Anh Hùng Lĩnh Nam

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Một tác phẩm về lịch sử có yếu tố kiếm hiệp cực kỳ hay và công phu của Trần Đại Sỹ.
Xem Thêm

Chương 6: Vạn dân nô ɭệ cường quyền hạ
Vạn dân nô ɭệ cường quyền hạ

(Phan chu Trinh, Chí thành thông thánh)

nghĩa là :

Vạn dân phải cúi đầu làm nô ɭệ cho bọn cường quyền

Lên bờ, Ðào Kỳ nói với Tam Trinh:

– Cháu muốn thưa với lão bá một vài câu được không?

Tam Trinh nói:

– Tiểu công tử! Người là tri kỷ của ta thì người muốn nói gì cũng được. Ta chỉ yêu cầu ngươi một điều là đừng nói gì liên quan đến tên quan Hán mà thôi.

Ðào Kỳ định nói với Nguyễn Tam Trinh, xin ông tha cho Nghiêm Sơn. Nguyễn Tam Trinh biết trước, chặn họng nó lại. Nó liếc nhìn Nghiêm Sơn như phân trần với chàng điều đó.

Nghiêm Sơn tỏ vẻ khẳng khái:

– Tiểu sư đệ, ta cảm ơn ngươi đã có lòng tốt với ta. Song ta thấp trí bị người bắt, thì phải chịu. Còn bảo ta van xin đối thủ để được sống, thì không cần đâu. Kẻ sĩ chỉ có thể gϊếŧ được, mà không thể để bị nhục.

Ðào Kỳ ấm ức trong lòng vì nó không được biện luận cho Nghiêm Sơn câu nào. Ðoàn người đi hơn một giờ tới một trang. Ðường cái nối liền với thôn trang là con lộ nhỏ, trồng da^ʍ bụt, hoa nở đỏ chói, rồi tới cái cổng bằng tre, có hai cánh cửa rất lớn. Trang được bao bọc bằng những bụi tre vừa dầy, vừa cao. Ðứng ngoài đường không nhìn thấy nhà cửa bên trong. Hai tráng đinh gác cửa thấy Nguyễn Tam Trinh vội mở cổng, lễ phép cúi chào. Vào trong trang, Ðào Kỳ thấy nhiều nhà lớn san sát, nối nhau xa thăm thẳm. Trước mỗi ngôi nhà, có một đống rơm, hay đống rạ cao như những ngọn đồi nhỏ. Người thôn trang gặp Nguyễn Tam Trinh đều cúi đầu kính cẩn chào, rồi tránh sang bên đường nhường bước. Họ thấy Nguyễn Tam Trinh dẫn Nghiêm Sơn bị trói đi bên cạnh, cũng thản nhiên như không. Ði hơn nửa giờ, Ðào Kỳ thấy phía trước có một cổng nữa. Cổng này làm bằng tre, trên cổng dây thiên lý leo chằng chịt, hoa nở bốc hương thơm ngào ngạt. Nguyễn Tam Trinh chỉ ngôi nhà trong cổng giới thiệu với Ðào Kỳ:

– Ðó là chỗ ở của lão nhà quê này.

Ðào Kỳ liếc nhìn ngôi nhà: Dài năm gian, hai đầu hồi lại có ngôi nhà khác cũng dài bằng ngôi nhà ngang. Trước nhà trồng đủ thứ hoa, cắt tỉa thành những hình con hạc, con nai. Giữa sân là một cái hồ nhỏ, trong hồ trồng sen. Hoa sen giữa thu đã tàn úa. Mấy con ngỗng đang lội dưới ao, thấy người lạ, nghển cổ kêu lên mấy tiếng.

Trong nhà, một thanh niên khoảng 20 tuổi, bước đón Nguyễn Tam Trinh:

– Thưa bố đã về.

Thấy Nghiêm Sơn bị trói, thanh niên hỏi:

– Thằng Hán cẩu này bố bắt được ở đâu đây? Chúng là ai?

Tam Trinh đáp:

– Ta cũng không biết, nhưng võ công nó rất cao cường. Con giam giữ cho cẩn thận. Nhớ cho ăn tử tế, để ta hỏi cung sau. Còn tiểu công tử đây là tri kỷ của ta, con đưa công tử đi hơ quần áo cho khô. Con gọi Giao Chi ra đây.

Lát sau, một cô gái ẻo lả, xinh đẹp đi ra:

– Thưa bố gọi con?

Tam Trinh chỉ Thiều Hoa:

– Cô nương đây là người danh môn chính phái, con cần tiếp đãi cho cẩn thận. Con đưa cô nương vào hơ quần áo.

Ðào Kỳ đi theo thanh niên, nó gạ chuyện:

– Tiểu trang chủ, đại ca tên gì vậy?

Thanh niên đáp chậm chạp:

– Tôi là Tam Nhân, con trưởng trong nhà nên người ta gọi tôi là anh cả.

Tam Nhân dắt Nghiêm Sơn vào căn nhà phía sau. Y mở cửa. Bên trong có khoảng năm, sáu người bị cùm, hai chân xỏ vào một cái gông bằng gỗ. Hai tay xỏ vào chiếc gông khác.

Ðào Kỳ nhìn qua cũng biết họ là người Hán, nó tự nhủ:

– Nguyễn Tam Trinh quả lớn mật thực, bắt giam quan quân người Hán làm gì đây? Ta phải xem xét kỹ, để còn cứu Nghiêm đại ca ra mới được.

Sau khi cùm Nghiêm Sơn, Tam Nhân dẫn Ðào Kỳ vào bếp hơ quần áo. Y sai tỳ nữ mang bọc quần áo của nó ra phơi dùm. Xong y dẫn nó lên đại sảnh đường.

Ðại sảnh đường là một ngôi nhà tre, lợp rạ khá lớn. Các đồ trần thiết bên trong như bàn, ghế, giường, giá vũ khí đều bằng tre. Giữa nhà là chiếc bàn lớn, trên để nhạc cụ: Sáo, nhị, đàn bầu, trống cơm.

Ðào Kỳ khen:

– Lão bá, người thực là kỳ nhân đất Lĩnh Nam. Võ công tuyệt thế thì có người ngang lão bá, những thứ thanh nhã nhàn tản thế này, có lẽ lão bá là người đứng đầu.

Tam Trinh cười:

– Công tử quá khen.

Ðào Kỳ nói:

– Cháu còn nhỏ tuổi, có sao nói vậy, chứ không khách sáo đâu. Chỉ cần nhìn hàng da^ʍ bụt từ đường vào, lối tỉa cắt cực kỳ công phu, trông rõ ràng là hình hai con rồng uốn khúc. Ðuôi ở trong, đầu ở ngoài, chầu ngược đầu vào trong trang. Trên cổng trang hai chữ Mai-động bằng mây quấn lại hun khói đen, không phải ít công phu mà hoàn thành được.

Một lát thêm bốn thanh niên cùng tới với Tam Nhân. Tam Trinh giới thiệu:

– Ðây là năm đứa con của lão phu, tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Ðào Kỳ đứng lên chắp tay hành lễ:

– Ðào Kỳ ở Cửu-chân xin ra mắt Mai-động ngũ hùng.

Thiều Hoa đã cùng Giao Chi tới sảnh đường.

Tam Trinh giới thiệu:

– Lão phu có năm con trai. Chúng đều nối nghiệp nhà làm ruộng, đánh cá và tập chút ít võ nghệ.

Tiểu đồng dâng nước, hoa quả. Ðĩa đựng trái cây bằng tre đan như hình một bông hoa năm cánh. Chén uống nước là ống tre cắt. Ðào Kỳ tiếp chén nước để lên môi nhắp. Nó thấy mùi vị thơm lạ lùng, thử ngẫm nghĩ xem là thứ nước gì? Nhưng đoán không ra. Nó muốn hỏi Tam Trinh thì lại ngập ngừng.

Tam Trinh giới thiệu với sáu người con:

– Các con! Từ ngày bố soạn ra hai khúc nhạc Cổ loa di hận và Trường-hận Trương Chi, đến nay mới có công tử đây là người đầu tiên hiểu được mà thôi. Ở đời tri âm được mấy người, chúng ta mời công tử cùng Hoàng cô nương ở lại đây ít ngày, uống trà, nghe nhạc chẳng thú lắm sao?

Ðào Kỳ biết Tam Trinh lờ vụ Nghiêm Sơn, muốn cho nó và Thiều Hoa nói trước, nhưng nó cương quyết không nhắc tới.

Gia bộc dọn bàn lên, trên bàn chỉ có hai thứ: Cá và thịt gà. Ðào Kỳ liếc qua: Cá nấu ám, cá rán, cá kho và thịt gà luộc. Mùi cá ám, cá rán thơm ngào ngạt. Tam Trinh cùng sáu con mời Ðào, Hoàng vào bàn ăn.

Ðào Kỳ hớp một muỗng nước cá ám, hỏi:

– Thưa lão bá, đây là loại cá gì, cháu chưa thấy qua?

Giao Chi nói:

– Tiểu công tử, đó là cá mè nấu ám với mẻ. Chắc vùng Cửu-chân không có cá mè nên công tử không biết.

Thiều Hoa nói:

– Chúng tôi sống ven bể quanh năm ăn cá bể. Tiểu sư đệ chưa được thấy cá mè bao giờ. Xin sư tỷ cho tiểu muội biết cách làm ám cá mè được không?

Tam Trinh nói:

– Ðược chứ! Ðược chứ! Có gì mà không được. Giao Chi, con nói cách làm ám cá mè cho Hoàng cô nương nghe đi!

Giao Chi chậm rãi nói:

– Hoàng cô nương! Ám cá mè là một món ăn thông thường của đất Giao-chỉ. Cá mè phải từ một năm tới một năm rưỡi mới ngon. Non quá thì nhiều xương, lại tanh, còn già quá thì thịt xác không thơm. Cá đánh vảy sạch đi, nhớ móc hai cái go ở trong mang ra. Go cá mè tanh lắm, để sót lại một chút là hỏng. Còn nấu ám mà vứt đầu cá đi thì lại không ngon. Ðể cá cho khô nước, rán sơ một chút, rồi cho vào nồi. Cứ một phần cá thì ba phần nước. Gia vị gồm có mẻ, mắm tôm. Một con cá mè như vậy thì một miếng mắm tôm bằng ngón chân cái là được. Mắm tôm nhớ đánh cho tan ra rồi hãy đổ vào nồi. Mẻ thì nhiều hơn, gấp ba lần mắm tôm, cho mẻ vào cái rá, đồ lấy hết nước cốt, xác vứt đi. Còn rau nấu với cá là chuối, hoặc chuối non, hoặc bắp chuối hoặc củ chuối non. Nếu là chuối non, thì tước vỏ xanh bên ngoài đi, thái cho mỏng. Củ chuối thì thái mỏng, rồi thái nhỏ ra như những cọng tăm. Bắp chuối thì thái nhỏ như sợi tóc. Dù quả, bắp, củ chuối cũng phải cho vào ngâm với muối khoảng nửa ngày, để cho nước chát thôi ra. Ðổ chuối vào đun với cá, đợi khoảng nửa giờ, thì nhừ. Trước khi bắt ra ăn phải cho rau thơm như thì-là, hay là xương xông thái nhỏ. Cá mè là thứ cá âm hàn, tanh, nên cần có mẻ để chống lại chất độc.

Giao Chi nói đến đâu, Thiều Hoa, Ðào Kỳ nuốt nước miếng đến đó.

Thiều Hoa hỏi:

– Nguyễn cô nương, thế tại sao thịt gà luộc lại phải ăn với lá chanh?

Giao Chi nói:

– Thịt gà luộc khó làm hơn cá mè.

Ðào Kỳ chưa từng vào bếp bao giờ, nghe Giao Chi nói cách làm ám cá mè đã khó, mà lại bảo làm món thịt gà luộc lại khó hơn, nó không chịu:

– Tỷ tỷ, tôi tưởng luộc thịt gà thì có gì rắc rối đâu mà bảo rằng khó hơn nấu ám cá mè?

Giao Chi cười tủm tỉm:

– Công tử nhìn đĩa thịt gà đây: Da gà vàng bóng, không rách lấy một tí. Xương gà bên trong còn lòng đào. Làm thế nào để được như vậy?

Thiều Hoa gật đầu:

– Quả là khó.

Giao Chi tiếp:

– Gϊếŧ gà rồi, nấu nước để làm lông. Khi vặt lông, thì vặt từng túm nhỏ, đừng vặt cả túm lớn, làm rách da. Khi luộc thì nước phải xấp xỉ, vừa ngập gà là đủ rồi. Trước khi luộc cho vào mấy hạt muối, để da gà se lại. Ðợi nước sôi khoảng nhai dập miếng trầu thì tắt lửa. Cái này khó đây, phải tính sao cho gà vừa chín. Luộc kỹ quá thì da gà nát hết. Luộc sống thì ăn không ngon. Gà chín phải vớt ra ngay. Ðể nguội hãy chặt. Chặt thịt gà phải dùng dao sắc, đầu tiên chặt làm đôi, rồi sau chia thân gà làm từng ô một mà chặt. Chặt cần cho nhát dao cắt ngon, nếu phải hai nhát, thịt sẽ vỡ hết. Thịt gà cần ăn với lá chanh, mới có mùi vị thơm. Thịt gà ăn vào hay sinh phong, cho nên cần ăn với lá chanh vừa thơm, vừa chống phong ngứa. Ðất Giao-chỉ có câu ca như thế này:

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

Con chó khóc đứng, khóc ngồi,

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Ðó là bài ca bông đùa, nhưng nói lên rằng: Thịt gà cần ăn với lá chanh. Thịt lợn cần có hành mới thơm. Còn riềng là gia vị trọng yếu để ăn thịt chó.

Ăn xong, chủ nhà mời khách ăn tráng miệng với chuối tiêu.

Trăng đã lên cao ở phía đông. Tam Trinh đứng lên:

– Lão phu còn mấy khúc nhạc nhờ Ðào tiểu công tử phẩm bình dùm.

Ông ngoắt tay, thì sáu người con, mỗi người ôm một thứ nhạc khí ra. Tam Nhân ôm cái trống cơm, Tam Nghĩa ôm cây đàn nhị. Tam Lễ ôm cây đàn bầu, Tam Trí ôm ống tiêu, Tam Tín ôm cặp sênh. Giao Chi cầm cặp phách.

Tam Trinh đánh nhịp một cái, cả năm thứ nhạc cụ đều tấu một lượt. Tiếng sên lanh lảnh, tiếng trống bập bùng, tiếng nhị dài dằng dặt, tiếng tiêu véo von, tiếng phách gọn gàng, tiếng đàn bầu trầm ấm. Tấu một lúc rồi ngừng lại.

Tam Trinh hỏi:

– Ðào tiểu công tử, xin công tử phẩm bình cho!

– Khúc nhạc này dài quá nhỉ! Có lúc như tiếng sóng vỗ, có lúc như gió vờn qua mặt nước, có lúc dồn dập như trời mưa, lại có lúc lên cao như trăng rằm, rồi nhẹ nhàng như mối tình nhu thuận. Âm điệu tao nhã, thảnh thót cao kỳ. Dường như lão bá dùng để tế lễ các bực tổ tông thì phải.

Cả sáu người con đều oà lên một tiếng, gật gật đầu.

Tam Trinh nói:

– Ðúng, đây là khúc Ðộng-đình ca. Khúc này chúng tôi dùng để tế quốc tổ. Khúc hát diễn tả ngày xưa Lạc-Long quân đến hồ Ðộng-đình cầu hôn với quốc mẫu Âu-Cơ. Người nghe mà hiểu được sóng vỗ, gió vờn, đượm nhu tình. Ðào tiểu công tử! Người là đệ nhất tri kỷ của ta. Hôm nay bèo mây gặp đây, hậu hội hữu kỳ. Ðã là tri kỷ, ta sẽ tiễn người đi. Khi nào có dịp, xin ghé tệ trang, ta lúc nào cũng chờ đón người. Còn tên quan Hán thì không thể cùng đi với công tử được. Nó là ai vậy?

Thiều Hoa nói:

– Lão bá, y là người Hán, nhưng y không phải là người tàn ác. Y là người võ lâm hiệp sĩ... Y đã giúp đỡ tiểu nữ trong nhiều lần hoạn nạn. Xin lão bá rộng dung cho tính mạng của y.

Tam Trinh nói:

– Ðược, ta phải hỏi cung nó đã. Nhân con, mang nó lên đây.

Lát sau Nghiêm Sơn bị dẫn lên đại sảnh.

Chàng hiên ngang nói:

– Ta đã đối chưởng với người, thấy rõ ràng ngươi là một đại tôn sư võ học của Giao-chỉ. Tại sao ngươi lại dùng thủ đoạn hèn hạ, dìm ta dưới nước để bắt? Ta không phục.

Tam Trí nói:

– Thế thì trước kia, người Hán các ngươi dùng Trọng Thuỷ ăn cắp Âu-lạc tam bảo, rồi lợi dụng tình yêu của Mÿ Châu để chiếm nước ta thì anh hùng hơn chăng?

Nghiêm Sơn nói:

– Triệu Ðà, Trọng Thủy là những đứa hèn hạ, võ nghệ tầm thường, chỉ biết có phú quý. Chưa từng làm người nghĩa hiệp. Ngươi không thể coi tất cả người Hán đều là Triệu Ðà, Trọng Thuỷ. Cũng như ta không thể coi các ngươi như bọn Phong-châu song quái.

Tam Nghĩa nói:

– Nói như vậy là các hạ là người hiệp sĩ giang hồ đấy! Ðã là hiệp sĩ giang hồ sao lại sang đất Âu-lạc chúng ta để cướp bóc, gϊếŧ người tàn bạo?

Nghiêm Sơn cười gằn:

– Ta đến Âu-lạc gần một năm, chưa từng gϊếŧ một người Việt, chưa từng cướp của ai một hột gạo. Thanh kiếm của ta đã từng nhuộm trước sau trên 30 tên Hán tàn bạo. Ha... ha... như vậy không đủ sao?

Tam Trinh nhìn Ðào Kỳ hội ý.

Ðào Kỳ quỳ xuống trước mặt Tam Trinh:

– Chúng cháu tội đáng chết, xin lão bá ân xá.

Tam Trinh nâng Ðào Kỳ dậy, rồi hỏi:

– Tiểu công tử có gì cứ nói.

Ðào Kỳ thưa:

– Thưa lão bá, cháu chính là con út của Ðào lạc hầu đất Cửu-chân. Sư tỷ cháu là tam đệ tử của bố cháu.

Rồi nó kể lại tất cả mọi biến cố cho Tam Trinh nghe. Nhưng nó chỉ nói phớt qua Nghiêm Sơn là một chức võ quan tầm thường cấp lữ trưởng, và dấu tên chàng.

Tam Trinh nói với Nghiêm Sơn:

– Lòng người nham hiểm, khó lường. Thôi được, ngươi đã cứu Ðào Kỳ, Thiều Hoa, thì ta thả ngươi ra. Nếu ngươi muốn mang quân Hán đến đây đánh ta, thì ta cũng không sợ đâu. Tam Tín, con thả y ra.

Tam Tín cởi trói cho Nghiêm Sơn, mang hành lý và ngựa ra trả.

Tam Trinh vẫy tay:

– Thôi ngươi cứ đi đi. Người Việt chúng ta quang minh, lỗi lạc. Ngươi cứu Thiều Hoa, Ðào Kỳ thì ta thả ngươi, thế là hòa.

Nghiêm Sơn nhìn Thiều Hoa muốn nói gì, nhưng lại thôi. Y lên ngựa ra đi.

Tam Nghĩa nói:

– Ta dẫn đường cho ngươi tới huyện đường Long-biên.

Nói rồi y lên ngựa đi cùng Nghiêm Sơn.

Ðợi Nghiêm Sơn đi khỏi rồi, Tam Trinh mới nói:

– Các cháu còn trẻ người, thiếu kinh nghiệm. Không lẽ chỉ một vài hành động như thế, các cháu đã tin họ tốt bụng ư? Muôn đời người Hán vẫn là người Hán, họ chẳng tử tế gì với mình đâu. Gã này là một đại quan người Hán. Hắn có gϊếŧ quan lại tham ô người Hán là để thay vua Hán, xử tội kẻ dưới mà thôi. Biết đâu hắn chẳng lợi dụng các cháu để hiểu biết hết nội tình người Việt chúng ta? Ta thả hắn ra, rồi theo dõi, nếu hắn dẫn quân Hán tới đây, chúng ta quyết đánh một trận rồi bỏ ấp này ra đi. Còn hắn không trở lại, thì hắn quả là người tốt như cháu nói.

Thiều Hoa nói:

– Trước trận đánh, sư phụ cháu có nói rằng sau này dù thắng dù bại, ai sống sót đều tụ về Cổ-loa. Từ đây đến Cổ-loa không xa, lão bá có được tin tức gì của sư phụ cháu không?

Tam Trinh nói:

– Ta đã cho người về Cổ-loa dọ thám, nhưng tuyệt không thấy tin tức gì cả. Không một người Ðào trang, Ðinh trang về tới nơi. Hà... không biết hiện giờ họ ở đâu?

Tự nhiên Tam Trinh ôm ngực nhăn nhó.

Tam Nhân hỏi:

– Bố, bố, sao vậy?

Tam Trinh xua tay tỏ dấu im lặng. Ngồi xếp bằng, nhắm mắt vận khí, lát sau ông khạc ra một búng máu tươi, mặt hồng hào lên:

– Tên quan Hán võ công thực cao thâm. Bình thường giao đấu, ta không phải đối thủ của hắn. Lúc nãy trên thuyền, ta quen thuỷ tính, mà đấu với nó hai chưởng, còn cảm thấy thua sút. Từ bấy giờ đến bây giờ, trong ngực còn ngấm ngầm đau.

Ðào Kỳ nói:

– Lão bá có biết Phong-châu song quái không? Nhị quái võ công như thế mà còn thua y đấy.

Tam Trinh nói:

– Ta nghe đồn trong hàng ngũ quan lại người Hán có Nghiêm Sơn nổi tiếng là Quế-lâm thần kiếm, cùng với Hợp-phố lục hiệp là những người Hán nổi danh nghĩa hiệp. Họ sang Lĩnh-nam làm quan, nhưng khác hẳn với bọn tham ô, chỉ biết vơ vét. Họ thường ra tay nghĩa hiệp giúp dân. Võ công họ cực cao. Không biết tên quan Hán này có liên quan gì đến Nghiêm Sơn với Hợp-phố lục hiệp không?

Thiều Hoa liếc nhìn Ðào Kỳ không nói gì.

Bỗng Nguyễn Tam Trinh hỏi Ðào Kỳ:

– Cháu có mang theo cây đồng côn tám cạnh. Ai đã cho cháu cây côn đó? Cháu có thể kể cho ta nghe được chăng?

Ðào Kỳ thuật lại tỉ mỉ tất cả những biến cố tại đền thờ Cao Nỗ cho ông nghe. Kỳ là con út một danh gia, cha nó Ðào lạc hầu là người nổi tiếng về đạo đức, ông dạy con rất cẩn thận. Nó lại là đứa trể thông minh, học văn, học võ đều thành, do vậy nó rất nể trọng những người đạo đức. Giữa lúc trên đường lưu lạc vì nhà tan cửa nát, nó được gặp Nguyễn Tam Trinh. Hàng ngày, cha, cậu nó khi đề cập đến võ lâm, thường ca tụng không hết lời tám vị Thái-bảo phái Sài-sơn, có đời sống ẩn dật như tiên. Khi hành sự với đời, thường lấy đạo lý làm căn bản. Cho nên nói chuyện với Nguyễn Tam Trinh, nó thấy ở ông toả ra nét hào hùng, đạo đức tuyệt vời, khiến nó kính trọng, và kể sự thực, không dấu diếm gì.

Sau khi kể xong, nó hỏi:

– Lão bá! Xin lão bá chỉ rõ cho cháu về cây gậy này. Khi Phong-châu song quái bắt cháu đi thì bắt cả cây côn theo. Cháu định sau này có dịp đem lại đền Cao-cảnh hầu trả lại.

Tam Trinh gật đầu:

– Cây đồng côn này ngày xưa của Phù-đổng Thiên-vương đánh giặc Ân. Các vị vua Hùng giữ làm quốc bảo. Sau Sơn Tinh được làm phò mã, thì ngài truyền cho ông. Thời An-Dương vương lấy nước Văn-lang, cây đồng côn đó về Vạn-tín hầu Lý Thân. Lý Thân truyền cho Cao Nỗ. Vì có duyên với cây côn, nên Song-quái bắt cháu thì bắt, nhưng sao lại mang cả côn theo... Rõ ràng là cháu có phúc phận hưởng thì di vật tiền nhân mới về tay cháu. Ta tin rằng cây đồng côn này sẽ giúp cháu nhiều, cháu chớ để mất.

Thiều Hoa hỏi:

– Thưa bác cháu nghe nói: Phù-đổng Thiên-vương là một đứa trẻ tám tuổi, chưa biết nói. Một hôm có sứ vua đi tìm người đánh giặc Ân, tự nhiên nói được, xin mẹ mời sứ vào. Ngài tình nguyện đánh giặc. Ngài bảo sứ về tâu với vua, làm một con ngựa sắt, một cây gậy sắt, đem đến. Ngài lại xin thổi thực nhiều cơm, ăn xong, vươn vai một cái lớn gấp đôi người thường. Ngài vỗ bờm, ngựa sắt phun lửa, phi như bay. Sau khi gϊếŧ hết giặc, ngài lên núi Sài-sơn rồi biến mất. Cháu tưởng đó là chuyện hoang đường, không ngờ là thực sao?

Tam Trinh giảng:

– Không phải như vậy đâu. Phù-đổng Thiên-vương là một võ sư đương thời. Ngài luyện võ, nên gần như không nói với ai, người đời đùa rằng ngài câm. Năm 24 tuổi, ngài ứng lời gọi của vua đi đánh giặc Ân. Hết giặc ngài lên núi Sài-sơn ẩn thân tiêu dao mây nước, tập võ. Ngài chế ra phép đánh trượng, sau Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung thêm vào thành Thục gia trượng pháp, mà giòng họ Ðào cháu còn lưu truyền. Ngài còn chế nhiều pho quyền cước, đao, kiếm lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ngài quy tiên, thì đệ tử đời đời lưu truyền thành phái Sài-sơn. Ta chính là hậu duệ của ngài. Phái Sài-sơn của ta, võ nghệ không bằng phái Tản-viên, Long-biên và Cửu-chân nhà cháu, vì chúng ta phải học nhiều thứ: Cưỡi ngựa, trồng cây, âm nhạc. Sở dĩ chúng ta được người đời biết đến, vì theo chủ trương của Thiên-vương, tiêu dao tự tại, lấy trời đất, mây nước vui hạc nội mây ngàn, không thích công danh. Giúp đời mà không cần đòi báo đáp.

Khi An-dương vương thắng Hùng-vương, Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung bắt được cuốn phổ chép tất cả võ công của Phù-đổng Thiên vương và phò mã Sơn Tinh. Nhưng các ngài tự cao là người thắng trận, không chịu tập võ nghệ của kẻ bại trận. Vạn-tín hầu Lý Thân lấy tất cả võ công của Sơn Tinh đem nghiên cứu, tìm ra những chiêu thức phá các chiêu thức đó. Như Phục-ngưu thần chưởng có 36 thức Dương cương, ngài chế ra 36 thức Âm nhu, để chống lại. Như thức Dương cương tên là Ngưu thực ư dã, ngài vẫn để nguyên tên như vậy, thành ra một thức chưởng có hai lối phát chiêu khắc chế nhau, mang cùng một tên. Người nào luyện được cả Âm lẫn Dương thì chiêu trước phát theo Dương cương, chiêu sau phát theo Âm nhu. Người nào nội công cao cường thì tay phải phát Dương cương, tay trái phát Âm nhu.

Ðào Kỳ như bước vào thế giới mới lạ về võ thuật, nó hỏi:

– Nếu như có người nào tay phải phát chiêu Dương cương, tay trái phát chiêu Âm nhu, nhưng hai chiêu khác tên, thì người đó phải là anh hùng vô địch.

Nguyễn Tam Trinh nói:

– Vạn-tín hầu Lý Thân đã làm được điều đó. Khi ngài đấu với những võ tướng bật nhất của Tần Thuỷ Hoàng, ngài thắng họ nhờ lối phát chưởng này.

Thiều Hoa hỏi:

– Thưa lão bá, nếu bây giờ có ai tay trái phát Dương cương, tay phải phát Âm nhu, rồi thình lình tay trái phát Âm nhu, tay phải phát Dương cương thì Âm, Dưong biến hoá sẽ thành thế gian vô địch.

Nguyễn Tam Trinh thở dài:

– Ta nghe đồn rằng học trò của Ðào-hầu, người nào cũng xuất chúng. Nghe cháu hỏi, ta mới thấy thẹn rằng chưa bao giờ mình nghĩ đến. Ta biết trên đời này chưa có ai làm được điều đó. Hy vọng sau này, hậu thế có người tài trí hơn, tìm ra cũng nên.

Ðào Kỳ nói:

– Thưa bác, bố cháu thường nhắc tới các phái Sài-sơn, Tản-viên, Hoa-lư, Cửu-chân và Long-biên. Ngoài ra còn nhiều Lạc-hầu, Lạc-tướng cũng định lập một phương như môn phái. Cháu không hiểu nguồn gốc các phái ấy như thế nào? Võ công của họ khác nhau ra sao?

Tam Trinh đáp:

– Nói về nguồn gốc các phái võ của người Việt thì rất giản dị. Khởi thuỷ không có môn phái nào cả. Sau khi Phù-đổng Thiên-vương đánh giặc Ân rồi, ngài lên Sài-sơn ẩn dật, dạy dỗ đệ tử. Ðời này truyền đời khác, đến nay vẫn còn lưu giữ tên Sài-sơn. Võ của ngài thiên về Dương cương, sở trường về đánh roi, đánh gậy. Tuy nhiên các môn võ công khác cũng có. Ðến khi vua Hùng ra lệnh mở võ đài tuyển người võ giỏi nhất làm phò mã, thì Hoá Ðức tức Sơn Tinh thắng khắp anh hùng thiên hạ mà được diễm phúc. Từ đấy Sơn Tinh mở trường dạy học ở núi Tản-viên mà thành phái Tản-viên. Khi An-Dương vương thắng Hùng-vương, các Lạc-hầu, Lạc-tướng phiêu bạt khắp nơi, mạnh ai nấy lập môn hộ, nên có nhiều phái. Nhưng các Lạc-hầu, Lạc-tướng nguyên đều xuất thân ở Sài-sơn, võ công có hơi giống nhau. Các ngài mới hội nhau lại thống nhất kỹ thuật. Rút cuộc còn hai phái trên. Khi An-Dương vương tự vận ở Cửu-chân, các tướng sĩ theo hộ giá có ba nguồn gốc: Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung. Các tướng được An-Dương vương dặn dò ẩn náu, nuôi chí đợi thời phục quốc. Họ thu đệ tử, truyền võ, do vậy truyền nhân của Cao-cảnh hầu là phái Hoa-lư. Truyền nhân của Vạn-tín hầu Lý Thân là phái Long-biên. Truyền nhân của Trung-tín hầu là phái Cửu-chân. Âu-lạc thắng Văn-lang, nên phái Sài-sơn, Tản-viên chống lại Âu-lạc. Ðến khi Triệu Ðà chiếm Âu-lạc, thì các truyền nhân của Văn-lang, như Tản-viên, Sài-sơn họp với các phái của Âu-lạc là Long-biên, Cửu– chân, Hoa-lư chống Triệu. Triệu bị gϊếŧ, con cháu họ lập phái Quế-lâm. Ngày nay các võ phái Văn-lang, Quế– lâm cùng chung hận vong quốc, họp nhau lại thành võ học Lĩnh-nam chống Hán phục Việt...

Ðào Kỳ than:

– Võ phái hiện có sáu, còn các gia, các phái cũng không ít, ai cũng xưng hùng, xưng bá hết. Theo ý lão bá thì phái nào võ công cao nhất?

Tam Trinh lắc đầu:

– Khó có thể quyết định được. Võ công Tản-viên thì thiên về Dương cương, võ công Sài-sơn thì khi nhu khi cương. Võ công Long-biên thì nhu hoàn toàn. Võ công Cửu-chân, Hoa-lư thì dương cương thuần tuý.

Ðào Kỳ reo lên:

– Cháu hiểu rồi. Như vậy nếu tập trong vòng ba năm đến năm năm thì người đệ tử Âu-lạc ta dễ thành công hơn người của Văn-lang. Còn tập từ năm năm trở đi, thì võ công Văn-lang sẽ hơn Âu-lạc.

Tam Trinh gật đầu:

– Ðúng như vậy.

Tam Lễ hỏi:

– Ðào tiểu sư đệ, ta không hiểu nguyên lý đó.

Ðào Kỳ nói:

– Thế này nhé, nếu một đệ tử tập võ trong vòng ba đến năm năm thì có thể học hết các chiêu thức của môn hộ. Nếu họ học võ công Âu-lạc thiên về lấy nhanh thắng chậm thì họ thắng được đệ tử Văn-lang. Nhưng sau đó nếu họ tập thêm từ bảy năm trở đi, thì không còn tập chiêu thức nữa mà chỉ luyện nội công, vậy công lực ai mạnh thì người đó thắng. Các cao nhân chỉ đấu với nhau một hai chiêu là đã biết được ai thắng, ai bại rồi. Mà võ công của Văn-lang thiên về dương cương, thì đánh chậm mới phát huy được hết sức mạnh, nên họ thắng.

Tam Trinh tiếp:

– Sáu đại môn phái cứ năm năm họp nhau một lần để trao đổi kinh nghiệm. Nói là trao đổi, chứ thực sự là để đấu với nhau, tranh giành danh tiếng để xem phái nào vô địch thiên hạ. Lần đấu cuối cùng là năm ngoái, họp nhau ở núi Ngũ-lĩnh, võ công đệ nhất về phái Tản-viên, đệ nhị về phái Long-biên, còn đệ tam thuộc về phái Cửu-chân nhà cháu.

Thiều Hoa nói:

– Dường như thể thức đấu, không đơn đấu mà song đấu thì phải?

Tam Trinh lắc đầu:

– Không hẳn thế, cứ một lần song đấu, một lần đơn đấu. Lần cuối cùng là song đấu. Hai người của phái Tản-viên là Nguyễn Thành Công và Ðặng Thi Kế quả thực là anh hùng, đánh thắng năm môn phái đoạt chức thiên hạ võ công đệ nhất. Phái Long-biên thì Nguyễn Trát và Phan Ðông Bảng đoạt đệ nhị võ công thiên hạ, về đệ tam thuộc phái Cửu-chân thuộc Cửu-chân song kiệt là sư phụ, sư thúc cháu.

Ðào Kỳ gật đầu:

– Bố và cậu cháu thường khâm phục tám vị Thái-bảo phái Sài-sơn, mà không phục các vị cao nhân của những phái kia, vì cho rằng đạo đức mới đáng khâm phục.

Tam Trinh nói:

– Ðúng đó, sau khi đoạt Lĩnh Nam võ công đệ nhất, thì phái Tản-viên xảy ra biến cố, đệ tử của Nguyễn Thành Công là Phong-châu song quái phản sư môn, gây không biết bao nhiêu tai vạ cho giang hồ. Nguyễn tiên sinh bỏ đi mất tích. Còn Ðặng Thi Kế thì truyền chức chưởng môn cho Thi Sách rồi quy ẩn. Thi Sách tuy là người hùng tâm, có chí khí anh hùng, nhưng võ công lại không hơn Song-quái. Phái Quế-lâm thường không được chúng ta coi là người Việt, nên họ hợp tác với người Hán, trong giới quan lại Giao-chỉ có nhiều người thuộc phái này. Nghiêm Sơn là một trong những người của phái Quế -lâm đó. Sự thực thì thái thú Cửu-chân là Nhâm Diên, thái thú Giao-chỉ là Tích Quang vốn là người đọc sách, gian hùng xảo trá, một mặt họ đem lễ nghĩa người Hán dạy cho Man di để muốn đồng hoá chúng ta với họ, nhưng dưới lớp áo đạo đức. Vì vậy có nhiều người của sáu môn phái ra làm tay sai cho họ. Chỉ có phái Hoa-lư là còn nguyên chí khí, còn phái Cửu-chân, có chín nhà thì hết năm nhà theo chúng làm quan, hai nhà thân thiện với chúng, chỉ có hai nhà Ðào, Ðinh không theo, bị chúng đánh phá.

Thiều Hoa thở dài:

– Phái Long-biên có ai theo Hán không?

Tam Trinh gật đầu:

– Trong năm đại môn phái của người Việt thì phái Long-biên có mầm mống chia rẽ đáng sợ nhất. Cách đây mấy năm, chưởng môn Nguyễn Phan tự nhiên mất tích. Năm người đệ tử của ông không ai phục ai, cũng tranh giành chức chưởng môn. Cuối cùng đi đến đấu võ giải quyết. Nguyễn Thuật thắng sư huynh, sư đệ lên làm chưởng môn., sư huynh là Lê Nghĩa Nam, sư đệ là Hoàng Ðức Tiết, sư muội là Mai Huyền Sương bỏ ra đi, theo người Hán. Nguyễn Thuật làm chưởng môn được mấy năm thì chết, con của ông là Nguyễn Trát lên kế vị. Cái đại hoạ trước mắt là nếu sư bá, sư thúc của ông trở lại giành chức chưởng môn, thì ông không phải là đối thủ của họ.

Ðào Kỳ nhớ lại lời bố dạy hôm ông dẫn nó lên đền thờ An Dương vương chơi, rằng người Việt hiện đông gấp mấy người Hán, mà chịu để người Hán cai trị, vì người Việt không đoàn kết được với nhau. Nếu nhất tề nổi lên, cứ 100 người Việt, đánh một người Hán, thì chỉ trong sớm tối, đất nước này sẽ sạch bóng quân thù. Ðào trang sở dĩ bị đánh phá vì có đến bảy trang không đi cùng đường. Tuy nhiên nó cũng còn tự an ủi rằng, ngoài Cửu-chân ra, thì các đại tôn sư của hầu hết môn phái đều vẫn vẫn nuôi chí phản Hán phục Việt như Ðào trang.

Nó nói với Tam Trinh:

– Vì bị người Hán mua chuộc, xen vào gây mâu thuẫn nên các phái đều có nạn chia rẽ. Duy chỉ có phái Sài-sơn là hoàn toàn đạo đức, nghĩa hiệp. Võ công cao mà chi? Ðạo đức là hơn hết. Ngày mai chúng cháu đi Cổ-loa, xin lão bá ban cho ít lời dạy bảo.

Tam Trinh nghĩ một lát rồi nói:

– Ðược, ngày mai ta sẽ cho Tam Tín, Giao Chi đi cùng với hai cháu. Nhất thiết khi đi đường, các cháu không được lên tiếng, vì các cháu nói tiếng đàng trong nặng lắm, lên tiếng người ta chú ý thì khó khăn vô cùng.

Ðào Kỳ thưa:

– Bố cháu nói, người chú của cháu là Ðào Thế Hùng, cách đây bảy năm ra lập nghiệp ở Cổ-loa, nên trước trận đánh cảng Bắc xảy ra, bố cháu dặn chúng cháu rằng nếu bị lạc nhau thì tụ tập về đấy. Cổ-loa với Mai-động không xa, chắc lão bá có nghe biết về chú của cháu?

Tam Trinh lắc đầu:

– Anh hùng khắp vùng này, ai mà ta không biết. Ta chưa từng nghe nói đến một người họ Ðào nào cả. Có lẽ chú của cháu đã đổi tên, đổi họ đi chăng?

Sáng hôm sau anh em Tam Tín, Giao Chi cùng Thiều Hoa, Ðào Kỳ lên đường sớm. Huyện lÿ Long-biên là trung tâm điểm của đất Giao-chỉ, dân cư đông đúc, phố xá nhộn nhịp, ngựa xe tấp nập. Ðào Kỳ tính còn trẻ con, ngây người ra nhìn. Buổi trưa, cả bọn người dừng lại chợ Long-biên ăn quà. Ðào Kỳ thấy bún chả ăn với rau muống chẻ thơm ngon, nó ăn ba bát, bụng căng ra mà miệng vẫn còn muốn ăn.

Giao Chi nói nhỏ:

– Chúng ta đi Cổ-loa trở về, chị sẽ làm cho em ăn một bữa no đến vỡ bụng thì thôi. Bún chả họ làm ở đây không ngon bằng mình làm.

Ðào Kỳ biết Giao Chi là người có tài nấu nướng, mấy ngày ở Mai-động nó được ăn đủ các thứ miền Bắc. Những món Giao Chi cho nó ăn toàn là món thông thường của địa phương, chỉ nhờ vào hoa tay của nàng mà trở thành ngon. Nó tán đồng:

– Em mà ở với chị một năm, thì em sẽ lớn gấp hai ngay.

Tự nhiên chợ nhốn nháo, vì một đội quân Hán đang đi qua. Người nào không tránh kịp là chúng dùng roi quất vào đầu túi bụi. Bọn quân Hán dẫn sáu người Việt bị trói, người nào mình cũng đầy máu me. Trong toán có đứa bé gái tám tuổi, mặt trông rất khả ái, cũng bị điệu đi khóc lóc thảm thiết. Người đàn bà đi sau cùng, vấp vào mô đất giữa đường, nàng ngã chúi về trước, tên quân Hán lấy roi quất túi bụi vào người nàng. Người đàn bà khốn nạn đau đớn lăn lộn dưới đất kêu la, ai nghe thấy cũng mũi lòng. Nhưng tên quân Hán vẫn quất roi liên tiếp.

Ðứa bé gái nằm úp sấp lên người đàn bà, dùng lưng chịu những roi đòn cho mẹ. Tên quân Hán càng ra roi mạnh hơn. Ðứa bé đau quá hoá cộc. Nó nhảy phắt dậy, túm cánh tay tên quân Hán cắn mạnh. Tên quân Hán đau quá, buông roi, tát mạnh vào mặt đứa bé. Ðứa bé ngã lăn ra đất. Cánh tay tên quân Hán bị nó cắn đứt một miếng thịt, máu chảy ròng ròng. Tên quân Hán rút đao trên lưng nhắm đứa bé đâm một nhát. Người mẹ thấy con sắp chết, nhảy lên đưa ngực đỡ đao cho con. Lưỡi đao cắm ngập vào ngực nàng. Tên quân Hán rút đao ra, ngực nàng phun máu loang đầy đất.

Tên quân Hán đang hăng máu, vùng đao chặt đầu đứa bé. Mọi người đều rú lên kinh hoàng.

Ðào Kỳ giận run lẩy bẩy, không chịu được nữa. Nó rút kiếm phóng ra đỡ thanh đao của tên lính Hán đến choang một cái. Thanh đao rớt xuống đất. Thuận tay Ðào Kỳ cắt dây cởi trói cho bé gái. Ðứa bé ôm lấy mẹ la lớn:

– Mẹ ơi! Mẹ chết thực à?

Ðào Kỳ khoa kiếm mấy vòng, đẩy lui đám Hán quân, rồi cắt đứt dây trói cho tất cả mấy người. Nó hô lớn:

– Chạy mau đi!

Ðám quân Hán đã rút vũ khí ra vây lấy Ðào Kỳ. Ðào Kỳ khoa kiếm cứ mỗi chiêu, một tên chết. Tên Ngũ trưởng, thấy bên mình chết hết, y la lớn lên rồi phi ngựa trốn. Dân chúng thấy vậy bỏ chạy tứ tán.

Nguyễn Tam Tín nói:

– Ðệ đệ ơi, em đã gây tai hoạ như vậy, phải chạy mau đi mới thoát, không thì quân Hán kéo ra bây giờ, chúng ta chết hết.

Ðào Kỳ bồng bé gái để lên ngựa, rồi cả bốn phóng đi. Khi đã chạy xa khỏi thị trấn, Ðào Kỳ ngừng lại, xem xét đứa bé thấy chỉ bị thương nhẹ, không có gì đáng lo.

Thiều Hoa hỏi nhỏ:

– Em tên gì?

Ðứa bé nói:

– Em không có tên, vì em thích mặc đồ tím nên người ta gọi em là bé Tiá.

– Tại sao bọn Hán lại bắt em?

Tía khóc nức nở:

– Quan huyện uý thấy mẹ em xinh đẹp, ra lệnh cho chúng bắt về huyện để hầu hạ. Bố mẹ em không chịu, kháng cự lại, chúng kéo đến thực đông, đốt nhà, gϊếŧ bố em, bắt mẹ em, bắt cả em và mấy người hàng xóm.

Nói rồi nó khóc thảm thiết.

Ðào Kỳ đề nghị:

– Chị Giao Chi à! Tía hiện tứ cố vô thân, chị đưa Tía về nhà trước, để hai bác trông coi nó. Còn anh Tín đi với chúng em được rồi.

Giao Chi bế Tiá lên ngựa phi đi. Còn lại ba người tiếp tục lên đường. Ðang đi thì gặp một toán quân Hán đi ngược chiều, ước khoảng 50 người, phía sau có tiếng ngựa hí, quân reo.

Thiều Hoa hỏi:

– Trước có giặc, sau có giặc, chạy đâu bây giờ?

Kỳ khẳng khái:

– Chúng ta quyết chiến rồi tìm đường tẩu thoát. Em là trẻ con không đáng sợ, còn anh Tín và sư tỷ phải trốn cho lẹ.

Tam Tín quát lên:

– Ta nhất sinh là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Há để cho đệ đệ phải chết một mình sao? Ta ở lại với đệ.

Ðám Hán quân đến, có cả mấy tên bị đánh đuổi hồi nãy, chúng hô lớn:

– Bọn man cẩu kia, chịu trói đi.

Ðào Kỳ cười ha hả đứng im:

– Các người cứ tiến đến mà bắt.

Bọn Hán ỷ đông kéo tới. Ánh thép lấp loáng hai tên Ngũ trưởng đi đầu trúng kiếm vào ngực, ngã lăn xuống đất.

Ðào Kỳ reo lên:

– Sư tỷ, kiếm thuật sư tỷ nhanh quá.

Quân Hán reo hò, bao vây xung quanh, không dám tiến lại gần.

Ðào Kỳ chỉ con sông nhỏ cách đó không xa:

– Chúng ta chạy ra đó.

Nói rồi phóng ba kiếm liền, bọn quân Hán dãn ra, ba người chạy về phía bờ sông.

Ðào Kỳ hô:

– Nhảy xuống sông, lội sang bên kia.

Thiều Hoa, Tam Tín nhảy xuống nước rồi. Ðào Kỳ định nhảy theo, thì một ánh đao loáng bay đến. Nó vội rút kiếm đỡ, choảng một tiếng, tay nó tê dại, đau nhức vô cùng. Kiếm gần rơi xuống đất. Nó biết gặp đối thủ lợi hại, vội trầm người xuống đâm lại phía sau. Bây giờ nó mới quay lại nhìn đối thủ, y mặc quân phục người Hán. Y tránh thế kiếm dễ dàng rồi hỏi:

– Ngươi sử dụng kiếm pháp Cửu-chân, vậy ngươi có liên hệ gì với họ Ðào không?

Y nói tiếng Việt rất sõi, thì ra y không phải người Hán. Ðào Kỳ không trả lời, đâm một kiếm vào ngực y. Y không thèm đỡ, trầm người tránh, đưa hai ngón tay bắt lấy kiếm. Ðào Kỳ hoảng hồn, không ngờ trên thế gian có người lại dùng hai ngón tay kẹp được kiếm của nó. Nó buông kiếm nhảy xuống sông, lặn đi. Nhưng nó không bơi được, vì vướng vào một cái lưới cá, ai chụp lên người nó. Bọn quân Hán reo hò, kéo lưới lên, trói nó lại.

Người cầm đầu quân Hán chính là cao thủ bắt kiếm của Kỳ. Y ra lệnh:

– Không được đánh đứa trẻ này, đưa về huyện cho ta hỏi cung.

Nói rồi y nhảy lên ngựa, tay cầm cây gậy tám cạnh và thanh kiếm của Ðào Kỳ ngắm nghía không ngừng.

Ðào Kỳ tức quá chửi:

– Ta thấy võ công của ngươi cũng vào hạng đại tôn sư, không ngờ ngươi cam tâm làm tôi tớ cho Hán. Thực đáng tiếc! Ngươi có thể cho ta biết tên họ được không?

Ngươi kia không nói gì, y rút cây roi da dài, vung ra sau đánh vèo một cái, cây roi quấn quanh người Kỳ, y giật mạnh, nó bị bay bổng lên trời. Người ấy rung tay một cái, thu roi lại, nó bị rơi trên lưng con ngựa. Người ấy không thèm nói, cũng không quay trở lại, cứ thủng thỉnh đi. Ðào Kỳ càng làm tới, chửi bới không ngượng mồm. Khoảng khắc, tới một doanh trại, nhìn chữ đề, Ðào Kỳ biết rằng đó là huyện đường Long-biên.

Người kia bảo Hán binh:

– Ðem thằng bé này vào cho ăn uống tử tế, rồi dẫn lên gặp ta, ta cần hỏi cung nó.

Ðào Kỳ nói:

– Mi trói ta, làm sao ta ăn được?

Tên đội trưởng cười hì, cởi trói cho Ðào Kỳ. Nó vừa ăn, vừa suy nghĩ:

– Không biết giờ này cha mẹ ta ở đâu? Nghiêm đại ca ở đâu? Sư tỷ ta và Tam Tín hiện ra sao? Ta phải tìm kế thoát thân mới được.

Nó liếc mắt nhìn xung quanh, có bốn tên quân Hán cầm đao canh giữ nó, bên trong sân, ba bốn con ngựa cột dưới gốc cây.

Nghĩ được một kế, nó nói vói tên quân Hán nhỏ bé:

– Ðại ca, xin đại ca cho tôi đi đại tiện, tôi mắc đại tiện lắm rồi!

Tên quân Hán nhìn tên đội trưởng hỏi ý kiến. Tên đội trưởng gật đầu. Ðào Kỳ được dẫn về phía sau trại, tới bụi hoa, nó nhảy lùi lại một bước, tay trái chụp cổ tên quân Hán. Tay phải nó bịt miệng lại nói vào tai:

– Nếu mày la lên thì tao bóp cổ cho chết.

Nó xé quần áo nhét vào mồm tên quân Hán, trói lại, lột quần áo mặc vào. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, nó ra sân huyện đường, cởi dây cương ngựa vọt lên lưng phi như bay. Tên quân giữ ngựa quát lên:

– Chu Tấn, sao mày dám cỡi ngựa của đại nhân?

Ðào Kỳ phi ngựa như bay, nó sợ quân Hán đuổi theo, cho ngựa rẽ vào một cánh đồng cỏ, rồi vượt một lạch nhỏ qua bên kia. Nó thấy phía trước có xóm làng ở, cho ngựa tiến vào.

Vừa đến gần cổng, nó định lên tiếng gọi người mở cửa, bỗng nó cảm thấy nghẹt thỏ như có ai đánh trộm trên đầu. Nó cúi rạp người xuống tránh, thì người đánh đó đổi chiêu, chụp vào gáy nó. Nó bị nhấc lên khỏi mình ngựa. Người chụp nó cũng nhảy lên lưng ngựa, giật cương cho chạy trở về.

Nó ngạc nhiên:

– Quái nhân này là ai, mà bản lĩnh đến dường này? Ngay Phong-châu song quái cũng không thể bắt ta dễ dàng như thế, thì bản lãnh người phải cao lắm.

Bao nhiêu sợ hãi biến hết, chỉ còn lại sự kính phục, nó nói:

– Tôi chịu thua rồi, chịu phục rồi! Tiền bối, người là cao nhân môn phái nào vậy? Trên đời tôi chưa từng thấy ai võ công cao như người.

Người đó vẫn không nói, để Kỳ ngồi trước ông, cho ngựa chạy. Ðào Kỳ tuyệt không quay đầu lại được, nên không biết người bắt mình là ai.

Nói lại nói:

– Tiền bối, tôi chịu thua, chịu phục rồi, người phải cho tôi biết đại danh chứ. Sao không chịu lên tiếng?

Người kia vẫn không nói gì, tiếp tục ruổi ngựa, chỉ một lát Ðào Kỳ lại nhận ra là huyện đường Long-biên, nó tỉnh ngộ kêu lên:

– Thì ra ngươi là một đại tôn sư Giao-chỉ, nhưng đi làm chó săn cho Hán, thực ô nhục quá.

Người kia bây giờ mới lên tiếng:

– Dù ngươi có phép biến hoá đến đâu, cũng không thoát khỏi tay ta.

Người kia dẫn nó vào cổng đường, rồi ném nó xuống. Nó biết nếu để ném xuống thì đau lắm, nên nó lộn đi một vòng rồi đứng dậy. Thế lộn này chính Nghiêm Sơn dạy nó. Người kia quát lớn:

– Ngươi với Quế-lâm thần kiếm là gì?

Ðào Kỳ nghĩ:

– Nếu mình cứng đầu, cứng cổ, thì nó đánh cho thiệt thân, chi bằng ta mang Nghiêm đại ca ra doạ nó chơi.

Ðào Kỳ nói:

– Chả là gì cả, nhưng ta kêu hắn là đại ca, còn hắn kêu ta là tiểu sư đệ. Ta nói gì đại ca ta cũng nghe hết.

Bây giờ nó mới có dịp nhìn quái nhân, y khoảng 60 tuổi, thân thể gầy như một xác chết, mắt sâu, râu dài tới ngực, nhưng con mắt cực kỳ tinh anh. Y ngồi vào bàn, hỏi Ðào Kỳ:

– Mi còn muốn trốn nữa không?

Ðào Kỳ xì một tiếng:

– Mi ỷ lớn hϊếp nhỏ, thực không biết nhục.

Quái nhân nói:

– Sáng nay mi đi với hai người con gái. Một đứa sử dụng kiếm pháp của phái Long-biên, một đứa sử dụng kiếm pháp của phái Cửu Chân-các ngươi đã gϊếŧ mất tám quân Hán, tội không nhỏ. Lúc ngươi đánh với đệ tử ta ở bờ sông thì dùng kiếm pháp của phái Tản-viên, thế nhảy của ngươi xuống sông thì của phái Cửu-chân. Thế lộn vừa rồi là của phái Quế-lâm. Vậy thì ngươi là người của phái nào?

Quả thực Ðào Kỳ có học lóm của Song-quái một thế kiếm khi nguy nan tự xử để cứu mạng. Còn thế lộn thì nó học của Nghiêm Sơn. Nó cười trả lời:

– Ngươi mà tìm được môn hộ của ta thì ta mới phục ngươi.

Quái nhân nói:

– Ta đấu với ngươi trong mười hiệp là ta tìm được môn hộ ngươi ngay. Nếu trong mười hiệp mà ta không tìm được môn hộ ngươi, thì ta bảo đệ tử ta tha ngươi ra. Y là Huyện-úy Long-biên, chính y đã bắt ngươi ở bờ sông hồi sáng nay.

Ðào Kỳ cười:

– Ðược, ngươi giữ lấy lời. Ta cũng hứa nếu trong mười hiệp mà ngươi tìm được môn hộ của ta, thì ta xin theo hầu ngươi suốt đời.

Nói rồi nó co hai tay vào ngực, tay trái lật xuống dưới, tay phải đánh thẳng vào mặt quái nhân. Quái nhân lùi lại tránh, tay phải thuận thế đảo xuống dưới đánh vào bụng Ðào Kỳ, rồi nói:

– Ðây là quyền pháp của họ Quách ở Nhật Nam.

Ðào Kỳ lộn đầo xuống dưới, hai chân cong như con tôm, đánh vào mặt y. Y bước xéo sang phải để tránh, rồi nói:

– Ðây là Ðảo vĩ cước của phái Long-biên.

Ðào Kỳ phục quái nhân là người bác học, y đánh liền sáu chiêu của các môn phái nhỏ, quái nhân đều kêu ra được cả. Quái nhân bỗng tỉnh ngộ:

– Chết thực! Ðã trải qua tám chiêu rồi, ta mà còn nhường thì nguy mất.

Quái nhân đánh một quyền vào mặt Ðào Kỳ, nó vội lộn ngươi đi hai vòng tránh. Nhưng quái nhân đã túm lấy ngực nó nhấc lên định vật xuống. Nó vội xỉa hai tay vào mắt y, y buông nó ra. Nó biến chiêu xỉa thành ưng trảo chụp vai quái nhân, lộn một vòng qua đầu y, rồi xuống đất.

Nó reo lên:

– Tiền bối, người thua ta rồi.

Quái nhân ngồi xuống ghế cười:

– Ta thắng! Vì không những tìm ra môn hộ, mà còn biết tên sư phụ của ngươi, biết tên của ngươi nữa. Ta nói cho ngươi biết: Ngươi thuộc phái Cửu-chân. Sư phụ của ngươi là cha ngươi, tên là Ðào Thế Kiệt. Ngươi tên là Ðào Kỳ, năm nay ngươi đúng 13 tuổi.

Ðào Kỳ há hốc mồm ra phục. Nhưng nó chợt tỉnh ngộ. Trong lúc nguy nan nó đã sử dụng võ công bản môn để tự cứu, nên bị lộ. Nó nhăn mặt nói:

– Thôi ta thua ngươi, ngươi muốn gϊếŧ ta thì gϊếŧ đi.

Người kia nói:

– Ta muốn hỏi ngươi, hiện giờ cha mẹ ngươi ở đâu?

Ðào Kỳ thấy không dấu y được nữa, nói thực:

– Sau trận đánh ở Cửu-chân mấy tháng trước đây, ta bị lạc cha mẹ, sư huynh, sư tỷ, không biết hiện sống chết ra sao. Ta đi khắp tứ phương để tìm.

Quái nhân nói:

– Người con gái xinh đẹp đi với ngươi là sư tỷ ngươi phải không? Còn người con trai sử dụng võ công Long-biên là ai vậy?

Ðào Kỳ tìm cách nói dối quanh:

– Ta nào có biết, chúng ta quen nhau ở Cổ-loa.

Người kia hỏi thêm:

– Sáng nay, ai xúi ngươi đánh gϊếŧ quan quân của triều đình?

Ðào Kỳ nói:

– Mấy người kia không can gì cả. Ta thấy Hán quân gϊếŧ người tàn bạo, ta động lòng nghĩa hiệp ra tay mà thôi. Ngươi muốn gϊếŧ ta thì cứ gϊếŧ. Nam nhân đại trượng phu ta há sợ chết sao?

Người kia nói:

– Ta không gϊếŧ ngươi, nhưng ta giữ ngươi, không cho ngươi về với cha mẹ. Ngươi đã hứa rằng nếu thua ta, thì phải làm nô bộc cho ta trọn đời. Vậy ta sẽ bảo đệ tử ta không truy cứu tội gϊếŧ quân Hán, để ta đem ngươi về làm nô bộc.

Nguyên quái nhân đó là người phái Tản-viên, y tên thực là Lê Ðạo Sinh, hiện là Ðô-úy Giao-chỉ. Y nổi danh là Thái-sơn bắc đẩu đương thời. So vai vế, y cao hơn chưởng môn Ðặng Thi Sách đến hai bậc. Y có mười đệ tử, đều nổi danh.

Hôm trước đây, Thái-thú Nhâm Diên có sức giấy cho Thái-thú Tích Quang về vụ Ðào Thế Kiệt, Ðinh Ðại chạy ra Bắc. Thái-thú Tích Quang ra lệnh cho y tìm tung tích Ðào, Ðinh-hầu để trao đổi với Nhâm Diên. Bây giờ gặp Ðào Kỳ ở đây, y bắt giữ nó, để làm con mồi bắt Ðào-hầu.

Lê Ðạo Sinh nói:

– Ngươi đã thua ta, vậy ngươi phải theo hầu ta, cho đến khi ngươi thắng được ta hoặc ngươi tìm được ai thắng ta thì ta thả ngươi.

Thời bấy giờ người học võ thường giữ lời hứa hơn tính mệnh. Khi giao đấu đã ước hẹn rồi, mà thua, thì người được muốn gì cũng phải theo.

Ðào Kỳ gật đầu:

– Ta biết rồi, bây giờ ta là nô bộc của ngươi.

Ðạo Sinh gật đầu:

– Ngươi tuy nhỏ tuổi, nhưng cũng biết trọng lời hứa, thực xứng đáng là đệ tử danh môn chính phái.

Ðào Kỳ thở dài thườn thượt. Lê Ðạo Sinh hỏi:

– Tại sao ngươi thở dài, ngươi tiếc rằng đã hứa à?

Ðào Kỳ nói:

– Ta không tiếc cho ta, mà tiếc cho Sơn Tinh. Ngày xưa Sơn Tinh anh hùng là thế, không ngờ ngày nay lại có một đồ tôn như ngươi. Xét về võ công, ta thấy ngay tên đệ tử sáng nay của ngươi cũng còn hơn cha mẹ ta. Một nhân tài như ngươi thực hiếm có, nhưng sao lại đem cái tài như vậy ra làm tôi mọi cho người Hán?

Lê Ðạo Sinh tỏ ra người có bản lĩnh, y không cáu giận, nói thản nhiên:

– Ta làm việc với người Hán là theo gương Vạn-tín hầu xưa chẳng từng làm tướng cho Tần Thuỷ Hoàng là gì.

Ðào Kỳ cãi:

– Xưa Vạn-tín hầu làm tướng cho Tần đánh Hung Nô, còn ông thì ông làm tướng cho Hán, đánh người Việt, làm sao mà giống nhau được? So sánh như vậy thì có khác gì so sánh hoa bản hạ với hoa lan, hay so võ công của ta với của ông.

Hai người đi khoảng một giờ tới một trang ấp xung quanh có tre bao bọc rất lớn, quái nhân chỉ:

– Ðây là trang ấp của ta.

Ðào Kỳ ngửng nhìn lên cổng thấy có tấm bảng đề Thái-hà trang.

Vào trang ấp, Lê Ðạo Sinh lấy khoá, xích chân Ðào Kỳ lại nói:

– Ta khoá chân để ngươi không chạy trốn được mà thôi.

Y gọi một người, có vẻ là quản gia ra nói:

– Thằng bé này, ta đặt cho nó cái tên là thằng Két, bởi nó nói như két. Ngươi có bổn phận quản cố nó, hàng ngày cho nó ăn uống tử tế, cho nó giữ nhiệm vụ coi vườn hoa, trồng hoa. Hoa tốt tươi thì cho ăn nhiều, hoa héo thì cho nó nhịn ăn. Nếu nó trốn mà bắt được thì chặt chân nó đi.

Thêm Bình Luận