Quốc trưởng Bảo Ðại cứ ở miết trên Ðà Lạt trong khi tình hình chiến sự ngày một nguy kịch. Pháp thua to ở Bắc Việt, thê thảm nhất là hai binh đoàn thiện chiến Lepage và Charton trên đường số 4. Tại Sài Gòn, các đội quân cảm tử của Trung tướng Nguyễn Bình hoạt động mạnh. Pháp làm áp lực để Bảo Ðại về Sài Gòn đảm đương chức vụ Quốc trưởng.
Bảo Ðại đành phải vâng lệnh quan thầy.
Ngày Bảo Ðại từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn, công chức, học sinh tập hợp tại sân bay Tân Sơn Nhất để đón chào.
Lực lượng các giáo phái cũng có mặt.
Mỗi người đi đón Quốc trưởng được phát năm đồng phụ cấp. Mệt nhất là cảnh sát, công an suốt chặng đường từ sân bay về trung tâm thành phố, cứ năm mét một người gác để phòng bất trắc.
Trong dịp này, Bảy Viễn được vinh dự chiêu đãi Quốc trưởng. Trước đó, Năm Tài đã làm việc với Nguyễn Ðệ, Ðổng lý Văn phòng Quốc trưởng đề lên kế hoạch đón tiếp Bảo Ðại, Bảy Viễn tổ chức những đêm "nhất dạ đế vương" để Quốc trưởng vui thú khắp nơi, từ Ðại Thế Giới cho đến Ðại La Thiên. Thầy tớ cùng chung một sở thích, Bảy Viễn nhờ chủ Ðại La Thiên là tỷ phú Huỳnh Ðại tuyển một số hoa khôi ở các vũ trường phục vụ Quốc trưởng. Trong cuộc vui còn có màn văn nghệ đặc biệt, các ca sĩ trẻ đẹp duyên dáng hát những ca khúc trữ tình tiếng Việt, tiếng Hoa và cả tiếng Pháp. Sau đó đến màn ca múa kiểu Hằng Nga, điệu nhảy cancan (hất váy) kết thúc là màn thoát y vũ. Trước khi chia tay, chủ nhà hàng trao cho thượng khách một album người đẹp có đánh số để lựa chọn.
Ngay đêm đầu đến Sài Gòn, Bảo Ðại đã khoái Bảy Viễn và quyết định sẽ "đáp lễ" xứng đáng.
Theo hiệp ước Bảo Ðại -Auriol, bộ máy hành chính giao lại cho người Việt Nam. Quốc trưởng có toàn quyền chọn người từ trên xuống dưới, Bảo Ðại không thích tướng Nguyễn Văn Xuân nên giao lại chức Thủ tướng cho Nguyễn Phan Long. Ông Long là một trí thức địa chủ theo đạo Cao Ðài. Ông rất mê cầu cơ - một thú vui của trí thức Nam Kỳ muốn giao lưu với các bậc tiên thánh. Ông Long còn là một nhà báo viết tiếng Pháp hay hơn cả người Pháp. Về đời tư, ông Long có đủ tật, dính vô cả bốn thứ tửu - sắc - tài - phiến. Một đặc điểm của ông, là không ưa người Pháp. Ngay khi nhậm chức Thủ tướng quốc gia Việt Nam, ông Long tìm cách liên lạc với Việt Minh đề nghị một giải pháp hòa bình nhưng Việt Minh cương quyết bác bỏ chuyện thương thuyết với chính phủ Bảo Ðại.
Bộ máy công an cảnh sát cũng phải giao lại cho người Việt Nam. Trước đây Sở Mật thám Pháp do Perrier cầm đầu chiếm dãy phố mười căn cuối đường Catinat, kế bên nhà thờ Ðức Bà.
Dân Sài Gòn châm biếm thực dân: "Kế bên thiên đàng có địa ngục".
Bót Catinat nổi tiếng là ác ôn, cán bộ Việt Minh hay người bị tình nghi, khi bị bắt đều được đưa vô đó để tra tấn, khai thác làm biên bản rồi mới giải qua Khám Lớn. Sau khi giao lại cho chính phủ Nguyễn Phan Long, ngành mật thám Pháp vẫn song song tồn tại, vẫn do Perrier cầm đầu, gọi là để bảo vệ quân đội viễn chinh Pháp.
Bảo Ðại giao ngành an ninh cảnh sát cho Thiếu tướng Lê Văn Viễn.
Từ ngày lên thiếu tướng, Tư lệnh Bình Xuyên ra lệnh khai tử hai chữ Bảy Viễn vì nó gợi lại những ấn tượng không tốt đẹp. Ông muốn thiên hạ gọi mình là Lê Văn Viễn, có vẻ đàng hoàng, đứng đắn hơn.
Lại Văn Sang được Bảy Viễn giao chức Giám đốc Công an Ðô thành, ngự trị bót Catinat. Vậy là mộng lớn của Tư Sang đã thành. Nhưng chức tước nghe kêu mà nghiệp vụ thì Sang chưa có bao nhiêu nên phải vừa làm vừa học. Cách học nghề của Tư Sang rất đặc biệt: giở hồ sơ lý lịch các vị tiền nhiệm nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Trước nhất là Nguyễn Văn Tâm mà dân Nam Kỳ gọi là "cọp Cai Lậy".
Ðốc phủ Tâm ngồi ghế chủ quận Cai Lậy trước khi làm Giám đốc công an. Biệt danh "cọp Cai Lậy" được gán cho ông ta vào năm 1940, năm xảy ra sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa. Nguyễn Văn Tâm được Tây phong chức Ðốc phủ nhờ công diệt được nhiều cộng sản hơn nơi nào hết. Lúc đó quận Tâm chỉ có hai chục lính mã tà.
Hàng ngàn người biểu tình tiến vô thị trấn Cai Lậy.
Quận Tâm biết mình yếu thế, ra lệnh mã tà chỉ thủ thế chứ không được bắn. Ông cho mời đại biểu tới thương lượng và cho người thân tín lén chụp ảnh nhưng người đi đầu cuộc biểu tình, sau đó cho bắt nguội cả mấy trăm người, đem về phòng điều tra. Ðích thân quận Tâm tra khảo theo kiểu Trung cổ.
Khi Nhật đảo chánh Pháp, Tâm bị Nhật bắt và đánh đập tàn nhẫn như hắn đã từng hành hạ cộng sản trước đó. Chừng Việt Minh giành chính quyền thì Tâm biết sợ vì đã tới lúc kiến ăn cá. Nhưng hắn may mắn thoát chết nhờ quân Anh tới Sài Gòn giải giới quân Nhật thất trận. Khám Lớn Sài Gòn được quân Anh can thiệp thả những người Pháp và công chức làm cho Pháp.
Thoát chết, lẽ ra phải khôn lên, nhưng quận Tâm vẫn chứng nào tật nấy. Pháp đưa Tâm lên làm Bộ trưởng An ninh trong các chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân....
Tư Sang học được gì ở vị tiền nhiệm Nguyễn Văn Tâm?
Tâm luôn luôn thủ thế. Ngay trong văn phòng cũng luôn luôn bố trí các tay súng thiện xạ. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ là xạ thủ nổ súng vào người ngồi đối diện với ông ta.