Chương 32: Cuối cùng cũng đợi được cứu viện 2

Không thể nhìn nổi những vết bầm tím trên cơ thể cô bé, cô quay trở về phòng rót nửa bình rượu thuốc mang qua: “Một ngày dùng bốn đến năm lần, xoa bóp càng nhiều thì hiệu quả càng tốt.”

Hoắc Dực Thâm cảm ơn: “Đậu Đậu hay bị va đập, vừa hay thì chỗ tôi cũng có một số dược liệu, cô có thể xem giúp tôi loại nào có thể ủ thành rượu thuốc được hay không?”

Tuy anh không biết chăm sóc trẻ nhỏ nhưng đồ dự phòng thì nhiều vô kể.

Anh lấy ra hai túi lớn thuốc đông y từ một căn phòng khác, đều là những loại đóng gói riêng lẻ để chống ẩm.

Khương Ninh chọn ra mười mấy loại, đều giúp lưu thông máu và tan bầm: “Cho hết vào bình thuỷ tinh sau đó ngâm cùng một lít rượu và đậy kín trong nửa tháng là có thể dùng được.”

Nhìn thấy có sâm Cao Ly, cô chọn riêng ra: “Cái này cũng có thể ủ, đợi khi nào lạnh uống nửa hớp là có thể làm ấm cơ thể hơn nữa còn bổ khí huyết.”

Ngâm đường phèn với rượu trắng cũng rất tốt, không chỉ có thể giải nhiệt mà còn bổ thận, bổ máu.

Không nói nữa, không nói nữa. Thầy dạy trò nên tài thì thầy chết đói.

Sau khi Đậu Đậu uống thuốc xong thì chìm vào giấc ngủ nhưng thỉnh thoảng miệng vẫn nói mê sảng.

Đứa trẻ đáng thương bị bệnh, trên lông mi đọng những giọt nước mắt, chiếc miệng chúm chím lẩm bẩm gọi: “Mẹ ơi, con cần mẹ, bố ơi…”

Hoắc Dực Thâm ngồi bên cạnh giường, nhẹ nhàng lau nước mắt giúp cô bé, giọng điệu đầy áy náy an ủi: “Đậu Đậu đừng sợ, có anh ở đây.”

Nhìn bằng mắt là biết anh là người thương em gái, chỉ có điều cách thức không đúng mà thôi.

Vừa mới bước đến cửa thì bị 1801 gọi lại, anh lấy ra một gói mì sợi: “Cảm ơn cô đã khám bệnh cho Đậu Đậu.”

Trước khi xảy ra thiên tai, một gói mì sợi mới có mấy đồng nhưng đến khi xảy ra tận thế, lại giúp người ta sống lâu hơn mấy ngày.

Khương Ninh không khách sáo, thoải mái nhận lấy.

Quay trở về phòng, cô lấy đường phèn ngâm rượu trắng ra: “Chỉ biết chỉ dạy cho người khác, bản thân thì quên cả gốc rễ.”

Trong những ngày thời tiết cực lạnh ngồi vây quanh lò lửa uống một cốc, thoải mái đến mức không thể diễn tả được.

Cô lấy vài cân nho, rửa sạch rồi treo ở ban công không gian hong khô, có thể dùng để ngâm rượu hoa quả.

Đi ra khỏi không gian, cảm nhận rõ ràng sự thay đổi của bão.

Không chỉ có mình cô nhận ra điều này mà không ít người khác cũng nhận ra, còn đứng ở bên ngoài gào thét hoan hô.

Bọn họ không kìm nén được sự hưng phấn, cảm giác thiên tai sắp kết thúc rồi.

Tâm trạng tốt, Khương Ninh lấy một phần cá hấp cùng với cơm trắng thơm ngon.

Ăn xong hộp nhựa đựng cơm cô cũng không nỡ vứt. Tuy rằng trong không gian chuẩn bị không ít nhưng sau này những tài nguyên này đều không thể sinh ra thêm nữa bởi vậy rửa sạch sẽ là có thể tái sử dụng.

Đang ngủ ngon thì bị tiếng động cơ ầm ầm làm tỉnh giấc.

Là thuyền xung phong cùng với cứu viện mặc áo cam và lính cứu hoả.

Bão vẫn chưa ngưng nhưng khí thế giảm đi rất nhanh, điều khiển cẩn thận tránh sóng gió là được.

Liên tiếp mười tám ngày mất liên hệ với cả thế giới, ngay khi tất cả mọi người cạn kiệt lương thực, ánh sáng rực rỡ của hy vọng cuối cùng cũng tới.

Thời khắc nhìn thấy chiếc thuyền chiến, biết bao nhiêu người sụp đổ khóc lớn: “Cứu viện đến rồi, chính phủ không bỏ rơi chúng ta, hu hu hu…”

Bọn họ vừa khóc vừa cười, vừa thất thố cũng vừa kích động, không ngừng lau những giọt nước mắt.

Tuy chỉ có ba chiếc thuyền xung phong nhưng đây lại là tất cả hy vọng của mọi người.

Tiếng còi vang lên, lính cứu hoả an ủi những người dân trong mỗi toà nhà: “Mọi người không cần phải lo lắng, chúng tôi sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai cần giúp đỡ. Từng toà từng toà tới, thu dọn sơ qua những vật dụng cần thiết. Người già và trẻ em ưu tiên di chuyển trước.”

Lần cứu trợ này chỉ dành cho những người ở các tầng bị nước nhấn chìm nhưng vẫn có rất nhiều người dân lao xuống vây lấy lính cứu hoả hỏi: “Đồng chí, phòng của chúng tôi vẫn còn nhưng không có lương thực thì phải làm sao?”

“Nhà chúng tôi đã đói ba ngày hôm nay rồi, đều phải duy trì sự sống bằng nước mưa, mọi người có thể cung cấp chút lương thực tới không?”

“Đúng vậy. Mấy người sao có thể tay không mà tới cơ chứ? Chính phủ không cứu trợ chúng tôi hay sao? Chúng tôi đều là những người dân nộp thuế, không có chúng tôi nộp thuế mấy người làm sao mà sống được?”

Người càng nhiều càng loạn, câu hỏi càng ngày càng trở nên vô lý. Lòng biết ơn ban đầu dần dần biến thành sự oán giận. Mọi người có xu thế không nhận được lời giải thích thì không buông tha.