Chương 19: Ưu tùng trung lai bất khả đoạn tuyệt
Ưu tùng trung lai,
Bất khả đoạn tuyệt.
(Tào Tháo)
Chú giải: Câu thơ trên trích trong bài "Uống rượu dưới trăng sáng trên sông Trường giang" của Tào Tháo. Tào Tháo là nhân vật lịch sử Trung-quốc. Ông cũng là một thi hào thời Kiến-an. Câu trên nghĩa là: Mối lo lắng trong lòng mà ra, không sao dập tắt đi được.
Hùng Bảo, Trần Năng nghe tiếng kêu thất thanh vội từ trong nhà chạy ra, nhưng đều ngơ ngác, không hiểu những gì đã xảy tới. Cả hai, tuổi còn trẻ, chưa ra đời, ít kinh nghiệm, trước hoàn cảnh khẩn cấp, họ chỉ biết ngây người ra đứng nhìn. Phương Dung kiếm thuật thần thông, kinh luân gồm tài, gặp nghịch cảnh diễn ra mau chóng, cũng luống cuống, không biết giải quyết ra sao. Hùng Trọng lớn tuổi, kinh lịch nhiều, ông bảo Trần Năng:
– Con cầm mạch cho sư thúc, coi sự thể ra sao?
Trần Năng vội cầm tay Đào Kỳ bắt mạch, rồi nói:
– Con thấy mạch đi khẩn và hồng đại. Như vậy là trúng nhiệt độc.
Nàng nhớ sư phụ dặn: Khi trúng nhiệt độc, thì lấy rau má, đậu xanh, mỗi thứ một lượng, giã nhỏ ra mà uống. Rau má thì dễ kiếm. Nàng sai gia nhân làm thực gấp. Lát sau, gia nhân bưng nước rau má, đậu xanh lên. Phương Dung đỡ lấy, đổ vào miệng Đào Kỳ. Khoảng thời gian nhai dập miếng trầu, Đào Kỳ từ từ mở mắt. Chàng không nói gì, ngồi xếp chân vận công. Chàng nhớ một câu quyết trong thẻ đồng dạy luyện nội công âm nhu: Nếu nhiệt khí trong người lên cao, thì khí trầm đơn điền, vận từ đơn điền ra ngoài da. Chàng vận thử. Một lát sau, mồ hôi xuất ra như tắm, mùi tanh hôi bốc lên, mọi người đều buồn nôn. Chàng thấy người khoan khoái, tuy nhiên, l*иg ngực vẫn còn như nghẹn, hơi thở khó khăn. Trần Năng than:
– Không biết sư thúc trúng loại độc gì? Sư phụ chỉ dạy con trị cảm mạo, bong gân, gãy xương, trị trúng độc vì thức ăn. Còn trúng độc lối này thì con không biết. Bây giờ phải đi kiếm sư phụ mới cứu được sư thúc.
Phương Dung mừng quá nói:
– Thế sư phụ của Hùng phu nhân ở đâu?
Trần Năng thở dài:
– Có lần cháu hỏi sư phụ rằng người ở đâu? Thì người bảo: Ta ở nơi thánh Tản-viên ở. Rồi người chỉ lên ngọn núi mây mù che phủ, cao ngất lưng trời. Bây giờ, cháu phải lên núi Tản-viên tìm người.
Hùng Trọng lắc đầu:
– Núi Tản-viên thì làm sao mà lên nổi? Núi cao đến một ngàn năm trăm trượng (3000 mét). Từ dưới đi lên khoảng sáu trăm trượng thì núi thắt vào rồi lại phình ra như cái bầu, thử hỏi ai có thể leo lên được? Tương truyền trên đỉnh núi có thành do tiên xây.
Hùng Bảo ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Dù sao thì cũng cứ đi thỉnh sư phụ về cứu sư thúc. Vậy anh ở nhà trông trang ấp, còn em đi theo Nguyễn cô nương, quyết thỉnh cho được sư phụ, cứu sư thúc.
Đào Kỳ gói hai tờ giấy tẩm độc vào hai tờ giấy khác nhau, dặn Phương Dung:
– Em mang hai gói này đi, trình cho tiên sinh, thì người mới biết rõ là loại độc gì mà giải.
Phương Dung cùng Trần Năng lấy ngựa lên đường khẩn cấp. Từ trang Thượng-hồng lên núi Tản-viên phải qua trang Lôi-sơn. Hai người phi ngựa như bay. Chiều hôm đó tới một ngọn thác chảy xuống rất đẹp. Trần Năng chỉ thác nước, nói:
– Sư phụ thường dạy võ cháu ở chỗ này. Sau khi dạy xong, người hướng về đỉnh ngọn núi Tản-viên mà đi.
Nàng ruổi ngựa đi trước. Phương Dung cũng cho ngựa đi kèm theo. Vượt qua được khoảng mấy trượng, thì lối đi thẳng như vách tường. Hai người xuống ngựa, ngửa mặt nhìn lên, chỉ thấy mây trắng phiêu bạt. Trên đỉnh núi lờ mờ như có thành quách.
Phương Dung bảo Trần Năng:
– Bố tôi thường nói, đỉnh núi Tản-viên đường lên theo một cái hang, chỉ người chưởng môm mới biết cửa hang ở đâu, chứ không ai có thể leo lên được. Hiện chưởng môn phải Tản-viên là Đặng Thi Sách. Vậy chúng ta phải đi Mê-linh, yết kiến Đặng chưởng môn, để hỏi đường lên.
Hai người lại trở xuống thì thấy ngựa đã bị hai tên tiều phu đang dắt đi hướng về phía bờ suối. Phương Dung quát:
– Này hai anh kia. Tại sao lại lấy ngựa của ta?
Hai tên tiều phu cười:
– Rõ ràng là ngựa rừng. Tôi bắt được, sao lại bảo rằng của cô? Thực là vô lý. Nếu cô cho rằng ngựa của cô, thì cô thử lại cưỡi xem có được không? Tôi e các cô không biết cỡi ngựa rừng, nó sẽ vật ngã các cô cho mà coi.
Phương Dung, Trần Năng cùng tiến lại bờ suối. Bỗng nàng cảm thấy chân mình như dẫm vào chỗ không. Biết gặp nguy hiểm, nàng vọt người lên cao, đá gió một cái, tà tà đáp xuống. Chỗ đất nàng đáp xuống cũng bị lún. Nàng lại vọt người lên lần nữa, nhưng bị rơi xuống một cái hầm. Nàng đang định vọt người lên, thì có hơn mươi tráng đinh ở đâu nhảy ra, ôm chặt lấy nàng, đè xuống, trói lại. Nàng nhìn sang phía Trần Năng, cũng thấy nàng bị bắt như mình. Rồi một giọng cười quen thuộc vang lên:
– May thực là may. Ta vâng lệnh đi bắt một nàng về làm vợ cho đại ca, không ngờ lại được một lúc hai nàng. Thôi thế thì nàng này phần ta.
Người nói câu đó là Đinh Công Hùng. Bấy giờ Phương Dung mới biết hai nàng đã bị Đinh Công Hùng theo dõi. Trong khi hai nàng mải trèo núi, chúng đã đào hố, đặt cỏ lên trên, rồi sai tráng đinh giả làm tiều phu trộm ngựa, dụ cho hai nàng sa xuống hố.
Trần Năng tức quá, chửi:
– Chúng bay uổng danh là Lôi-sơn tam hùng. Hùng gì lại đi dùng xảo kế bắt chúng ta? Như vậy, người cũng dám mở mắt nhìn thiên hạ ư?
Đinh Công Hùng không nói không rằng, truyền tráng định đặt hai nàng lên ngựa, rồi dẫn đi.
Phương Dung lo nghĩ:
– Ta bị bắt, trước sau gì cũng có kế thoát thân. Nhưng Đào đại ca bị trúng độc, không thỉnh được sư phụ Trần Năng thì chỉ mấy hôm là mất mạng.
Đi được hơn hai giờ, tới chân núi Lôi-sơn. Vượt qua ngọn suối, đi vào trang. Phương Dung để ý quan sát, thấy trang Lôi-sơn dài ít ra cũng năm mươi dặm, còn chiều rộng thì nàng không biết. Dân chúng trong trang khá đông. Đời sống phồn thịnh không thua gì trang Cối-giang của nhà nàng. Tới một căn nhà lớn, xây bằng đá, Đinh Công Hùng gọi hai nữ tỳ lại bảo:
– Ngươi đưa Trần cô nương sang dinh của đại ca ta. Còn Nguyễn cô nương, ngươi đưa vào dinh của ta. Chớ có cởi trói. Cả hai nàng đều là hai con sư tử thứ dữ đấy.
Tên tỳ nữ dẫn Phương Dung qua một dãy nhà thứ nhất, tới căn phòng lớn, nó mở cửa đưa nàng vào. Căn phòng không lớn lắm, nhưng trang trí thanh nhã. Nó bảo nàng:
– Cô nương đã bị bắt vào đây, chỉ có một đường duy nhất là nhắm mắt chịu thua số phận. Có chống cự cũng vô ích.
Phương Dung dùng cước trái quét vào chân con nữ tỳ một cái. Nó ngã úp sấp xuống đất. Nó vừa định mở miệng la lên thì Phương Dung đã đạp chân vào miệng nó, chân kia nàng đạp lên ngực nó, miệng nói:
– Nếu mi la lên, ta nhả kình lực ra, mi sẽ bị dập ngực mà chết. Mi biết không? Nếu chịu nghe lời ta, hãy nháy mắt làm hiệu đi. Con nữ tỳ nháy mắt hai cái.
Phương Dung dẫm lên hai bàn chân nó, cho nó ngồi dậy được. Nàng bảo:
– Mi cởi trói cho ta đi.
Con nữ tỳ ngồi dậy cởi trói cho nàng. Được tự do rồi, nàng xé áo con nữ tỳ, nhét vào miệng nó rồi dùng giây trói nó lại, để lên giường. Nàng nhủ thầm:
– Ta phải đi cứu Trần Năng trước, rồi sẽ đi thỉnh sư phụ nàng cứu Đào đại ca sau.
Thấy trên tường có treo thanh kiếm, nàng cầm lấy, đeo vào lưng, rời khỏi phòng, thuận tay nàng đóng cửa lại.
Ra khỏi căn nhà, nàng nương theo hướng con nữ tỳ dẫn Trần Năng hồi nãy mà đi. Tới một căn nhà lầu, dưới xây bằng đá, trên làm bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, chung quanh trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ. Trong vườn có mấy con hạc, hươu nai nhởn nhơ. Cạnh đó, là chỗ cột ngựa có cột bảy, tám con ngựa chiến. Thoáng nhìn Phương Dung cũng biết là ngựa của quân Hán, vì nàng đã thấy ở Long-biên. Trong căn nhà lầu có nhiều tiếng nói lớn vọng ra. Nàng ren rén lại bên cửa sổ, ghé mắt nhìn vào: Bên trong, Đinh Công Hùng ngồi đối diện với một người lớn tuổi hơn y một chút, da mặt hồng hào, khuôn mặt giống hệt y. Nàng đoán là Đinh Công Dũng. Cạnh đó là một người mặc theo lối quan lại người Hán, tuổi khoảng 25, 26 rất anh tuấn. Cạnh viên quan Hán là một thiếu nữ mặc theo lối Việt, tuổi khoảng 23-24 nhan sắc diễm lệ. Phương Dung nghĩ thầm:
– Ta tưởng ta với Tường Quy đã là những người đẹp, thế mà so với thiếu nữ này, chúng ta còn thua xa.
Viên quan Hán lên tiếng hỏi:
– Đinh tiên sinh. Hiện các trang, động Lôi-sơn được khoảng bao nhiêu tráng đinh? Khi hữu sự tận dụng hết khả năng thì được bao nhiêu?
Đinh Công Dũng lễ phép đáp:
– Thưa Quốc-công, tráng đinh từ 15 tới 40 tuổi được trên ba ngàn. Khi hữu sự, có thể đạt tới năm ngàn người chiến đấu. Chúng tôi đã huấn luyện, chuẩn bị để bất cứ lúc nào Quốc-công cần đến, thì có ngay.
Phương Dung giật mình:
–Thì ra viên quan Hán này là Nghiêm Sơn, tước phong Lĩnh Nam công, Bình Nam đại tướng quân. Trước đây Đào đại ca có nói: Nghiêm Sơn là người Hán, theo học với phái Quế-lâm. Y cùng Hợp-phố lục hiệp, một đêm đánh hai mươi trận, bị thương mười lăm lần, cứu Quang Vũ thoát khỏi tay võ sĩ của Vương Mãng. Rồi một mình y giúp Quang Vũ khởi nghiệp từ Côn-dương, đánh chiếm năm quận. Tất cả các đại tướng danh tiếng Trung-nguyên như Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm Bành, Mã Viện đều do một tay y tạo ra. Sau khi chiếm Kinh-châu, y được Quang Vũ phong cho tước Lĩnh-nam công, lĩnh Bình-nam đại tướng quân. Y cùng Hợp-phố lục hiệp kinh lược Lĩnh-nam. Các Thái thú đều quy phục, nhưng vẫn được giữ đất mình như giang sơn riêng. Chỉ hơn một năm sau, y đã tìm cách loại hết các Thái thú, nắm lấy binh quyền.
Nghiêm Sơn hỏi Đinh Công Dũng:
– Đinh tiên sinh! Hôm nay tôi lên đường điều tra vụ Ngũ-phương thần kiếm gϊếŧ Tô Phương. Tôi nghe trước khi đi Đăng-châu, họ có ghé qua Lôi-sơn. Đinh tiên sinh có thấy gì khác lạ không?
Đinh Công Dũng gật đầu:
– Trước khi đi Đăng-châu, Tô công tử cùng Ngũ-phương kiếm có ghé tệ trang ở lại chơi hai ngày. Tiểu nhân thấy họ rất thân với nhau. Không ngờ tới Đăng-châu lại xảy ra sự chẳng lành.
Thình lình Nghiêm Sơn lên tiếng:
– Chúng tôi đang bàn chuyện riêng tư với nhau, người là cao nhân phương nào, tại sao lại nghe trộm, đâu có phải trượng phu?
Nói rồi, y cầm chung trà liệng về phía Phương Dung. Phương Dung kinh hồn, vì với nội công âm nhu, quy tức của nàng, ít ai khám phá ra được. Thế mà Nghiêm Sơn đã khám phá ra.
Chung trà hướng về phía nàng, kình lực kêu rít lên, đủ tỏ nội lực cường mãnh tuyệt luân. Phương Dung rút kiếm lên khoa một vòng. Kình lực âm nhu của nàng làm cho chung trà đổi chiều. Nàng phát một chiêu chưởng âm nhu, chung trà bay trở về phía Đinh Công Dũng. Đinh Công Dũng phát chưởng đỡ. Bốp một tiếng, chung trà vỡ tan tành.
Phương Dung định chạy, thì thấp thoáng một cái, bốn người đã bao vây nàng vào giữa: Đinh Công Dũng, Đinh Công Hùng, Nghiêm Sơn và nữ lang xinh đẹp.
Nghiêm Sơn hỏi Đinh Công Dũng:
– Cô nương này phải chăng là người quý trang?
Công Dũng lắc đầu:
– Không phải. Nó là người của phái Long-biên, được bọn phản tặc phái tới Mê-linh. Tôi vừa cho bắt về để giải lên phủ Tế-tác. Không ngờ, nó đã thoát ra ngoài được.
Nghiêm Sơn là người tinh tế, chàng đã cai quản hàng triệu người, nên nhìn Phương Dung, chàng đã đoán ra tám, chín phần:
– Cô này tuổi bất quá 17, 18 mà dùng một chiêu kiếm, vòng trên không, hoá giải kình lực chung trà của ta, làm cho chung trà đổi chiều tấn công Đinh Công Dũng, tất nàng là con nhà danh gia. Đinh Công Dũng nói không sai đâu.
Đinh Công Dũng dùng một thế cầm nã, chụp vai Phương Dung. Thấp thoáng một cái, nàng đã nhảy lui lại hai bước.
Nàng kêu lớn:
– Bình-nam đại tướng quân. Cứu tôi với!
Nghiêm Sơn ra hiệu cho Đinh Công Dũng ngừng tay, hỏi:
– Cô nương là đệ tử của cao nhân nào? Thân pháp cô nương là của phái Long-biên. Vậy cô nương với Long-biên song hiệp là chỗ thế nào
Phương Dung lắc đầu:
– Tôi không là gì của họ cả.
Nghiêm Sơn nói:
–Vậy cô nương là đệ tử của Mai Huyền Sương nữ hiệp phải không?
Phương Dung cũng lắc đầu. Nàng nói:
– Bình-nam đại tướng quân! Người hiện là Lĩnh-nam công, tức là ông vua đất Lĩnh -nam. Tôi nghe nói người xuất thân hiệp nghĩa. Xin người chủ trì cho tôi một chuyện.
– Cô nương cứ nói.
– Nếu trên đất Lĩnh-nam, có kẻ dùng sức mạnh, bắt cóc con gái có chồng về hãʍ Ꮒϊếp, thì người có cần trừng trị nó không?
Nghiêm Sơn nói:
– Ai đã làm việc đó, cô nương cứ nói, tôi sẽ chặt đầu nó liền.
Phương Dung chỉ Đinh Công Dũng:
– Thì anh em tên này. Hôm trước trong đám cưới con gái Lạc-hầu trang Toàn-liệt lấy con trai Lạc-hầu trang Thượng-hồng, chúng nó đã kéo đến định bắt cô dâu. Sau bị cô dâu đánh thua, chúng đem thuốc độc hại người, rồi dùng kế bắt tôi với Trần Năng về để hãʍ Ꮒϊếp. May tôi thoát ra được, còn Trần Năng, xin Lĩnh-nam công cứu nàng.
Mặt Đinh Công Dũng xám như tro. Y nói:
– Xin Quốc công đừng tin con nhỏ phản tặc này. Y thị bịa đặt ra đó.
Nói rồi, y nhảy tới chụp nàng. Ánh kiếm lấp lánh, Phương Dung rút kiếm ra khỏi vỏ, chĩa vào cổ Đinh Công Dũng. Đinh Công Dũng hoảng hốt ngửa cổ ra sau. Mũi kiếm như bóng với hình, đuổi theo. Y kinh hoàng lăn người xuống đất tránh khỏi, rồi vọt người dậy. Tuy y thoát chết, nhưng cũng bở vía.
Nghiêm Sơn kêu lên một tiếng kinh ngạc:
– Chiêu kiếm vừa rồi là chiêu gì? Rõ ràng đánh phải mà lại bật lên cao. Nếu ta là Đinh Công Dũng, ta cũng phải lộn ngửa như y mới tránh nổi. Cô bé này kiếm pháp cao minh thực.
Đinh Công Hùng nói:
– Con nhỏ này bịa chuyện nói xấu người. Ta bắt Trần Năng bao giờ? Ngươi chỉ nói láo.
Vèo một cái, một người từ bụi hoa hướng về phía Đinh Công Hùng đánh tới. Chưởng lực ào ào. Đinh Công Hùng vung chưởng đỡ. Bốp một tiếng, y bật lùi lại hai bước. Người đó lại tấn công liền ba chưởng. Đinh Công Hùng thối lui tới cạnh Nghiêm Sơn. Vừa lúc đó, chưởng thứ năm đánh tới, mạnh vô cùng. Nghiêm Sơn phất tay đỡ. Bình một tiếng, tay chàng thấy hơi tê tê.
Phương Dung nhìn lại thì ra Trần Năng. Nàng reo lên:
– Đây là Hùng phu nhân, nhũ danh Trần Năng. Chính bọn mi bắt chúng ta, mi còn chối được nữa không?
Nghiêm Sơn hỏi Trần Năng:
– Hùng phu nhân, người vừa sử dụng Phục-ngưu thần chưởng, chiêu đó là Vong ngưu ư sơn. Chiêu này phái Tản-viên đã bị thất truyền từ lâu. Đến Lục-trúc tiên sinh Lê Đạo Sinh, Đặng Thi Kế, Đặng Thi Sách cũng không biết, sao phu nhân lại biết?
Trần Năng nhìn Nghiêm Sơn cười:
– Bình-nam đại tướng quân, người quên tôi rồi sao?
Nghiêm Sơn nhìn Trần Năng. Chàng chợt nhớ lại một chuyện: Cách đây mấy năm, chàng ước hẹn với Khất đại phu Trần Đại Sinh, sư huynh của Lê Đạo Sinh đấu võ. Nếu chàng thắng, thì ông phải ra nhận chức Thái-thú Cửu-chân. Còn chàng bại, chàng phải làm theo một lời yêu cầu của ông. Chàng đấu với ông được chín chiêu thì bị thua. Chàng đành phải hứa làm cho ông một điều. Trong lúc đấu với Khất đại phu, chàng thấy cạnh đó có một cô gái nhỏ tuổi. Nhưng hôm đó là đêm trăng, chàng không nhận được mặt cô. Hôm nay, Trần Năng lên tiếng, chàng mới nhận ra.
Trần Năng nói:
– Nghiêm quốc công, những điều Quốc-công nói với sư phụ tôi, dù tôi có chết cũng không nói với bất cứ ai đâu.
Nghiêm Sơn nói với Đinh Công Dũng:
– Đinh tiên sinh! Cô này không phải là người của phản tặc đâu. Sư phụ cô với tôi là bạn tâm giao. Tôi biết người rất kỹ.
Rồi chàng quay lại hỏi Phương Dung:
– Cô nương sử dụng kiếm pháp Long-biên, vậy cô nương mới từ miền xuôi lên đây phải không?
Phương Dung chưa kịp trả lời thì nữ lang xinh đẹp đã cất tiếng ôn nhu nói:
– Này em! Em từ Long-biên lên đây, chị muốn hỏi em một vài tin tức, được không?
Nghiêm Sơn chỉ nữ lang:
– Đây là phu nhân của ta.
Phương Dung thấy nữ lang xinh đẹp, nói năng nhu nhã, nàng có cảm tình ngay, nên đáp:
– Tin tức phu nhân muốn hỏi là tin tức gì vậy?
Nữ lang nói:
– Tôi hỏi em, ở Long-biên có người nào họ Đào không?
Phương Dung liếc nhìn nữ lang, thầm nghĩ: Không biết nàng hỏi Đào nào? Có liên quan gì tới Đào đại ca không?
Nghĩ rồi, nàng trả lời lửng lơ:
– Tôi biết rất nhiều người họ Đào. Người chết có, người sống có. Người sắp chết cũng có. Người giỏi võ có, người giỏi văn có. Song tôi đi đường xa hết tiền, nếu phu nhân muốn biết tin tức một người họ Đào thì phải ban thưởng mười lạng vàng.
Nàng những tưởng đùa vậy cho vui, không ngờ, nữ lang gật đầu:
– Nếu em cho chị biết tin tức của người họ Đào, chị sẽ thưởng cho em bất cứ vật gì chị có.
Phương Dung gật đầu:
– Phu nhân là người lớn, không được nói dối trẻ con. Phu nhân là đệ nhất phu nhân Lĩnh-nam... Xin nhớ lời. Tôi có một người biết tất cả tin tức của Cửu-chân song kiệt Đào Thế Kiệt, Đinh Đại. Y biết cả tin tức của Đào Thế Hùng nữa... Ngặt một điều, y bị trúng độc của tên Đinh Công Dũng, đang hấp hối. Nếu phu nhân bắt Đinh Công Dũng đưa thuốc giải cứu y, y sẽ cho phu nhân tin tức.
Nữ lang đưa mắt nhìn Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn bảo Đinh Công Dũng, giọng uy nghiêm:
– Xin Đinh tiên sinh ban thuốc giải.
Đinh Công Dũng nói:
– Y trúng phải chất độc của con tằm núi, pha với nọc độc lá han. Không có thuốc nào chữa được cả. Duy chỉ dùng ma hoàng, tiá tô, gừng tươi nấu lên uống thì kéo dài mạng sống được ba năm.
Nữ lang nhảy lên ngựa. Thân pháp nàng đẹp vô cùng. Nghiêm Sơn nói với Phương Dung, Trần Năng:
– Chúng ta đi thôi.
Bốn ngựa hướng trang Thượng-hồng phi như bay. Từ xa xa, Phương Dung thấy trong trang khói bốc lên ngùn ngụt. Nàng la lớn:
– Thôi, chết rồi. Chúng ta mắc kế điệu hổ ly sơn của anh em họ Đinh rồi!
Bốn người đến cổng trang đã thấy có mấy xác chết của tráng đinh Thượng-hồng. Bên trong có sáu người cỡi ngựa chỉ huy tráng đinh Lôi-sơn tấn công tráng đinh Thượng-hồng. Bên phía Thượng-hồng, Hùng Bảo đốc chiến, có vẻ yếu thế lắm rồi. Phương Dung, Trần Năng nhảy xuống ngựa. Ánh kiếm lấp lánh. Hai nàng đi đến đâu, tráng đinh Lôi-sơn rơi đầu đến đó.
Nữ lang ngồi trên mình ngựa thấy Đào Kỳ nằm ở sân, do hai tráng đinh Thượng-hồng chăm sóc. Nàng xông vào trùng vây, đánh liền năm chưởng. Phương Dung nhận ra chiêu Hải triều lãng lãng của phái Cửu-chân. Vòng vây dãn ra một khoảng. Nữ lang lách mình một cái đã lọt vào trong. Nàng đến bồng Đào Kỳ lên, nước mắt chảy ròng ròng.
Phương Dung nghĩ đến vụ Tường Quy, nàng cho rằng nữ lang cũng là loại người trắc nết, nên nổi giận, cầm kiếm đâm liền. Nghiêm Sơn đưa kiếm gạt đánh choang một cái. Phương Dung đổ quạu:
– Ngươi là vua Lĩnh-nam, để vợ đi ôm trai, không biết nhục, sao còn đỡ kiếm của ta?
Đào Kỳ đã tỉnh. Chàng vẫy tay gọi Phương Dung:
– Em Dung, không được vô lễ. Đây là tam sư tỷ của anh.
Nghiêm Sơn, Trần Năng, Phương Dung cùng rút kiếm ra tấn công đám tráng đinh Lôi-sơn. Chỉ mấy chiêu đã gϊếŧ trên mười người. Chúng kinh hoảng, hô lên một tiếng báo nguy, rồi cùng bỏ chạy.
Hùng Bảo thúc tráng đinh đuổi theo. Trần Năng cản lại, nói:
– Chúng ta phải thu xếp mọi việc ở đây trước đã. Không nên đuổi theo.
Hùng Trọng, Hùng Bảo điều khiển tráng đinh chữa cháy, thu dọn xác chết. Trần Năng thì băng bó cho những người bị thương.
Phương Dung bảo Hùng Trọng:
– Hùng hầu, bọn chúng tới đây từ bao giờ?
Hùng Trọng buồn bã đáp:
– Khi cô nương với Trần Năng vừa đi khỏi, thì chúng kéo tới trên năm trăm tên. Không nói, không rằng đánh vào hai mặt nam và đông. Hùng Bảo giữ mặt đông. Sư thúc giữ mặt nam. Chúng đánh tới trưa mà không vào được, tráng đinh chết có hơn mười tên. Quá ngọ, sư thúc bị lên cơn suyễn ngất đi. Hàng ngũ Thượng-hồng rối loạn, vì vậy chúng lọt được vào vòng ngoài của trang. Tôi với Bảo thủ vòng trong, những tưởng sẽ nguy đến nơi, may nhờ cô nương về kịp.
Hùng hầu không hổ là người lãnh đạo. Sau trận đánh, ông vẫn bình tĩnh như thường. Ông liếc mắt nhìn Nghiêm Sơn, Thiều Hoa, hỏi Trần Năng:
– Quý khách đây là ai? Sao lại ra tay nghĩa hiệp trợ giúp chúng ta trong cơn nguy biến?
Trần Năng chỉ Nghiêm Sơn và Thiều Hoa:
– Thưa bố, vị này là Lĩnh-nam công. Còn vị này là phu nhân của người.
Với địa vị Lạc-hầu, Hùng hầu thường chỉ gặp đến cấp Huyện-lệnh đã là ghê gớm lắm rồi, chẳng mấy khi gặp được Thái-thú, huống hồ đối với Lĩnh-nam công? Hùng Trọng thất kinh, vội kính cẩn ra mặt:
– Lạc-hầu trang Thượng-hồng xin tham kiến Quốc-công, đa tạ Quốc-công đã ra tay cứu viện.
Nghiêm Sơn phất tay, một kình lực nhu hòa đỡ Hùng Trọng dậy, không cho dùng đại lễ. Nghiêm Sơn nói:
– Hùng hầu! Tôi ăn ở, cai trị không có đức nên để kẻ ác tới xâm phạm trang ấp của người. Dù đây là dã tâm của Đinh Công Dũng, nhưng tôi là Lĩnh Nam công, tôi vẫn phải chịu trách nhiệm. Hùng hầu yên tâm, tôi sẽ xử vụ này theo đúng luật lệ của bản triều.
Hùng Trọng là giòng dõi Hùng-vương, coi người Hán như cựu thù. Vì luật lệ, ông phải hành đại lễ với Nghiêm Sơn. Khi thấy Nghiêm Sơn ở địa vị tối cao, mà giản dị, không hách dịch như những huyện lệnh, thái thú, ông đã thấy cảm tình. Nghiêm Sơn còn tự nhận là không có đức, nên Đinh Công Dũng mới làm loạn, lại còn hứa sẽ xử vụ này theo luật. Ông mừng lắm, kính cẩn mời Nghiêm Sơn với Thiều Hoa vào nhà khách, truyền làm tiệc đãi đằng.
Hoàng Thiều Hoa đặt Đào Kỳ xuống sập, rồi hỏi:
– Tiểu sư đệ! Em lớn quá rồi, tại sao em lại bị bệnh? Mấy năm nay chị nhớ em chết đi được. Chị tìm em khắp nơi mà không thấy.
Nàng thiết tha săn sóc Đào Kỳ như mẹ săn sóc con. Đào Kỳ đã tỉnh, chàng vẫy tay gọi Phương Dung:
– Phương Dung, lại ra mắt sư tỷ của anh đi.
Từ lúc bị lầm lẫn, tỏ ý ghen tuông, Phương Dung xấu hổ đứng yên, không biết nói sao. Bây giờ được Đào Kỳ gọi, nàng mới lên tiếng:
– Sư tỷ! Chị là người lớn xin đừng chấp. Em chưa gặp sư tỷ lần nào, nên vô phép.
Thiều Hoa cười, hỏi Đào Kỳ:
– Cô nương đây là ai?
Đào Kỳ đáp:
–...Là Nguyễn Phương Dung, con gái của chưởng môn phái Long-biên.
Hoàng Thiều Hoa à lên một tiếng:
– Đúng là danh gia đệ tử. Hèn chi kiếm thuật thần thông. Mấy chiêu kiếm em đánh Đinh Công Dũng, nếu chị là y, cũng chỉ có nước chịu chết.
Hoàng Thiều Hoa vẫy tay gọi Hùng Bảo:
– Đồ nhi! Con đến ra mắt tiểu sư thúc đi.
Hùng Bảo đến trước Thiều Hoa thụp xuống lạy:
– Đệ tử là Hùng Bảo, xin kính cẩn ra mắt sư nương.
Đào Kỳ chỉ Hùng Bảo cười:
– Ngay buổi đầu tiên gặp Hùng Bảo, em đã biết y là đệ tử của Cửu-chân. Bảo với em đã nhận nhau từ hôm mới gặp. Tuy Bảo không nói ra, nhưng em cũng biết sư phụ của Bảo là sư tỷ.
Thiều Hoa nói:
– Cách đây mấy năm, trên đường về thăm quê, ta gặp Bảo. Thấy Bảo là con cháu Hùng-vương, ta thu Bảo làm đồ đệ. Ta cấm không cho Bảo tiết lộ chuyện này với bất cứ ai. Vì vậy, hồi nãy Bảo thấy ta mà không dám ra hành lễ, cho đến lúc ta gọi, Bảo mới dám ra mắt.
Nàng nhìn Phương Dung cười:
– Em cưới vợ bao giờ? Chị có cô em dâu vừa xinh đẹp, vừa con nhà danh gia, kiếm thuật thần thông...
Đào Kỳ ngắt lời:
– Chúng em chưa thành vợ chồng. Chú Hùng đã đến Cối-giang cầu hôn. Cha mẹ đôi bên đều vui lòng, nhưng em muốn ngày cưới phải có bố mẹ với sư tỷ, nên còn hoãn lại.
Thiều Hoa hỏi:
– Từ hồi lạc nhau ở Long-biên đến giờ, em ở đâu?
Đào Kỳ thuật lại chi tiết mọi sự việc xảy ra. Đến chỗ chàng viết thơ nhắn Nghiêm Sơn, thì Nghiêm Sơn ngắt lời:
– Thư sư đệ viết cho ta, ta không nhận được. Ta không biết sư đệ ở Thái-hà trang. Chứ nếu ta biết, đã cho người đi đón sư đệ về cho sư tỷ rồi. Sư tỷ của em, không tìm được em, ăn không thấy mùi vị, ngủ không yên giấc, ta vui thế nào được?
Phương Dung xen vào:
– Như vậy Lê Đạo Sinh đã bịa ra chuyện đại ca viết thơ gửi gấm Đào đại ca cho y. Không biết y làm vậy để mưu đồ việc gì đây?
Nghiêm Sơn lắc đầu:
– Bảo y phản ta thì không đúng, vì y đang cầu cạnh ta một việc. Ta lại ủy cho y tổ chức đại hội Tây-hồ. Có lẽ y nói dối tiểu sư đệ như vậy để giữ tiểu sư đệ lại, chờ Đào hầu tới, rồi y bắt giam như Nguyễn Phan với Đặng Thi Kế.
Thiều Hoa buồn rầu nói với Đào Kỳ:
– Chị đã thành hôn với Nghiêm đại ca rồi. Chị biết như vậy là có lỗi với sư phụ, sư mẫu.
Đào Kỳ cười khúc khích:
– Đã là anh hùng thì phải biết tùy hoàn cảnh. Nếu vì thời thế, sư tỷ không tìm thấy bố mẹ. Sư tỷ sẽ ở vậy cả đời sao? Sau này gặp bố mẹ, nếu các người có trách phạt, em sẽ nhận tội hết. Em là ông mai mà.
Chàng quay lại hỏi Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại ca! Theo tục lệ người Việt, đại ca phải tặng ông mai cái thủ lợn. Vậy thủ lợn đâu?
Nghiêm Sơn cười:
– Xa nhau sáu bảy năm mà tiểu đệ tính tình vẫn như cũ. Tiểu sư đệ, ngươi là đại ân nhân của ta. Đời ta, công danh lên đến Lĩnh Nam công, nhưng ta vẫn không lấy làm vui. Nguồn hạnh phúc mà ta tìm được trên thế gian này là Hoàng sư tỷ. Vì vậy, tiểu sư đệ là đại ân nhân, ta không biết lấy gì báo đáp.
Nghiêm Sơn là người tinh tế. Chàng biết giữa vợ mình với Đào Kỳ tình thì là sư tỷ, sư đệ, nhưng thực ra nàng săn sóc Đào Kỳ như mẹ với con. Hai người xa cách bấy lâu, bây giờ trùng phùng, chắc có nhiều chuyện riêng muốn nói. Chàng bèn nói với Hùng Trọng:
– Hùng hầu! Hùng hầu dẫn tôi đi quan sát trang ấp một lát đi.
Hùng Trọng líu ríu vâng lời, dẫn Nghiêm Sơn đi.
Nghiêm Sơn đi rồi, Thiều Hoa bật thành tiếng khóc:
– Ta... Ta đã bất hiếu với sư phụ. Ta là Mỵ Châu mất rồi.
Phương Dung ngắt lời:
– Sư tỷ, em muốn góp một vài câu được không?
– Được, em cứ nói.
– Em thấy chị có ý tưởng cho rằng chị lấy Nghiêm đại ca là thành Mỵ Châu. Nghĩ như vậy là sai. Mỵ Châu là đứa con gái ngu xuẩn, chỉ biết có tình yêu. Trọng Thủy là tên lưu manh. Còn sư tỷ, thân tuy là vợ Nghiêm đại ca, mà lòng luôn hướng về Lĩnh-Nam. Nghiêm đại ca là người hiệp nghĩa xuất thân. Từ khi tới Lĩnh-Nam, đã tạo cho dân Việt một đời sống thanh nhàn. Đất Lĩnh-Nam bây giờ có thua gì Trung-nguyên đâu? Em sợ đời vua Hùng, vua Thục cũng không bằng. Đại ca dường như không chú ý đến phong trào phản Hán phục Việt. Em có cảm tưởng như đại ca là người Việt.
Câu nói của Phương Dung làm Trần Năng biến sắc. Nàng mở to mắt nhìn Phương Dung, nói lẩm bẩm trong miệng câu gì không rõ. Đào Kỳ tiếp:
– Chính người Hán cũng có cảm tưởng như Nghiêm đại ca khuyến khích người Việt đứng lên đòi Lĩnh-Nam.
Thiều Hoa gật đầu:
– Chị thấy Nghiêm đại ca làm những việc có lợi cho Lĩnh Nam, nên chỉ khuyến khích mà không hỏi tại sao. Hôm chị lạc sư đệ ở Long-biên, thì trở về Mai-động với sư bá Nguyễn Tam Trinh. Chị cho sư bá biết Nghiêm đại ca là Lĩnh-nam công. Sư bá kinh hồn động phách. Người nghi chỉ một vài ngày Nghiêm đại ca sẽ đem đại quân đến san bằng Mai-động. Nhưng không ngờ...
Ngừng một lát, nàng tiếp:
– Ba hôm sau, Nghiêm đại ca đến, mang theo trâu, bò, ngựa, lợn, gà gấp một trăm lần lệ chuộc một người thường nạp cho sư bá.
Theo tục lệ của Lĩnh-Nam, khi mình bị đối phương bắt thì phải mang trâu, bò, lừa, ngựa đến chuộc mạng. Người bị bắt càng ở địa vị lớn, lễ chuộc càng nhiều. Nghiêm Sơn bị Nguyễn Tam Trinh dùng mưu bắt được, chàng cũng mang lễ đến để chuộc mạng mình.
Thiều Hoa tiếp:
– Sư bá cảm động lắm. Người thắc mắc rằng nếu người bắt một Huyện lệnh nhỏ bé thôi, thì y cũng ghép người vào tội chết, đem quân tàn phá trang ấp. Thế mà tại sao Nghiêm đại ca không tính tội, còn đem lễ đến chuộc? Nghiêm đại ca là Lĩnh-nam công, những ai nói đến phản Hán phục Việt thì phải gϊếŧ đi. Nghiêm đại ca biết trang Mai-động là nơi chuẩn bị khởi binh phục quốc mà lại đối đãi khách khí như vậy, ông thực không hiểu nổi.
Nghiêm đại ca ghé tai ông nói chuyện một hồi lâu. Ông nghe xong, cúi xuống lạy Nghiêm đại ca tám lạy. Rồi ông gọi chị vào nói:
– Ta thấy cháu với Nghiêm huynh đây, trời sinh một cặp tài sắc song toàn, vậy ta xin đứng ra thay mặt Đào hầu làm lễ thành hôn cho cháu với Nghiêm huynh. Đào hầu với ta là bạn. Sau này người có trách phạt gì, lão xin nhận hết. Vì vậy, ta trở thành vợ Nghiêm đại ca.
Phương Dung trầm tư một lát rồi nói:
– Chúng ta đã biết ý Nghiêm đại ca rồi thì tốt lắm. Em với Đào ca đi khắp nơi, khích hào kiệt tàng trữ lương thảo, huấn luyện tráng đinh, chờ ngày khởi sự. Nếu có gì rắc rối, đã có sư tỷ ở trong lo liệu.
Nghiêm Sơn với Hùng Trọng đã trở về. Đào Kỳ hỏi Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại ca, nếu như bây giờ em tìm ra bố mẹ và cậu em, lúc đó đại ca định liệu như thế nào?
Nghiêm Sơn thở dài:
– Thì còn thế nào nữa? Ta sẽ mời các người trở về Đinh, Đào trang, rồi ta cử Đào hầu làm Thái-thú, Đinh hầu làm Đô-úy Cửu-chân. Hai vị vốn đã có hùng tâm, thương dân thì ta trao đất Cửu-chân cho hai người. Hai người mặc lòng lo cho dân.
Đào Kỳ hỏi:
– Bố với cậu em xưa nay vẫn có chí phục hồi Lĩnh Nam, đại ca trao quyền Thái-thú cho người, đại ca không sợ ư?
Nghiêm Sơn vỗ lưng Đào Kỳ:
– Tiểu sư đệ, người thực là ngay thẳng. Kiến Vũ thiên tử là nghĩa huynh của ta, người phong Lĩnh-Nam cho ta khi Lĩnh-Nam còn ở trong tay giặc. Bây giờ, ta đã thu Lĩnh-Nam về một mối, người vẫn nói với ta: Người khởi binh là muốn đem hạnh phúc cho dân. Bây giờ Đào-hầu là người có thể mưu hạnh phúc cho trăm họ thì ta trao đất Cửu-chân cho. Đất Lĩnh-Nam trả cho người Lĩnh-Nam thì Đào hầu đâu có cần phải phản Hán phục Việt nữa? Nhưng chuyện hôm nay nhất thiết tiểu sư đệ phải giữ kín, đừng lộ ra ngoài. Bọn tham ô người Hán sẽ gây khó dễ cho ta.
Hoàng Thiều Hoa rưng rưng nước mắt, cầm tay Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại ca!
Nghiêm Sơn nhìn nàng, bốn mắt gặp nhau. Hai người như nói với nhau hàng muôn ngàn lời. Một lát sau, Nghiêm Sơn mới lên tiếng:
– Ta vì đại nghĩa mới sang Lĩnh-Nam. Lĩnh-Nam thuộc Hán cũng thế, trả về cho người Việt cũng vậy. Ta chỉ mong có một điều: Dân chúng được ấm no. Đây là nói về lý. Còn về tình, dù ta có bỏ cả Lĩnh-nam công, nếu phải bỏ tất cả, để được Hoàng sư tỷ, ta cũng vui lòng. Ta gặp Hoàng sư tỷ và tiểu sư đệ giữa lúc đánh phá Đào trang, hai người đã không coi ta là thù nghịch, còn tử tế với ta, ta dù có chết đến mấy lần cũng không xứng đáng với sư tỷ.
Nghiêm Sơn ngưng lời. Trong phòng im lặng. Một lát sau Phương Dung đến trước mặt Thiều Hoa:
– Hồi sáng ở trang Lôi-sơn, phu nhân có hứa rằng nếu em có tin tức một người họ Đào, phu nhân sẽ ban thưởng. Bây giờ phu nhân đã được toại ý, xin ban thưởng đi thôi. Người nghĩa hiệp không nói hai lời. Người lớn không dối trẻ con. Bậc cha mẹ dân phải thưởng cho dân.
Thiều Hoa ngẩn người ra không biết trả lời sao. Nghiêm Sơn vội đỡ lời:
– Sư tỷ đã hứa tức là ta hứa. Phương Dung, em muốn gì ta cũng sẵn sàng.
Phương Dung chỉ Hùng Bảo, Trần Năng nói:
– Bọn em đến đây ăn cưới, chưa có gì làm lễ mừng hai họ. Vậy em dám xin đại ca cho phép em đánh đuổi Đinh Công Dũng, chiếm Lôi-sơn làm quà cưới cho Hùng Bảo.
Nghiêm Sơn thất kinh hồn viá. Chàng không ngờ đầu óc Phương Dung lại nghĩ ra được việc kinh thiên động địa đó. Kể ra thì Đinh Công Dũng đáng tội tử hình. Ngặt vì y là tay chân Tô Định. Bây giờ để Phương Dung chiếm Lôi-sơn, thế nào cũng xảy ra trận đánh lớn. Tô Định tất đem quân cứu Đinh Công Dũng. Lúc đó sẽ rầy rà to. Nghiêm Sơn ngẫm nghĩ rồi nói:
– Kể ra món quà đó cũng chưa xứng đáng với sư muội. Song, Đinh Công Dũng là người của Tô Định. Sư muội gây chiến với y, Tô Định ắt sẽ đem quân tiếp viện. Lúc đó không lẽ ta lại tiếp cứu sư muội? Vậy ta ưng cho sư muội chiếm Lôi-sơn song có điều không được dùng binh.
Thiều Hoa ngẫm nghĩ:
– Nếu bây giờ ta với Nghiêm đại ca ở đây mà tiểu sư đệ với Phương Dung đánh Lôi-sơn trao cho Hùng Bảo, thì có khác gì chúng ta đánh? Chi bằng ta lánh mặt đi để Phương Dung làm. Sau này Tô Định có khiếu nại, ta sẽ trả lời là ta không biết. Tô Định biết Hùng Bảo là đệ tử ta, ắt hẳn y không dám làm khó dễ Bảo.
Nghĩ vậy nàng nói với Đào Kỳ:
– Tiểu sư đệ, mấy năm nay chị nhớ em đến héo ruột héo gan. Bây giờ Nghiêm đại ca với chị đi Đăng-châu có chút việc. Tiểu sư đệ ở đây chờ sư phụ của Trần Năng chữa bệnh cho, rồi sau đó về Luy-lâu ở với chị. Nhớ phải về ngay, đừng để chị mong.
Nàng vẫy Phương Dung:
– Em lại đây!
Phương Dung lại gần. Hoàng Thiều Hoa tháo chuỗi hạt trai dài đến năm vòng trên cổ, đeo vào cổ Phương Dung nói:
– Vì không biết trước nên chị chỉ có món quà nhỏ này để làm lễ diện kiến sư muội. Kỳ này xuống Đăng-châu gặp Đào sư thúc, chị sẽ bàn cùng người lo cưới hỏi cho hai em.
Phương Dung là con gái yêu của Lạc-hầu, vàng bạc, châu báu nàng không thiếu gì. Nhưng thái độ nhu nhã của Thiều Hoa khiến nàng cảm động. Hai chị em chuyện trò một lúc, rồi Thiều Hoa với Nghiêm Sơn lên đường.
Đợi hai người đi khỏi, Trần Năng nói:
– Lĩnh-nam công đã hứa lấy Lôi-sơn phong cho chúng ta. Vậy chúng ta làm cách nào để chiếm được?
Phương Dung cười:
– Không khó gì cả. Đinh Công Dũng viết thư mời ba mươi sáu động, trang Nam Mê-linh cùng bàn chuyện thống nhất thành một châu lớn. Từ trước đến nay, trang Toàn-liệt với Thượng-hồng kịch liệt chống đối. Vậy khi đại hội, Hùng hầu, Trần hầu bất thình lình tỏ ý thuận. Cuối cùng thế nào cũng có cuộc đấu võ để chọn người thống lĩnh. Đào ca với tôi đại diện Thượng-hồng, Toàn-liệt ra tranh phong. Khi chiếm được rồi, chúng tôi sẽ nhường cho Hùng Bảo, lấy lý do Bảo là cháu vua Hùng. Hỏi ai dám nói?
Hùng Trọng lắc đầu:
– Chúng tôi không có tham vọng đó.
Đào Kỳ phất tay:
– Chúng ta chiếm Lôi-sơn là muốn mưu hạnh phúc cho dân. Hùng hầu chắc đã nghe tiếng đồn dân chúng ở Đinh, Đào trang sống sung sướиɠ như thế nào rồi chứ? Bây giờ, thống nhất ba mươi sáu trang, động lại, chúng ta sẽ mưu đồ hạnh phúc cho dân theo gương vua Hùng, vua Thục chẳng hơn để cho anh em họ Đinh cai trị dân như chó, như trâu hay sao?
Hùng Trọng nghe Đào Kỳ dùng đại nghĩa khuyên, ông đứng dậy chắp tay nói:
– Đa ta sư thúc chỉ dạy.
Rồi ông gọi Trần Năng nói:
– Tục lệ Văn-Lang ta là con gái lấy chồng, ba ngày sau phải trở về lễ tạ tổ tiên, tạ cha mẹ. Vậy con với Bảo phải trở về ngay. Trang Thượng-hồng này không cần đề phòng, vì cái tin Hùng Bảo là đệ tử của Lĩnh-nam công phu nhân, Đinh Công Dũng không dám tấn công nữa đâu.
Ông nói với Đào Kỳ:
– Tuy vậy tôi vẫn sợ trong khi đi đường Đinh Công Dũng sẽ làm hại cháu Năng. Phiền sư thúc với Nguyễn cô nương cùng đi, cho tôi được an tâm.
Đào Kỳ khẳng khái nói:
– Bảo đã là đệ tử của tam sư tỷ thì là người phái Cửu-chân rồi. Tôi có bổn phận giúp Bảo.
Hùng hầu đã chuẩn bị xong lễ vật, cho gia nhân gánh theo. Đào Kỳ, Phương Dung lên ngựa cùng đi với vợ chồng Hùng Bảo. Phương Dung với Trần Năng ngang tuổi nhau, tính tình lại ưa đùa nghịch như nhau nên trên đường đi, hai người luôn cười đùa.
Trần Năng nói:
– Bây giờ sư thúc với sư thẩm đi theo bọn cháu. Mai này khi đám cưới sư thúc, chúng cháu cũng sẽ đi tháp tùng để trả nợ. Có điều, đi từ Cối-giang đến Đào trang ở Cửu-chân thì phải mất mấy tháng.
Đi đến gần trưa mới tới khúc quẹo vào trang Toàn-liệt. Trần Năng mới xa nhà có ba ngày, mà đã bao nhiêu biến cố xảy ra, nàng tưởng chừng như đã mấy tháng. Con đường này nàng đã đi lại không biết bao lần, nhưng sao lần này như có một cái gì khác lạ. Cũng cây cổ thụ ven đường, cũng hoa rừng, cỏ thơm như cũ, mà nàng cảm thấy nó như khác với ngày thường. Nhìn thấy cây đa lớn ở cổng trang xa xa, lòng nàng rộn lên. Chỉ lát nữa đây, nàng sẽ gặp lại cha, gặp lại mẹ, gặp lại cổng trang, sân trang thân yêu mà nàng đã từng sống gần hai chục năm trời.
Đang đi, thình lình có ba người từ ven đường, cầm đao bước ra ngăn lối. Trần Năng thấy ba người có ý bất hảo, song hôm nay là ngày cô dâu trở về tạ tổ tiên, cha mẹ, nàng không muốn gây chuyện. Phương Dung lên tiếng:
– Phiền ba anh cho mượn đường.
Tên đầu đảng cầm đao khoanh trước ngực:
– Đường này ta mua từ lâu rồi. Ai muốn đi qua, phải tuân theo luật do ta đặt ra.
Phương Dung hỏi:
– Xin đại vương cho biết luật đó là luật gì?
Tên đầu đảng múa thanh đao nói:
– Điều thứ nhất: Đàn ông muốn đi qua, phải để ta thiến. Còn đàn bà, phải cởi truồng.
Nói xong, cả ba tên cùng cười hô hố.
Bỗng bốp, bốp, bốp, ba tên đã bị Phương Dung tát ba cái. Tiếng cười tắt ngấm. Ba tên quát lên rồi cùng rút đao xông vào.
Phương Dung rút kiếm đưa ra, ánh kiếm lóe lên, ba thanh đao cùng rơi xuống đất. Cổ tay ba tên ứa máu. Chúng chưa kịp phản ứng gì, Phương Dung đã nhảy đến, bẻ tay chúng lốp cốp. Hai bàn tay chúng đều bị trật khớp, không cựa quậy được nữa.
Nàng nháy mắt cho Trần Năng rồi nói:
– Hùng phu nhân, phu nhân có thứ thuốc uống vào, chỉ mười ngày sau người ta đứt ruột mà chết. Phu nhân cho tôi ba viên.
Trần Năng biết Phương Dung hành sự xuất quỷ nhập thần, thấy nàng nháy mắt, Trần Năng vội móc trong bọc ra ba viên thuốc cảm , đưa cho nàng, dặn:
– Thuốc này mới uống thì không sao. Nhưng sau mười ngày sẽ đứt ruột mà chết. Chỉ có thuốc giải của tôi mới cứu được mà thôi.
Phương Dung bóp miệng ba tên, nhét thuốc vào mồm chúng, rồi nàng bịt mũi cho chúng nghẹt hơi, phải nuốt viên thuốc vào bụng. Xong, nàng kéo tay chúng, ráp cho khớp xương trở lại như cũ, nói:
– Thôi, ba vị đại vương cứ tự tiện.
Nàng vẫy Đào Kỳ, vợ chồng Hùng Bảo lên đường. Ba đại vương tuy đau đổ mồ hôi hột, nhưng cũng phải chạy theo. Chúng đến trước ngựa Trần Năng, quỳ mọp xuống, nói:
– Xin phu nhân thương tình ban thuốc giải. Chúng tôi là phận tôi tớ, chỉ biết tuân theo lệnh của trang chủ. Trang chủ bảo sao, chúng tôi phải làm vậy.
Phương Dung hỏi :
– Trang chủ của ngươi là ai?
– Thưa là Đinh Công Dũng.
Phương Dung đưa mắt nhìn Trần Năng hỏi tiếp:
– Tại sao Đinh Công Dũng lại sai bọn ngươi đón đường bọn ta?
– Đinh lão gia bảo chúng tôi đón đường, nếu gặp người của trang Thượng-hồng tới tiếp viện thì đốt cỏ lên làm hiệu. Lão gia sẽ đem người tiếp ứng cho Đinh công tử.
– Đinh công tử đâu?
– Thưa, Đinh công tử đang đánh phá trang Toàn-liệt.
Trần Năng nghe nói ruột nóng như lửa, hỏi:
– Đinh công tử mang bao nhiêu người đi đánh trang Toàn Liệt?
– Thưa khoảng năm trăm. Lên đường từ sáng.
Phương Dung quát:
– Bây giờ các ngươi muốn sống, phải trở về Lôi-sơn, tìm cách đốt dinh Đinh Công Dũng. Phải làm cho bí mật. Sau đó tới đây đợi ta. Ta sẽ cho thuốc giải. Nếu không đốt được dinh Đinh Công Dũng thì đừng đến đây, vô ích, hãy mau về bảo vợ con sửa soạn lo chôn cất nghe chưa?
Nói rồi, nàng phi ngựa theo vợ chồng Hùng Bảo. Một lát thì tới trang Toàn-liệt. Trong trang, lửa cháy rực trời. Tiếng đàn bà, trẻ con kêu la thảm thiết. Tráng đinh Lôi-sơn đã đánh tới trung ương trang. Trần Hầu cùng tráng đinh cố thủ trong hàng rào dinh mình. Sức chống trả yếu lắm rồi.
Trần Năng thấy cha mình khắp người đầy máu, đang đốc thúc tráng đinh. Nàng gọi lớn:
– Bố ơi! Bố đừng sợ. Con đã về đây.
Nàng rút kiếm xông vào đội hình tráng đinh Lôi-sơn cùng với Đào Kỳ, Phương Dung. Bốn cao thủ cùng ra tay, loáng một cái, trên mười tráng đinh Lôi-sơn đã rơi đầu. Ánh kiếm của Phương Dung như sao sa, như điện chớp. Nàng tiến tới đâu, đầu rơi tới đó. Vòng vây đã bị vỡ.
Một thanh niên đang chỉ huy tráng đinh tấn công, thấy bốn người xông vào trận, y bèn chỉ cho tráng đinh vây bốn người vào giữa. Nhờ vậy trong dinh Trần Hậu, tráng đinh Toàn-liệt được nghỉ ngơi để chữa cháy.
Đào Kỳ bật tay một cái, đoạt được hai thanh đao. Chàng dùng kiếm pháp Long-biên múa như mây bay thác đổ. Hợp với kiếm của Phương Dung, hai người đi đến đâu, thây người đổ đến đó.
Trần Năng vọt qua hàng rào, vào đỡ cha:
– Bố ơi, bố có sao không?
Trần Hầu mải chỉ huy tráng đinh chống trả bên địch, nên còn có sức. Khi thấy con gái xuất hiện, ông mới thấy mệt. Ông không biết võ, lại bị trúng thương nhiều chỗ. Ông buông kiếm, người loạng choạng muốn ngã. Trần Năng vội ôm bố vào nhà, lấy thuốc băng bó cho ông. Nàng dặn tráng đinh trông coi ông, rồi nghiến răng, cầm kiếm xông ra ngoài. Thấy Phương Dung, Đào Kỳ, Hùng Bảo đã đánh cho tráng đinh Lôi-sơn phải lui ra gần cổng trang. Nàng rút kiếm nhảy vào. Cứ mỗi lưỡi kiếm đưa ra, một cái đầu rơi. Thình lình kiếm nàng chạm phải một lưỡi kiếm khác đánh choang một cái. Kiếm của nàng vọt lên cao. Cánh tay nàng tê dại, gần như không còn cử động được. Nàng nhìn lên, thấy đối thủ là một thanh niên tuổi khoảng 23, 24, gương mặt hơi giống Đinh công Dũng. Nàng than thầm:
– Ta nghe đồn rằng Đinh Công Dũng có hai người con. Người con gái học ở Đăng-châu, người con trai thì học ở Quế-lâm, y tên là Đinh Công Minh, võ công y còn cao hơn cha chú. Có lẽ là tên này đây.
Ỷ có Đào Kỳ, Phương Dung bên cạnh, Trần Năng vọt người lên, đá một Hồi phong cước vào đầu ngựa Đinh Công Minh. Con ngựa bị trúng cước, kêu thét lên một tiếng, nhảy dựng vó trước. Đinh Công Minh đạp chân vào yên ngựa, tung mình lên cao. Từ trên cao, y phóng chưởng đánh Trần Năng. Trần Năng chửi thầm:
– Ta là đệ tử Tản-viên, sở trường về chưởng, nay ngươi đấu chưởng với ta, đó là điều ta cầu mà không được vậy.
Nàng lui lại, đứng hạc tấn, vung chưởng đỡ. Chưởng của nàng là Phục-ngưu thần chưởng. Đó là chiêu Thanh ngưu nhập điền. Bốp một tiếng, Đinh Công Minh bật lui lại một bước.
Y kêu lên một tiếng kinh ngạc, hỏi:
– Cô nương, thì ra cô nương là đệ tử phái Tản-viên?
Đinh Công Minh mới từ Quế-lâm trở về, y đã đấu với cha và chú. Y thắng được Đinh Công Hùng, nhưng thua Đinh Công Thắng.
Trong ba anh em họ Đinh, Đinh Công Dũng lớn nhất, xu phụ theo người Hán. Y muốn thống nhất các trang, động Nam Mê-linh để ăn thua với các trang động của Bắc Mê-linh, của Đặng Thi Sách và Nhị Trưng. Y xu phụ người Hán để mong chức huyện úy. Em thứ nhì của y là Đinh Công Hùng, võ công tầm thường, nhưng nhiều mưu lắm mẹo, cũng theo chân y, ức hϊếp người Việt. Em thứ ba là Đinh Công Thắng, võ công cao cường, hùng tâm, tráng chí, thương yêu dân chúng, có ý phục quốc. Vì vậy Thắng không hợp với hai anh. Trang ấp của Đinh Công Thắng không chịu nhập vào hệ thống của hai anh. Đinh Công Minh tuổi trẻ hào sảng, văn võ kiêm toàn. Y cùng chủ trương với Đinh Công Thắng. Đinh Công Dũng tức quá, không biết làm thế nào, thì Đinh Công Hùng hiến kế rằng:
– Chúng ta cần bày một kế để cho cháu Minh tấn công trang Toàn-liệt. Khi đã tấn công rồi, dù muốn dù không, y cũng phải theo chúng ta.
Rồi Công Hùng cho gọi Công Minh tới nói rằng:
– Trang chủ Toàn-liệt là Trần Hậu. Y làm tai mắt cho sở Tế-tác Giao-chỉ. Trong trang y hiện giam hàng trăm người Việt yêu nước nuôi chí phục hồi Lĩnh Nam. Vậy cháu hãy đem tráng đinh bất thình lình đánh vào, để giải thoát cho họ.
Đinh Công Minh mới từ xa về, không nắm vững tình hình. Chú nói sao, nghe làm vậy. Chàng dẫn tráng đinh bất thần đánh vào trang Toàn-liệt. Trận chiến diễn ra khốc liệt. Chàng thấy tráng đinh Toàn-liệt chiến đấu can trường, rõ ra những người liệt sĩ, chứ không phải là bọn trộm cướp như chú mình nói. Y muốn thâu quân về, nhưng sự đã lỡ, chưa biết tính sao, thì thấy bốn người, hai nam, hai nữ ở đâu nhảy vào vòng chiến. Y mới giao chiến với Trần Năng một chưởng, đã thấy ở nàng một bản lĩnh không tầm thường. Đinh Công Minh hỏi:
– Cô nương là ai?
Trần Năng đáp:
– Ta là con gái Trần-hầu. Ngươi là Đinh Công Minh phải không? Cha ngươi vì tham vọng muốn gồm thâu các trang, động Nam Mê-linh, bố ta không đồng ý, cha ngươi đã sai ngươi tới gây ra thảm cảnh này. Ta nói cho ngươi biết, trang Toàn-liệt ta người ít, thế cô, nhưng ta cương quyết chống trả. Hãy tiếp chưởng của ta.
Nàng lui lại hai bước, vận khí tấn công. Đinh Công Minh vung tay đỡ. Hai người lăn vào đấu với nhau.
Về phía Phương Dung, Đào Kỳ, Hùng Bảo, ba người dồn tráng đinh Lôi-sơn ra khỏi trang Toàn-liệt. Phương Dung cho tráng đinh đóng cửa trang, dồn nỗ lực cứu hỏa. Nàng trở lại, thấy Đào Kỳ đứng khoanh tay lược trận, Trần Năng đang đấu với Đinh Công Minh. Đào Kỳ nói:
– So về chưởng pháp tinh diệu thì Trần Năng hơn Đinh Công Minh. Nhưng so về công lực thì nàng thua xa. Nàng tuy là học trò của Khất đại phu, nhân vật khét tiếng thiên hạ, nhưng thời gian luyện tập chưa được bao lâu. Mới đây, tuy được anh chỉ điểm, nhưng công lực vẫn còn chưa đủ.
Đào Kỳ thấy võ công của Đinh Công Minh hơi giống võ công của Nghiêm Sơn. Y lại mới du học ở Quế-lâm về, không chừng y cùng môn hộ với Nghiêm đại ca cũng nên.
Dần dần Trần Năng đã hơi yếu thế. Nhưng ỷ có Đào Kỳ, Phương Dung bên cạnh, nên nàng vẫn bình tĩnh phát chiêu. Phương Dung bảo Đào Kỳ:
– Anh nhắc Trần Năng mấy câu, nếu không, nàng bại đến nơi rồi. Đào Kỳ nói:
– Anh muốn coi bản lĩnh chân thực của Đinh Công Minh nên không muốn can thiệp vào.
Được hơn mười chiêu nữa, bỗng Trần Năng quát lên một tiếng, nàng ra chiêu Loa thành nguyệt ảo của Cửu-chân. Đinh Công Minh vung chưởng đỡ. Bình một tiếng, y thấy khí huyết đảo lộn, vội nhảy lui hai bước, hít một hơi chân khí.
Y mới trở về Giao-chỉ, chưa kinh nghiệm nhiều, nên không biết chiêu vừa rồi là võ công Cửu-chân. Y chỉ thấy một chiêu dũng mãnh, gia số kỳ diệu, nhưng y vẫn tưởng đó là võ công Tản-viên. Chân khí vừa phục hồi, y hít một hơi dài, tiếp tục tấn công. Trần Năng tiến lên một bước, nàng ra chiêu Hải triều lãng lãng của Cửu-chân. Chưởng phong ào ào chụp xuống. Đinh Công Minh thấy chưởng quái ác, vội vận sức chống. Binh một tiếng, y phải lùi lại đến bốn bước mới đứng vững. Trong khi đó, Trần Năng cũng phải lùi lại hai bước. Hải triều lãng lãng là một chiêu có năm lớp. Lớp đầu mạnh hai thì lớp thứ nhì mạnh bốn. Vì vậy khi Trần Năng phát lớp thứ nhì, y cảm thấy bất hảo, nghiến răng vận đủ mười thành công lực đỡ, y mượn sức địch, nhảy lui về sau năm bước để hóa giải kình lực.
Trần Năng phóng lớp thứ ba, nhưng chưởng không ra.
Nguyên Hải triều lãng lãng là một chiêu số sáng tác của An Dương vương trước khi tự tử. Uất khí chồng chất nên chân khí đầy rẫy, mới đủ lực phát năm lớp. Ở đây, Trần Năng chân khí chưa đủ, lại mới lấy chồng, nguyên khí bị kém, vì vậy, khi phát đến lớp thứ ba thì không còn lực.
Đinh Công Minh cười lớn:
– Tưởng võ công Tản-viên thế nào, không ngờ chỉ có vậy thôi sao?
Y phóng một chưởng chụp xuống đầu Trần Năng. Trần Năng biết cơ nguy đến, nàng chưa biết phải giải quyết ra sao, thì Đào Kỳ đã hô lớn:
– Thiết kình quá hải.
Thiết kình quá hải là một chiêu trong Thiết kình phi chưởng của phái Cửu-chân mà Đào Kỳ đã dạy Trần Năng. Thiết kình phi chưởng là một chưởng pháp lâu đời của phái Cửu-chân. Khi phát chưởng, lực đạo như một mũi dùi, đánh thẳng vào đối phương. Chiêu Thiết kình quá hải là một chiêu trông rất thô kệch, khi phát ra không thấy chưởng phong. Đối phương thấy vậy sẽ có ý khinh thường. Khi mũi nhọn đâm vào người, đối phương sẽ không còn đủ thời giờ để phản công nữa.
Trần Năng xoạc cẳng, cuộn tròn hai tay, đẩy chưởng về trước. Đinh Công Minh ngơ ngác tự hỏi:
– Chưởng này là chưởng gì mà lại kỳ lạ thế này?
Y còn đang ngần ngại chưa biết phải phản công ra sao, thì mũi thiết kình đã chạm vào ngực y. Y vận khí chịu đòn, nhưng đã trễ. Chưởng như một mũi dùi đâm vào ngực. Đau quá, y nhăn mặt nhảy lui lại, hơi thở như gián đoạn.
Y quay lại nhìn, thấy tráng đinh Toàn-liệt lăm lăm vũ khí như muốn ăn tươi, nuốt sống y. Nhưng y là người can đảm, vẫn không lùi bước. Y hít một hơi thực dài rồi dùng quyền tấn công. Quyền pháp của y không ảo diệu, nhưng dường như khắc chế với quyền pháp Cửu-chân. Trần Năng thì dùng quyền pháp Tản-viên chống lại. Đào Kỳ quan sát quyền pháp của Đinh Công Minh mà ngây người ra, vì, mỗi chiêu, mỗi thức đều bao hàm chống lại quyền pháp của Cửu-chân nhà chàng. Phương Dung cũng cảm thấy thế. Nàng thấy quyền của Đinh Công Minh, dường như chỉ để chống quyền pháp phái Long-biên nhà nàng.
Chợt nhớ ra điều gì, nàng nói với Đào Kỳ:
– Trước đây chỉ có võ công Văn-Lang, Âu-Lạc. Sau, Vạn-tín hầu Lý Thân và Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung nghiên cứu võ công Trung-nguyên, rồi chế ra võ công Âu-Lạc để khắc chế lại. Cho nên, người sử dụng võ công Âu-Lạc, đấu với người sử dụng võ công Trung-nguyên thì thắng dễ dàng. Phàm khi hai đấu thủ giao tranh, bao giờ cũng phải tìm ra sơ hở của đối phương mà đưa ra những chiêu thích hợp để phản công. Đệ tử Âu-Lạc đấu với người Trung-nguyên, thì võ công đã bao hàm những chiêu sát thủ sẳn, nên thắng dễ dàng.
Khi Trọng Thủy sang làm rễ Âu-Lạc, y dùng lời nói ngọt ngào, dụ dỗ Mỵ Châu lấy cắp bí quyết võ công Âu-Lạc cho y. Y học rồi về trình bày lại cho cha. Triệu Đà nhân đó mới nghiên cứu ra các chiêu thức phá võ công Âu-Lạc. Chắc Đinh Công Minh học võ công với các đời sau của Triệu Đà, nên võ công y mới khắc chế võ công Cửu-chân, Long-biên.
Một lát sau, Trần Năng cảm thấy khí lực suy kiệt, lui dần đến bên cạnh đống rơm. Đinh Công Minh phát một chưởng thần tốc đánh vào đầu nàng.