Sau khi về nhà, Tống Tích đã có một giấc mơ thật dài. Trong mơ, Bùi Tu Vân mặc y phục cưới màu đỏ, anh tuấn cao ráo, sừng sững như hòn ngọc. Trán của chàng buộc một sợi dây đeo cùng màu, mái tóc đen xoã xuống như mây. Chàng cưỡi con ngựa đỏ, gót sắt ‘lộc cộc’ bước qua từng phiến gạch phủ đầy rêu xanh.
Chàng trong mơ vẫn cười ôn hoà như trước, thế mà trông lại rất thật. Nhưng Tống Tích biết đây chỉ là mơ, vì tiên sinh không thích mặc y phục màu đỏ, cũng chưa bao giờ cưỡi ngựa cả.
Lần thứ hai mở mắt, mặt trời đã lên cao.
Ngoài ô cửa sổ, bụi chuối tây rậm rạp như tán ô, che khuất ánh rạng đông của buổi sớm, khiến đầu hè mát lạnh.
Một tiếng ngựa hí vang phá vỡ sự yên tĩnh của buổi sáng.
Tống Tích vội bò dậy, ghé vào ô cửa, không ngờ nhìn thấy người đến chính là Bùi Tu Vân. Chàng mặc bộ y phục và áo choàng lất phất màu đỏ, cưỡi một con tuấn mã đang ngẩng cao đầu một cách thành thạo. Chàng nghiêng mặt, mái tóc đen nương theo làn gió, đôi mắt đẹp khẽ chuyển động.
Bùi Tu Vân phất áo choàng, bước vào sân, theo sau chàng là hai đứa trẻ mặt mũm mĩm mặc y phục đỏ tươi, tay ôm hộp lễ vật đầy ắp.
Tống Kiêu lên đường về nhà hết cả đêm qua, lúc này đang ngồi trên cái ghế đẩu, dưới mái hiên để ăn đậu phộng. Mẻ đậu phộng mới nấu chỉ cần dùng tay bóp một chút đã dễ dàng bỏ được lớp vỏ, lấy ra hai viên đậu mềm.
Cổng nhà còn chưa đóng, nghe thấy tiếng động, ông ngẩng đầu lên, thiếu chút nữa là vứt đậu xuống đất.
“Tiên sinh… ngài đang…” Ông phủi phủi tay, đi ra đón.
“Ta phải lòng Tống Tích từ lâu, hi vọng a công [1] chấp thuận.” Chàng khom lưng, lạy một cái thật sâu. Hai đứa trẻ ăn mặc chỉnh tề phía sau bước đến, đặt hộp lễ vật vào tay Tống Kiêu.
Tống Kiêu vội từ chối, xấu hổ nói: “Chuyện này…”
“Chẳng hay a công có điều gì khó nói?” Bùi Tu Vân đứng dậy, ra hiệu cho hai đứa trẻ ôm hộp quà ra chỗ gần đấy đứng chờ.
Tống Kiêu thở dài, “Ngoại hình và nhân phẩm của tiên sinh, ta thực không dám kén chọn. Nhưng suy cho cùng Tích Nhi cũng là học trò của tiên sinh, nếu bây giờ kết thành phu thê, sợ là người trong thôn sẽ lời ra tiếng vào.”
“Đồn đãi không đến được người khôn ngoan. Ta sẽ dùng hành động thực tế khiến họ không còn lời nào để nói.” Bùi Tu Vân nghiêm túc đáp, ánh sáng phủ xuống dáng người sắc mảnh như kiếm của chàng, toán lên sự lạnh lùng.
Tống Kiêu há miệng, không trả lời được. Ông nghiêng mặt, thấy sau bụi chuối tây lấp ló một cái đầu nhỏ thì phiền não nói: “Nếu tiên sinh đã nói như vậy thì ta không còn dị nghị. Chỉ là Tích Nhi nhà ta không muốn gả chồng, lần trước có một bà mai tới còn bị con bé cầm chổi đuổi ra ngoài.”
Bùi Tu Vân nhướng mày, nghiêng đầu nhìn về bụi chuối tây, cao giọng nói: “Tống Tích, nếu muội không muốn gả chồng, ta lập tức ra về.”
Vừa dứt lời, một bàn tay nhỏ xíu vạch lớp lá chuối ra. Người nọ trèo ra khỏi cửa sổ bằng cả chân lẫn tay, y phục xộc xệch, hô to: “Tiên sinh đừng đi, muội gả!”
Tống Kiêu méo mặt, lôi một cái chổi từ trong góc ra, vờ muốn đánh nàng, “Con xem con kìa, đã lớn vậy mà người ngợm lôi thôi, còn dám trèo cửa sổ? Những gì đọc trong sách con nuốt xuống bụng cả rồi à?”
“Tiên sinh cứu muội!” Tống Tích vội chạy ra sau lưng Bùi Tu Vân, túm chặt y phục của chàng, chỉ ló cái đầu ra, lén lút nhìn Tống Kiêu.
Bùi Tu Vân vươn cánh tay dài, che nàng sau lưng mình.
Tống Kiêu cầm cây chổi, chỉ vào Tống Tích, hỏi: “Tống Tích, cha hỏi con một lần nữa, gả hay không?”
“Gả!” Nàng trả lời không chút do dự.
“Được!” Tống Kiêu vứt cây chổi xuống sàn, “Không gả thì Thiên Lôi tẩn mày!”