, các chú đều ngồi nói chuyện với tôi vì không thể nói chuyện được với bố mẹ tôi, và vì tôi là đứa có vẻ hiểu biết nhất nhà, không điều tiếng gì, lại luôn hoà nhã chưa làm mất lòng ai bao giờ. Thật ra tôi cũng là người, cũng bực mình khi lòng tin bị phản bội, đau xót khi người thân quen trở giáo đâm sau lưng nhưng nhờ đó tôi học được nhiều thứ, đặc biệt hiểu về giá trị của đồng tiền và con người ta sẽ trở nên rất thật trước cám dỗ của tiền, đồng tiền có hai mặt và bản thân mỗi con người cũng đều có hai mặt, thể hiện mặt nào của bản chất con người thì lại cần phải xem trong túi của người đối diện có bao nhiêu, rất chua xót. Điều khiến tôi khó chịu mỗi khi có cơ hội gặp gỡ, đó là các chú ấy luôn hỏi tôi làm lương được bao nhiêu và sau đó là khuyên tôi cố gắng, đừng như bố mẹ mày…
- Sao anh không chửi thẳng vào mặt mấy chú ấy?
- Em cũng nghĩ anh nên nói thẳng!
Hai em tôi đã nhiều lần nói như vậy, chúng nó khác tôi, rất ít khi kiềm chế được, nhất là thằng em trai, khi xưa nó đã từng chỉ mặt chửi thẳng và định làm những chuyện không nên.
- Chúng mày cáu giận, nói ra cho sướиɠ miệng để làm gì?! Muốn người ta lộ rõ bản chất thì phải để người ta luôn coi thường mày, họ càng coi thường mày kiểu bề trên, kẻ cả thì mày lại càng hiểu hơn về người ta hơn, rõ chưa?
Tôi có một kinh nghiệm là, khi tôi nói chuyện công việc với ai, nói những thứ quan trọng và họ khẽ cười nhếch mép, tuy chỉ diễn ra thoáng trong giây lát, thì tôi khẳng định mình đã nói sai điều gì đó, chỉ là do lịch sự nên họ lười phản bác lại, những khi đó, tôi thường tạm dừng cuộc nói chuyện lại và hỏi xem họ có ý nào hay hơn giúp tôi hay không, thường thì tôi thu lượm được những thứ mới.
Nhưng tôi cũng là một con người, dịp bà tôi mất, tôi cũng gặp các chú ấy và trên cái bàn inox với những chén trà không ngon, trên cái khoảnh sân tôi đã lớn lên ấy, hai chú sau khi hỏi thăm lại động viên tôi.
- Cố gắng cháu ạ! Chú thấy mẹ mày chả biết quản lý.
- À thì cũng nhờ bố mẹ cháu dạy nên cháu cũng rút được nhiều kinh nghiệm hay, mà cũng phải nói thật, mẹ cháu quản lý kém thì các chú mới có được ngày hôm nay chứ, cháu nói có phải không?
Hai chú ấy nhìn tôi có vẻ bất ngờ.
-Mà đúng ra cháu nên cảm ơn các chú, nhờ các chú nên bây giờ cháu đi làm chả ai lừa cháu được. Hai chú ngồi uống nước, cháu chạy đi xem có gì phải làm không.
Tôi không nghĩ sau này tôi muốn gặp họ nữa, người mẹ của họ là người đã sỉ vả ông tôi, gọi ông tôi là thằng nọ, thằng kia, còn con cái thì lợi dụng mối quan hệ để thực hiện mục đích riêng của họ, họ làm thành công rồi lại quay ra nói kháy những người đã giúp họ đi qua nghèo đói, tôi không dám dùng câu “Ăn cháo đá bát” nhưng nó cũng gần giống như vậy. Mình khiêm tốn thì họ lại được nước lấn tới. Đôi khi tôi cảm thấy con trai tôi may mắn, nó sẽ không bao giờ phải mệt mỏi vì những mối dây nhợ họ hàng không đáng, tôi muốn nó tốt với mọi người, kể cả người lạ, dù sao người lạ quay lưng vẫn tốt hơn là người thân.
…..
Trong mùa hè thứ hai ở Thủ đô này, tôi có gặp một bà cụ tóc bạc ở ngoài chợ khi mang hàng ra cho bà Trẻ. Bà cụ ấy ngồi bán dưa muối, cà pháo trong chợ Nam Đồng, bà cụ này có thân hình mập mạp và lưng bị còng nên ở chợ người ta gọi là bà Còng. Bà Còng khoảng gần 70, không có con cái và đang ở cùng với người em trai và em dâu. Tôi thường chú ý đến những cụ già, giống như một thói quen, tôi luôn lễ phép mỗi khi gặp bà Còng và hỏi thăm và bà vài câu xã giao thế nhưng dường như bà cụ ấy lại tỏ ra rất vui, nhiều lần thường là bà cụ bắt chuyện với tôi, sau thì tôi hiểu rằng bà cụ ấy cô đơn rất thèm người nói chuyện. Có một lần tôi thấy bà cụ ngủ lại ở trong chợ không về, tôi hỏi chuyện thì hay biết người em dâu muốn đuổi bà đi. Bà Còng cũng nói xưa kia bản thân bà cũng không phải là người hiền lành gì, cũng ít khi đối tốt với người khác nên bây giờ người ta đối xử với bà như vậy cũng là lẽ thường tình.
Bà Còng thời trẻ từng tham gia Thanh niên xung phong, quá lứa lỡ thì nên không có chồng, bà Còng sống trong lều chợ được một thời gian thì mẹ tôi có cho bà vào tắm rửa nhờ, rồi kê một cái ghế lười cho bà Còng ngủ ở trong sân nơi gia đình thôi thuê, cũng có một cái quạt điện. Được một thời gian thì người em trai do nghe nhiều người phàn nàn nên đã đón bà Còng về lại nhà chăm sóc, nhưng sau này bà lại có một thời gian ngủ nhờ ở nhà tôi, rồi sau cùng người ta dựng cho bà một túp lều tạm ở ngay chính gốc cây xà cừ ấy, gốc cây không ai dám ở hay để đồ đạc gì nhưng đối với bà Còng thì vẫn tốt hơn là màn trời chiếu đất, bà Còng cứ như vậy mà chấp nhận sống chung với lũ quỷ.
Thời điểm này, mẹ tôi cũng hay giúp bà cụ, đúng hơn là mẹ tôi hay giúp mấy người yếu thế, hay bị bắt nạt, mẹ là một người theo trường phái “Khẩu xà tâm Phật”, nhỏ nhỏ người, hay cười nhưng năng lực chửi rất ghê, cả cái chợ Nam Đồng mà tôi biết không ai muốn dây vào “con mụ Th. đậu” bởi vì kết cục chỉ có ê mặt. Mấy người hay vin vào việc mẹ tôi là dân nhà quê, tỏ ý miệt thị thì mẹ tôi nói:
- Các bà không ở cái l. nhà quê ra thì ở đâu ra? Xin lỗi các bà luôn nhé, nếu nhà nước không phân cho các bà nhà ở đây thì suốt đời các bà đ.éo đặt chân nổi lên cái đất thành phố này đâu mà cứ mở mồm ra gọi nhà quê, nào bà quê ở đâu?
Mẹ tôi là tổng hòa của những thứ phức tạp của phụ nữ, bây giờ gần 60 tuổi vẫn đi bán hàng ngoài chợ, bình thường rất là dễ gần dễ mến nhưng khi bật chế độ chửi lên thì nghe rất chói tai, chỉ khi nào có thằng cháu nội lên chơi thì không dám chửi vì sợ nó học theo.
…..
Tôi đã rất nhiều lần đứng ở cổng nhà vào ban đêm, nhìn ra cây xà cừ cao chót vót, có một cái cành rất lớn chìa sang mái nhà của cái trạm bơm nước đối diện nhà tôi. Tôi không nhìn thấy gì nhưng có thể cảm nhận được sự lạnh lẽo rợn người toả ra từ gốc cây xù xì và to lớn ấy, cảm nhận như có hàng chục cặp mắt đang nhìn mình đầy soi mói, tôi không sợ nhưng cái cảm giác lạnh lẽo khiến tôi rất khó chịu. Tôi chắc chắn cái cây này thật sự có vấn đề từ lâu, thậm chí còn trước khi cái dãy nhà A2 này được xây lên nhưng chắc dân phần lớn đến sau nên ít người biết rõ ngọn nguồn.
Tôi gặp lại người đàn ông mấy năm trước đã đánh thức tôi trong ngõ nhỏ này, bác đó tên là V., một cựu phi công trực thăng giải ngũ với hàm Đại uý, còn vợ là bác H. từng là công nhân Quốc phòng, gặp và cưới nhau trong Tp.HCM. Hai bác có một đứa con gái lớn tên là T.A bằng tuổi tôi, nó là một đứa có vẻ ngoài rất hổ báo, tôi rất sợ nó nhưng sau tôi phát hiện ra nó là một đứa nhát gan, ma thì nó sợ số 1 luôn. Tôi bất ngờ lắm, làm sao tôi lại nghĩ đến việc một đứa con gái đến đám con trai còn muốn né lại có thể nhát gan đến vậy. Đứa con thứ hai của hai bác này là con trai, chính là thằng D. Bù tôi đã va vào đợt trước, thằng này bằng tuổi em trai tôi, khi tôi ra nghỉ hè thì hai đứa nó đã trở nên rất thân thiết, như hình với bóng. Tôi sau khi ngạc nhiên vì những sự trùng hợp thì chỉ biết chép miệng, dường như có sự sắp đặt vô hình nào đó đã sắp xếp những sự ngẫu nhiên này, cứ tạm gọi là số phận đi.
Tôi tích cực lao động trong gần như suốt mùa hè, tôi trở thành một công nhân nhỏ tuổi trong xưởng sản xuất của gia đình, vì không có bạn bè ở đây nên tôi chỉ tập trung vào công việc được trả lương, xem ké phim chưởng mà mẹ tôi thuê về, thuê truyện các loại mang về đọc, vừa đọc vừa làm, vừa xem vừa làm… Một cuộc sống tôi thấy rất bận rộn, tôi muốn sống gấp trước khi trở về quê đi học. Thi thoảng buổi tối tôi đi theo em trai và đám bạn của nó đi bộ ra vườn hoa Thuỷ Lợi rình xem người ta hôn nhau, cứ chờ đến lúc cao trào thì hét toáng lên doạ người rồi ù té chạy cả lũ, cười khoái trá, tôi thấy việc này cũng thú vị vì ở quê tôi ít thanh niên, chưa thấy các anh chị ấy hôn nhau bao giờ, hôn nhau thế chắc là rất thích.
Một ngày gần cuối mùa hè, trong khi phụ giúp mấy anh công nhân làm việc ở ngoài sân, chủ yếu nhiệm vụ của tôi là ngồi phân loại chai thuỷ tinh rồi bê vào trong để sục rửa, lúc đang ngồi đếm chai thì tôi thấy một anh, chừng 18 hơn, ăn mặc cũng đàng hoàng nhưng quần áo có vẻ nhàu nhĩ, khuôn mặt buồn với mái tóc bù xù. Anh ấy đẩy cửa đi vào, thấy mẹ tôi thì trình bày rằng anh ấy đói, muốn xin mấy miếng đậu để ăn, dĩ nhiên mẹ tôi cho ngay, tôi còn chạy đi lấy bột canh ra cho anh ấy, ăn đậu nhạt thì không ngon bằng có cái gì đó chấm. Mẹ tôi nhìn anh ấy ăn một hồi mới hỏi thăm sự tình thì được nghe kể. nhà anh ấy cũng ở trong khu Nam Đồng chứ chẳng ở đâu xa, hay trốn học mải chơi điện tử, hôm kia bị mất trộm cái xe đạp, khi về nhà bố mẹ anh ấy không cho vào nhà và đuổi đi, vì cho rằng anh ấy hư đốn, dám cầm cố xe đạp để chơi điện tử. Anh ta vừa kể vừa ăn trong nước mắt, mẹ tôi động viên.
- Thôi cháu ạ, bố mẹ nóng tính có giận thì nói vậy thôi, cứ nghe cô về nhà xin lỗi bố mẹ rồi mọi chuyện sẽ qua đi, rồi bố mẹ cháu sẽ hiểu là xe đạp bị mất, không phải cháu bán.
Anh ta nghẹn ngào khóc nấc, tôi thì chưa thấy các anh trai lớn hơn mình khóc bao giờ nên cũng chả biết an ủi động viên như nào, chỉ biết đứng đấy nghe hai người nói chuyện.
- Đây, cô cho ít tiền, cầm lấy mua thêm cái gì mà ăn rồi về nhà nghe chưa.
Mẹ tôi lấy ra 15.000đ dúi vào tay anh ta, anh ta cúi đầu cảm ơn rồi lững thững quay lưng đi ra, tay vẫn quệt nước mắt, mẹ tôi đứng nhìn theo bóng anh ấy khuất trong khu chợ rồi thở dài lắc đầu, lát sau quay sang nhìn tôi.
- Còn mày nữa, đừng có mà mê chơi điện tử nghe chưa?
- Con có chơi đâu, con chỉ thuê truyện về đọc mà...
- Đấy mày thấy không, mải chơi làm mất cái xe bố mẹ nó không cho vào nhà, đuổi đi đấy, mày liệu hồn!
- Con có thế đâu, mà nếu mẹ đuổi thì con về quê với bà!
Tôi trả lời, miệng cười toe toét.
Sáng sớm hôm sau, tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng người ồn ào bên ngoài, mắt nhắm mắt mở bước ra sân thấy lố nhố người đứng ở cổng nhà, họ đang chỉ chỏ sang phía đối diện, tôi vẫn còn ngái ngủ nên chưa hiểu chuyện gì, tôi cũng hướng mắt nhìn theo hướng của mọi người. Đối diện cổng nhà tôi, trên cành cây xà cừ cao kia đang có một bóng người lơ lửng.
Có người treo cổ!
Tôi chớp mắt mấy lần, cố dụi mắt để nhìn cho rõ, đúng là trên cành xà cừ kia có một người đang treo cổ, mà sao tôi nhìn thấy quen quen.