TRỪ SÉT
Nguyễn Lộc mang cung tên đi lòng vòng một lúc đã được vài con chim, buổi tối, cả hai lại nướng thịt uống rượu. Nguyễn Lộc nhìn Bảo Phúc:
− Đệ có muốn cùng ta kết nghĩa huynh đệ không?
Bảo Phúc nghe vậy mừng rơn:
− Đệ cầu còn không được, anh hùng như huynh có một nghĩa đệ như vậy không sợ mất mặt sao?
Nguyễn Lộc vỗ vỗ vai chàng:
− Ta chỉ cần cảm thấy đệ xứng đáng là được! Anh hùng gì chứ, ta đã hai lăm tuổi rồi, công danh còn chưa có thì cũng là hạng tầm thường mà thôi. Ở đây không có nhang, chúng ta lấy hai nhành cây khô thay vậy.
Nói xong nhặt hai nhành cây, đốt lửa rồi trao cho Bảo Phúc một nhành, cả hai cùng quì xuống:
− Hoàng thiên hậu thổ chứng giám, con là Nguyễn Lộc, hôm nay cùng Bảo Phúc kết nghĩa huynh đệ, sau này có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, không sinh cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm.
Bảo Phúc cũng khấn theo:
− Hoàng thiên hậu thổ chứng giám, con là Bảo Phúc, hôm nay nhận Nguyễn Lộc là nghĩa huynh, nguyện đồng cam cộng khổ, không sinh cùng tháng cùng ngày, nhưng nguyện …. à mà không được, lỡ mà đệ tìm được đường về nhà thì phải chết sau huynh cả nghìn năm kia, làm sao chết chung được.
Nguyễn Lộc phì cười:
− Đệ cứ nghĩ mình là thần tiên hay sao ấy.
Bảo Phúc cũng cười, khấn tiếp:
− Nếu con không tìm được đường về, nguyện cùng nghĩa huynh chết cùng ngày cùng tháng cùng năm.
Rồi quay sang Nguyễn Lộc:
− Đại ca tại thượng, xin nhận của tiểu đệ một lạy!
Nguyễn Lộc cũng vỗ vai chàng:
− Hiền đệ.
Gió lại bắt đầu nổi lên, sao trên trời dần bị mây đen che mất, tiếng khóc ư ư lại vang lên. Nguyễn Lộc đưa mắt nhìn quanh, rồi ngạc nhiên hỏi Bảo Phúc:
− Tối qua đệ còn kinh hãi, sao hôm nay không sợ sệt gì cả?
Bảo Phúc mỉm cười:
− Thật ra không có ma quỉ nào khóc cả, mời đại ca đi theo đệ!
Hai người cầm theo bó đuốc ra hành lang phía sau. Bảo Phúc trèo lên, tháo cái ống tre xuống, lập tức cái tiếng ư ư ngay trên đầu đã ngừng lại, tiếp tục tìm kiếm, lát sau toàn bộ các ống tre đã được tháo hết.
Nguyễn Lộc cầm trên tay mấy cái ống tre, hết nhìn chúng lại nhìn Bảo Phúc:
− Ta bắt đầu nghi ngờ về thân thế của đệ rồi đấy!
Trở lại phòng trước, Nguyễn Lộc lại hỏi:
− Kiếm pháp lúc đệ đánh nhau với Phùng Hầu thật ra là kiếm pháp gì?
Bảo Phúc nhìn anh:
− Đệ đã nói rồi, đệ chỉ đánh bừa thôi!
Nguyễn Lộc nhíu mày:
− Đánh bừa sao? Một thế kiếm múa đi múa lại năm sáu lần, cổ tay uyển chuyển như vậy đến ta còn không làm được, chứng tỏ đệ phải luyện tập rất nhiều.
Bảo Phúc hơi ngờ ngợ:
− Đệ nói thật mà, giờ còn không nhớ mình đã múa thế nào, huynh có thể biểu diễn lại hay không?
Nguyễn Lộc rút kiếm, múa qua một đường, nhưng chẳng có vẻ gì là lả lướt cả, rồi nói:
− Ta chưa từng luyện qua chiêu thức như vậy, cổ tay không uyển chuyển được như đệ. Thế kiếm mà đệ đánh ra vừa lạ vừa mềm dẻo, trong nhất thời Phùng Hầu không đối phó được nên mới bị thụ thương.
Bảo Phúc nghe xong thì phì cười:
− Chẳng qua đó là một chữ viết thôi, có lẽ nó đã ám ảnh đệ đến mức lúc vô thức cũng đã vẽ ra nó.
Chàng hồi tưởng lại cái nỗi ám ảnh khi học về dãy điện hóa ở trường phổ thông, cái chữ anpha đó đã làm khổ không biết bao nhiêu học sinh, đến nỗi chàng đi trên đường cũng còn phải múa để mường tượng ra một cái qui luật phản ứng gì gì đó nữa.
Nguyễn Lộc ngạc nhiên:
− Chữ viết sao? Tiếc rằng đệ không có nội lực, đối phương từ từ có thể hóa giải, nếu có thêm nội lực, một chiêu kiếm đó cũng đủ để phòng thân rồi.
−−−−−−−−−
Buổi sáng, Bảo Phúc thức giấc thì Nguyễn Lộc cũng đã đi làm việc mất. Chàng bần thần ngồi bó gối, ở thời đại này một con mọt sách bỗng trở nên vô dụng. Kiến thức khoa học không có đất dùng, sức lực chẳng đủ để lao động chân tay.
Đang đói bụng cồn cào thì có một thanh niên chạy đến, đứng từ ngoài cửa nói vọng vào:
− Bảo Phúc, ngươi có bên trong đó hay không?
Bảo Phúc mở cửa, thò đầu ra nhìn:
− Xin hỏi anh là ai, tìm tôi có việc gì?
Thanh niên nói:
− Hôm qua ngươi bảo rằng có thể làm phép trừ sét ở vọng hỏa đài, các vị lão gia muốn thử một lần nên cho ta đến tìm ngươi.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, Bảo Phúc ngay lập tức theo thanh niên đó chạy đi.
Dưới chân đài có hơn mười người đang tụ tập, Dương Vũ, Đỗ câu đương đều có mặt. Bảo Phúc vừa thi lễ, Đỗ câu đương đã tiến lại:
− Ngươi nói rằng có thể làm phép trừ sét, chuyện này có thật chứ?
Bảo Phúc gật đầu:
− Dạ đúng, cháu làm được.
Đỗ câu đương gật gù:
− Những thứ ngươi cần ta sẽ cho người chuẩn bị, ngươi nói xem phải có thêm những gì?
Bảo Phúc đáp ngay:
− Đàn làm phép cần một con gà mái luộc béo, hai bát cháo to, một cỗ xôi đầy, trái cây, nhang đèn các thứ ạ.
Đỗ câu đương đưa mắt nhìn, Dương Vũ gật đầu:
− Được rồi, những thứ đó để ta lo liệu.
Rồi ông ta nhìn Bảo Phúc, thoáng chút ái ngại:
− Nhưng cậu đã hứa là sẽ ở lại giữ hỏa đài qua một trận mưa để kiểm chứng, có làm được không?
Bảo Phúc tự tin:
− Cháu làm được ạ!
Dương Vũ đưa mắt nhìn Đỗ câu đương, dường như có ẩn ý gì đó, rồi quay sang Bảo Phúc nói tiếp:
− Chỉ cần trừ sét thành công, lão phu sẽ tự xuất tiền thưởng cho cậu một trăm đồng.
Bảo Phúc cũng chẳng biết một trăm đồng thì làm được gì, nhưng có còn hơn không đã, chàng gật đầu:
− Vậy thì tốt quá rồi!
Hai lão gia để lại cho Bảo Phúc ba thanh niên giúp việc, còn lại họ phân phối đi chuẩn bị các thứ cần thiết.
Bảo Phúc tất bật làm ra vẻ thần bí, hết đi đi lại lại, lúc thì chỉ nơi đặt đàn làm phép, khi thì chỉ đào đất nơi đặt tấm sắt để trấn yểm, loay hoay đến giữa trưa thì mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi.
Đứng trước pháp đàn, chàng đốt ba cầy nhang, lầm bẩm trong miệng một tràng câu thần chú tự mình sáng tác.
Học các pháp sư thời cổ đại, Bảo Phúc một tay cầm cây sắt nhọn, chân nhảy lò cò quanh pháp đàn, vừa hát liên hồi ba bốn bài hát bằng tiếng Anh.
Đến khi nhang vừa tàn thì chàng cũng dứt lời bài hát, lấy dây đồng nối vào thanh sắt nhọn, cử một người leo lên cắm trên đỉnh đài, đầu dây còn lại nối vào tấm sắt chôn dưới chân đài.
Đỗ câu đương ngáp vắn ngáp dài:
− Pháp lễ đã xong hay chưa?
Nhìn điệu bộ thờ ơ của ông ta, Bảo Phúc biết ngay màn trình diễn vừa rồi của mình chẳng có chút thuyết phục, toan mở lời thì Nguyễn Lộc và chủ tớ An Nhiên đột nhiên tìm đến.
Nhìn nét mặt của con gái, Dương Vũ có chút bối rối:
− An Nhiên, sao con lại đến đây?
An Nhiên nhìn thẳng mặt ông ta:
− Cha, cha giải thích đi, tại sao cha phải làm như vậy?
Dương Vũ quay mặt đi hướng khác:
− Con muốn cha giải thích chuyện gì đây?
An Nhiên thất vọng:
− Đỗ Sơn đã nói hết cho con nghe rồi, đêm qua người gác đài lại bị sét đánh chết, vì vậy ai cũng sợ hãi không dám đến canh nữa. Cha với bá bá bàn với nhau lừa Bảo Phúc, nói là làm phép nhưng thật ra là dụ dỗ người ta đến giữ vọng hỏa đài. Cha làm như vậy có quang minh chính đại hay không chứ?
Đỗ câu đương đằng hắng:
− An Nhiên à, đừng trách cha cháu như vậy, đây là chủ ý của bá bá. Cháu nghĩ thử xem, bọn ta đúng là muốn dụ hắn đến trông đài ít hôm chờ tới phiên của người khác, nhưng bản thân hắn cũng là một tên lừa đảo, muốn giả thần lộng quỷ để kiếm thức ăn và tiền tiêu xài đó thôi. Một kẻ bần tiện như thế chết đi thì có đáng gì kia chứ.
Nguyễn Lộc bước đến bên Bảo Phúc:
− Cũng may là bọn ta biết tin sớm, nếu không đêm nay đệ chết đi cũng không biết vì sao. Hiền đệ, kế sinh nhai đâu có thiếu gì, sao đệ lại nghĩ ra chuyện hoang đường như vậy.
Dương Vũ chắp tay sau lưng, ngửng mặt nhìn trời, đoạn thở dài:
− Lão phu bình sinh luôn làm việc quang minh chính đại, sao hôm nay phải đi đến bước đường này. Thôi được, Bảo Phúc, ta cũng không muốn lừa gạt cậu nữa. Sự thật là vọng hỏa đài này đây, mỗi năm khi những cơn mưa đầu mùa đều bị sét đánh trúng nên thường không cử người canh gác. Nhưng năm trước Nam Tống đã bị diệt, người Nguyên liên tục động binh, có thể xâm phạm biên cương bất cứ lúc nào, vì vậy phải luôn có người ở trên đài theo dõi để kịp thời thông báo, tiền công và thức ăn do các phú gia thay nhau chi trả. Đêm hôm trước đài bị sét đánh trúng, đã chết một người rồi, đêm qua lại thêm một sinh mạng nữa, nhất thời lão phu không tìm ra được người thay thế, nên đành phải dùng hạ sách này. Ôi thôi, một đời thanh bạch của lão phu, đến khi đầu chuyển hai thứ tóc, lại đi lừa bịp một hậu bối, thật không còn mặt mũi nào nữa.
Bảo Phúc nghe qua, lẩm bẩm:
− Nam Tống mới bị diệt năm trước ư, vậy thì ít ra cũng bốn năm năm sau giặc Nguyên mới kéo sang mà, các người quá lo lắng rồi.
Dương Vũ và Đỗ câu đương đều ngạc nhiên:
− Cậu nói vậy là ý gì?
Bảo Phúc giật mình, xua tay:
− Cháu chỉ đoán vậy, người Mông Cổ mới trải qua chiến tranh, cần có thời gian chuẩn bị mới có thể đánh xuống Đại Việt ta.
Dương Vũ lắc đầu:
− Thôi đi, nếu đã như vậy lão phu chỉ còn cách tự mình trông đài mà thôi.
Bảo Phúc liền nói:
− Ý cháu không phải vậy! Dù cho mọi người không tin, nhưng lễ cầu Lôi thần đã làm xong, trước mắt thì đài này được an toàn, đêm nay cháu sẽ ở lại canh giữ như giao ước.
Nguyễn Lộc ngạc nhiên:
− Hiền đệ, có được không?
Bảo Phúc gật đầu:
− Đại ca, việc trừ tiếng ma quỉ kêu khóc đêm qua đã khiến huynh an tâm chưa?
Nguyễn Lộc suy nghĩ một lúc, vỗ vai:
− Cũng là do huynh lỗ mãng, được rồi, ta tin. Được kết nghĩa anh em với một người như đệ quả là may mắn của Nguyễn Lộc này.
Mọi người nghe Bảo Phúc nói vậy, thở phào. Đỗ câu đương vẫn còn chưa vững tâm, vội nói:
− Như vậy thì cậu đồng ý canh đài đêm nay nhé. Bây giờ cũng đã trễ, mọi người mau về thôi.
Đám đông lục tục kéo về. Chỉ còn Nguyễn Lộc nấn ná, Bảo Phúc kéo anh ta lại:
− Hôm nay có rượu thịt đầy đủ, huynh đệ ta cùng ăn cho thỏa thích nhé.
Nguyễn Lộc kinh ngạc:
− Hiền đệ, không phải đây là lễ dâng Lôi thần sao?
Bảo Phúc cười hì hì:
− Ông ấy đã ăn xong phần mình rồi, chỗ còn lại là thưởng cho huynh đệ chúng ta đó.