Chương 9: Mẹ con... có yêu thương con không?

“Thí chủ đây là...” sư cô nhìn đứa bé non nớt nằm trên tay người phụ nữ, ngoan ngoãn mỉm cười, bất giác nhíu mày thương xót.

“Con thật sự hết cách rồi!” người phụ nữ rơm rớm nước mắt, nhanh tay đặt đứa trẻ lên tay sư cô, không nhìn lấy một lần, cảm ơn vội rồi bỏ đi nhanh chóng.

Sư cô không biết làm gì, nhìn đứa trẻ, thương tâm rồi bế vào nuôi dưỡng. Lúc đó mới biết, đứa bé không hề bị khuyết tật, trong khi ở đây nuôi dưỡng và dạy học theo chế độ của những đứa bé không được lành lặn. Tình thương không cho phép họ bỏ đứa trẻ, lại muốn đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh bình thường nên sư cô rất tận tâm chăm sóc dạy dỗ đầy đủ. Ấy mà lạ thay, con bé học hành rất nhanh cũng rất thông minh, hiểu chuyện, nên trở thành đứa bé được việc nhất, giúp đỡ cho các sư cô ở đó chăm sóc các bạn khác.

Năm tháng lớn lên của cô tuyệt nhiên không có sự góp mặt của gia đình, mẹ cô cũng chưa một lần ghé thăm. Có những ngày sư cô đang dạy học, thấy con bé trầm ngâm không trả lời, hai mắt đỏ hoe thì vội vàng quan tâm hỏi chuyện, nó im lặng một lúc rồi chỉ vào trang sách - hình ảnh mẹ dắt tay con gái dong chơi ngoài bãi cát giữa biển - đáp: “bạn này sướиɠ thật cô nhỉ?”.

Bây giờ, đến lượt sư cô im lặng...

“Nhưng con đã có sư cô rồi mà!” nó đột nhiên nói thêm rồi nó cười, cười thật tươi, không tìm ra được khuyết điểm gì.

Trẻ con thì không biết cách nuôi nấng nỗi buồn và sự ghen ghét đố kị lâu như người lớn. Mấy ngày sau, nó ghé tai sư cô thầm thì: “không sao đâu, con chỉ cầu cho mẹ con một đời hạnh phúc vui vẻ như con vậy...”

Cứ thế, Thủy sống an yên, trọn vẹn trong vòng tay chăm ẵm của các sư cô cho đến một ngày, bà ấy đến thật. Bà ấy mặc một bộ đồ sang trọng bước đến: “con gái, mẹ đến đưa con về đây.”

Lúc đó, cô còn đang chơi vẽ vời dưới đất với một đám bạn, thấy người phụ nữ lạ lại bế mình lên liền hoảng loạn kêu các bạn khác chạy vô trong, sợ chúng nó bị bắt cóc còn mình thì dãy dụa miệng kêu la, hét lớn không thôi “ thả tôi ra, thả tôi ra... cứu con cứu con với!”

Sư cô nghe tiếng hét thất thanh, lo lắng chạy ra, nhìn thấy người phụ nữ ấy thì trầm mặc im lặng.

Thủy vội trượt xuống chạy lại ôm chân sư cô: “bà ta muốn bắt cóc con!” giọng nói lanh lảnh của đứa trẻ vang lên, vừa sợ vừa trách móc.

Sư cô nhìn đứa bé ngây thơ mà không khỏi chua xót, vỗ về: “ đó là mẹ con!” lại đưa mắt nhìn bà ta rồi nói thêm “có lẽ, mẹ con đến đưa con về yêu thương đấy...”

Sau một hồi thuyết phục và thương lượng thì người phụ nữ cũng đem được Thủy về nhà. Vừa muốn sống với mẹ lại vừa thương sư cô nhưng nghe sư cô khuyên về với mẹ, Thủy đành ngậm ngùi đồng ý. Lúc đi, Thủy quay đầu nhìn sư cô, cười tươi: “con sẽ thường xuyên quay lại thăm sư cô hì hì”.

Nói vậy mà con bé chẳng quay lại nữa, mấy tháng sau, một năm sau, hai năm trôi qua, sư cô vẫn không thấy bóng dáng con bé. Nhớ quá, đành phải lần mò theo địa chỉ tìm đến nhà cô bé, một căn biệt thự rất đẹp và to, cô đến ấn chuông. Một người làm từ trong nhà bước đến mở cửa: “bà đây là tìm ai ạ?”

“Vị Thủy, tôi muốn gặp con bé.”

“Tiểu thư đi học chưa về ạ, phiền bà về rồi.” Cô người làm trả lời rồi nhanh chóng định đóng cửa lại nhưng từ xa thấy có chiếc xe hơi đang đi đến, cô lại nói: “cô ấy về rồi kìa bà.” Mắt hướng đến đó, đưa một tay lên chỉ.

Sư cô theo hướng đó mà nhìn, một chiếc xe dừng lại, Vị Thủy bước xuống, dùng ngôn ngữ ký hiệu cảm ơn với bác tài xế rồi đi lại cổng, đã nhìn thấy bóng dáng sư cô nhưng rất điềm tĩnh bước lại, không hớn hở, lạnh nhạt.

“Tiểu thư, có người muốn gặp cô này.” cô người làm nhanh chóng bước đến.

Vị Thủy trả lời bằng ngôn ngữ ký hiệu: {em biết rồi! Chị vào nhà đi.} rồi đi lại ôm lấy chân sư cô, dẫn sư cô đến một góc khuất.

Cả một quá trình sư cô chỉ nhìn theo hành động kì lạ của Thủy rồi bất giác đau lòng, im lặng để cô bé dẫn đi. Khóe mắt cay cay, nặng trĩu của bà như chợt hiểu ra biết bao cơ sự. Người phụ nữ đó đem đứa trẻ đáng thương này đến trường của cô cũng là có lý do cả, chỉ vì để người ta biết con bé bị khuyết tật. Dẫn nó về không phải chăm sóc, yêu thương mà là lợi dụng thôi ư?

Thủy lên tiếng: “con xin lỗi vì không thể trở lại thăm sư cô ạ!” giọng nói run run, ôm lấy sư cô lần nữa khiến sư cô đau nhói hỏi:

“Sao con lại giả vờ bị câm chứ?” sư cô nhìn cô bé.

“Mẹ con nói, con không phải con ruột của bố, nên con buộc phải giả vờ câm giống bố. Không mẹ sẽ bị gia đình nội đuổi khỏi nhà, mẹ sẽ đau khổ.” Thủy nói, mặt không một chút cảm xúc: “như vậy con cũng không được sống đầy đủ, có gia đình yêu thương, có đồ ăn ngon và quần áo đẹp... hì hì.”. Miệng cô cười rất tươi nhưng kẽ mắt lại rỉ nước, giọng nói điềm tĩnh, lạnh nhạt đến đáng sợ.

Tại sao một người mẹ lại nói cho con mình biết nhiều chuyện như vậy trong khi nó mới chỉ là một đứa con nít. Một đứa trẻ - không hơn không kém.

Sư cô cúi xuống ôm lấy bé con của mình, run run hôn lên trán cô rồi hỏi:

“Mẹ con... có yêu thương con không?” Chính sư cô mới là người không cầm nổi nước mắt, đau đớn khóc thầm.

“Nếu con nghe lời ạ!” Thủy trả lời, vòng tay ôm chặt lấy lưng sư cô. Vậy, nếu đứa bé này không ngoan một chút, ham chơi một chút thì bà ta sẽ làm sao? Nhốt trong phòng, đánh đập hay vứt bỏ?

Không ai biết, hai năm qua con bé đã trải qua những gì. Trong cái đầu non nớt ấy, đã nghĩ đến những điều mà người lớn không tưởng đến, trái tim non nớt ấy đã không ít lần bị mẹ nó vô tình bóp chặt đến nghẹt thở. Cũng không ai hay rằng, nó đã âm thầm xây một nghĩa trang cho riêng mình - chôn cất những tình yêu đã gãy cánh.

Lúc đó sư cô chỉ biết ngậm ngùi, ân hận vì đã dễ dàng để người phụ nữ đó dẫn con bé đi, dẫn luôn đứa trẻ ngây thơ trong sáng trước kia của sư cô đi rồi. Bây giờ, chỉ còn lại một đứa trẻ hiểu chuyện, nghe lời và biết kiểm soát tuổi tác thật của mình mà thôi!

… Hiện tại.

Bây giờ, nghĩ lại sư cô lại khóc, ôm Thủy vào lòng: “cầu cho cuộc đời này nhẹ nhàng với bé con của sư cô một chút…”

“Hì hì, sư cô lại khóc rồi đó!” cô trêu chọc: “càng lớn càng mít ướt không biết à!” khiến sư cô không khỏi bật cười.

“Mọi thứ trong quá khứ đã chết theo ngày hôm qua, mọi thứ trong hiện tại được tái sinh ở ngày hôm nay, bé con của cô ạ!” sư cô âu yếm Vị Thủy…

***