Lại qua một cái Tết, tháng hai Văn Phúc theo Bá Khắc đến trường tư thục báo danh. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, mỗi một trường tư thục sẽ có một bài thi xét duyệt.
Văn Phúc vào phòng thi, Bá Khắc nhàm chán đánh xe trâu đi dạo chợ huyện. Thầm nghĩ hiện tại Văn Phúc cũng có thể coi là học trò rồi, không thể cứ mặc quần áo vải thô mãi thế được, y ghé vào hàng vải đặt may cho hắn mấy bộ quần áo.
Lúc báo số đo của Văn Phúc, hai người hầu đi theo y nhìn y chằm chằm, Bá Khắc cau mày hỏi:
“Hai đứa mày làm sao thế? Nhìn ông cứ quái quái kiểu gì vậy?”
Thằng Tuất cười hề hề:
“Con chỉ tò mò sao ông rõ số đo của anh Phúc thế?”
Hơn nữa còn đặt may quần áo cho người hầu, cũng quá tốt rồi, sao không thấy ông bá hộ tốt với bọn họ như vậy. Bá Khắc khép quạt lại đánh cốp một cái lên đầu cậu ta, cười mắng:
“Đương nhiên là đoán rồi, suốt ngày lượn qua lượn lại trước mắt ông, ông lại chẳng rõ quá. Còn có, đừng tưởng ông không biết chúng mày ghen tị, ông hỏi thật chứ mời thầy về dạy cho chúng mày không biết bao nhiêu năm, đến Tam tự kinh còn chưa viết được, thì ghen với tị cái nỗi gì? Chúng mày cứ học hành giỏi giang như nó đi xem ông có phục vụ chúng mày ăn học tận nơi tận chốn không.”
Thằng Tuất xấu hổ gãi gãi đầu, nói:
“Thôi thôi, con chịu. Cứ nhìn thấy cái chữ là còn buồn ngủ rồi.”
Thực ra mấy người hầu nhà bá hộ cũng không phải ghen tị, chỉ là ao ước được như Văn Phúc thôi. Bọn họ cũng biết ông bá hộ là nhà nho, vì không được học hành khoa cử như mong ước cho nên cũng bỏ tâm tư ra dạy dỗ đám người hầu trong nhà. Nhưng mà khổ nổi bọn họ toàn não dưa gang, có bổ ra nhét chữ vào thì vẫn cứ đặc ruột như thế.
Màu sắc vải, xét về việc còn phải đi học, Bá Khắc chọn màu xanh than và xám đậm không hoa văn, tiện thể mua luôn quạt xếp. Về phần tua quạt, y mua sợi tơ muốn tự mình làm một chiếc. Tua quạt y đang đeo là quà nhập môn cha y làm cho y, về phương diện nào đó, việc làm tua quạt tặng cho một học trò chính là gửi gắm hy vọng và tình cảm cho người ấy.
Đặt quần áo xong, y dạo chợ một vòng, mua mấy món đồ chơi và đồ ăn vặt cho Bá Minh, sau đó lại vòng về trường đón Văn Phúc.
Xe trâu dừng cách cổng trường không xa, Văn Phúc vừa ra khỏi cửa là có thể nhin thấy ngay. Hắn lon ton chạy đến, Bá Khắc hỏi:
“Thế nào?”
Văn Phúc chìa thư nhập học trong tay đưa cho Bá Khắc, cười tươi nói:
“Dạ rất thuận lợi, Huấn đạo còn khen con rất có tố chất nữa, đầu tháng sau bắt đầu nhập học, cứ năm ngày được nghỉ hai ngày ạ.”
“Vậy là tốt rồi, cũng đã khá muộn, đi ăn trước rồi đi về.”
Chủ tớ mấy người ghé vào quán ăn nhỏ gần đó, gọi mấy món bình dân ăn qua loa rồi đi về. Bá Khắc còn tính để cho Văn Phúc ở căn nhà trên huyện của mình nhưng hắn từ chối, nói đi xe trâu mất bao lâu đâu, đến ngày nghỉ hắn muốn về nhà. Hắn đã coi nhà bá hộ chính là nhà mình rồi.
Ngày thứ mười sau hôm báo danh đó, quần áo Bá Khắc đặt đã được đưa đến. Y bảo Văn Phúc mặc vào xem có vừa vặn không.
Thời điểm Văn Phúc bước ra từ buồng trong, Bá Khắc lập tức ngẩn ngơ. Người hầu nam bỏ đi bộ quần áo vải thô màu nâu đất, mặc áo ngũ thân màu xanh than, đầu đội mấn, chân đi guốc mộc, đặc biệt là khí chất và sắc mặt bắt chước sáu phần của Đào Bá Khắc, khiến hắn càng trở nên đoan chính, quý phái.
Đám người hầu im lặng một lúc rồi thì nhau xuýt xoa, đánh thức Bá Khắc đang ngẩn người, vành tai y đỏ ửng. Quá… quá đẹp trai rồi.
Y lúng túng mở tráp lấy cây quạt màu đen đưa cho hắn.
“Cũng được đó, còn thiếu cây quạt này nữa.”
Văn Phúc nhận lấy, cũng không vội mở ra mà nhìn ngắm cây quạt một hồi, đôi mắt dừng ở chiếc tua quạt. Là một miếng ngọc màu xanh nhạt hình tròn, khắc chữ Phúc nhưng nét khắc có phần vụng về, dây tua rua cũng màu xanh than trùng màu với chiếc áo hắn đang mặc.
Văn Phúc có mù cũng có thể nhìn ra được nguồn gốc của chiếc tua quạt này. Bá Khắc thấy hắn nhìn chằm chằm chiếc tua quạt thì xấu hổ ho nhẹ một tiếng:
“Lần đầu chưa quen tay, hơi xấu…”
“Không, đẹp lắm ạ, cảm ơn ông nhiều.”
Nếu không phải còn có người khác ở đây, Văn Phúc nhất định sẽ tiến lên ôm ghì lấy người đàn ông này vào lòng.
Đầu tháng tới rất nhanh, Văn Phúc mặc áo ngũ thân ngồi trên xe trâu đến trường tư thục, ngày đầu nhập học quá nhiều thứ phải lo, hắn ngã lưng xuống liền ngủ. Ngày thứ hai rồi ngày thứ ba, hắn không thể tập trung vào sách vở được.
Chưa bao giờ hắn phải xa Bá Khắc lâu như thế.
“Sao thế anh bạn? Nhớ nhà à?”
Bạn cùng phòng của Văn Phúc ở trường vỗ vai hắn, hỏi thăm. Mấy người khác cũng lục tục kéo đến vây quanh hắn. Bọn họ cũng khá thân thiện, cùng là học trò với nhau, cũng không quá xem trọng thân phận.
Tính ra thì người trong độ tuổi ngoài hai mươi chưa đỗ công danh như Văn Phúc cũng nhiều lắm, hắn cười buồn nói:
“Vâng, nhớ người nhà.”
“Dần dần rồi cũng sẽ quen thôi, trước anh cũng mất cả tháng không ngủ được đấy, anh có vợ con rồi, ban đêm không được ôm vợ ngủ cứ trống vắng thế nào ấy.”
Một người khác nói:
“Em thì vẫn chưa vợ, nhưng mà nhớ thầy u không chịu được. Sau cũng quen.”
Mấy người tụ tập nói chuyện gia đình với nhau, rồi lại chuyển sang kinh thư chữ nghĩa, rồi cũng không biết từ lúc nào đề tài lái sang chuyện phòng kín. Văn Phúc ngượng ngịu gãi đầu, muốn đi không được, ở không xong.
Rất may đã đến khóa học buổi chiều, ai về chỗ người nấy, chăm lo đọc sách.
Văn Phúc nhớ Bá Khắc, thì y cũng nhớ hắn như vậy. Buổi sáng thức giấc, lúc ăn cơm, lúc làm việc… trong lòng lúc nào cũng trống trải.
Chưa bao giờ hai người cùng chờ mong ngày nghỉ nhanh đến như thế.