Thời gian dần trôi, Văn Phúc đến trường tư thục học cũng được bốn tháng, chỉ còn bốn tháng nữa thôi là hắn sẽ nghênh đón kỳ thi Hương đầu tiên trong cuộc đời.
Đêm đó sau khi từ phòng sách của trường về, Văn Phúc thấy cả đám học trò lén lén lút lút tụm vào một chỗ với nhau xem cái gì đó, hắn tò mò:
“Mấy anh…”
“Xuỵt, be bé cái mồm thôi.”
Văn Phúc ngậm miệng, cúi sát người xuống thì thầm:
“Mấy anh đang làm cái gì đó?”
“Hắc hắc, có thứ tốt.”
Nói xong nhìn ngang nhìn dọc một hồi, chìa cho Văn Phúc xem quyển sách trong tay. Văn Phúc vừa nhìn một cái, mặt đỏ tưng bừng. Ôi trời, cái đám này đang xem da^ʍ thư. Hắn nhỏ giọng nói:
“Sao… sao mấy anh gan quá vậy, bị quản trường bắt được là không hay đâu.”
“Không đứa nào nói ra, ai mà biết được.”
Văn Phúc hơi xấu hổ, nhưng vẫn không nén nổi tò mò, cho nên cất sách vở gia nhập với đám kia. Lúc này Trần Mạnh, một cậu ấm nhà giàu cũng vừa đi uống rượu về, thấy cả đám đang xem sách cấm cùng thò đầu lại gần rồi bĩu môi:
“Ui dào, mấy cái tầm thường này có gì đâu mà xem, qua đây anh cho mấy chú xem cái này hay hơn nhiều.”
Hắn ta đến rương sách của mình, nhấc tấm chắn bên trên ra, móc một quyển sách dày cộp, cười một cách đáng khinh:
“Lại đây cho mấy chú mở mang tầm mắt, nam với nữ xưa rồi, bây giờ nam nam mới là số một.”
Cả đám há hốc mồm, Văn Phúc lắp bắp:
“Nam… hai người đàn ông á?”
“Chứ còn gì nữa. Đám quê mùa các cậu không biết, trong giới quyền quý không thiếu mấy chuyện này, chỉ có điều họ che giấu không nói ra thôi. Tôi nói cho mà nghe, chú hai tôi theo hầu quan Tuần phủ, ông ta có bốn bà vợ nhưng vẫn tòng teng với người hầu nam đấy. Nghe nói chuyên chọn mấy đứa mặt mũi trắng trẻo, vóc người nhỏ nhắn.”
“Thấy bảo làm với đàn ông còn thích hơn cả đàn bà nữa cơ.”
Đám học trò tuy vẫn không nuốt nổi chuyện hai người đàn ông quan hệ thể xác nhưng cũng không nén được tò mò, chúi đầu vào xem sách của cậu ấm Trần Mạnh.
Văn Phúc đã nhiều lần mơ xuân làm chuyện đó với Bá Khắc, nhưng cảnh trong mơ luôn mờ mờ ảo ảo, không rõ hình thái gì. Hắn xem cuốn sách một cách say xưa, mấy người học trò có người xem hết nhưng cũng có người không chịu nổi bỏ chạy.
Đêm hôm đó, Văn Phúc mơ một giấc mơ. Những hình vẽ trong cuốn sách đồi trụy kia cứ hiện lên trong đầu hắn, hình người trên đó thay bằng hắn và Bá Khắc. Sáng hôm sau tỉnh dậy lén lút giặt quần ngủ của mình, hắn phát hiện bản thân không thể nào quay đầu lại được nữa.
Hắn muốn có được Bá Khắc, không muốn chỉ đứng một bên canh giữ như bây giờ.
Có lẽ hắn quá tham lam, nhưng hắn thực sự không kiềm lòng được.
Thời điểm cách ngày thi còn hai tháng, nhà trường cho học trò nghỉ về nhà chuẩn bị, địa điểm trường thi được quyết định ở tỉnh bên, lại không cho phép tử sĩ dùng phương tiện đi lại như xe trâu xe ngựa, cho nên các học trò cần phải tính toán ngày xuất phát sao cho hợp lý.
Chiều hôm đó, Văn Phúc thậm thụt kéo Trần Mạnh vào một góc, thì thầm:
“Anh Mạnh này, anh có.. ờm… có loại cao… ờm… cao đó đó không?”
Mặc dù Văn Phúc nói ậm ờ nhưng Trần Mạnh là tay chơi bời thứ thiệt làm sao có thể không hiểu ý hắn, hắn ta cười bỉ ổi thò tay vào vạt áo kép, đưa cho Văn Phúc một lọ cao, nói:
“Mới tinh chưa mở nắp luôn. Chú mày cũng chịu chơi đấy.”
Văn Phúc đỏ mặt, không dám nhiều lời. Hắn cũng chỉ xin để đó thôi, chứ thực sực là hắn không dám và cũng không nỡ dùng sức mạnh với Bá Khắc, chỉ mong muốn dựa vào sự mềm lòng của ông bá hộ để từ từ tiến tới thôi.
Lịch nghỉ của học trò là ngày mai nhưng ngay trong đêm đó, Văn Phúc đã thu dọn đồ đạc để về nhà. Đường từ huyện Túc về thôn Phùng rất an toàn, hắn hoàn toàn không lo bị chặn cướp giữa đường.
Trả tiền cho người đánh xe, Văn Phúc nhẹ nhàng gõ cổng.
“Ai đấy? Sao lại gõ cổng giờ này?”
“Anh Lực, là em Văn Phúc đây.”
Anh Lực mắt lèm nhèm ra mở cửa:
“Phúc hả? Sao về nửa đêm nửa hôm thế này?”
“Dạ ngày mai được nghỉ, em nhớ nhà nên về sớm. Làm phiền anh rồi.”
“Không sao không sao, giờ chắc ông bá hộ ngủ rồi, chú mày đi nhẹ nhàng thôi.”
Nói xong nhường đường cho Văn Phúc đi vào. Vào sảnh lớn, mấy người canh gác thấy hắn cũng ngạc nhiên, nhỏ giọng thăm hỏi vài câu. Văn Phúc tháo guốc gỗ ra đi giày vải vào, nhẹ nhàng bước vào sân sau.
Hắn biết thói quen không đóng cửa buổi tối mùa hè của Bá Khắc, vì trong phòng đặt mấy chậu xả đuổi muỗi rồi, cho nên không lo bị muỗi đốt.
Vừa bước về phía phòng ngủ, hắn ngạc nhiên khi thấy ánh đèn dầu mờ mờ trong phòng ông bá hộ. Bá Khắc chưa ngủ sao? Hay là quên tắt đèn.
Hắn bước vào trong, nhưng trong phòng không có người. Lúc này tiếng guốc gỗ loẹt quẹt từ ngoài sân vọng vào, thì ra Bá Khắc chưa ngủ mà đi ra ngoài làm gì đó.
Văn Phúc nảy lên ý xấu muốn trêu người kia, vội vàng núp vào mé trong tủ quần áo.
Bá Khắc đi vào, hoàn toàn không phát hiện có người đã vào phòng mình. Y não nề đóng cửa vài then lại, ngồi trên giường. Văn Phúc núp bên mé tủ có thể nhìn rõ bóng lưng của Bá Khắc, không hiểu sao người không có thói quen đóng cửa lại đóng cửa cài then cẩn thận như thế, ngay cả cửa sổ cũng đóng chặt. Bá Khắc cứ ngồi im như thế một lúc lâu, Văn Phúc định bước ra thì nghe thấy tiếng nỉ non của Bá Khắc.
“Văn Phúc…”
Văn Phúc giật mình vội núp trở lại, lòng thầm ngạc nhiên, chẳng lẽ Bá Khắc biết hắn trở lại, còn trốn trong phòng. Bá Khắc lại tiếp tục thì thầm, tiếng gọi còn xen lẫn tiếng khóc nhè nhẹ.
“Văn Phúc…”
Bá Khắc xoay người dựa vào thành giường, lúc này Văn Phúc mới nhìn thấy trong lòng Bá Khắc đang ôm một chiếc áo, từ màu sắc đến kích cỡ cho thấy đây là áo của hắn.
Y ôm chặt chiếc áo vào lòng, co chân lên vùi mặt vào đó, nức nở:
“Văn Phúc, anh nhớ em…”
“Văn Phúc…”
“Anh nói gì, nói lại đi…”
Tiếng nói bất chợt vang lên trên đỉnh đầu khiến Bá Khắc giật mình hoảng sợ, ngẩng phắt đầu lên. Văn Phúc đứng ở mép giường, một tay đỡ rèm, cúi đầu xuống nhìn y chằm chằm. Bá Khắc hoảng loạn, hơi lùi người vào phía trong, luống cuống giấu chiếc áo ra sau lưng:
“Văn… Văn Phúc… tôi… tôi…”
Văn Phúc tháo giày vải bò lên giường, áp sát người đến trước mặt Bá Khắc nhẹ giọng nói:
“Bá Khắc, nói lại câu vừa rồi một lần nữa, được không?”