- 🏠 Home
- Linh Dị
- Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
- Chương 27: Con Mèo Trắng
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
Chương 27: Con Mèo Trắng
Bóng ma người phụ nữ treo cổ trên nhánh cây thị ấy là một người chết khi còn trẻ, đã quyên sinh vì gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm khi chỉ mới ở độ tuổi hai mươi chưa tới. Tôi không hiểu tại sao chỉ vì bị ngăn cản tình yêu chị ta lại quyết định đi tìm đến cái chết, chuyện xảy ra cũng đã lâu, chị Ma không nhớ, căn bản là không có khái niệm về thời gian, chỉ biết chị ta xuất hiện cũng đã lâu ở khu đó mà thôi.
H. Chắc Gạo từ sau vụ nhìn thấy bóng người treo cổ thì nhất định không chịu đi chơi vào buổi tối, nó cứ ở miết trong nhà sau bữa tối, rủ kiểu gì cũng không chịu đi nên muốn gặp nó chỉ còn cách tôi tự mò đến. Để tránh phiền phức không đáng có, tôi luôn đi xe đạp, tuy nhiên cái xe Cá Vàng màu đỏ nhìn hơi quá khổ người.
Trong thời gian đi "đổi truyện dạo" ở làng, vô tình tôi biết thằng cu N., tôi gọi theo cách mà những người khác đã gọi. Thằng này ít hơn tôi hai tuổi, dáng người gầy gò, da ngăm đen, tóc cắt ngắn. Khuôn mặt của nó cũng làm tôi nhớ, nó có hai má hơi hóp, tai hơi vểnh một chút, đôi mắt hơi sâu và cuối cùng là hàm răng ăn đu đủ không cần thìa. Nó là một thằng khá nhanh nhẹn và có vẻ lanh lợi. Nó có một số quyển truyện lạ, truyện Cô Tiên Xanh, tôi cũng đổi với nó để đọc nhưng sau mấy dạo thì thôi vì nó không phải đứa biết giữ cẩn thận đồ của người khác. Tôi cũng ít chơi dần với nó và rồi chỉ quen biết như kiểu cùng làng với nhau khi tôi biết nó có hay ăn cắp vặt, tuy chỉ là mấy thứ linh tinh không đáng, được kể trong các câu chuyện mỗi tối ở Cầu Đình, kể rất hiển nhiên như kiểu chiến tích. Tôi không cho rằng mình tốt đẹp gì nhưng tôi không muốn chơi với những người như vậy, dĩ nhiên tôi không thể hiện bằng lời nói bao giờ, tôi không muốn mất lòng ai và cũng ngại va chạm. Khi tôi mới rời làng một thời gian để đi thi Đại học thì được biết nó gϊếŧ người, chính là ông cụ S. tôi đã từng kể trước đây. Nó bị xử tử hình, bạn bè chơi cùng làng đã đến lấy trộm xác nó về trong đêm bằng xe máy, chân nó mài xuống đường bong tróc nhiều. Nó trở về với đất trong đêm tối, im lặng, không có đám ma nào được tổ chức đúng nghĩa nhưng dân làng nhiều người vẫn tiễn nó, tuy nó đã gây ra tội ác tày trời, nhưng như mẹ tôi hay nói "Chết là hết", nó đã trả nợ cho tội nó gây ra.
Tôi nhớ đến cái thằng lanh lợi, loắt choắt ấy là hình ảnh lúc còn cùng đam mê với nhau, cùng chia sẻ các nội dung tâm đắc. Nhưng cũng từ dạo ấy, tôi bắt đầu tin vào trực giác của mình, nếu tôi gặp ai đó mà không có thiện cảm và đôi mắt hay láo liên không nhìn thẳng, nhất định tôi sẽ không chơi hoặc làm ăn cùng, tôi nghĩ đó là quyền lựa chọn của tôi.
Làng tôi không phải lớn, nhưng cái cầu Đình gần như là lối đi duy nhất để ra khỏi làng. Sở dĩ tôi nói là gần như duy nhất là bởi vì còn có một lối đi vừa cái xe cải tiến, đường đó bằng đất, bắt đầu từ hướng Tây Nam của làng, chạy song song với con mương chừng một km là đến làng bên cạnh, đến đó rẽ trái sẽ có cầu để sang đường Quốc lộ 17 hoặc rẽ phải để vào trung tâm xã, nơi trường tôi đang học. Mọi người ít đi đường này, chủ yếu sử dụng cho việc đi ra đồng và chở nông sản về làng. Ở giữa đoạn đường ấy có một cái trạm bơm nước xây kiên cố và phía trước trạm bơm là một cái cầu tạm làm bằng gỗ để đi qua bên đường, cầu này gọi là cầu Khoai, tôi cũng từng đi bộ thử qua nhưng xe đạp thì tôi không dám vì tôi không biết bơi và nhìn cái cầu tạm quá ư ọp ẹp, xiêu vẹo. Tại sao tên là Cầu Khoai thì tôi không được biết, có lẽ vì trước đây dân hay trồng khoai ở phía mạn sau trạm bơm, cạnh trạm bơm có một cái cây và vài nấm mộ. Nếu đứng từ trạm bơm mà nhìn qua bên đường cái, chếch hướng 11h chính là một địa danh rất nổi tiếng.
NGHĨA ĐỊA CỦA LÀNG!
Dân làng gọi là Nghĩa địa Cầu Khoai, nếu ai đó chết đi, người ta chỉ cần nói "Ông/bà ấy đã ra Cầu Khoai" là đủ. Cầu Khoai nghĩa là Chết.
Đây là nơi kết thúc Thế giới này và bắt đầu một Thế giới khác.
Điều này có nghĩa là, nếu tôi đi qua cầu Đình và rẽ phải đi trên Quốc lộ, bên phải là con mương cặp bên, khi vừa chạm tới lũy tre của làng song song song với con đường thì nhìn bên tay trái sẽ là cổng vào nghĩa địa, nghĩa địa nằm bên cạnh đường, nói là cổng vào cho sang miệng chứ cả có cái cổng nào, chỉ có một cái cây rất lớn, bên cạnh là một lối đi bằng đất rộng dẫn vào nghĩa địa, hai bên là mồ mả không hàng lối.
Nơi này có mộ của ông nội tôi, ông được cải táng từ năm 1969. Tôi đã được bà dẫn ra thắp nhang mấy lần nên tôi biết, một ngôi mộ bằng đất giống vô vàn ngôi mộ khác nhưng tôi không nhầm, ai cũng thế chứ chả riêng tôi.
Mộ của ông tôi nằm ở vùng đất thấp hơn một chút nên mưa lớn sẽ đọng lại những vũng nước. Xung quanh là nhiều mộ lớn nhỏ đủ loại, có cả những ngôi mộ chỉ còn là một đống đất to bằng cái chậu nhỏ, vô chủ hoặc con cháu đã không tìm ra. Tháng 12 cỏ may mọc đầy dưới chân, cỏ dại, cây dại cao gần bằng tôi mọc um tùm, có khi mọc trên cả những mộ lâu năm, nếu như tôi cúi xuống là sẽ không nhìn thấy được con đường cách đó khoảng hơn một trăm mét.
Ông nội tôi mất vào cuối tháng 11 âm lịch, còn bây giờ Dương lịch mới đầu tháng 12, âm lịch là khoảng ngày Rằm tháng 10. Đợt vừa rồi có mưa nhiều nên bà Già bảo tôi ra xem mộ ông như thế nào, lần này tôi đi một mình, tôi thấy hết sức bình thường. Đầu giờ chiều, có nắng, tôi mang theo một con dao rựa, đội cái nón lá của bà, đi đôi dép tổ ong màu trắng ngà, quần áo dài tay, dắt Xế Điếc rồi đạp đi. Xế Điếc nhỏ gọn, nếu cần thì dắt vào gần mộ cũng dễ, ra tới đầu làng tôi mua hai bó nhang, một gói bánh bích-quy màu bạc và một gói kẹo lạc.
Dựng cái Xế Điếc vào cạnh một ngôi mộ, tôi đi về hướng có mộ của ông nội, phía xa bên kia chếch bên tay trái là mấy cái lò gạch khói nghi ngút. Cỏ may bám đầy vào quần, khi đến chỗ đất thấp hơn thì cỏ dưới chân nhìn thì khô ráo nhưng dẫm xuống là có nước, đôi dép ướt nhẹp đổi sang màu nước bẩn đầy bùn nhão.
Gói bánh bích quy tôi để lên mộ ông mình, gói kẹo lạc thì xé ra để lên mỗi ngôi mộ xung quanh một cái, mấy ngôi mộ nhỏ tôi cũng để lên, có thể chỉ mà tổ mối nhưng làm sao mà biết được. Bó nhang lớn cháy nghi ngút vì có gió, năm nén được thắp trên mộ của ông nội, còn mỗi ngôi mộ khác ba que rồi một que. Điều này không ai chỉ cho tôi, tôi chỉ nghĩ người chết cũng cần có bạn hàng xóm, nếu tôi chỉ mang đồ thắp nhang đến cúng cho ông mình và bên cạnh không có gì thì cũng sẽ buồn.
Giữa nghĩa địa hoang vu, tôi bắt đầu nhổ cỏ dại bên mộ ông của mình, có vài cây nho nhỏ không rõ là cây gì tôi phải cố gắng lắm mới có thể đào gốc rồi nhổ lên được. Bên cạnh mộ của ông tôi, có một khoảnh đất khá vuông vức, tiện tay nên tôi cũng ngồi hì hục nhổ mấy thứ đang mọc trên đó đi, tôi đoán có thể đây là chắc mộ nhà ai đó đã bị mất nấm, thôi thì xem như hàng xóm thân thiết của ông nên tôi giúp một tay. Tôi loay hoay một hồi, đứng lên lau mồ hôi thì nhìn thấy một con mèo lông trắng tinh đang đứng trên mộ của ông nội, đầu hơi nghiêng nghiêng và hai mắt nó nhìn tôi chăm chú, tôi có thể thấy rõ đôi mắt màu vàng tròng đen của nó. Từ trên ngôi mộ, con mèo nhảy vụt qua trước mặt tôi, chưa tiếp đất đã biến mất!
Tôi cảm nhận thấy như có một luồng điện chạy từ phần gáy xuống thắt lưng của mình, mắt tôi chớp mở liên tục, tôi sợ mình hoa mắt vì ngồi dưới nắng lâu, cũng có thể lắm.
- Chả lẽ mình làm gì phiền người khuất mặt rồi?
Tôi nghĩ như vậy nên chắp tay khấn luôn.
- Cháu ra đây dọn mộ cho ông nội cháu, nếu có làm gì phiền các ông bà xin các ông bà bỏ qua cho cháu.
Tôi lẩm bẩm trong miệng.
Những cơn gió nhẹ vẫn cứ thổi qua.
Trong lòng cũng thấy hơi bồn chồn nhưng tôi vẫn cố nán lại làm cho xong rồi ra về, tôi thoáng nghĩ đến con mèo trắng với đôi mắt màu vàng trong veo ấy, không biết nó xuất hiện từ lúc nào và tại sao lại biến mất kỳ lạ như vậy.
Điều này phải đến 4 năm sau tôi mới biết.
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
- Chương 27: Con Mèo Trắng