Chương 42: Viếng mộ

Lúc này sự ấm áp của Vương Hựu không chỉ là vẻ bề ngoài nữa, hắn cũng múc một bát canh phù dung cho Vương phu nhân, đưa cho bà ấy rồi nói: "Mẫu thân yên tâm, nhi tử hiểu rồi."

Nhìn bộ dạng ngoan ngoãn của hắn, Vương phu nhân mỉm cười lắc đầu.

Bà ấy biết Vương Hựu thông minh, trong lòng tự có chủ ý, vài ba lời khuyên răn đâu thể rung chuyển được hắn, nên cũng không nói nữa, đưa tay nhận bát canh Vương Hựu múc cho mình.

"Cần Sinh, còn đứng đấy làm gì? Ngồi xuống ăn cơm đi." Vương Phúc vẫy tay về phía Vương Cần Sinh.

"Vâng! Tới đây!" Vương Cần Sinh đang đứng thưởng thức bức tranh gia đình ba người hòa hợp, nghe vậy thì hết sức vui vẻ ngồi xuống.

Được làm thư đồng cho gia đình này, có lẽ là do kiếp trước hắn ta đã làm nhiều chuyện tốt, hành thiện tích đức nên giờ được hưởng phúc!

Dưới ánh nắng ban mai ấm áp, cả nhà dùng bữa sáng đầm ấm dưới gốc cây bạch quả mới nảy lộc non.

Giọng nói cười trong bữa ăn chính là tiếng pháo hoa thường thấy nhất trong nhân gian, nhưng không phải nhà nào cũng có.

Ăn cơm xong, Vương phu nhân nắm tay Vương Hựu, nói: "Hựu Nhi, thừa dịp hôm nay tinh thần ta rất tốt, chúng ta lên núi Ngũ Lý một chuyến nhé."

Trên mặt bà ấy vẫn là vẻ từ ái, bệnh tật cũng không giấu đi được sự dịu dàng nơi đáy mắt, bà ấy khẽ thở dài: "Hôm nay con đạt được thành tích như vậy, chuyện vui thế này nên báo với cha mẹ ruột của con một tiếng mới phải."

...

Núi Ngũ Lý là nghĩa trang nổi tiếng ở kinh thành.

Cả nhà thuê một chiếc xe ngựa, chưa đầy nửa giờ đã đến nơi.

Nghĩa trang này có phần mộ của quan gia, nơi chôn cất nhiều linh hồn vô danh của những anh hùng đã chết trong chiến tranh, cũng có mộ tư gia, chôn cất nhiều thế hệ của một gia đình.

Bốn người nhà họ Vương đi đến một phần mộ nhỏ, trên bia mộ còn không khắc tên tuổi, chỉ viết đơn giản "Phần mộ sinh phụ, sinh mẫu của Thứ Chi".

Vương Cần Sinh thuần thục bày đồ cúng ra, Vương Hựu bắt đầu dâng hương.

Thật ra Vương phu nhân đã lâu không ra ngoài, lúc này đã hơi mệt mỏi, đang ngồi trên ghế cạnh Vương Phúc, thấy Vương Hựu sống lưng thẳng tắp đang cúi người dâng hương, trong lòng thầm cảm tạ.

Khi đó, bà ấy bất chấp sự phản đối của cha mẹ, quyết tâm gả cho Vương Phúc, nào ngờ sức khỏe lại yếu, không thể có con. Vương Phúc trọng tình trọng nghĩa, không chịu cưới vợ lẽ, chưa từng chê bai bà ấy, vì bà ấy mà bôn ba khắp nơi, kiếm tiền chữa bệnh.

Vốn tưởng đời này hai người sẽ cô đơn trống trải, nhưng không ngờ ông trời lại gửi Vương Hựu đến bên họ.

Mấy năm kia, Lĩnh Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn, do tình hình biên giới khó khăn, dân chúng lại gặp ôn dịch. Một ngày nọ, một bà lão dẫn Vương Hựu mới bốn tuổi đến nhà, nói là gia đình li tán, không có cái ăn chỗ ở, muốn ở nhờ mấy ngày.

Hai vợ chồng trước giờ là người nhân hậu, thấy bà lão dẫn theo một đứa nhỏ gầy gò nên đương nhiên đồng ý. Không ngờ, sáng sớm hôm sau, bà lão kia biến mất, chỉ để lại Vương Hựu bốn tuổi.

Lúc đó hắn không phải họ Vương.

Trong bữa tối hôm trước, bà lão đã cố ý tiết lộ tìm thấy hắn ở một bãi tha ma tập thể gần biên ải, thấy hắn còn sống nên đưa về nhà nuôi dưỡng. Lúc tìm thấy chỉ thấy trên người hắn có một cái hà bao, bên trong có một mảnh giấy rách ghi "Tên Hựu, tự Thứ Chi".

Bà ấy lục tìm trên người đứa bé, quả nhiên thấy bà lão đã khâu chiếc hà bao kia vào y phục của đứa bé. Rõ ràng là tự lo cho bản thân còn không xong nên cố tình để Vương Hựu lại đây.

Những năm đó, ở biên ải Lĩnh Nam thường có lưu binh đốt nhà cướp của, đứa trẻ này tìm thấy ở bãi tha ma chắc cha mẹ đã sớm bỏ mạng. Bà ấy và Vương Phúc bàn bạc rồi quyết định nhận nuôi đứa bé này.

Sau khi lên quan phủ làm thủ tục, họ dùng số tiền cuối cùng của mình để xây mộ cho cha mẹ ruột của đứa bé.

Sáu năm trước, cả nhà họ chuyển từ Lĩnh Nam đến kinh thành, bà ấy đặc biệt dặn dò Vương Cần Sinh đi sau, phải mất hơn nửa năm mới chuyển được ngôi mộ này từ Lĩnh Nam lên núi Ngũ Lý.

Bà ấy luôn mang lòng sự cảm kích đối với cha mẹ ruột của Vương Hựu.

Nếu không có họ, sao bà ấy có thể có một đứa con trai chi lan ngọc thụ, tài hoa hơn người như Vương Hựu. Hắn còn là người hiểu chuyện, hiếu thuận, từ nhỏ chưa từng khiến bà ấy và Vương Hựu phiền lòng, chỉ trừ một điểm là hắn hơi lạnh lùng, có lẽ là vì tuổi thơ lận đận, tuy không nhớ được nhiều nhưng những ký ức đó vẫn khắc sâu trong xương tủy.

Nhưng sau ngần ấy năm, hắn vẫn là một nam nhân ôn hòa, hiểu lễ nghĩa, hiền lành, hiểu chuyện.

Sau khi Vương Hựu dâng hương xong, Vương phu nhân đã nghỉ ngơi được một lúc, bà ấy và Vương Phúc cùng nhau thắp nén nhang, thầm cảm ơn một lần nữa, rồi cả nhà cùng nhau xuống núi.

Giờ Dậu canh ba, Vương Hựu thay y phục, búi tóc đội mũ, đi một chiếc xe ngựa mộc mạc đến dự yến tiệc Quỳnh Lâm.

...

Kể từ khi tổ chức khoa thi, yến tiệc Quỳnh Lâm được tổ chức ba năm một lần, do thánh thượng và Quỳnh Lâm uyển đứng lên chủ trì để chúc mừng các tân khoa tiến sĩ. Tiệc rượu thường tràn ngập ánh đèn lưu ly, tiếng nói cười không ngớt.

Năm nay triều đình tìm ra trạng nguyên đỗ đầu Lục Nguyên nên không khí yến hội càng thêm náo nhiệt.

Đương nhiên sự náo nhiệt này đều xoay quanh trạng nguyên năm nay, Vương Hựu.

Tiệc rượu bắt đầu được một lúc, Ôn Đình Xuân đổi chỗ với một đồng liêu quen biết.

Lẽ ra với chức quan của ông ấy thì sẽ ngồi rất gần Vương Hựu, chỉ cách hai ba bàn. Nhưng ông ấy không muốn ngồi gần hắn như vậy, thậm chí hôm nay... ông ấy còn định cáo bệnh không đến.

Hôm qua Ôn Ngưng làm ầm ĩ thành vậy, chờ lát nữa uống ba đợt rượu, kiểu gì cũng có người lấy ông ấy và trạng nguyên ra đùa giỡn.

Cái mặt già nua này chịu nổi sao?

Nhưng mấy ngày trước đó, ông ấy tích cực lo chuyện công vụ, thấy Lễ bộ bận rộn, bèn xung phong cử một nhóm người đến hỗ trợ yến tiệc Quỳnh Lâm. Tối nay ông ấy không đến cũng không sao, nhưng nhỡ có chuyện gì xảy ra, mấy người ở Lễ bộ sẽ đàm tiếu sau lưng, nói ông ấy tắc trách.

Ôn Đình Xuân ngồi trong góc, tạm thời thấy không có ai chú ý đến mình, lúc này mới đưa mắt nhìn trạng nguyên lang đang được vô số quần thần vây quanh.