Chương 16: Tiết mục văn nghệ

Qua tháng mười hai, thời tiết vẫn không khá hơn chút nào. Hà Tịch sau khoảng thời gian tiết kiệm, số tiền cũng đã đủ mua quà cho mẹ. Qua tháng một, nhà trường tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập. Là lớp trưởng, mọi việc nhỏ việc lớn gì cũng đến tay cô. Hà Tịch bất đắc dĩ phải nghỉ làm thêm. Mợ Uyển cũng rất thông cảm, không hề trách cô nghỉ việc đột ngột. Nhà trường ra thông báo mỗi lớp chuẩn bị một tiết mục văn nghệ, chọn mấy tiết mục đặc sắc nhất để biểu diễn vào lễ kỷ niệm. Thầy chủ nhiệm giống như sợ lớp trưởng là cô quá rảnh rỗi, giao việc chuẩn bị tiết mục cho cô lo hết, còn nói nhất định phải thật làm thật tốt. Cái gì mà bên cạnh học tập cũng phải tham gia vào các hoạt động văn - thể - mĩ, không thể để bị tụt hậu so với lớp người ta.

Hà Tịch ngày ngày vắt óc suy nghĩ, vẫn không nghĩ ra tiết mục gì đặc biệt. Loanh quanh cũng chỉ có hát, múa rồi diễn kịch...cô cảm thấy như vậy rất tầm thường.

Hàn Lập vừa nhai kẹo vừa nói:

- Cậu phí sức như vậy làm gì chứ? Làm đại thôi, đâu có quan trọng đâu.

Cả trường có biết bao nhiêu lớp, mất công chuẩn bị có khi lại chẳng được gì. Tập trung học hành có phải là tốt hơn không?

Tử Lý ném phấn vào đầu cậu ta, nói lớn:

- Cậu ăn của cậu đi. Nói nhăng nói cuội. Lớp chúng ta lại có thể thua kém người ta được sao?

Hàn Lập ấm ức, ngồi ôm gói snack không nói thêm gì nữa. Hà Tịch hỏi người bên cạnh:

- Cậu có ý tưởng gì không?

Dương Minh tay chống cằm lắc đầu. Cậu thì có ý tưởng gì được chứ, cậu vốn không thích quan tâm mấy chuyện như thế này, rất phiền phức. Cậu nhìn Hà Tịch, cô mấy ngày nay đều dành hết tâm tư lên chuyện này.

- Tôi tưởng cậu chỉ biết mỗi học?

- Giá mà như thế.

Cô biết mỗi học thì ích gì? Bao năm đi học đều làm lớp trưởng, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô, cô đâu thể chỉ phấn đấu vì bản thân? Cô còn phải phấn đấu vì bộ mặt của lớp, vì tín nhiệm của thầy. Dương Minh cười giễu cợt:

- Gánh nặng này lớn quá, có gánh nổi không?

Hà Tịch nghiêm túc nói:

- Chỉ là chuyện bình thường.

Có năm nào mà việc này không đến tay cô đâu? Tống Đại Nghĩa xen vào:

- Dương Minh, cậu coi thường lớp trưởng của chúng ta quá. Năm ngoái lớp chúng ta diễn kịch đạt hạng ba toàn trường trong hội thi văn nghệ đấy!

Nói đến chuyện này, cả Hà Tịch và Tử Lý đều cảm thấy nhột. Tuy là có giải, nhưng mà có chút mất mặt. Bọn họ ở trên sân khấu làm đủ trò hề khiến cả khán đài được mấy tràng cười. Không ngờ lại may mắn được giải, khi ấy cô thay mặt cả lớp lên bục nhận thưởng mà ngại ngùng vô cùng. Đến tận mấy tuần sau, người ta vẫn cứ gọi lớp cô là "các nghệ sĩ hài", hình tượng học sinh xuất sắc bao nhiêu năm của bọn cô chỉ trong một đêm bị thay đổi thành "hậu bối của Châu Tinh Trì". Cái này "công lao lớn" là nhờ Tử Lý, người ra ý tưởng.

Tử Lý cũng vì thế mà lần này nhất quyết không tham gia bàn ý tưởng nữa, sợ lại nghĩ ra mấy cái trò vớ vẩn, làm mất mặt cả lớp, mất mặt chính mình. Hà Tịch nghĩ lại chuyện đó da tay da chân đều sởn gai ốc. Lớp bọn họ là lớp tự nhiên, phần lớn không có đam mê các hoạt động văn nghệ thế này, kinh nghiệm lại càng không có. Không giống với mấy lớp xã hội, người ta múa may nhảy nhót rất rành.

Nhắc lại chuyện này, cả lớp muốn nhịn cười cũng nhịn không nổi. Dương Minh xem phản ứng có Hà Tịch và Tử Lý liền nảy sinh tò mò. Hàn Lập vừa định mở miệng kể cho cậu nghe liền ăn một quyển vở từ chỗ Hà Tịch. Cậu ta hai mắt như muốn khóc nhìn cô:

- Lớp trưởng! Cậu dữ dằn từ như thế từ bao giờ?

Hà Tịch lỡ tay, ban nãy vội quá không còn cách nào ngăn cậu ta mở miệng cả, vớ được quyển vở liền vung ta ném đi. Cô áy náy:

- Xin lỗi, tôi...không....cố ý...!

Dương Minh lại càng muốn biết. Tống Đại Nghĩa cười hơ hớ, đến ngồi bên cạnh Dương Minh. Cậu ta thích thú nói:

- Tôi nói cho cậu biết, cậu mà thấy dáng vẻ lúc đó của bọn họ, tôi đảm bảo cậu sẽ cười đến không ngậm được mồm....!

Tử Lý không nhịn được nữa, đứng dậy quát:

- Tống Đại Nghĩa, cậu không được nói nữa!

- Tôi cứ nói đấy! Cậu có thể làm gì tôi nào?

Tử Lý không chịu yếu thế, cười nham hiểm:

- Tôi sẽ đi nói cho cả trường biết cậu là gay. Không chỉ cả trường, hễ cậu tán tỉnh ai tôi liền nói cho người đó biết!

Đối với chuyện này, Tống Đại Nghĩa nhạy cảm vô cùng. Chỉ nhắc đến chữ "gay" thôi cũng khiến cậu ta tức chết.

- Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, tôi không phải!

Tử Lý đắc ý, phải hay không tôi cũng mặc kệ cậu, là cậu nhiều chuyện trước. Hà Tịch đỏ mặt im lặng. Dương Minh lại càng thêm tò mò. Lúc này cậu đang nghĩ nếu cậu về đây từ năm ngoái, có lẽ sẽ quen biết bọn cô sớm hơn một năm, sẽ không bỏ qua trò vui kia.

Buổi chiều tan học, Hà Tịch đạp xe một mình trên đường. Phía sau vang lên tiếng còi xe. Dương Minh và Tống Đại Nghĩa đạp xe đi bên cạnh cô. Dương Minh nhìn cô bằng ánh mắt trêu chọc, tựa như có hàm ý: Hoá ra cô cũng có thể làm ra mấy chuyện như thế. Thật phải nhìn cô bằng con mắt khác. Cô vội nhìn sang Tống Đại Nghĩa, cậu ta quay mặt đi, tỏ vẻ vô tội vạ. Cô hỏi Dương Minh:

- Cậu đã nghe được gì rồi?



Vừa rồi bọn họ vẫn luôn ở phía sau cô, Tống Đại Nghĩa nói cho Dương Minh không sót tý nào. Ngày ấy bọn cô ở trên sân khấu, đóng giả thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Làm mấy trò "con bò" khiến cả trường tràn ngập trong tiếng cười. Tuy không mang tính nghệ thuật nhưng đã mất công làm trò hề. Cuối cùng trong tiếng hoan hô của mọi người, cô mặc trang phục của Trư Bát Giới, đeo mặt nạ con lợn đứng trên bục nhận giải.

Hà Tịch như bị sét đánh ngang tai. Kể...kể hết rồi? Tống Đại Nghĩa chỉ sợ cô chưa đủ mất mặt, còn bồi thêm:

- Dương Minh, tôi vẫn còn cuốn phim về buổi thi văn nghệ đó, tối nay gửi cho cậu xem.

Tim cô như muốn nhảy ra ngoài. Sao lại còn có cái này? Cô căng thẳng

- Tống Đại Nghĩa! Cậu...

Cô đắc tội với cậu ta từ bao giờ? Sao cậu ta lại nhắm vào cô thế này? So với việc đứng trước toàn trường tấu hài thì bị Dương Minh thấy dáng vẻ đó còn mất mặt hơn gấp ngàn lần... Tống Đại Nghĩa biết cô đã bị doạ sợ liền cười lớn:

- Đùa thôi. Tôi làm gì có đoạn phim nào?

Cô nửa tin nửa ngờ:

- Thật không?

- Thật mà!

Cô thở phào nhẹ nhõm, hoá ra chỉ là đùa. Nhưng trò đùa này ác quá, mong sẽ không có ai đùa với cô kiểu này nữa. Còn chưa kịp mừng, người kia lại nói:

- Tôi chỉ có mấy tấm ảnh làm kỷ niệm thôi!

- Cậu...

Hà Tịch biết bản thân càng nói càng thêm mất mặt. Nhất quyết đạp xe thật nhanh chạy đi trước. Dương Minh nhìn dáng vẻ hấp tấp của cô, nhàn nhạt nói:

- Cậu làm cậu ấy giận rồi.

- Cậu ấy không hay giận dỗi đâu. Là thẹn quá thôi!

Tống Đại Nghĩa cười ha hả. Dương Minh hứng thú nhìn cậu ta:

- Cậu đi cùng tôi thế này, không sợ người ta hiểu lầm nữa à?

Cậu ta hừ một tiếng. Dương Minh sao lại giống Tử Lý, luôn mang chuyện này ra chọc tức cậu ta. Tử Lý không nói, nhưng cậu cũng là nhân vật chính bị người ta bàn tán, sao lại chẳng bận tâm chút nào vậy? Dương Minh nhếch miệng cười:

- Cây ngay không sợ chết đứng.

Còn Tống Đại Nghĩa phản ứng gay gắt như vậy, cho nên cậu ta không phải "cây ngay" mà là "cây cong".

- Cậu đừng có mà quá đáng đi hùa theo người ta. Cậu không sợ bị đồn lung tung, nhưng tôi thì rất sợ!

Dương Minh chẳng để tâm lắm. Miệng là của người ta, người ta thích nói gì chẳng được. Tự cậu hiểu rõ bản thân là được. Mặc kệ Tống Đại Nghĩa rẽ đi hướng khác, cậu đạp nhanh đuổi theo Hà Tịch. Cô quay lại nhìn cậu hỏi:

- Nhà cậu hình như không phải hướng này?

Dương Minh "ừ" một tiếng. Hôm nay cậu về sớm, định đến phòng tập thể hình một lúc. Hà Tịch cũng thường nghe bọn con trai nói chuyện tập tành này nọ, thỉnh thoảng hai người cũng chung một đoạn đường.

Họ cứ đi như vậy, không ai nói thêm lời nào. Đến một ngã ba, một bà lão không chú ý đèn đỏ đi ngang qua đường, may chiếc xe phía trước kịp phanh lại, không thì đã xảy ra chuyện lớn rồi. Bà lão hoảng đến nỗi làm rơi túi, ngã sụp xuống đất, hoa quả lăn lóc trên mặt đường. Hà Tịch và Dương Minh vội dựng xe, chạy ra giúp bà. Hà Tịch đỡ bà cụ đứng dậy, Dương Minh nhặt mấy quả táo vào trong túi. Người tài xế nọ cũng chạy ra giúp một tay. Xong xuôi còn hỏi han:

- Bà à! Bà có bị thương ở đâu không?

Bà lão vội lắc đầu:

- Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi!

Chú tài xế cũng là một người tốt, nhìn đi nhìn lại không thấy có thương tích gì liền an ủi bà mấy câu, còn dặn dò bà lần sau phải cẩn thận rồi mới rời đi.

Hà Tịch đỡ cái tay run rẩy của bà, có chút thương cảm. Bà nhìn có vẻ mới ngoài sáu mươi, giống như...bà ngoại cô. Họ đưa bà vào trong vỉa hè, bà cụ cảm kích nhìn bọn họ:

- Cảm ơn hai cháu! Bà già rồi, nhiều lúc lẩm cẩm, đi đứng thật là không ra gì!

- Bà đừng nói vậy. Nhà bà ở đâu? Cháu đưa bà về.

Nghe cô nói vậy, bà vỗ vỗ tay cô:

- Sao lại phiền các cháu vậy chứ? Nhà ta cách đây không xa, ta tự về được. Cảm ơn các cháu nhiều!



Dương Minh xách túi hoa quả, gửi xe vào một ngôi nhà bên cạnh, sau đó đi tới nói:

- Không phiền. Để bà về một mình, chúng cháu cũng không đành lòng.

Hà Tịch khó hiểu nhìn cậu. Không phải đi đến phòng tập gym sao? Nếu giờ còn không đi thì sẽ bị muộn đấy.

- Cậu cứ bận của cậu đi. Mình tôi đưa bà về được.

Bà lão nghe vậy liền thúc dục:

- Cháu trai có việc bận thì mau đi đi. Đừng để lỡ việc.

Lại nhìn sang cô bảo:

- Còn cháu, con gái không nên đi về muộn.

Dương Minh không bận tâm nói chỉ là chút chuyện nhỏ, cùng Hà Tịch đưa bà về. Nhà bà cách đó hơn mười phút đi bộ, là một khu dân cư cũ. Những người sống ở đây đa số là tầng lớp lao động tay chân, nhưng lại không hề ảm đạm tiêu điều. Ngược lại có chút gì náo nhiệt, nhà thì đang phơi đồ, nhà thì đang nấu ăn, còn có tiếng quát mắng của phụ nữ, có lẽ là đang dạy dỗ con cái. Giữa sân có mấy đứa nhỏ chơi trò nhảy lò cò. So với sự ồn ã của đường phố ngoài kia, ở đây mang lại cho Hà Tịch cảm giác bình yên hơn. Khi bé cô cũng đã từng sống ở một nơi thế này. Cô có chơi cùng mấy người bạn nhỏ, đôi lúc mải chơi đến nỗi tới giờ cơm tối, người lớn phải chạy đi tìm gọi khắp nơi.

Đứng trước cửa nhà, bà một mực giữ bọn họ ở lại, nhất quyết không để họ về. Hà Tịch khó xử, trong nhà hình như chỉ có hai ông bà, có lẽ cũng thấy cô đơn. Đành gọi điện cho mẹ báo về muộn. Cô hỏi:

- Cậu thì sao?

Dương Minh nhướng mày:

- Thì mau vào thôi.

Trong nhà ngăn nắp gọn gàng. Phòng khách đồ không nhiều, chỉ có kệ, một chiếc tivi và bộ ghế gỗ đã cũ. Bà niềm nở đặt đĩa trái cây lên bàn:

- Hai cháu cứ tự nhiên. Đúng rồi, còn chưa biết tên của hai cháu.

- Cháu là Hà Tịch, cậu ấy là Dương Minh. Chúng cháu là bạn cùng lớp.

Bà gật gù.

- Còn hai cháu cứ gọi chúng ta là bà Châu, ông Châu là được. Hai người chúng ta không sống cùng con cháu. Chúng nó đứa thì bận bịu, đứa thì đi làm xa.

Ông Châu tuy cũng đã già, nhưng tay chân vẫn rất nhanh nhẹn, cứng cáp. Ông vừa nấu ăn trong bếp vừa nói chuyện cùng bọn họ. Hà Tịch và Dương Minh đứng dậy vào trong bếp.

- Hay là để cháu giúp ông nhé?

Ông Châu vội ngăn lại:

- Hai cháu là khách, sao lại để hai cháu vào bếp được chứ!

Dương Minh đứng bên cạnh nói:

- Ông à, khách khứa gì chứ? Chúng cháu là đến xin một bữa cơm của ông bà mà.

Ông Châu cảm thán người trẻ tuổi đúng là nhiệt tình, nói bọn họ cứ tự nhiên nấu nướng rồi ra ngoài xem tivi với vợ.

- Đồ trong tủ, các cháu xem nấu được món gì thì cứ nấu nhé!

Hà Tịch xem trong trảo, món thịt kho còn đang dang dở, cô bắt tay vào làm tiếp. Nhìn từng hành động thành thục của cô, Dương Minh cũng muốn tham gia.

- Tôi giúp được gì không?

Cô hất cằm sang bó rau bên cạnh:

- Rửa giúp tôi.

Cô đang chăm chú quan sát nồi thịt kho. Chẳng trách mẹ cô nói cô nấu ăn không tệ, tuy cậu chưa được nếm thử, nhưng nhìn cách cô nấu ăn có kinh nghiệm như vậy thì liền có cảm giác sẽ là một món ngon.

Dương Minh lúc đang thái rau không thận bị thương. Nhìn vết đứt không to, nhưng ở đầu ngón nên ra kha khá máu. Hà Tịch vội cầm tay cậu đưa vào bồn rửa rửa sạch, sau đó dùng khăn lau khô.

- Giữ lấy, ngăn máu chảy.

Cậu nghe lời, suốt quá trình để mặc tay mình cho cô xử lý. Cậu cảm thấy giờ cô cầm cái tay này ra cắt thêm tý nữa, cậu cũng chả ý kiến đi đâu được. Hà Tịch lấy từ trong túi ra một miếng băng cá nhân, cẩn thận dán lên cho cậu. Dương Minh nhìn ngón tay này mà phì cười. Miếng băng đủ các loại hoạ tiết dễ thương, trông không khác gì trẻ con. Cô hỏi:

- Có đau không?

Cậu lắc đầu. Đứt có tý thế này thì thấm vào đâu? Cậu còn chưa có yếu đuối đến mức đó.