Ấn Tượng Sai Lầm

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Với cách kể chuyện tài hoa, Jeffrey Archer giống như đang chơi trò mèo vờn chuột với độc giả. Siêu phẩm của ông, vì thế đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu New York. “... Sau khi  …
Xem Thêm

Chương 2
Anna Petrescu bấm vào cái nút trên đỉnh chiếc đồng hồ để bàn. Mặt đồng hồ sáng lên hiện rõ con số 5:56. Chỉ còn 4 phút nữa là nó sẽ đánh thức cô dậy với tin tức buổi sáng. Nhưng hôm nay thì không. Đầu óc cô đã suy nghĩ mông lung suốt đêm, và cô chỉ ngủ chập chờn được một lát. Đến lúc phải thức dậy, Anna đã đi đến quyết định sẽ làm gì nếu vị chủ tịch công ty không nhất trí với những đề xuất của mình. Cô tắt chuông báo thức, tránh để cho bất kỳ tin tức nào có thể làm mình mất tập trung suy nghĩ, rồi cô nhảy ra khỏi giường và đi thẳng vào nhà tắm. Anna đứng dưới vòi nước lâu hơn thường lệ, hy vọng nước lạnh sẽ làm cô hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Người yêu sau cùng của cô - chỉ có Chúa mới nhớ là cô đã chia tay anh ta khi nào - cho rằng việc cô thường tắm trước khi chạy tập thể dục là một chuyện thật tức cười.

Sau khi lau khô người, Anna mặc một chiếc áo phông màu trắng và một chiếc quần soóc thể thao màu xanh. Mặc dù ông mặt trời vẫn chưa mọc, chẳng cần phải kéo rèm phòng tắm lên, cô cũng biết rằng hôm nay sẽ lại là một ngày đẹp trời, nắng ấm. Cô kéo khoá chiếc áo thể thao, chiếc áo ấy vẫn còn một chữ P hiện lên mờ mờ ở những chữ thêu màu xanh đậm đã bị tháo ra. Anna không muốn cho nhiều người biết chuyện cô đã từng là một thành viên trong đội thi đấu điền kinh của trường đại học Pennsylvania. Suy cho cùng thì cũng đã chín năm rồi. Cuối cùng Anna xỏ chân vào đôi giày thể thao hiệu Nike và cúi xuống buộc chặt dây giày. Chẳng có gì làm cô khó chịu bằng việc phải dừng lại giữa đường chạy buổi sáng để buộc lại dây giày. Thứ duy nhất mà cô mang theo trong buổi chạy sáng hôm đó là chiếc chìa khoá cửa trước, được buộc vào một sợi dây bạc mỏng mà cô đeo trên cổ. Anna khoá cửa trước của căn hộ bốn phòng của cô bằng hai lần khoá, bước qua hành lang và nhấn nốt thang máy. Trong khi chờ đợi cái buồng thang máy cằn nhằn đi lên tầng mười, cô bắt đầu một loạt các động tác khởi động bằng cách co duỗi chân tay; những động tác đó kết thúc khi chiếc thang máy xuống đến tầng trệt.

Anna bước ra ngoài sảnh và mỉm cười với người gác cổng mà cô rất quý. Ông già vội mở chiếc cửa trước để cô không phải dừng lại đẩy cánh cửa ra.

“Chào Sam”, cô vừa nói vừa đi nhanh ra khỏi toà nhà Thorton xuống phố East 54 và thẳng tiến tới công viên Central Park.

Vào tất cả các ngày trong tuần, cô đều chạy quanh đường chạy Southern Loop một vòng. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, cô chạy lâu hơn một chút trên một đường chạy dài 6 dặm, khi chuyện muộn vài phút không gây ảnh hưởng gì. Hôm nay thì có.

***

Bryce Fenston hôm đó cũng thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, bởi vì ông ta cũng có một cuộc hẹn. Fenston vừa tắm vừa lắng nghe bản tin buổi sáng: một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung một quả bom trên mình tại khu Bờ Tây - một chuyện đã trở nên quen thuộc như bản tin thời tiết, hoặc như bản tin tài chính - không khiến ông ta phải tăng âm lượng.

“Một ngày đẹp trời, nắng ấm, gió đông nam nhẹ, nhiệt độ cao nhất 77, thấp nhất 65”, giọng cô gái đọc bản tin thời tiết cất lên khi Fenston bước ra khỏi phòng tắm. Tiếp theo là một giọng nghiêm trang cho ông ta biết chỉ số Nikkei ở Tokyo đã tăng mười bốn điểm, và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm một điểm. Chỉ số FTSE của London vẫn chưa xác định xu hướng. Ông ta nghĩ rằng cổ phiếu của công ty tài chính Fenston Finance không thể có biến động mạnh, bởi vì chỉ có hai người khác biết được về việc làm táo bạo này của ông ta. Fenston hẹn ăn sáng với một trong hai người đó vào lúc 7 giờ, và ông ta sẽ sa thải người kia vào lúc 8 giờ.

Đến 6:40, Fenston đã tắm và mặc quần áo xong. Ông ta liếc nhìn mình trong gương; giá mà ông ta cao thêm được hai insơ và gầy đi một chút. Chẳng có gì mà một thợ may giỏi và một đôi giày có đế trong do Cuba sản xuất lại không thể chỉnh sửa được. Ông ta cũng muốn tóc mình mọc lại, nhưng không phải vào lúc có quá nhiều người đồng hương lưu vong của ông ta ở đây, những người có thể vẫn còn nhận ra ông ta nếu ông ta để tóc.

Dù cha ông ta từng là một người lái xe điện ở Bucharest, bất cứ ai mới nhìn qua người đàn ông ăn mặc chỉnh tề vừa bước ra khỏi toà nhà bằng đá nâu trên phố East 79 và ngồi vào chiếc xe hơi sang trọng có tài xế riêng của mình đều sẽ nghĩ rằng ông ta sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có và quyền quý. Chỉ những ai nhìn thật kỹ mới phát hiện thấy ông ta đeo một viên kim cương trên tai trái - một kiểu làm dáng màu mè mà ông ta cho rằng sẽ khiến mình nổi bật so với những đồng nghiệp bảo thủ của mình. Không ai trong số nhân viên của ông ta dám nói điều ngược lại. Fenston ngồi vào ghế sau chiếc limousine. “Văn phòng”, ông ta ra lệnh cộc lốc trước khi ấn một chiếc nút trên chỗ để tay. Một tấm kính màu khói được nâng lên, ngăn cách ông ta với tài xế. Fenston cầm tờ Thời báo New York trên chiếc ghế bên cạnh lên xem. Ông ta giở nhanh qua các trang để xem có tít báo nào bắt mắt không. Thị trưởng Guiliani có vẻ đã thất bại trong âm mưu của mình. Bằng việc cài cắm vợ mình vào Gracie Mansion, ông ta đã đặt bà ta vào một vị trí quá thuận lợi để lên tiếng với bất kỳ những ai muốn lắng nghe. Lần này là với tờ Thời báo New York. Fenston đang mải mê với các trang tài chính khi tài xế cho xe chạy vào đường FDR Drive, và ông ta vừa giở đến trang cáo phó khi chiếc limousine dừng lại bên ngoài toà Tháp đôi New York. Sẽ không có ai đưa tin cáo phó về cái chết duy nhất mà ông ta quan tâm, nhưng, công bằng mà nói, chưa một ai ở nước Mỹ này biết về cái chết đó.

“Tôi có một cuộc hẹn tại Phố Wall vào lúc 8:30”, Fenston nói với người tài xế của mình khi anh ta mở cửa sau cho ông ta. “Vì vậy đón tôi vào lúc 8:30”. Người tài xế gật đầu, trong khi Fenston đã sải những bước dài về phía đại sảnh. Cho dù có tới 99 chiếc thang máy trong toà nhà này, chỉ có một chiếc duy nhất chạy thẳng lên nhà hàng trên tầng 107.

Khi Fenston bước ra khỏi thang máy một phút sau đó - ông ta đã từng nhẩm tính rằng khoảng thời gian ông ta phải đi thang máy trong cả đời mình cộng dồn lại sẽ là một tuần - chủ nhà hàng nhận ra vị khách quen thuộc liền cúi đầu chào và đưa ông ta tới một chiếc bàn trong góc nhìn ra Tượng thần Tự do. Có một lần, khi vừa bước ra khỏi thang máy và nhìn thấy chiếc bàn quen thuộc của mình đã có người ngồi, ông ta liền bước lùi trở lại trong thang máy. Từ đó, chiếc bàn ở góc ấy luôn chẳng có ai được ngồi, đề phòng ông ta bất ngờ xuất hiện.

Fenston chẳng hề ngạc nhiên khi thấy Karl Leapman đang đợi mình. Leapman chưa bao giờ chậm một phút trong suốt mười năm ông ta làm việc cho công ty Fenston Finance. Fenston băn khoăn không hiểu Leapman đã ngồi ở đó bao lâu, chỉ để đảm bảo rằng vị chủ tịch công ty không thể đến sớm hơn mình. Fenston nhìn xuống con người đã luôn cố chứng tỏ rằng vì ông chủ của mình, ông ta sẵn sàng nằm xuống mọi cống rãnh nếu cần. Nhưng Fenston là người duy nhất đem lại công ăn việc làm cho Leapman sau khi ông ta ra tù. Những luật sư bị khai trừ khỏi luật sư đoàn với một án tù chung thân vì tội lừa đảo thì rất khó có cơ hội được tin dùng. Fenston bắt đầu nói, thậm chí trước khi ngồi xuống. “Bây giờ chúng ta đang tham dự đám rước của Van Gogh”, ông ta nói nhanh, “sáng nay chúng ta chỉ còn phải thảo luận một chuyện duy nhất. Làm thế nào để có thể thoát khỏi Anna Petrescu mà không khiến cô ta ngờ vực?”

Leapman mở một tập hồ sơ trước mặt mình và mỉm cười.

Thêm Bình Luận