Chương 34: Nốt Ruồi Trên Thái Dương

Ông nội tôi mất vào khoảng buổi chiều một ngày cuối tháng 11 m lịch năm 1967 trong căn nhà tranh vách đất lợp mái bằng rơm, cô Út của tôi mới được ba tháng tuổi, còn cô Lý vừa mới lên ba.

Bố tôi và hai cô còn quá nhỏ, không thể hiểu được sinh ly tử biệt là như thế nào, vẫn vui cười nô đùa bình thường. Mãi đến chiều tối khi đã đưa ông ra Cầu Khoai về thì bố tôi và hai cô tự nhiên khóc đúng như cha chết, không ai dỗ dành cho được. Bà H. Lớn phải thắp nhang khấn vái hồi lâu thì bố tôi mới hết khóc, hai cô của tôi cũng vậy.

Quãng mươi ngày sau khi ông tôi mất, bố tôi đi chơi cùng đám bạn trong xóm thì nghe thấy tiếng gọi.

- Tr. ơi! Tr. ơi!

Là tiếng ông nội tôi, bố tôi nhận ra nhưng đã được mẹ (tức bà) và cô (tức bà H.Lớn và bà H.Con) dặn dò nên bỏ chạy một mạch về nhà.

Một đêm bố tôi sốt cao, bà Già ngủ chung giường với bố tôi, bà sờ tay lên người thấy bố tôi mềm nhũn như nước và lạnh ngắt, do đã được dặn trước biết có sự chẳng lành nên bà già vội vã dậy thắp nhang trên ban thờ.

- Ông ơi! Ông sống khôn thác thiêng, nhà mình có mỗi mụn con trai, ông về rủ nó đi thì chúng tôi biết sống ra làm sao đây ông ơi?

Bà Già vái như tế sao và bật khóc trước ban thờ, một lúc sau bà Già sờ vào người bố tôi thì thấy đã ấm trở lại, từ đó, bà già cảm nhận rằng ông tôi hay về thăm nhà, chỉ là cảm nhận chứ chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ cái gì.

Qua câu chuyện bà kể vào đêm khuya trước ngày giỗ, tôi cứ thắc mắc tại sao bà H. Lớn lại có thể đoán biết được một số điều có thể xảy ra, tôi từng nghĩ đó là kinh nghiệm được truyền lại từ thời xa xưa, nhưng vì sao bà có những kinh nghiệm đó thì tôi không bao giờ biết được. Nhưng tôi chưa bao giờ thay đổi sự yêu quý của tôi dành cho ông nội mặc dù chỉ được nhìn qua vài tấm ảnh và nghe qua lời kể. Khi con tôi lớn lên, tôi nhất định sẽ kể lại những điều mà tôi nghe thấy, cảm nhận thấy về người thân của mình cho nó nghe.

Đám giỗ của ông nội diễn ra không có gì lạ, mọi người đều có mặt đủ, toàn là các cụ già thế hệ của ông tôi, có vài người tôi không biết nhưng có một người tôi đã nghe nhiều nhưng chưa bao giờ gặp: bà H. Con. Bà H. Con (hoặc bà H. Bé) tôi được bà già bảo là do ở xa nên ít về làng nhưng là một người cực kỳ nghiêm khắc, khó tính gấp đôi bà H. Lớn, hai bà trái ngược hẳn với tính cách của ông nội tôi. Trẻ con đứa nào cũng sợ người lớn khó tính, dễ bị trách phạt và tôi cũng vậy.

....

54. Trở lại câu chuyện gia đình tôi bán khoán tôi cho Đức Phật, để miêu tả sát cốt truyện và thời gian nhất nên tôi cố gắng kể sát những hiểu biết của bản thân tại thời điểm ấy. Tôi ít đi chùa, cho đến khi trưởng thành cũng vậy, tôi không hiểu tại sao. Có một lần, khoảng đâu những năm 2010, tôi chở mọi người đi xem bói, dĩ nhiên tôi cũng xem, xem dĩ nhiên là vui vì muốn biết ông bà thầy nói có đúng về mình hay không, đa phần họ nói đúng về những điểm chính trong quá khứ nhưng tương lai thì tôi không cho là đúng mấy, thậm chí rất ít. Có một điều, bà thầy nói rằng tôi vô tâm không chịu đi chùa, mà chùa sẽ luôn nằm trên tất cả các lối đi mà tôi đi qua mỗi ngày. Tôi nhớ lời ấy và quan sát thử, quả đúng có thế thật. Đến công ty phải qua cổng chùa, đi làm ra khỏi nhà cũng qua cổng chùa, đi cua gái cũng qua cổng chùa... Nhưng tôi lại nghĩ, nước mình theo đạo Phật nhiều, chùa có nhiều cũng là điều dễ hiểu thôi. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng có đi chùa nhưng khoảng mười năm nay thì cố định ở một nơi, một ngôi chùa nhỏ, có dịp nhất định tôi sẽ kể.

Ban đầu mẹ tôi bảo tôi được sinh ra vào giờ Quan sát nhưng tôi không tìm hiểu việc này, tôi chỉ nghĩ rằng mình sinh ra cầm tinh con Chuột, con Chuột lại đứng đầu 12 con giáp, thế là hoành tráng rồi, hẳn là phải có tài như nào mới đứng trên cả Hổ với Rồng chứ, với kiến thức hạn hẹp khi đó chỉ có đến thế nên tôi tự cho mình là đúng. Tôi được bán khoán làm con nuôi cho Đức Ông, là một ông tượng mặt đỏ, trùm vải đỏ ở trên chùa, có khuôn mặt rất nghiêm nghị chứ không phải bán cho Đức Phật, tôi không hiểu rõ sự khác biệt của hai Ngài nhưng hẳn là chức vụ cao.

Bà tôi đều lên chùa mỗi tháng 2 lần, lúc về thường có oản làm phần cho tôi, cũng có khi là bánh khảo, thứ bánh được bọc trong những loại giấy xanh, đỏ, tím, vàng mà cầm trên tay dễ bị dây màu.

Việc bán khoán lên chùa, thường phải xin về lúc 13 hoặc 18 tuổi lúc đã thành niên, 13 tuổi bây giờ là quá nhỏ nhưng bà H. Lớn từng lý giải rằng hết một con giáp, khởi đầu một con giáp mới ấy chính là trưởng thành, đã trưởng thành thì phải xin về, không nên để lâu.

Chùa làng tôi hẳn là một ngôi chùa thiêng, bà Già bảo vậy, bà luôn dặn tôi tuyệt đối không được lấy hay tự ý mang bất cứ thứ gì ở trên chùa về nhà, kể cả một chiếc lá. Tôi từng được nghe những mẩu chuyện nhỏ về sự linh thiêng ở chùa, nhưng ấn tượng nhất vẫn là việc trẻ chăn trâu đùa nghịch ngồi lên cái ngai trên bệ thờ cũ sau đó bị dính chặt tại chỗ, không thể nào nhấc người lên được. Gia đình ấy phải lên cúng lễ xin xá tội thì cậu bé ấy mới đứng lên ra về được nhưng cũng ngẩn ngơ một thời gian, chuyện này thế hệ bố mẹ tôi đều biết cho nên từ đấy chùa là cấm địa.

Bước qua tháng 12 m lịch, tháng cuối năm và mùa đông thì lạnh và mau tối.

Việc học hành của tôi cũng không có gì quá đặc biệt nhưng tôi không còn là học sinh giỏi nữa, đã tụt xuống hạng học sinh tiên tiến, tôi cũng không hề cảm thấy buồn chán vì việc này bởi tôi chỉ có mong muốn là lớn mau lên, được đi chơi và làm những thứ mình thích, còn học thì chỉ chú tâm mấy môn thú vị, dĩ nhiên là môn Lịch sử vì cái này giúp tôi biết nhiều.

Vào một sáng của tháng 12 năm ấy, cô chủ nhiệm lớp 6B của tôi là cô Hòa, một người phụ nữ thấp, khuôn mặt tròn và đầy lương thiện, cô cũng thuộc tuýp người phụ nữ cáng đáng chính việc gia đình, tôi được biết cô có mấy người con sau này đều học tới nơi, tới chốn và trở thành Chủ doanh nghiệp, đóng góp nhiều cho quê hương, còn cô, sau khi chủ nhiệm bọn tôi đến hết lớp 9 thì chuyển sang dạy bộ môn rồi làm Hiệu phó, Hiệu trưởng. Tôi rất tự hào vì cô giáo của mình trở thành người lãnh đạo cao nhất ở ngôi trường mình từng học, lần cuối cùng tôi có dịp gặp cô là cách đây khoảng 12 năm, khi ấy cô còn khỏe, bây giờ tôi cũng mong điều ấy, mấy năm trước vào ngày lễ Nhà giáo tôi cũng có đôi lần nhớ ra và gọi hỏi thăm sức khỏe của cô.

Ngoài dạy cho tôi kiến thức cơ bản và niềm yêu thích môn Văn thì có mấy điều cô đã nói với tôi vào một lần tôi chạy nghịch ở cầu thang, cô từ trên lầu bước xuống và gọi.

- N, lại cô bảo!

- Dạ!

Tôi nhễ nhại mồ hôi chạy lại gần cô.

- Đùa nghịch ít thôi!

- Dạ!

- Em nên dành thời gian để cải thiện giao tiếp của mình, em có biết rằng em hay nói ngọng không?

- Em ạ?

Tôi ngạc nhiên, sao tôi lại nói ngọng? Tôi nói bình thường có bị ngọng đâu nhỉ.

- Cô có xem hồ sơ của em, em chuyển từ nơi khác về, rồi sau này em sẽ còn đi nữa, đi ra ngoài nhiều không thể nói ngọng được, người ta sẽ cười cho đấy!

Tôi nhăn mặt thật sự, tôi chưa hiểu ý của cô.



- Cô biết, nói ngọng là đặc điểm chung quê mình, không phải của riêng em, nhưng làng của em đi ra ngoài nhiều, em nên học cách nói cho đúng.

- Dạ, em chưa hiểu cô ạ.

- Em chú ý nói "N" và "L", phải chú ý đừng lẫn lộn với nhau.

Thế là tiết dạy học kéo dài hết giờ ra chơi diễn ra ngay ở chân cầu thang của trường, lần đầu tiên có người nói cho tôi biết việc quan trọng như vậy. Khi đã tiếp thu đầy đủ lời giảng giải của cô Hòa, tôi bắt đầu chú ý đến lời nói của bạn bè mình và bắt đầu nhận ra một sự thật, chả mấy đứa phát âm đúng cả, tôi đã bắt đầu tự học và sửa lỗi phát âm của mình, không biết thì thôi nhưng biết là phải sửa. Tôi cũng đã giúp nhiều người khác sửa lỗi bởi vì tôi cho rằng việc này cần thiết, ban đầu sửa hơi khó vì xung quanh mình ai cũng sai như mình cả. Đầu tiên phải tập nhận biết để phân biệt được sự khác nhau trong âm điệu, quả thật khó, nhưng tôi đã làm được, thậm chí tôi hay cắt ngang câu chuyện trên điện thoại khi nói chuyện với đồng nghiệp trong công việc.

- Em nói lại, phải là "như thế nào" chứ không "như thế lào" được, quản lý lại làm ở Thủ đô, phải sửa đi chứ?!

Tại sao lại như thế?

Tôi có thể khẳng định rằng người miền Nam họ rất dị ứng khi nghe người khác nói ngọng, chỉ là lịch sự nên họ không tiện nhắc, đôi khi chỉ vì việc nói ngọng mà việc làm ăn gặp đôi chút khó khăn. Đồng ý là do vùng miền nhưng khi hòa nhập vào một thế giới rộng hơn thì đầu tiên phải nói cho đúng đã, nói đúng ngữ pháp cơ bản.

Sau khi không còn nói ngọng thì tôi lại phát hiện ra mình nói hơi nhanh, tuy lưu loát nhưng không phải ai cũng nghe kịp, vậy nên tôi bắt đầu nói chậm rãi hơn một chút, điều này tốt cho tôi khi đi xa. Nhưng sự thật là người miền Bắc đều nói nhanh, chỉ khi rời hẳn miền Bắc mới nhận ra điều ấy mà thôi.

Giờ giải lao kết thúc, tôi chào cô toan chạy đi thì lại bị gọi lại.

- Em có nốt ruồi ẩn bên phải thái dương, chú ý đừng để tóc tai dài quá che mất, đầu tóc gọn gàng vào ông tướng ạ!

- Vâng ạ!

Cũng là lần đầu tiên ai đó nói cho tôi, trên người tôi có một nốt ruồi, tôi không để tâm lắm, nhưng nhớ lời cô nên về nhà tôi cũng soi gương thư quả thật có một cái chấm đen nho nhỏ, rất mờ nằm trên thái dương, ngang với con mắt, còn tại sao cô giáo lại nhắc nhở như vậy thì tôi không biết, tôi cũng mau chóng quên đi và tập trung vào việc sửa tật ngọng của mình, việc sửa lỗi phát âm này kéo dài trong nhiều năm và hoàn thiện hẳn khi tôi gặp người phụ nữ của cuộc đời mình.

Vài đêm sau, một đêm, có lẽ gần tới ngày cuối tháng m lịch hoặc đã qua tháng Chạp, tôi lại gặp chị Ma trong giấc mơ, vẫn trong bộ váy đỏ huyền thoại, tóc bay bay trong gió, tôi cũng đôi lần thắc mắc tại sao người chết từ xa xưa lại không đội khăn giống như các bà cụ trong làng mà lại để tóc thoải mái như vậy, nhưng tôi không hỏi, đúng hơn là hạn chế hỏi việc này, sợ mất hay. Thực sự thì tôi không thích màu đỏ, mệnh của tôi thậm chí không hợp màu đỏ nhưng lại có quá nhiều thứ màu đỏ vây quanh.

- Hôm trước em có đốt cả một bộ màu xanh, sao chị không mặc bộ ấy thử?

- Chị không thích màu xanh!

- Thế bộ màu đỏ kia đâu? Đồ giấy đốt lên không biết mặc sẽ như thế nào.

Tôi cười toe toét, tôi tò mò thật, cũng muốn biết mấy bộ đồ ấy khi ma mặc vào trông sẽ như thế nào.

- Chị cất rồi, để dành khi nào cần thì mặc, có dịp thì mặc.

- Thế hôm nay chị xuất hiện có việc gì ạ?

- Đi chơi mãi cũng chán, rảnh gặp em nhắc mấy việc người ta nhờ.

- Hả? Ai nhờ ạ?

- Thằng Thủ Tùm siêu thoát rồi, nó nhắn gửi lời cảm ơn trước khi đi đấy!

- Ồ, như vậy thật là tốt cho ông ấy, dù sao em cũng không giúp gì nhiều mấy!

- Nhiều đấy, nó cứ lẩn quẩn ở đấy mãi không đi được, nay có người biết việc không phải nó là cướp nên chả còn vướng bận nhân gian.

- Em mong ông ấy sẽ may mắn hơn, cuộc đời của ông ta quá là buồn. Mà sao ông ta lại kể cho em nhỉ?

- Hôm trước nó cứ đứng ở cổng nài nỉ là cho nó vào gặp để kể chuyện, nó không muốn ở cái ao ấy nữa. Chị thấy tội nghiệp nên đồng ý, ông lão Thổ Thần cũng thương cảm nên cho vào. Bớt đi một con ma ở làng này cũng là điều tốt.

- Hôm trước có phải chị lại chọc tức con ma treo cổ ở dưới kia phải không ?

- Mắm tôm nhà bà bún riêu còn nhiều, mùa này lạnh, bà ấy cứ khấn vái cầu mong bán đắt hàng để có tiền sắm Tết, thấy bà ấy thành tâm quá nên chị nể, cũng là tiện tay.

- Mà sao cái chị ma treo cổ ấy không siêu thoát luôn đi, cứ lủng lẳng trêu người, nhìn cảnh đó em khϊếp lắm ạ!

- Còn vướng bận thì không đi được thôi. Mà em cũng phải cẩn thận, hôm trước cái quả nổ đó định mang vào nhà phải không?



- À thì...

- Mang vào thì chết cả bà Già chứ không phải riêng em đâu, lần sau thấy mấy thứ lạ chôn dưới đất là phải cẩn thận!

- Vâng!

Tôi sực nhớ ra chuyện đám giỗ ông nội tôi, tôi thấy cái dải sáng kì lạ nên hỏi luôn.

- Hôm đấy đúng là ông em có về, hớn hở lắm, từ hồi chết đi mới có dịp được thấy con trai, con dâu về làm mâm cơm cúng.

- Tiếc thật, em lại không được nhìn thấy...

- Muốn thấy là thấy được đấy!

Chị Ma bĩu môi, tôi gãi gãi đầu cười gượng, kể ra thấy nhiều đúng là không nên thật.

- Có người nói đến nốt ruồi trên thái dương rồi phải không?

Chị Ma bỗng nhiên đổi chủ đề khác.

- À, cô giáo em có nói việc đấy, mà sao chị biết?

- Ma mà, cái gì cần biết thì biết thôi.

- Nốt ruồi ấy thì làm sao chị? Mang lại tai họa hay sao?

Chị Ma bật cười như nắc nẻ.

- Mang lại tai họa thì chắc em chỉ thọ được đến 4 tuổi thôi, em trai ạ!

Tôi không hiểu, tôi lại hỏi một vấn đề khá lạ.

- Thế em có sống được lâu không? Nốt ruồi giúp em sống lâu à?

- Đúng là trẻ con chả biết cái gì, em đọc sách nhiều thế thì đọc cái gì thế? Phải tự tìm hiểu đi, chị có biết cũng không nói được.

Bản tính tò mò nổi lên, là một đứa bé thông minh nên tôi nghĩ cách để có đáp án.

- Chị không nói thì thôi, vậy em đọc các con số, nếu em sống được lâu đến số nào thì chị gật đầu, xem như biết mà không nói, được không nhỉ?

- Điều này là không được! - Chị Ma quả quyết.

Nhưng sau đó tôi cũng đọc thử, bắt đầu từ số 13 trở đi, vì tôi đã 12 tuổi rồi, việc biết mình có thể sống được lâu hay không thật là việc trọng đại, tôi tò mò lắm. Tôi đọc mãi đến hơn 70 rồi 80...

- Tám mươi tư, tám mươi lăm, tám mươi sáu... tám ...

Tôi ngưng đọc vì thấy nét mặt chị Ma thoáng chút thay đổi, đôi mắt hơi nheo lại, nhưng chỉ một chút thôi. Trong giấc mơ, mọi thứ bao quanh bởi sáng dịu nhẹ như ánh trăng đêm Rằm giúp tôi có thể nhận thấy sự thay đổi trong phút giây, xem như tự mình có đáp án của mình. Bà tôi bây giờ mới có 71, tôi còn sống lâu đến tận gần 90 thì là nhiều rồi, có thể xem như sống lâu.

- À, chị, lần trước chị có nói ở khúc cua đầu làng em có đám quỷ đúng không?

- Đúng! Con ranh Chẽ cũng nhập hội, chúng nó đang muốn tìm một đứa trẻ con dưới mười ba, tháng trước tí nữa là chúng nó thành công, may gần đấy có người hợp mệnh cứu giúp, số thằng bé đấy còn cao.

- Có cách nào trị chúng nó không? Người ta đi qua làng em mà bị chết nhiều như thế là không tốt chút nào.

- Chị không tham gia được, nhưng tới lúc tự khắc sẽ có người đến hóa duyên cho bọn nó. Giờ em muốn phá mấy đứa ấy, dùng mắm tôm đi, đuổi tạm chúng nó đi chỗ khác, nhưng làm cho kín kín vào.

Chị Ma cười, nụ cười đầy ẩn ý.

Dù sao cũng gần đến Tết rồi, xe cộ qua lại nhiều, tôi cũng muốn thử xem cái mùi mắm tôm ấy hiệu quả ra sao, nhưng phải kín.