Chương 24

Đào Khê vẽ xong bốn bức tranh, kiếm được 1200 nhân dân tệ và nhận thêm 200 tiền hoa hồng từ một nam sinh vì hài lòng. Nếu Đào Kiên đòi tiền cậu, cậu sẽ đưa tiền bản thân làm ra cho ông ta. Đào Khê nghĩ, cách kiếm tiền này cũng khá ổn đó chứ. Căn bản học sinh Mỹ thuật không thiếu tiền. Sau này nếu có chuyện khẩn cấp thì chỉ cần nhận vẽ vài đơn là được.

Ngày Quốc khánh kết thúc, cơn nóng bức cuối hạ đã bị làn gió thu cuốn bay như đã hẹn. Đào Khê và Tất Thành Phi ăn xong cơm trưa ở căn tin liền chạy vội về lớp. Chuyện là Tất Thành Phi định chơi bóng rổ nhưng khi nhìn thanh dự báo thời tiết trên điện thoại, cậu ta đành bỏ cuộc.

“Dự báo thời tiết nói sẽ có mưa vào buổi trưa, tí nữa có.”

Đào Khê ngẩng đầu trông khoảng không cao vời vợi, bầu trời bị che phủ bởi từng lớp mây đen kịt dường như có thể đổ mưa bất cứ lúc nào. Hai người bèn vội vàng về lớp học trước khi mưa rơi nhưng vừa mới đến tầng một khu dạy học, đã bị Phan Ngạn cản đường.

Lo lắng xen lẫn xấu hổ vồ vập lấy Phan Ngạn khiến cậu ta không kìm được quỳ xuống trước mắt Đào Khê: “Đại ca Khê à, mình xin lỗi cậu! Cô Khương đã phát hiện ra mấy tác phẩm kia là cùng một người vẽ. Bọn mình không chịu được lỡ khai tên cậu mất rồi. Mình vừa ăn chửi cả sáng, giờ bà ấy định đến tìm cậu kìa…” Giọng cậu ta mỗi lúc một nhỏ.

Quan sát kĩ biểu cảm của Đào Khê, Phan Ngạn thấy cậu chẳng hề hoảng hốt, chỉ cau mày lẩm bẩm: “Đã nhận ra rồi sao?”

Chẳng hiểu sao Đào Khê vẫn còn tâm tình vẽ vời vào lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này? Trong khi ấy Phan Ngạn đã gấp đến độ đổ mồ hôi hột.

Tất Thành Phi chưa biết chuyện Đào Khê vẽ tranh thuê cho các học sinh mỹ thuật nhưng không thể không nghe đến danh “Ác quỷ” của trường trung học Nhất Trung Văn Hoa – Khương Lôi – người từng quát mắng một học sinh ba giờ liên tục không nghỉ.

“Khê ca, cậu thảm quá, đắc tội ai không đắc, lại dây vào Khương Lôi.” Tất Thành Phi bất lực vỗ vai Đào Khê. Ánh mắt bi thương và giọng điệu cực kì buồn bã.

“Được rồi, mình đi.”

Đào Khê không để tâm lắm vì từng sở hữu chiến tích đối chọi với với hiệu trưởng suốt ba năm cơ sở, cậu không sợ. Cậu theo Phan Ngạn đến tòa văn phòng Nghệ thuật, để lại Tất Thành Phi “gió thổi vi vu sông Dịch lạnh” (*).

(*) Đây là câu thơ đầu trong bài thơ “Dịch thủy ca” từ “Sử ký” của Tư Mã Thiên, phần “Kinh Kha truyện”.

Chữ Hán:

風蕭蕭兮,易水寒,

壯士一去兮,不復還.

Hán Việt:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.

Tạm dịch:

Gió thổi vi vu sông Dịch lạnh,

Tráng sĩ một đi không trở về.

Từ tầng ba thoát ra giọng nữ cao vυ"t và vang đến tận lầu một cũng nghe thấy. Khi cả hai lên đến nơi thì màng nhĩ đã phải hứng chịu tổn thương cấp 1. Đào Khê vừa đặt một chân vào phòng thì tiếng thét đã ụp xuống đầu cậu.

“Vào đây!”

Ở ban công văn phòng có bốn người anh em đồng cảnh ngộ từng mua tranh của cậu, trong đó, có một người đang rầu rĩ cúi đầu vào chậu hoa nên cậu càng không lo lắng. Phan Ngạn vừa bước vào liền thức thời đứng quay mặt vào chậu hoa thứ năm. Đào Khê lại gần vị Khương Lôi đang chống eo tức giận nở một nụ cười tươi rói: “Chào cô ạ!” Sau đó thư thái đi tới chậu hoa thứ sáu rồi nhìn cây xương rồng trong chậu. Khương Lôi giật mình, “tay súng” (*) và năm “tòng phạm” này rõ ràng có tiền sử phạm lỗi, cô giận dữ cười khinh, không mắng năm người kia nữa mà chuyển hẳn sang Đào Khê.

(*) Tay súng (枪手): chỉ những người chuyên làm bài hộ người khác.

“Cậu là Đào Khê đang học lớp số 1 phải không? Quả đúng là sống càng lâu càng chứng kiến được nhiều chuyện mà. Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp trường hợp một học sinh vẽ bài hộ cho học sinh Mỹ thuật đấy! Ít bài tập về nhà quá nên ngứa tay đúng không!?”

“Cậu nghĩ tôi bị mù mà không nhận ra tất cả đều cùng một người vẽ. Lúc cậu còn chưa được thụ tinh thì tôi đã mở được triển lãm tranh rồi đấy. Cậu nghĩ cậu qua được mắt tôi à?”

“Cậu có tò mò làm sao tôi biết được không? Lắng tai lên mà nghe, nét vẽ cũng giống chữ viết, cậu có thể nhìn ra ngay đâu là nét chữ của cùng một người dù nó được giấu kỹ như thế nào. Một số kí tự sẽ không bao giờ thay đổi nếu cậu dùng nhiều trong viết lách, hội họa cũng vậy. Cậu thừa hơi quá hay sao mà dám múa rìu qua mắt thợ!?”

“Hiện tại cậu vẽ hộ cho chúng nó, vậy đến lúc đi thi, cậu cũng thi giúp chúng nó à? Cậu có trách nghiệm giúp chúng nó vào được học viện Mỹ thuật không?”

“Tôi nghĩ tôi sẽ thông báo cho Chu Cường biết một học sinh lớp ông ta đã mở sạp kinh doanh với các học viên Mỹ thuật. Để tôi thay Chu Cường dạy dỗ cậu thật chỉn chu!”



Đào Khê cúi đầu từ đầu tới cuối, đôi chỗ còn gật đầu tán thành, trông vô cùng hối lỗi. Nhưng thực chất lời của Khương Lôi đã chui từ tai này sang tai kia từ đời nào. Cơn mưa tích trữ lâu ngày trên bầu trời đổ từng giọt nặng trĩu như muốn phá nát vạn vật. Tiếng mưa rơi “lộp bộp” vào ban công mỗi lúc một ồn ào và dày đặc, cây xương rồng trước mặt cậu đã trũng nước. Cậu đang tự hỏi không có ô thì về bằng cách nào đây?

Khương Lôi quát mắng một hồi chỉ thấy Đào Khê ngẩn người ngắm cây xương rồng. Đột nhiên cô ta giận quá mất khôn, nâng tông lên vài bậc chửi rủa.

“Tôi nghĩ tìm giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa đủ, nhất định tôi phải gặp mặt bố mẹ cậu. Học hành chẳng ra đâu vào đâu mà ngày nào cũng làm dăm ba trò lừa lọc. Không cha không mẹ hay sao mà phải đến trường làm bài thuê? Sao không đưa bố mẹ mấy đồng cậu lừa được đi, hay là lại nạp vào game? Tôi coi cậu chính là loại người vô giáo dục!”

Vừa dứt lời, cô ta thấy Đào Khê từ từ ngẩng lên, khóe môi cong thành vòng cung: “Vâng, thì có ai dạy dỗ em đâu ạ.”

Khương Lôi rùng mình. Trên nền đen u ám của bầu trời, chàng trai xinh đẹp trắng trẻo ngước đôi mắt ướt nặng trĩu âm u lên, toàn thân phủ kín gai nhọn tựa loại cây trước mặt. L*иg ngực cô ta khẽ co rút nhưng cơn thịnh nộ đã lấn át hết thảy. Cô tính tiếp tục mắng mỏ Đào Khê thì bên kia cửa đột nhiên vang ba tiếng gõ. Khương Lôi dừng lại, lớn tiếng nói: “Mời vào!”

Cửa mở, một người con trai cao lớn và tuấn tú cầm chiếc ô đen còn đọng vào giọt mưa bước vào. Văn phòng không bật đèn, Khương Lôi nhìn không ra đấy là ai, sốt ruột hỏi: “Cậu đến đây làm gì?”

Anh cầm dù đi ra ban công và nhìn người đang đứng trước chậu xương rồng thứ sáu rồi cất giọng lạnh nhạt: “Đưa cậu ấy về.”

Nhờ ánh sáng bên ngoài, Khương Lôi thấy rõ đó là Lâm Khâm Hòa. Dù cô chỉ dạy học sinh Mỹ thuật nhưng không thể không biết Lâm Khâm Hòa. Thành tích xuất sắc hẵng bàn đến, mà hãy nhắc tới mối quan hệ sâu sắc giữa Lâm gia và trường trung học Nhất Trung Văn Hoa. Mối quan hệ này, đơn giản chỉ kể tới tòa Thu Thực được đặt theo tên của hai người con trai của bí thư Đảng ủy cũ Lâm Duy Lương – Lâm Trạch Thu và Lâm Trạch Thực. Và Lâm Khâm Hòa – con một của chủ tịch tập đoàn Thụy Trạch Lâm Trạch Thực – là người đã quyên tặng tòa Thu Thực cho nhà trường. Chồng của cô ta là nhân viên trong tập đoàn đó. Đã sống hơn nửa đời người, chẳng lẽ cô ta còn không biết phân cao thấp hay sao.

Cơ mặt của Khương Lôi giãn ra, thậm chí còn tỏ vẻ niềm nở, lịch sự hỏi han: “Đón ai vậy em?”

Đây rõ ràng là một câu hỏi thừa vì Đào Khê chưa chi nhảy tưng tưng trước mặt Lâm Khâm Hòa. Rõ ràng lúc nãy gương mặt còn u ám tối tăm mà khi Lâm Khâm Hòa xuất hiện, trong mắt như chứa đựng cả ngàn vì tinh tú. Thật ra Đào Khê không có nhảy nhưng Khương Lôi lại thấy cảnh tượng trước mắt như khung cảnh một đứa nhóc mẫu giáo được người nhà đón về.

À đúng rồi, người nhà, Khương Lôi nhớ ra, vừa tính nói gì đấy với Đào Khê thì Lâm Khâm Hòa đã cất lời: “Thưa cô, em đưa cậu ấy đi nhé?” Đây rõ ràng là một câu nghi vấn nhưng giọng điệu lại là thông báo.

Phan Ngạn và bốn học sinh còn lại vẫn đang trong thời gian trừng phạt ghen tị với Đào Khê vô cùng.

Khương Lôi sửng sốt, cô không có ý định cho Đào Khê thoát dễ dàng như vậy nhưng vừa không dám đắc tội thiếu gia của Lâm gia, cũng chẳng muốn mất mặt trước mặt học sinh nên đành nghiêm khắc nói: “Em có thể đi nhưng trước hết phải nhận ra lỗi lầm và xin lỗi vì hành động của bản thân.”

Đào Khê cúi đầu, nhỏ giọng đáp: “Dạ vâng, em xin lỗi cô.”

Vẻ mặt Khương Lôi có chút bất đắc dĩ vì từ lúc Lâm Khâm Hòa bước vào, “con nhím xù gai” này nghe lời cực kì. Cô không tranh luận nữa, định để Đào Khê về thì nghe thấy chất giọng từ tốn của Lâm Khâm Hòa.

“Vì Đào Khê đã xin lỗi cô rồi thì cô cũng phải xin lỗi cậu ấy vì những lời cô vừa nói đi chứ?”

Cả phòng lặng ngắt như tờ. Mặt Khương Lôi cứng đờ, nghe Lâm Khâm Hòa nói tiếp: “Dù có là kẻ bề trên với người bề dưới hay là giáo viên với học sinh thì cô cũng không thể mắng người khác là vô giáo dục đúng không ạ?”

Anh dừng lại, khóe môi khẽ nhếch nhưng trong mắt chẳng ẩn chứa sự vui vẻ.

“Hơn nữa, cô hiểu cậu ấy bao nhiêu?”

Ánh mắt của Lâm Khâm Hòa tĩnh lặng như nước nhưng Khương Lôi có thể cảm nhận được cơn thủy triều đang dâng lên.

Đào Khê nhìn Lâm Khâm Hòa, bờ mi run nhè nhẹ.

Khương Lôi á khẩu, trên gương mặt phủ một sắc đỏ. Cô ta đã dạy ở đây nhiều năm như vậy nhưng chưa từng hạ mình xin lỗi một học sinh. Lâm Khâm Hòa hiển nhiên có ý bênh vực người trước mặt khiến Khương Lôi bắt đầu hoài nghi Đào Khê có quan hệ gì đó với Lâm gia, nếu đúng thì cô không dám “dạy dỗ” nữa.

“Xin lỗi, vừa rồi cô không nên nói vậy với em.” Cuối cùng Khương Lôi cũng chịu xin lỗi Đào Khê. Sau khi thay đổi giọng điệu, cô ta khen vài câu, “Nhưng cô nghĩ em rất có năng khiếu hội họa. Hệ thống giảng dạy hướng học sinh vào trường đại học Mỹ thuật tốt nhất cả nước tuyệt đối không có vấn đề gì. Hay em cân nhắc chuyển tới ban Mỹ thuật đi?”

Lâm Khâm Hòa cau mày, ngắt lời: “Không cần.” Rồi giơ cổ tay xem đồng hồ, lạnh lùng hỏi: “Còn vấn đề gì không cô?”

Khương Lôi nhận ra Lâm Khâm Hòa đang không hài lòng và dần mất kiên nhẫn, đành nói: “Không có, không có, hai em về đi.”

Cô nhìn theo bóng dáng Lâm Khâm Hòa đang cầm ô và cái đuôi Đào Khê khuất sau cánh cửa, chợt nhớ bạn đời của cô đã kể rằng từng gặp Lâm thiếu gia ở công ty, sự lạnh lùng và kiệm lời ấy như được đúc từ một khuôn với vị chủ tịch.

Ngay sau khi ra khỏi văn phòng, trên khuôn mặt Đào Khê không kìm được vẽ ra một nụ cười: “Sao cậu lại đến đây? Tất Thành Phi nói cho cậu à?”

Lúc cậu thấy Lâm Khâm Hòa bước vào, cậu đã nghĩ bản thân mắc chứng hoang tưởng vì không ngờ anh lại đi bộ dưới cơn mưa để đến đón cậu về. Đã lâu Đào Khê không được trải nghiệm cảm giác vui vẻ và hạnh phúc đến nỗi cả thế giới bừng sáng như thế này. Do đó, hơn nửa ngày bị Khương Lôi khiển trách cũng tan thành mây khói.

Lâm Khâm Hòa ngó lơ cậu, vẻ mặt nghiêm nghị, xuống cầu thang vẫn không hé răng nửa lời và sải chân mỗi lúc một dài. Đào Khê nhanh chóng đuổi theo, thấy Lâm Khâm Hòa có chút bực nên cho rằng mình đã làm phiền Lâm Khâm Hòa. Cậu bặm môi, cẩn thận nói: “Xin lỗi, vì mình mà cậu phải vất vả chạy tới tận đây.”

Lâm Khâm Hòa vẫn tiếp tục cho Đào Khê ăn bơ. Cậu căng thẳng theo sau Lâm Khâm Hòa xuống tầng một. Đào Khê biết Lâm Khâm Hòa chỉ mang theo một chiếc ô. Cậu nhìn quanh hành lang một vòng, hy vọng sẽ tìm được một cái dù công cộng.

Màn mưa ngoài kia dày đặc như bão tuyết. Lâm Khâm Hòa đứng ở hành lang, mở chiếc ô đen rồi cau mày nhìn Đào Khê: “Lại đây.”

Đào Khê giật nảy. Lâm Khâm Hòa có ý muốn chen chúc trong một cái ô với cậu sao? Nhưng mưa lớn như này, cả hai người sẽ bị ướt mất. Tí tách vài giây trôi qua, cánh tay cậu bị người nào đó nắm lấy và kéo đến trú trong tán ô đen. Khoảnh khắc Đào Khê sát lại, một mùi hương dịu nhẹ và tươi mát quanh quẩn nơi đầu mũi. Cậu tự hỏi, đó là mùi cơ thể của Lâm Khâm Hòa hay là mùi cỏ dại tắm mưa?

Tim Đào Khê lỡ nhịp, hoảng hốt nép bên cạnh Lâm Khâm Hòa, cùng anh dạo bước dưới cơn mưa hối hả và để tiếng mưa rơi từ tứ phía lập tức giam hãm họ trong không gian nhỏ hẹp. Nhịp mưa hòa lẫn tiếng bước chân dồn dập trên con đường lát đá xanh. Dưới mặt đất, nước bắn tung tóe từng giọt long lanh. Đào Khê cúi đầu nhẹ nhàng cất bước, chỉ sợ nước mưa sẽ bắn lên đôi giày của Lâm Khâm Hòa.

Quanh co một hồi, rốt cuộc Lâm Khâm Hòa cũng lên tiếng, dùng âm vực nặng nề hỏi: “Cậu thích vẽ tranh cho người khác đến thế sao?”

Đào Khê hoảng sợ. Dù không hiểu rõ ý của Lâm Khâm Hòa nhưng cậu vẫn nhận ra sự không hài lòng của anh. Cậu suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng trả lời: “Mình thích vẽ tranh lắm nhưng lần này mình vẽ vì tiền chứ không phải vì sở thích. Một bức tranh có thể kiếm được 300 tệ.”

Lâm Khâm Hoa trầm ngâm, tiếp tục hỏi: “Nhà trường không trợ cấp cho cậu hay tiền trợ cấp không đủ?”

Đào Khê ngạc nhiên vì cậu không ngờ Lâm Khâm Hòa lại biết được việc này. Cậu e dè đáp: “Thực ra là đủ nhưng có lẽ mình tiêu nhiều quá. Nghe này, mình vừa mới mua một chiếc điện thoại, điều mình chưa từng dám mơ khi còn ở huyện Thanh Thủy.”

“Dù thế nào đi chăng nữa, sau này đừng vẽ tranh cho người ta. Quan tâm điểm số vẫn quan trọng nhất.”

Đào Khê nghe được giọng điệu không muốn thương lượng của anh. Cậu có chút khó xử, im lặng một tẹo rồi nói: “Sau kỳ nghỉ vẫn không được vẽ hả? Bán tranh là cách duy nhất mình có thể kiếm ra tiền, nếu không có nguồn thu ấy, làm sao mình tự nuôi bản thân được đây?” Cậu ngước lên Lâm Khâm Hòa, không nhịn được đùa cợt, “Chẳng lẽ cậu nuôi mình?” Nói xong chỉ hận không cắn lưỡi chết tươi.

Bỗng nhiên Lâm Khâm Hòa đứng lại, xoay người và hơi cúi đầu nhìn xuống Đào Khê. Đào Khê cũng phải dừng theo, giật mình dõi theo đôi mắt anh. Cậu chưa từng được ngắm qua ánh mắt này của Lâm Khâm Hòa. Có lẽ gió mưa ẩm ướt tràn ngập đất trời đã làm đôi mắt ấy mờ ảo và vô thực. Cứ như thể… như thể anh sẽ hứa hẹn điều đó với cậu. Giọt mưa nặng trĩu đè nặng xuống tán dù tựa nhịp đập mãnh liệt đến từ trái tim cậu.

Đào Khê bẹo nhẹ bàn tay để xua đuổi những mơ tưởng hão huyền của bản thân và cười nhẹ: “Mình đùa đấy! Trong tương lai, mình sẽ tự kiếm được rất nhiều tiền.” Cậu chớp mắt, “Đủ để đãi cậu… ăn bao nhiêu món cũng được!”

Cậu cũng muốn được như bao người, không có gánh nặng để tập trung học hành, được đi nghỉ mát cùng bạn bè, chụp những khoảnh khắc đẹp đẽ trên từng chặng đường, đăng lên và ấn like cho nhau trong vòng bạn bè. Nhưng số phận lại cho cậu một cuộc sống vất vả hơn nhiều người. Đào Khê không muốn để Lâm Khâm Hòa biết được việc này.

Lâm Khâm Hòa im lặng, sau đó tiếp tục vừa đi về khu dạy học, vừa giải thích: “Không phải tôi cấm cậu vẽ. Ý của tôi là một bức tranh cậu vẽ có giá trị không đơn giản chỉ ở mức trăm nhân dân tệ và cũng đáng được trân trọng. Giá của chúng phải cao hơn và cần được nhiều người thưởng thức hơn.” Anh nhìn Đào Khê và hỏi, “Cậu có hiểu không?”

Đào Khê sững sờ trong chốc lát. Sau khi tiêu hóa toàn bộ thông tin, vành tai cậu có chiều hướng nóng dần. Cậu không ngờ Lâm Khâm Hòa lại đánh giá cao tác phẩm của cậu đến vậy, điều này không khỏi làm lòng cậu xốn xang, bồi hồi. Đối với Đào Khê, kiếm được hơn trăm tệ đã khá tốt vì ở làng Đào Khê Loan, dù dân làng làm lụng chăm chỉ cả năm thì thu nhập vẫn chỉ có vài nghìn nhân dân tệ.

Liệu tranh có cậu có đáng giá như vậy không? Liệu chúng sẽ thỏa mãn được nhiều người chứ?

Khi ấy Đào Khê không tin lời Lâm Khâm Hòa nói nhưng vẫn ngoan ngoãn gật đầu đáp: “Mình biết rồi, lần sau sẽ không vẽ giúp người khác nữa.”

Tâm trạng của Lâm Khâm Hòa khởi nắng trở lại. Đào Khê nhẹ nhõm, bắt đầu thay đổi chủ đề.

“Đầu tháng mười một là thi giữa kì sao?”

“Ừm, thời gian của cậu không còn nhiều đâu.”

Đào Khê thấy Lâm Khâm Hòa có vẻ hơi lo lắng cho điểm số của cậu và chính cậu cũng đang lo sốt vó đây.

“Mình nộp bài tập thầy Chu giao. Sau khi nhận được đáp án chính xác, mình nhận ra bản thân sai nhiều vô kể. Nếu mình không lọt top 50 sau kì thi giữa kì thì làm sao bây giờ?”

Lâm Khâm Hòa cau mày, tông giọng trầm hẳn: “Chăm chỉ học, vẫn còn hơn nửa tháng nữa.”

Nghe được những lời này của Lâm Khâm Hòa, Đào Khê đã bình tĩnh hơn nhiều và lạc quan trở lại: “Vậy nếu mình lọt top 50, cậu thưởng quà cho mình được không?”

Khi còn thơ bé, chỉ cần các bạn cùng lớp đứng thứ hai, thứ ba trong kỳ thi thì sẽ được bố mẹ tặng đồ chơi và bánh kẹo. Riêng cậu thì ngược lại, cho dù cậu có đoạt được vị trí số một, đơn giản là một lời khen Quách Bình cũng chẳng bao giờ nói.

Đào Khê nhìn sườn mặt của Lâm Khâm Hòa, bồn chồn siết chặt ngón tay. Còn Lâm Khâm Hòa lại không muốn nói trước.

“Thi được hẵng nói.”

Đào Khê không cam lòng, kéo nhẹ ống tay từ cánh tay đang cầm ô của Lâm Khâm Hòa mà nhẹ nhàng quơ quơ. Đưa mắt ướt được ánh sáng ảm đạm từ bầu trời tô điểm ngước nhìn Lâm Khâm Hòa, cậu làm nũng: “Không, cậu hứa với mình trước.”

Cậu chưa ý thức được, chính lúc đó cậu đang thực hiện hành động bản thân ghét nhất – cư xử như một đứa trẻ với Lâm Khâm Hòa, thậm chí còn chẳng nhận ra vì được dung túng nên mới làm nũng.

“Cậu muốn phần thưởng gì?” Lâm Khâm Hòa hỏi. Vì không quen được nhìn như thế này nên mất tự nhiên quay đầu.

Đào Khê đạt được mục đích nên vui vẻ đáp: “Mình chưa biết. Khi nào nghĩ ra, mình sẽ bảo cậu nhá!”