Chương 4: Chệch ray (1)

Chương 4: CHỆCH RAY (1)

Ngày mới bắt đầu, ngay tiết đầu tiên đã phải đứng phạt, lại đúng lúc gặp người bạn thích thầm bao lâu nay, hình tượng giữ gìn đã bị đổ vỡ, chắc cũng có nhiều người đã, đang và sẽ đứng ở ranh giới này, lựa chọn giữa việc cắm đầu xuống đất như chim đà điểu hay trực tiếp chạy trốn để rồi bị phạt đứng cả buổi sáng hay là cật lực giấu đi sự xấu hổ mà mặt dày đứng tiếp.

Và tất nhiên là Triệt Dạ chẳng rơi vào trường hợp nào phía trên cả, bởi lẽ chuyện này xảy ra như cơm bữa, thầy giáo dạy Hoá cũng chẳng lạ, lẫm, mới mẻ gì, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt lảng tránh, cái đầu hơi cúi của Triệt Dạ là ông đã biết cô bé này lại chưa làm bài về nhà. Thực ra trong lớp cũng không phải chỉ có mình cô chưa làm, vấn đề là Triệt Dạ bị quá thường xuyên nên như một thói quen, đến tiết Hoá, chỗ ngoài cửa là do cô đóng đô. Thầy giáo khẽ nhếch miệng cười, lắc lắc đầu, "Có anh trai giỏi mà lại nghiêm khắc đôi khi cũng thật đáng sợ ! Thật may năm đó ba mẹ đẻ có mỗi mình ông."

Tiếng trống báo hiệu hết tiết như sợi dây kéo cô bé nhỏ đang mơ mơ màng màng ngắm tán lá bị nắng chiếu xuống, lấp lánh như dát vàng về với hiện thực. Bước vào lớp Triệt Dạ nằm sấp xuống bàn, chán nản với tay nhỏ bạn ngồi cạnh vẫn đương hết sức chăm chú chép bài mà chẳng để ý gì đến người đã nhỏ máu uống thề, kết làm chị em bị phạt ở ngoài cửa cả.

“Cố nhân nói chẳng sai, đứng trước danh vọng và tình yêu thì thứ chết trước nhất chính là tình huynh đệ mà.” . Vừa chọc chọc vào cánh tay Quỳnh Anh, miệng nhỏ của Triệt Dạ khẽ trề ra , giọng điệu hết sức ủy khuất mà lẩm nhẩm than vãn.

Đã quen với chiêu bánh bao mềm của Triệt Dạ, Quỳnh Anh liếc sang khẽ khinh bỉ nói:

“Vậy vị nào đó giỏi giang thử bật lại anh trai mình đi nào, sau đó cô nương ta đây cũng sẽ có dũng khí chống lại kim bài lệnh của Hội trưởng Hội học sinh Mộc Duệ. Cái này không trách tao được nha, ai bảo anh trai mày đẹp tựa mây xanh, tao mà cho mày chép bài khác gì làm vấy bẩn bầu trời xanh trong kia .”

“Tao…” Triệt Dạ ấm ức cắn cắn môi dưới. Ông trời có mắt, có phải kiếp trước cô làm một ác bá cường hào, ức hϊếp dân lành, cướp nghiệp công danh của anh trai cô không vậy, sao kiếp này anh trai cứ chặn đường làm thân của cô với môn hóa vậy.

Nhưng may mà tiết kế tiếp là âm nhạc. Tâm trạng Triệt Dạ có nguôi ngoai đi chút ít. Nghĩ đến bản “Romeo and Juliet” của Andre Rieu mà cô đã tập luyện suốt một tháng trời cùng chiếc vĩ cầm cũ cô tìm thấy trên gác xép nhà kho bỏ đã lâu của nhà họ Hà năm cô mới 12 tuổi , tính đến nay cô đã 16 – học sinh lớp 10 của trường cấp ba Đại Ngu, vậy là đã được 4 năm.

Kể từ đó, anh cả vẫn luôn lén lút cha mẹ, thậm chí là cả anh hai cho cô học đàn. Dù có hơi bất tiện và phải luôn thụt thụt thò thò thực mệt mỏi, nhưng chỉ cần được đắm chìm trong từng làn điệu, nốt nhạc, ngón tay rung lên nắm giữ từng chuyển động của dây đàn, tay đưa lả lướt gợi lên từng thanh âm trong gác xép cũ nát, đầy bụi bặm bay vơ vẩn trong không khí, dưới ánh nắng mặt trời chiếu vào qua khung cửa nhỏ lấp lánh như một thứ bụi tiên, là triệt dạ đã thực thỏa mãn.

Chiếc violin đỏ sẫm, lớp vecni bóng bẩy đã dần bong tróc, lưng đàn được làm bằng gỗ sồi. Chiếc đàn cất lên âm thanh trầm bổng, du dương nhưng thực khác biệt so với những chiếc đàn thông thường được bày bán trên thị trường. Dựa theo kí hiệu đã bị làm mờ đi vì thời gian, anh trai nói chiếc đàn này được sản xuất tại Ý, là một sản phẩm thủ công hoàn toàn, được làm dựa theo kỹ thuật của một trong các bậc thầy làm violin đời đầu tại Ý - Andrea Amati.

Những nhạc cụ Italia được làm trong thời kỳ đầu này có khả năng tạo ra những “formant” – sự tập trung năng lượng âm thanh quanh một tần số cụ thể trong sóng âm thanh của giọng nói – giống như giọng người, các âm thanh hài hòa tương ứng với sự cộng hưởng trong đường âm thanh.

Đặc biệt hơn, các cây đàn Amati tạo ra những formant tương tự như âm thanh của các nghệ sỹ giọng nam trầm (bass) và nam trung (bariton). Cây đàn được chế tác theo kỹ thuật này không hẳn là hợp với các bản độc tấu mà hợp hơn khi chơi đệm cho các bài hát và điệu múa, tựa như có thể hòa trộn mọi thứ âm nhạc vào trong nó vậy.

Tông trầm thấp mà cây đàn cất lên lại thực hợp với xúc cảm mà bài “Romeo và Juliet” muốn mang lại. Nhịp điệu lúc chậm lúc mau, lúc quyến luyến, tiếc nuối, lúc bùng cháy dữ dội, như tình yêu mãnh liệt, phá tan mọi rào cản, nhất nhất hướng về một phía của Romeo dành cho Juliet. Tiếng đàn như giọng nam trầm thấp, như lời tỏ tình trong đem tối nơi ban công của Romeo dành cho mặt trời của anh – nàng Juliet kiều diễm.

Từng thanh âm phát ra dưới sự điều khiển của cô gái nhỏ trước toàn thể lớp và giáo viên âm nhạc, bên trong căn phòng nhỏ, đằng sau lớp kính cửa sổ lớp học, khẽ khàng bay qua tầng tầng lớp lá xanh của mùa hạ mà chạm đến trời cao trong xanh.

Yên bình đến nỗi chẳng nhận ra đám mây mưa và sấm sét đang chực tràn đến, phủ đen bầu trời và phố xá dưới màn mưa dữ dội.