Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 116: Những Người Tìm Mua Hoàng Anh Mộc (P.1)

« Chương TrướcChương Tiếp »
Vân Nam là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Trung Quốc, hiện nay với dân số bằng khoảng ½ Việt Nam, có địa giới giáp ranh với tỉnh Hà Giang và Lào Cai. Năm 937, Đoàn Tư Bình sáng lập ra vương quốc Đại Lý, trải qua 22 đời vua thì bị tiêu diệt bởi đế quốc Mông Cổ vào khoảng năm 1253 (lúc này Việt Nam có tên gọi là Đại Việt, thuộc nhà Trần), một số cư dân Đại Lý đã rút chạy trong ly loạn xuống phía Tây Nam và trở thành một bộ phận người Thái của Việt Nam hiện nay.

Năm 1258 trong cánh quân Nguyên Mông thâm nhập Đại Việt của tướng Ngột Lương Hợp Thai có không ít kỵ binh thuộc nước Đại Lý đã diệt vong trước đó. Trong suốt chiều dài lịch sử khoảng hơn 300 năm thì Đại Lý đã có rất nhiều cuộc đυ.ng độ với các triều đại của Việt Nam, đặc biệt là vào giai đoạn đầu thế kỷ 11 khi Lý Công Uẩn vừa lên ngôi vua và định đô ở Thăng Long thành.

Mâu thuẫn giữa nước Đại Cồ Việt và nước Đại Lý khởi nguồn từ việc cả hai bên đều muốn tranh giành tầm ảnh hưởng ở vùng đất nay là miền núi Tây Bắc của Việt Nam. Vào khoảng đầu thế kỷ 11 thì vùng đất này là nơi cư trú của cộng đồng người Tày, Nùng, Thái... những sắc dân ở vùng phên dậu này được gọi chung là người Man, đứng đầu là các tù trưởng hoặc lãnh chúa. Nước Tống – Đại Lý – Đại Cồ Việt, cả 3 đều muốn tranh giành ảnh hưởng tại vùng này nên quyền uy của những tù trưởng là rất lớn, biên giới của một đất nước sẽ co giãn theo ý của tù trưởng, mà ý của tù trưởng thì lại phụ thuộc vào việc ai cho mình nhiều quyền lợi hơn. Nhiều vùng Tây Bắc thuộc tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã dần dần trở thành vùng ảnh hưởng của nước Đại Lý trên thực tế thông qua buôn bán, quyền lợi...

Trước khi Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi thì chế độ phong kiến của Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ từ tản quyền lên nhà nước trung ương tập quyền bởi thế lực của vua chưa mạnh, chưa bao quát hết được. Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi đã giúp cho triều chính có nhiều biến chuyển và nhanh chóng xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh, thiện chiến. Cuối năm 1012, nhận được tin người Đại Lý đem ngựa đến buôn bán ở vùng Tây Bắc dưới sự bảo vệ của tù trưởng Hà Trắc Tuấn mà không xin phép triều đình, vua đã sai quân đến bắt các thương nhân người Đại Lý, tịch thu 1 vạn con ngựa. Năm 1013 vì để rửa mối thù nên đã chuẩn bị trả đũa, bản thân tù trưởng Hà Trắc Tuấn cũng muốn chống lại triều đình ngả về bên Đại Lý nên đã khởi binh liên thủ với nước Đại Lý chuẩn bị tiến đánh Đại Cồ Việt.

Tiên hạ thủ vi cường, Lý Thái Tổ thân chinh tiến đánh Hà Trắc Tuấn trước khi quân Đại Lý kéo đến, Hà Trắc Tuấn không địch lại nên rút vào các hang núi trú ẩn chờ cứu viện. Vua Lý Thái Tổ cũng cho rút quân về đồng bằng vì không quen thông thổ, đến đầu năm 1014 thì Đại Lý ồ ạt đưa khoảng 5 vạn quân sang tiến đánh nước Đại Cồ Việt.

Quân Đại Lý có thế mạnh là ngựa chiến, ngựa chiến của Đại Lý có thể nói là tốt nhất vào thời ấy còn Đại Cồ Việt dùng tượng binh và bộ binh. Bộ binh của Đại Cồ Việt có thể xem là thiện chiến vì trải qua nhiều trận mạc. Một hoàng tử con của vua Lý Thái Tổ đã chỉ huy cuộc tấn công trực diện vào quân đội của Đại Lý, bắt sống được tướng chỉ huy và truy kích vua Đại Lý hồn siêu phách đảm, kể từ đó nước Đại Lý mới chịu yên phận mãi cho đến khi quân Nguyên Mông xuất hiện.

Đối với tù trưởng Hà Trắc Tuấn, vào năm 1015 ông có liên minh với các tù trưởng khác quyết chiến với nhà Lý để lập cõi riêng nhưng bị quân đội nhà Lý đánh tan tác. Hà Trắc Tuấn bị giải về thành Thăng Long, chém đầu thị chúng sau đó bêu ở cửa Đông thành.

Nước Đại Lý diệt vong, con dân nước Đại Lý tứ tán và có nhiều người đã chọn vùng Đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam làm nơi cư ngụ, ở lẫn vào cộng đồng người Việt nhưng họ cũng mang theo những bí mật của Tổ tiên như phép phù thủy, võ công bí truyền...

Trong vụ án hồ Diêu Đàm nổi tiếng cuối thế kỷ 11, đời vua Lý Nhân Tông, đã làm cho trạng nguyên khai hoa Lê Văn Thịnh (người Gia Bình, Bắc Ninh) thân bại danh liệt, gián tiếp gây ra cái chết tức tưởi cho ông. Sau khi ông Lê Văn Thịnh bị bắt giữ, gia đình bị tra xét, trong số gia nhân của ông có một người gốc Đại Lý. Tương truyền người này giỏi làm xảo thuật che mắt, chính điều này đã là cái cớ để những người đối nghịch với ông Lê Văn Thịnh vin vào, họ cho rằng ông muốn dùng tà thuật hành thích nhà vua.

Tính từ lúc nước Đại Lý bị diệt vong cho đến khi chị Ngọc Hoa Công chúa ra đời là khoảng 154 năm, cha của chị Ngọc Hoa có tham gia chống Minh từ thời nhà Hồ rồi Hậu Trần nên có thể tính ngược ra rằng ông cụ ấy trước đây đã có cơ duyên theo học võ thuật của phái Không Động từ một bậc cao nhân nào đó và sau này truyền thụ lại cho các con của mình. Dòng thời gian cứ trôi đi và khi kết thúc một sự kiện này thì khả năng lại là tiền đề cho một sự kiện khác, một câu hỏi tôi đã tự đặt ra là:

“Liệu lão thầy phù thủy yểm chị Ngọc Hoa, chị Ngọc Khuê có liên quan gì đến nước Đại Lý xưa kia hay không?”

Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời, thậm chí là không thể trả lời.

---

Tôi đang ngủ thì lại bị gọi dậy, đôi khi cũng bực mình muốn văng tục vì bà Già không bao giờ gọi tôi mà chạm vào người, thói quen của bà là gọi và gọi, đằng này ai đó chứ kéo chân, vỗ mông hoặc thậm chí cốc vào trán. Tuy cảm thấy bực là vậy nhưng khi mở mắt ngồi dậy trên tấm phản thì thái độ của tôi thay đổi ngay tức khắc. Trước mặt tôi là Ông Mãnh nay đã khác, ông ăn bận một cái áo nhìn rất cầu kỳ, trên mái tóc cắt ngắn là một cái khăn xếp, nhìn chẳng hợp với cái áo chút nào, đúng kiểu nhà giàu mới nổi.

- Ô! Cháu... cháu chào.... chào cụ ạ!

- Mày muốn bao nhiêu tao cho mày? – Ông Mãnh để lên tấm phản một cái bọc màu sáng rồi mở ra – Vàng, bạc, giấy cầm cố, tiền xu... chỗ này cũng khá đấy!

- Th... thưa cụ, cái này là...?

Tôi vừa nói vừa lồm cồm bò khỏi tấm phản, kinh nghiệm xương máu chỉ ra rằng tốt nhất không nên ngồi cao hơn cha ông của mình, dễ ăn bạt tai lắm.

- Tao thắng, đây chỉ là của làng này thôi, mày muốn bao nhiêu? – Ông Mãnh nói nhưng không nhìn tôi, hai tay Ông Mãnh còn đang bận nhặt ra mấy thỏi bạc, thỏi vàng be bé – Con cháu như mày có hiếu thật đấy! Tao xin mày tưởng được một ít lận lưng thôi mà mày gửi cho tao cả một bị toàn vàng nén bạc thỏi, mày xem ra cũng là đứa cháu khéo léo, biết cậy nhờ đấy nhỉ?!

- Dạ...- Tôi đứng hơi khom người, hai tay chắp vào nhau.

- Mày quen bà chị kia lâu chưa? – Ông Mãnh nhà tôi hỏi.

- Dạ, thưa cụ, là ai ạ?

- Cái cô mặc váy đỏ...– Ông Mãnh chép miệng, hất hàm - Tóc đen dài dài ấy, đẹp đẹp là.

- À, dạ cũng mới đây ạ! Chị ấy ở chung đất với nhà mình ạ, thưa cụ!

- Người đâu mà tốt nết lại xinh đẹp, tao chưa gặp bao giờ.

- Vâng thưa cụ, quả là chị ấy tốt bụng và xinh đẹp.

- Ngoài việc cho tao cả đống vàng, cô ta còn chỉ cho tao cách chơi với thêm vài mánh nữa! Làng này bây giờ còn đứa nào dám chơi với tao?! – Ông Mãnh tỏ ra đắc ý.

- Thưa... thưa cụ... Bà nội cháu bảo là không nên chơi cờ bạc, nếu có chơi thì cũng chỉ là vui thôi chứ không sẽ tán gia bại sản, cụ cũng nên ...nên cẩn thận ạ!

- Bà mày là đàn bà biết cái gì, tao đây có một thân một mình phải tìm thú vui cho bản thân chớ? – Ông Mãnh vừa nói vừa hất hàm về phía tôi – Nào! Mày muốn bao nhiêu, hay tao cho mày hết luôn?

- Thưa cụ, hay là cụ để dành mà chơi hoặc biếu các bậc gia tiên tiền tổ nhà mình mỗi người chút ít cũng tốt. Bố cháu cũng hay gửi tiền về nên cháu cũng không thiếu thốn gì ạ.

- Thằng này lạ nhỉ?! Tính tao rất sòng phẳng, tao xin tiền của mày rồi mày lại đi nhờ vả người khác giúp tao như thế là trái thói đời. Tao là cha ông chưa độ giúp mày mà lại muối mặt đi nhờ cậy mày, giờ mày không chịu lấy có phải là mày coi thường tao là đứa cờ bạc đúng không?

- Dạ không...Đời nào cháu nghĩ như thế ạ, cụ đừng đánh giá cháu như thế phải tội ạ! Cháu còn sống thì làm sao lại nhận đồ của người đã khuất được?! Thêm nữa bà nội cháu bảo là cung phụng tổ tiên là việc nên làm, xin cụ hiểu cho cháu.

- Không nói nhiều! Trưa mai giờ Ngọ tao sẽ đưa vàng cho mày xem như tao cho lộc con cháu, đi ra bụi tre nhỏ gần căn nhà xây dở ở ngay chỗ ngã ba, bới gốc tre lên rồi lấy về!

- Ơ, cụ ơi...

- Giờ tao phải đi đã!

Ông Mãnh xách tay nải lên thì lập tức biến mất, giấc mơ của tôi dừng ở đấy, tôi tỉnh giấc vẫn nằm trên phản và hé mắt ra nhìn nhưng chẳng có ai, tôi hơi lo lắng về việc Ông Mãnh sẽ trả vàng cho mình nhưng một lúc sau thì mí mắt sụp xuống, tôi tiếp tục chìm vào giấc ngủ.

*** Câu chuyện được kể bởi Fb Nam Ngủ Yên

Tôi đang lúi húi cất sách vở vào cặp thì thằng Tuệ còi quay sang hỏi tôi:

- Nhà mày có cây duối không?

- Để làm gì? – Tôi hỏi lại.

- Bên làng tao đang có người đi hỏi mua cây duối đấy, nhà ai có họ cũng đều muốn mua, nghe bảo là trả cũng được giá.

- Cây đấy thì có gì quý hóa mà mua?! Tao thấy cây ấy còn mọc cả ngoài cánh đồng, nhà mày có cây nào không?

- Có mỗi một cây nhưng khi đến xem thì họ bảo mới được mấy chục năm nên chỉ trả có Hai trăm nghìn, bố tao không bán.



- Nhà tao chẳng có, làng tao thì cũng có nhiều nhưng toàn trồng gần miếu mạo, chẳng ai dám dụng đến đâu. Chỗ đền Bình Ngô của xã mình tao thấy mạn hàng rào gần đường cũng có mấy cây duối cổ thụ, họ cũng mua luôn à?

- Họ chỉ tìm mua của nhà dân, không mua cây ở đền, đình hay chùa.

- Cây ấy về làm gì nhỉ? – Tôi thắc mắc.

- Chắc làm thuốc, tao nghe nói là cây ấy chữa được bệnh.

- Thời buổi hiện đại rồi, ốm đau thì đi viện cho nó nhanh!

Trên đường đi học về tôi hỏi R9 và Chắc Gạo.

- Nhà chúng mày có cây duối không?

- Nhà tao có! – Chắc Gạo đáp – Gần miếu nhà tao có hai cây.

- Nhà tao cũng có một cây gần bờ ao chỗ nhà xí, để làm gì?

- Tao nghe mấy đứa lớp tao bảo ở làng nó có người đi thu mua cây duối đấy, chúng mày từng nghe việc tương tự như thế bao giờ chưa?

- Cây đấy thì quý báu gì mà mua, mọc um tùm thi thoảng bà tao vẫn chặt bớt dây leo với cành đấy! – Chắc Gạo nói – Nhưng quả chín của cây đấy ăn được.

- Tao nghĩ cứ là cây cối thì chắc sẽ có thể làm thuốc được!– R9 phán chắc nịch – Nhiều cây cối trong vườn đều có thể làm thuốc nhưng mình phải là thầy lang cơ... Thế nhà mày có cây nào không?

- Cũng tính là có nhưng lại là không... – Tôi lưỡng lự trả lời.

- Là sao? – Cả hai thằng đồng thanh hỏi một lượt.

- Tại cái cây ấy tao nhìn nó bị sâu mục rồi, mà gốc thì nằm sát bụi tre còn toàn bộ thân đã vươn hết ra ngoài cánh đồng. Mấy lần bà tao sai tao chặt bớt cành về làm củi nhưng tao thấy cái củi mục của thân cây ấy lạ lắm, làm bùi nhùi được thì phải, mấy lần bà tao đốt khói um!

Tôi vừa kể vừa cười, quả thật cây duối ấy tôi đã nhiều lần trèo lên để chặt bớt những cành mục, mặc dù vậy cũng phải vất vả lắm tôi mới có thể chặt được những cành bên ngoài bị sâu mục to bằng cổ tay. Tôi không biết đây có phải là cây duối cổ hay không nhưng vị trí của nó nằm gần góc Đông Bắc của thửa đất, toàn bộ phần gốc nằm sâu trong lũy tre và phần thân cây tính từ đất lên cao tầm 50cm thì bắt đầu có xu hướng nghiêng ra hướng Đông đón ánh mặt trời.

- Chúng mày muốn kiếm tiền không? – Tôi đột nhiên hỏi hai thằng bạn.

- Ở đâu? – R9 ngạc nhiên hỏi lại.

- Về làng thì phải kháo với những đứa khác nếu nhà bọn nó có duối, kê giá lên mà lấy nhiều tiền nếu bán, tao không tin những người này đi mua duối về làm thuốc chữa bệnh đâu.

- Sao mày không tin?

- Tao nghĩ nếu họ mua về chữa bệnh thì khác, ví như nếu tao mà làm thầy lang thì tao tự đi xin cây hoặc đầy người sẽ mang cho tao vì tao dùng để chữa bệnh, tao chưa thấy ai phải đi mua cả! Chúng mày cũng biết thầy lang họ có quan tâm đến tiền bạc đâu, tao thấy bà Già tao đi cắt thuốc về sắc uống mà chẳng đáng bao nhiêu tiền, nên nếu họ mua làm thuốc thì tao cho luôn, không bán!

- Ê, ê nhà sư kìa chúng mày! – Chắc Gạo hất hàm về phía trước.

Tại sao Chắc Gạo lại tỏ vẻ ngạc nhiên? Tôi không biết ở các vùng quê khác ra sao nhưng ở làng của tôi hay xã tôi ở thì rất hiếm khi nhìn thấy các nhà sư, họ đều ở trong chùa tụng kinh niệm phật là chính.

Tôi nhìn theo hướng Chắc Gạo chỉ, thoáng thấy hơi lạ... vì nhà sư này cạo đầu không được trơn láng và mắt có vẻ đang nhìn thẳng về phía trước. Do tôi chỉ thấy từ sau lưng nên không biết nhà sư ấy có còn tráng niên hay đã trung niên, tuy đi chân đất nhưng bước đi nhanh phăm phăm, gót chân trắng không có nhiều vết chai. Ba chúng tôi chẳng ai bảo ai lặng lẽ đạp xe qua, thói quen của bọn tôi là gặp nhà sư thì nên im lặng một đoạn tránh làm phiền đến họ.

Sau khi dựng xe đạp vào trong nhà thì tôi mang theo con dao rựa chạy đi, tiếng bà Già í ới gọi với theo từ trong nhà bảo ngồi lại ăn cơm nên tôi phải đáp lời là sẽ về ngay.

Bụi tre chỗ ngã 3 mà Ông Mãnh chỉ thì tôi không có gì lạ lẫm bởi vì nó chỉ cách nhà chừng 100m, cái ngã ba nhỏ này lần trước chị Ma chỉ cho tôi dùng cái thuổng để xác định hướng đi đào hũ tiền xu cổ. Tay tôi cầm con dao, mắt đảo một lượt xung quanh xem có ai không, đúng là buổi trưa chẳng có bóng người nào, đường này bình thường cũng đã vắng rồi. Sau một hồi ngó nghiêng thì tôi ngồi thụp xuống cạnh bụi tre nhỏ ngay sát con mương dẫn nước lên cánh đồng, tôi quan sát thì không thấy có chỗ nào để đào bới cất giấu vật gì nên đành dùng mũi dao chọc vài lần xuống những gốc tre, chỉ đến lần thứ ba thì quả nhiên có đυ.ng vào một vật gì đó nên tôi dừng lại, nhìn lại xung quanh một lượt sau đó dùng tay bới nhẹ đất lên...

"Lại là nhẫn vàng?!"

Tôi cầm cái nhẫn vào có vẻ nặng lên nhìn, không có ký hiệu 9999 ở phía mặt trong của nhẫn, một cái nhẫn trơn láng và có vẻ dày hơn cái lần trước tôi nhặt được ngoài đường của những vong hồn nghèo góp lại cho nên khi bóp nhẹ thấy không bị méo. Tôi cất vội cái nhẫn vào trong túi và đào thêm những chỗ xung quanh nhưng không thấy gì thêm nên chắc mẩm là chỉ có chừng này nên bỏ lại tờ Năm nghìn đồng rồi đứng lên.

Trên đoạn đường ngắn đi bộ về nhà, tôi thắc mắc là đêm qua thấy Ông Mãnh nhặt riêng ra một đống vàng mà sao giờ lại chỉ có một cái nhẫn bé tẹo thế này?! Về đến cổng nhà thì tôi lại suy luận ra rằng mình chỉ bỏ một ít tiền dương gian ra đã mua được một mớ vàng mã, đổi ngược lại thì chỗ vàng đây chắc đã là nhiều rồi, hoặc tiền vàng dưới âm phủ mất giá do người ta gửi xuống nhiều quá nên Ông Mãnh chỉ đổi được từng này?!

“Mà thôi... Lộc bất tận hưởng, cụ cho thì con xin!”

Tôi thầm nghĩ như vậy khi thò tay vào túi quần lần sờ chiếc nhẫn.

- Mày vác dao đi đâu đấy? Sao không ăn cơm luôn đi?

Tôi không nói gì mà nhìn bà Già cười tít mắt, bà ngạc nhiên lắm nhưng tôi lững thững đi vào chạn bát cài lại con dao vào đấy rồi quay ra kéo bà Già ngồi xuống giường của bà.

- Bà ngồi đây cháu bảo... – Tôi nói nhỏ.

- Mày làm gì mà cứ như đám buôn bạc giả thế? – Bà Già giằng tay ra khỏi tay tôi nhưng vẫn ngồi xuống giường.

- Bà xem cái gì đây?! – Tôi chìa tay ra, trên lòng bàn tay là cái nhẫn vàng. Bà Già nhìn kỹ, rồi lấy tay nhón cái nhẫn lên xem.

- Sao giống nhẫn vàng nhỉ? – Bà nhận định.

- Đích thị nó là nhẫn vàng! – Tôi khẳng định.

- Mà...mày... mày lấy ở đâu ra? – Bà Già hốt hoảng.

- Cháu đào được!

- Đào được?! – bà Già ngẩn người ra, vẻ mặt hốt hoảng

- Cháu vừa đào xong! – Tôi nhìn bà và gật đầu như kiểu khẳng định.

- Mày... mày có biết câu “Được bạc thì sang, được vàng thì lụi bại” không? – Vẻ mặt bà Già trở nên lo lắng.



- Cháu biết! Nhưng thời nay làm gì có bạc mà nhặt, chỉ có vàng và tiền thôi. Tiền thì cháu cũng nhặt được mấy lần rồi!

- Mày phải ra trả lại ngay chỗ cũ, mấy đồ này độc lắm biết chưa?

- Độc gì mà độc, Tổ tiên cho cháu thì sao mà độc được?!

- Tổ tiên nào? – Bà Già lại ngẩn người ngạc nhiên thêm một lần nữa.

- Đêm qua cháu ngủ mơ thấy có một ông cụ lưng hơi còng, nói là Tổ tiên mấy đời của nhà mình, ông cụ ấy bảo là bà chăm cúng bái nên các cụ cho bà cái này để chi tiêu.

- Chả có nhẽ...

- Bà thấy hồi đầu tháng bà thắp hương hôm đi đám ma về không? Mấy cây hương bốc cháy đấy!

- Chả có nhẽ thế thật?! – Bà Già bán tín bán nghi.

- Chính ông cụ trong mơ đã nói với cháu như thế...Tổ tiên đã cảm nhận được lòng thành của hai bà cháu mình!

- Nhưng mà... nhưng mà đây là vàng thật đấy!!!

- Đấy bà xem... Cháu vừa đi học về phải vội lấy con dao chạy đi đào, các cụ không báo mộng cho thì làm sao cháu biết chính xác chỗ nào mà đào? Từ lúc cháu mang dao đi đến bây giờ còn chưa tới 10 phút, ông cụ trong mộng bảo cháu đi lấy mang về cho bà nên cháu làm theo.

Bà già hỏi thêm vài câu nữa rồi vội vàng thắp hương trên ban thờ, để cái nhẫn vàng lên rồi lâm râm khấn, bà khấn rất lâu, tôi đoán là bà đang cảm ơn đến cao tằng tổ hỉ, cao tằng tổ hảo, cô di tỷ muội, thúc bá đệ huynh... nên mới lâu như vậy. Tôi thì đứng phía sau khoanh tay trước ngực tủm tỉm cười, tuy tôi có nói dối một chút nhưng đúng là Tổ tiên cho mà.

Ngay sau bữa cơm trưa vội vàng, tôi cầm cái nhẫn trơn ấy đạp xe lên thị trấn Hồ, bà Già cẩn thận đưa cho tôi cái túi đựng mà bà hay dùng để đựng tiền, đó là một cái túi được may bằng vải sáng màu, có mấy bông hoa nhỏ màu xanh nhạt bên ngoài, bà Già cho cái nhẫn vào rồi còn cẩn thận dặn dò tôi:

- Mày liệu có biết bán không? Khéo lại bị người ta lừa cho đấy!

- Bà cứ lo... Cháu biết chỗ để hỏi bán cái này mà, rồi trọng lượng bao nhiêu thì nhân với số tiền của một chỉ là được?

- Ừ, nhưng mà cũng phải cẩn thận, chỗ này chắc nhiều đấy!

Sở dĩ bà Già không dám giữ cái nhẫn này lại vì bà cũng sợ, bà có thói quen chỉ tiêu tiền do bản thân làm ra hoặc do bố tôi gửi về cho hai bà cháu.

- Cháu chào ông ạ!

- A! chào cháu, vào đây, vào đây!

Ông chủ cửa hàng vàng đang đứng trong quầy, đây là nơi trước Tết tôi mới tới bán hũ tiền xu. Ông chủ nhanh chóng nhận ra tôi và vẫy tôi đi vào trong.

- Hôm nay đến có việc gì nào, ông cháu muốn bán thêm mấy hũ tiền nữa hả?

- Dạ không! – Tôi lắc đầu – Cháu đến bán vàng.

Tôi lấy từ trong người ra cái túi vải nhỏ của bà rồi nhanh chóng lấy cái nhẫn trơn ra đưa cho ông chủ cửa hàng.

- Ông xem giúp cháu được bao nhiêu, cháu bán hộ bà nội cháu!

- Nhà cháu có vẻ khá giả mà sao lại mang đi bán mấy thứ này? – ông chủ cửa hàng đẩy nhẹ cái kính lên để nhìn cái nhẫn, miệng vẫn hỏi chuyện tôi – Vàng này từ lâu lắm rồi đây!

- Mấy cái thứ này nói là có một rổ thì hơi quá ạ... Nhưng bà nội cháu có nhiều, Tết vừa rồi mỗi người con được một cái giống như thế này làm quà.

Tôi lại bắt đầu kể một câu chuyện cho ông chủ cửa hàng để tăng phần long trọng cho cái nhẫn, đi bán hàng luôn cần có một câu chuyện về thứ mình muốn bán, đấy là kinh nghiệm của tôi, mua hay không là tùy ở người mua nhưng hẳn là họ sẽ nhớ điều tôi nói.

- Chỗ quen biết nên ta cũng không hỏi nhiều, nhẫn này được hơn 6 chỉ một tí...– ông chủ cửa hàng chỉ vào cái cân cho tôi xem – Nhẫn này thì đúng là đồ gia truyền rồi, các cụ thời trước giữ kỹ thật đấy! Ta tính chẵn 6 chỉ được không?

- Cũng được ạ! Xưa ông bà nội cháu là địa chủ mà, vàng bạc nghe đâu chôn giấu nhiều lắm, thi thoảng nửa đêm nửa hôm ông cháu lại đi đâu ấy...

- A! Thảo nào, phải thế chứ, nhà nông thì lấy đâu ra mấy thứ như này còn giữ được. Khi nào cần bán vàng, bạc hay đồ cổ thì mang lên đây, ta mua được giá cho!

- Ông mua cả bạc ạ?

- Ừ, có chứ sao lại không?

- Bạc chả được bao nhiêu...– Tôi gãi đầu – Nếu ông muốn mua thì để hôm nào cháu mang lên xem được bao tiền – tôi chỉ vào mấy sợi dây trong tủ kính – Nhưng bạc nhà cháu không giống mấy thứ này đâu, nó có hình giống cái thuyền ấy!

- Hả?! Cháu nói sao? Giống cái thuyền á?

- Vâng! – Tôi gật đầu khẳng định chắc nịch.

- Có nhiều không cháu?

- Cháu chả quan tâm việc ấy, cháu ở nhà với ông bà, mấy thứ này ông cháu cất kỹ lắm nhưng có lần cháu tình cờ thấy ông mở một cái tay nải bằng vải ra, có nhiều cục màu trắng bạc to bằng nắm tay cháu đây này!

Tôi giơ nắm tay của mình ra minh họa, ông chủ tiệm vàng ngạc nhiên đến há hốc miệng, ông ấy chớp mắt đến mấy lần.

- Này cháu, 6 chỉ này tính ra là suýt Hai triệu tư, ta trả chẵn luôn! – ông chủ đếm tiền đưa cho tôi, toàn những tờ Một trăm nghìn – Này! cầm thêm Hai chục uống nước đi cháu, bữa nào có mấy thứ như ta dặn thì mang lên đây, ta mua hết!

- Vâng, quen đâu thì cháu bán ở đấy cho đỡ tốn thời gian mà. Ông đổi cho cháu Bốn trăm nghìn này thành tiền nhỏ hơn được không ạ? Tiền to như này về làng bà cháu đi mua cái gì cũng khó.

- À, được, được chứ! Đúng là đứa cháu có hiếu!

Tôi đi dạo một vòng quanh thị trấn rồi mua vài thứ lặt vặt sau đó đạp xe ra về, tại sao tôi phải làm thế? Đơn giản thôi, tôi muốn biết xem có ai đi theo đuôi mình hay không, thật may là chẳng có ai nhưng cẩn thận không bao giờ là thừa.

Việc làm ăn với ông chủ cửa hàng vàng này tính ra mới chỉ có hai lần.
« Chương TrướcChương Tiếp »