Đã bước sang năm 1996 Dương lịch được hơn một tuần, chỉ còn mấy ngày nữa là cúng giỗ ông nội, có thể gọi là kỷ niệm 28 năm ngày mất cho hoành tráng, tôi rất chờ đợi bởi vì đám giỗ lần này bố mẹ tôi sẽ về. Từ bản thân mình tôi phát hiện ra rằng vào mỗi lần cúng giỗ là dịp khá đông đủ mọi người, gặp mặt và hỏi thăm lẫn nhau chuyện đồng áng, chuyện con cái, chuyện trong làng nhà nào có cái gì mới... rồi chuyện về chính người đã khuất... Đều là những chuyện vui, mẩu chuyện về ông nội tôi cố tình tênh hênh trước bàn dân thiên hạ để chống đối việc bị bắt đi đấu tố chính là được các bà kể trong những dịp như vậy.
Nhờ những đám cúng giỗ tụ họp đông đủ họ hàng, tuy không đông nhưng tôi cũng thu lượm được kỉ niệm và hồi ức lúc 3 tuổi của mình, trí nhớ chỉ giúp tôi lưu lại vài chuyện có ấn tượng cùng chút hình ảnh thoáng qua. Lúc tôi khoảng 3 tuổi, gia đình đang ở Thái Nguyên có thuê nhà của một bác tên Nhơn, bác ấy làm công nhân hay kỹ sư trong khu gang thép Thái Nguyên, bác ấy có hai người con trai, một tên là Từ, một tên là Cường, cả hai đều lớn hơn tôi từ 5 đến 8 tuổi. Anh Từ thì hiền lành nhưng anh Cương thì nghịch, anh ta hay vào trong căn nhà mà nhà tôi thuê, đến chỗ bố mẹ tôi hay để đỗ tương, đổ rất nhiều đỗ tương vào trong quần, ống quần thì buộc túm lại, có thể xem như cái ruột tượng vậy. Tôi thấy như vậy mấy lần thì mách với bà, với mẹ và rồi anh Cường đấy bị bắt gặp, bác Nhơn đánh cho một trận "nên người" luôn, bà tôi rất tự hào vì có thằng cháu khôn, biết bảo vệ tài sản trong nhà. Câu chuyện này mỗi khi mẹ tôi kể hay hai bà kể thì hình ảnh duy nhất tôi có thể đọng lại là một anh chàng đang cố dùng cái đấu bằng gang xúc đỗ đổ vào cạp quần.
Chuyện thứ hai là việc đám trẻ trong thôn xóm hay chơi đá bóng trên khoảnh đất gần nhà, tôi vì nhỏ nên không bao giờ được chơi là lẽ dĩ nhiên, có một lần tôi bưng bát cơm từ nhà ra xem các anh lớn hơn đá bóng, tôi có nhớ đến hình ảnh bát cơm bằng sắt tây tráng men của mình toàn nướ© đáı, các anh xúi tôi uống rồi chạy đi chơi tiếp, tôi không uống nhưng cẩn thận bê bát nướ© đáı về nhà.
- Mẹ ơi! Anh Từ đái vào bát cơm của con!
Thế là anh Từ ấy lại được dạy dỗ "nên người". Sau này có gặp lại, hai anh ấy cười cười bảo là vẫn căm tôi lắm, có dịp sẽ đái vào bát để tôi uống, cũng may toàn các anh ấy say chứ tôi chưa say bao giờ, tôi không uống được giọt bia rượu nào, kể ra là may.
Chuyện thứ ba là khi em gái tôi - đứa em gái đã mất khi mới hơn 2 tuổi - được khoảng 1 tuổi hơn thì ba anh em hay dắt nhau ra cổng, cạnh bụi tre ngồi vẽ trên đất, tôi thường hay lấy con dao nhỏ của mẹ, rút cái tay cầm bằng gỗ ra rồi biến thành bút vẽ, nếu đang làm mà không tìm thấy con dao, cứ ra cổng sẽ thấy nó đang là cái bút. Ba anh em đi đâu cũng rồng rắn như vậy, lần lượt từ lớn xuống bé. Hồi ở Hòa Bình cũng có ba anh em nhưng đã được thay bằng một cô em gái khác, cũng vẫn hàng lối đi chơi như vậy, có thằng anh sẽ thấy con em và ngược lại. Điều này quan trọng, tôi ở quê thui thủi một mình nhưng tình cảm dành cho các em của mình không thay đổi, chỉ là ngủ yên mà thôi, khi được đánh thức, thì tình thứ tình cảm anh em thân thiết ấy rất có ích.
Chuyện thứ tư, là chuyện tôi không nhớ được nhiều, hình ảnh còn lại trong ký ức của tôi là khá mờ nhạt, tôi nhớ mình ngập dần trong nước, hai mắt vẫn còn lưu lại hình ảnh một người đàn ông đứng trên cầu, sau đó tôi quan sát được ông ta bế tôi từ con suối cạn đó lên, đưa về nhà tôi gần đó, căn nhà gia đình tôi thuê. Còn tôi đi theo phía sau vào nhà, rồi thấy mình ngồi trên giường tỉnh lại, lạnh run. Đó là điều kỳ lạ nhất, tôi không thể nhớ rõ là tôi đã suýt bị chết đuối như thế nào và có phải như vậy không? Tôi đã có thể nhìn thấy được người ta bế mình về nhà, rất mơ hồ. Thật ra chuyện này tôi chỉ được biết vào sau Tết 1996, tự nhiên nhớ ra như vậy, cứ hư hư thực thực, tôi hỏi bà Già thì bà bảo:
- Lúc ấy mày tí chết đuối, may tổ tiên phù hộ, nên tao mới nhắc mày tránh xa ao chuôm ra.
Tôi chỉ cần xác minh đã từng có chuyện đó xảy ra với tôi là được, những chuyện liên quan tôi không nhớ được nhiều.
Trở lại việc đã gần đến ngày giỗ ông nội, à, là "Kỷ niệm ngày mất", chập tối, bà Già sai tôi đi mua một can rượu loại 5 lít và mượn luôn 5 chai thủy tinh màu xanh sẫm để về rót rượu vào. Dựa vào số chai thủy tinh mượn về thì có thể đoán được sẽ có bao nhiêu người đến, một mâm một chai vị chi là 5 mâm cỗ, khoảng từ 24 - 30 người. Gia đình tôi mấy tháng nay, từ lúc chuyển về chỗ thuê nhà mới có vẻ làm ăn được thì phải, tôi cảm nhận như thế, nhưng tôi chưa có dịp để ra xem nơi đó cụ thể như thế nào. Cây xà cừ tôi từng thấy lúc trước bây giờ trông nó ra sao? Một cái cây chứa đầy oan hồn oán hận.
Tôi đang chờ chủ quán rót rượu vào can thì lại vô tình gặp R9 đi bộ đến mua mì chính.
- Cho cháu gói Vedan! - Nó quay sang hỏi tôi - Mày dạo này hay mua rượu thế?
- Sắp có đám giỗ ông tao...
R9 có thói quen cho mì chính vào nước rau, rồi mì chính vào nước mắm, nếu mì chính cho vào nước rau là tôi ăn không được, vị rất khó tả, tôi thì chỉ thích vị nhạt của nước rau, sau này cho sấu vào cũng được, vị chua cũng dễ ăn. Tôi tuy chỉ giỏi luộc trứng nhưng đã chỉ cho vợ mình nên cho thêm quả sấu vào cho thêm vị chua khi luộc rau, rồi lấy quả sấu đó dầm với nước mắm, chấm rất là tốn thức ăn.
- Tiện xe mày chở tao về phát!
R9 đề nghị.
- Cũng được, mày chở tao!
Nó chở tôi về nhà nó rồi sau đó tôi mới để cái can rượu lên sau xe, chằng buộc cẩn thận, mấy chai thủy tinh thì treo trên ghi đông trong cái túi cước màu xanh bà tôi hay dùng đi chợ.
Tôi đạp xe ra về, mới ra khỏi dãy tre cổng nhà R9 thì nhìn thấy từ xa cái ông chú hôm trước nhờ mua rượu.
- Tối mịt tối mò còn ngồi câu cá làm cái gì?!
Tôi lẩm bẩm một mình đạp xe tới.
- Cháu chào bác!
- Mùi rượu thơm quá!
Tôi cảnh giác.
- Hôm trước bác nhờ cháu mua rượu xong không gặp, chai rượu cháu cũng làm mất rồi, cái này rượu cháu mua về để làm đám giỗ.
- Rồi, ta biết rồi, cháu có thể rót cho ta một ít, ta có chai đây.
Vừa nói ông ta vừa đưa cho tôi một cái chai thủy tinh bẩn, dính bùn đất.
- Chai bẩn thế không uống được đâu bác ơi!
- Không sao, cháu cứ rót cho ta một ít là được rồi!
Tôi lưỡng lự, rượu này bà bảo mua về chắc để uống tiếp khách chứ không phải cúng, cúng là phải mua chai khác, một chai nếp cẩm nhỏ để trong tủ, rót cho ông bác này một ít cũng không sao, còn nếu bà rót cúng thì mình sẽ mua chai khác vậy. Người ta xin không cho cũng ngại.
Tôi dựng chân chống xe đạp rồi bảo.
- Thôi để cháu cho bác mượn cái chai mới, uống xong mai trả cháu, chai cháu cũng đi mượn.
- Được vậy tốt quá, quý hóa quá. Cháu đúng là đứa bé tốt.
- Bác cũng uống ít rượu thôi, bà cháu nói uống cái này nhiều là mau chết.
- Biết rồi, biết rồi, chết rồi không sợ!
Tôi không chú ý lời ông ta nói vì còn bận cho cái can rượu xuống đất, lấy cái túi cước màu xanh đựng mấy cái chai xuống, lấy một chai rồi nghiêng can rót rượu vào, tuy cẩn thận nhưng vẫn bị sánh ra ngoài vì miệng chai nhỏ, trời lại tối.
- Mà bác ở đâu, giờ này nhà ai cũng ăn cơm sao bác lại ngồi câu cá? Tối thế này nhìn thấy gì mà câu ạ!
- Thói quen thôi!
Tôi vặn nắp can lại rồi đứng lên đưa chai rượu cho ông ta, ông ta cầm lấy uống ừng ực như đang khát nước, sau đó khà một tiếng rõ to.
- Ngon thật, cái làng này vẫn là cứ có rượu ngon, được uống đã như này đi đầu thai cũng không lưu luyến gì nữa.
- Sao lại đầu thai? Mấy lời gở mồm thế không nên nói đâu bác ơi! Thôi bác về nhà đi muộn rồi!
Tôi khuyên như vậy, uống rượu say xong ngã xuống ao chết thì tôi có tội.
- Nhà ta ở đây thì đi đâu?!
- Nhà nào ạ?
Tôi ngó quanh.
- Kia!
Ông ta chỉ xuống gần mép nước.
- Ta ở đây lâu rồi!
Tôi nhìn xuống bờ ao rồi lại nhìn ông ta, mất mấy giây tôi đã hiểu ngay ra vấn đề.
Ông ta là ma!
Tôi nhìn ông ta từ đầu đến chân và tự hỏi, sao ở đây lại nhiều thế này, hết ma treo cổ, ma da trên ngọn cây rồi lại cả ông này, sao cứ nhè mình mà dọa?
Tim tôi đập thình thịch.
- Mày đúng là thằng ngu, cháu ạ. Mày mua rượu hộ ta, ta tìm cách trả tiền mà lại không lấy, ngu quá thể!
Ông ta lại uống một ngụm rồi nhìn tôi.
- Đừng có sợ, ta không làm gì đâu, cảm ơn còn không hết. Bao lâu không được uống giọt nào. Bữa trước ta định nhờ cháu mua thêm mà cháu chạy nhanh quá. Muốn uống thêm cho đã rồi đi.
Người tôi ớn lạnh, tôi nhớ đến đôi mắt màu đỏ, nhớ đến bóng đen ngồi vắt vẻo trên ngọn tre rồi nhảy xuống ao, người tôi run run nhưng nhanh chóng lấy bình tĩnh lại, kinh nghiệm sợ mấy lần trước cũng ít nhiều giúp tôi. Đây là trong làng, nguy cấp quá thì vẫn có thứ lận lưng. Tôi cảnh giác cao độ.
- Mấy hôm trước ta đã kể cho cháu về cuộc đời ta rồi, nhớ không?
Tôi vẫn nhìn ông ta và lắc đầu.
- Ta đã xin phép đàng hoàng để kể cho cháu nghe về cuộc đời mình, nhớ giấc mơ không? Giấc mơ có bến sông, có người bị gϊếŧ rồi chôn trong vườn hoang.
Tôi gật đầu, nhớ ra rồi, chả lẽ là ông ta.
- Ta người làng này, vì cha mẹ chết sớm, nghèo đói nên rời làng đi kiếm ăn nơi xa như ta đã kể, sau bao biến cố ta lại về làng sống một mình, rồi bị người ta đánh chết, chôn ngay chỗ này thành ma lang thang, dân đào ao rồi xương cốt vứt tứ tán không biết đi đâu.
Ông ta đưa cho tôi chai rượu đã cạn.
- Có thể cho ta xin thêm được không? Đừng có sợ, gặp cháu là ta đã xin phép rồi nên không có hại gì, tâm nguyện đã thành thì ta sẽ không còn gì vấn vương nữa.
Tôi nghe không hiểu lắm, chỉ cầm chai thủy tinh rồi im lặng ngồi xuống rót thêm vào. Tôi không còn thấy sợ nữa, nếu ông ta muốn làm gì thì đã làm rồi.
Tôi cẩn thận rót rượu nhưng tay run nên sánh ra ngoài hơi nhiều, ông Thủ Tùm bỗng nhiên ngồi phệt xuống cạnh bờ ao khóc hu hu, tôi rất lấy làm lạ.
- Cả cái làng này xem ta là kẻ có tội, đến lúc ta chết đi rồi cũng không ai quan tâm tại sao ta lại biến mất, cũng không có nhang khói. Ta ức!
Ông Thủ Tùm nấc nghẹn từng cơn, tôi bỗng thấy tò mò.
- Chuyện như thế nào bác từ từ nói, đâu còn có đó.
- Làng này bị cướp, cướp nó vào làng, không biết ai chỉ điểm, dân làng nghĩ ta chính là kẻ chỉ điểm, là cùng hội với lũ cướp vì ta chỉ về làng một thời gian rồi xảy ra cớ sự. Có kẻ đã đổ tội cho ta, ta chết oan ức.
Tôi đưa lại cho ông Thủ Tùm chai rượu, ông ta nhận lấy rồi cho lên miệng, tu một hồi.
- Ta chết không ai biết, bị chôn không ai hay. Dân làng đồn rằng ta đã trốn đi sau khi cướp được của, được bọn cướp chia. Nào ai biết ta đã nằm sâu dưới ba tấc đất đầy oan khuất, đời ta ngang dọc nhưng chưa cướp của ai bao giờ, cũng chưa làm gì hại đến làng.
Ông Thủ Tùm lại khóc, nước mắt cay đắng của một con ma, của một người đã chết mang theo nỗi oan không thể giải thích với ai.
- Vậy... vậy ai đã gϊếŧ ông?
- Nó đã chết rồi, ta đã báo thù.
Tôi hơi giật mình.
- Nó gϊếŧ ta vì tin vào lời đồn, gia đình bị cướp lại là người thân của nó, nó đã xuống tay gϊếŧ ta, ta thành ma cũng phải báo thù rửa hận. Nợ máu phải trả bằng máu.
- Báo...báo... báo thù?
- Một lần nó đi ra sang làng bên cạnh, ta đã khiến nó bị trúng đạn lạc của Tây, nó làm ma cũng không hiểu vì sao, nợ thì phải trả.
Tôi khẽ thở dài một hơi.
- Người ấy là ai ạ?
Ông Thủ Tùm kể cho tôi một cái tên, tôi không biết đó là ai.
- Vậy trả thù được rồi sao ông còn ở lại đây làm gì?
- Ta chết oan ngay chính trong làng của mình mà không ai hay biết, ai cũng nghĩ ta là kẻ xấu, ta không cam lòng. Ta muốn ai đó biết ta không làm cái việc cướp của ấy.
- Vậy sao lại là cháu?
- Xem như là duyên đi. Cháu là một đứa bé tốt, nhất định sẽ gặp nhiều điều tốt. Bây giờ tâm nguyện đã thành, rượu cũng đã được uống, ta cũng sẽ sớm rời khỏi đây thôi. n tình này ta nhất định sẽ trả trước khi đi.
- Không cần đâu ạ, dù sao rượu cũng còn nhiều.
- Đúng là một đứa bé tốt. Ta cảm ơn!
Một cơn gió thoảng qua, ông Thủ Tùm biến mất, chai rượu còn vỏ rỗng nằm dưới đất. Tôi như bừng tỉnh, trước mặt trời đã tối hẳn, đứng tần ngần một lúc, tôi lặng lẽ cầm can rượu đổ hết xuống ao, chỗ vị trí ông Thủ Tùm đã chỉ.
- Bác uống cho thoải mái, cháu sẽ mua can khác.
Tôi đạp xe đi, trong lòng cảm xúc rất khó tả. Tôi mua can rượu khác mang về nhà.
- Mày đi lâu thế?
Bà già đứng ở hiên chờ tôi, cất tiếng hỏi khi tôi vừa qua cổng.
- Cháu gặp thằng H. nên chở nó về.
Xách can rượu vào nhà để vào cạnh tường, tôi quay ra hỏi.
- Bà ơi, hồi xưa làng mình bà có biết ông nào tên là ông Cả Võ không ?
- Làng mình à? À, xưa thì có, nhưng chết trước khi tao về đây.
- Làm sao ông ấy chết thế ạ ?
- Tao nghe bảo là bị Tây bắn nhầm.
Tôi bước ra ngoài hiên, suy nghĩ miên man.
- Mà ông đấy chả phải là cụ ngoại thằng H. bạn mày đấy à?
- Dạ? - Tôi giật mình.
Cuộc sống vốn đầy những bất ngờ.