- 🏠 Home
- Huyền Huyễn
- Tiên Hiệp
- Bạch Cốt Đạo Cung
- Quyển 2 - Chương 19: Chẳng hay chẳng biết (Phần Thượng)
Bạch Cốt Đạo Cung
Quyển 2 - Chương 19: Chẳng hay chẳng biết (Phần Thượng)
Dịch: Hoa Gia Thất Đồng
***
Lúc Thanh Dương đọc ra hai chữ “Lục Tiên”, thanh kiếm bỗng bừng dậy một tầng hào quang huyết sắc. Luồng sát khí tựa như trào ra từ trong núi thây bể huyết ấy khiến ngay cả Thanh Dương cũng chẳng muốn cầm lâu thêm. Y tra kiếm trở lại vỏ bấy giờ đang ở trong tay Phong Lăng.
Hương hoa từng đợt theo gió tản mác trong không trung. Mùi hương lan đến từ một bụi hồng hoa lớn ở cách đó không xa. Hồng hoa đỏ tươi thắm sắc, theo gió đong đưa. Từng sợi nhụy mong manh như tơ máu vươn mình về phía Li Dương, song lại bị gã vô ý cất chân giẫm nát.
Tuy chỉ là một giống thực vật tầm thường trên chín tầng trời này, nhưng giống hoa ấy lại có thể cắn nuốt máu thịt cùng tinh, khí của kẻ khác.
“Sư huynh, bây giờ chúng ta đi đâu?”
Lời này không chỉ mỗi Dung Dương muốn hỏi, Mộc Dương và Li Dương cũng muốn hỏi.
“Ta cần phải bế quan một lúc, hỏi thăm trời đất một vài chuyện.” Thanh Dương nói.
Kể từ sau khi tiến lên Thiên Nhân Đạo, Thanh Dương mãi vẫn chưa có được lúc bình tĩnh, yên ổn trở lại. Y rõ ràng có thể cảm nhận được rất nhiều thứ từ trong cõi trời đất này, song lại vì không thể tiến sâu vào trạng thái nhập định mà sự cảm nhận của y chẳng được rõ ràng. Y nóng lòng muốn biết rất nhiều thứ…
Không khó khăn như việc tìm một nơi có thể gầy dựng môn phái, tìm kiếm một chỗ yên tĩnh để bình tâm tương đối dễ dàng.
Một tấm mành cát dâng lên từ dưới chân họ. Cát vàng hóa ra bão cát, vừa đột ngột kéo đến đã biến mất ngay.
oooOoOoOooo
Trên một ngọn núi lớn lơ lửng giữa hư không, cát vàng cuốn đến từ trong hư vô, kéo theo đó là sự xuất hiện của Thanh Dương cùng những người còn lại.
Chỉ nghe y cất tiếng:
“Ở đây vậy.”
Nơi đây tuy là một ngọn núi độc lập giữa trời, nhưng lại sừng sững vô song. Dưới chân núi có một cái hồ lớn, nước trong hồ lững thững trôi về phương xa, dòng chảy chầm chậm biến mất vào trong hư vô mờ mịt.
Mây khói quẩn quanh ở lưng chừng núi, ôm lấy mặt hồ thành hình vầng trăng cong cong. Thấp thoáng có thể thấy trong lòng hồ có thú dữ đang khuấy động phong ba. Còn những sơn cốc trong lòng núi cũng tịch mịch thâm u, thăm thẳm chẳng thể dò; có thể lờ mờ cảm nhận được sự tồn tại của những giống sinh linh to lớn, mạnh mẽ đang lẩn khuất bên trong.
Chỉ thấy Thanh Dương Tử cắm mạnh Thiên Diễn pháp trượng trong tay xuống đất. Trong nháy mắt, pháp trượng nhỏ bé đã hóa thành pháp trụ. Oán ma pháp châu trên đầu pháp trụ bấy giờ tỏa ra ánh hào quang vàng rực.
Hào quang tựa mây ráng, nhuộm vàng một vùng trời.
Cũng chính vào lúc Thiên Diễn pháp trụ cắm lêи đỉиɦ núi, từ nơi sơn cốc có tiếng thú gầm vang dậy. Chỉ thấy ba con thú dữ khác nhau xông ra từ trong sơn cốc, trong đó có một con nôm tựa trâu, song miệng như miệng hổ, trên lưng có một dải lông cứng tựa như vây cá. Một con khác là rắn, nhưng là rắn đã mọc thêm đôi cánh. Cánh vỗ, nó vừa vặn vẹo thân hình đã lập tức biến mất giữa hư không.
Con còn lại thoạt nhìn tựa như người, nhưng trông kĩ sẽ thấy rõ là chẳng phải, mà chỉ là một sinh vật hao hao con người. Sinh vật đó có một cặp răng nhọn lộ ra ngoài, lại có một đôi tai màu trắng trông như tai chó; hai bàn tay phủ đầy vảy xanh biếc, trên mặt vảy còn có lông trắng lưa thưa. Nó mặc trên thân thứ mà chỉ có loài người mới mặc: y phục.
Ba con thú ấy xuất hiện giữa hư không. Mãnh thú trông giống trâu kia ngẩng đầu lên trời gầm lớn, cơ thể của nó như ẩn như hiện trong tiếng gầm. Trong một chớp mắt ấy, không trung nổi dậy từng trận ba đào.
Con rắn mọc cánh đã biến mất chẳng biết từ lúc nào, song lại có mây mù sắc xanh hiện lên. Mây mù theo gió khuếch tán đi khắp không trung, chẳng mấy chốc đã tràn ngập khắp vùng trời này. Đến cả ánh hoàng quang tỏa ra từ oán ma pháp châu cũng không thể chiếu xuyên qua lớp mây mù ấy.
Còn sinh vật tựa người kia lại cất tay điểm một ngón vào không trung. Ngón tay vừa điểm, hắn đã xuất hiện ngay trước mặt Thanh Dương.
Ba sinh linh kia tấn công đột ngột. Tuy nhiên, chỉ thấy ánh hào quang lóe lên, rồi tràn ra từ bên trên đỉnh núi. Trong vùng sáng vàng rực của ánh hào quang, ba sinh linh ấy biến mất đột ngột, không một tiếng động: Chúng đã bị hút cả vào bên trong oán ma pháp châu.
Đây là lần đầu tiên Li Dương tận mắt trông thấy bản lĩnh của Thanh Dương, nên gã không không khỏi thảng thốt. Hai mươi năm không gặp mặt, bản lĩnh của sư huynh đã trở nên khôn lường như thế.
Ánh hào quang bao bọc lấy quả núi, còn pháp trụ thì lại cắm sâu vào trong lòng núi.
Đứng dưới chân pháp trụ, Thanh Dương đánh ra từng vệt đạo quyết, đi cùng với đó là sự xuất hiện của từng vệt linh quang. Linh quang hóa thành phù văn, phù văn vừa hiện ra từ trong hư không đã đột ngột mất hút vào trong không gian. Hư không vốn huyễn ảo, nay lại trở nên mỗi lúc một chân thực hơn.
Linh khí vốn vẫn trôi nổi trong lòng núi nay cũng tựa như bị bó buộc, không lửng lơ vô định nữa, mà chậm rãi đông đặc lại.
Linh lực trong trời đất đâu đâu cũng có. Hay nói cách khác, đó đều là nguyên khí của trời đất. Muốn chuyển hóa nguyên khí của thiên địa thành linh lực của một môn phái, thì nhất thiết phải trải qua một quá trình đằng đẵng.
Lớp sương mù chứa đựng linh khí trong núi lại bắt đầu cuộn trào dậy, song lại bị mây ráng từ trên không trung đè ép xuống. Trong tiếng niệm chú của Thanh Dương, sương mù cùng mây ráng hợp lại thành một thể, ngưng tụ thành một tòa cung điện khổng lồ. Đồng thời, còn có một tấm hoành phi xuất hiện từ trong hư không, ghép vừa vặn vào ngay bên trên cửa chính của tòa cung điện: Chính là tấm hoành phi của Thiên Diễn Đạo Phái. Hai chữ “Thiên Diễn" tỏa ra sự thần bí vô ngần.
Đạo cung ấy dựa thế núi mà thành hình. Từ đỉnh núi xuống đến chân núi, băng qua tầng tầng lớp lớp, có một con đường nhỏ trải đá ngay ngắn, dẫn thẳng đến cửa đạo cung.
Thanh Dương bấy giờ đang ngồi trên đạo đài. Bên trên đạo đài có một đóa hào quang bàng bạc nâng đỡ lấy người y. Ánh hào quang màu bạc ấy chính là ấn phù chưởng môn của Thiên Diễn Đạo Phái. Chính vệt ấn phù chưởng môn đó đang trấn giữ linh lực bên trong núi lúc này.
Phía trước đạo đài của Thanh Dương là Mộc Dương, Dung Dương, Li Dương cùng Phong Lăng. Bốn người đang đứng đấy, mắt thấy Thanh Dương duỗi tay vạch qua hư không. Liền đó, giữa hư không xuất hiện một vết ngấn màu vàng. Vết ngấn nhanh chóng lan rộng, rồi một vùng hào quang tuôn ra, trào dâng tựa sóng nước.
Có hai người bị cơn sóng hào quang vàng rực ấy cuốn đến – chính là Tung Dương và Trầm Dương.
Chỉ thấy Thanh Dương điểm ngón tay, một cái hồ lô dập dềnh trôi đến bên người họ.
“Trong hồ lô này là kim đan lấy được từ chỗ Đan Đỉnh Môn, các vị sư đệ sư muội giúp hai người họ uống, sau đó chuyên tâm tu luyện. Sư huynh phải bế quan, đợi đến lúc ta xuất quan, sẽ có rất nhiều chuyện phải làm.” Thanh Dương nói.
“Dạ, sư huynh.”
Bọn họ vừa mở miệng đáp đã nghe giọng của Dung Dương gấp gáp vang lên, nàng hỏi:
“Sư huynh, chúng ta ở đây, liệu…”
Nàng chưa nói hết, song Thanh Dương cùng những người khác đều đã rõ ý của nàng: Nàng đang sợ những kẻ âm mưu ám hại Thiên Diễn Đạo Phái hoặc những kẻ muốn mượn xác Thanh Dương để trùng sinh sẽ xuất hiện.
“Bất tất phải lo lắng. Thời cơ vẫn chưa đến, huống hồ, sư huynh đang ở Chân Linh Giới này, bất luận là kẻ nào muốn đến đây, đều phải cân nhắc cẩn trọng.”
Thanh Dương đã tiến vào Thiên Nhân Đạo, giữa cõi Chân Linh Giới này, y quả thực chẳng sợ hãi điều gì. Vốn dĩ, Thanh Dương không muốn nói ra những lời này; song bấy giờ chúng sư đệ, sư muội đều thân tâm chẳng thể an yên, nên y mới bất đắc dĩ phải nói ra những lời ấy để trấn tĩnh họ.
Dứt lời, Thanh Dương liền nhắm nghiền hai mắt, từ từ chìm sâu vào cảnh giới nhất niệm tồn tư(*)…
- --------------------------------------
(*) "Tồn tư": hay "tồn tưởng", "tồn thần", "tồn dưỡng", gọi vắn tắt bằng một chữ "tồn", nghĩa là "cầm lại, "giữ lại".
Người tu hành cần lắng tâm, kiểm soát ý niệm. Để làm được điều này, Đạo gia đưa ra ba phương pháp là "tồn dưỡng", "tỉnh sát" và "khắc trị", ứng với ba giai đoạn khởi phát của ý niệm. Nay Thất Đồng xin trích một đoạn kiến giải thâm sâu từ Dưỡng Chơn Tập để độc giả nếu hứng thú có thể nghiền ngẫm thêm:
"[Ý niệm] Chưa phát ra thì phải tồn dưỡng, đã phát ra rồi thì phải tỉnh sát, thấy có ý riêng thì phải khắc trị, khắc trị xong lại phải tồn dưỡng. Ba phép này làm công dụng lẫn cho nhau, một khắc cũng chẳng nên gián đoạn.
Tồn tâm chẳng phải lấy sức mà trì kéo nó lại. Chỉ phải gìn lòng trong sạch, ít tham dục mà thôi.
Phải biết rằng hễ mình sáng suốt thì cái tâm này nó lại, mình chẳng sáng suốt thì nó đi. ["Tâm" được nói đến ở đây chỉ chân tâm, bản tánh Như Lai, cũng chính là Đạo hay Cốc thần mà Đạo gia thường nói đến]
Không rõ tác giả tập sách này là ai, chỉ biết mỗi đạo hiệu của ông là Dưỡng Chơn, về sau các trang viết về Đạo của ông được một người bạn góp nhặt và đề tựa "Dưỡng Chơn Tập". Từ tác giả đến người bạn có công góp nhặt lưu cảo, đều không ai để lại danh tính, lai lịch, thật đúng với tinh thần "việc xong rũ áo ra đi" (Lý Bạch), chẳng màng đến hư danh của Đạo gia.
Sau khi lưu truyền qua nhiều người, đến tay Bạch Tẫn lão nhân thì sách được hiệu đính lại lần nữa và chú giải cẩn thận. Riêng bản tiếng Việt được dịch bởi Đạo sư Nguyễn Minh Thiện, giảo đính bởi Ngọc Kinh Lang Hoàn.
- 🏠 Home
- Huyền Huyễn
- Tiên Hiệp
- Bạch Cốt Đạo Cung
- Quyển 2 - Chương 19: Chẳng hay chẳng biết (Phần Thượng)