A Mang giống y như tên của cậu, vừa bận vừa mù(1), sống cùng với người bà ở thôn Phi Ngư. Hai bà cháu không có quan hệ huyết thống, A Mang bị bỏ rơi ở bên ngoài thôn Phi Ngư, tháng chạp trời rét buốt nhưng cậu chỉ được bọc cái tã lót mỏng tang, nếu không nhờ hôm đó bà cụ dậy sớm đi chợ thì e rằng cậu còn chả có cơ hội được đặt tên.
(1) Mang trong tên A Mang của nhân vật là 忙 (phát âm là [máng]), có nghĩa là bận rộn; ngoài ra còn có một từ cũng phát âm [máng] là 盲, có nghĩa là đui mù.
Không nhìn thấy thế giới này là điều rất phiền toái nhưng trong quá trình bầu bạn với hằng hà sa số vết thương nặng nhẹ do bị té ngã, A Mang đã dần dần dựa vào cây gậy và trí tưởng tượng để chung sống hòa bình với thế giới, thậm chí cậu còn có thể đi băng băng ra bờ sông gánh nước hoặc cầm trứng gà nhà mình ra tiệm tạp hóa trong thôn hoặc chỗ của người bán hàng rong để đổi đồ.
Bà cụ xót xa những vết thương lớn nhỏ của cậu nhưng bà không nói ra, những vết thương này giúp cậu có tư cách sinh tồn, cậu còn một cuộc đời rất dài ở phía trước.
Góc tường nhà A Mang có cái ghế bị vứt đi, đó là nơi mà Quai Long chọn lẩn trốn lần này. Nó đã không còn nhớ đây là lần thứ bao nhiêu nó trốn khỏi Thiên giới, thật lòng nó không ưa nổi dáng vẻ kẻ cả của Lôi Thần, người hầu dưới tay hắn thức dậy còn sớm hơn gà, làm việc hơn nhọc hơn chó, ấy vậy mà chẳng được khen ngợi, tựa như hết thảy đều là việc mà nó phải làm. Nói gì nó cũng là yêu tiên, tuy bản lĩnh của nó không thể sánh với các thần tiên chân chính, huơ tay là tạo mưa xuống trăm dặm giang sơn khô cằn hay một ngày thành sông hai ngày thành biển nhưng nó và đồng loại cũng có thể tạo mưa xuống một thôn làng hoặc một ngọn núi, nếu có núi lửa phun trào hoặc hạn hán quanh năm thì chúng cũng có thể cứu mạng người phàm. Nhưng lũ phàm nhân tế Hà Bá, tế Thủy Thần, tế Long Vương, tế toàn bộ thần phật nhưng tuyệt nhiên không có phần của Quai Long. Trên thực tế, rất ít người biết đến chúng, biết sao được, ai bảo chúng làm công việc tầm thường cơ chứ. Đáng hận nhất là lũ chính tiên trên Thiên giới, họ xem thường chúng, lén nói xấu chúng mãi là yêu quái, dẫu cho thu về Thiên giới thì cũng không thay đổi được thân phận hèn mọn này. Bọn họ có gì ghê gớm chứ? Trừ những vị thần đích thực được linh khí đất trời sinh ra, lũ khác cũng chỉ là con người tu thành tiên mà thôi. Người và yêu sống cùng một thế giới thì ai cao quý hơn ai chứ, hứ!
Không làm nữa không làm nữa! Yêu tiên khỉ gì, để Lôi Thần tìm kẻ khác về dập lửa tạo mưa giúp hắn đi, nó không hầu nữa. Có điều lần nào cũng chạy chưa được bao lâu đã bị bắt về, hình phạt là cột vào cây nhìn người khác ăn cơm, yêu tiên không ăn cũng không bị chết đói, nhưng vẫn đói! Đó chính là sự nham hiểm của Lôi Thần… Nhưng nó mặc kệ, Quai Long không chạy trốn thì không phải là hán tử chân chính.
Tuy nhiên, có vài đồng loại quá mức ích kỷ, trốn thì trốn thôi, cây cột, mái hiên hay vật dụng đều được, nhưng chúng lại chọn trốn trên thân thể động vật hoặc con người, Lôi Thần giáng sét xuống, một mạng sống bị liên lụy, hơn nữa tội danh này không bị gán cho Lôi Thần, tuy rất ít khi nghe nói Lôi Thần đánh chết người vô tội nhưng sự cố đó không phải là chưa từng xảy ra. Tóm lại, nó sẽ không bao giờ trốn lên cơ thể của sinh vật còn sống, chẳng hạn như lúc này, nó chọn thôn Phi Ngư xa xôi hẻo lánh, lại còn là căn nhà có ít nhân khẩu nhất thôn, chỉ có một bà cụ và một đứa bé bị mù, cứ lặng lẽ trốn ở đây một thời gian rồi tính sau.
Nó biết đứa bé bị mù tên là A Mang, cái tên rất hợp với người, vừa mù vừa bận, chốc thì lau cửa chốc lại giặt giũ, rất quen thuộc đường đi lối lại, không thấy bị đυ.ng vào cây cột nào.
Bà của cậu ấy rất lớn tuổi, mặt đầy nếp nhăn và chấm đồi mồi, là một cụ bà hiền từ ít nói, trước khi bị bệnh, ngày nào cụ cũng cầm cây chổi quét tới quét lui, bụi bay tứ tung làm nó suýt hắt hơi. Nhưng mấy hôm trước, bà cụ bị bệnh, A Mang mời đại phu đến khám, đại phu nói là bệnh thương hàn, không thể khinh thường, nếu không chú ý dưỡng bệnh thì có thể mất mạng. Vì vậy, A Mang càng bận rộn hơn, phải mua thuốc, nấu thuốc, phải trò chuyện với bà cụ, lu bu đến nỗi lắm lúc cậu suýt va vào cây cột trước nhà.
Không bao lâu sau kể từ khi bà cụ bị bệnh, ngoại trừ làm việc ra, mỗi ngày ba lần, A Mang đều đặn cắm ba nén nhang ở chỗ góc tường, sau đó quỳ xuống, rầm rì cầu xin thổ địa phù hộ cho bà mình sớm ngày khỏi bệnh. Cứ mấy ngày liên tục như thế, A Mang không hề thấy phiền, nhưng nó phiền. Rốt cuộc trong lúc ngủ trưa vào một hôm nọ, khi A Mang rầm rì cầu nguyện, nó không kiềm được mà hét lên: “Không để cho yên được à?”
A Mang hoảng hốt, ngã ngồi dưới đất, hỏi: “Ai đó? Ai đang ở đây đó?”
Nó thấy hơi hối hận, đáng lý nên cố nhịn mới phải, bây giờ biết nói sao đây? Cuối cùng, nó bèn tằng hắng mấy tiếng, nói: “Nhóc con, ta là thổ địa.”
A Mang sửng sốt: “Thật ạ? Ngài là thổ địa ạ?”
“Suỵt!” Nó hạ thấp giọng, “Cậu đừng lớn tiếng, ta thấy hằng ngày cậu thắp nhang cho ta nên mới ra gặp cậu.”
Dẫu sao cũng chỉ là đứa bé mười tuổi, rất dễ bị lừa. A Mang tin lấy tin để, giơ tay quơ quạng không trung, mừng rỡ nói: “Thổ địa, ngài có hình dáng như thế nào vậy ạ? Có thể giúp bà cháu sớm khỏe lại được không?”
“Chớ sờ, ta là thần tiên, phàm nhân như cậu sao chạm vào ta được.” Nó nghiêm túc nói, “Về phần bà của cậu, an tâm, ta đã chúc phúc cho bà ấy rồi, bà ấy sẽ khỏe thôi. Vì vậy, sau này cậu không cần tới đây thắp nhang nữa, cũng đừng quấy rầy ta.”
A Mang vội vàng thu tay lại, gật đầu lia lịa: “Sau này cháu sẽ không quấy rầy ngài đâu!”
Quả là nói được làm được, hôm sau, đứa bé ấy như đã quên mất chuyện này, không tới góc tường nữa. Nhưng mỗi sáng khi ngủ dậy, nó sẽ thấy một ít thức ăn được bày trước mặt mình, đôi khi là bánh nướng, đôi khi là quả dại, đôi khi là bó hoa tươi. Đây là lần đầu tiên nó được loài người cung phụng, còn lại là lấy trộm danh nghĩa của thổ địa nữa.
Nhưng quả thật sức khỏe của bà cụ dần dần tốt lên, ngày nào A Mang cũng rất vui vẻ, đôi khi sẽ đứng ở nơi cách xa góc tường và chắp tay lạy về phía này. Nó chỉ lườm trắng mắt, thằng nhóc ngớ ngẩn.
Thôn Phi Ngư là nơi rất tốt, cảnh sắc tốt, không khí tốt, con người không tồi, không có bất cứ chỗ nào bị nhiễm chướng khí. Chỉ cần Lôi Thần không tìm tới đây, nó sẽ tiếp tục trốn ở đó.
Mấy ngày qua, chuyện mà A Mang làm nhiều nhất là cầm cuốc xới đất ở ngoài sân, nó lén nhìn, cứ lo đứa nhóc này cuốc trúng chân mình, may mà không có. Nhưng cậu còn nhỏ, phải mất mấy ngày mới hoàn thành công việc hao tốn thể lực này. Sau đó, A Mang đi đâu đó rồi cầm mười mấy hai mươi mầm cây màu xanh nhỏ xíu về chôn xuống đất. Để chôn thẳng hàng, cậu ngồi xổm dưới đất, khua tay múa chân đo đạc khoảng cách giữa các cây, thường xuyên cào trúng đá khiến tay bị trầy xước. Tóm lại, mất cả một ngày trời cậu mới gieo mầm xong, tưới nước, cuối cùng hài lòng ngồi ở một bên với đôi tay đầy rẫy vết thương.
Nó không nhịn nổi nữa, chạy ra khỏi cái ghế, ngồi ở bên cạnh A Mang, hỏi: “Trồng gì thế?”
A Mang giật nảy mình, lắp bắp nói: “Thổ… thổ địa?”
“Éc, ta đi ngang qua nhà cậu, nhân tiện ghé thăm một lát.” Nó kiếm cớ, lại hỏi: “Trồng gì thế?”
A Mang vội trả lời: “Mía đó.”
“Mía?” Nó khó hiểu, “Ta nhớ sau thôn cậu có rừng mía mà, sao cậu lại trồng trong nhà?”
A Mang thành thật trả lời: “Rừng mía đó là của Lý đại thúc, cháu xin mầm cây của thúc ấy. Bà cháu nói hồi trẻ bà thích ăn mía, bây giờ già rồi không nhai nổi nữa nên bình thường chỉ ép nước để uống thôi. Mỗi lần thu hoạch mía, Lý đại thúc đều cho nhà cháu mấy cây.”
“Thế sao cậu phải tự trồng?” Nó càng khó hiểu, “Về kinh nghiệm lẫn khả năng trồng mía, cậu đều thua Lý đại thúc gì đó, cho dù có trồng được thì cũng chưa chắc đã ngon.”
A Mang lau mồ hôi trên trán, cười ngây ngô: “Tuy cháu không bằng Lý đại thúc nhưng cháu cũng sẽ làm được những việc đó. Chắc chắn là không tốt bằng thúc ấy nhưng việc này sẽ giúp cháu cảm thấy bản thân mình cũng có ích. Bà cháu từng nói trên đời này không có ai là thừa thãi, ai cũng có ích.” Cậu dừng lại một chút, đôi mắt hướng về mảnh đất rợp màu xanh của mầm non, chân thành nói: “Đây là lần đầu tiên cháu làm chuyện thế này, chỉ cần nghĩ tới sau này có thể ăn mía mà mình trồng cũng đủ khiến cháu cảm thấy quá diệu kỳ.”
Nó suy nghĩ một chút, buông câu: “Làm việc thừa thãi. Ta đi đây nhóc con.”
Thật ra nó muốn nói là cậu cố gắng trồng mía cho tốt, nhưng nó không quen đối xử dịu dàng với người khác nên vẫn thôi.
Sau đó, hằng ngày nó thấy A Mang luôn tay luôn chân ở vườn mía nhà mình, đối với người mù mà nói, trồng cây thực sự là việc rất khó khăn. Nó ở phía xa quan sát, tự nhủ lòng rằng mình đừng giúp đỡ, có phải là mía của mình đâu.
Thời gian trôi qua từng ngày, hàng mía xiêu xiêu vẹo vẹo được A Mang trồng cao lên một tấc, hằng ngày cậu đều cầm thước dây để đo chiều cao của mía, cây mía chỉ cần cao lên một chút xíu thôi cũng đủ khiến cậu mừng rỡ nhảy cẫng lên.
Chờ khi nào mía già, chắc cậu sẽ cho nó một cây. Nó ngáp một cái, ngủ say sưa.
Nửa đêm, pha mặt trăng nhô lên cao. Trong giấc ngủ mơ màng, nó chợt cảm nhận được một luồng khí nóng rực quét qua người, tuy chỉ trong tích tắc nhưng cũng đủ đánh thức nó, bởi vì cảm giác ấy quá quen thuộc.
Hạn Tiên? Tên quỷ đáng ghét này xuất hiện ở đây chẳng phải chuyện tốt lành gì.
Nó lén đi theo, chỉ thấy Hạn Tiên bay quanh thôn Phi Ngư một vòng rồi mới rời khỏi thôn, trước khi đi còn viết lên mặt đất trước cổng thôn một chữ mà người phàm không thể nhìn thấy: Bảy.
Theo quy tắc của Hạn Tiên, điều đó có nghĩa là bảy ngày sau hắn ta sẽ trở lại, sau đó đất đai ở thôn Phi Ngư sẽ trở nên khô cằn chỉ trong một đêm, đại hạn ba năm.
Nó quá quen với phong cách của kẻ này, mỗi lần bên trên muốn dùng nạn hạn hán để trừng phạt nhân giới, các Hạn Tiên sẽ phụng mệnh làm việc. Nhưng lần này có gì đó kỳ lạ, ít nhất là trước khi nó bỏ trốn, hoàn toàn không nghe có lệnh trừng phạt nào dành cho Nhân giới, hơn nữa một khi bên trên ra lệnh thì cũng ít nhất vùng đất trong bán kính một trăm dặm đều không thoát khỏi, chưa bao giờ có tiền lệ chỉ nhắm vào một thôn xóm bé bằng hạt đậu. Huống chi thôn Phi Ngư sóng êm biển lặng, càng không làm việc gì gian ác, không đến nỗi bị bên trên trừng phạt.
Nó càng nghĩ càng thấy kỳ lạ, suy tư một phen, men theo lối mà Hạn Tiên vừa đi thì không có gì dị thường, nhưng tại một góc khuất phía nam của thôn thì phát hiện có một tảng đá nằm dưới đất khắc hai chữ điện thờ, bên trong tượng đá lại khắc thêm hai chữ “Hạn Tiên”, nhưng hiển nhiên nơi này đã rất lâu không có ai tới cúng bái cung phụng, điện thờ và tượng đá đều cũ rích, mạng nhện giăng khắp nơi. Nhưng thứ khiến nó thực sự chú ý là trên điện thờ có một dấu tay đen sẫm, nó sờ vào, còn nóng, chắc chắn là ban nãy Hạn Tiên đã giận dữ đánh xuống.
Trở lại cổng thôn, nó nhìn chữ cái chỉ có một mình nó thấy kia, nhớ lại tin đồn nghe được khi còn ở Thiên giới rằng có một số tiểu tiên thường xuyên xuống Nhân giới rất để ý tới cách loài người thờ phụng họ, nghe nói được nhận hương hỏa càng nhiều thì tiên lực của họ càng mạnh, càng được kính sợ thì càng dễ thăng chức, vì vậy thường có tin đồn tiểu tiên trả thù vì không nhận đủ hương hỏa, đằng nào cũng trời cao hoàng đế xa, Nhân giới lại rộng lớn, muốn lén làm ít việc mờ ám ở những vùng quê nhỏ thì cũng khó bị phát hiện. Tóm lại, theo nó biết, Hạn Tiên chả phải người bao dung, rộng lượng gì cho cam.
Hơn nữa, nó đi khắp thôn cũng không tìm thấy Thiên Trừng Ấn. Khi Thiên giới trừng phạt Nhân giới, bất kể phái ai đi đến nơi nào và phạt bằng hình thứ gì, đầu tiên sẽ giao Thiên Trừng Ấn cho người thi hành lệnh, bắt buộc phải đánh ấn ký này để chứng tỏ nơi bị phạt đã làm ra tội nghiệt tày đình, phải bị trời phạt. Nếu không có Thiên Trừng Ấn, vậy càng chứng tỏ đây là thù hận cá nhân?! Hạn Tiên này chỉ vì ít được thờ phụng mà đã ôm hận thế rồi…
Nó không quay về nhà A Mang mà ngồi cả đêm để nhìn con chữ do Hạn Tiên để lại.
Tuy nghe nói lực gây thiệt hại của Hạn Tiên rất lớn nhưng dẫu sao cũng là tiểu tiên bình thường, mà vạn vật Nhân giới cũng không phải để mặc cho người ta chém gϊếŧ, thổ địa sơn thủy và sinh vật cũng có mạnh có yếu, dù bị phạt, nếu khí số chưa tận, chỉ dựa vào sức mạnh của Hạn Tiên thì hoàn toàn không thể một đêm khô cằn, đại hạn ba năm được, vì vậy mới phải dùng Thiên Trừng Ấn để tẩy “khí” trước, sau đó Hạn Tiên mới dùng phép. Nhưng nếu không có ý chỉ của Thiên giới để lấy được Thiên Trừng Ấn mà Hạn Tiên chỉ muốn dùng năng lực của mình để gây họa cho một chỗ, vậy thì chắc chắn phải tính toán được “ngày tai họa” của đối tượng bị trả thù. Ngày tai họa là ngày mà địa khí ở nơi ấy suy yếu nhất, dễ bị nguy hại nhất. Nghe nói cứ cách mười năm là có ngày tai họa một lần, không biết kẻ này đã ôm hận bao lâu, ắt hẳn luôn nhẫn nhịn để chờ ngày này, giờ đây cuối cùng cũng tới.
Làm sao đây? Quay về Thiên giới tố giác? Không được, thế có khác nào đầu thú luôn. Hay là xem như không biết gì cả, đổi nơi khác để ẩn náu? Nhưng vừa nghĩ tới vườn mía mới mọc của A Mang, nó lại do dự. Có còn biện pháp nào không?
Trước bình minh, nó biến mất khỏi thôn Phi Ngư.