Bàn Có Năm Chỗ Ngồi

8/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Tác giả quen thuộc của thiếu nhi, của tuổi ô mai. Những tập truyện của anh luôn dí dỏm, hài hước, đem lại nhiều cảm xúc, nhiều bài học nhẹ nhàng cho lứa tuổi học trò. Hãy đọc để cùng gặp những nhân vậ …
Xem Thêm

- Thiệt ra chuyện châm chọc Kim Hà là chuyện phụ. Cái chính là mình tập làm thơ. Học sinh muốn giỏi văn phải tập làm thơ, mày hiểu chưa ?

Thằng Quang nghe nói đến "giỏi văn" y như con nít nghe đến kẹo. Nó xiêu liền:

- Vậy thì được!

Bảy thì đồng ý ngay từ đầu. Không phải nó ghét gì Kim Hà mà vì nó tò mò, muốn làm thơ thử một lần cho biết.

Muốn cho Bảy và Quang cộng tác, tôi lại phải giảng giải cho hai đứa biết thơ song thất lục bát là gì, câu nào bảy chữ, câu nào tám chữ, rồi chữ nào ăn vần với chữ nào, đủ cả đầu đuôi xuôi ngược.

Thấy nói đến ráo nước miếng mà hai đứa vẫn ngồi ngơ ngơ ngác ngác, tôi tức mình lấy cuốn Chinh Phục Ngâm ra đọc cho chúng nghe để dẫn chứng.

Tôi mới đọc được vài ba câu thì Bảy ngắt ngang:

- Thôi, mày cho tao mượn về nhà đọc đi!

Tôi cụt hứng, gắt:

- Mày nghe không lo nghe, cái gì cũng đòi mượn về nhà!

Bảy cười hì hì:

- Đem về nhà tao mới nghiền ngẫm kỹ được chớ nghe mày đọc loáng thoáng tao đâu có nhớ.

Quang sợ mất phần, hùa theo:

- Tao nữa! Thằng Bảy coi xong, mày cho tao mượn nghen!

Thấy hai đứa mỗi lúc một lạc đề, tôi vội gấp cuốn sách lại, tuyên bố:

- Khi nào làm xong bài thơ "Cô bé chụp ếch", tao sẽ cho tụi bây mượn.

Quang láu táu:

- Ừ, làm lẹ lẹ đi!

Thế là tôi biến buổi học văn thành buổi làm thơ đả kích nhỏ Kim Hà.

Tôi đằng hắng lấy giọng rồi đọc câu đầu:

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Có cô bé tính hay bộp chộp.

Quang vỗ tay khen:

- Hay quá!

Tôi cưới khoái chí:- Hay gì mà hay! Tụi mày làm tiếp câu thứ hai đi!

Bảy và Quang thừ mặt ra nghĩ ngợi. Bảy thì nhăn mày nhíu trán y như đang làm hề trên sân khấu. Còn Quang thì hết gãi đầu đến gãi cổ làm như câu thơ nấp đâu chỗ đó vậy. Tôi ngồi chờ sốt cả ruột mà hai đứa vẫn chưa "rặn" ra được một chữ nào, trong khi trong đầu tôi nảy ra một lúc hai, ba câu, câu nào cũng hay.

Chờ thêm một lúc, chịu hết nổi, tôi liền thúc:

- Nghĩ lẹ lẹ lên chớ! Làm thơ mà như tụi mày thì một năm chưa được một bài.

Quang tặc lưỡi:

- Tao nghĩ ra lâu rồi nhưng không biết có đúng không nên tao chưa dám nói!

Tôi sáng mắt:

- Đâu ? Mày đọc thử nghe coi! Đọc cả câu đầu nữa!

Quang ngập ngừng một thoáng rồi đọc:

Có cô bé tính hay bộp chộp

Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn quay.

Đọc xong, nó nhìn tôi với vẻ dò hỏi. Tôi nhăn nhó:

- Tao nói rồi mà mày không chịu hiểu gì hết. Thơ song thất lục bát là phải làm xong hai câu bảy chữ rồi mới tới hai câu sáu tám. Tao làm một câu bảy chữ thì mày phải làm tiếp một câu bảy chữ nữa mới đúng, sau đó mới tới một câu sáu, một câu tám. Ở đây, mới vô đề chưa chi hết mày đã nhảy phóc ngay xuống câu tám đâu có được!

Thấy tôi nổi nóng, nó liền đề nghị:

- Vậy thì mày bỏ bớt chữ cuối đi! Còn lại đúng bảy chữ.

Nó đề nghị mà y như chọc tức tôi. Tôi hét ầm lên:

- Thơ gì kỳ vậy ? Vậy là câu thơ thành "Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn" hả ?

Biết mình sai, Quang ngồi im re. Tôi ngó Bảy:

- Sao, mày làm được câu nào chưa ?

Thấy tôi hét thằng Quang dữ quá, Bảy rụt rè:

- Rồi, nhưng... không biết đúng hay sai, để tao đọc thử mày nghe... À, à... nó như vầy... "Có cô bé tính hay bộp chộp. Vấp chân bàn, cô té thiệt đau".

Cũng như Quang, sau khi đọc xong câu thơ mình sáng tác, Bảy nhìn mặt tôi thăm dò phản ứng.

Thấy tôi ngồi im, nó mừng lắm, hỏi:

- Làm vậy đúng không, mày ?

- Đúng cái khỉ mốc!

Tôi bực mình "đốp" một phát khiến Bảy chưng hửng. Thực ra, câu thơ của Bảy có khá hơn của Quang chút xía, nhưng cũng không đạt yêu cầu. Thấy hai "học trò" của mình chậm hiểu quá xá, tôi đâm nản không thèm hò hét như khi nãy khiến Bảy tưởng bở.

- Tao đã nói là chữ cuối của câu bảy trên phải vần với chữ thứ năm của câu bảy dưới! - Tôi giải thích - Ở đây, chữ cuối câu bảy trên là "chộp" thì chữ thứ năm câu bảy dưới phải là chữ nào có vần "ộp" hay "ốp" mới được. Mày lại chơi chữ "té" nghe chẳng giống ai.

Bảy chừng như hiểu ra, nó gật gù:

- À, à, tao nhớ rồi. Mày có nói mà tao quên mất. Thôi để tao làm lại câu khác.

Tôi khoát tay:

- Thôi khỏi! Để mình tao làm được rồi!

Buổi "tập làm thơ" kết thúc một cách đáng buồn, thật chẳng bì với những buổi tập làm văn. Sau khi "đuổi" hai ông bạn quí ra về, tôi quay vô với bài thơ dang dở của tôi.

Nhẩm tới nhẩm lui, tẩy tẩy xóa xóa một hồi, tôi cũng làm xong bài thơ. Tôi đọc đi đọc lại một cách khoái trá:

Có cô bé tính hay bộp chộp

Vậy cho nên té độp giữa đường

Thật là một chuyện phi thường

Con gái mà té khó thương quá chừng

Cô bé đó tự xưng là kiến

Sẽ có ngày bị liệng xuống ao

Dù cho vùng vẫy thế nào

Con kiến cũng chết vì nào ai thương!

Ở hai câu chót, tôi biết lặp lại hai chữ "nào" là không hay lắm nhưng chẳng nghĩ ra được chữ nào hay hơn. Lúc đầu tôi định viết "Con kiến cũng chết vì ao nước đầy", nhưng câu này không "ác liệt" bằng câu kia. "Vì nào ai thương" nói lên được sự không ưa của cả lớp, hoặc ít ra là của tôi và thằng Chí, đối với "đối thủ".

Sau khi ngâm nga chán, tôi lại loay hoay vắt óc cố nghĩ một bút hiệu cho oai, không oai hơn thì ít ra cũng oai bằng Kiến Lửa. Lúc đầu, tôi định lấy bút hiệu là Ong Vò Vẽ. So với kiến lửa thì ong vò vẽ chích đau gấp triệu lần. Nhưng kẹt một nỗi, ong chích ai thì chích chứ không khi nào chích kiến. Như vậy thì Kiến Lửa đâu có ngán. Tôi định lấy bút hiệu là Ao Hồ, vì kiến rất sợ nước, bị liệng xuống ao thì chìm lỉm liền. Bút hiệu này còn có cái hay là ăn khớp với nội dung của bài thơ. Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy chữ Ao Hồ không oai chút nào, lại có vẻ mất vệ sinh làm sao! Tưởng bí, không dè tôi sực nhớ ra kiến cũng kỵ lửa. Thế là ngay lập tức, tôi chọn bút hiệu Lửa Thần. Lửa thường mà đốt, kiến cũng chết trụi nữa là lửa thần!

Tôi hồ hởi mang bài thơ của Lửa Thần tới lớp đưa cho nhỏ Kim Liên, yêu cầu nó đăng ngay ngày mai. Tối đó, tôi trằn trọc hoài không sao ngủ được. Tôi cười thầm trong bụng khi nghĩ đến cảnh cả lớp xúm quanh bài thơ của tôi vừa đọc vừa cười ầm ĩ, còn nhỏ Kim Hà thì ngồi gục mặt xuống bàn khóc sưng cả mắt.

Ngày hôm sau, tôi tìm mỏi con mắt trên bản tin nhưng chẳng thấy bài thơ tôi đâu. Tôi bực lắm nhưng ráng nhịn. Bởi vì năm ngoái khi còn làm chủ bút bản tin, tôi cũng đã từng "ngâm" bài của tụi bạn đến ba, bốn ngày sau mới đăng, vì phải đăng lần lượt theo thứ tự ngày gởi.Nhưng rồi ba, bốn ngày trôi qua, rồi một tuần lễ mà bài thơ của tôi vẫn mất tích một cách bí mật.

Không dằn lòng được nữa, tôi chạy đi tìm nhỏ Kim Liên, cự nự:

- Bạn bỏ bài thơ của tôi đâu rồi ? Sao chưa chịu đăng lên ?Nó đáp tỉnh khô:

- Bài đó không đăng được!

Tôi giận tái cả mặt:

- Sao không đăng được? Bạn đừng ỷ mình phụ trách bản tin rồi muốn làm gì thì làm! Thơ của Kim Hà dở ẹc bạn cũng dán lên, còn thơ của tôi đúng vần đúng luật thì lại không đăng! Rõ ràng là bạn thiên vị!

Kim Liên phớt lờ sự kết tội của tôi, nó nói:

- Thơ của bạn đúng là hay hơn thơ của Kim Hà. Nhưng thơ của bạn đả kích cá nhân chớ không phê bình để tiến bộ, tôi nhất quyết không đăng!Tôi tức nổ đom đóm mắt:

- Bạn không đăng thiệt phải không ?

- Thiệt!

- Được rồi! - Tôi gầm ghè - Tôi sẽ báo với thầy Dân!

Thêm Bình Luận