Chương 23: Những Lời Tiên Đoán Đầu Tiên

Mấy hôm sau bố tôi về ăn cỗ, trên một chiếc xe máy rất lạ, không phải chiếc Honda 67 như trước, đây là một chiếc xe khá lạ nhưng cũng hiệu Honda. Xe có một cái giỏ màu đen phía trước, đèn giống như hình lục giác, có yếm xe màu trắng, không có bình xăng. Mang đồ đạc vào nhà cho bố xong, chỉ là vài thứ bánh trái dùng để cúng giỗ, tôi chạy trở ra sân ngắm nghía cái xe, biển số 29 - 991 - Z8, biển số Hà Nội, không biết xe này ở đâu ra, hơn hai trước tôi về bố tôi chở ra bến xe vẫn bằng cái xe biển 13 của Hà Bắc.

- Xe 67 bố bán rồi, xe này mới mua!

Tin này tuyệt vời, đồ mới bao giờ cũng tuyệt vời, nhất là xe máy, chỉ hơi tiếc cái xe cũ một chút. Tôi chỉ mới biết mấy xe như Chaly, Cub, DD70, 82-50 và thi thoảng có cái xe Hoàng tử đen gì đó trông rất oách, xe này có vẻ hơi lạ.

- Xe này là Đờ-Rim 100 màu mận chín.

Bố tôi hồ hởi giới thiệu vài thứ trên xe, chỉ cho tôi dòng chữ bên thân, tôi đi quanh xe xem mấy lần rồi cứ xuýt xoa, xe này có cả nút đề nổ, thật hiện đại quá, yên xe ngồi cũng rất êm, nói chung là hoàn hảo.

- Xe này người làng mình cũng đã có mấy người mua, bố mua hết Ba nghìn mốt!

Tôi ngẩn người.

- Sao chỉ có Ba nghìn mốt, sao rẻ thế bố?

Bố tôi cười vang.

- Ba nghìn mốt là bố nói tiền đô-la ấy, tiền của Mỹ, không phải tiền Việt Nam, tính ra tiền Việt Nam khoảng 34tr.

- Thế thì đắt quá!



Tôi nhảy tót xuống xe, nhiều tiền quá, chỉ là xe máy thôi sao lại từng ấy tiền.

Lần đầu tôi biết đến hai thứ, Dream 100 và đô la, Dream thì đây rồi, tiền đô la thì không biết hình dáng ra sao, chắc nó là một tờ tiền to, chỉ có ba nghìn mốt mà đổi được tận 34tr, tôi nhiều lắm cũng chỉ có gần 300 nghìn đã là dày lắm rồi!

Những ấn tượng của tôi rất sâu đậm, bởi vậy chiếc xe máy đầu tiên tôi tự mua cũng là Dream, tuy là hàng Tàu và không xịn sò nhưng mỗi lần đi, tôi giống như đi trên ký ức. Khi ấy, tôi đã nổ máy cả đêm để ngủ bên cạnh cái xe, rồi nằm bên cạnh hít thoảng mùi nhựa tỏa ra từ một chiếc xe mới, tôi đã rất nâng niu cái xe đầu tiên của mình, đến khi các em tôi cần để đi học, tôi đã cho và mua xe khác. Trải qua rất nhiều xe máy, từ chiếc xe Tàu rồi chuyển lên Việt Nam, rồi của Ý, của Nhật nhưng cảm xúc về chiếc Dream 100 của bố mãi tồn tại, đến khi phải rời xa chiếc xe, tôi thậm chí đã cố kìm nén để nước mắt không rơi.

Như tôi đã kể, bố tôi là con trưởng độc đinh, ông nội phải lấy đến bà vợ thứ ba mới có con, trước bố tôi thì bà trẻ cũng sinh một bác nhưng mất (tôi không nhớ rõ) vậy nên, nếu theo cái tờ giấy khổ A0 tôi đang lưu giữ thì một năm nhà tôi phải làm đến hơn 10 đám cúng giỗ, những người con đẻ ra rồi chết quá nhiều, cũng không ghi chép lại, rồi các bà cô ông mãnh các đời... Quá nhiều, quá nhiều người đã chết. Có lẽ bởi vậy, tôi thấy hai bà kể về những người đã chết nhẹ tựa lông hồng, bối cảnh thời đó nó như vậy, thấy nhiều cái chết thành ra coi là điều hiển nhiên.

Cúng giỗ sẽ không bao giờ thiếu bà H. Lớn, bà rất khó tính và cực kì có nhiều thứ kiêng kị, tôi sợ bà từ lần đầu gặp, đến hai bà của tôi tuy có nhiều điều không hài lòng nhưng vẫn phải theo sự sắp xếp của bà H. Lớn là các bạn hiểu. Tuy bà khó tính như vậy, ghê gớm có tiếng ở làng như vậy nhưng thuộc tuýp người phụ nữ cũ, bà quan niệm chết sẽ về lại nhà cùng bố mẹ cho nên bà đặc biệt quan tâm đến bố tôi và tôi, người mà bà tin rằng sau khi bà chết đi sẽ thắp nhang cho bà vào mỗi ngày giỗ.

Đám cúng giỗ ngày hôm ấy có 4 người kể cả tôi, và trong bữa cơm, có một chuyện cả hai bà cùng kể bổ sung cho nhau ấy chính là việc ông cụ trẻ của tôi chết lúc trẻ, không ai nhớ tên húy, chỉ nhớ tên do nhà chùa đặt (kiểu như Nguyễn Văn A tự Trung Thành), rất hay về quấy phá, mỗi lần về cứ nằm vắt vẻo trên xà nhà đòi ăn cơm nguội, rồi quậy phá nồi niêu xoong chảo, mãi đến sau 49 ngày mới thôi. Hai bà và nhiều người đều thấy khi còn ở chung căn nhà cũ, khoảng những năm trước 1945. Tôi nghe rất mê sau, điều này đúng là tôi chưa được biết bao giờ, chuyện đã quá lâu, hai bà kể mà như kiểu ôn lại chuyện xưa nên tôi cũng chỉ biết đến vậy. Nhưng để hiểu thì lớn thêm chút nữa sẽ có nhân vật trải nghiệm cảm giác phải rời nhà ở nhà tôi.

Bà H. Lớn, cô ruột của bố tôi, có hai người con gái nhưng bà ở một mình và lập điện thờ, tôi cũng hay xuống thăm bà nhưng thú thật là tôi rất tò có cái gì ở trong căn nhà nhỏ bà hay vào thắp nhang. Tôi tuy là đứa tò mò, thích tự do và hay làm theo ý mình nhưng như các bạn thấy, tôi là một đứa bé ngoan hoặc tỏ ra như vậy, nếu bạn hay người quen không muốn tôi biết bí mật của họ thì tôi không bao giờ tìm hiểu, và nếu biết tôi luôn giả vờ như không. Nên cũng có đứa thấy tôi lạ, chuyện gì cũng biết ít nhiều lại hay nói nhưng lại là đứa kín miệng, dĩ nhiên, tôi kín miệng do có những nguyên tắc riêng được tôi luyện từ tấm bé. Bà H. Lớn có nhiều cháu ngoại, tôi biết một đứa tên T., hơn tôi chừng 9 tuổi, ban đầu tôi thấy kì lạ vì nó hay nói những điều khó hiểu, không đầu không cuối, cứ như trên mây. Người ta bảo nó có căn, còn cụ thể tôi không biết rõ, mỗi lần gặp nhau đều chào hỏi bình thường, tôi cảm thấy lạ nữa là trông nó rất ẻo lả, hay nhai trầu, da mặt trắng và đôi bàn tay búp măng như con gái vậy.

- Anh có tin vào thiên đường không?

- Này em bảo, anh có biết về ngạ quỷ không?

- Em thấy anh sau này nên làm nhà thơ.

- Anh, anh có tin con người có kiếp sau không?



Bạn nghĩ xem, tôi mới 11-15 tuổi nó hỏi những câu đó thì bạn thấy sao? Nhưng tôi lại luôn nghe hoặc tỏ ra chăm chú, làm người khác hài lòng bằng cách nghe câu chuyện của họ cũng không phải việc gì khó khăn. Hơn nữa, nó là em họ, với tôi khi ấy, cứ có chữ "Họ" là được, một giọt máu đào hơn ao nước lã cơ mà.

Nhưng tôi nể phục nó vì nó học giỏi có tiếng trong làng, đi Đại học toàn trường như "Bách-Kinh-Xây" rồi ĐH Luật Hà Nội, thậm chí cả Sư phạm, nó thi kéo dài đến hơn chục năm, năm nào cũng đỗ mới kỳ tài, nhưng chỉ học được một thời gian ngắn lại điên dở về làng co mình, rồi lên chùa nghiên cứu Kinh Phật. Khi ấy thì tôi chỉ cho là nó học giỏi quá hóa điên, nhiều người làng cũng nhận định như thế, nhưng khi tôi hiểu ra thì lại thương nó. Một lần nó rời làng đi đâu đó xa mấy ngày, bên Công an họ báo tin nó nằm chết bên vệ đường, khi biết tôi chỉ thở dài và lắc đầu, số kiếp con người đã định, nó đầy nghị lực muốn vượt qua nhưng lại không thể thay đổi được số mệnh.

Còn bà H. Lớn thi thoảng cũng hay nói với tôi sau khi nhìn chằm chằm rằng:

- Có quý nhân phù trợ, số cháu ăn về hậu vận, sơ niên khổ tâm thì lớn lên sẽ có quả ngọt. Trước 31 tuổi không nên làm việc lớn.

Tôi nghe và ghi nhớ lời ấy nhưng thời gian làm phai mờ đi, đến khi nhớ ra thì sự đã rồi, đấy cũng có thể gọi là số mệnh, được cảnh báo nhưng vẫn gặp. Ngày bà H. Lớn mất hay cải táng tôi đều có mặt, miếng xương người đầu tiên tôi chạm vào là của bà nhưng cảm giác lại thân thuộc, tôi luôn nghĩ đó như là ông nội của tôi vậy, sợi dây vô hình gắn kết thế hệ có lẽ là kỷ niệm và những bài học.

Cũng trong đám giỗ ấy, bà H. Lớn thấy trên trán tôi vẫn có vết bầm, bà nhìn rồi nheo nheo đôi mắt trũng sâu một hồi rồi bảo.

- Hôm nào xuống chỗ bà, bà cho cái này hay lắm!

Cái thứ hay lắm của bà H. Lớn ấy lại là một sợi dây màu đỏ nho nhỏ, tôi không có thói quen đeo cái gì trên người nên đã mang về cất trong cặp, sau thất lạc mất.

Hai hôm sau là ngày Rằm, bà tôi luôn cúng kiếng đầy đủ và tôi thì dĩ nhiên cũng tự mua đồ riêng để cúng nhưng tiện gì mua đó, ở quê không có nhiều lựa chọn nhưng nhang thì tôi đã tự biết nên mua để riêng một chỗ mình tôi biết. Việc mấy hôm trước cứ hư hư thực thực chả biết thế nào, nên tôi cũng mua thêm một túi bỏng ngô nổ rồi đạp về trên lối ven con mương. Nói không sợ là không đúng nhưng ban ngày không phải sợ, đến đoạn tối hôm trước, tôi ném túi bỏng ngô xuống mương.

- Không biết có đúng là bà định dìm cháu hay không nhưng hôm nay là rằm, tiện nên cháu mua bỏng ngô thôi. Nếu bà là con ma Mẹ Chẽ thì đừng có làm phiền cháu nữa!

Nhưng đoạn cua ở gần cổng làng lại có người chết!